Cái boum xì

Lâm Thụy Phong

Theo ý muốn của bạn tôi,  Huỳnh Tấn Long hay còn gọi là Tỏn -Ni – Long cho giống Tây, ngày cuối năm chậm chạp trôi qua,  một năm đầy chuyện buồn, tai ương cho nhiều gia đình vì Covid. Kinh tế thế giới kêu trời không thấu. Hoa kỳ lên cơn sốt, cựu lục địa châu Âu nhức đầu, tháo mồ hôi hột.

Hy vọng sang năm mới tốt đẹp hơn cho tất cả nơi nơi, tôi viết chuyện ngày xưa có con mẹ bán dưa tặng các bạn tôi. Những thằng đã lên lon hàng nội ngoại, nhưng vẫn yêu màu tím, khoái nhạc Trịnh Công Sơn, xấu đẹp tùy người đối diện. Mặc dầu, plus beau que moi, tao “bo” mầy te tua!

Một vài thằng đã lên bàn ngồi, nhìn nhang khói mờ nhơn ảnh. Và đợi mỗi năm dòm con gà khỏa thân,  thiên thu an giấc!
Kể tên tụi bây không đủ chỗ. Do đó, chỉ xin trình tờ khai gia đình khi cần.

Chúng tôi lớn lên, biết mơ mộng, biết liếc “ghế “, đứng đợi em tan trường về gần cuối thập niên 60, chịu ảnh hưởng ít nhiều của phong trào hippie đang là thời thượng trên toàn thế giới.

Nhóm chúng tôi cũng không thể không bị cuốn hút vào quỉ đạo đó. Kỷ luật Petrus Ký khắc khe, tóc không dám để dài. Nhưng vẫn mang hơi hám, có chừng mực, của Woodstock, một liên hoan tập hợp năm 1969 của phong trào hippie trên toàn thế giới.

Trai gái thanh tú “chịu chơi” của Sài Gòn lúc đó là áo sơ mi bó sát thân, có “chấn ben”, cái quần ống loa (ống voi), đáy xệ, tóc càng dài càng đẳng cấp “dân chơi cầu Ba Cẳng”.
Con gái thì T-shirt, quần loa, tóc dài chẻ giữa, áo dài mini, tay raglan. Hết xẩy!
Xe gắn máy, kiếng mát gắn đầy hoa. Một băng nhóm sơn xe toàn màu trắng, tự xưng “băng La Mua” , khá nổi tiếng trong giới con nhà giàu , học trường Tây (JJ Rousseau,  Marie Cút, Taberd).

Tạ Thiện Lộc mở màn dạy anh em các điệu nhảy: Cha Cha Cha ma ní lấy chồng chà và, Be Bop, Baso, Tango -, mà có lẽ học dễ nhứt vẫn là “Sì Lô quíu”, du dương, thơ mộng trong ánh đèn mờ. “Xin đừng đạp chân em “, quên , “Xin còn gọi tên nhau”,  và La Nuit , Aline,  Tombe La Neige, Capri C’est Fini, Mùa Thu Chết, Nửa Hồn Thương Đau – Nhắm mắt chỉ thấy một cái gì cứng ngắt !!!

Những cái bals trên nhà Huỳnh Công Tín, chung cư của Điện Lực, đường Hai Bà Trưng với Baby Zan của Nguyễn Bá Tòng, chắc khó quên với nhiều tên, dù đã hơn 50 năm qua,  “yêu người trong mộng , sống với người trong mơ “!

Chúng tôi đồng ý tổ chức một cái boum trên cư xá sĩ quan Chí Hòa, phía sau chợ cá Trần Quốc Toản, bên hông trường trung học tư thục Đồng Tiến.

Nhà do anh Sáu “Dế”, anh ruột của chị Kim Khánh (phu nhơn của Thầy Nguyễn Minh Nhựt, Giáo Sư sử địa của Petrus Ký) cho mượn, qua trung gian của Huỳnh Tấn Long.

Tổ chức có bài bản, thiệp mời in thật đẹp miễn phí do Nguyễn Bá Láp (Bá Lân) cung cấp.

Chúng tôi đã vô ý, phát thiệp mời rộng rãi, không kiểm soát được người đến dự. Cho nên mới ra cớ sự, xảy ra đại chiến trước chợ Trần Quốc Toản.

Ngày Ng ., khách mời luôn cả khách không hề mời đến chật rạp,  nghẹt cầu.

Một nhóm du đảng do “Hai Gà” cầm đầu xin vô chơi, chúng tôi từ chối. Họ về xách hung khí, mã tấu lại chém các xe gắn máy của chúng tôi đậu trước cửa. Hỗn loạn xảy ra, các em run như thằn lằn đứt đuôi.  “Đại Tướng” Võ Quang Đạt (Petrus Ký Nam Cali) hiên ngang, hùng dũng chun xuống sàn giừơng tránh đạn.

Anh Sáu Dế chạy về trại xách súng. Một cái boum tổ chức bài bản. Chưa kịp bắt đầu đã tan hàng trong hỗn loạn .

Ngày hôm sau , đám Petrus Ký chúng tôi kéo lên kiếm Hai Gà, dẫn đầu là Võ Quang Tụi, Nguyễn Thiện Tính (Tính mập).

Võ Quang Tụi năm đó là Tổng Thơ Ký của Ban Đại Diện Học Sinh Petrus Ký, võ sư huấn luyện viên Vovinam. Sau vô trường Bộ Binh Thủ Đức và anh dũng hy sinh trong những năm sau cùng của cuộc chiến (Youtube: “Những Chiếc Thẻ Bài Bị Lãng Quên” có nhắc Tụi trong trận tử chiến).

Một cuộc dằn co nổ ra, Võ Quang Tụi đã tỏ ra rất can đảm bênh vực anh em,  trước cây rouleau chỉa vào đầu .

Cuối cùng hai bên bằng lòng giải hòa. Và tất cả chỉ còn là kỷ niệm của một thời tuổi trẻ sống trong chiến tranh. Sống còn,  thuộc về số mạng!

Viết tặng tất cả bạn tôi. Những đứa chia sẻ cùng tôi, vui buồn, của suốt 7 năm làm học trò Petrus Ký.
An giấc ngàn thu Tính,  Tụi!
An lành cho anh em còn lại!

Lâm Thụy Phong
(PK 1964-1971 )
Viết lại ngày cuối năm 2020