Các Thầy Cô của Tôi ở Petrus Ký

Vĩnh Nhơn Lâm Vĩnh Thế

(Ðã đăng trong báo Kinh Doanh, số 8 (Tháng 1-2/2000), tr. 127-138; về sau đăng lại trong Tạ Ơn Thầy, Nhớ Ơn Cô, đặc san Petrus Ký 2010, tr. 47-63)

 

Tôi học Trường Trung Học Petrus Trương Vĩnh Ký trong suốt 7 năm ở bậc trung học, 1953-1960.  Khi vào trường, tôi chỉ mới là một cậu bé con 12 tuổi, rời trường, tôi đã là một thanh niên 19 tuổi, sắp sửa bước vào ngưỡng cửa đại học. Tôi đã được quý Thầy Cô chuẩn bị đầy đủ hành trang để tiếp tục theo đuổi việc học ở bậc đại học. Công ơn nầy tôi không bao giờ quên được. Bài viết nầy cố gắng ghi lại những kỷ niệm vui buồn tôi còn nhớ được về những năm tháng được sự chăm sóc dạy dỗ của quý Thầy Cô.

Những Năm Ðệ Nhất Cấp

Năm Ðệ Thất (Niên khóa 1953-1954)

Tựu trường niên khóa 1953-1954 tôi vào học Trường Trung Học Petrus Ký, được xếp vào lớp Ðệ Thất B6 với số danh bộ là 4112.  Con số danh bộ nầy tôi mang suốt thời gian 7 năm học tại Trường.  Trong năm học đầu tiên nầy, vì Trường chưa có đủ giáo sư, một số Thầy Cô Giám thị được cử dạy một số giờ cho các lớp Ðệ Thất mới vào.  Riêng lớp Ðệ Thất B6 của chúng tôi được học với các Thầy Cô Giám thị trong các môn học sau đây: môn Quốc Văn với Thầy Nguyễn Văn Ngọc, môn Vật Lý với Thầy Tăng Văn Chương (về sau có một thời gian làm Tổng Giám thị), môn Hóa Học với Thầy Khiêm (tôi không còn nhớ họ), môn Vạn Vật với Cô Ngà (tôi cũng không biết họ là gì), và môn Anh Văn vớI Thầy Ưng Ðồ.  Hai Thầy Chương và Khiêm lại là Giám thị trông coi khu vực lớp chúng tôi.  Các Giáo sư phụ trách các môn học còn lại là: Thầy Dương Dạn Hòa môn Toán, Thầy Phạm Văn Sửu môn Pháp Văn, Thầy Ưng Thiều môn Hán Văn, Thầy Nguyễn Văn Gần môn Sử Ðịa.  Trong số các Thầy Cô của năm Ðệ Thất nầy, các Thầy Sửu, Thầy Hòa và Thầy Gần còn tiếp tục dạy anh em chúng tôi mấy năm sau nữa.

Thầy Phạm Văn Sửu

Thầy Phạm Văn Sửu dạy môn Pháp Văn, là một trong những vị Giáo sư đầu tiên của Trường Petrus Ký đã để lại một dấu ấn đậm nét trong tâm hồn tôi, không những vì công ơn dạy dỗ của Thầy (chúng tôi học Pháp Văn với Thầy suốt 4 năm Ðệ Nhất Cấp), mà vì Thầy đã nêu gương sáng cho tất cả anh em chúng tôi qua tư cách của thầy (thí dụ như trong biến cố giữa Bình Xuyên và Quân Ðội Quốc Gia tại Trường, như tôi đã kể lại trong Phần I của hồi ký nầy), cũng như qua quyết tâm vươn lên trong xã hội của thầy.  Xuất thân là một huấn luyện viên thể dục, lại nặng gánh gia đình đông con, vợ lại không đi làm, Thầy đã cố gắng vừa đi làm, vừa đi học thêm để lấy bằng Tú Tài.  Sau khi đậu xong Tú Tài, Thầy xin cải sang ngạch Giáo Sư Ðệ Nhất Cấp và được cử dạy môn Pháp Văn tại Trường. Trong suốt 4 năm dạy Pháp Văn cho anh em chúng tôi tại Trường, Thầy lại mở lớp dạy tư thêm tại nhà, một ngôi nhà nhỏ trong khu Bàn Cờ, để tăng thêm lợi tức cho gia đình vì lúc đó các con Thầy cũng đã lớn, trong nhà cần chi phí nhiều hơn. Tôi vẩn nhớ có nhiều hôm tụi tôi đến học thêm tại nhà Thầy, trời nóng quá, Thầy cho phép tụi tôi cởi áo ra, ở trần hết, riêng Thầy cũng chỉ mặc áo thung ba lổ. Hình ảnh “lớp học” lúc đó trông chắc buồn cười lắm nhưng quả thật đã để lại trong tôi rất nhiều kỹ niệm êm đềm. Cũng trong thời gian nầy, Thầy lại cố gắng ghi danh học Luật, và sau cùng Thầy lấy được mãnh bằng Cử Nhân Luật Khoa.  Thầy rời Trường, chuyển sang ngành Tư Pháp và được bổ nhiệm vào chức vụ Chánh Án các Toà Sơ Thẩm.  Gần mười năm sau, thầy trò chúng tôi lại có dịp gặp lại nhau tại tỉnh Kiến Hòa (Bến Tre).Lúc đó tôi vừa tốt nghiệp Ðại Học Sư Phạm Saigon và được bổ về dạy các lớp Ðệ Nhị Cấp tại Trường Trung Học Công Lập Kiến Hòa.  Thầy Phạm Văn Sửu lúc đó là đương kim Chánh Án Toà Án Tỉnh Kiến Hòa.  Tôi có đến thăm Thầy mấy lần tại ngôi biệt thự rất lớn dành cho vị Chánh Án của tỉnh, nằm cạnh bờ hồ Chung Thủy, ngay trước cổng Trường Trung Học.  Tôi nhắc lại mấy buổi học “ở trần” tại nhà Thầy ở khu Bàn Cờ, Thầy cười và nói: Cái thằng nhớ dai dữ.” Thầy rất mừng cho sự đổ đạt của tôi.  Tôi không nói ra, nhưng trong bụng thầm nghĩ Chính nhờ Thầy đã nêu gương sáng hiếu học mà ngày nay con mới nên người”. 

Thầy Dương Dạn Hòa

Thầy Dương Dạn Hòa (chữ lót trong tên của Thầy là như vậy, có lẻ do Chánh Lục Bộ đã viết sai khi thân phụ Thầy đi làm giấy khai sanh cho Thầy) dạy anh em chúng tôi môn Toán hai năm Ðệ Thất và Ðệ Tứ.  Thầy Hòa người nhỏ nhắn, đi dạy học lúc nào cũng bận complet, thắt cà vạt đàng hoàng.  Thầy rất nghiêm khắc, và đặt ra rất nhiều luật lệ làm cho chúng tôi theo muốn hụt hơi.  Thí dụ, khi làm bài trên giấy nộp cho Thầy thì luôn luôn phải gạch hàng đóng khuôn tên của mình lại, mà khuôn thì phải đầy đủ bốn gạch thành hình chữ nhựt đàng hoàng, mấy tên nào làm biếng chỉ gạch hai gạch, và dùng hai cạnh của tờ giấy làm hai cạnh còn lại của khuôn tên, đều bị trừ hai điểm.  Khi làm bài trong lớp nộp cho Thầy thì chỉ năm đứa nộp bài đầu tiên là được đủ điểm tối đa, năm đứa kế tiếp đều bị trừ một điểm, năm đứa kế nữa bị trừ hai điểm, và cứ thế điểm tối đa bị sụt dần.   Vì cái “luật” khắc khe nầy, tụi tôi đứa nào cũng rán làm bài cho nhanh để khỏi bị trừ điểm.  Ngoài ra, Thầy còn đặt thêm một luật nữa, là tất cả các bài toán đều phải có phép thử viết ngay bên cạnh, thiếu cái nầy cũng bị trừ điểm luôn. Nói tóm lại tụi tôi làm toán phải luôn luôn đạt hai tiêu chuẩn là nhanh và đúng. Lúc đầu mới học với Thầy thật quả là khốn khổ, nhưng dần dà rồi cũng quen và thấy có hiệu quả tốt. Và với thời gian tụi tôi cũng nhận ra rằng Thầy tuy bề ngoài có vẻ rất nghiêm khắc nhưng thật ra rất vui tính và thương tụi tôi như con.  Ðặc biệt trong số học trò Thầy rất thương anh Hà Kim Phước, lý do là vì anh Phước nhỏ nhứt trong đám tụi tôi, nhỏ tuổi mà cũng nhỏ con luôn.  Mãi đến bây giờ, anh em tụi tôi có dịp gặp lại nhau, có nhắc đến anh Phước đều gọi là “thằng Phước con Ông Hòa”.  Ðến năm Ðệ Tứ phải đi thi bằng Trung Học Ðệ Nhất Cấp, tụi tôi có học thêm tại nhà với Thầy, một căn nhà gạch trong một con đường nhỏ mang tên là Palanca (bây giờ đổi tên thành đường Nguyễn Trung Ngạn).  Xin mở một dấu ngoặc nhỏ để nói thêm một ít về con đường nhà Thầy Hòa.  Con đường nầy rất ngắn, chỉ dài chừng mười lăm, hai mươi mét từ ngoài đường Luro (sau đổi tên là Cường Ðể, bây giờ gọi là đường Tôn Ðức Thắng) vào.  Ở ngay tại ngả ba hai đường nầy có một quán rượu nhỏ của một anh lính Pháp không chịu hồi hương (vì hình như đã lấy một bà vợ người Việt, và bà nầy không chịu theo chồng về Pháp) với một bảng hiệu rất ngộ nghỉnh, không đề bằng chữ mà toàn bằng số như sau : 0 20 100 0 (đọc theo tiếng Pháp sẽ tạo ra một âm thanh tương đương với câu Au Vin Sans Eau = Rượu Không Pha Nước).  Xin đóng dấu ngoặc lại ở đây. Nhờ học thêm Toán với Thầy, cuối năm đó đa số anh em chúng tôi đậu bằng Trung Học Ðệ Nhất Cấp rất dễ dàng.  Thầy Hòa về sau trở thành Dân Biểu Quốc Hội trong thời Ðệ Nhất Cộng Hòa, đại diện cho đơn vị Năm Căn của tỉnh An Xuyên (Cà Mau).  Vào khoảng cuối thập niên 80, tôi nhận được thơ của một người bạn thân cùng lớp, anh Nguyễn Thanh Hải.  Trong thơ, anh Hải cho hay một tin buồn: Thầy Hòa, do lớn tuổi bị mất trí nhớ, đi lạc, không biết đường về nhà, Thầy phải lang thang xin ăn tại Chợ Cầu Muối một thời gian, may nhờ một học sinh củ nhận ra và đưa Thầy về nhà.  Ðọc thơ xong, tôi không cầm được nước mắt.  Lập tức, một mặt tôi liên lạc với anh Võ Duy Thưởng, Tổng thư Ký Hội Ái Hữu Petrus Ký Bắc California, nhờ Hội giúp đở, mặt khác tôi liên lạc với vài anh em Petrus Ký xưa có học với Thầy Hòa.  Anh Thưởng nhân danh Hội Ái Hữu Petrus Ký gởi sang 100 Mỹ kim, phần tôi và mấy anh em quen góp thêm 100 Mỹ kim nữa.  Tôi gởi về cho anh Hải và anh Hải đã cùng một số học trò củ đến thăm Thầy Hòa (vẩn tại căn nhà củ đường Palanca đó) và trao cho Cô số tiền nầy.  Sau đó anh Hải có gởi sang cho tôi bức ảnh chụp chung tại nhà với Thầy Cô, nhìn vào ảnh tôi buồn nhiều khi thấy rõ cái nhìn không hồn của Thầy.  Mấy năm sau thì tôi được tin Thầy đã mất.

Thầy Nguyễn Văn Gần

Thầy Nguyễn Văn Gần là Giáo sư dạy chúng tôi môn Sử Ðịa trong hai năm Ðệ Thất và Ðệ Ngủ (về sau lên Ðệ Nhị Cấp chúng tôi còn học với Thầy thêm năm Ðệ Tam nữa).  Trong tất cả các giáo sư mà tôi đã học ở Trường Petrus Ký trong suốt 7 năm chương trình Trung học, Thầy Gần là người vui tính nhứt, và dạy học sống động nhứt với lối kể chuyện rất lôi cuốn, làm bọn tôi vô cùng say mê.  Riêng đối với cá nhân tôi, Thầy Gần đã có ảnh hưởng rất nhiều, gây sự thích thú trong tôi đối với môn học mà phần đông học sinh đều cho là khô khan, khó nuốt.  Về sau chính tôi đã theo bước Thầy và trở thành Giáo sư dạy môn Sử Ðịa.  Ngoài việc dạy anh em chúng tôi theo đúng chương trình chính quy của Bộ Giáo Dục, Thầy Gần luôn luôn kể thêm nhiều chuyện ngoại sử (kiểu như bài đọc thêm) với nhiều tình tiết hấp dẫn.  Chắc chắn anh em nào đã học Sử Ðịa với Thầy Gần trong thời gian nầy cũng còn nhớ cảnh Thầy vừa kể chuyện D’Artagnan (trong truyện Ba Chàng Ngự Lâm Pháo Thủ – Les Trois Mousquetaires của Alexandre Dumas) đánh kiếm vừa ra bộ làm tuồng rất là hấp dẫn.  Thời gian đó các anh lớn Petrus Ký đi thi Tú Tài mà gặp được Thầy hỏi vấn đáp thì coi như đậu chắc môn Sử Ðịa, vì Thầy không hề cho ai dưới điểm trung bình cả.  Tôi tin rằng tất cả anh em học sinh Petrus Ký ai cũng thương mến Thầy Gần vì tánh tình vui vẻ, hiền lành của Thầy.

Thầy Ưng Thiều

Thầy Ưng Thiều dạy chúng tôi môn Hán Văn năm Ðệ Thất. Chúng tôi chỉ học với Thầy có nửa năm, nhưng khó mà quên được Thầy.  Sau khi xong Lục Cá Nguyệt đầu, nhà trường ra thông tư cho học sinh các lớp Ðệ Thất chọn hoặc tiếp tục học Hán Văn, hoặc chuyển sang học Anh Văn.  Ðại đa số học sinh chuyển sang học Anh Văn (trong đó có cả tôi), kết quả chỉ còn lại có một lớp Ðệ Thất duy nhất tiếp tục học Hán Văn với Thầy Thiều.  Hôm Lớp Ðệ Thất F (sau vụ chọn môn học đó, nhà trường đổi tên gọi các lờp, và Lớp Ðệ Thất B6 của bọn tôi bây giờ đổi tên, gọi là Ðệ Thất F) học giờ Hán Văn cuối cùng, Thầy Thiều đã đọc cho bọn tôi nghe bài thơ Thầy đã cảm hứng đặt ra như sau:

Ðệ Thất cùng ta có cảm tình

Chia tay không lẽ lại làm thinh

Một ngày cũng gọi duyên sư đệ

Bốn tháng càng thêm … (tôi quên mất mấy chữ cuối)

Thú thật lúc bấy giờ, bọn tôi còn quá nhỏ để có thể hiểu được tấm lòng của Thầy đối với bọn tôi.  Bây giờ, nghĩ lại mới thấy quả thật mình đã quá vô tình với Thầy, chỉ mong sớm chấm dứt việc học môn Hán Văn quá khó khăn, để chuyển sang học môn Anh Văn coi bộ vừa dễ học hơn vừa có tương lai hơn.  Tuy thời gian học với Thầy Thiều quá ngắn ngủi nhưng cũng có nhiều kỹ niệm vui.  Thầy bắt bọn tôi mỗi đứa đều phải cắt giấy tập ra thành từng miếng vuông vức, mỗi cạnh chừng 5 cm, rồi viết từng chữ Hán lên đó, mà phải viết cho thật vuông vức.  Mỗi khi Thầy kêu lên trả bài thì phải mang lên nguyên xấp giấy có viết chữ đó trình cho Thầy, Thầy sẽ lựa ra một vài chữ, đưa ra và bọn tôi phải trả lời ngay là đó là chữ gì và nghĩa gì. Bọn tôi thường nói đùa với nhau và gọi đó là “bộ bài của Thầy Thiều”. Tuy chính thức là dạy Hán Văn, nhưng Thầy Thiều cũng dạy bọn tôi làm thơ luôn.  Có một buổi học tôi còn nhớ hoài, hôm đó Thầy kêu bọn tôi lên trả bài, nhưng thay vì hỏi mặt chữ Hán như mọi lần, lần nầy Thầy biểu mỗi đứa phải đọc một câu thơ.  Dĩ nhiên là tụi tôi xanh mặt hết vì đâu có chuẩn bị gì trước.  Tên đầu tiên được gọi, đứng lên, và nhanh trí, anh ta tuông ra một câu xanh rờn:

Má tôi đi chợ chưa về

Thầy Thiều gật gù, không biết suy nghĩ thế nào, nhưng Thầy chấp nhận, Thầy nói: “Ðược”, rồi kêu một tên khác.  Tên nầy thấy coi bộ dễ ăn, bèn thừa thắng xông lên, tuông ra luôn:

Thím tôi đi chợ chưa về

Nhưng lần nầy thì không được nữa rồi, Thầy Thiều không chấp nhận và ra lệnh cho tên đó phải đổi qua một câu khác.  Tên nầy cũng khá, bèn tự biên tự diễn luôn một câu mới, tuy mới về nội dung nhưng hình thức thì rõ ràng cũng vậy thôi:

Chú tôi ra tiệm mua đồ

Ðến đây thì Thấy Thiều đã thấy rõ ràng là kiểu trả bài theo lối nầy là không xong rồi nên Thầy tự động chấm đứt luôn và trở về lối cũ, dùng “bộ bài” để đố bọn tôi chữ Hán.  Thầy Thiều chính là tác giả hai câu đối đã được khắc ở cổng chính của Trường Petrus Ký:

Khổng Mạnh Cương Thường Tu Khắc Cốt

Tây Âu Khoa Học Yếu Minh Tâm

Các Thầy Cô Giám Thi

tan-van-chuongThầy Tăng Văn Chương dáng người tầm thước, mặt nghiêm nghị, đầu hớt tóc ngắn kiểu “bàn chải = brosse,” là Giám thị trực tiếp trông coi lớp Ðệ Thất B6 của bọn tôi.  Thầy biết tên họ, gia cảnh, hạnh kiểm, học lực của từng đứa bọn tôi. Lúc đầu bọn tôi rất sợ Thầy nhưng dần ra bọn tôi nhận ra là Thầy cũng hiền chứ không dữ như cái bề ngoài của Thầy.  Một kỹ niệm vui mà tụi tôi có với Thầy xảy ra như sau: hôm đó vừa xong giờ Pháp Văn với Thầy Sửu, tụi tôi được ra chơi, anh Nguyễn Văn Ánh (về sau trở thành phi công lái phi cơ khu trục của Không Lực Việt Nam Cộng Hòa và tử nạn trong một phi vụ vào khoảng cuối thập niên 60) vừa ở trong lớp phóng ra, sớn sát nhảy lên cập cổ Thầy Chương từ đằng sau, khi nhận ra mình lầm, anh hoảng hồn vừa xin lỗi Thầy Chương vừa ấp úng nói: Con tưởng thằng Tắc”  (anh Dương Xã Tắc là học sinh lớn tuổi nhứt mà cũng lớn con nhứt trong lớp; anh Tắc và tôi về sau rất thân nhau; anh tử trận trong một cuộc đụng độ ở Bến Lức vào khoảng năm 1964), lúc đó tụi tôi đều xanh mặt lo sợ cho anh Ánh, nhưng, thật không ngờ, Thầy Chương chỉ cười và nói : Cái thằng con khỉ” , rồi tiếp tục “đi tuần” như không có chuyện gì xảy ra.

Thầy Khiêm dạy Hóa Học cũng người tầm thước như Thầy Chương nhưng ốm hơn, mặt coi hiền hơn, cũng là Giám thị khu vực lớp tôi, làm việc xen kẻ với Thầy Chương.  Tôi còn nhớ mãi một hôm trong giờ Hóa Học, Thầy Khiêm, sau khi làm thí nghiệm phân tích nước ra thành ốc-xy và hydrô, đã cho một số học sinh chúng tôi lên ngửi ốc-xy trong ống nghiệm mà thầy đã phân tích ra được, và dĩ nhiên là bọn nhóc tụi tôi khoái vô cùng.  Mấy năm về sau, mặc dù không còn học với Thầy Khiêm nữa, nhưng bọn tôi vẫn tiếp tục được Thầy trông coi với tư cách Giám thị.

Thầy Nguyễn Văn Ngọc không phải là Giám Thị khu vực lớp bọn tôi nhưng được cử dạy môn Quốc Văn cho bọn tôi. Thầy ốm và rất cao, mặt xương, trông Thầy lúc nào cũng có vẻ buồn.  Giọng Thầy rất ấm nên mỗi khi Thầy đọc các bài văn nghe rất hay và cảm động.  Riêng bản thân tôi thì không bao giờ quên cái giờ Thầy giảng về một tác phẩm của một tác giả tiền chiến (tôi không còn nhớ tên) trong đó có một câu mà tôi vẫn còn nhớ từng chữ  “…nghe cái cột buồm lảo đảo, chỉ chỏ vẫn vơ các vì sao, kể cho nghe câu chuyện hãi hồ cũng thú…”.  Thầy Ngọc còn một đặc điểm nữa là Thầy đi làm bằng một chiếc xe máy dầu rất lớn, hình như là hiệu Motobécane hay Java gì đó.

Khi lớp Ðệ Thất F của bọn tôi thành hình (từ Ðệ Thất B6 đổi tên sang Ðệ Thất F, do quyết định chọn học môn Anh Văn), một Thầy Giám thị nữa được nhà trường cử sang dạy môn Anh Văn.  Ðó là Thầy Ưng Ðồ. Thầy Ưng Ðồ tướng người cao lớn, da ngâm đen, tiếng nói rổn rảng.  Thầy cho bọn tôi biết là Thầy tự học môn Anh Văn vì Thầy thích ngôn ngữ nầy, Thầy đã từng tìm cách làm quen với các thủy thủ tàu buôn từ các nước nói tiếng Anh đến Saigon, với mục đích học cách phát âm và đàm thoại.  Nên nhớ rằng vào thời gian đầu thập niên 50 nầy, số người biết rành tiếng Anh ở Việt Nam không có nhiều lắm. Ða số người học Anh Văn ở Saigon vào thời gian nầy đều sử dụng bộ đĩa “Anglais Sans Peine” (của Pháp) để nghe và học cách phát âm, ít có người chịu khó tìm học cách phát âm nơi những người “native speakers” như Thầy Ðồ.  Lúc đó, vì chưa hiểu nhiều gì về tiếng Anh, tụi tôi thường cười với nhau khi thấy Thầy Ðồ cố gắng sửa lưỡi, sửa miệng để phát âm cho đúng các tiếng Anh đầu tiên mà Thầy đã dạy cho bọn tôi.  Một điều đặc biệt nữa cần ghi lại về Thầy Ðồ là sự đam mê tiếng Anh của Thầy.  Thầy mê đến độ Thầy đã đặt tên cho mấy người con trai của Thầy bằng tiếng Anh luôn: hai anh Bửu Second (tức Bửu Nhị) và Bửu Third (tức Bửu Tam) là bạn học với bọn tôi suốt thời gian Ðệ Nhất Cấp.

Vị Giám thị nữ duy nhứt của Trường Petrus Ký là Cô Ngà, dạy môn Vạn Vật. Cô đi làm luôn luôn mặc áo dài trắng, ít khi thấy Cô mặc áo màu nào khác. Cô bới đầu, mặt chỉ thoa một lượt phấn mỏng.  Cô nói năng lúc nào cũng dịu dàng, nhỏ nhẹ, gần như không bao giờ thấy Cô giận, hay la mắng bọn tôi.  Giờ Vạn Vật học với Cô lúc nào cũng vui vẻ, náo nhiệt vì bọn tôi biết không bao giờ Cô phạt ai cả.  Vì thế, không nói ra, nhưng tất cả bọn tôi đều coi Cô như Bà Mẹ chung của cả lớp.

 

Năm Ðệ Lục (Niên khóa 1954-1955)

Sang năm Ðệ Lục, niên khóa 1954-1955, Trường Petrus Ký nhận được một số Giáo sư vừa tốt nghiệp Trường Cao Ðẳng Sư Phạm Hà Nội. Ðây là những vị Giáo sư gốc Miền Bắc đầu tiên của học sinh Lớp Ðệ Lục F chúng tôi.  Ðó là các Thầy Lê Xuân Khoa dạy Quốc Văn, Thầy Vũ Ngọc Khôi dạy cả ba môn Vật Lý, Hóa Học và Vạn Vật, và Thầy Ðinh Xuân Thọ dạy Anh Văn.  (Thầy Bùi Trọng Chương chỉ bắt đầu dạy chúng tôi từ năm Ðệ Ngủ).Thầy Sửu tiếp tục dạy môn Pháp Văn, và Cô Lâm Thị Dung dạy Sử Ðịa. 

Thầy Lê Xuân Khoa

le-xuan-khoaTrong số các Giáo sư trẻ từ Hà Nội vào, Thầy Lê Xuân Khoa là người đẹp trai nhất.  Thầy Khoa dáng người cao lớn với một khuôn mặt rất thanh tú, mái tóc bồng bềnh rất nghệ sĩ, và mỗi khi Thầy cười để lộ hàm răng thật đều.  Thầy giảng Quốc Văn thật hay, có thể nói Thầy chính là Giáo sư đầu tiên làm chúng tôi say mê môn Quốc Văn.  Tôi không bao giờ quên được các bài “Chị Doãn”, “Thị Nở”, cũng như cái bài có câu “Ngõ thăm thẳm xuyên vào ruột hai hàng tre, tre mọc liền, sát khít gốc, ở trên cành và lá giao nhau”, cũng như cái bài tả bà hàng bún chả trong Chợ Ðồng Xuân, v.v.  Thầy Khoa chỉ dạy bọn tôi có một niên khóa, sau đó Thầy rời Trường Petrus Ký, tôi không nhớ Thầy đổi đi trường nào, nhưng về sau tôi được biết có lúc Thầy dạy ở Ðại Học Văn Khoa sau khi đi du học tại Ấn Ðộ về Triết Học Ðông Phương, có lúc Thầy làm Tổng Thư Ký Viện Ðại Học Saigon, và cũng có thời gian Thầy làm Ðổng Lý Văn Phòng Bộ Quốc Gia Giáo Dục.  Mấy năm sau nầy, tôi có nhiều lần gặp lại Thầy tại các buổi họp của chuyên gia Việt Nam tại hải ngoại.  Chức vụ sau cùng trước khi Thầy về nghĩ hưu là President của SEARAC (Southeast Asia Resource Action Center = Trung Tâm Tác Vụ Ðông Nam Á) tại Washington, D.C.  Sau khi nghĩ hưu, Thầy được mời làm Giáo Sư Thỉnh Giảng cho Trường Cao Học về Nghiên Cứu Quốc Tế của Viện Đại Học Johns Hopkins ở Washington, D.C. (Johns Hopkins School of Advanced International Studies – SAIS).  Sau này, mỗi lần Thầy có dịp đi Việt Nam công tác, tôi đều thông báo cho anh em Petrus Ký bên nhà tổ chức họp mặt với Thầy.  Thầy Khoa là tác giả cuốn sách best-seller Việt Nam 1945-1995: Chiến Tranh, Tị Nạn và Bài Học Lịch Sử.  Tập 1: Tị Nạn 1954 và Bài Học Bốn Cuộc Chiến (1945-1979)  do nhà xuất bản Tiên Rồng xuất bản năm 2004, 568 trang.

Thầy Vũ Ngọc Khôi

Thầy Vũ Ngọc Khôi dạy bọn tôi hai năm, Ðệ Lục và Ðệ Tứ, cả ba môn Lý, Hóa và Vạn Vật.  Trái hẳn với Thầy Khoa, Thầy Khôi tướng tá rất vậm vỡ, trông như một võ sĩ. Có thể nói bọn tôi mê Thầy Khoa bao nhiêu thì bọn tôi sợ Thầy Khôi bấy nhiêu.  Thầy dạy học rất nghiêm khắc, đứa nào lạng quạng, không thuộc bài, hay bị kêu lên bảng làm toán (vật lý) mà lôi thôi thì chết với Thầy.  Nhưng nhờ vậy mà bọn tôi học rất có kết quả, nhất là năm Ðệ Tứ, đi thi Trung Học Ðệ Nhất Cấp đậu gần hết.  Thầy Khôi cũng là một tấm gương sáng cho bọn tôi về đức tánh hiếu học.  Thầy chịu khó vừa đi làm, vừa học thêm, Thầy lấy được bằng Cử Nhân Luật Khoa. Sau đó Thầy lại học tiếp, lấy xong Cao Học Luật Khoa và sau cùng Thầy đậu bằng Tiến Sĩ Luật Khoa của Ðại Học Sài gòn. Trong thập niên 80, tôi được tin Thầy đã vượt biên thành công cùng với người con trai và định cư tại Hoa Kỳ trong vùng Washington, D.C.  Tôi có liên lạc thư từ với Thầy nhiều lần, nhưng chưa có dịp gặp lại Thầy trước khi Thầy qua đời vì bịnh tim.

Thầy Ðinh Xuân Thọ

Thầy Ðinh Xuân Thọ dạy Anh Văn cho bọn tôi trong hai năm Ðệ Lục và Ðệ Ngũ (về sau lên Ðệ Nhị Cấp, bọn tôi còn được học thêm với Thầy một năm Ðệ Tam nữa).Thầy Thọ tướng người tầm thước, trắng trẻo, giống như lai Pháp.  Thầy rất hiền, và có một đặc điểm mà tôi không bao giờ quên được là mỗi khi Thầy mắt cỡ thì hai vành tai của Thầy đỏ lên liền.  Thầy dạy học rất tận tụy với học sinh, Thầy dạy bọn tôi quyển Anglais Vivant, 6e Bleu của Carpentier Fialip là sách giáo khoa Anh văn của thời đó, Thầy bắt bọn tôi tập đọc rất nhiều, Thầy lại chú trọng rất nhiều về văn phạm, nhờ vậy mà bọn tôi có được một căn bản về văn phạm rất vững chắc.  Sau khi rời Trường Petrus Ký tôi không có dịp nào gặp lại Thầy.  Tháng 8 năm 1984, trước khi rời Ottawa, đi nhận nhiệm sở mới tại Hamilton, Ontario, tôi có dịp gặp được người con trai của Thầy là Bác sĩ Ðinh Xuân Anh Tuấn và được Tuấn cho hay Thầy đã mất vì bịnh tim tại Pháp mấy năm trước đó.

Cô Lâm Thị Dung

lam-thi-dungCô Lâm Thị Dung là một trong số rất ít các vị nữ Giáo sư của Trường Petrus Ký trong khoảng thời gian nầy.  Cô dạy bọn tôi môn Sử Ðịa ở năm Ðệ Lục nầy (về sau chúng tôi lại được học với Cô một năm nữa, ở lớp Ðệ Nhị, nhưng trong năm nầy Cô chỉ dạy môn Ðịa Lý mà thôi).  Cô Dung người nhỏ thó, gương mặt trái soan. Cô cũng bới đầu như Cô Ngà, nhưng Cô còn trẻ hơn. Về mặt dạy học, Cô Dung là thái cực đối lập với Thầy Gần của năm Ðệ Thất. Cô rất nghiêm, và cách giảng bài của Cô lại nặng về từ chương, làm cho tất cả bọn tôi đều ngán và sợ hai giờ Sử Ðịa của Cô.  Nói cho thật công bình thì vì bọn tôi đã quen với cách dạy vui nhộn và sống động của Thầy Gần qua suốt một năm Ðệ Thất, nên bây giờ trước cách dạy rất là “chính quy” của Cô, tụi tôi không thể không có sự so sánh tương đối bất công đối với Cô.

 

Năm Ðệ Ngũ (Niên khóa 1955-1956)

Sang niên khóa 1955-1956, lên Lớp Ðệ Ngũ F, bọn tôi vẫn tiếp tục học môn Pháp Văn với Thầy Sửu và môn Anh Văn với Thầy Thọ.  Các Giáo sư mới là Thầy Bùi Trọng Chương dạy hai môn Quốc Văn và Luân Lý, Thầy Phan Ðình Nữu dạy môn Toán, Thầy Trần Thượng Thủ dạy ba môn Vật Lý, Hóa Học và Vạn Vật, và Thầy Trương Ðình Ý dạy môn Hội Họa.  Khi chép thời-khóa-biểu bọn tôi vô cùng vui mừng khi được biết là sẽ lại được học Sử Ðịa với Thầy Gần.  Giáo sư môn Toán, Thầy Nữu, không rõ vì lý do gì, chỉ dạy bọn tôi một thời gian ngắn và được Thầy Nguyễn Thạch thay thế.

Thầy Bùi Trọng Chương

bui-trong-chuongThầy Bùi Trọng Chương cùng tốt nghiệp Trường Cao Ðẳng Sư Phạm Hà Nội và cùng được bổ về dạy Trường Petrus Ký cùng một lượt với các Thầy Khoa, Thầy Khôi và Thầy Thọ.  Tôi được may mắn học với Thầy môn Quốc Văn liên tiếp bốn năm Ðệ Ngũ, Ðệ Tứ, Ðệ Tam và Ðệ Nhị.  Thầy Chương người tầm thước, hơi ốm, mặt xương, và có thể nói là một trong những vị Giáo sư khả kính nhất, và có tác phong sư phạm nhất của Trường Petrus Ký trong suốt thời gian bảy năm tôi theo học tại Trường.  Thầy rất nghiêm, nhưng không khắc khe, Thầy lại dạy học rất tận tâm, soạn bài rất kỹ, chấm bài rất đều, và cho điểm rất chừng mực.  Khi dạy lớp đi thi, như Ðệ Tứ (thi Trung Học Ðệ Nhất Cấp) hay Ðệ Nhị (thi Tú Tài I), Thầy cố gắng theo sát và dạy thật đầy đủ chương trình giáo khoa, nhờ vậy, khi đi thi có thể nói là bọn tôi hoàn toàn không bị lúng túng trước các đề thi.  Thầy Chương cũng nêu gương hiếu học cho bọn tôi. Vừa dạy học Thầy vừa học thêm tại Ðại Học Luật Khoa và sau cùng cũng lấy xong bằng Cử Nhân Luật như các Thầy Sửu và Thầy Khôi.  Về sau khi tôi đã tốt nghiệp Ðại Học Sư Phạm Saigon, tôi có dịp làm việc chung với Thầy vài lần tại các hội đồng thi Tú Tài.  Khi đó Thầy thường đảm nhận chức vụ Chánh Chủ Khảo hoặc Phó Chủ Khảo các hội đồng thi nầy và tôi lại được học hỏi về cách làm việc công bình và quang minh chính đại của Thầy.  Trước khi rời Việt Nam năm 1981 tôi có đến chào Thầy lần cuối tại  nhà Thầy trong khu Bàn Cờ.  Về sau Thầy cùng gia đình sang định cư tại tiểu bang Oregon, Hoa Kỳ.  Một lần nữa Thầy lại làm chúng tôi ngạc nhiên và vô cùng khâm phục: Thầy trở lại trường Ðại Học và lấy xong văn bằng Bachelor of Arts.  Gần đây, mỗi khi Thầy có dịp về Việt Nam thì anh em học sinh lớp Ðệ Tứ F của Petrus Ký lại tổ chức họp mặt với Thầy. Thầy mất năm 2013 tại Nam California, Hoa Kỳ.  Sau khi Thầy mất, một nhóm học trò cũ ở Trường Trung Học Petrus Ký của Thầy đã thành lập một Quỹ Học Bổng mang tên Thầy nhằm mục đích cấp phát học bổng cho học sinh giỏi và có gia cảnh khó khăn của Trường Trung Học Phổ Thông Chuyên Lê Hồng Phong (tức Trường Trung Học Petrus Ký trước năm 1975, là ngôi trường mà Thầy đã gắn bó trọn cuộc đời 40 năm dạy học của mình).  Có thể vào xem chi tiết về Quỹ Học Bổng Thầy Bùi Trọng Chương tại địa chỉ Internet sau đây:

http://hoc-bong-btc.blogspot.ca/p/trang-chu_25.html

Thầy Nguyễn Thạch

Thầy Nguyễn Thạch dạy bọn tôi môn Toán chỉ có một năm Ðệ Ngũ nầy thôi nhưng mối quan hệ giữa Thầy và bọn tôi lại kéo dài đến nay là gần nữa thế kỹ. Nghĩ lại mới thấy ngày xưa ông bà nói rất đúng “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Thầy Thạch là một Giáo sư với một cá tính vô cùng độc đáo. Không những Thầy dạy hay, sống động, Thầy lại có một nhân sinh quan khác hẳn các Giáo sư khác trong Trường. Thầy không bao giờ tỏ ra mình quan trọng, Thầy lại coi bọn tôi như những đứa em nhỏ, Thầy “mầy, tao” với bọn tôi một cách tự nhiên như một người anh lớn, không một chút kênh kiệu hay làm dáng gì cả.  Sau nầy, trong khoảng cuối thập niên 60 và đầu thập niên 70, tôi có dịp dạy chung với Thầy tại Trường Trung Học tư thục Tinh Thần (nằm trong Trại Lê Văn Duyệt do Linh Mục Lãm, Dòng Chúa Cứu Thế làm Hiệu Trưởng) và được biết thêm một điều đặc biệt nữa về Thầy: đó là việc Thầy rất say mê môn Hội Họa, và gần như Chúa Nhựt nào Thầy cũng vác giá vẻ đi vẻ khắp nơi trong thành phố.  Tháng 3/98 vừa qua, tôi có dịp về Saigon, và trong buổi họp mặt bạn bè Petrus Ký tôi đã được gặp lại Thầy.  Tuy mái tóc Thầy đã bạc trắng, Thầy vẫn còn rất khỏe (Thầy vừa đi đánh quần vợt về thì đến thẳng chỗ họp mặt, vẩn còn mặc nguyên bộ đồ sọt trắng tinh), và tác phong vẫn bình dân, giãn dị, “mầy tao” với bọn tôi như 43 năm về trước.

Thầy Trần Thượng Thủ

Thầy Trần Thượng Thủ dạy bọn tôi chỉ có một năm Ðệ Ngũ nầy thôi nhưng thật cũng khó mà quên được Thầy.  Vì nhiều lý do.  Trước hết là con người của Thầy.  Thầy tác người thấp lại mập tròn, đầu gần như không có tóc, trông Thầy giống như một sĩ quan của Quân Ðội Thiên Hoàng.  Thầy lại rất nghiêm khắc, và nhiều khi có những hành động thái quá đối với học sinh, như là lên gối, dộng đầu học sinh vào bảng đen, có thể nói Thầy là một “hung thần” đối với bọn tôi (chính Thầy đã dùng chữ “hung thần” nầy để tự mô tả mình trong bài viết của Thầy trong Ðặc San Petrus Ký 1998).  Nhưng phải công nhận là Thầy giảng bài hay vô cùng, Thầy lại viết chữ và vẻ hình rất đẹp trên bảng.  Một điểm đặc biệt nữa về Thầy Thủ là Thầy không ký tên thật của mình mà luôn luôn ký “TamTê” (vì tên họ của Thầy gồm ba chữ T đứng đầu) trong học bạ của học sinh.  Hơn mười năm sau, tôi có dịp gặp lại Thầy vì dạy chung với Thầy tại Trường Trung Học tư thục Kiến Thiết.  Ngay tại lần gặp gỡ đầu tiên trong phòng giáo sư Trường Kiến Thiết, khi tôi tiến lại chào, Thầy đã gọi tôi bằng tên họ chữ lót đầy đủ làm tôi vừa cảm động, vừa khâm phục trí nhớ của Thầy vô cùng.

Thầy Trương Ðình Ý

Thầy Trương Ðình Ý dạy bọn tôi môn Hội Họa. Mỗi lần tới giở nầy là bọn tôi đến Phòng Vẻ xếp hàng bên ngoài, chờ Thầy cho phép mới được vào.  Mỗi học sinh có một giá vẻ riêng, ở giữa phòng có một cái bệ cao, trên đó Thầy Ý sẽ đặt một món đồ cho bọn tôi coi theo mà vẻ, khi thì cái ấm nước, khi thì nải chuối, v.v.  Chuyên môn của Thầy Ý về sau nầy tôi mới biết là nắn tượng chứ không phải vẻ tranh.  Thầy Ý, dù thật sự là một nghệ sĩ, bề ngoài trông không có vẻ gì là nghệ sĩ cả, nhìn Thầy bọn tôi có cảm tưởng Thầy là một ông công chức già, tóc hớt cao, làm việc tỉ mĩ.  Suốt giờ học, Thầy chỉ ngồi tại bàn bu-rô, cắm cúi làm chuyện riêng của mình (phác họa các đồ án điêu khắc của Thầy), chỉ thỉnh thoảng ngước lên nhìn một vòng xem có đứa nào phá rối gì hay không, họa hoằn lắm mới thấy Thầy đi một vòng xem bọn tôi vẻ ra sao.  Thầy Ý chính là điêu khắc gia đã tạo tượng Phật nằm khổng lồ, dài 49 m, ở núi Tà Cú, thuộc huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, được xác nhận trong Trang Web sau đây:

http://www.tiengviet.com/kham-pha-tuong-phat-dai-nhat-dong-nam-a.html

 

Năm Ðệ Tứ (Niên khóa 1956-1957)

Qua năm học sau, Lớp Ðệ Tứ F chúng tôi vẫn tiếp tục học môn Quốc Văn và Luân Lý với Thầy Chương, và môn Pháp Văn với Thầy Sửu.  Các Giáo sư mới mà cũ là Thầy Hòa dạy Toán, và Thầy Khôi dạy Lý Hoá và Vạn Vật.  Các Giáo sư thật sự mới là Thầy Nguyễn Hoàng Sang dạy môn Anh Văn, Thầy Marcel dạy môn Nhạc, Thầy Hài dạy môn Hội Họa, và Cô Nguyễn Thị Sâm dạy môn Sử Ðịa. 

Thầy Nguyễn Hoàng Sang

nguyen-hoang-sangThầy Nguyễn Hoàng Sang dạy môn Anh Văn là một người tầm thước, hơi ốm, đi dạy lúc nào cũng bận một đồ complet bằng sharkskin trắng. Thầy Sang có rất nhiều đặc điểm làm bọn tôi khó quên được Thầy.  Tôi thật sự không rõ Thầy có được đào tạo về sư phạm hay không nhưng phải nhận rằng Thầy dạy rất hay, rất sống động, vừa tạo được không khí vui tươi cho lớp học, vừa tạo được sự tham gia tích cực của học sinh trong giờ học.  Khi dạy về đề tài nào là Thầy vẻ hình về đề tài đó lên bảng ngay, mà Thầy vẻ theo lối hí họa nên trông rất vui và hấp dẫn.  Một lần Thầy dạy một bài về tàu bè, thế là Thầy vẻ ngay lên bảng một chiếc tàu, với đầy đủ mỏ neo, ống khói và dây ăng-ten.  Vẻ xong, Thầy quay lại hỏi bọn tôi có biết dây đó là dây gì hay không.  Dĩ nhiên bọn tôi đều biết đó là dây ăng-ten nhưng anh Ánh (cũng là cái anh chàng Ánh liếng khỉ đã nhảy lên cặp cổ Thầy Giám Thị Chương của hai năm về trước) lẹ làng dơ tay lên xin trả lời và bảo đó là dây phơi quần áo.  Bọn tôi cười quá trời.  Thầy Sang, mặt không đổi sắc, vừa chỉ tay vào mặt anh Ánh vừa nói :”Cha mầy!”.  Vậy thôi, Thầy không phạt anh Ánh gì cả, và lại quay ra dạy tiếp. Từ đó tụi tôi biết rõ bản tính hiền lành của Thầy.  Khi dạy bài “Thỏ Rùa Chạy Ðua” Thầy kêu ba học sinh lên, tôi và hai anh Xuân và Phước, Thầy bắt tôi đóng vai Thỏ, hai anh Xuân và Phước đóng vai Rùa, rồi Thầy bố trí cho hai con Rùa trong một lối đi giữa các bàn học, một con (anh Xuân) ở đầu lối đi, một con (anh Phước) ở cuối lối đi, còn con Thỏ thì ở lối đi phía bên kia.  Hể con Thỏ chạy gần đến cuối lối đi bên nây thì con Rùa nhõm dậy ở lối di bên kia, vậy là lần nào con Thỏ cũng thua cả.  Trong suốt vở kịch, ba anh em chúng tôi phải nói toàn những câu tiếng Anh do Thầy đã dạy trước.  Bọn diễn viên bất đắc dĩ chúng tôi đã đóng trọn vẹn vở kịch “Thỏ Rùa Chạy Ðua” do Thầy Sang “dàn dựng” ngay trong lớp học, và cả lớp đã được một buổi học vô cùng vui vẻ và sống động.  Ðặc điểm sau cùng về Thầy Sang mà tôi vẫn còn nhớ là Thầy đi dạy học bằng xe hơi, một chiếc Juvaquatre mui trần màu trắng, một điều khá hiếm trong giới Giáo sư trung học trong thập niên 50. Riêng tôi có được thêm một kỹ niêm riêng với Thầy Sang.  Giữa năm đó, thi đệ nhứt lục-cá-nguyệt tôi đứng hạng nhứt môn Anh Văn, và được Thầy chọn thay mặt cho học sinh Petrus Ký đọc một diễn văn ngắn bằng tiếng Anh trong buổi lể tiếp nhận sách do Phòng Thông Tin Hoa Kỳ tặng cho Trường.  Tôi còn nhớ một ngày trước buổi lể đó, học sinh Petrus Ký chúng tôi được điều động ra đứng dọc theo đường Công Lý để chào mừng Tổng Thống Ngô Ðình Diệm công du Ðại Hàn trở về.  Bọn tôi ra đó rất sớm, tất cả đều mặc đồng phục trắng cho các ngày lể, trong khi chờ đợi thì Thầy Sang đến, nói vài lời với thầy Giám thị phụ trách lớp bọn tôi, rồi dẩn tôi ra, cho tôi lên ngồi trên chiếc xe Juvaquatre kế bên Thầy (xe Thầy chỉ có hai chổ ngồi, không có băng sau) và tập dượt cho tôi đọc bài diễn văn mà Thầy đã soạn sẳn.  Nhờ vậy, qua hôm sau, tôi đã làm tròn nhiệm vu, đọc bài diễn văn không bị vấp váp. 

Thầy Marcel

Thầy Marcel dạy bọn tôi môn Nhạc ở năm Ðệ Tứ nầy. Thầy là người Pháp lai, nói tiếng Việt (giọng Bắc) rất giỏi. Thầy bị tật ở chân nên đi khập khiển.  Ðiều đặc biệt nhứt ở Thầy Marcel là cặp mắt của Thầy, một cặp mắt sâu, sắc, và rất có thần, bọn tôi ít đứa nào dám nhìn thẳng vào mắt Thầy.  Thầy lại rất nghiêm khắc. Giờ học với Thầy Marcel luôn luôn diễn ra tại Phòng Nhạc.  Bọn tôi sợ nhất là mỗi khi Thầy ra bài “dictée musicale”, mỗi lần như vậy thì Thầy ngồi vào chiếc đàn dương cầm, đánh lên một số nốt nhạc, và bọn tôi phải ghi ra trên giấy nộp lại cho Thầy để chấm điểm, tôi thường lãnh trứng vịt.  Cũng may là môn Nhạc chỉ là một môn học “ăn chơi” mà thôi, không có thi lục-cá-nguyệt và điểm không được ghi vào thông-tín-bạ.  Một kỹ niệm vui mà bọn Tứ F chúng tôi nhớ hoài về giờ Nhạc với Thầy Marcel là cái lần Thầy bắt anh Ánh (cũng anh Ánh nổi tiếng liếng khỉ đó) lên hát một mình bản Quốc Ca cho cả lớp nghe, với lời hăm dọa trước là hát sai một nốt thì lãnh “cấm túc” liền, kết quả là anh Ánh vừa hát mà vứa mếu trông rất tức cười. Cũng may, khi anh Ánh mới hát được chừng gần nữa bài thì Thầy ra lệnh cho chấm dứt và cho anh Ánh về chỗ.  Một kỷ niệm nữa là một hôm giờ Nhạc của Thầy Marcel trùng với giờ của trận bóng tròn quan trọng giữa Trường Petrus Ký và Trường Chu Văn An. Hơn nữa lớp Ðệ Tứ F (trong đó có tôi luôn) bỏ giờ Nhạc, trốn ra sân để xem trận banh và ủng hộ đội nhà. Ngày hôm sau vào Trường, bọn trốn học chúng tôi đều bị kêu lên gặp Thầy Tổng Giám Thị, lúc đó là Thầy Lê Ngọc Toản (về sau có thời gian làm Hiệu Trưởng Trường Trung Học Nguyễn Ðình Chiểu ở Mỹ Tho).  Thầy Toản kêu từng đứa vào, hỏi lý do tại sao hôm trước vắng mặt giờ Nhạc.  Thôi thì đủ thứ lý do được bọn tôi đưa ra, nào là bị chó cắn phải đi Viện Pasteur chích thuốc, nào là mẹ đau phải đi hốt thuốc Bắc cho mẹ, nào là phải ở nhà phụ mẹ và chị lo đám giổ bà ngoại, v.v.  Nhưng tất cả lý do đều bị Thầy Toản pha hết, và mổi đứa bọn tôi đều lãnh “nữa cấm túc”.  Chúa Nhật đó tất cả bọn tôi đều gặp nhau tại Phòng cấm túc trong hai giờ. 

Thầy Hài

Thầy Hài, người Bắc, dạy bọn tôi môn Hội Họa trong năm Ðệ Tứ nầy.  Thầy Hài người rất cao, mang kính, và tác phong hoàn toàn khác với Thầy Ý của năm Ðệ Ngũ.  Thầy rất hiền lành, và rất gần gũi với học sinh, giờ học nào cũng vậy, Thầy đi vòng vòng khắp lớp học và chỉ cho từng học sinh cách nhắm, cách vẻ, cách đánh bóng.  Bọn tôi rất thương Thầy.  Trước Tết năm đó, tin Thầy Hài bị tử nạn trong một vụ cháy nhà (nhà Thầy làm pháo, chẳng may bị nổ và gây ra đám cháy) làm cả lớp Ðệ Tứ F bọn tôi vô cùng xúc động.  Nhà Trường đã tổ chức cho học sinh chúng tôi tham dự tang lể của Thầy.

Cô Nguyễn Thị Sâm

nguyen-thi-samCô Nguyễn Thị Sâm là Giáo sư môn Sử Ðịa của lớp Ðệ Tứ F bọn tôi.  Hình như Cô là con gái lớn của Thầy Y tá trưởng Bệnh Xá của Trường.  Cô Sâm người tầm thước, tóc uốn, mặt trái soan, mang kính cận khá nặng, và có dáng đi rất đẹp. Cô là thái cực đối nghịch của Cô Dung.  Cô làm bọn tôi say mê môn Sử Ðịa vì Cô dạy môn học với tất cả tâm hồn và lòng nhiệt thành.  Nếu Thầy Gần là Giáo sư gây được niềm vui trong hai giờ Sử Ðịa thường được coi là khô khan, thì Cô Sâm là Giáo sư đã thật sự hun đúc nơi anh em chúng tôi lòng ái quốc, và niềm tự hào về lịch sử của dân tộc mình.  Khác hẳn với Cô Dung chỉ lấy giáo khoa ra đọc cho bọn tôi nghe, Cô Sâm soạn hẳn bài Sử và đọc cho bọn tôi chép.  Lời văn của Cô vừa bóng bẩy, vừa hùng hồn, đọc lên gây xúc động rất nhiều nơi học sinh.

Cuối năm Ðệ Tứ, bọn tôi đi thi Trung Học Ðệ Nhất Cấp đậu gần hết lớp.  Ðó là nhờ công lao dạy dỗ các tất cả các Thầy Cô và cũng nhờ kỹ luật của nhà Trường.

 

Những Năm Ðệ Nhị Cấp 

Tựu trường niên khóa 1957-1958, tôi và các bạn lớp Ðệ Tứ F đã đậu bằng Trung Học Ðệ Nhất Cấp đều được lên lớp Ðệ Tam, bước vào năm đầu của chương trình Trung Học Ðệ Nhị Cấp để chuẩn bị đi thi Tú Tài I vào năm sau.  Năm đó Trường Petrus Ký mở tất cả 6 lớp Ðệ Tam, 1 lớp Ban A và 5 lớp Ban B.  Tôi chọn Ban A (Vạn Vật) nên được xếp vào Lớp Ðệ Tam A.  Các bạn khác, nếu chọn Ban B, thì có thể được xếp vào một trong 5 lớp, từ Ðệ Tam B1 cho tới Ðệ Tam B5.Lần tựu trường nầy khác hẳn các năm trước, tôi nhận thấy có rất nhiều khuôn mặt mới. Tuy mới mà củ là các anh học các lớp Ðệ Tứ khác của Trường, giờ đây vì đã chọn Ban A, nên được xếp vào đây.  Hoàn toàn mới là các anh mới được Trường Petrus Ký nhận vào. Các anh nầy có thể từ các trường tư thục ở Saigon, hay ngay cả từ các trường tỉnh ở Miền Tây. Họ được Trường Petrus Ký nhận cho vào học lớp Ðệ Tam vì họ đã đậu bằng Trung Học Ðệ Nhất Cấp từ hạng Bình Thứ trở lên.

Năm Ðệ Tam (Niên khóa 1957-1958)

Ban Giáo sư của Lớp Ðệ Tam A, niên khóa 1957-1958, là như sau:

 – Thầy Bùi Trọng Chương: Quốc Văn

– Thầy Ðinh Xuân Thọ: Anh Văn

– Thầy Trương Văn Cao: Pháp Văn

– Thầy Trần Văn Binh: Toán

– Thầy Nguyễn Tuế: Lý Hóa

– Thầy Trần Huệ: Vạn Vật

– Thầy Nguyễn Văn Gần: Sử Ðịa

Các Thầy Chương, Thầy Thọ và Thầy Gần là những Giáo sư đã theo anh em chúng tôi mà “lên lớp”, từ năm Ðệ Thất tới bây giờ.  Cả ba Thầy đều dạy bọn tôi lần nầy là lần thứ ba. Bọn tôi dĩ nhiên rất vui mừng được gặp lại các Thầy. Các Thầy dạy các môn còn lại là các Thầy mới dạy anh em chúng tôi lần đầu. Ngoài ra, riêng môn Quốc Văn, Thầy Chương chỉ dạy chúng tôi nữa năm đầu.  Nữa năm còn lại, môn Quốc Văn do Thầy Thái Chí phụ trách.  Như vậy trong năm Ðệ Tam nầy, chúng tôi được học với tất cả là 5 Giáo sư mới, đó là: Thầy Cao, Thầy Binh, Thầy Tuế, Thầy Huệ và Thầy Chí. 

Thầy Trương Văn Cao

truong-van-caoThầy Trương Văn Cao dạy môn Pháp Văn. Thầy tác người hơi thấp, tóc chải xuôi, đeo kính cận khá nặng, đi dạy học xách một cái cạc-táp khá lớn. Khác hẳn với tác người, Thầy Cao là người rất nhanh nhẹn, đi cũng nhanh, nói cũng nhanh, đọc bài cũng nhanh.  Mấy tháng đầu, bọn tôi chạy theo Thầy cũng mệt dữ, nhất là Thầy lại đọc tiếng Pháp có bỏ dấu, theo kiểu các Thày Dòng trường Taberd.  Nghe nói trước kia Thầy cũng có đi tu dòng các Su huynh một thời gian, nhưng về sau, vì thiếu ơn gọi, Thầy đã ra khỏi nhà dòng.  Giờ học nào cũng vậy, khi bắt đầu bài mới, Thầy bước xuống khỏi cái bục kê bàn Giáo sư, tiến đến trước bảng đen, mở nút tay áo, xăng tay áo sơ mi lên, cầm viên phấn lên, và cứ thế Thầy viết ào ào (viết cũng nhanh luôn nữa mà), tụi tôi chép theo muốn khùng luôn.  Còn cái chuyện trả bài thì ôi thôi còn “ghê rợn” hơn nhiều.  Tụi tôi sợ nhất là cái màn  trả bài “récitation”, tức là trả bài thuộc lòng, mà toàn là các bài thơ tiếng Pháp không mới chết chớ.  Vì sợ cái màn trả bài ghê rợn nầy, bọn tôi đứa nào cũng rán lo học cho thuộc lòng như cháo các bài “récitation” nầy.  Kết quả thấy rõ là cuối năm tên nào tên nấy đều thuộc thơ Pháp quá trời. Phương pháp của Thầy Cao quả thật có hiệu quả vô cùng đáng kể. 

Thầy Trần Văn Binh

Thầy Trần Văn Binh là Giáo sư môn Toán và có lẻ là Giáo sư lớn tuổi nhứt trong số Giáo sư dạy lớp Ðệ Tam niên khóa đó. Thầy Binh có nhiều nét rất độc đáo. Trước hết, Thầy là một con người sống rất giản dị. Nếu gặp Thầy ở ngoài đường người ta khó có thể đoán được Thầy là một Giáo sư trung học.  Thầy luôn luôn mặc một chiếc quần ka ki củ màu vàng lợt, áo sơ mi tay ngắn trắng nhưng cũng rất củ, đã ngả sang màu cháo lòng, Thầy lại thắt một sợi dây nịch da cũng củ sì, mà lại quá dài, ở đoạn gần cuối, Thầy dùng một sợi dây thung buộc nó lại cho sát vào lưng quần.  Thầy lại có nước da khá đen, răng Thầy bị hư khá nhiều và mất mấy chiếc, Thầy lại hớt tóc kiểu bàn chải.  Tất cả cái bề ngoài đó dễ làm cho người ta lầm Thầy là một người thợ.  Trên thực tế, trước khi về Trường Petrus Ký dạy Toán cho các lớp Ðệ Nhị Cấp, Thầy Binh là một công chức cao cấp, đã từng làm Phó Tỉnh Trưởng.  Sau nầy, Thầy rời Trường Petrus Ký về làm Phó Viện Trưởng Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, nơi đào tạo các công chức cao cấp của Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa. Không những giản dị, Thầy còn là một người rất hiền lành, bọn tôi chưa bao giờ thấy Thầy nổi giận hay nói lớn tiếng với học sinh. Thầy rất giỏi Toán, là một trong số rất ít người đã đậu Cử Nhân Giáo Khoa Toán trong thập niên 50 tại Ðại Học Khoa Học Sài gòn. Nhưng phải nhận là Thầy dạy Toán không có gì hấp dẫn.  Cũng may là đối với Ban A của bọn tôi, môn Toán không phải là môn chánh.  Sau nầy, bọn tôi còn học Toán với Thầy một năm nữa ở lớp Ðệ Nhứt. Thầy Binh vẫn y chang như vậy, hoàn toàn không có gì thay đổi.

Thầy Nguyễn Tuế

Thầy Nguyễn Tuế dạy môn Lý Hóa.  Khác hẳn Thầy Binh dạy Toán, Thầy Tuế trẻ hơn nhiều, chỉ lớn hơn bọn tôi độ chừng 5, 6 tuổi (nghe nói lúc đó Thầy còn đang học Ðại Học Khoa Học, và chỉ là giáo sư dạy giờ của Trường), người cao lớn, rất đẹp trai, đi dạy mặc quần áo rất hợp thời trang, và dạy học rất hay và hấp dẫn.  Có lẻ vì tuổi tác không chênh lệch mấy so với học trò nên Thầy phải tỏ ra rất nghiêm. Tôi không còn nhớ gì đặc biệt về Thầy.

Thầy Trần Huệ

tran-hueThầy Trần Huệ dạy chúng tôi môn Vạn Vật. Thầy người thấp, mặt tròn, trắng trẻo, mang kính cận, nói chuyện hay giảng bài gì cũng rất bình tĩnh, chẩm rải. Bọn tôi có nhiều kỷ niệm vui với Thầy Huệ.  Năm Ðệ Tam, chương trình Vạn Vật là học về Ðịa Chất.  Mỗi đầu giờ học đều có chú lao công của Phòng thí nghiệm mang lên một khay đựng đầy các mẫu đất đá mà Thầy Huệ đã chọn sẵn.  Thầy cho phép bọn tôi chuyền nhau xem các mẫu đất đá đó. Lần nào cũng như lần nấy, đến cuối giờ Thầy kiểm lại thì cũng đều thiếu một vài mẫu vì bọn tôi dấu đi để phá Thầy.  Thầy chỉ cười, kêu đích danh một vài tên mà Thầy biết rõ tánh liếng khỉ, và các tên đó phải móc túi ra, đem mẫu đất đá lên trả lại Thầy, và cả lớp lại được một màn cười thoải mái, thích thú.  Thầy Huệ cũng là một mẫu người hiếu học, và rất có chí.  Nghe nói Thầy xuất thân là một Giáo Học Cấp Bổ Túc (có bằng Trung Học Ðệ Nhất Cấp và học 3 năm tại Trường Quốc Gia Sư Phạm Saigon), nhờ cố gắng học đã đậu được bằng Tú Tài 2, Thầy lại tiếp tục học và lấy được Cử Nhân Giáo Khoa Vạn Vật và sau đó lấy luôn bằng Cao Học về Vạn Vật tại Ðại Học Khoa Học Sài gòn.  Sau nầy tôi có dịp gặp lại Thầy trong thời gian du học ở Hoa Kỳ, 1971-1973, lúc đó Thầy đang học Tiến Sĩ về Giáo Dục. Sau khi tốt nghiệp, cả hai thầy trò chúng tôi đều cùng về phục vụ tại Trường Ðại Học Sư Phạm Sài gòn cho đến ngày 30-4-1975. 

Thầy Thái Chí

Thầy Thái Chí dạy chúng tôi môn Quốc Văn vào đệ nhị lục-cá-nguyệt. Thầy người mập mạp, đeo kính cận, và có đặc điểm là hút ống vố. Tuy học với Thầy có nữa năm nhưng chúng tôi có được nhiều kỹ niệm khá vui với Thầy Chí.  Chương trình Quốc Văn lớp Ðệ Tam có học về các tác phẩm văn học cổ như Chinh Phụ Ngâm cũng như học về các thể thơ, như lục bát, thất ngôn bát cú, hay song thất lục bát..  Sau khi học xong tác phẩm Chinh Phụ Ngâm, Thầy ra bài cho bọn tôi về nhà làm, tuần sau đem vô góp. Ðề bài là vịnh Chinh Phụ Ngâm bằng một bài thơ Ðường thất ngôn bát cú.  Phần đông bọn tôi sau khi nghe Thầy đọc xong cái đầu bài đều lùng bùng lổ tai hết.  Học về các thể thơ là một chuyện mà làm thơ thì lại là một chuyện khác. Hồi nào tới giờ bọn tôi có làm thơ Ðường bao giờ đâu. Thế là có một phong trào “mua thơ” rầm rộ dâng lên.  Trong lớp có mấy tay có máu văn nghệ, đã từng làm thơ đăng báo Trường hồi năm Ðệ Tứ mà bọn tôi có nghe biết.  Bây giờ mấy tay đó sáng giá quá trời, bị bọn tôi đeo dính, bao ăn uống thả dàn, nào đậu đỏ bánh lọt, sương sáu, cà rem dừa có rắc nho khô và đậu phộng, để xin mấy tay đó làm giùm cho mấy bài thơ.  Mà phải công nhận mấy tay đó có tài làm thơ thiệt, qua tuần sau, khi nộp bài, cả lớp đứa nào cũng có thơ nộp cho Thầy Chí hết.  Tuần sau nữa, Thầy Chí trả bài lại, khen cả lớp là làm thơ khá lắm, Thầy có biết đâu trên 50 bài thơ đó là “tác phẩm” của chỉ chừng độ một chục “thi sĩ” mà thôi.  Có vẻ thừa thắng xông lên, bải trường Tết năm đó, tên Quang (Trần Văn Quang hay Quang Trắng để phân biệt với tên Nguyễn Văn Quang hay Quang Ðen), một trong các “nhà thơ” đã cứu nguy bọn tôi trong vụ làm thơ kể trên, liền trổ tài sáng tác một bài thơ Ðường Luật nữa để tặng Thầy Chí.  Hắn viết lên bảng trước khi vô giờ Quốc Văn của Thầy.  Tôi không còn nhớ trọn bài thơ, chỉ nhớ được câu đầu và câu cuối:

Mừng Thầy Thái Chí bực thâm nho

. . . . . . . . .

Dẫn chúng con ra vũng tối mò

Ðến giờ Quốc Văn, Thầy Thái Chí vào lớp, để cặp lên bàn, bước tới bảng đen đọc bài thơ của đệ tử tặng Thầy.  Mới đầu Thầy gật gù, có vẻ rất chịu bài thơ, nhưng đến câu cuối thì Thầy đỏ mặt lên, Thầy giận vô cùng, và kết quả là hai giờ Quốc Văn đó, thay vì là một buổi bình thơ mang đầy tính văn nghệ, bọn tôi bị Thầy chưởi cho một trận nên thân.  Cũng chỉ vì ba cái chữ “vũng tối mò” mà nhà thơ Quang Trắng, trong một lúc bí vận, phang đại vào bài thơ.  Thật ra ý của anh Quang trong câu kết đó là nhờ có Thầy mà chúng con được dẫn “ra khỏi” cái “vũng tối mò”, tức là từ chỗ “u minh” ra được “ánh sáng”.  Ý thì hay quá, nhưng gài vô trong một câu thơ bảy chữ tai hại như vậy thì trách sao Thầy Thái Chí không nổi giận cho được.

 

Năm Ðệ Nhị (Niên khóa 1958-1959)

Sang năm Ðệ Nhị, thành phần Giáo sư dạy Ban A có nhiều thay đổi:

– Thầy Bùi Trọng Chương: Quốc Văn

– Thầy Trương Văn Cao: Pháp Văn

– Thầy Phạm Văn Thuật: Anh Văn

– Thầy Trần Văn Thử: Toán

– Thầy Nguyễn Văn Phối: Lý Hóa

– Thầy Nguyễn Gia Tường: Vạn Vật

– Thầy Vũ Ký: Sử

– Cô Lâm Thị Dung: Ðịa

Trừ hai Thầy Chương và Thầy Cao, và Cô Dung, các vị kia đều là Giáo sư bọn tôi mới học lần đầu  tiên.

Thầy Phạm Văn Thuật

Thầy Phạm Văn Thuật dạy môn Anh Văn cho lớp Ðệ Nhị A của bọn tôi năm đó.  Thầy đúng là một “English Gentleman” chánh hiệu con nai vàng, tốt nghiệp từ bên Ăng Lê về.  Thầy đi dạy bằng một chiếc xe hơi Opel mới tinh, màu hường lợt.  Vào thời đó, xe Opel thuộc vào loại xe rất “xịn”, trên cơ rất xa các loại xe Pháp như Citroen, Peugeot hay Simca, chỉ thua xe Hoa Kỳ thôi, mà xe Hoa Kỳ lúc đó thì chưa có nhiều lắm.  Thầy luôn luôn trầm tĩnh và nói năng rất nhỏ nhẹ. Ðó là lần đầu tiên bọn học sinh Petrus Ký chúng tôi được thực sự học Anh Văn với một Giáo sư tốt nghiệp từ một quốc gia nói tiếng Anh.  Thầy dạy bọn tôi quyển Anglais Vivant, Second Beige, làm tụi tôi theo muốn hụt hơi luôn.  Mỗi lần Thầy dở sách ra đọc là bọn tôi theo dõi một cách say sưa, vì Thầy đọc sao mà dễ dàng như ăn cháo vậy, không phải uốn lưỡi, uốn miệng gì cả.  Khi Thầy giảng bài Thầy nói tiếng Anh sao mà nó trơn tru như bọn tôi nói tiếng Việt vậy.  Tụi tôi thực sự may mắn được học Anh Văn với Thầy hai năm liên tiếp (cả năm Ðệ Nhứt luôn).  Về sau Thầy rời Trường Petrus Ký lên làm việc trên Bộ Giáo Dục, và có lúc Thầy giữ chức vụ Tổng Giám Ðốc Tổng Nha Trung Tiểu Học và Bình Dân Giáo Dục.

Thầy Trần Văn Thử

tran-van-thuThầy Trần Văn Thử là Giáo sư môn Toán, không riêng của lớp Ðệ Nhị A bọn tôi mà luôn cả các lớp Ðệ Nhị B nữa. Thầy Thử người to lớn, dềnh dàng, nhưng nói năng rất từ tốn. Thầy dạy bọn tôi cả Hình Học lẩn Ðại số.  Trong tất cả các Giáo sư dạy Toán mà tôi đã được học trong suốt 7 năm tại Trường Petrus Ký, Thầy Thử là người mà tôi khâm phục nhứt.  Thầy dạy có phương pháp sư phạm đàng hoàng và sử dụng giờ dạy học với hiệu quả rất cao.   Mỗi tuần, bọn tôi học 4 giờ Toán, 2 giờ Hình Học vào Thứ Ba, và 2 giờ Ðại Số vào Thứ Năm.  Tuần nào cũng vậy, Thầy bảo bọn tôi về đọc trước bài giáo khoa về phần sẽ học tuần sau. Vào giờ học, Thầy tóm lược nội dung của bài giáo khoa, sau đó Thầy chỉ cho chúng tôi cách áp dụng phần giáo khoa để giải các đề toán. Thí dụ, muốn chứng minh hai mặt phẳng song song thì có mấy cách tất cả, trong mổi cách thì cần có những yếu tố gì để có thể chứng minh được. Sau đó Thầy đưa ra các đầu đề toán về phần đó và dựa vào các yếu tố có trong đầu đề Thầy chỉ rõ cho bọn tôi là phải dùng cách thứ mấy để chứng minh. Phần còn lại của giờ học là thực sự giải các bài tập. Cuối giờ, bao giờ Thầy cũng lập lại các cách chứng minh cho bọn tôi nắm thật vững. Và cuối cùng là Thầy cho biết bọn tôi phải làm bài tập nào để nộp vào tuần sau. Thầy áp dụng cách dạy như thế trong suốt năm học. Mỗi tuần bọn tôi phải nộp hai bài, một cho môn Hình Học và một cho môn Ðại Số. Và tuần nào Thầy cũng chấm và trả lại đầy đủ cho bọn tôi.  Các bạn cứ thử tính xem, Thầy dạy tất cả 6 lớp Ðệ Nhị, mổi lớp độ 50 học sinh, mỗi học sinh nộp hai bài, như vậy là mỗi tuần Thầy chấm 600 bài tập, và chấm thật kỹ, sai một cái dấu + hay – trong bảng biện luận là Thầy cũng thấy và khoanh tròn.  Thú thật, trong suốt cuộc đời đi học và sau nầy đi dạy của tôi, tôi chưa từng thấy một Giáo sư nào vừa dạy hay, vừa tận tâm với học sinh như vậy.  Cuối năm Ðệ Nhị, bọn tôi đi thi Tú Tài Ban A, làm hai bài toán hoàn toàn không gặp một chút khó khăn nào.  Về sau, Thầy Thử có một thời gian làm Hiệu Trưởng của Trường Petrus Ký. 

Thầy Nguyễn Văn Phối

Thầy Nguyễn Văn Phối dạy chúng tôi môn Lý Hóa.  Hình như Thầy cũng là Giáo sư chịu trách nhiệm chung về tất cả các phòng thí nghiệm của Trường.  Thầy Phối người Bắc, tác người trung bình, tóc hớt cao và đã bắt đầu hoa râm. Thầy nói năng, làm việc đều cỏ vẻ lụp chụp, nhưng tánh Thầy rất hiền lành, dễ dãi, ít khi thấy Thầy giận học trò. Những giờ bọn tôi học Thầy đều diễn ra tại phòng thí nghiệm.   Tôi còn nhớ hoài có một lần Thầy làm thí nghiệm chất Na-tri, không hiểu sao bị nổ, miểng kiếng văng trúng vào tay Thầy làm chảy máu nhiều, Thầy phải ôm tay chạy lên Bệnh xá để được băng bó làm bọn tôi cười quá xá (dĩ nhiên bây giờ nghĩ lại thì thấy có lổi với Thầy quá, nhưng lúc đó thì bọn tôi đâu có nghĩ như vậy).  Một điều nữa làm tôi nhớ hoài về Thầy Phối là Thầy thường dọa bọn tôi mỗi lần bọn tôi học hành, làm bài lôi thôi với môn Lý Hóa của Thầy.  Mỗi lần như vậy là Thầy lại nói: “Học hành như mấy anh như vầy, cuối năm đi thi mà đổ thì cứ dầm cái tay tôi đi.”  Bọn tôi cứ mượn cái câu nầy của Thầy mà giỡn với nhau hoài: “Tao dầm cái tay mầy bây giờ.”  Dọa bọn tôi như thế nhưng thật ra Thầy rất thương bọn tôi và dạy rất tận tâm, cho làm toán và giải bài tập rất kỹ, nhờ vậy cuối năm Ðệ Nhị nầy, bọn tôi thi Tú Tài I đậu gần hết lớp.   Về sau Thầy Phối rời Trường Petrus Ký, lên làm việc trên Tổng Nha Trung Tiểu Học và Bình Dân Giáo Dục, với chức vụ Chủ Sự Phòng Khảo Thí.   Trong một thời gian, Thầy chính là người ký tên vào các chứng chỉ trúng tuyển các kỳ thi Trung Học Ðệ Nhất Cấp và Tú Tài.

Thầy Nguyễn Gia Tường

Thầy Nguyễn Gia Tường dạy chúng tôi môn Vạn Vật. Chương trình môn Vạn Vật của lớp Ðệ Nhị là Thực Vật Học. Thầy Tường cũng là người Bắc, lúc bấy giờ đã trọng tuổi rồi, đầu Thầy đã hói nhiều, và râu Thầy cũng đã bạc.  Ði dạy học, Thầy Tường luôn luôn đội nón cối và mặc một bộ complet may bằng hàng tussor.  Thầy là Giáo sư cơ hữu về môn Luân Lý Chức Nghiệp của Trường Sư Phạm Quốc Gia, và chỉ dạy giờ cho Trường Petrus Ký. Cách dạy của Thầy rất đặc biệt.  Mỗi đầu giờ Thầy bảo bọn tôi dở sách giáo khoa ra, kêu một đứa đứng lên đọc bài cho cả lớp nghe, thỉnh thoảng Thầy bảo ngừng lại để Thầy giảng cho rõ về đoạn đó, cứ như thế cho đến cuối giờ.  Cách Thầy bảo ngưng đọc cũng rất là đặc biệt, Thầy luôn luôn nói: “Thông thả, thông thả nào”.  Lúc đầu bọn tôi đâu có hiểu, cứ tưởng là Thầy bảo đọc chậm lại, về sau mới biết là khi Thầy nói như thế tức là Thầy bảo ngừng đọc. Dĩ nhiên, câu nói nầy cũng đi vào “ngôn ngữ” của bọn Ðệ Nhị A chúng tôi luôn.   Cứ mỗi lần ra chơi, giành nhau uống nước trà nóng do Trường cung cấp ngoài hành lang thì thế nào cũng có tên la lớn lên: “Thông thả, thông thả nào”.  Tôi không rõ Thầy có từng học vẻ hay không nhưng Thầy vẻ rất đẹp, bọn tôi nhiều hôm cứ mãi lo trầm trồ các hình Thầy vẻ trên bảng về các loại cây cối mà quên cả vẻ theo vào tập của mình.  Trong tất cả các vị Giáo sư lớp Ðệ Nhị A năm học đó, Thầy Tường là người đạo mạo và khả kính nhứt.

Thầy Vũ Ký

vu-kyThầy Vũ Ký dạy chúng tôi môn Sử. Thầy người Trung, tác người ốm, cao, da hơi ngâm đen, và đeo kính cận gọng vàng.   Tôi không còn nhớ gì nhiều về Thầy Ký, chỉ còn nhớ là tiếng Thầy rất lớn, giọng Thầy sang sảng và Thầy giảng Sử với rất nhiều nhiệt tình.  Sau nầy tôi mới biết Thầy chính thật là một Giáo sư môn Quốc Văn, và là tác giả của nhiều sách giáo khoa môn nầy, cũng như là tác giả của một số sách về phê bình văn học khá nổi tiếng.

Cuối năm học nầy (1958-1959), lớp Ðệ Nhị A đi thi Tú Tài I đậu gần hết lớp.  Tựu trường niên khóa sau, bọn tôi lên lớp Ðệ Nhứt A1, năm đó Trường Petrus Ký mở tất cả 7 lớp Ðệ Nhứt, 2 lớp Ban A và 5 lớp Ban B.  Bọn tôi lại có thêm một số bạn học mới, do Trường Petrus Ký mới nhận vào, gốc từ các trường trung học tư thục, nhưng đã đậu bằng Tú Tài I từ hạng Bình Thứ trở lên.

 

Năm Ðệ Nhứt (Niên khóa 1959-1960)

Ban Giáo sư lớp Ðệ Nhứt A1, niên khóa 1959-1960, gồm các vị sau đây:

– Thầy Phạm Mạnh Cương: Triết Học

– Thầy Phạm Văn Thuật: Anh Văn

– Thầy Huỳnh Văn Hai: Pháp Văn

– Thầy Trần Văn Binh: Toán

– Thầy Cao Thu Hiền: Lý Hóa

– Thầy Nguyễn Huy Hùng: Vạn Vật

– Thầy Trần Văn Quế: Sử

– Thầy Bùi Ðình Tấn: Ðịa Lý

Trừ Thầy Thuật và Thầy Binh, tất cả các vị kia đều là Giáo sư bọn tôi mới học lần đầu tiên.

Thầy Phạm Mạnh Cương

Pham Manh Cuong.jpgThầy Phạm Mạnh Cương dạy chúng tôi môn Triết Học.  Thầy người Trung, tác người hơi thấp, nhỏ con, hơi ốm.  Thầy rất hiền, nói năng nhỏ nhẹ. Môn Triết là một môn học khó, nhưng Thầy cố gắng giảng cho thật dễ hiểu. Tuy nhiên bọn tôi vẫn không lấy gì làm thích thú môn học quá trừu tượng nầy. Mặc dù có sách giáo khoa của Linh Mục Cao Văn Luận, Thầy vẫn chịu khó soạn bài và đọc cho bọn tôi chép. Chỉ tiếc một điều là Thầy không cho làm luận nhiều nên năm đó đi thi bọn tôi tương đối gặp khó khăn với đề luận Triết. Thầy Cương lúc đó cũng đã là một nhạc sĩ nổi tiếng rồi, về sau Thầy còn nổi tiếng nhiều hơn.

Thầy Huỳnh Văn Hai

Thầy Huỳnh Văn Hai dạy chúng tôi môn Pháp Văn. Lúc dạy bọn tôi Thầy đã về hưu từ lâu rồi, nhưng Thầy vẫn còn đi dạy giờ thêm.  Ðầu Thầy bạc trắng, nhưng Thầy vẫn còn rất khoẻ, tiếng nói vẫn còn rỗn rãng.  So với Thầy Cao ở lớp Ðệ Nhị thì Thầy Hai dạy Pháp Văn vui hơn nhiều. Trong thời Ðệ Nhứt Cộng Hòa, Thầy Hai đã từng là Dân Biểu của tỉnh Gò Công. Về sau, tôi còn được học với Thầy Hai thêm mấy năm ở Ðại Học Sư Phạm Sài gòn. Thầy phụ trách dẫn sinh viên Ban Sử Ðịa bọn tôi đi dạy tập sự ở các trường Trung Học Ðệ Nhị Cấp tại Sài gòn.

Thầy Cao Thu Hiền

Thầy Cao Thu Hiền phụ trách môn Lý Hóa cho lớp Ðệ Nhứt A1.Thầy người Nam, ốm, cao, mang kính cận khá nặng. Thầy chỉ lớn hơn bọn tôi chừng 5, 6 tuổi gì đó thôi, và vừa mới đậu xong Cử Nhân Giáo Khoa Lý Hóa. Trong chương trình lớp Ðệ Nhứt Ban A, môn Lý Hóa rất nặng, nhất là phần Vật Lý, với hai quyển sách giáo khoa dầy cộm về Ðộng Lực Học. Chính vì thế mà Thầy Hiền phải tập trung gần như trọn năm học để dạy cho xong phần Vật Lý, phần Hóa Học gần như chỉ lướt qua thôi. Như vậy mà vẫn không có nhiều giờ để làm bài tập Vật Lý.  (Chính vì vậy, tôi và một số bạn thân đã quyết định đóng tiền học thêm lớp đêm của Giáo sư Nguyễn Xuân Nghiên tại Trường Trung Học Tư Thục Hưng Ðạo vì được biết Giáo sư Nghiên hoàn toàn không dạy phần giáo khoa, chỉ giải bài tập mà thôi).  Thầy Hiền quả đúng với tên gọi, Thầy rất hiền lành và dạy bọn tôi rất tận tâm.

Thầy Nguyễn Huy Hùng

Thầy Nguyễn Huy Hùng là Giáo sư môn Vạn Vật.  Thầy người Bắc, ốm, cao, trắng trẻo, trông rất là thư sinh.  Mà thật vậy, năm đó Thầy đang là sinh viên năm thứ 5 của Ðại Học Y Khoa Saigon.  Chương trình Vạn Vật của lớp Ðệ Nhứt là học về cơ thể và sinh lý của con người.  Với kiến thức Y Khoa, Thầy Hùng đã dạy môn Vạn Vật nầy rất hay. Không những dạy hết trọn chương trình giáo khoa, Thầy còn giải cho bọn tôi một số đề mang tính tổng hợp rất hay.  Không rõ về phần các bạn khác ra sao, riêng cá nhân tôi năm đó đậu Tú Tài 2 là nhờ môn Vạn Vật học với Thầy Hùng.  Tôi không bao giờ quên được lần gặp gỡ cuối cùng giữa tôi và Thầy Hùng.  Buổi chiều hôm đó, vào một ngày Thứ Sáu, độ một tuần hay 10 ngày gì đó sau kỳ thi viết Tú Tài 2, tôi tình cờ có việc đi ngang Trường Petrus Ký thì gặp Thầy Hùng vừa trong Trường đạp xe ra (Thầy vẫn còn đi xe đạp).  Gặp tôi Thầy mừng lắm, ngoắc tôi lại cho hay là tôi đã đậu phần thi viết rồi, và bảo tôi về lo học ôn bài để chuẩn bị vào thi vấn đáp vào sáng Thứ Hai tới.  Tôi mừng quá xá, cám ơn Thầy lia lịa, rồi chạy về nhà liền để báo cho Mẹ tôi hay.  Sau nầy tôi không có cơ hội nào được gặp lại Thầy Hùng nữa, nhưng được biết có một thời gian Thầy làm Trưởng Ty Y Tế tỉnh Vĩnh Bình (Trà Vinh), chi tiết nầy do một người bạn thân của tôi là anh Nguyễn Bình Tưởng kể lại, lúc đó anh Tưởng là Hiệu Trưởng Trường Trung Học Vĩnh Bình.

Thầy Trần Văn Quế

Thầy Trần Văn quế dạy chúng tôi môn Sử. Thầy người Nam, rất cao lớn, giọng nói trầm và ấm. Cũng như Thầy Hai, năm đó Thầy đã lớn tuổi lắm rồi. Ði dạy học, có khi Thầy mặc complet có khi mặc áo dài, nhưng luôn luôn là màu trắng.  Sau nầy tôi mới được biết Thầy là một chức sắc cao cấp của Ðạo Cao Ðài và đã từng làm Thứ Trưởng Nghiên Cứu và Cải Cách trong Chính Phủ Nguyễn Văn Tâm lần đầu (từ 25-6-1952 đến 8-1-1953).  Thầy Quế rất hiền lành, ngay cả cái cười của Thầy cũng rất hiền lành.  Chương trình Sử lớp Ðệ Nhứt là học về sử Việt Nam cận và hiện đại, Thầy lại là một chính khách đã từng hoạt động chống Pháp, bị tù Côn Ðảo, và lại từng tham gia Nội Các, nên khi Thầy giảng về các phong trào chống Pháp, Thầy giảng với tất cả tấm lòng nhiệt thành của Thầy, cộng thêm với những kinh nghiệm chính trị mà Thầy đã trãi qua, làm bọn tôi vô cùng say mê.

Thầy Bùi Ðình Tấn

Thầy Bùi Ðình Tấn dạy chúng tôi môn Ðịa Lý. Thầy người Bắc, cao lớn, trắng trẻo. Thầy dạy học rất nghiêm. Lúc đó sách Ðịa Lý Ðệ Nhứt của Thầy đã là sách giáo khoa tiêu chuẩn. Bọn tôi đứa nào cũng có mua sách nầy của Thầy. Vì thế vào lớp Thầy chỉ giảng thêm cho rộng ra mà thôi.  Một đặc điểm về Thầy Tấn mà tôi khó quên được là Thầy vẻ bản đồ rất hay, Thầy lại chỉ cho bọn tôi phương pháp để vẻ nên bọn tôi vô cùng thích thú.  Cuối năm đó, sau khi đậu xong Tú Tài 2, tôi tiếp tục học sách giáo khoa của Thầy và thi đậu luôn vào Ðại Học Sư Phạm Saigon, Ban Sử Ðịa.

 

Thay Lời Kết:

Nhìn lại trọn thời gian bảy năm học tại Trường Petrus Ký, tính ra tôi đã được học với tất cả 35 Thầy và 3 Cô. Trong số 38 vị nầy, có tất cả 5 vị (4 Thầy và 1 Cô) cũng là Giám thị.  Một điều đặc biệt cần phải ghi ra đây là tình cảm của bọn tôi đối với các Thầy Cô đã dạy bọn tôi ở bậc Ðệ Nhứt Cấp hình như sâu đậm hơn là đối với quý Thầy Cô dạy Ðệ Nhị Cấp.  Lý do có lẻ là do bọn tôi tương đối học nhiều năm hơn với các Thầy Cô đó.  Một số các vị đó không những theo bọn tôi “lên lớp” suốt thời gian Ðệ Nhứt Cấp mà còn lên dạy bọn tôi ở bậc Ðệ Nhị Cấp luôn.  Tuy mức độ tình cảm có thể khác, nhưng sự kính trọng và lòng biết ơn thì đối với tất cả vẩn như nhau.  Nếu bài viết nầy được lọt vào mắt của bất cứ Thầy Cô nào thì xin Quý Thầy Cô xem như đây là một lời cám ơn chân thành của người viết đối với công ơn dạy dổ của tất cả Quý Thầy Cô trong suốt bảy năm tại ngôi Trường Petrus Ký thân yêu.

Vĩnh Nhơn Lâm Vĩnh Thế

08-07-1999