Ca sĩ Christophe không còn nữa 

   Đinh Anh Tuấn

ca si Christopher 01bThật là đáng buồn và xao xuyến khi hay tin ca sĩ Christophe không còn nữa , đúng như lời một nhà văn Pháp đã nói ” tất cả mọi sự thay đổi đều làm cho ta buồn ” ; buồn cho đám người như chúng ta , loại tuổi 6 bó trở lên , đã một thời vương vấn giọng hát của người ca sĩ Pháp trông rất hào hoa lúc đang nổi tiếng .

 Giọng hát của Christophe được đám thanh thiếu niên trẻ miền Nam biết nhiều vào cuối thập niên ’60 , mặc dù anh đã nổi tiếng trước đó , đầu tiên với bản” Aline ” (1965) , tiếp theo đó biết bao cô cậu Việt Nam tuổi mới lớn tiếp tục nghe tiếp những điệp khúc ” Mal ” (Nỗi đau), ” Je ne t’aime plus ” (Tôi không còn yêu em nữa), ” Les amoureux qui passent (Những người tình đã qua), ” Les marionnettes “ (Những con múa rối)… và vô số bài nhạc khác kể không hết  . Tiếng hát thật tha thiết , thổn thức và truyền cảm của Christophe đã chinh phục được trái tim của đám trẻ vì nhạc Pháp do Christophe ca tuy ủy mị nhưng không buồn chán , lúc cao lúc thấp, êm như suối chảy nhưng cũng dồn dập như trời đổ mưa,  nhẹ nhàng như gió thoảng trên vai nhưng cũng nức nở như lời van xin chân thành …. dẫn đến cảm xúc theo lời Nguyễn Du mô tả là ” khi vò chín khúc, khi chau đôi mày ” , buồn đến thắt ruột và ngẩn ngơ đến cau mày .

ca si Christopher 01a

Chúng ta nhận thấy văn chương và âm nhạc có sự hòa hợp sâu sắc , biết bao bài nhạc hay của VN xuất từ thơ mà ra , ngay cả thơ Pháp . Miền Nam tuy độc lập từ 1954 nhưng ảnh hưởng của văn hóa Pháp vẫn còn in nét đậm trong sinh hoạt văn nghệ . Theo nhận định của thời cuộc , đặc biệt đến cuối thập niên ’50 với sự trở về của một số thi sĩ VN như Nguyên Sa , Cung trầm Tưởng … mang đến miền Nam luồng gió mới của văn chương thơ phú từ phương Tây về rất được đám sinh viên học sinh Việt hân hoan đón nhận . Đầu thập niên ’60 đánh dấu sự chuyển hướng về lãnh vực văn nghệ không riêng gì ở VN mà ngay tại Pháp hay Mỹ cũng thế .

Nét ” trữ tình ” của nhạc Pháp vẫn khác của nhạc VN ; nếu chúng ta nghe một bài lời Việt dịch từ nhạc Pháp chúng ta nhận diện được ngay vì lời và điệu nhạc của Pháp hay Tây Phương nghe ” thoáng ” và không quá ” cổ điển ” như ” Ngậm ngùi ” của Huy Cận . Ngay cả những bài nhạc phổ thơ của Nguyên Sa hay Cung trầm Tưởng cũng có âm hưởng tự nhiên , đỡ gò bó hơn . Lấy ví dụ :

” Mai tôi đi chắc trời dăng mưa lũ 

Mưa thì mưa chắc tôi không bước vội 

Mai tôi đi chắc dòng sông Seine khóc

Nhưng lệ rơi sẽ khô theo tháng ngày “

( thơ Nguyên Sa )

ca si Christopher 01
Françoise-Hardy

Sự ra đời của bài nhạc “Tous les garçons et les filles” (Cả trai lẫn gái) (1962) do Françoise Hardy trình bày là ví dụ cho sự khai phóng nhân bản , khi văn nghệ đại chúng lộ diện hướng về đám khán giả trẻ trung , tuổi còn vị thành niên như chúng ta . Nếu ai còn nhớ khi bài ” Poupée De Cire, Poupée De Son ” (Búp bê bằng sáp, búp bê âm thanh) do cô bé ca sĩ France Gall hát (1965 hay 1966 gì đó ) đã gây xôn xao trong đám học sinh trung học VN , đặc biệt là con gái , chứ đừng nói chi đến thành phần sinh viên lớn tuổi hơn .

ca si Christopher 02
France Gall

Người viết còn nhớ mãi kỷ niệm tham dự tất niên của lớp (’69 hay ’70) được nghe bạn Trần Nguyên Long ( PK 65-72 )  , tướng tá rất văn nghệ đợt sống mới , lên hát bài “ L’amour est bleu ” ( Love is blue, Tình yêu màu xanh) bằng tiếng Pháp ! Đây là bài nhạc Pháp thuộc loại nổi tiếng quốc tế , được ca sĩ gốc Hy Lạp Vicky Leandros trình bày trong cuộc thi giải Eurovision Âu Châu 1967 . Ban nhạc hòa tấu Paul Mauriat của Pháp hòa âm bài hát này rất xuất sắc đáng để thưởng thức .

ca si Christopher 04
Paul Mauriat
ca si Christopher 03
Vicky Leandros

Trong suốt cuộc chiến ở VN , bắt đầu từ 1965 , ảnh hưởng của nhạc Mỹ và Anh mạnh mẽ hơn trước nhưng không có nghĩa đám trẻ trung miền Nam , tương đối có đi học có chữ nghĩa , bỏ quên nhạc Pháp . Bằng chứng là chúng ta vẫn thích nghe ca sĩ Adamo hay Sylvie Vartan hát . Những bài của Adamo hát như “ La nuit ” (Đêm) hay “ Tombe la neige ” (Tuyết rơi) vẫn được người Việt thích nghe dịch qua tiếng Việt . Còn biết bao ca sĩ Pháp cùng thời như Art Sullivan , François Miquel … cũng được hâm mộ nhưng tất cả thiếu chất thu hút và lôi cuốn của giọng hát Christophe , vừa nhẹ nhàng vua trầm ấm phù hợp với tâm hồn Á Đông chúng ta .

ca si Christopher 05 ca si Christopher 07

Salvatore Adamo

ca si Christopher 06
Sylvie Vartan

Christophe đã đóng góp một phần không nhỏ trong sở thích nghe nhạc của chúng ta trong thời gian còn đi học ; đối với ai đã biết chút ít tiếng Pháp chúng ta lại càng cảm mến tiếng Pháp hơn , ngôn ngữ của ” romance ” và thi vị của cuộc sống . Cho đến giờ phút này ở bên Mỹ người viết vẫn có băng nhạc Pháp trong xe để nghe , bám víu ngôn ngữ mình không muốn mất , âm nhạc mình không muốn quên , theo kiểu của nhà văn Pháp Marcel Proust : ” À la recherche du temps perdu ” ( In seach of lost time – Đi tìm thời đã mất)

Phải chăng văn hóa Pháp quá phong phú đã để lại dấu ấn khó quên trong lòng người Việt có cơ may biết về họ cũng như câu nói “Văn Hoá  là những gì còn sót lại sau khi đã quên hết tất cả!

Cầu mong ca sĩ đáng mến Christophe của chúng ta yên giấc ngàn thu nơi cõi vĩnh hằng .

Đinh anh Tuấn

Petrus Ký 1965 – 1972