Canh rau muống biển với …nùi giẻ !

Kinh Bồng (Trần Công Bình)

Đoàn công tác nghề cá quần chúng Bộ Thủy Sản dẫn đầu bởi tiến sĩ   Phạm Sâm   vừa xuống tàu đò Huỳnh Liêm xong đến thẳng Phòng Thủy Sản. Trong đoàn còn có năm kỹ sư, trong đó có ba từ Hà nội vào và một của Sở Thủy Sản thành phố. Nhiệm vụ của Đoàn là khảo sát bước một để phát thảo đề án quy hoạch nghề cá huyện Duyên Hải.

Tiếp đoàn có chú Sáu Quang, thường vụ huyện ủy, trưởng ban Thủy sản huyện,  kỹ sư nuôi trồng Đinh xuân Tế, kỹ sư sinh hóa Nguyễn văn Việt và tôi.

Sau khi làm việc tại phòng, chú Sáu Quang đề nghị đoàn đi thực địa ven biển Cần Giờ. Lựa vào lúc hết nắng, mặt trời chuẩn bị khuất sau rặng đước phía xa xa của hướng Lý Nhơn quả là một thời gian thư giản hợp lý cho đoàn đi ngắm chiều trên biển. Gió hây hẫy mát làm giọng giảng giải khàn khàn của chú Sáu có nét rất đặc trưng.

–         Đố mấy ông đây là cây gì ?

Vừa nói chú vừa kéo một đám lá rau muống biển mọc trên bờ cát mé biển. Không ai trả lời chú Sáu nói tiếp:

–         Đây là rau muống biển. Chiều nay tụi tui cho mấy ông thưởng thức một món ngon, bổ, rẻ của Duyên Hải.

Nói xong chú đưa mớ rau muống cho kỹ sư Tế, đang tay xách nách mang lũ khũ chai, lọ chứa các hóa chất dùng để thử nghiệm tại hiện trường. Kỹ sư Việt và tôi cùng túa ra đám rau muống, lựa mấy lá non ngắt để chuẩn bị cho món “đột xuất” của thủ trưởng mới chào hàng với khách. Cả ba nhân sự của Phòng Thủy Sản lo hái rau muống, sợ không đủ dùng nên chậm bước so với đoàn đã gần ở ngã rẽ vào ấp Miểu Ba. Ngửng đầu lên, tôi vội nói chắc đủ rồi và hối thúc kỹ sư Tế nhét vội các bó rau vào túi nilon để chung với chai lọ hóa chất.

Về đến Phòng thì trời sập tối. Điện của nhà máy đèn chạy dầu của Huyện chưa phát lên. Chú Sáu Quang được dịp giải thích cho đoàn cái thiếu thốn, khổ cực của cư dân và công nhân viên Huyện.

Đốt cây đèn hột vịt ,với ánh sáng lờ mờ chúng tôi xúm xít chuẩn bị buổi ăn tối. Kỹ sư Tế giao bao rau muống cho kỹ sư Việt, phần anh lo làm cá.

Máy đèn vừa chạy là cơm cũng vừa xong. Mọi người ồ lên sung sướng. Để nguyên quần áo đi biển hồi chiều bởi không có nước tắm, mọi người ùa vào bàn ăn. Lại rôm rả kể chuyện đời, chuyện nghề, chuyện khổ cực ở những vùng nước mặn. Chú Sáu không quên nhắc món canh rau muống. Kỹ sư Tế quay qua Việt, người chịu trách nhiệm nấu canh. Việt quay ra sau bếp bê nguyên nồi lên để ở cái ghế để dễ múc canh vào tô trên bàn.

Chú Sáu đang tiếp tục nói về Long Hòa, xã kế bên mà đoàn sẽ đi thực địa vào ngày mai. Trong khi đó tôi chia canh vào chén cho mọi người. Tiến sĩ  Sâm  xì xụp húp, khen lấy khen để. Mấy kỹ sư ở Bộ cũng vui vẻ nếm món ngon, bổ, rẻ do cho Sáu Quang giới thiệu với đoàn hồi chiều. Tôi húp miếng canh, cảm thấy sao nhẫn nhẫn. Tôi  chưa từng ăn món này nên định bụng đó là vị riêng của rau muống biển. Tới phiên chú Sáu Quang khi húp canh thì ông châu mày…(?!)

Nguyên tô canh được mọi người chén hết. Kỹ sư Tế cầm tô quay sang cái nồi để múc canh thêm. Chợt anh ta tay cầm vá múc canh, tay cầm cái tô không, hứng cái vá và đi lẹ xuống nhà bếp. Mọi người vẫn đang vui vẻ nói chuyện. Tôi nhanh nhẹn bước theo. Tế đi vào góc nhà cẩn thật quan sát cái vá có một vật đen đen lẫn trong rau. Thấy tôi đứng kè sau lưng, Tế ra dấu im lặng rồi kề tai nói nhỏ:

–         Cái nùi giẻ tao để bịt miệng chai a xê ton, không biết thằng Việt rửa rau ra sao mà nó lẫn trong nồi canh …!!!