Bài viết này được viết ra để tìm hiểu một cách thật chính xác khi được Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu bổ nhiệm ra nắm Quân Đoàn I và chuẩn bị phản công để tái chiếm Quảng Trị, Trung Tướng Ngô Quang Trưởng thật sự đã nắm quyền chỉ huy bao nhiêu tướng lãnh, sĩ quan cao cấp và trung cấp, và bao nhiêu đơn vị tác chiến của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (QLVNCH).

Trung Tướng Ngô Quang Trưởng Tư Lệnh Quân Đoàn I

Huy hiệu Quân Đoàn I

Tình Hình Chung Tại Vùng I Vào Đầu Tháng 5-1972

Về mặt lý thuyết, tất cả các đơn vị cơ hữu của Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), dân sự lẫn quân sự, nằm trong phạm vi lãnh thổ của Vùng I, tức là trong phạm vi của 4 tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam và Quảng Ngãi, đều nằm dưới quyền chỉ huy của Trung Tướng Ngô Quang Trưởng.  

Về mặt quân sự, trong các đơn vị này, quan trọng nhứt là 3 Sư Đoàn Bộ Binh số 1, 2, và 3.  Bên cạnh 3 sư đoàn bộ binh nồng cốt nầy, dĩ nhiên, phải kể đến các đơn vị yểm trợ hành quân và tác chiến như Pháo Binh, Thiết Giáp, Công Binh, Truyền Tin, vv. cũng như 4 Liên Đoàn Biệt Động Quân của Vùng I là các Liên Đoàn 11, 12, 14, và 15.

 Ngoài ra, do tình hình của cuộc Tổng Tấn Công năm 1972 của Cộng sản Bắc Việt, trực tiếp đe dọa an ninh lãnh thổ của Vùng I, còn có thêm hai đại đơn vị thiện chiến thuộc Lực Lượng Tổng Trừ Bị do chính Bộ Tổng Tham Mưu QLCVNCH tăng phái cho Vùng 1: đó là: Sư Đoàn Dù, và Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến (TQLC).

Ngày 3-5-1972, khi Tướng Trưởng được Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu điều từ Vùng 4 ra Vùng 1 để thay thế Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm, tình hình phía Bắc của Vùng I có thể được xem là rất bi đát.  Cổ Thành Đinh Công Tráng, và gần như toàn bộ lãnh thổ của tỉnh Quảng Trị đã rơi vào tay quân Cộng sản.  Dân chúng Quảng Trị bỏ chạy vào Huế đã bị quân Cộng sản pháo kích bừa bãi tàn sát trên Đại Lộ Kinh Hoàng.  Cả một Trung Đoàn của Sư Đoàn 3 Bộ Binh, Trung Đoàn 56, dưới quyền chỉ huy của Trung Tá Phạm Văn Đính, một sĩ quan nổi tiếng từ Trận Mậu Thân ở Huế (1968), bị bao vây và bị bỏ rơi, đã phải ra hàng quân Cộng Sản tại Trại Carroll vào ngày 2-4-1972, một chuyện chưa từng xảy ra trong suốt lịch sử của QLVNCH. [1] Phần còn lại của Sư Đoàn 3 Bộ Binh bị đánh tan rã và phải triệt thoái khỏi Quảng Trị trong hỗn loạn.  Chuẩn Tướng Vũ Văn Giai, Tư Lệnh Sư Đoàn 3 Bộ Binh, đã bị Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu tống giam vào Khám Chí Hòa để chờ ngày ra Tòa Án Quân Sự để xét xử về tội bỏ quân sĩ và chạy trốn trước địch quân, một bản án hoàn toàn oan ức cho một tướng lãnh có tài, can đãm, và có nhiều kinh nghiệm trận mạc.

Kinh Nghiệm Chỉ Huy của Trung Tướng Ngô Quang Trưởng

Trung Tướng Ngô Quang Trưởng sinh tháng 12-1929 tại “Ấp Tân Sinh 2, Thạnh Phong, Tỉnh Bến Tre (sau là Kiến Hòa).” [2] Trong một bài viết, tác giả J.H. Willbanks ghi rõ ngày sinh của Tướng Trưởng là 19-12-1929. [3]Trong bài viết về tang lễ của Tướng Trưởng, ngày sinh của ông được ghi là ngày 13-12-1929. [4]

Ông tốt nghiệp Khóa 4 Cương Quyết của Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức với cấp bậc Thiếu Úy vào ngày 1-6-1954, và tình nguyện về Nhảy Dù.  Tháng 7-1954, sau khi tốt nghiệp khóa nhảy dù tại Trung Tâm Huấn Luyện Nhảy Dù tại Bà Quẹo, ông là một Trung Đội Trưởng thuộc Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù.

            Ông lần lượt thăng cấp và giữ các chức vụ chỉ huy như sau:

  • Tháng 1-1955: ông giữ chức Đại Đội Trưởng, Đại Đội 1, Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù, tham gia đánh Bình Xuyên tại Sài Gòn, và bị thương vào đầu tháng 5-1955
  • Ngày 1-12-1955, ông thăng cấp lên Trung Úy
  • Đầu năm 1961, ông thăng cấp lên Đại Úy và được cử giữ chức Tiểu Đoàn Trưởng, Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù
  • Tháng 2-1964, ông thăng lên cấp Thiếu Tá
  • Tháng 2-1965, sau trận càn quét mật khu Hắc Dịch của Công Trường 7 (tức Sư Ðoàn 7) của Việt Cộng nằm trong một khu rừng ở phía Bắc Núi Ông Trịnh thuộc tỉnh Phước Tuy (Bà Rịa), Tiểu Đoàn 5 dưới quyền chỉ huy của ông là chủ lực, đã gây tổn thất nặng nề cho địch và ông đã được vinh thăng lên Trung Tá đặc cách tại mặt trận và được ban thưởng Ðệ Tứ Ðẳng Bảo Quốc HuânChương.
  • Sau trận Hắc Dịch, ông rời Tiểu Ðoàn 5 về làm Tham Mưu Trưởng Lữ Ðoàn Nhảy Dù
  • Năm sau, 1966, khi Lữ Ðoàn Nhảy Dù được nâng lên thành Sư Ðoàn, ông được bổ nhiệm vào chức vụ Phó Tư Lệnh Sư Đoàn Nhảy Dù.
  • Ngày 19-6-1966, ông thăng lên cấp Đại Tá và được giữ chức vụ Tư Lệnh Sư Đoàn I Bộ Binh, thay thế Chuần Tướng Phan Xuân Nhuận bị cách chức vì dính líu vào vụ Biến Động Miển Trung Hè 1966
  • Ngày 4-2-1967, ông vinh thăng Chuẩn Tướng nhiệm chức
  • Trong thời gian Trận Mậu Thân tại Huế, trong khi toàn bộ Huế đã bị địch chiếm đóng, ông đã chỉ huy thành công giữ vững được Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn I đóng trong thành Mang Cá, và sau đó đã chỉ huy các đơn vị của Sư Đoàn I phản công đánh bật Cộng quân và giải phóng Huế. 
  • Ngày 3-6-1968, ngay sau Trận Mậu Thân, ông vinh thăng cấp Thiếu Tướng nhiệm chức
  • Ngày 27-8-1970, ông được bổ nhiệm vào chức vụ Tư Lệnh Quân Đoàn 4 và Quân Khu 4; trong suốt thời gian này, Quân Khu 4, dưới sự chỉ huy của Tướng Trưởng, đã đạt thành tích xuất sắc cả về quân sự và bình định
  • Tháng 6-1971, ông vinh thăng Trung Tướng
  • Ngày 3-5-1972, ông được bổ nhiệm vào chức vụ Tư Lệnh Quân Đoàn I và Quân Khu I 

Qua bảng liệt kê thăng cấp và chức vụ chỉ huy, có thể ghi nhận Trung Tướng Ngô Quang Trưởng là một trong số rất ít các vị tướng của QLVNCH đã từng nắm giữ tất cả các chức vụ chỉ huy từ cấp thấp nhứt là Trung Đội Trưởng cho đến cấp chỉ huy cao nhứt là Tư Lệnh Quân Đoàn, và các đơn vị mà ông chỉ huy thì toàn là các đơn vị tác chiến.  Do đó, có thể khẳng định là Trung Tướng Ngô Quang Trưởng hoàn toàn xứng đáng với trọng trách chỉ huy Quân Đoàn I mà Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã tin tưởng giao cho.ông với mục tiêu là, bằng mọi giá, phải chiếm lại Quảng Trị đã bị địch quân chiếm giữ từ cuối tháng 4-1972.

Các đơn vị cơ hữu của Vùng I

Sư Đoàn I Bộ Binh

Đây là Sư Đoàn thiện chiến và nồng cốt của Quân Đoàn I và cũng chính là Sư Đoàn do chính Tướng Trưởng chỉ huy trong thời gian Trận Mậu Thân tại Huế.

Huy hiệu Sư Đoàn 1 Bộ Binh

Từ ngày thành lập, 1-1-1955, cho đến năm 1972, Sư Đoàn đã nhiều lần thay đổi danh hiệu như sau: [5]

  • Từ 1-1-1955 đến ngày 31-7-1955: Sư Đoàn 21 BB
  • Từ ngày 1-8-1955 đến ngày 30-9-1955: Sư Đoàn Dã Chiến số 21
  • Từ ngày 1-10-1955 đến ngày 30-11-1958: Sư Đoàn Dã Chiến số 1
  • Từ ngày 1-12-1958 cho đến 1972: Sư Đoàn 1 Bộ Binh

Tại thời điểm này, ngày 3-5-1972, khi Tướng Trưởng từ Cần Thơ (Quân Đoàn 4) bay ra Huế để nắm Quân Đoàn 1, Sư Đoàn 1 BB vẫn còn nằm dưới quyền Tư Lệnh của Thiếu Tướng Phạm Văn Phú.  Chỉ hơn 4 tháng sau, ngày 19-9-1972, Tướng Phú bị bịnh nặng phải nghĩ và Chuẩn Tướng Lê Văn Thân được cử làm Tư Lệnh.  Ngày 1-11-1973, Đại Tá Nguyễn Văn Điềm, Tư Lệnh Phó được cử lên thay Tướng Thân.  Đại Tá Điềm vinh thăng lên Chuẩn Tướng ngày 1-4-1974, và tiếp tục giữ chức Tư Lệnh Sư Đoàn I BB cho đến ngày 29-3-1975 khi Đà Nẳng rơi vào tay Cộng Quân, và ông bị tử nạn trực thăng trên đường di tản về Quảng Ngãi.

Chuẩn Tướng Nguyễn Văn Điềm, Tư Lệnh Sư Đoàn I Bộ Binh

Kể về thành phần tác chiến, Sư Đoàn I BB có tất cả 4 Trung Đoàn như sau:

  • Trung Đoàn 1: Trung Đoàn Trưởng là Đại Tá Võ Toàn, Khóa 17 Đà Lạt
  • Trung Đoàn 3: Trung Đoàn Trưởng là Trung Tá Huỳnh Như Xuân, Khóa 19 Đà Lạt 
  • Trung Đoàn 51: Trung Đoàn Trưởng là Đại Tá Nguyễn Bùi Quang, Khóa 10 Đà Lạt
  • Trung Đoàn 54: Trung Đoàn Trưởng là Trung Tá Nguyễn Văn Bình, Khóa 19 Đà Lạt

Sư Đoàn 2 Bộ Binh

Huy hiệu Sư Đoàn 2 Bộ Binh

Sư Đoàn 2 Bộ Binh có lịch sử hình thành như sau:

  • Trước năm 1955: Liên Đoản 32 Lưu Động  
  • Từ 4-2-1955 đến 31-7-1955: Sư Đoàn 32 Bộ Binh
  • Từ 1-8-1955 đến 30-11-1958: Sư Đoàn 2 Dã Chiến
  • Từ 1-12-1958: chính thức mang tên Sư Đoàn 2 Bộ Binh

Sư Đoàn chịu trách nhiệm an ninh lãnh thổ Khu 12 Chiến Thuật gồm 2 tỉnh Quảng Tín và Quảng Ngãi, Bộ Tư Lệnh đặt tại Chu Lai, và Tư Lệnh cuối cùng là Chuẩn Tướng Trần Văn Nhựt, gốc TQLC, Khóa 10 Đà Lạt.

Chuẩn Tướng Trần Văn Nhựt, Tư Lệnh Sư Đoàn 2 Bộ Binh

Sư Đoàn 2 Bộ Binh gồm có 3 Trung Đoàn:

  • Trung Đoàn 4: Trung Đoàn Trưởng là Đại Tá Trương Đăng Liêm, Khóa 3 Thủ Đức
  • Trung Đoàn 5: Trung Đoàn Trưởng là Trung Tá Tôn Thất Lữ
  • Trung Đoàn 6: Trung Đoàn Trương là Trung Tá Tôn Thất Hồ

Sư Đoàn 2 Bộ Binh đã trải qua các đời Tư Lệnh như sau:

  • Từ tháng 1-1955 đến tháng 11-1956: Trung Tá, thăng cấp Đại Tá từ tháng 2-1955, Tôn Thất Đính, Khóa 1, Võ Bị Huế
  • Từ tháng 11-1956 đến tháng 6-1957: Trung Tá Đặng Văn Sơn, gốc Hạ Sĩ Quan Pháp
  • Từ tháng 6-1957 đến tháng 8-1958: Trung Tá Lê Quang Trọng, Khóa 2, Võ Bị Huế
  • Từ tháng 8-1958 đến tháng 6-1961: Trung Tá, thăng cấp Đại Tá từ tháng 10-1959, Dương Ngọc Lắm, Khóa Võ Bị Liên Quân Viễn Đông Đà Lạt
  • Từ tháng 6-1961 đến tháng 6-1963: Đại Tá Lâm Văn Phát, Khóa Võ Bị Liên Quân Viễn Đông Đà Lạt
  • Từ tháng 6-1963 đến tháng 12-1963: Đại Tá Trương Văn Chương, Sĩ quan đồng hóa
  • Từ tháng 12-1963 đến tháng 2-1964: Đại Tá, thăng cấp Thiếu Tướng từ tháng 2-1964, Tôn Thất Xứng, Khóa 1, Võ Bị Huế
  • Từ tháng 2-1964 đến tháng 7-1964: Đại Tá, thăng cấp Chuẩn Tướng từ tháng 5-1964, Ngô Dzu, Khóa 2, Võ Bị Huế
  • Từ tháng 7-1964 đến tháng 10-1964, Đại Tá Nguyễn Thanh Sằng, Khóa 2, Võ Bị Huế
  • Từ tháng 10-1964 đến tháng 1-1967: Chuẩn Tướng, thăng cấp Thiếu Tướng từ tháng 11-1965, Hoàng Xuân Lãm, Khóa 3, Đà Lạt
  • Từ tháng 1-1967 đến tháng 1-1972:  Đại Tá, thăng cấp Chuẩn Tướng từ tháng 6-1968, thăng cấp Thiếu Tướng từ tháng 11-1970, Nguyễn Văn Toàn, Khóa 5, Đà Lạt
  • Từ tháng 1-1972 đến tháng 8-1972, Đại Tá, thăng cấp Chuẩn Tướng từ tháng 2-1972, Phan Hòa Hiệp, Khóa 2, Võ Bị Huế
  • Từ tháng 8-1972 đến tháng 4-1975: Đại Tá, thăng cấp Chuẩn Tướng từ tháng 11-1972, Trần Văn Nhựt, Khóa 10, Đà Lạt

Sư Đoàn 3 Bộ Binh

Lịch sử thành lập Sư Đoàn 3 Bộ Binh như sau:

  • Ngày 1-10-1971: Sư Đoàn 3 được thành lập với danh xưng là Sư Đoàn Bến Hải với hỗn danh là “Sư Đoàn Giới Tuyến” hay “Sư Đoàn Trừng Giới.” để chia xẻ trách nhiệm nặng nề tại vùng giới tuyến với 2 Sư Đoàn 1 và 2 của Vùng I
  • Trừ Trung Đoàn 2 là đơn vị chủ lực từ Sư Đoàn 1 chuyển qua, Sư Đoàn 3 được thành lập vội vã với thêm 2 Trung Đoàn 56 và 57 từ các đơn vị tân lập với thành phần chủ yếu từ các quân nhân vi phạm kỷ luật như đi phép quá hạn, ba gai, hoặc bị báo cáo đào ngũ, ở quân lao ra được “phục hồi quân ngũ”…  Vì vậy Sư Đoàn mới mang hỗn danh như đã ghi bên trên. [6]
  • Các Trung Đoàn Trưởng là:

– Trung Đoàn 2: Đại Tá Vũ Ngọc Hưởng, Khóa 3 Phụ, Thủ Đức
– Trung Đoàn 56: Trung Tá Phạm Văn Đính, Khóa 9, Thủ Đức; sau khi Trung Tá Đính đầu hàng tại Trại Carroll, Trung Đoàn Trưởng mới là Đại Tá Vĩnh Giác, Khóa 16, Đà Lạt
– Trung Đoàn 57: Trung Tá Tôn Thất Mẫn

  • Tư Lệnh Sư Đoàn 3:

– Tư Lệnh đầu tiên là Chuẩn Tướng Vũ Văn Giai, nguyên Tự Lệnh Phó Sư Đoàn 1 Bộ Binh, sau khi mất Quảng Trị, bị Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh bắt giam, đưa ra Tòa Án Mặt Trận tại Sài Gòn và bị kết án 5 năm tù
– Tư Lệnh thứ nhì là: Chuẩn Tướng Nguyễn Duy Hinh, nguyên Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn 1, sau thăng Thiếu Tướng từ ngày 1-7-1973.

Thiếu Tướng Nguyễn Duy Hinh, Tư Lệnh Sư Đoản 3 Bộ Binh

Các Đơn Vị Biệt Đông Quân Vùng I

Chỉ Huy Trưởng Biệt Động Quân (BĐQ) Vùng I là Đại Tá Nguyễn Đức Khoái, Khóa 2, Thủ Đức; dưới quyền Đại Tá Khoái là 4 Liên Đoàn BĐQ:

  • Liên Đoàn 11 BĐQ: Trung Tá Phạm Khắc Ân, gồm 3 Tiểu Đoàn:

– Tiểu Đoàn 68 BĐQ: Thiếu Tá Quách Thưởng
– Tiểu Đoàn 69 BĐQ: Thiếu Tá Nguyễn Cảnh Nguyên
– Tiểu Đoàn 70 BĐQ: Đại Úy Hoàng Trọng Khải

  • Liên Đoàn 12 BĐQ: Đại Tá Trần Kim Đại, Khóa 3, Thủ Đức, gồm 3 Tiểu Đoàn:

– Tiểu Đoàn 21 BĐQ: Thiếu Tá Nguyễn Văn Long
– Tiểu Đoàn 37 BĐQ: Thiếu Tá Nguyễn Văn Gio
– Tiểu Đoàn 39 BĐQ: Thiếu Tá Hồ Văn Hạc, Khóa 16, Đà Lạt

  • Liên Đoàn 14 BĐQ: Đại Tá Chung Thanh Tòng, gồm 3 Tiểu Đoàn:

– Tiểu Đoàn 77 BĐQ: Thiếu Tá Phạm Văn Thuận, Khóa 18, Đà Lạt
– Tiểu Đoàn 78 BĐQ: Thiếu Tá Hồ Tăng Dư
– Tiểu Đoàn 79 BĐQ: Thiếu Tá Hà Văn Lầu, Khóa 19, Đà Lạt

  • Liên Đoàn 15 BĐQ: Trung Tá Nguyễn Văn Thiệt, gồm 3 Tiểu Đoàn:

– Tiểu Đoàn 60 BĐQ: Thiếu Tá Đỗ Đức Chiến
– Tiểu Đoàn 61 BĐQ: Thiếu Tá Đỗ Thanh Quang
– Tiểu Đoàn 94 BĐ: Thiếu Tá Phạm Thuận

Các Đơn Vị Pháo Binh Vùng I

  • Pháo Binh Quân Đoàn: Đại Tá Phạm Kim Chung, Khóa 6, Đà Lạt
  • Pháo Binh Sư Đoàn 1 Bộ Binh: Trung Tá Phan Văn Phúc, Khóa 5, Thủ Đức
  • Pháo Binh Sư Đoàn 2 Bộ Binh: Đại Tá Lê Thương, Khóa 5, Thủ Đức
  • Pháo Binh Sư Đoàn 3 Bộ Binh: Trung Tá Nguyễn Hữu Cam, Khóa 3, Thủ Đức
  • Pháo Binh Tiểu Khu Quảng Trị: Thiếu Tá Nguyễn Đăng Nho
  • Pháo Binh Tiểu Khu Thừa Thiên: Thiếu Tá Hồ Đăng Khoa
  • Pháo Binh Tiểu Khu Quảng Nam: Thiếu Tá Nguyễn Văn Vọng
  • Pháo Binh Tiểu Khu Quảng Tín: Thiếu Tá Lê Thế Sản, Khóa 1, Đồng Đế
  • Pháo Binh Tiểu Khu Quảng Ngãi: Thiếu Tá Trần Trai, Khóa 7, Thủ Đức

Các Đơn Vị Thiết Giáp Thuộc Vùng 1

  • Lữ Đoàn 1 Thiết Giáp, Chỉ Huy Trưởng là Đại Tá Nguyễn Xuân Hường, Khóa 1, Võ Bị Huế, gồm có 5 Thiết Đoàn:

– Thiết Đoàn 4, với Thiết Vận Xa M-113 và Chiến Xa M-41: Thiếu Tá Trần Văn Minh
– Thiết Đoàn 7, với Thiết Vận Xa M-113 và Chiến Xa M-41: Trung Tá Hồ Đàn
– Thiết Đoàn 11, với Thiết Vận Xa M-113 và Chiến Xa M-41: Trung Tá Nguyễn Hữu Lý
– Thiết Đoàn 17, với Thiết Vận Xa M-113 và Chiến Xa M-41: Trung Tá Nguyễn Viết Thạnh
– Thiết Đoàn 20, với Chiến Xa M-48: Trung Tá Phan Công Tuấn

Các Đơn Vị Tổng Trừ Bị Tăng Phái

Sư Đoàn Dù

Từ ngày 30-3-1972 cho đến 27-6-1972, chỉ có Lữ Đoàn 2 Dù tham chiến ở Vùng I.  Sau đó, từ ngày 28-6-1972 cho đến 31-1-1973, toàn bộ Sư Đoàn Dù gồm 3 Lữ Đoàn 1, 2, và 3 đưới quyền Tư Lệnh của Chuẩn Tướng Lê Quang Lưỡng (thăng cấp lên Chuẩn Tướng từ tháng 11-1972) đã được tăng phái ra Vùng I.

Chuẩn Tướng Lê Quang Lưỡng, Tư Lệnh Sư Đoàn Dù

  • Lữ Đoàn 1 Dù: Trung Tá Nguyễn Văn Đĩnh, Khóa 15, Đà Lạt, gồm 3 Tiểu Đoàn:

– Tiểu Đoàn 1 Dù: Thiếu Tá Ngô Tùng Châu
– Tiểu Đoàn 8 Dù: Thiếu Tá Nguyễn Viết Thanh, Khóa 19, Đà Lạt
– Tiểu Đoàn 9 Dù: Thiếu Tá Lê Mạnh Đường, Khóa 14, Thủ Đức

  • Lữ Đoàn 2 Dù: Đại Tá Nguyễn Thu Lương, Khóa 4, Thủ Đức, gồm 3 Tiểu Đoàn:

– Tiểu Đoàn 5 Dù: Thiếu Tá Võ Trọng Em
– Tiểu Đoàn 7 Dù: Thiếu Tá Nguyễn Lô, Khóa 18, Đà Lạt
– Tiểu Đoàn 11 Dù: Thiếu Tá Lê Văn Phương, Khóa 20, Đà Lạt

  • Lữ Đoàn 3 Dù: Trung Tá Trần Đăng Khôi, Khóa 16, Đà Lạt, gồm 3 Tiểu Đoàn:

– Tiểu Đoàn 2 Dù: Thiếu Tá Trần Công Hạnh, Khóa 20, Đà Lạt
– Tiểu Đoàn 3 Dù: Thiếu Tá Lã Quý Trang, Khóa 18, Đà Lạt
– Tiểu Đoàn 6 Dù: Thiếu Tá Trần Tấn Hòa, Khóa 20, Đà Lạt

Sư Đoàn TQLC

Dưới quyền của Tân Tư Lệnh, Đại Tá Bùi Thế Lân (thăng cấp lên Chuẩn Tướng ngày 28-5-1972), Khóa 4, Thủ Đức, Sư Đoàn TQLC gồm có 3 Lữ Đoàn:

  • Lữ Đoàn 147 TQLC: Đại Tá Nguyễn Năng Bảo, Khóa Võ Bị Địa Phương Bắc Việt, gồm 3 Tiểu Đoàn:

– Tiểu Đoàn 1 TQLC Quái Điểu: Thiếu Tá Nguyễn Đăng Hòa, Khóa 2, Đồng Đế
– Tiểu Đoàn 4 TQLC Kình Ngư: Thiếu Tá Trần Ngọc Toàn, Khóa 16, Đà Lạt 
– Tiểu Đoàn 7TQLC Hùm Xám: Thiếu Tá Phạm Cang, Khóa 20, Đà Lạt

  • Lữ Đoàn 258 TQLC: Đại Tá Ngô Văn Định, Khóa Cương Quyết (1954), Đà Lạt, gồm 3 Tiểu Đoàn:

– Tiều Đoàn 2 TQLC Trâu Điên: Thiếu Tá Trần Văn Hợp, Khóa 19, Đà Lạt
– Tiểu Đoàn 5 TQLC Hắc Long: Thiếu Tá Đinh Xuân Lãm, Khóa 17, Đà Lạt
– Tiểu Đoàn 8 TQLC Ó Biển: Thiếu Tá Nguyễn Văn Phán, Khóa 9, Thủ Đức

  • Lữ Đòan 369 TQLC: Đại Tá Phạm Văn Chung, Khóa Cương Quyết (1954), Đà Lạt, gồm 3 Tiểu Đoàn:

– Tiểu Đoàn 3 TQLC Sói Biển: Thiếu Tá Lê Bá Bình, Khóa 12, Thủ Đức
– Tiểu Đoàn 6 TQLC Thần Ưng: Trung Tá Đỗ Hữu Tùng, Khóa 16, Đà Lạt
– Tiểu Đoàn 9 TQLC Mãnh Hổ: Trung Tá Nguyễn Kim Để, Khóa 16, Đà Lạt 

Thay Lời Kết:

Trung Tướng Ngô Quang Trưởng (sinh: ngày 13-12-1929; tử: ngày 22-1-2007), tốt nghiệp ngày 1-6-1954, Khóa 4, Cương Quyết, Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, một trong số rất ít những Tướng lãnh của QLVNCH đã từng chỉ huy các đơn vị tác chiến từ cấp thấp nhứt là Trung Đội Trưởng lên đến cấp cao nhứt là Tư Lệnh Quân Đoàn, được toàn thể Quân Dân Cán Chính của VNCH đồng ý tôn vinh là vị Tướng Lỗi Lạc Nhứt của QLVNCH.  Tại thời điểm đầu tháng 5-1972, khi ông được Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu điều động từ Vùng 4 ra làm Tư Lệnh Vùng I với nhiệm vụ tái chiếm Quảng Trị, ông đã trực tiếp chỉ huy một lực lượng rất lớn của QLVNCH gồm:

  • 6 Tướng Lãnh: 2 Thiếu Tướng (Phạm Văn Phú, Nguyễn Duy Hinh,) và 4 Chuẩn Tướng (Nguyễn Văn Điềm, Trần Văn Nhựt, Lê Quang Lưỡng, và Bùi Thế Lân)
  • 15 Đại Tá
  • 16 Trung Tá
  • 33 Thiếu Tá
  • 5 Đại Đơn Vị: 3 Sư Đoàn Bộ Binh, Sư Đoàn Dù, và Sư Đoàn TQLC
  • 66 Tiểu Đoàn tác chiến
  • 8 Tiểu Đoàn Pháo Binh
  • 1 Lữ Đoàn Thiết Giáp, gồm 5 Thiết Đoàn Thiết Vận Xa M-134, Chiến xa M-41 và Chiến xa M-48.

Ghi chú:

  1. Đầu hàng tại Trại Carroll ngày 2-4-1972, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn trong Trang Web Tuyển tập Vĩnh Nhơn Lâm Vĩnh Thế tại địa chỉ Internet sau đây: Tuyển tập Vĩnh Nhơn Lâm Vĩnh Thế: Ðầu Hàng Tại Trại Carroll Ngày 2-4-1972 (tuyen-tap-vinh-nhon-lam-vinh-the.blogspot.com)
  2. Trần Ngọc Thống, Hồ Đắc Huân, Lê Đình Thụy.  Lược sử Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.  San Jose, Calif.: Hương Quê, 2011.  Tr. 235.
  3. Willbanks, James H. “The most brilliant commander: Ngo Quang Truong,” đăng trên Trang Web Historynet, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: https://www.historynet.com/the-most-brilliant-commander-ngo-quang-truong.htm  Tác giả Willbanks biện là Giáo sư Trưởng Ban Quân Sử của Trường Chỉ Huy và Tham Mưu Cao Cấp của Lục Quân Hoa Kỳ (Chairman, Military History Department, US Army’s Command and General Staff College.  Trong thời gian Chiến Tranh Việt Nam, ông đã được thưởng huy chương Silver Star vì đã tham gia trong toán cố vấn cho Tướng Lê Văn Hưng trong cuộc chiến tử thủ An Lộc mùa Hè năm 1972.  Ông cũng chính là tác giả của cuốn sách nổi tiếng The Battle of An Loc do Nhà Xuất Bản Đại Học Indiana xuất bản năm 2005.  Về ngày sinh của Tướng Trưởng không thấy tác giả ghi chú xuất xứ trong bài báo nên không thể tin 100% được.
  4. Tuyết Mai.  Tang lễ của cố Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, tải liệu trực tuyến có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: https://vietbao.com/a123983/tang-le-cua-co-trung-tuong-ngo-quang-truong  Tài liệu này đáng tin hơn vì chắc chắn phải dựa trên Cáo Phó của gia đình Trung Tướng Trưởng và đã được đọc rõ ràng ngay tại Tang lễ.
  5. Trần Ngọc Thống, Hồ Đắc Huân, Lê Đình Thụy.  Lược sử Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, sđd, tr. 607.
  6. Sư đoàn 3 Bộ binh Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: Sư đoàn 3 Bộ binh Quân lực Việt Nam Cộng hòa – Wikipedia tiếng Việt