Chân dung một Việt kiều cựu học sinh Petrus Ký, Phan minh Trí.

Kinh Bồng (Trần Công Bình)

Bốn giờ chiều giờ Việt Nam, tôi nhẩm tính giờ này ở Vancouver là 5g sáng. Tối nay là đêm Noel, trời lành lạnh và trống vắng, tôi càng nghĩ đến cái rét run của miền Tây Canada. Bấm zalo tôi gọi cho Phan minh Trí, người mà chúng tôi vẫn gọi là anh Hai đúng với cách chơi hào sảng của anh Hai Nam Bộ với bạn bè.

Đến hồi chuông thứ hai, đầu dây bên kia mới bắt máy:

– Chào anh Tư, khỏe không anh Tư.

Tôi nghe giọng nói như còn ngái ngủ nên giựt mình:

– Khỏe, ủa chưa chuẩn bị đi làm hả?

Tiếng cười nhẹ nhàng, từ tốn như tha thứ sự nhầm lẫn về giờ giấc của tôi:

– Giờ này mới 2 g sáng hà anh Tư.

Tôi giựt mình:

– Chết mẹ, lẫm cẩm thế nào mà tính là đã 5 g, tưởng là anh Hai thức dậy chuẩn bị đi làm rồi.Làm mất giấc ngủ anh Hai.

– Không sao anh Tư, anh em khỏe không?

Tính anh Hai là như vậy đó, luôn thân ái, nhẹ nhàng với anh em bạn bè, nhất là Tứ 4. Gần 60 năm chơi với nhau, tôi chưa hề thấy anh Hai nổi giận bao giờ. Có một lần hồi ở sân bóng đá Lam Sơn, khi PHC cự cãi với số bạn bè rồi chìa mặt ra thách thức:

– Tụi mầy ngon đánh đi.

Thế là có thằng sẵn trớn bộp tai. Anh Hai thấy căng cứ lóng cóng chạy vòng quanh đám đông mà can ngăn. Nhưng tướng anh Hai nhỏ con, thấp hơn Đức Tây lai cả một cái đầu rưởi nên chỉ đi lòng vòng, không dám xáp vô đám lớn con.

Mấy năm sau, anh Hai quyết chí đi học võ, tập hít đất mấy cục xương tay chai nổi có nần. Chắc có lẽ nhờ vậy anh rất tự tin và cũng thường khoe 8 cục chai này như để răn đe mấy thằng có tính du côn (?!)

Thời bao cấp, mọi người đều khổ. Anh Hai cũng không hơn gì, nhưng chính lúc này càng tỏ rõ tính hào sảng của anh Hai. Anh chị Hai lúc đó bán xăng lậu ở góc đường Tản Đà – Nguyễn tri Phương. Xăng được giấu dưới nắp cống cả hai bên đường. Anh Hai cho một đứa cháu đứng một bên đường, còn anh chạy qua chạy lại đón khách và đổ xăng. Nhiều bạn bè chạy xe không còn một giọt xăng mà túi cũng rỗng, ghé anh Hai đổ chịu. Tôi có lần nhớ anh Hai, muốn ghé thăm, kiếm cớ đỗ xăng, nào ngờ đỗ xong anh dứt khoát không lấy tiền:

– Chút đỉnh mà, có gì đâu anh.

Xong anh vỗ vai, ra dấu cứ đi. Tôi ngỡ ngàng trước cái cảnh quá ư rộng rãi với bạn bè, trong cái thời kỳ “quá đã” lúc ấy. Sau này có đứa nói lại là có lần đứa cháu không biết người đỗ xăng là bạn anh Hai nên chọn bình tròn, anh rầy nói đó là bạn anh, phải lấy bình vuông (bình đủ dung tích hơn bình tròn). Xăng cho mà còn phải đong đủ, lạ thật là lạ !!!

Từ khi định cư ở Canada, anh Hai vẫn liên lạc với anh em thường. Tháng nào anh cũng chúc sinh nhật bạn Tứ 4 trong tháng đó. Năm nào không về thì anh gởi tiền về để anh em vui ngày mùng 4 Tết là ngày họp mặt truyền thống của dân Tứ 4.

Trong năm vừa rồi anh Hai bắt đầu xài messenger, từ đó tôi mới biết được thực sự nỗi cơ cực của anh Hai ở xứ người. Trong khi nhiều đứa bạn ở Việt Nam về hưu thì chẳng phải làm gì nữa bởi có ai mướn mà làm, nhất là sức đâu còn để mà làm. Riêng anh Hai vẫn đều đều ngày từ 8 đến 10 tiếng làm ở nhà hàng. Thấy hình anh Hai ốm nhom và già hẵn.

Anh Hai tự nói :

– Anh thấy em già quá phải không ?

Tôi áy náy:

– Chắc là làm mệt rồi không ăn uống được chứ gì ?

– Chắc là vậy.

Tôi hỏi anh Hai:

– Anh tính làm đến chừng nào mới nghỉ hưu?

– Chắc phải còn lâu lắm …

Tôi nghe nói mà lè lưỡi. Tết này anh 68 tuổi ta rồi, còn lâu lắm là lúc nào ?! Số anh Hai đúng là số cực, ở nước ngoài mà phải cày cật lực, ai nói Việt kiều sung sướng hồi nào đâu !!! ???

Ghi chú: 3 bức thư pháp tôi tặng anh 2 khi về nước cách đây chục năm, anh 2 Trí đóng gói, đem về Canada, treo trong phòng ngủ, thật xúc động