Sau tết Mậu Thân, tình hình chiến sự căng thẳng, lệnh giới nghiêm được ban hành khắp nơi. Ở thủ đô Sài-Gòn cũng không ngoại lệ. Vì lý do an ninh, khán giả đến rạp thưa dần. Nhiều gánh hát lớn nhỏ phải hạ màn, chỉ còn lại một số hoạt động cầm chừng để giữ bảng hiệu như Dạ Lý Hương, Kim Chung, v.v.. Mãi đến đầu thập niên 70 sân khấu cải lương ở Sài-Gòn mới thoi thóp hồi sinh, gượng mình trở dậy !

Với bài viết này, tôi chỉ mong chấm phá lại nét sinh hoạt một thời của các gánh hát tại Sài-Gòn trong những năm cuối cùng của cuộc chiến. Thời gian trôi đi quá nhanh và những kỷ niệm chập chùng của gần nửa thế kỷ có thể bị sai lạc, vì thằng bé con viết bài này chỉ mới bước vào năm đầu tiên của bậc trung học. Mong bạn bè và cô bác gần xa bỏ qua cho và nếu góp thêm ý kiến thì còn gì bằng.

Cải Lương mùa ly loạn

Vưu Văn Tâm

cai luong mua ly loan 03

Ông Tôn Ngọc Chắc và bà Tiêu Thị Mai là chủ nhân rạp Quốc Thanh, số 271 trên đường Võ Tánh, quận nhất. Đây là một rạp hát cải lương lý tưởng và duy nhất ở Sài-Gòn được xây cất tân kỳ, hội đủ yếu tố và cũng là điểm hẹn cho những đêm hát cải lương sang và đẹp. Sẵn có rạp nhà và cũng hy vọng vực dậy nền ca kịch nước nhà đang bị mai một nên ông bà đã dựng lên hai gánh hát Thái Dương 1 và 2 vào đầu thập niên 70 với đôi nghệ sĩ chánh là Dũng Thanh Lâm, Mỹ Châu và Thành Được, Phượng Liên. Đoàn đã trình diễn các vở tuồng Thảm kịch đêm thứ bảy, Đời cô Lẻ, Bông ô-môi, Sau bức màn nhung, Ông huyện đề, v.v.. Soạn giả Hoa Phượng và Viễn Châu được xem là những soạn giả chủ lực của đoàn. Không những được sự ủng hộ nhiệt tình của khán giả thủ đô mà trên bước đường lưu diễn, đoàn cũng được khán giả khắp bốn vùng chiến thuật mến mộ. Chẳng may, bà Mai bị thảm sát và hai gánh hát Thái Dương bị tan rã một năm sau ngày thành lập !

cai luong mua ly loan 02

Đoàn ca kịch BT – Hùng Cường do anh Sáu Thanh và một số mạnh thường quân vì yêu cải lương nên đã góp vốn thành lập. Đoàn khai trương tại rạp Quốc Thanh vào đầu tháng 12.1972 với vở tuồng Trăng thề vườn thúy do soạn giả Quy Sắc phóng tác cải lương từ tác phẩm Kim Vân Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. Đạo diễn Hoàng Việt góp tay dàn dựng cùng với nhạc sĩ Đức Phú đảm trách phần âm nhạc. Đây là một gánh hát tầm cỡ đại ban vì đã quy tụ được một lực lượng nghệ sĩ hùng hậu, tiếng tăm thời bấy giờ như BT, Hùng Cường, Phượng Liên, Hoàng Long, Ngọc Giàu, Thanh Sang, Kim Ngọc, Phương Thanh, Đỗ Quyên, Hoàng Giang, Kim Giác, Văn Ngà, Tư Rọm, v.v.. Tờ quảng cáo khai trương của đoàn được in ấn với kỹ thuật offset bảy màu (kỹ thuật hiện đại thời bấy giờ) và được gấp lại làm tư như một cuốn brochure. Có lẽ đây là cuốn brochure trang trọng nhất nhì so với cuốn brochure gồm mười sáu trang của đoàn Thống Nhứt nhân dịp khai trương hồi năm 1963. Những vở tuồng tiếp theo như Cho trọn cuộc tình, Má hồng phận bạc, Hoa chùm gởi, Gái biển, v.v.. được khán giả rất yêu chuộng và góp phần tạo thêm tiếng tăm cũng như uy tín của đoàn. Không lâu sau đó, anh Hùng Cường đột ngột rời đoàn. Anh Thành Được được mời về thay thế diễn lại những vở hát cũ và khai trương hai vở mới Nổi buồn của quỷThủ cung sa. Không rõ vì lý do gì mà đoàn hạ bảng hiệu sau một thời gian hoạt động ngắn ngủi, vỏn vẹn chỉ trên dưới mười một tháng !

Sau khi dàn nghệ sĩ gạo cội ra đi, ông bầu Xuân Diệp Nam Thắng của đoàn Dạ Lý Hương đã củng cố lại “đội hình” bằng cách mời những tài danh về đầu quân dưới bảng hiệu của mình. Thành phần nghệ sĩ của đoàn gồm có chị Thanh Nga, anh Dũng Thanh Lâm, anh Phương Quang, chị Ngọc Hương, Thanh Tú, Trang Bích Liễu, Kiều Mai Lý, Phước Trọng, Ba Vân, v.v.. với một loạt tuồng tích mới toanh như Hồn ma trinh nữ (được đưa lên màn bạc với cái tên Con ma nhà họ Hứa), Mộng bá vương, Người về đêm hưu chiến, Chuyện Đại Phát Tài, Ngựa hoang về núi. Tuồng Ngựa hoang về núi của soạn giả Nguyên Thảo là một vở hát hay nhưng khán giả đến rạp không nhiều, một phần cũng vì chiến cuộc tràn lan và dân chúng làm ăn, buôn bán khó khăn. Trong một bài báo viết về kịch trường, một ký giả có đưa tin “đoàn Dạ Lý Hương có sức mạnh đến bốn mã lực mà không kéo được khán giả đến rạp!” (Các anh chị Dũng Thanh Lâm, Thanh Nga, Ngọc Hương và Phương Quang đều cùng tuổi ngọ).

cai luong mua ly loan 04

Giữa năm 1973, chị Kim Tuyến được mời về đoàn để thay thế cho chị Thanh Nga sanh em bé. Chị Kim Tuyến đã hát qua các vở tuồng như Huyền thoại Bạch Trân Nương của hai soạn giả Nhị Kiều và Thế Châu, Tâm sự người cha, Con khác mẹ của soạn giả “ông cò” Nguyễn Huỳnh. Tôi còn nhớ tờ flyer khai trương vở tuồng Huyền thoại Bạch Trân Nương in ấn lộng lẫy, đẹp mắt gồm hai màu mực, khổ giấy to hơn bao giờ hết, một mặt đăng hình ảnh các nghệ sĩ tham gia vở tuồng thật đẹp và rõ nét, còn mặt kia dành trọn vẹn phần quảng cáo cho thương hiệu bột giặt Tico của ông bầu Xuân kiêm thương gia Diệp Nam Thắng.
Tết Nguyên Đán Giáp Dần 1974, đoàn Dạ Lý Hương tưng bừng khai trương tại rạp Quốc Thanh hai vở tuồng cải lương nổi tiếng Khi người điên biết yêuNgười thua cuộc với bốn nghệ sĩ gạo cội Thanh Nga, Hùng Cường, Dũng Thanh Lâm và Phương Quang. Sau đợt lưu diễn miền Trung, miền Tây đoàn ngưng hoạt động cho đến ngày 30 tháng tư 1975.

cai luong mua ly loan 05

Mùa hè năm 1974, sinh hoạt cải lương sa sút rõ rệt. Các nghệ sĩ hữu danh (không có đoàn để hát) như Hùng Cường, Thành Được, Mộng Tuyền, Thanh Nga, Hữu Phước, Út Bạch Lan, Hùng Minh, Thanh Nguyệt, v.v.. đã tự góp vốn để lập thành một nhóm cải lương mang tên “Tiếng Hát Dân Tộc” và tiền lời được chia theo cổ phần và doanh thu của từng xuất hát. Phần chăm sóc nghệ thuật được giao cho nghệ sĩ lão thành Tám Vân và soạn giả Nhị Kiều lo về tuồng tích. Nhờ vậy mà sinh hoạt cải lương ở rạp Quốc Thanh được xôm tụ và nhộn nhịp hẳn lên. Tiếp theo vở hát khai trương, Mẹ tức Kỳ quan vũ trụ với các nghệ sĩ Thành Được, Mộng Tuyền, Út Bạch Lan, Thanh Nguyệt, v.v.. là những vở tuồng rất hay như Tỉnh giấc liêu trai (Thành Được, Út Bạch Lan), Chuyện tình An Lộc Sơn (Hùng Cường, Thanh Nga, Hữu Phước), v.v.. Hai vở diễn Mạnh Lệ QuânBóng người yêu cũ là sự tái hợp lần nữa của đôi nghệ sĩ Thanh Nga và Thành Được sau chương trình giỗ tổ nghệ sĩ năm 1974 với vở tuồng Tiếng hạc trong trăng do Hội ái hữu nghệ sĩ tổ chức. Lần đó cũng là dịp tái ngộ sau cùng trên sân khấu của hai nghệ sĩ tài danh này.
Đoàn hát tết Nguyên Đán Ất Mão 1975 tại rạp Quốc Thanh với vở hát mới Hàn Sơn tự một đêm xuân do soạn giả Nhị Kiều phóng tác cải lương theo tích truyện Anh hùng Lương Sơn Bạc với hai vai chính do anh Hoàng Long và chị Ngọc Giàu đảm trách. Chuyến lưu diễn miền Trung dài hạn của đoàn chấm dứt khi vùng cao nguyên thất thủ vào giữa tháng 3 năm 1975.

Bên công ty Kim Chung của ông bầu Trần Viết Long, các nghệ sĩ vẫn lên màn trình diễn đều đặn ở rạp Olympic trên đường Hồng Thập Tự. Ngày trước gồm 6 đoàn, nay chỉ còn lại Kim Chung 2 và 5 với đôi nghệ sĩ ăn khách Mỹ Châu, Phương Bình và Lệ Thủy, Minh Phụng luân phiên trình diễn những vở tuồng kiếm hiệp, hương xa thu hút nhiều tầng lớp khán giả tại thủ đô cũng như trên đường lưu diễn đó đây.

Năm 1973, nghệ sĩ Phương Bình rời Kim Chung để lập gánh hát riêng. Gánh Hương Dạ Thảo Phương Bình được khai trương với thành phần nghệ sĩ như “hồ quảng chi bảo” Bạch Lê, Út Trà Ôn, Ngọc Bích, Tô Kim Hồng và ông bầu Phương Bình.
Đôi nghệ sĩ Quốc Trầm và Phương Dung cũng “ra riêng” để lập gánh Du Sỹ Ca và thường xuyên lưu diễn miền Tây, miền Trung hơn là trụ ở Sài-Gòn.
Anh em nhà nghệ sĩ Thanh Điền cũng rời công ty Kim Chung sau một thời gian dài cộng tác để lập gánh hát Xuân Liên Hoa với sự góp mặt của anh Dũng Thanh Lâm, Minh Tâm, Thanh Kim Huệ và Hà Mỹ Xuân.

cai luong mua ly loan 01

Đoàn ca kịch Việt-Nam của bà bầu Thu cũng là một đại ban được hình thành năm 1974 với thành phần nghệ sĩ Minh Vương, Phượng Liên, Xuân Lan, Trang Thanh Xuân, v.v.. Vương hậu Thanh Nga được mời về thay thế chị Phượng Liên khi chị vừa hết hợp đồng.
Gánh hát Hoa Lan của “ông cò” Nguyễn Huỳnh Phước và bà bầu Hoài Dung là gánh hát gia đình, chỉ lưu diễn nơi miền tỉnh lẻ xa xôi nhưng cũng không tồn tại được bao lâu giữa khung cảnh bom rơi, đạn lạc.
Gánh cải lương hồ quảng Sơn Minh với đôi nghệ sĩ Thanh Sang và Bạch Lê hát khai trương ở Sài-Gòn hồi năm 1974 và thường dong ruổi nơi các tỉnh thành, hải đảo. Gánh hồ quảng Thanh Tòng thường xuyên trụ tại rạp Long Phụng trên đường Gia Long, gần ngã sáu Sài-Gòn.

Thời gian này hãng dĩa Việt-Nam của cô Sáu Liên hoạt động mạnh mẽ với những giọng ca trẻ trung, nhiều triển vọng, đa số đến từ hai đoàn Kim Chung. Song song với việc phát hành những vở tuồng cải lương thu thanh nổi tiếng, cô Sáu Liên đã phát hành 21 chương trình Tân Cổ Giao Duyên được công chúng yêu thích cho đến bây giờ.
Hãng dĩa Continental của nhạc sĩ Nguyễn văn Đông và hãng băng Hồn Nước (ra đời năm 1974) của nhạc sĩ Ngọc Chánh cũng không hề “thua chị kém em”. Vở tuồng Chuyện tình An Lộc Sơn của soạn giả Trỵnh Lang do đoàn Tiếng Hát Dân Tộc trình diễn trước đó không lâu đã được hãng Hồn Nước thu thanh vào băng nhựa và được giới thưởng ngoạn lưu truyền cho đến ngày nay. Nhờ vậy mà anh chị em nghệ sĩ có cơ hội được sống với nghề hay ít ra cũng có thêm chi phí để trang trải cho cuộc sống thường nhật khi cuộc chiến ngày một lan rộng và sinh hoạt sân khấu bị bế tắc.

Anh sang Bao Cong 13

Tháng 3.1975 tình hình chiến sự ngoài miền Trung sôi động, các gánh hát lớn nhỏ hết sức may mắn tránh được đạn bom và kịp thời về đến Sài-Gòn bình an, trong đó có gánh Việt-Nam và Tiếng Hát Dân Tộc. Tháng tư 1975, miền Nam bị đứt phim, nền văn nghệ tự do bị bức tử sau cái mùa xuân u ám đó.

28.11.2018