Câu chuyện Mulan (Hoa Mộc Lan)

Vưu Văn Tâm

Sau nhiều trắc trở trong quá trình thực hiện, hãng Walt Disney tung ra cuốn phim cổ trang “Mulan” (Hoa Mộc Lan) vào mùa hè covid trên toàn thế giới ! Khác với cuốn phim hoạt họa cùng tên ra đời cách nay hơn hai thập kỷ, nội dung phim đã tô vẽ nhân vật Mulan theo một chiều hướng khác. Mulan của thế kỷ 21 lên đường dẹp giặc vì muốn được tiến thân và mang vinh quang về cho gia tộc. Cuốn phim cũng nhuốm ít nhiều màu sắc “bá quyền” của Trung Cộng khi giới thiệu “con đường tơ lụa” trải rộng đến tận Tân-Cương. Khi phim được trình làng, báo chí đã hết lời chê trách, khán giả đã quay lưng vì cô minh tinh diễn vai Mulan đã lên tiếng bênh vực lực lượng cảnh sát đàn áp những cuộc biểu tình dân chủ ở Hongkong. Cô còn thách thức báo giới và truyền thông với những lời nói xấc xược, khó nghe.

Nhân vật Mulan trong bản dựng trước đây đặt nặng lòng hiếu để và tánh tình bộc trực, khẳng khái. Nàng cải nam trang tòng quân vì muốn thay thế cho cha già tuổi hạc và mong muốn góp chút tài sức giữ an bờ cõi trước họa xâm lăng của ngoại bang. Từ những nghĩ suy nghĩa tình và nhân hậu đó, Mulan là một trong những “công chúa” được yêu chuộng nhiều nhất trong thế giới Walt Disney. Ngoài ra, cuốn phim hoạt họa “Mulan” đã thu hút được một lượng khán giả đáng kể đến rạp, không kể lớn bé cũng như mang đến cho nhà sản xuất số doanh thu kỷ lục.

Ngược dòng thời gian, tích truyện Mulan đã được đoàn ca kịch Thanh Minh Thanh Nga đưa lên sân khấu với tựa đề “Hoa Mộc Lan tùng chinh” hồi cuối thập niên 60 tại Sài-Gòn. Khán giả đến rạp đông đảo không chỉ để ngắm một Thanh Nga thanh sắc lưỡng toàn, không chỉ vì một đội ngũ diễn viên hùng hậu của đoàn, không vì một tiết mục cải lương pha hồ quảng dược dàn dựng công phu trên một sân khấu đại ban, mà vì nội dung vở tuồng mang đầy đủ tính “hỉ nộ ái ố” cần thiết trong một đêm trình diễn nghệ thuật “thật và đẹp”. Bên cạnh sự thành công rực rỡ của những vở tuồng tình cảm xã hội, sân khấu Thanh Minh Thanh Nga cũng hãnh diện trước công chúng khi đề tài cổ trang, màu sắc cũng không làm khó được bổn đoàn.

Sau năm 1975, “Hoa Mộc Lan” cũng được tái dựng khi bảng hiệu Thanh Minh hoạt động trở lại. Tiếp tục thành công của ngày trước, “Hoa Mộc Lan” đã ít nhiều giúp đỡ bầu bì và anh chị em nghệ sĩ trong đoàn vượt qua nhiều khó khăn vật chất sau cuộc đổi đời. Vì quá chán chê những cuốn phim tuyên truyền nhan nhãn trên màn ảnh lớn nhỏ, khán giả đã đến với “Hoa Mộc Lan” để được thấy lại một Thanh Nga diễm kiều, để được ngắm nhìn lại những nghệ sĩ tài danh một thời vang bóng, như để thấy lại cái Sài-Gòn đã mất. Đến khi bang giao giữa hai nước Việt-Trung không còn được mặn mà kiểu “môi hở răng lạnh” như ngày xưa thì “Hoa Mộc Lan” và nhiều vở tuồng mang điển tích Trung-Hoa của những đoàn nghệ thuật khác ở Sài-Gòn có chung một số phận, bị cấm trình diễn và phổ biến ! Khán giả “ruột” của đoàn Thanh Minh cũng không thể nào quên được những xuất hát Hoa Mộc Lan sau cùng tại rạp Quốc Thanh trên đường Võ Tánh. Trước khi bị cất vào kho, “Hoa Mộc Lan” đã sống trọn vẹn suốt hai tuần lễ với mười bốn xuất hát chia tay. Vé vào cửa của mỗi đêm diễn được bán sạch sẽ từ sáng sớm, sau khi phòng vé mở cửa chừng vài giờ đồng hồ.

Trong lần ghé thăm hữu nghị các nước láng giềng ở khu vực Đông Nam Á, bà đại sứ Ấn-Độ có dừng chân ở Sài-Gòn. Do đã biết tên tuổi của nghệ sĩ Thanh Nga qua những lần tham dự “Đại hội điện ảnh Á châu” diễn ra trước năm 1975, bà tha thiết mong được xem Thanh Nga diễn vai Hoa Mộc Lan. Không phải lệnh từ Pắc-Bó mà từ sở văn hóa thông tin thành Hồ ban xuống, đoàn Thanh Minh phải tái diễn vở tuồng Hoa Mộc Lan với dàn nghệ sĩ thuở ban đầu, mặc dầu ở thời điểm đó, khá nhiều nghệ sĩ đã rời đoàn và vở tuồng đã bị cấm trình diễn từ lâu. Các anh chị em từng tham gia vở diễn được gọi về và ráo riết tập dợt ngày đêm để góp vui cho “bề trên” duy nhất một xuất hát “cúng dường”.

Hoa Mộc Lan là một truyền thuyết dân gian đã bị bức tử bởi tà quyền tàu cộng và sự góp sức của hãng phim Walt Disney. Từ câu chuyện ngày xưa đã khiến cho người nay phải ưu tư về những đổi thay của những giá trị đạo đức trong cuộc sống. Những giá trị vật chất, những cái ác đang được lên ngôi giữa thời buổi văn minh và tiến bộ.

12.12.2020