Cái Bóng

Vưu Văn Tâm

Thương mến tặng cô em Thanh Tâm, đạo diễn cuốn phim “Bóng quá khứ”

Câu chuyện cổ tích ngày mưa của ngoại là chiếc bóng oan tình đã gây ra cảnh xẻ đàn, tan nghé. Thằng bé nhớ cha đi dẹp giặc ngoài biên ải, mỗi lúc đêm về cứ khóc thét đòi cha. Mẹ nó mới chỉ vào chiếc bóng mình in trên vách nhà và dỗ dành “đêm tối cha mới về”. Ngày tan giặc xâm lăng, chàng trở về trong niềm vui hội ngộ nhưng cái hạnh phúc gia đình sao quá đỗi mong manh. Thằng bé không nhận nhìn cha và gây ra mâu thuẫn giữa hai đấng sanh thành. Người mẹ phải trầm mình để bảo vệ danh thơm người tiết phụ. Đêm về, thằng bé chỉ vào chiếc bóng đen in trên vách và mừng rỡ reo lên “cha đã về, cha đã về”. Khi hiểu ra thì người thương đã thành thiên cổ và người chồng phải ôm nỗi ân hận suốt đời chỉ vì hờn ghen và nghi ngại lòng thủy chung của người vợ tào khang.

Lớn thêm một chút, mỗi khi theo má đi chợ hay trên đường đi đến trường, Tám để ý thấy cái bóng mình cứ nhởn nhơ và đổ dài theo bóng nắng. Tám cứ thắc mắc “sao cái bóng cứ đi theo mình hoài” và lắng nghe má cắt nghĩa “tại vì con hiện hữu, con đi trong nắng, dưới ánh mặt trời thì phải in bóng nắng chứ làm sao mà tránh né được”. Lời giải thích của má nghe êm dịu và xuôi tai nhưng cũng không soi sáng được cái trí óc non nớt ngây thơ ngày lên bảy, lên năm.

Mấy mươi năm trôi đi, khi mái tóc đã phai phôi màu sương tuyết và cái bóng của cậu trò nhỏ đã thật xa mái trường yêu dấu, xa như cái Sài-Gòn nắng chang mưa gội mà những hình ảnh ngày xưa như chỉ mới hôm nào. Bùi ngùi nhớ tới mấy lần đi vượt biển không thành ở Rạch-Giá, tình người nơi đó đã để lại trong lòng Tám những cảm xúc dạt dào khó quên. Nửa đêm về sáng, chị Hai chủ nhà kéo chân Tám thoát khỏi giấc ngủ say nồng và chống chèo đưa Tám đi được một khúc sông. Anh Hai đã chờ sẵn trên bờ mương để chở Tám ra bến xe Rạch-Giá và mua luôn “cục gạch” sát phòng vé để Tám có được cơ hội về tới Sài-Gòn cho thiệt sớm. Lần cuối cùng ở Cà-Mau, chiếc ghe nhỏ ngập người ra khơi vào một đêm tối không trăng. Chuyến hải hành gian nan, gặp hải tặc Thái-Lan rồi được chiếc tàu Cap Anamur cứu mạng. Mảnh đời lưu lạc từ đó được hít thở bầu không khí tự do nhưng có bao giờ quên được cái bóng quá khứ của mình, từ đâu đến và tại sao lại bỏ xứ ra đi.

Xa quê đã bao năm, nắng mưa đã bao mùa và biết bao chuyện vật đổi sao dời ở một nơi chốn xa xôi cũng như trên quê nhà với dọc ngang những đường quen, lối cũ. Người chết không thể chạy trốn được nấm mồ. Cái quan tài được khiêng đi và trước khi đặt xuống lòng đất hay hóa thành tro bụi đều in bóng nắng trong lúc di dời. Thành ra, người còn sống bao giờ cũng mang trong lòng những hình ảnh của ngày hôm qua, của bóng quá khứ dù xấu xí hay đẹp đẽ, dù rạng rỡ hay buồn tủi mênh mang. Cái bóng vẫn luôn song hành và hơn bao giờ hết, cái bóng là niềm thủy chung không bao giờ phai nhạt.

TV, 09.10.2022