Cây viết máy Pilot

Kinh Bồng (Trần công Bình)

Cùng với chiếc xe gắn máy mobilette, một vật bất ly thân trong suốt quảng đời đi học của tôi là cây viết máy Pilot.

Tôi cẩn thận đề hai chữ “bất ly thân” đối với cô bạn viết máy này, bởi ả vinh hạnh hơn anh chàng mobilette là lúc nào cũng nhảy tót lên trên miệng túi áo sơ mi trắng cộc tay của tôi. Ngoại trừ thời gian đi ngủ hoặc chơi thể thao, cô em Pilot gần gủi tôi hơn, thậm chí nằm sát bên trái tim tôi, nếu không phải uốn lượn nét chữ bằng bàn tay tôi chỉ cầm viết là chính.

Mối tình của tôi với Pilot là một câu chuyện dài, khởi đầu từ cô Yến, một nữ giáo sư dạy Việt Văn năm lớp đệ Thất trường Petrus Ký.

Thập niên 60, môn Việt Văn có Kim Văn, Cổ Văn và phần Trần Thuyết. Cả ba môn này tôi đều học xuất sắc, nhất là môn Trần Thuyết (Thuyết trình). Cuối năm học, trong không khí thư thả của lớp chuẩn bị nghỉ hè, nhưng chưa đến ngày công bố kết quả lãnh phần thưởng niên học, cô Yến gọi tôi lên bàn giáo sư.

Vẫn gương mặt khả ái, nhưng hôm nay với nét trang nghiêm, cô chớp mắt qua làn kính cận sang trọng, hỏi tôi:

– Em là học trò cô Một phải không ?

Tôi giật thót mình.

Cô Một là cô giáo dạy môn Câu Hỏi Thường Thức năm lớp Tiếp Liên, cái lớp mới vừa năm trước đó đã rèn luyện cho tôi thi đậu vào trường Petrus Ký với thứ hạng 3, làm sao tôi quên cho được ?! Cô Một lại là một cô giáo rất đặc biệt, đặc biệt thương học trò, và nhất là thương tôi, một học trò mà cô gọi là “học trò ruột” của cô.

Trong năm học ở một trường tư thục tên Văn Hóa, nhỏ chỉ có hai lớp luyện thi vào đệ Thất, cô đã đích thân vẻ “Bảng Danh Dự” bằng cây bút máy Pilot màu hồng, mực đen của cô trao tặng cho học sinh hạng nhất, nhì môn cô dạy trong hai kỳ Lục Cá Nguyệt. Tấm bảng danh dự ấy, duy nhất chỉ tôi và Tuấn, người hạng nhì, có được. Liền trong tuần lễ đó, cô hẹn hai chúng tôi ở đầu hẽm nhà, đến rước tụi tôi đi xem xi nê. Đó là lần đầu tiên, mà cũng là duy nhất trong đời, tôi được cô giáo dẫn đi xem xi nê, mà lại bằng xe ta xi !…

Đang miên man nghĩ về quá khứ, chưa kịp hoàn hồn vì câu hỏi bất ngờ của cô Yến thì cô Yến nói tiếp:

– Cả năm học vừa qua, cô Một nhờ cô theo dõi thường xuyên việc học của em. Cô Một rất hài lòng, do đó cô Một gởi tặng em một món quà.

Nói xong, cô Yến mở túi xách lấy ra hai gói, một có hình dạng chiếc hộp dài, thắc nơ, một là túi giấy kiếng màu đỏ cột chỉ kim tuyến.

Tôi bàng hoàng trước món quà. Cám ơn cô Yến, có phần thắc mắc lớn là sao hai cô lại biết nhau ?! Rồi cả năm học qua, tôi đã được theo dõi kỹ bởi cô mình mà không hề biết. Đồng lúc xúc cảm cao độ vì sự ưu ái của cô Một, là sự buồn rầu vì kết quả cuối năm toàn môn học của mình. Tôi đã “ngủ quên” trên thành tích thi vào trường nên may mắn chỉ giỏi môn Việt Văn, còn các môn khác đều loại xoàng. Năm đó tôi không được bảng danh dự vì chỉ được hạng thứ 6 trong lớp.

Khi tôi quay về chỗ ngồi thì phát hiện cả lớp đang chăm chú nhìn tôi với món quà trong tay. Bạn bè không hiểu và cũng không thể hiểu cho đến khi nếu đọc được bài viết này, 55 năm sau sự kiện xẩy ra !

Chiều hôm ấy đi học về, tôi không khoe quà với ba tôi. Khoe gì, học có giỏi đâu mà khoe (?!). Đợi đến tối ba đi ngủ, tắt ngọn neon sáng giữa nhà, dưới ngọn đèn bàn học tôi mới mở cặp lôi hai món quà ra.

Cẩn thận tháo chiếc nơ của hộp, để sợi dây nơ qua một bên với ý định sẽ tiếp tục giữ kỹ. Dù có thể đoán với hình dạng dài,dẹp, nhỏ của hộp, quà chỉ có thể là cây viết, thế nhưng, tôi không khỏi rung động khi thấy tận mắt: Đó là một cây viết Pilot, lại là cây viết toàn thân bằng nhựa màu hồng, đúng y như cây viết của cô Một từng sử dụng ; nhưng đây là cây viết mới cáu, khoanh vàng bao thân và chiếc thanh cài bút mạ vàng sắc lẽm đưa tận mắt còn thấy bóng người !

Tôi ngắm nghía mãi Pilot hồi lâu, như muốn qua nó, thầm cám ơn người cô thân yêu của mình, mà cũng thầm tự hứa dứt khoát năm sau tôi sẽ xứng đáng với món quà cô cho. Mãi lúc lâu, tôi mới mở nắp viết, thử nét mực từ chiếc ngòi vàng xinh xắn có khắc hai chữ Pilot.

Món quà thứ nhì là gói kẹo, tôi đem cất vào góc tủ quần áo, với tâm niệm chỉ mở ra dùng khi đạt hạng nhất cuối năm đệ Lục (!).

Sau cái “nghi thức” trân trọng mở quà ấy, tôi ép miếng giấy bao hộp và chiếc nơ vào quyển sách Quốc Văn, cất vào tủ sách. Sau đó đặt chiếc hộp viết Pilot lên bàn học: kể từ hôm nay Pilot theo ta và giúp ta học giỏi nhé !

Từ mùa hè năm 1965 ấy, Pilot đã trở thành bạn bè, cô nàng thân tín với bao năm đèn sách của tôi. Tôi gọi là “cô nàng” bởi khi thấy tôi xài cây viết màu hồng, mấy đứa bạn trai nói sao lại đi mua cây viết màu con gái xài. Tôi cười mà không thèm trả lời, chẳng thèm giải thích, lại càng thú vị khi được đánh giá là xài đồ con gái. Ừ! Của cô tôi cho, sao chẳng là …con gái !

Hãng Pilot có bán loại mực cùng tên. Tôi do đã xài mực Parker theo thói quen của ba tôi, lại thấy cái màu mực xanh đậm nó thẫm hơn, đẹp, mạnh mẽ hơn màu của Pilot nên vẫn cứ tiếp tục mua mực Parker xài, không câu nệ như nhiều người bị nhà sản xuất tập tành thói quen “xài hàng cùng hiệu” . Thuở ấy, cứ hàng tháng khi ra nhà sách Khai Trí xem và mua sách, tôi phải mua thêm một bình mực.

Tánh con trai hay chạy, nhảy, giởn hớt, rượt giởn nhau nhiều khi quá trớn. Nhưng, từ khi có Pilot trên túi áo, tôi trở nên cẩn trọng, chửng chạc hơn. Đôi lúc nếu phải rượt đứa bạn nào chọc ghẹo, tôi phản xạ tự nhiên, tay trái đè lên mép túi giữ cây viết, sợ sốc văng mất ! Kỹ càng giữ như vậy nên em đã theo tôi đến mấy năm Đại Học.

Tôi yêu Pilot đến độ ích kỹ, hầu như trong đời, tôi chưa bao giờ cho ai mượn “cô nàng” của tôi. Nghĩ ra thì đúng như vậy, thử hỏi bạn có thể chia sẻ người của yêu bạn cho ai không ? Pilot, ngoài chuyện là cây viết, công cụ hữu hiệu đem lại nét chữ đúng như ý muốn của mình, người khác sử dụng mạnh tay dễ làm tè ngòi viết, nét chữ mất đẹp, đâu có thợ sửa bút nào chỉnh sửa cho được như ý (?!). Riêng tôi, trong Pilot còn có một cái thiêng liêng, mang ý nghĩa và sâu thẫm tâm hồn hơn : nó là của cô tôi tặng để tôi học giỏi ! Vậy mà, cái đêm ấy, cái đêm định mạng của con nước ròng sát đáy ở đập Hòa Hiệp Cần Giờ, tôi đã bị mất nàng.

Tôi cùng Bảy Sết chủ đập vô ngọn Cùn đi thăm đập. Đi lúc khuya nên tôi quên không cất cây viết lúc nào cũng vắt ở miệng túi áo như một vật “bất ly thân” ! Nước hôm ấy tràn mặt đập, làn nước mạnh hung hãn hơn dự kiến, từ lỗ mọi chẳng mấy chốc bung một lỗ lớn, nước chảy ồ ồ. Bảy Sết và tôi thảng thốt móc đất bùn vá lỗ hỏng bấy giờ đã tàng quạt. Cả hai la lớn thất thanh để người ở đập kế bên có thể đến tiếp cứu, nhưng không kịp. Tôi chới với trong làn nước hung hãn, lúc đó chỉ còn biết vật lộn với sóng nước để khỏi cuốn trôi ra cửa biển…

Khi cả hai bất lực nhìn đập bị vỡ, Bảy Sết thẫn thờ coi như mất trắng vụ ấy. Tôi lấy tai trái quàng vai anh an ủi định quay về chòi thì mới chợt nhận ra: nàng Pilot đã vuột đâu mất. Cái phản xạ hơn chục năm đi học khi thò tay vịn túi áo lúc giởn hớt, nhưng đến lúc khẩn cấp vật lộn với thủy thần thì quên mất !.

Trong lúc chòi đạp, vung tay quơ quào bơi trong nước cuốn, tôi đã đánh mất nàng, nàng Pilot thân yêu đã từng gắng bó cùng tôi suốt 15 năm trời …!!!

Kinh Bồng (Trần công Bình)