Tôi xin trình bày một số nét về gia đình tôi.

Má tôi là người Saigon 100%. Má tôi sinh ở Saigon, lớn lên, làm việc và chết tại Saigon, nhưng ngoại tổ của tôi thì ở Bắc Ninh, làng Nội Duệ. Ông ngoại tôi là Cụ Nguyễn Văn Ngữ, là ông tiên chỉ ở làng Nội Duệ, Bắc Ninh, vào Saigon lập nghiệp ở đầu thế kỷ 20. Ông ngoại tôi là một thầu khoán về may mặc, có xưởng may mặc. Ông ngoại tôi có nhiều tiệm may và tôi có một người cậu có tiệm may ở đường Catinat (Tự Do) và là con rể của ông Thái Văn Biểu, một thương gia ở đường Tự Do. Má tôi rất thông minh, khéo tay cũng hành nghề may mặc. Má tôi có trình độ học hết tiểu học, đáng lẽ tiếp tục học trung học, nhưng ở với bà mẹ kế nên không thể học thêm được nữa, mặc dầu vậy má tôi cũng rất khá về Pháp văn và Việt văn.

Má tôi cũng giỏi về may mặc về sau nầy cũng hợp tác với dì tôi (bà con bạn dì) có tiệm may Hồng Hoa và sau đổi tên là Thúy Loan (đường Trần Quang Khải) cạnh pharmacy Nguyễn Xuân Duyệt.

Ba tôi cũng là người Saigon, nhưng chỉ được 70%. Ba tôi sanh ở Thanh Chương, Nghệ An. Sau khi đậu Thành Chung (Diplome), ba tôi thi đậu vào làm việc ở Sở Hỏa Xa (Chemin de Fer) Nghệ An một thời gian ngắn.

Ông thấy tương lai không khá ở một chỗ đất đai khô cằn, nên vào Nam lập nghiệp ở đầu thập niên 30. Ba tôi rất thông minh, cần cù, khéo tay, ông đã học trung học ở trường Vinh, Nghệ An, sau Bác sĩ Phạm Biểu Tâm hai lớp và trường Pellerin Huế. Sau khi tốt nghiệp trung học, ông định ra Hà Nội để tiếp tục học, vì ở Vinh, Nghệ An, không có trường đệ Nhị cấp, hoặc ra Huế. Song vì gia đình nghèo, bà nội tôi mất sớm, nên ba tôi phải bỏ học đi làm và sau đó vào Nam lập nghiệp.

Theo gia phả bên nội tôi, thì ông tổ của dòng họ Trần chúng tôi là danh tướng Trần Nguyên Đán của đời Trần, cháu bảy đời của danh tướng Trần Quang Khải và có bà con với Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Tới đời ông nội tôi là qua mấy chục đời. Ông nội tôi là một thầy thuốc đông y và là thầy giáo dạy học, ông chữa bệnh rất mát tay và có tiếng tốt. Ba tôi có một người anh học giỏi, nhưng mất sớm, một em gái cũng làm công nhân viên ở Nghệ An và có con là Kỹ sư xây dựng. Sau năm 1954, cả hai đều ở lại Vinh, Nghệ An. Phía bên nội tôi, đa số làm nghề giáo hoặc nghề y như bác sĩ, dược sĩ. Tôi có một người bác (bà con chú bác ruột với cha tôi) là Dược sĩ Trần Văn Uyển, rất nổi tiếng, và học cùng với Dược sĩ Phạm Doãn Điềm ở Saigon (thân phụ của Bác sĩ Phạm Doãn Đễ). Tôi có người chú (chú bác ruột với ba tôi) là Bác sĩ Trần Văn Nguyên, là bạn thân của Bác sĩ lão thành Trần Hữu Nghiệp.

Mấy vị trên đây đều ở lại ngoài Bắc cho đến năm 1975 mới vào Nam gặp lại ba tôi. Ba tôi vào Nam chỉ có một mình với hai bàn tay trắng, nhưng ông là một người tự lực cánh sinh, hiền hòa, chịu khó làm việc. Ở trong Nam tôi có người chú họ (bà con cô, cậu ruột với ba tôi) là Luật sư Nguyễn Đức, Luật sư tòa Thượng Thẩm Saigon trước 75. Ông từng làm công chức cao cấp ở Đệ I và Đệ II Cộng Hòa, ông từng giữ chức Đổng Lý Văn Phòng Bộ Kiến Thiết và Thiết Kế Đô Thị dưới thời Bộ trưởng Hoàng Hùng (Chánh Phủ Ngô Đình Diệm). Ông sang Mỹ năm 1975 và là một trong những người đầu tiên thi đậu luật sư của Mỹ và đậu bằng hành nghề luật sư năm 1980 nhưng mất vài tháng sau đó vì bị đột quỵ.

Ông cậu tôi, em ruột bà nội tôi, là cụ Phương Phủ Nguyễn Hữu Quỳ. Lúc nhỏ, từng học chung lớp bậc tiểu học với cụ Phan Huy Quát, sau nầy là Thủ Tướng Việt Nam Cộng Hòa. Ông cậu tôi được học trường Quốc Tử Giám và làm công chức tại tòa Đại Biểu Chánh Phủ ở Huế và ở tỉnh Quảng Ngãi. Sau nầy khi về hưu, ông làm chuyên viên Hán học ở Phủ Quốc Vụ Khanh, đặc trách Văn hóa của cụ Mai Thọ Truyền. Ông có dịch nhiều sách Hán văn ra tiếng Việt cùng với các cụ Hồng Liên Lê Xuân Giáo, Đông Tùng Nguyễn Văn Bồng. Ông rất được cụ Quốc Vụ Khanh Mai Thọ Truyền quý mến. Tôi có một người bà con nữa là Dược sĩ Thiếu Tá Phạm Văn Chiêu (DK67), bà mẹ của Chiêu là chị họ của ba tôi (cô, cậu ruột).

Nhà tôi lúc đầu ở số 77 Mayer (Hiền Vương), sau nầy là nhà may Cao Minh. Ba tôi có mở một tiệm bán đồ mộc có tên là Le Rabot. Ba tôi còn có một xưởng làm đồ mộc ở số 146/15 Hiền Vương cũng là nhà và cơ sở kinh doanh của cụ Nguyễn Hạnh, nhạc phụ của Dược sĩ Thái Khắc Ngôn (DS57).

Lúc đầu, gia đình tôi rất khá giả, nhưng vì tình hình chiến tranh năm 1945, kinh tế suy sụp nên ba tôi bị thất bại, phải dọn vào ở nhà số 146/46 đường Hiền Vương. Nhà tôi sát bên trường Đức Minh và ở phía sau căn nhà Cha sở họ Tân Định, nên mỗi sáng lúc 5 giờ là tôi nghe tiếng Cha sở đọc kinh và làm lễ ở nhà thờ. Sau đó, tôi lại nghe các sư huynh đọc kinh và dự thánh lễ do các Cha khách đến làm lễ mỗi ngày ở trong trường.

Ba tôi đã gặp má tôi vào thập niên 30 và kết hôn năm 1940. Gia đình tôi có bốn chị em, hai trai hai gái. Chị tôi là Dược sĩ Trần Thị Chương (DK70). Chị tôi từng là Giáo sư chánh ngạch tại trường Quốc Gia Nghĩa Tử Saigon, và sau 75, ở trường Trung học Nguyễn Thượng Hiền, quận Tân Bình, Saigon. Anh rể tôi là Kỹ sư Nguyễn Hoàng Sang, cựu học sinh Petrus Ký (năm 59), đậu Master of Mechanical Engineering ở Perth Úc châu năm 1967. Về nước, anh là Giảng sư ở trường Kỹ Sư Công Nghệ và làm việc cho hãng xăng Esso. Sau khi vượt biên năm 1981, anh rể tôi có làm việc cho Bộ Năng Lượng ở Luân Đôn và là xướng ngôn viên của đài BBC với biệt hiệu là Nguyễn Khánh từ năm 1982 và nay đã về hưu. Anh chị tôi có người con trai là Bác sĩ Duke Nguyễn Hoàng Đức, chuyên khoa gan và tiêu hóa hiện đang hành nghề tại Orange County, Nam California.

Em gái tôi, Trần Thị Kim Chi, cử nhân Luật khoa Sai- gon. Năm 1974-75, em tôi là Luật sư tập sự tại văn phòng Luật sư Phan Tấn Chức, ở Gia Định. Sau 75 là công nhân viên của Sở Ngoại Thương. Em rể tôi Đỗ Văn Toàn, cử nhân Luật khoa 1974.

Em trai tôi, Trần Văn Kỳ, trước 75 cũng tốt nghiệp Trung học, nhưng vào năm 1966, được đi làm ở sở Mỹ, đời sống cũng nhàn nhã và tài chánh cũng khá. Sau đó, bị động viên vào Hạ sĩ quan ngành hành chánh tài chánh. Nhiệm sở cuối cùng là Cục Xã Hội QL/VNCH. Sau 75, làm nghề y tá và vợ là Trần Thị Hạnh, y tá ở bệnh viên Y Học Dân Tộc (Clinique Trần Đình Đệ cũ).

Ba tôi là một người hiền lành, thông minh, nhưng không gặp thời, nên chịu cảnh nghèo. Nhưng ba tôi là một người cha tuyệt vời mà trong đời tôi, tôi không thấy ai hay hơn ba tôi. Tôi yêu mến ba tôi vô cùng.

Ba tôi tuổi Dần, má tôi tuổi Thân, nên hai người xung khắc nhau, thường hay cãi nhau. Ba tôi chịu đựng rất giỏi, nhưng cuối cùng ba má tôi ly thân. Má tôi về ở với dì tôi, còn ba tôi và chúng tôi ở chung với nhau ở đường Hiền Vương. Sau nầy má tôi về ở với chị tôi khi chị tôi lập gia đình.

Ba tôi ở vậy nuôi con, má tôi cũng vậy, không ai đi thêm bước nữa.

Trước năm 1955 ba tôi làm ăn rất khá, ngoài tiệm bán đồ mộc, một xưởng mộc, xưởng cưa. (Một người thợ của ba tôi là Trần Văn Xiêm, sau khi bị tai nạn nghề nghiệp, giải nghệ và ra mở tiệm phở gà Hiền Vương rất nổi tiếng). Ba tôi còn có một chiếc xe chuyên chở hàng hóa, lộ trình Saigon-Biên Hòa, nhưng vì thiếu người trông coi, tiền bạc bị thất thoát, và thời cuộc 1954-55, kinh tế bị ảnh hưởng sau khi Pháp rút quân, ba tôi bị lỗ lã, nợ nần và trở nên nghèo.

Sau nầy, ba tôi phải đổi nghề, ba tôi dạy Pháp văn ở một số trường như Tân Phương, Đức Chánh… Sau nầy ba tôi có làm kế toán viên trong nhà thuốc Bác sĩ Tín.

Mặc dầu gặp nhiều khó khăn và nhiều lúc “chạy ăn từng bữa toát mồ hôi”, song ba tôi cũng ráng chịu đựng, chịu nhiều cay đắng trong cuộc đời. Lương bổng của ba tôi, bằng lương một giáo viên tiểu học hay một thư ký, nhưng ba tôi đã nuôi chúng tôi thành tài, có địa vị trong một xã hội và được nhiều người mến phục. Trong xóm tôi, có ba người được nhiều người kính nể là ông Phán Khải (cha của Bác sĩ Trần Hiếu Thuận), ông Nguyễn Hạnh (nhạc phụ của Dược sĩ Thái Khắc Ngôn) và ba tôi. Bên đường Duy Tân có cụ Ngô Xuân Khiêm (thân phụ của Đại tá Ngô Xuân Nghị, cố Thiếu tá Ngô Xuân Soạn) cũng được nhiều người nể phục.

Ba tôi theo dõi sự học của chúng tôi, và kèm cho tôi môn Toán và Pháp văn, nhờ đó tôi học giỏi nhất lớp. Nhờ học giỏi, nên các sư huynh rất thương mến tôi và cho tôi được học miễn phí. Sau nầy, em trai và em gái tôi cũng được học miễn phí ở trường Thiên Phước, trường La San Đức Minh.

Tôi cũng may mắn trong việc học và nhờ ba tôi động viên, giúp đỡ và được ở khu Tân Định với nhiều phương tiện. Nếu tôi ở tỉnh, chắc tôi học đến trung học là nhiều.

Đời niên thiếu của tôi cũng đầy những kỷ niệm. Ba tôi không bao giờ rầy la chúng tôi và luôn luôn an ủi chúng tôi mỗi khi chúng tôi gặp chuyện buồn. Ông đúng là một người cha, một người anh và một người bạn của chúng tôi. Ông còn đóng vai một người mẹ của chúng tôi nữa. Thông thường một “gà trống nuôi con” khó thành công hơn “gà mái nuôi con”. Ba tôi rất vất vả, trong điều kiện sinh sống, lại bận rộn trong việc nuôi con, giáo dục cho con. Có lúc, tôi định bỏ học hay đi làm với trình độ Tú tài, nhưng ba tôi không cho, và có lúc phải vay nợ để trang trải chi phí trong nhà, ba tôi đã qua hình ảnh của Tú Xương “chạy ăn từng bữatoát mồ hôi” nhưng ba tôi không bao giờ nản lòng hay phàn nàn. Ba tôi là một người ba tuyệt vời tôi ít thấy ai hơn trong cuộc đời của tôi.

Chị tôi đi học năm chót trung học, chị thấy hoàn cảnh gia đình nên đã nộp đơn thi vào trường Quốc Gia Sư Phạm và đậu rất cao, nhưng ba tôi không muốn chị tôi bỏ học nên khuyến khích chị tôi tiếp tục học hết trung học để lên đại học hầu có một tương lai tốt đẹp hơn. Chị tôi học ở trường Thiên Phước, chị tôi đáng lẽ ra dược sĩ vào năm 1968, nhưng trong lúc đi học, để kiếm thêm lợi tức cho gia đình, chị đã xin đi dạy học ở trường Mạc Đĩnh Chi, trường Văn Hóa Quân Đội và trường Quốc Gia Nghĩa Tử, vì thế chị rớt hết hai năm, chị tôi đã tốt nghiệp dược sĩ năm 1970.

Tôi may mắn học ở trường La San Đức Minh, các sư huynh cho tôi kèm cặp các bạn học kém. Chị tôi và tôi đi lượm trái điệp về đập ra và bán cho các bà bán hàng, kiếm thêm chút đỉnh và có tiền để ăn vặt.

Gia đình tôi cũng xảy ra nhiều sóng gió, nhưng nhờ Ơn Trên mọi việc đều êm xuôi. Tôi học xong Trung học, rồi y khoa, đúng với ước nguyện của ba tôi.

Sau khi đậu tiểu học, tôi đã thi đậu vào trường Petrus Ký, trường công lập nổi tiếng nhất của Saigon. Chị tôi cũng đậu tiểu học một lượt với tôi và cũng thi đậu vào trường Gia Long, khiến cho ba tôi đỡ vất vả. Lúc đầu tôi định lên học trường Taberd, nhưng học phí nhiều quá, gia đình tôi không kham nổi và trường Petrus Ký đã giúp tôi thấy một tương lai tốt đẹp.

Ba tôi lúc trẻ rất cơ cực nhưng về già, ba được đền bù lại bằng sự thành công của con cái, cũng an ủi cho ba tôi.

Chúng con rất thương mến ba “Cha Già Dấu Yêu”.