Cao sang của  cô bán bắp nướng ở Đà Lạt

(thể loại: hoài niệm, hay hơn khi đọc chậm)

Kinh Bồng (Trần Công Bình)

Năm 1971 vừa đỗ Tú Tài 2, tôi được ba tôi cho tiền đi du lịch Đà Lạt. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi đến thành phố đầy hoa này. Trong mắt tôi toàn thể các cô gái ở đây đều đẹp, đều toát lên cái vẻ sang trọng cả. Nhưng, đọc chuyện này các bạn mới thấy trọn vẹn nét đặc trưng của con gái Đà Lạt vào thời đó.

Vừa đến nhà trọ nằm trên con dốc đi lên nhà thờ Chính Tòa (còn gọi là nhà thờ Con Gà vì trên nóc có hình con gà trống), tôi vội thay bộ đồ vía cho hợp với xứ lạnh. Đó là bộ đồ nỉ xanh dùng trong những dịp “tiểu lễ” của Không quân VNCH. Bộ đồ do một người anh bà con, sau khi học lái máy bay ở Mỹ trở về tặng tôi. Những năm ấy, vào ngày chủ nhật, những sinh viên trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam với những bộ đồ ka ki vàng cùng dây biểu chương tuyệt đẹp ra phố là hình ảnh làm xao xuyến bao cô gái xứ hoa anh đào. Tôi chọn bộ đồ này trong những ngày đi chơi Đà lạt cũng nhằm không để bị “lép vế” trước  bóng dáng của những chàng trai nổi bật ấy (?!)

Thế nhưng, như thầy khóa tỉnh lẻ ra kinh đô ứng thí, trong mắt tôi, tôi thấy các cô gái nơi đây ai ai cũng đẹp cả. Cô nào cô nấy đều má hồng tự nhiên, tóc xỏa chấm bờ vai, áo dài tha thướt trong cái dáng vẻ đầy quý phái. Tôi tuyệt nhiên không thấy một người nào mặc áo bà ba, xách giỏ đệm, từ già đến trẻ như miền Tây Nam Bộ hay ngay cả ở Sài gòn hoa lệ. Trên đường lên cái dốc rất đứng, một cụ già đang còng lưng gánh một gánh hàng, nhưng cụ cũng mặc áo dài nâu, bên ngoài  khoát thêm một chiếc áo len đen.

Ấn tượng đầu tiên của tôi về Đà lạt là thế đấy. Chính vì vậy, trong  ngày đầu, tôi như người mộng du , ngơ ngẫn trong cái vẻ dáng sang trọng của kiến trúc, cảnh vật, không gian, khí hậu, con người hồng hào, da thịt nõn nà mơn mởn và đâm ra mơ mộng… phải chi mình làm quen được một cô gái nào ở đây nhĩ (?!).

Kỳ nghỉ của tôi có một tuần, tôi đang lo sợ những ngày ở đây dần thu ngắn lại… Tình cờ, ngày thứ ba, tôi làm quen được một cô gái với dáng vẻ, trang phục, tóc xỏa …của dân Đà lạt. Nàng e lệ kéo tà áo dài, dùng chiếc nón lá bài thơ che một bên thân, khẻ liếc mắt nhìn tôi hỏi :

– Anh ở mô ra ?

Thì ra nàng người Đà lạt gốc Huế. Tôi nghe nói một phần người cố cựu Đà lạt có nguồn gốc từ Huế. Họ đến Đà Lạt từ trước những đợt lập dinh điền của Tổng Thống Ngô đình Diệm. Họ đến dù làm nghề trồng hoa, nhưng vẫn đem theo cái cung cách “cao sang” của dân gốc Huế đất kinh kỳ. Do đó, nét đặc trưng Đà lạt càng  được tô đậm bằng cái vẻ sang trọng cung đình cho dân ngụ cư.

Nàng nói nàng tên Hương ở con hẽm gần cà phê Tùng, mỗi ngày đều xuống chợ Đà lạt bán hàng. Tôi không hỏi nàng bán hàng gì, vì cái món hàng nàng bán đâu quý giá bằng cái chính con người mà tôi được làm quen.
Chiều ấy, về nhà trọ, trong bữa cơm chiều ăn chung với chủ nhà trọ, tôi đem câu chuyện trên ra khoe với vợ ông chủ nhà trọ. Chủ nhà trọ nguyên là giáo sư  bạn của thầy dạy Việt Văn của tôi hồi trung học.

Tưởng đấy là một tin mừng, nào ngờ tôi quá bất ngờ khi bà vợ nói với ông chồng:

– Tưởng chú Bình quen ai, nào ngờ là con bé Hương bán bắp nướng ở góc chợ .

Tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Cái cao sang của Đà lạt toát ra ở toàn không gian, trong mọi con người. Nó làm tôi không phân biệt được người nào là người nào, nghề nghiệp, địa vị ra sao.Tôi không biết và cũng không mảy may quan tâm. Nhưng, người chính gốc thì biết, để ý và …có phần phân cách, phân lớp trong giai tầng xã hội !!!

(bài viết trong phút giây bắt gặp một hình ảnh xa xưa)