Cá nhà táng!

Đoàn Xuân Thu

Ca nha tang 01
Tranh Bảo Huân

Thanh Hóa là tỉnh lớn nằm về cực Bắc miền Trung Việt Nam, rộng hơn 11 ngàn cây số vuông, dân hơn 3.7 triệu, có núi, có rừng, có đồng bằng và có biển nên giàu tài nguyên: lâm sản, khoáng sản, nông sản và thủy sản. Có sông lớn như sông Mã, gầm lên khúc độc hành, qua bài Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng, thời đánh Pháp.

Thanh Hóa còn nổi tiếng hơn nữa vì là quê của nhà thơ Hữu Loan, xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Trong khi những nhà thơ nổi tiếng trước ông, thời tiền chiến, như Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Chế Lan Viên ăn theo thuở ở theo thì, cam tâm quỳ… để kiếm chút danh thừa, lợi cặn… thì Hữu Loan lại kiên cường không chịu luồn cúi! Sau 75, ông vào Sài Gòn, tình cờ nghe một thương binh trên sân ga, chơi Bolero, bài: ‘Những đồi hoa Sim’ của Dzũng Chinh. Ông dừng chân, lắng nghe, vẻ xúc  động, xong nói: Tôi là tác giả của bài thơ đó!”

Ca nha tang 02Hữu Loan kể: “Thi đậu Tú tài Tây, ông được mướn về làm gia sư cho một đứa học trò, Lê Ðỗ Thị Ninh, sau nầy là vợ ông. Cưới nhau xong, ông tiếp tục đi kháng chiến. Hôm đó là ngày 25 tháng Năm, âm lịch, năm 1948, em ra ngoài sông Chuồn, (thuộc ấp Thị Long, Nông Cống) giặt áo. Vì muốn chụp lại tấm áo nên trượt chân, bị nước cuốn trôi đi, chết đuối.

“Em Ninh rất ưa mặc áo màu tím hoa sim. Lạ thay, nơi em bị nước cuốn trôi dưới chân núi Nưa cũng thường nở đầy những bông hoa sim tím.”

Năm 1955-1956, xuất hiện nhóm Nhân Văn Giai Phẩm, chống lại cái chính sách độc tài, chống bọn bồi bút cam tâm lừa thầy, phản bạn, dốc tâm ca ngợi cái này cái nọ để kiếm chút cơm thừa canh cặn, Hữu Loan có viết bài thơ: “Những thằng nịnh hót”.

Nhóm Nhân Văn Giai Phẩm bị đàn áp khốc liệt, Hữu Loan bị đi cải tạo.

Cải tạo xong, ông bỏ về quê vì: “Tôi lấy vợ rồi ra mặt trận, mới lấy nhau chưa được hơn một tháng, ở nhà vợ tôi đi giặt rồi chết đuối ở sông… Tôi thấy đau xót, tôi làm bài thơ ấy tôi khóc, vậy mà họ cho tôi là phản động…

Mất nàng, mất tất cả, tôi chán đời, chán kháng chiến, bỏ đồng đội, từ giã văn đàn về quê làm ruộng, một phần cũng vì tính tôi hay cãi, thích chống đối, không thể làm gì trái với suy nghĩ của tôi.”

Người vợ sau của Hữu Loan là bà Phạm Thị Nhu, một nạn nhân của chiến dịch cải cách ruộng đất năm 1954-1955. Song thân của bà Nhu bị đem ra đấu tố, rồi chôn sống xuống đất, chỉ để hở hai cái đầu lên. Xong bọn chúng cho trâu kéo bừa đi qua đi lại trên 2 cái đầu đó, cho đến chết. Bà Nhu, lúc đó, chỉ là cô con gái 17 tuổi, được tha chết nhưng bị đuổi ra khỏi nhà với vài bộ quần áo cũ, rách. Tàn nhẫn hơn nữa, cán bộ còn ra lệnh cấm không cho ai được nuôi nấng hoặc thuê cô ấy làm công, cấm đoán dân chúng lấy con cái địa chủ làm vợ, làm chồng. Nhưng Hữu Loan bất chấp lệnh cấm vô nhân đạo nầy, vẫn cưới cô làm vợ. Hai người có tới 10 đứa con và nhà thơ Hữu Loan vẫn tiếp tục thồ đá đi bán để nuôi vợ, nuôi con. Uy vũ bất năng khuất!

***

Ca nha tang 03Người thứ hai cũng làm Thanh Hóa trở nên nổi tiếng là nhà báo Phùng Gia Lộc với bút ký: “Cái đêm hôm ấy đêm gì?”

Ðại để câu chuyện, có thật, là: …Cụ đã bảy mươi lăm tuổi, lại phù nề, mặt mũi vàng ủng như quả thị rụng. Ai cũng bảo khó qua cái đầu mùa Ðông này. Vì vậy gia đình tôi đã lo chuẩn bị ngầm, phòng sau khi cụ về cõi.

… Cau cũng phơi kỹ bỏ be để hôm sau, thậm chí bọt bẹt được đồng rau nào cũng dồn mua ván đóng sẵn áo quan để hôm sau…”

Trong khi vợ ông thì khổ quá, kêu: “Chả nhẽ kiếm liều thuốc chuột, cho vào nồi cháo, ăn hết cả nhà cho sướng cái đời…”

…Gần một giờ sáng, công an, dân quân đã ập đến các nhà nợ thóc.

“Mất mùa màng, lợi ích thứ ba của người lao động phải hy sinh cho lợi ích của nhà nước”. Ðồng chí Bí thư tỉnh ủy đã chỉ thị thế…

… Bọn chúng đạp lật nghiêng một cái. Nắp ván thiên bung ra, lúa chảy rào rào.

“Van các anh! Cắn rơm cắn cỏ tôi lạy các anh! Lúa của tôi. Ðó là tạ lúa hai đứa con gái hắn mua góp lại cho, để hôm sau tôi chết, bà con thương mà chạy đến để ăn lưng cơm sốt!”

“Cháu van các chú! Các chú đừng lấy lúa này đi. Lâu nay các cháu phải nhịn để dành bữa sau cúng cỗ bà, làm ma bà!”

Nói rằng bài ký “Cái đêm hôm ấy đêm gì?” đăng trên tuần báo Văn Nghệ ở Hà Nội năm 1987 của Phùng Gia Lộc đã đốn sụm bà chè tay lãnh chúa Thanh Hóa, Hà Trọng Hòa, hét ra lửa mửa ra khói… là nói quá.

Ðừng ngây thơ, bé cái lầm, tưởng ngòi bút trong tay mình mạnh bằng cả một sư đoàn như từng được xưng tụng mà “Viết lách như thế… bỏ cha có ngày!”

Chẳng qua là nội bộ bọn chúng, trâu cột ghét trâu ăn, tìm mọi cách chơi nhau cho rớt khỏi cái ghế ngồi béo bở để tới phiên tao leo lên ngồi và cũng ăn giống hịt vậy… mà coi chừng còn ăn bạo hơn nữa kìa.

Thân mẫu của nhà báo Phùng Gia Lộc (chắc đã mất, 30 năm rồi còn gì!) đã từng ước vọng: Tao phải sống để nhìn con cháu được đến lúc sung sướng chứ. Khổ mãi rồi!” vẫn là nỗi tuyệt vọng khôn cùng của người dân Thanh Hóa từ thuở đó cho tới tận bây giờ.

Tiếc thay nhà báo Phùng Gia Lộc, cũng đã không còn, để thấy không phải một Hà Trọng Hòa ăn thôi mà đứa nào leo lên được cái ghế nầy rồi cũng rứa!

Phùng Gia Lộc sẽ ‘ngộ’ ra và kết luận rằng: Guồng máy tỉnh đảng bộ CS Thanh Hóa, giống như một cái máy ‘photocopy’ vậy! Những gì nó in ra, giống hịt nhau không sai chút nào hết ráo. Ðể nhà báo Phùng Gia Lộc đừng bịt mồm Mẹ mình vì ‘ngu trung’ hay vì… sợ hãi?!

“Ối Ðảng ôi là Ðảng ôi! Chính phủ ôi… Trông xuống mà coi…

Tôi xốc mẹ lên giường, bịt mồm cụ lại:- Mẹ! Mẹ không được la như thế! Ðây không phải Ðảng! Ðảng ta không làm thế. Ðảng không chủ trương thế này!”

***

Ca nha tang 04Mới đây thôi, báo chí lề phải trong nước, được lịnh ngầm ở trên, kẻ tung người hứng, bèn chơi cái tựa “Tiền Ở Ðâu Ðể Cung Phụng ‘Bồ Nhí’?” trong loạt bài về ‘quan’ Thanh Hóa. Rằng ‘quan’ đã bỏ ra hàng chục tỉ đồng chạy chức, để leo lên ngồi trên đầu trên cổ dân ngu khu đen. Như các tỉnh và thành phố khác, ‘quan’ Thanh Hóa hành xử như một lãnh chúa cát cứ, thời Thập nhị Sứ quân.

Mang danh là Tiến sĩ về dâu tằm, nhưng ‘quan’ cũng thừa biết, trồng dâu nuôi tằm là húp nước mắm! Muốn gỡ lại vốn, rồi làm giàu nhanh chóng thì chỉ có đất đai, mỏ… để bán lại cho một số doanh nghiệp thân hữu với giá như bèo rồi được “thối lại” hàng ngàn tỉ đồng.

(Vậy mà có một em người mẫu đồ lót (tức nội y, tức quần ‘sì’) trong nước, tuyên bố rằng: “Lấy chồng nghèo cạp đất mà ăn”! Em đẹp nhưng ‘lờ khờ’  thiệt! Cạp đất mới có ăn chớ!)

Dĩ nhiên, ‘quan’ chối bai bải, ngúng nguẩy như đỉa phải vôi! ‘Quan’ đòi đi thưa mấy anh trên Bộ Công An, để ‘nhát’ lại kẻ đã chơi mình.

Nhưng chạy thuốc thì tốn tiền lắm lắm! Công vơ vét bấy lâu, nay nó hù mình, rồi nó hốt hết ráo công sức của mình bấy lâu. Cốc mò cò xơi! Sao được?

Thôi, tom góp vàng bạc, đô la rồi cuốn nóp dông luôn đi, cha nội!

***

Ca nha tang 05Lại nhớ bãi biển Sầm Sơn, Thanh Hóa trong cuốn tiểu thuyết ‘Trống Mái’ của Khái Hưng thời tiền chiến. Cũng một mối tình tan vỡ giữa Vọi, chàng thanh niên chài lưới chất phác, cùng Hiền, một thiếu nữ đài các, ở Hà Nội ngàn năm văn vật.

Vọi yêu Hiền đơn phương trong câm lặng. Chỉ biết leo lên Hòn Trống mái, đục vào vách đá hai mẫu tự: VH – tên tắt của mình và người mình thầm yêu trộm nhớ.

Rồi cuối cùng Vọi thả mảng ra khơi. Trời đẹp, biển êm. Sáng tinh sương, mảng đã ra xa. Vọi bỏ neo quăng lưới. Bỗng lưới mắc phải vật gì… Vọi nhảy xuống biển… Trời ơi! Cá nhà táng!”

Vâng! Thanh Hóa vùng đất dấu yêu của Hữu Loan, của Phùng Gia Lộc và của Vọi bây giờ cá nhà táng không phải chỉ có ngoài biển Thanh Hóa để ăn thịt người. Cá nhà táng nằm ngay trong những căn nhà tráng lệ của quan chức trên bãi biển Ðồ Sơn.

đoàn xuân thu.

melbourne

Bài được đọc trong tiết mục Chuyện Trong Ngày của đài truyền hình Quê Hương, San Francisco USA, do Vũ Quang phụ trách