Cãi Cối, Cãi Chày.

Phuhotrac (Tô Văn Cấp)

– Thôi, đừng có cãi chày cãi cối nữa ông ơi, tôi đã bảo ông nhiều lần rồi mà ông không chịu nghe, bộ tai ông là tai cối hay sao?

– Này ông, đừng có mà ngoan cố cãi cối cãi chày, tai ông mới là tai cối.

Đó là màn đối thoại mà tôi chứng kiến giữa hai người “có chức*” ở trước của nhà hàng Paracel. Sau nghi thức chào cờ trong buổi họp mặt tất niên của hội Đồng Hương… Trong nhà hàng ồn ào bát đũa thì ngoài cửa ông chủ tịch dũa ông MC. (*cấm nói lái)

Các ông cãi lý với nhau rồi ba-sắc ngọ nhau thì tại sao lại kéo họ hàng nhà Cối chúng tôi vào? Các ông điếc thì tại sao lại ví là “tai cối”, bộ cái tai cối chúng tôi thôi-sắc thối lắm sao? Thực là tức chết đi được. Trước khi tìm hiểu lý do các ông “cãi chày cãi cối” thì tôi xin giới thiệu họ hàng nhà Cối chúng tôi.  

Cái hình trên đây là hai nàng đã tới tuổi “đeo kính” đang chân co chân duỗi để tìm lại kỷ niệm tuổi 13 bị bà già bắt giã gạo nấu cơm. Đây là cái cối giã gạo của quê hương tôi: “Quê hương tôi, cái mùng mà kêu cái màn, bên bờ mương, bên bờ ao tôi trồng rau muốn…g”

Cái cối giã gạo này có ba phần chính: cối, chày và khúc gỗ dài làm đòn bẩy.

Cối là khối đá nằm dưới, miệng cười toét tròn vo để người ta đổ gạo vào, còn chày là khúc gỗ đang sẵn sàng mổ vào miệng cối. Muốn cho hạt gạo được trắng thì cần một hay hai người đứng cuối cái đòn bẩy mà đạp xuống cho đầu đòn bẩy ngóc lên cao, rồi sau đó người ta buông chân ra, thế là cái chày rơi xuống, cứ lập đi lập lại nhiều lần như vậy là gạo sẽ trắng, trắng nhiều hay ít là tùy vào thời gian đạp. Đạp nhiều thì gạo bể ra làm hai, ba, ta gọi là tấm, có tấm mới có “cơm tấm bì tàu hũ ki”, còn vỏ hạt gạo thì gọi là cám, cám dùng để nấu cho heo (lợn) ăn hoặc cho những người làm việc cẩu thả, làm biếng. Các cụ ta đã nói rồi:

 -Làm biếng như mày thì cám cũng không có mà ăn, hoặc:

-Làm cẩu thả như thế thì chỉ có nước ăn cám.

Người viết đã được ăn cám, cảm giác mùi vị cũng hay-hay, beo-béo, đó là những ngày đói năm Ất Dậu. Ngày đó nhiều người đúng là không có cám mà ăn, phải ăn vỏ cây, “bới đất cuốc cỏ mà nhét cho đầy bụng đói*”

(*lời cụ Phan Bội Châu).

 Giã gạo nếu có bạn đồng hành, đứng cặp với nhau, em trước anh sau, cùng chân co, chân duỗi, chân đứng chân đạp thì vui lắm, nhất là khi được cô láng giềng sang tiếp chân. Nhưng nếu bị mẹ sai giã gạo một mình thì vừa mệt vừa buồn. Cả ngày quần quật ngoài ruộng, ngoài vườn, tối về bị bà già sai mang lúa ra xay, xay xong là sàng, sẩy, mang cối chày ra giã, thì ngại quá nên các cụ ta đặt ra bài thơ để khuyến khích:

Giã ơi cái cối cái chày

Đêm khuya giã gạo có mày có tao

Giã ơn cái nhịp cầu ao

Đêm khuya giã gạo có tao có mày.

Các cụ đem cái chuyện đêm khuya chày cối quấn quít bên nhau để dụ con cháu giã gạo thì thật là tâm lý tuyệt vời.

Ngoài cối giã gạo, còn có cối giã bánh dầy, cối giã giò, cối này cũng là một khối đá miệng tròn, nhưng người giã thì ngồi, mỗi tay một cái chày thay nhau nhấc lên dập xuống cho tới khi nào miếng thịt lợn trong cối quánh lại với nhau là có giò sống. Theo truyền thuyết thì cối giã giò thuộc vào thời kỳ mẫu hệ nên mới có một cối hai chày.

Còn cối giã cua thì đơn giản hơn, chỉ cần một cái chày mà thôi, nếu không có cối đá thì chúng ta mượn mấy anh lính cái nón sắt thay vào cũng được việc như nhau. Nên nhớ là mượn cho bằng được cái nón sắt mà các anh đội khi ra trận chứ không phải “nón sắt” của chàng tài từ Hàn Quốc “Choi Cong Dzong” tặng lại em hậu phương.

Còn nhiều thứ cối khác, nhưng tựu trung thì cối, chày là hai dụng cụ tối cần thiết và lâu đời ở quê hương tôi, từ đời vua Hùng nên mới có sự tích bánh dầy. Không có cối chày thì không có gạo trắng. Không có cối chày thì làm gì có bánh dầy, giò lụa, chả quế để làm lễ cưới xin. Không có cối chày thì làm sao giã cua để nấu nồi bún riêu, nồi canh bánh đa với những cộng rau rút nổi lên trên lớp gạch cua vàng ngậy tỏa mùi thơm phưng phức mỗi sáng trên hè phố trong khi thằng nhỏ tôi đói meo, đứng dòm cái nồi canh bún mà chảy nước miếng!

Hữu ích là thế, giúp đỡ dân gian là thế, thế mà đã không biết cám ơn thì thôi, nỡ lòng nào các ông lại mắng nhiếc, vu oan cho chúng tôi là lũ “tai cối”, là lũ điếc!

Quý vị “có chức” ghét nhau thì cứ cãi, cãi không lại thì thoi rồi mướn luật sư, mắc mớ chi mà lôi họ nhà cối ra làm ngôn ngữ thô tục để cãi cối cãi chày?

Hay là có mới nới cũ, ra hải ngoại này cái gì cũng xay, giã bằng máy, không cần giã cũng có ăn nên quay lại chửi chày, chửi cối thì tội quá, vô ơn quá!

Công lao lai lịch nhà cối chúng tôi thì xin để sang dịp khác, còn kỳ này thì đi tìm hiểu vì lý do nào mà hai ông giận nhau lại “cãi cối cãi chày”?

Nghe kể lại thì theo chương trình buổi lễ, ông chủ tịch bảo ông MC cho chào cờ Việt-Mỹ, tức là chào Quốc Kỳ và hát Quốc Ca Việt Nam Cộng Hòa trước rồi mới tới Hoa Kỳ, nhưng ông MC cho chào cờ Mỹ-Việt, tức Mỹ trước Việt sau khiến mấy quan khách Mỹ  “cờm-len” ông chủ tịch là không biết gì về “protocol”, ông chủ tịch mất mặt bầu cua bèn kêu MC ra cạo. Ông MC đâu có chịu bèn đưa lý ra để cãi, cãi cho bằng được, phải cũng cãi, trái cũng cãi khiến chủ tịch cầu cứu tới “cối chày” để …

Câu chuyện chào cờ Việt-Mỹ hay Mỹ-Việt của cộng đồng tỵ nạn CS trên đất tạm dung này lúc đầu thì tùy ý, nhưng dần dà được khuyến cáo, theo nguyên tắc chung, trong một buổi lễ có từ hai quốc gia trở lên thì quốc kỳ,quốc ca nước chủ nhà phải được cử hành sau cùng. Mời quý chức đọc một đoạn trong tài liệu của Mỹ về thủ tục chào cờ.

 ***

Q: If both the U.S. national anthem and the national anthem of a foreign country were being played at an event (in the United States ), which one would be played first?

A: Traditionally, as a courtesy, the foreign anthem is played first.

Q: What is the order of display for the U.S. flag and a flag of a foreign nation?

A: The two flags should be on separate staffs. Both flags should be the same size and flown at the same height. The U.S. flag is flown in the place of honor, which is to the viewer’s left. 

***

Như vậy là đã rõ ràng, bất cứ nơi đâu, trên đất nước Hoa Kỳ, khi người Việt tỵ nạn CS cử hành lễ chào cờ thì luôn luôn phải chào Quốc Kỳ Việt Nam CH trước. Nhập gia tùy tục, nhập giang tùy khúc, bơi đến khúc sông có thác mà cứ tình tứ như chèo đò, hò “mái nhì” trên sông Hương thì từ chết tới bị thương, không bị “mái nhất” véo thì cũng thác, rẻ lắm cũng cho nằm salon một mình vài tối cho chừa cái tật “cãi cối, cãi chày”.

Hiện nay ở vùng Nam CA thì cộng đồng tỵ nạn CS gần như đã thống nhất chào cờ Việt-Mỹ trong tất cả buổi lễ rồi, dù tổ chức trong nhà hay ngoài trời. Như vậy là đúng với “sách vở” và phong tục, vấn đề còn lại là… ai, ở đâu, khi nào, tại sao (w.w.w.w) vẫn cứ chào cờ Mỹ-Việt, Mỹ trước Việt sau thì nên tìm hiểu lại.

Ông MC cho chào cờ Mỹ-Việt lý luận rằng người Việt tổ chức buổi lễ trong nhà hàng Việt Nam thì Việt Nam là chủ, quan khách Mỹ được mời đến thì là khách, theo phong tục Việt Nam thì “tiền khách hậu chủ”, tiền chào cờ Mỹ, hậu cờ Việt là đúng rồi.

Thế là cãi cối cãi chày.

Này ông ơi, ông là người “có chức”, lý luận kiểu này thì đúng là “cãi chày cãi cối”, gặp người Mỹ hiểu chuyện thì người ta cười cho, gặp người biết nói lái tiếng Việt “có chức” thì phiền cho ông, chẳng thơm tho tí nào.

Theo tự điển tiếng Việt xuất bản trước 30/4/75 của Khai Trí Tiến Đức, Lê Văn Đức & Lê Ngọc Trụ, Nguyễn Lân, Hoàng Phê thì người “cãi cối cãi chày” là người cố ý ngụỵ biện để che dấu sự thiếu hiểu biết, tự bào chữa nên không nhìn thấy lỗi lầm của mình, nghĩ rằng cái gì cũng biết, biết cả những điều… mình không biết nên mới cố cãi, cãi cối cãi chày. Cũng là do thói ngạo mạn, là cái đinh cái rốn, nhưng tiếc rằng không thức thời nên đinh sét, rốn lồi!

Chuyện chào cờ Việt-Mỹ trước sau đã rõ ràng rồi, thôi đừng cãi nữa, nhưng cũng nên nói thêm về những điều lủng củng, lỉnh kỉnh, linh tinh trong nghi thức chào cờ.

Thông thường khi Quốc Ca VN vừa trổi lên là tự động khán giả cất tiếng hát theo, lời ca “Này Công Dân Ơi” như thấm vào máu từ khi mới chào đời cho đến khi lìa trần, nhưng quốc ca HK thì chỉ có nhạc, điều này thiếu công bằng, khiến người HK kém vui. Dĩ nhiên làm sao đám đông gốc Việt già như hô nhà cối biết hát quốc ca HK, do đó để cho công bằng thì xin quý chức VIP trong ban tổ chức nên tìm một tuổi trẻ biết hát quốc ca HK thì đẹp hơn, việc này dễ như trở bàn tay, chỉ cần VIP để ý mốt tí tỉ tì ti là OK.

Khi nghi lễ chào Quốc Kỳ Việt-Mỹ diễn ra thì chúng ta cũng thấy ngay hiện tượng “không gì quý hơn độc lập tự do”, ai muốn chào kiểu nào tùy ý, người thì đứng nghiêm, người chào tay, tay để lên ngực và còn nữa, miệng nhóp nhép miếng kẹo cao su cho bớt thối mồm!

Sau ngày “đại hội bất thường” của tập thể CCS, nhiều tấm hình trong đại hội được báo chí, internet phổ biến rộng rãi, trong đó có một tấm gồm 4 vị chức sắc cao cấp nhất, đặt vòng hoa và đứng chào trước bàn thờ Tổ Quốc, vị mặc quân phục chào tay đúng lễ nghi, còn ba vị kia mặc âu phục thì mỗi vị một kiểu theo đúng phong cách “không gì quý hơn tự do”, một vị chào tay, một vị để tay lên ngực và một vị đứng nghiêm, hai tay buông xuôi xuống dọc theo hai bên hông!

Đại hội “bất thường” để kêu gọi đoàn kết mà ngay trong nghi thức chào kính, đã có cái bất thưởng rồi, mỗi vị lãnh đạo tập thể chơi một kiểu khác nhau, đã không làm giống nhau thì đoàn kết nỗi gì, mỗi người một ý, một kiểu, chẳng ai giống ai, không lẽ cái máu di truyền “50 con lên núi, 50 con xuống biển” còn tồn tại tới này nay!.

Thế là cãi cối cãi chày!

Những việc cỏn còn con này chẳng làm chết con voi nào, nhưng nó như cái gai trước mắt, như hạt cát trong gót giầy, người chữa được căn bệnh thâm cung khú đế này không ai khác hơn là MC. Trước khi cử hành buổi lễ, MC nên nhắc nhở những việc cần làm cho giống nhau là xong.

Sau nghi thức chào quốc kỳ là tới “Một Phút Mặc Niệm”, đây là giờ phút trang nghiêm để tưởng nhớ tới đồng đội, đồng môn, đồng khóa cùng quân dân cán chính VNCH đã hy sinh để bảo vệ đất nước VN, tưởng nhớ tới…, nhớ tới 58,772 quân nhân Hoa Kỳ đã hy sinh và mất tích trong cuộc chiến chống CS để bảo vệ tự do v.v…

Trang nghiêm như thế, trịnh trọng như thế mà có đến 90% trong các buổi lễ, trước khi có kèn truy điệu thì ông, bà, cô, cậu MC đọc lời giới thiệu hết sức “lãng nhách”, thế nào cũng bắt đầu bằng một câu nghe ra có mùi “baác” nói, thế rồi MC bỏ đầu cắt đuôi thành: “tưởng nhớ đến tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước”!

Baác* Hồ xấc láo, hỗn hào, dám so sánh công lao của Tổ Hùng Vương ngang bằng với việc bán nước của mình nên baác mới thốt ra một câu nghe “thu em hỏi” không chịu được:

– “Các vua Hùng có công dựng nước, bác cháu ta có công giữ nước”

Một câu “thủm” như thế mà quý vị cứ thuổng của lão rồi chế biến thành câu giới thiệu một phút mặc niệm thì hết nước nói, “phi-ní-nô-đia”. Cái gì của baác* hãy quăng vào sọt rác.

(* baác có cầu chứng tại tòa, có nghĩa là ba-ác)

Tiện thể nói về chào cờ Việt-Mỹ thì cũng nên nói tới những bệnh nan y ngày càng lan rộng trong các buổi lễ, làm mất hết vẻ nghiêm trang, vì có quá nhiều nhiếp ảnh “da”!

Chỉ mới đây thôi, khi còn làm cho L.A Laundry, công việc của tôi là chạy nhong nhong ngoài đường, nhận và giao các mẫu hàng nên hãng phát cho tôi cái beeper, khi nào chủ cần ra lệnh gì cho tôi thì cứ bíp-bíp thế là tôi phải chạy đi tìm hộp tele công cộng… Nay thì kỹ nghệ điện tử tiến nhanh tiến mạnh, đâu đâu cũng ipad, iphone, mà “ai” nào cũng có máy chụp hình, tiện lợi vô cùng.

Quả là hữu ích, khi ngồi cạnh nhau, chụp cho bạn một tấm hình rồi gửi qua email thì người chụp đẹp đã đành mà người trong hình không đẹp cũng phải đẹp, đẹp vì tình thân thiện, thân thiết giữa đồng môn, đồng khóa, bạn bè gần xa.

Quả là hữu ích, người viết xin trân trọng gửi lời cám ơn đến các nhiếp ảnh gia, dù là chuyên nghiệp hay tài tử, quý vị đã tốn công góp của để chụp những tấm hình trong các buổi họp, buổi hội để phổ biến tin tức hình ảnh cho những ai không trực tiếp tham dự được biết, được cùng chung vui, quý vị chụp với cái tấm lòng “mình vì mọi người”.

Nhưng quả là phiền toái, có những cá nhân chỉ muốn mọi người vì mình, lạm dụng máy hình thái quá, chụp chỉ để mà chụp, chụp cho cố mà không biết dùng làm gì hay chỉ cốt khoe cái ipad gây cho buổỉ lễ lộn xộn. Cái thằng em cùng khác cha, khác mẹ với tôi là một trong số các nhiếp ảnh “già” đó.

Thằng cả con bà hai này dốt đặc cán mai, được bố bảo lãnh sang Mỹ mới được đâu chừng nửa năm, những vết nứt ở gót chân còn dính đầy sình lầy XHCN thế mà cũng súng sính ipad với iphôn! “No problemà”, cái mà tôi bực mình là hắn tự chụp hình cho mình rồi đem khoe lung tung, lại còn dùng ngôn ngữ trong nước, gọi tự chụp hình cho mình là “tự xướng”! Giáo dục học đường XHCN đã dạy cho học trò “tiên học dâm dục, hậu học đục nhau”. Nhân nghĩa lễ trí tín XHCN trời thu sạch, “đạo đức cương thường đảo ngược ru” (lời tiền nhân).

Còn một hành động nữa là chú em này nhi nhô, bất cứ chỗ nào, tiệc tùng nào hắn cũng xông vào đám đông xô đẩy để chụp! Hỏi nó chụp để làm gì vì toàn là người xa lạ, cảnh cũng chẳng có chi là hấp dẫn, thì hắn bảo:

– Có tốn xu nào đâu, lại được đến gần sân khấu và tỏ ra mình là người sành điệu, may mà được một lão bà thích chụp, thích “măng-dê-phô-tô” thì có cơ hội…

À ra thế, thử quan sát xem, trong những buổi lễ có bao nhiêu nhiếp ảnh giả, ảnh da như cái thằng em cùng khác cha khác mẹ cua tôi? Người được chụp thì khoái, nhưng cái tệ hại nhất, khó chịu nhất là hàng hàng lớp lớp nhiếp ảnh giả kéo nhau dàn hàng ngang, hàng dọc, che hết những gì đang diễn ra phía trước, trên sân khấu, khiến cho bao nhiêu quan khách chức sắc ngồi phía sau chỉ còn được ngắm những cái lưng, cái mông! Phải chi là mông của Lopez thì cũng đỡ, đằng này toàn là những cái “dài lưng tốn vải ăn no lại nằm” che hết những gì trên sân khấu.

Khi cắt bánh sinh nhật đơn vị, binh chủng ư? Tối thiểu là 3 vị chức sắc, thêm người cầm dao, cầm kiếm, đó là vòng trong, vòng thứ hai là thân nhân của những chức sắc lập hàng rào, lăm le ipad, iphon để chụp, để bấm dăm ba phát, vòng thứ ba là nhiếp ảnh giả, ba vòng che kín cái bánh sinh nhật khiến toàn thể quan khách, khán giả chả biết các chức sắc cắt bánh hay cắt, đốt, cột cái gì! Lại có những anh, những chị chẳng có dây mơ rễ má nào với người đóng kịch, người ca hát mà cũng ráng lên đứng ké rồi đưa cái ipad vào mặt người ta, chụp với người xa lạ một phát làm cả người bị chụp và người xung quanh cùng bực mình.

Tôi nhớ mãi trong lần đại nhạc hội Cám Ơn Anh Thương Binh tổ chức tại Little SG, khi có tiết mục diễn cảnh tiểu đội lính Trâu Điên của Lý Tiểu Bình bò bò tiến tới tấn công mục tiêu, thì những nhiếp ảnh giả bèn cúi cúi, khom khom, vừa đi lui vừa chụp vừa quay phim anh lính bò tới, “mải nhìn cái lợi trước mắt mà quên hẳn cái hại sau lưng”! Cái tai hại là em mải chổng mông vừi lui vừa chụp nên đưa ngay cái bàn tọa về phía các chức sắc Hội Đồng Liên Tôn, có thầy có cha ngồi, thế có chết cha cha không chứ! Nếu không có anh trật tự đẩy cái mông ngược lại thì có thể sư, cha, mục sư ngồi ghế VIP bị lãnh cái “mộng hoa” là họa mông!

Ôi cái mông của những nhiếp ảnh gia già thật đáng sợ!

Xin các nhiếp ảnh giả, ảnh da nghĩ lại mà thương cho quan khách phía sau.

Lại cũng vụ chụp, không phải chụp trong tiệc cưới, tiệc vui mà chụp trong đám tang, không phải của tang gia mà là của những người đến thăm viếng chụp với nhau chơi!

Ngày D giờ H năm Y tôi đến nghĩa trang tiễn chân một cháu mới 24 tuổi hy sinh trên chiến trường Iraq, có khá đông thân hữu cùng đồng môn, đồng khóa của thân phụ cháu đến dự. Sau giờ phút trang nghiêm vị linh mục làm lễ, tới phần hạ huyệt thì tiếng khóc than xé ruột của thân mẫu, của anh em tiếc thương người “ra đi”, đang đi vào lòng đất, vĩnh viễn xa nhau thì ngoài kia, trong đám người đến chia buồn ồn ào:

-Đứng vào, xích vào, chờ tao, lui lại sau, công-sô-lây …”.

Cái gì vậy cà?

Thì ra là những tiếng cãi cối cãi chày át tiếng khóc than của.. “lòng mẹ bao la..”, đó là tiếng của những “quan khách” đến chia buồn, họ gọi nhau đến chụp hình cho vui:

-“Đã lâu lắm rồi không gặp nhau, nhân dịp đi đưa đám người chết thì chúng-những người sống, ta chụp với nhau một vài tấm cho vui để làm…”!

-Làm cái gì nhỉ?

-Để chứng minh cho tang gia biết là chúng ta đến chia buồn? Chia buồn cho tang gia xong, chỉ còn lại niềm vui nên tha hồ chụp, mà chụp thì phải toét miệng cười. Cùng thời gian, không gian, mà bên khóc bên cười thì thật là một bức tranh vân cẩu “vô giá”-vô giá trị cả tình lẫn lý.

– Xin tha, xin tha, “ai can u”

Ông bố “kiki, toto” của tôi thích chụp hình trong những cảnh trái ngược, bố đến thăm một bệnh nhân trong tình trạng thập tử nhất sinh. Một tấm hình chụp được ông phổ biến lên internet, tôi thấy ông cười tươi (chụp hình là cười) bên người thoi thóp thở chờ chết càng làm cho ông trẻ ra, đẹp ra so với người bệnh.

Có lần ông mang tặng bệnh nhân một thùng sữa en-sua, nhiều cell phôn được dùng làm máy chụp, nhiều tấm hình ông đứng cười tình bên cạnh bịnh nhân thở không ra hơi mà ngồi ghế dựa, hay nằm ngoẻo đầu, ôm thùng sữa en-sua… được tung lên internet thế rồi thằng mõ  “bố tô-tô gõ mõ la làng:

-Cốc, cốc, cố! Bớ làng trên xóm dưới, trong họ ngoài làng, trong hang, trong hốc, trong cốc, trong kẹt, trên dốc dưới lài, ông trên, bà dưới, hãy lắng tai nghe đây: “tôi mới đem quà tặng bệnh nhân nè…”.

Tôi khuyên “bố toto” không nên làm thế…

Thế là bố toto, mẹ kiki cãi cối cãi chày.

Thừa giấy làm gì chẳng vẽ voi, xin nói thêm về việc ồn ào. Tiệc tùng mà không ồn ào, không lời vào tiếng ra thì làm sao gọi là tiệc. Nhưng giữa giờ phút trang nghiêm, vị chủ tọa đang mở lời chào hỏi mà ở phía sau cứ cả vú lấp miệng người phát biểu thì chơi ép nhau quá.

Hình như cụ Nguyễn Văn Vĩnh có khen dân ta vui tính bằng một câu đại khái là thế này:

-Dân VN ta gì cũng cười, mở miệng ra cười một cái là mọi việc mất hết vẻ nghiêm trang”.

Ở tiệc này không chỉ là tiếng cười, mà cỏn là “zô-zô”, trong khi màn hình TV đang chiếu lại hình ảnh những đồng đội, đồng môn, đồng khóa đã hy sinh vì Tổ Quốc (VN) kèm theo lời giải thích về các tử sĩ tên gì, hy sinh trong trường hợp nào, ở chiến trường nào, vì sao mà hy sinh thì đâu đó trong nhà hàng, bốn phương tứ hướng cứ ào ào “zô-zô”, nổ những chuyện riêng tư. Nếu có vị nào biết phép lịch sự, tôn trọng đám đông, khe khẽ lên tiếng:

– “xịt khe-khẽ một chút”

Là có ý nhắc nhở những người nhiều chuyện khép bớt môi, cái mồm thối lại thì thế nào cũng bị đám “ồn” lườm, bị nguýt, nặng hơn là dùng ngôn ngữ đường phố để đáp trả khiến không khí trang nghiêm của buổi lễ bị nhiễm trùng.

Thế là cãi chày cãi cối.

Anh mang kính dâm, chị mang kính mát, già dư thất thập chưa “đeo kính”, rủ nhau đi xem voi, mỗi người nhìn thiên hạ sự khác nhau…

Thế là cãi cối cãi chày.

Lời cuối cùng, để tránh nhiễm trùng, giữ vệ sinh chung thì xin quý ông, bà, cô, bác, cậu mợ, chú dì v.v.. đừng dùng đũa của mình mà quậy, mà gắp, mà thoọc vô đĩa thực phẩm chung…

Lời cuối cùng, để tránh ô nhiễm môi trường, giữ vệ sinh chung, xin quý nổ thần xúc miệng, uốn lưỡi trước khi rút chốt lựu đạn./.