Bệnh viện Nhân Dân Gia Định vốn là Bệnh viện Nguyễn Văn Học. Trần Văn Học có công vẽ bản đồ tỉnh Gia Định, vua ban cho họ Nguyễn. Mộ của ông Nguyễn Văn Học đối diện nhà thương và Trường Vẽ, sát bên Ty Thanh Niên Tỉnh Gia Định. Năm 1980, CS giải toả nghĩa địa, chúng đào mộ ông Nguyễn Văn Học lên để kiếm vàng bạc nhưng không có!

Cách đây 15 năm, năm 2008, nhà biên khảo Sơn Nam phải đi nằm Bệnh viện Nhân Dân Gia Định vì tuổi già sức yếu, tuột huyết áp, bị suy thận, suy tim. Vào ngày 13 tháng Tám, lúc gần 13 giờ trưa, ông Sơn Nam bị đột quỵ và qua đời. Có người nói thích đọc Sơn Nam nhưng ghét ông Sơn Nam theo VC, tui tự hỏi: “Nếu ông Sơn Nam là CS nòi từ trước năm 1975, ắt nhiều công trạng thì sao ông không được đi nằm Bệnh viện Thống Nhất có tiêu chuẩn cao, được chữa bịnh bằng tiền thuế của dân lại phải đi nằm Bệnh viện Nhân Dân Gia Định vốn là nhà thương thí?” Ông Sơn Nam chết không được chôn ở Nghĩa trang Liệt sĩ thành phố mà phải nằm trên đất Hoa viên Nghĩa trang Bình Dương do tư nhân cúng?

Dẫu biết rằng sanh ký tử quy, sống gởi thác về; dẫu biết rằng sống tới 82 tuổi cũng là thọ; nhưng cái chết của nhà biên khảo Sơn Nam cũng gây nhiều xúc động với các bạn văn của ông. Một trong số đó là nhà văn Lý Lan.

Lý tiểu thơ quê mẹ ở Lái Thiêu Thủ Dầu Một, quê cha ở Triều Dương, Sán Đầu, Quảng Đông, Trung Quốc. Lý tiểu thơ học trường Gia Long của phe ta; Đại học Sư phạm của phe nó, học M.A. Đại học Wake Forest của đế quốc Mỹ. Năm 1997, Lý tiểu thơ “quy mã”.

Mới đây ‘hữu duyên thiên lý ăn tương hột. Vô duyên đối diện thấy thương liền’, tui đọc được bài ghi chép của Lý tiểu thơ “Theo cô Út về rừng” đăng trên báo Tuổi Trẻ của Thành đoàn CS ngày 18 tháng 10 năm 2008.

Có vài đoạn ‘bợ đít’ CS như vầy: “Cô Út trong truyện ‘Cô Út về rừng’quê ở Bình Thủy, Cần Thơ, đi làm dâu ở xứ Cạnh Đền. Tình cảm chủ đạo trong truyện là nỗi lo lắng, thương quý và cảm phục của người nơi đất cựu (người cha) đối với những người tiên phong nơi đất mới (con gái, rể và láng giềng của con).

Nhà văn Lý Lan. 

Cô Út không phát biểu gì trong truyện, nhưng tác giả cố ý tiết lộ những chi tiết này: cô đi học ở Sài Gòn, nơi cô gặp người chồng tương lai, yêu nhau, cưới nhau, đưa nhau đi lập nghiệp ở xứ rừng ven biển tây, một nơi “kinh tế mới” vào khoảng 1939-1940.”

(Những năm 1930, gia đình đông con bị nạn tế phân ruộng đất. Muốn kiếm sống, có người phải bỏ xứ vô đất rừng còn hoang vu để khẩn hoang lập ấp. Cô Út lấy chồng là phải xuất giá tòng phu như tập tục xưa giờ của ông bà mình chớ đi lập nghiệp nơi kinh tế mới cái giống gì? Kinh tế mới là do CS bày ra, đày người ta vô thâm sơn cùng cốc để cướp nhà của người ta.)

Lý tiểu thơ viết: “Cùng với một số nhân vật nữ khác, hơi ít trong sáng tác của nhà văn Sơn Nam, như cô Bảy đưa đò, con Lài, cô Hoàng Mai, hay thím Tư, cô Út đại diện cho một lớp phụ nữ Việt có mặt từ buổi ban đầu nơi biên giới mới của đất nước, có cá tính, có bản lĩnh, làm cây đước trụ lại khi cây giá bị sóng mạnh đánh gió to thổi lúc lắc đòng đưa. Họ chỉ không có vinh quang trong thành tích ông cha mở nước của các sử gia. Những nhân vật này chưa hề có nguyên mẫu trong văn học VN trước đó.

Nhưng Sơn Nam không ồn ào, cả trong những sáng tạo có tính cách mạng (?). Ông chỉ trân trọng đem những con người bình thường ngoài đời nhẹ nhàng đặt vào tác phẩm và để họ sống trong đó bình thường. (Sic)

Cô Út ‘đơn giản’ như ‘đang giỡn’ lấy chồng xứ muỗi, trời mới sụp tối là phải chui vô mùng mà đàm đạo với chồng. Đứa mới thôi nôi; đứa lôi đầy tháng. Cô Út không có rảnh về thăm làm cha mẹ nhớ thương. Nhưng Lý tiểu thơ tán quá xa, đem Cô Út đội lên đầu là cách mạng, là anh hùng rập khuôn theo công thức của CSBV

Bảo Huân

Rồi Lý tiểu thơ lôi đầu Nguyễn Quang Sáng, Chủ tịch Hội Nhà văn Thành phố vô để kể chuyện ông Sơn Nam ở dơ! Viết chi vậy? Bộ bài viết nào muốn báo CS đăng là phải có vài đoạn cúng cụ hay sao?

Nguyễn Quang Sáng kể: “Cuối thời kỳ kháng chiến chống Pháp, tôi với Sơn Nam đi công tác chung, có ghé qua nhà ổng. Tôi biết ông này, ở dơ mấy ngày không tắm, nhưng chèo ghe về gần tới nhà thì ổng tắm rửa sạch sẽ, lại còn đánh răng nữa. Tới nhà thấy vợ con Sơn Nam ra đón mà tôi giật mình. Trời đất ơi, Sơn Nam xấu gì đâu mà sao có vợ đẹp vô cùng?!”

Rồi cũng có nhà báo CS sáng tác ra cái giai thoại ba xạo là: “Thân mẫu của nhà văn Sơn Nam lặn lội lên Sài Gòn coi thằng Tám nó sống chết ra sao?” Lý Lan lần theo cái giai thoại nầy rồi mò trật cho Con Chín đưa đò, cô Út về rừng là trong dòng tộc của ông Sơn Nam đi cẳng không vào tác phẩm Hương rừng Cà Mau. Chớ dân quê Miền Tây thấy một người nào đó chưa vợ chưa chồng thì gọi là thằng Tám, con Chín bờ đò.

Cậu Tám Lũy em ruột của má tui trước khi đi Thanh niên Cộng Hoà Phong trào Nhân Vị của ông Cố vấn Ngô Đình Nhu năm 1960 bị VC phục kích giết chết ở Lộ Dừa làng Trung An rất có óc hài hước. Có lần cẩu nói với tui là cẩu tính kêu ông Ngoại tui đi hỏi cưới con Chín Bờ đò Nhà Thiếc cho cẩu. Cẩu hỏi mầy (lúc đó tui mới 10 tuổi) có biết con Chín bờ đò không? Tui nói không? Cẩu cười hè hè cắt nghĩa Con Chín bờ đò tức con chó bờ đình!

Thưa bấy lâu nay tui hằng ái mộ Lý tiểu thơ tài sắc vẹn toàn. Tài là viết hay. Sắc là lai Tàu nên đẹp: chữ bây giờ gọi là ‘fan’ cứng. Nhưng qua bài viết Lý tiểu thơ tán hươu tán vượn theo CS riết rồi hết biết đường ra làm tui hết cuồng rồi.