Mường Mán quê làng An Truyền (làng Chuồn), Phú Vang, Huế. Hồi xưa ở miền Trung Việt Nam, ông làm phóng viên chiến trường. Sau 30 tháng 4 năm 1975, Mường Mán được ca cẩm là: “Để kiếm sống, nhà thơ Việt Nam làm thật lắm nghề: chạy xe ôm, đạp xích lô, đi ăn mày, giữ xe đạp…cả đi chăn vịt”.

16 năm sau CS chiếm Miền Nam, năm 1991, Mường Mán ‘đổi đời’, ông được CS kết nạp vô Hội Nhà văn Việt Nam. Mươi năm sau nữa, tác phẩm “Muối trăm năm’ của ông được giải thưởng. Nghĩa là Chủ tịch Hữu Thỉnh, (5 anh em trên chiếc xe tăng Trung cộng ủi đại vô Sài Gòn), cưng ông Mường Mán lắm nhe!

Ông Mường Mán hay thiệt! Cửa nào ổng chui qua cũng lọt hết ráo. Trong khi nhà văn quân đội Phan Nhật Nam được Hữu Thỉnh cung ‘thỉnh’ nhưng ông đại úy Dù, “Mùa hè đỏ lửa’ cóc có thèm theo ông Du Tử Lê về Hà Nội để đội chuối khô.

Không những CS trong nước cưng ông Mường Mán, mà nhạc sĩ Anh Bằng ở nước ngoài cũng cưng, cũng phổ thơ ông. Nhưng anh bạn văn của tui lại cay đắng và cay cú. Ảnh vạch lá tìm sâu bài ‘Chăn vịt ở Phương Nam’ thơ Mường Mán do Châu Định An phổ nhạc. Với cụ bà Khánh Ly, hai người song ca rùm trên ‘Youtube’.

Con sâu rọm thứ nhứt là về tứ thơ: “Thương mình em cô đơn. Ngày đưa võng ru con. Mong chồng nơi biên giới. Mà chiến chinh tưởng lụi. Ai ngờ vẫn còn dài!” Ông Mường Mán ngây thơ ‘cụ’ thiệt là tội nghiệp! Bà con mình ai cũng biết Lê Duẩn bắt chồng em đi nghĩa vụ quân sự chiến trường “K” (Kampuchia) để đánh nhau với Khmer Rouge (đỏ) làm một công hai chuyện. Ngăn Pol Pot theo Tàu tấn công phía Tây Nam. Trong khi Đặng Tiểu Bình đánh 6 tỉnh biên giới phía Bắc thì Duẩn sẽ lưỡng đầu thọ địch. Nhưng quan trọng hơn, Duẩn sợ Trần Văn Trà, Việt Cộng trong Nam bị cho ngồi chơi xơi nước, bực tức trở cờ, làm ẩu.

Con sâu rọm thứ nhì là về cách dùng chữ: “Tôi người trai Sông Hương. Lưu lạc về Sông Hậu. Như chim mỏi cánh đậu. Trên vồng đất quê em (?)

Anh bạn tui dân Miền Tây rặt ri nói: “Ông Sơn Nam phán muốn mần văn phải học Sử Địa. Ông Mường Mán là người trai Sông Hương, dân Huế, không phải là dân Miền Tây không biết nên viết ẩu trên ‘vồng đất’ quê em! Ảnh nói nhỏ lớn anh chưa nghe bà con sông Hậu, quê ảnh, nói ‘vồng đất’ bao giờ. Nếu có nói là ‘vồng khoai’. Khoai là loại dây có củ, có nhiều loại: khoai lang, khoai mì, khoai môn, khoai mở, khoai từ v.v. Khi làm đất trồng khoai, còn gọi là cuốc khoai. Bà con đánh thành luống khá cao, xẻ một đường dọc luống, đặt các đoạn dây khoai lang rồi lấp đất lại. Khoai lang 3 tháng phủ vồng.

Mường Mán 

Như vậy vồng là một luống đất đắp cao, hình khum khum. Như vậy chỉ có ‘vồng khoai’ Chỉ có đất giồng. Trên đất giồng mình trồng khoai lang.

Không có vồng đất. Ông than mỏi cánh đậu “Trên vồng đất quê em (?)” đất có chút tẳn chó nằm ló đuôi; làm sao đậu cho được hè? Biết đâu chừng ông Mường Mán muốn ám chỉ cái chỗ phồng ra cái vồng trên cái vồng dưới của em. Chồng em là đồng chí bộ đội ra biên giới Tây Nam đánh nhau với đồng chí Pol Pot! Nên cái vồng nầy không ai cuốc khoai nên ông lẻn vô mà ‘đậu’ cái vồng nầy hay chăng?

Nếu không thì ông Mường Mán viết trật chánh tả. Phải là ‘giồng’ không phải ‘vồng’. Lục tỉnh có rất nhiều giồng như: “Giồng Ông Tố” gần Sài Gòn. Giồng Dứa tỉnh Định Tường (Mỹ Tho) “Giồng Trôm” tỉnh Kiến Hoà (Bến Tre). “Giồng Riềng” tỉnh Kiên Giang (Rạch Giá)…

Bà con Miền Tây mình ai cũng biết phù sa lửng lơ theo dòng nước đục như sương sa. Lâu ngày chày tháng, rễ tràm, đước, bần giữ lại, phù sa lắng xuống, bồi đắp, nổi lên thành cù lao. Trên cù lao, các dải cát do phù sa bồi đắp dài hàng chục cây số, cao 4 tới 5 mét, rộng vài trăm mét mình gọi là giồng.

Miền Tây 6 tháng mưa mùa nước nổi. Có năm mưa nhiều nước dâng trắng đồng, anh về quê em khắp nơi như là biển khơi. Nên để chắc ăn, bà con mình chọn đất giồng để cất nhà, để làm rẫy, để cuốc khoai hoặc để lên liếp lập vườn dừa, vườn cam, quýt, sầu riêng, măng cụt… Còn ruộng đất thấp hơn thì trồng lúa nước.

Con sâu rọm thứ ba: “Em đùa: Anh chiếc lá. Bị bão dạt về Nam. Tôi đùa: thời buổi khó. Đi đâu để trốn buồn? Thôi đành đi chăn vịt! Em bảo: Thế mà hơn”

Phụ nữ Miền Tây không ai dùng chữ ‘đùa’; em dùng chữ ‘giỡn’. Không ai dùng chữ ‘bảo’; em dùng chữ ‘nói’. Đem tiếng Bắc nhét vô mồm em sông Hậu đâu có được nè!

Con sâu rọm thứ tư: “Em buồn: cây nhang ngún. Cháy khuya sầu mênh mang”

Ngún là động từ, cháy ngầm, không bốc thành ngọn. Như đám trấu cháy ngún. Cháy gần hết là tàn. “Anh buồn còn chỗ thở than. Em buồn như cọng nhang tàn thắp khuya”.

Có người sửa lại “Anh buồn có chỗ thở than”. Viết vậy, tui thấy chữ ‘có’ không hay bằng chữ ‘còn’. Bởi tục ngữ có câu: “Mất cái nầy còn cái kia”. Không có bà nhỏ thì còn bà lớn. Anh có 2 vợ; lúc anh buồn, anh nằm gác tay lên trán. Anh tắc lưỡi; anh thở dài thườn thượt; anh còn có rượu để dục tửu phá thành sầu; anh còn chỗ thở than tức là anh còn có con vợ anh dù không muốn nghe anh lè nhè nó cũng phải nghe.

“Em buồn như cọng nhang tàn thắp khuya” là tâm sự của em phận làm bé. Buồn từ đầu hôm tới khuya. Nhang thắp đã tàn em mình ên không ai bóp bắp giò, đấm lưng gì hết ráo nên buồn vẫn chưa vơi!

Nói nào ngay, hồi xưa tui có về năn nỉ con vợ tui cho tui bắt chước ông nội tui cưới vợ bé. Nhưng con vợ tui nói “Lâm-tri chút nghĩa đèo bồng”, tội nghiệp người ta. Anh không đọc “Nhang tàn thắp khuya’ sao? Nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ nói cái tâm sự đó đa.

Tóm lại bài thơ “Chăn vịt ở Phương Nam” của ông Mường Mán sâu rọm nhiều quá, bắt mệt nghỉ. Ông từ Huế vô mà không chịu tìm hiểu cặn kẽ gì về cái giồng đất sông Hậu quê tui hết trơn hè!