Cây Xăng Cục Gạch

Vưu Văn Tâm

— Mến tặng BHAH —

Đứa bạn cùng lớp rủ Tám tham gia ‘đội thanh niên yêu thích phim ảnh’ ở Câu Lạc Bộ số 4 Duy Tân (hiện tại là ‘nhà văn hóa thanh niên’) để thường xuyên được coi phim miễn phí. Ngoài ra, mỗi tháng một lần, các thành viên còn có dịp xem phim mới chưa được chiếu trên các rạp ở Sài-Gòn, Chợ-Lớn. Nghe bùi tai, Tám cũng ghi danh và góp mặt sinh hoạt mỗi tuần vào chiều chủ nhật.

Và đúng như lời của bạn, Tám không những được xem phim ‘chùa’ mà còn quen biết được với các anh chị lớn hơn vài tuổi, tánh tình dễ mến và bao dung. Chị Liên có gương mặt xinh đẹp và sở hữu giọng hát rất hay, hay như ca sĩ Diễm Liên bây giờ. Ngày đó, chị thường hay hát “Đi qua vùng cỏ non”, “Những cơn mưa đầu mùa”, v.v.. tuy là nhạc đỏ nhưng đã ‘hóa cam, hóa vàng’ giữa những năm đầu sau ngày mất nước ..

“Đi qua vùng nhà em, không còn em ở đó” (chắc là em đã đi vượt biên)

“Những cơn mưa đầu mùa thường làm em ướt áo

Những cơn mưa đầu mùa thường làm cay mắt nhau”

Chị Tuyến, chị Đào học bên trường Cao Đẳng thường hay dúi vào tay mấy đứa em khi thì túi ô-mai hay bịch bánh lỗ tai heo trong những giờ xem phim hay ở phút chia tay ra về. Hai chị thường đèo nhau trên chiếc PC và mấy đứa thường níu tay hay gác chân qua để chị kéo theo một đoạn đường giữa cái không khí Sài-Gòn oi ả. Mấy chị em lướt qua đường Duy Tân, vòng quanh Hồ con rùa rồi rẽ lối Hồng Thập Tự.

Sài-Gòn những năm 78, 79 thường xuyên bị cúp điện dù ngày nắng hay những lúc đêm mưa. Mặt đường Hồng Thập Tự rộng thoáng, mấy ngọn đèn đường tắt ngủm nên tối đen như mực và thưa vắng xe cộ qua lại. Mấy chị em cười cợt, đùa giỡn xếp thành hàng hai, hàng ba và chiếm cứ gần hết một làn xe. Cũng may nhờ ánh sáng leo lét từ cái bóng đèn hột vịt của mấy tủ thuốc bán thuốc lá lẻ bên vệ đường mà xe cộ còn ngó thấy và né tránh được nhau. Bên cạnh đó, người ta cũng bày bán những chai xăng được đong thành lít và kê trên mấy cục gạch bốn lỗ cho dễ nhận diện. Thỉnh thoảng mấy chị cũng ghé mua xăng ở những cây xăng lưu động này. Thời buổi khó khăn, xăng được pha thêm nước lã nên xe bị chết máy là chuyện thường tình xảy ra. Mấy em trai tráng thay phiên nhau đẩy cho đến khi chiếc xe của hai chị nổ máy và có thể tiếp tục trên đường về.

Những ngày tháng vui chơi ngắn ngủi cũng đến hồi kết thúc khi thằng bạn thân theo gia đình đi vượt biên và chị Tuyến, chị Đào cũng không còn lui tới khu sinh hoạt nữa. Chỉ còn lại một mình nên Tám cũng không còn luyến lưu chốn đó. Hồ con rùa ủ dột từ khi ‘hữu danh vô thực’, nước quanh hồ cũng buồn bã gợn rêu xanh. Con đường Duy Tân hun hút những hàng cây dài vươn bóng mát, đường Hồng Thập Tự rộn vang tiếng cười giờ cũng đìu hiu. Vài năm sau, Tám cũng đến được Tây-Đức sau nhiều chuyến vượt biên không thành cộng thêm mười bốn tháng trời khắc khoải nơi trại tị nạn.

Mấy mươi năm sau, cuộc sống đang yên bình bỗng lâm vào ngã rẽ. Dịch bệnh chưa kịp dứt, chiến cuộc ở Ucraine đã ảnh hưởng khá nhiều đến sinh hoạt của dân chúng trên toàn thế giới. Vật giá gia tăng phi mã, lương thực và xăng dầu cũng trở nên hiếm hoi. Thấp thoáng trên những con đường Sài-Gòn, người ta thấy lại những chai xăng bán lẻ được kê trên mấy cục gạch bên vỉa hè giống như hơn bốn mươi năm về trước. Lịch sử được tái diễn, những câu chuyện cười ra nước mắt nơi chốn xa gợi thêm nhiều suy nghĩ, đất nước mình sao ngộ quá bạn hiền ơi !

TV, 07.11.2022