“Cây mùa xuân chiến sĩ” 1974

Lâm Văn Tý

Ngày trước, cứ mỗi khi gần Tết, ở miền Nam thường tổ chức chương trình “Cây mùa xuân”, để bày tỏ lòng biết ơn và khích lệ tinh thần đối với những binh sĩ trong quân đội….

Tết năm 1974, để chuẩn bị tổ chức “Cây mùa xuân chiến sĩ”, Ban đại diện đã vận động học sinh trong trường viết thư chúc Tết và đóng góp tiền bạc để mua quà gửi đến các binh sĩ của sư đoàn 5. 

Đây là Sư đoàn kết nghĩa với Petrus Ký, trước đó không lâu Ban Văn nghệ của Sư đoàn đã đến trình diễn giúp vui trong Ngày Truyền thống 6 tháng 12.

Những “lá thư hậu phương” đã được các bạn nữ sinh lớp đêm hưởng ứng rất nồng nhiệt… có bạn viết dài 3,4 trang giấy… Phải nhìn nhận là thời đó những lá thư của các “em gái hậu phương” có nhiều hiệu lực, hơn hẵn thư của các…”em trai”!

Sau hai tuần lễ vận động, hô hào, chúng tôi đã gom góp được vài trăm lá thư, và mua được một số lượng khá lớn bánh mứt cùng vật dụng vệ sinh cá nhân như: bàn chải, kem đánh răng, khăn mặt, xà phòng vv… Ban Giám Đốc Trường cũng xuất quỹ ủng hộ thêm một số quà cáp.  

Một lần nữa các bạn nữ sinh lớp đêm lại có dịp trổ tài, gói ghém những phần quà xinh xắn, chuẩn bị cho chuyến đi ủy lạo chiến sĩ… Trong số các bạn này có một người là Phó Trưởng Khối Học Tập,  người đã được gần như toàn bộ Ban Đại diện “ái mộ”… nhưng bạn đã chẳng… “ái” anh nào cả!!! Vì vậy có người tủi thân nói rằng bạn đã có người yêu là lính của Sư đoàn 5!!!

Khoảng 2 tuần trước Tết, thầy Đức Hiệu trưởng, thầy Nhàn Tổng Giám thị, thêm vài thầy cô khác, vài thành viên của Ban đại diện và khoảng trên dưới 30 học sinh nam nữ, đã lên đường đến quận Phú Giáo thuộc tỉnh Bình Dương. 

Thời điểm này Sư Đoàn 5 đóng bản doanh ở Lai Khê, nhưng hình như một bộ phận chỉ huy thì lại nằm ở Phú giáo.

Phái đoàn của Petrus Ký được chào đón bởi trên dưới một chục Sĩ quan cấp tá và cấp uý cùng với một trung đội binh sĩ đại diện cho Sư đoàn.

Sau những nghi lễ chào Quốc kỳ, Quân Kỳ, phút mặc niệm những chiến sĩ đã hy sinh, diễn văn chào mừng, phát biểu của thầy Hiệu trưởng…

Những thùng quà và thư được chuyển giao cho các Sĩ quan để phân phát lại trong đơn vị.

Tiếp theo đó là khoảng thời gian tiếp xúc, trao đổi giữa các binh sĩ và học sinh của trường. Các bạn nữ sinh lớp đêm lại một lần nữa nổi bật trong chuyến đi này…

Trên xe về lại Sài Gòn, cả đám tiếp tục hát những bài ca sinh hoạt như chuyến đi, trong lòng ai cũng vui và pha lẫn chút tự hào về sự đóng góp, dù nhỏ nhoi, của mình.

Chúng tôi cũng tự hỏi không biết có một tên Pa lắc Ký cũ nào đó, nhập ngũ lúc đôn quân 1972, khi đang học lớp 11, mang “hàm” Trung sĩ ở Sư đoàn 5, đã tình cờ nhận được một bức thư của “Em gái hậu phương” Petrus Ký hay không?

Đã gần 50 năm trôi qua, nhưng chúng tôi tin rằng chương trình này vẫn còn là một kỷ niệm đẹp cho những ai đã tham gia và đóng góp.

LVT PK 67-74.