Cây bút máy hiệu Pilot

Vưu Văn Tâm

Một nhà báo có tiếng ở Sài-Gòn nói với tôi rằng “Ký ức của những người đi xa thường bị “đóng băng”, họ giữ lại được hầu hết những kỷ niệm nơi quê nhà.” Hai bàn tay tôi chưa bao giờ chạm được “tảng băng” giá lạnh ấy, nhưng mỗi khi nhớ về đường xưa nẻo cũ, tôi không làm sao tránh được những cảm xúc bồi hồi, tiếc nuối ..

tiem don ca 01

Tiệm hớt tóc của ba tôi ngày ấy có đủ loại khách, già trẻ lớn bé, từ bình dân cho đến trí thức. Anh trung tá X (không hề biết tên) là một trong những khách “ruột” của ba. Dáng người anh cao ráo, da mặt trắng hồng, gương mặt hiền lành và đẹp như nghệ sĩ Thành Được. Anh nói chuyện vui vẻ với chất giọng miền Nam ấm áp và chân tình. Anh rất thường đến tiệm để cắt tóc, tóc chưa dài cũng cắt, hoặc chỉ để được .. cạo râu hay ráy tai. Anh gọi ba bằng chú Tư, thỉnh thoảng tôi cũng nghe anh gọi bằng ba hay bố. Anh thích cổ nhạc và rất mê cây đờn tranh chạm trổ tinh vi bằng vỏ ốc xà-cừ. Anh thường xuyên trò chuyện với ba về mọi đề tài trong cuộc sống, về cổ nhạc, về âm thanh của cây đờn tranh cũng như những nhạc cụ khác. Thiệt vậy, âm thanh của cây đờn tranh lạ lắm, không vui quá mà cũng không buồn quá. Đó là một cơn mưa xuân tưới lên những chồi non, hay một làn gió nhẹ thổi qua cánh đồng xanh tươi, bát ngát. Khác hẳn với tiếng đờn kìm gợi cho ta những niềm cô đơn giữa đêm khuya thanh vắng hay tiếng đờn cò mang lại những u hoài, bi thảm.

Anh đã nhiều lần thuyết phục, cuối cùng ba cũng đồng ý, đổi cây đờn tranh đẹp nhất lấy một cái ti-vi hiệu Sanyo 17 inches mới toanh, trị giá 90.000 đồng tiền thời đó.

Cay but may pilot 01Năm 1974 khi biết tin tôi thi đậu vào trường Petrus Ký, anh rất vui mừng và dắt tay thằng em đến tiệm sách Thanh Bình. Bà chủ tiệm giới thiệu với anh một loạt bút máy hiệu Pilot nằm xinh xắn trong tủ kính. Bà trang trọng đặt chúng lên một cái khay, đủ màu sắc cho anh em tôi chiêm ngưỡng. Anh nói với tôi “em lựa đi, thích cây nào anh sẽ thưởng cho em”.

Ngại ngùng một chút rồi tôi chọn cây bút đẹp nhất màu xanh dương, có mạ vàng trên nắp và chuôi bút. Bà chủ cũng cho biết, mình có thể khắc tên lên cây bút máy, nhưng phải đợi thêm một ngày. Tôi suy nghĩ “một ngày thì lâu lắm” nên nói với anh “em hổng muốn khắc tên”. Nắm tay anh rời khỏi cửa tiệm mà trong lòng tôi hân hoan, rộn rã. Thằng nhóc tung tăng chân sáo với món quà từng ao ước bao năm đã thành sự thật. Vậy là từ nay mình không cần phải mang theo cái bình mực tòn-ten như hồi còn “con nít”, như thuở còn đi học ở trường Bàn Cờ nữa. Má tôi cũng mua cho một bình mực màu xanh cùng hiệu Pilot. Nét bút thanh mảnh viết trên tập giấy con nai “Cogido”, ngó đẹp đến mê hồn.

Rồi cơn bão mùa xuân 1975 kéo về, tiệm hớt tóc của ba được dời về quê. Anh trung tá cũng biệt tăm từ dạo đó. Các tiệm sách lớn nhỏ ở Sài-Gòn đều bị đóng cửa. Nhà sách Thanh Bình cũng không ngoại lệ. Tôi được biết gia đình ông bà chủ cũng đã kịp rời Sài-Gòn trên những chuyến bay cuối cùng. Kỷ niệm tuổi thơ của tôi với hiệu sách chỉ còn lại những dư âm.

Sau tháng tư năm ấy, mực để dùng cho bút máy rất khó tìm. Nếu có, tôi cũng không có tiền để mua. Tôi ghé tiệm tạp hóa sát bên nhà mua những hạt mực xanh nhỏ bằng đầu ngón tay út, đem về nghiền nát rồi pha với nước ấm. Sau một thời gian dài xài loại mực này, cây bút máy bị nghẽn mực. Tôi đã cố gắng dùng mọi cách lau chùi cây bút sạch sẽ, thông suốt để dùng tiếp, nhưng cũng đành chịu thua !

Một buổi sáng năm 1979, một người đàn ông trong bộ quần áo bà ba màu đen bước vào nhà và hỏi “em ơi, em còn nhớ anh không?” .. Trời ơi, giọng nói quen thuộc của ngày xưa. Anh trung tá oai phong của năm nào đây mà. Gương mặt anh sạm nắng và tiều tụy đi nhiều lắm ..
– Ba có ở nhà không em ?
– Dạ, ba em về quê rồi anh. Mỗi tuần cứ chiều thứ bảy ba về nhà, rồi sáng sớm thứ hai lại đi.
– Anh muốn gặp ba một chút mà .. tiếc quá. Em nhớ nhắn lại với ba là anh có ghé thăm nha.

Tôi thấy được đôi mắt anh đỏ au và long lanh ngấn nước. Khi bước ra khỏi cửa, anh quay nhìn bên trái, bên phải rồi vội vã bước đi. Tôi dõi mắt nhìn theo bóng anh xa dần cho đến khi khuất hẳn giữa dòng người xuôi ngược.

cung tan dieu tan 01Theo tôi biết ở thời điểm đó chỉ có cấp “úy” mới hiếm hoi được về sum họp với gia đình. Nhưng ít nhất gia đình phải khá giả và có quen biết với người có thế lực trong chính quyền mới. Anh Oanh ở nhà hàng xóm mang cấp bậc “trung úy” là một thí dụ. Anh được “thả” vào giữa năm 1979.

Ba mươi tám năm trôi xa, kể từ hôm gặp anh lần cuối ở Sài-Gòn. Mỗi khi nghĩ lại ngày đầu tiên bước vào trung học, tôi nhớ đến cây bút máy và bùi ngùi thương nhớ anh thật nhiều. Bây giờ anh đang ở đâu ? Anh có được mạnh giỏi không ? Không biết anh đã vượt biển thành công, đang định cư ở một đệ tam quốc gia hay vẫn còn lưu lạc chốn nào trên quê hương đã quá nhiều đau khổ. Số tuổi của tôi bây giờ đã nhiều hơn số tuổi ngày đó của anh và tôi cộng lại. Tóc tôi cũng thưa đi và phai phôi bởi màu thời gian. Vì không rõ được họ tên nên tôi không cách nào tìm ra tin tức của anh được. Tôi vẫn mong gặp lại anh một lần nữa trong đời, cho dù trong giấc mơ. Cái ước mơ nhỏ nhoi đó mãi đến bây giờ vẫn chỉ là mơ ước .. Anh ơi, dù đang ở nơi đâu trên cõi đời tạm bợ này, thắng em năm xưa vẫn thường nghĩ đến anh và nguyện cầu cho anh cùng gia quyến luôn được bình an.

19.11.2017