Đó là một gia đình cỡ tàm tạm trung lưu, làm vừa đủ ăn, do thu nhập chính là từ chiếc xe du lịch đời cũ của chú Hoàng tự lái kiếm khách. Còn cô Hiền, vợ chú, chỉ làm nội trợ, chăm sóc chồng con, và vài năm gần đây, cô đã rước mẹ dưới quê lên sống với mình, hủ hỉ cho vui. Còn cái bàn nhỏ, buổi sáng bày ra trước nhà bán cà phê, nước giải khát, thuốc lá…, thì chỉ giúp cô Hiền kiếm được chút đỉnh tiền chợ. Ngoài ra, vợ chồng họ không có ‘của dư, của để’, như làm chủ một lô đất, một căn phố, một đầu xe du lịch đang cho mướn… nào đó.

Con trai đầu của chú Hoàng cô Hiền là Minh, 17 tuổi, học lớp 11. Trai kế là Đăng, 12 tuổi, học lớp 8. Cuối cùng là con gái út: nhỏ Nghi, 8 tuổi, học lớp 2.

Về tiểu thư út ít, tuy nhỏ nhất nhà nhưng lại có nhiều chuyện để nói nhất. Như nội cái tên Nghi, chưa chi đã có người chê là nghe sao ‘cứng’, ‘khô’, ‘lạnh lùng’ nữa, y như tên con trai. Tên gì mà thiếu nữ tính, nghe không đẹp vì không dịu dàng, đầm thắm cỡ những cái tên như Lan, Hồng, Huệ, Mai, Diễm, Thảo.., vốn hầu hết là tên các loại hoa mà thiên hạ đều dành để đặt tên cho bé gái theo thông lệ muôn đời của người Việt mình. Chú Hoàng, dù sao cũng đã từng đậu tú tài ban C cũ, tức ban văn chương – triết học hồi xưa, nên đã có cả một triết lý nho nhỏ nhưng có lý có lẽ rành mạch về việc đặt tên cho con gái cưng của mình.

Tự biết một khi mình đã thuộc vào những bậc cha mẹ không có tài sản gì đáng kể để để lại cho con cái trong tương lai, chú Hoàng đã hết sức chăm chút cho một món tài sản khiêm tốn khác – chút tài sản mà vợ chồng chú có thể toàn quyền gầy dựng vén khéo nhằm để lại cho con cái, đó là cái tên khai sinh.

Về các cái tên Minh, Đăng đã đặt cho hai đứa con trai thì vợ chồng chú Hoàng không phải suy nghĩ, đắn đo nhiều lắm. Đến khi con gái út chào đời, ông bố nghĩ nhất định phải là một cái tên đẹp, nghe hay và có ý nghĩa, nhưng không cứ phải là tên các loài hoa như đa số tên con gái thông thường xưa nay của người mình, nghe hoài thì thấy ẻo lã, yếu ớt đến phát chán. Có thể là một cái tên nghe mạnh mẽ như tên con trai nhưng bù lại, chữ lót đi theo tuy nhất định không phải chữ ‘thị’ yếu ớt nhưng phải mềm mại, ngọt ngào và nữ tính. Rốt cuộc, cái tên “Phạm Nguyễn Dung Nghi” – miễn chữ lót “thị” yếu ớt, nhưng thêm cả họ người mẹ nghe cho đề huề, đầy đủ họ của hai đồng tác giả – đã vô chung kết một khi đã được bà mẹ rất ưng ý duyệt xét và cho phép ông bố mang đi làm khai sinh cho bé gái.

Chưa hết. Đã nói là hễ bàn về con gái thì bao giờ cũng nhì nhằng, phức tạp, lắm chuyện hơn là về con trai. Hồi học lớp 1, nhỏ Nghi được theo học một lớp Anh văn dành cho thiếu nhi và bố Hoàng cũng có vốn Anh ngữ kha khá như thường sử dụng trong giao dịch với khách nước ngoài. Hai bố con nhận thấy khi muốn gọi tên “Nghi” bằng tiếng Anh và nghe cho vui, cho lạ chơi thì không có âm đọc tương đương, như kiểu mấy cái tên Du, Ai… như anh Nguyễn Văn Du, cậu Trần Văn Ai nào đó, hay tên Mai của cô Lê Thị Mai nào đó…, bên tiếng Anh đã có sẵn các chữ you, I và my…, nghe cùng âm khi đọc lên.

Tình cờ vào mùa mưa năm đó, nhằm thời điểm hai cha con muốn “tiếng Anh hóa”, “Tây hóa” cái tên Nghi, thì trên báo, đài nhiều lần xuất hiện cái tên La Nina, liên quan đến thời tiết bão bùng, mưa nắng gì đó. Tra Google thì được biết trong tiếng Tây Ban Nha, La Nina còn có nghĩa là “bé gái”, và đặc biệt thích hợp là âm ‘ni’ nghe cũng hao hao âm ‘nghi’…

Vậy là nhỏ Nghi sướng rên khi được bố Hoàng đặt thêm cho mình một cái tên nghe thiệt là ngộ nữa để gọi trong nhà – đó là Nina. Không cần thăm dò cũng biết là mọi người trong nhà đều thích cái tên này, dần hồi gọi quen “Nina ơi, Nina à…”, riết rồi rất ít khi gọi tên Nghi nữa.

Có điều là trong nhà, riêng đối với bà ngoại, ngoại cảm thấy con cháu mình bày đặt thêm tên bằng tiếng tây tiếng u đã là kỳ cục rồi, nay đã già lão, hết hơi mà phải vừa nhe vừa giữ khít hai hàm răng khi đọc âm ‘ni’ là mệt và mất công quá, nên ngoại lướt qua âm ‘ni’, kêu con cháu út là ‘Na’ thôi cho nó khỏe!

PHẠM NGA

(trích truyện kỳ ảo NHỎ NINA VÀ NHỮNG BÓNG QUẾ đang viết tiếp)