CÀ KÊ NHỚ NGƯỜI YÊU NƯỚC

Lâm Thụy Phong

ga-mong-do-3Nói về gà nòi , còn gọi là gà đá hay gà chọi , miền bắc có những chiến kê nổi danh từ xưa như Nghĩa Đô, Nghi Tàm.

Vượt “Hoành Sơn nhứt đái, vạn đại dung thân”, vào miền Trung “quê hương em, đất cày trên sỏi đá”. Nhà Tây Sơn với anh hùng áo vải Nguyễn Huệ, những con gà Bình Định gan lì “chí tử bất thoái“, đá chết không chạy.

Vào tới miền đông Nam phần, Bà Rịa, Vũng Tàu cho những con “gà mái râu” lì lợm không kém, gà mái đá gà cồ. Khôn hồn thì “biến” trước, bà hiền như ma sơ, nhưng tầm cở Hoạn Thư còn thua số má!

Xe chạy tới bến miền đông, trên “Chuyến xe ba người “ đổ xuống, lấy xe ngựa hay xe ôm chạy về Hốc Môn, Bà Điểm. Ham  kiếm những con gà đòn nhỏ con nhưng có võ, phải đến Mười Tám Thôn Vườn Trầu, hỏi người yêu nước Nguyễn An Ninh, gõ “Cái Chuông Rè“, bán dầu cù là.

Giống gà Bà Điểm, Hốc Môn, gà đòn không đá bằng cựa, nhỏ con (khoảng 3 kí 500 đổ lại). Nhỏ, nhanh đá liên cước, nạp liên tục, hít hà liên tu,  … cứng (chịu đứng nước khuya) và … dài (đòn đá sâu và độc: đá mé, đá lưng, đá mã kỵ). Chính vì những ưu điểm đó, dân đá gà rất chuộng gà Bà Điểm.

Sau này, người ta pha gà Bà Điểm với gà nhập từ Mễ Tây Cơ để tạo ra giống gà có sở trường của hai giống:

– Tim nhỏ, bay cao, đá nhanh của gà Mễ. Nhịp tim chậm, lâu mệt, có sức về khuya.
– Lì lợm, gan lì, chịu đá dai thường xuyên, và đá lâu thường trực như gà Bà Điểm.

Trước khi nói tiếp về người yêu nước đất trồng trầu, xin nhắc lại cùng quí đồng môn, thì thầm trật trúng vẫn được tiếng khen không xấu bụng.

anh-ba-ga-5Gà kể nơi đây là gà đá ngoài sân, trong sới, trong trường gà. So cựa, so vảy, cân đo rồi đá. Cáp hay thì thắng, cáp dở thì thua! Gà nầy móng chỉ một màu, linh kê được hai màu áo gọi là gà nhựt nguyệt.

Còn gà đá bằng đèn mờ leo lét trong lều, hay đá trong phòng lạnh, eo ơi Hà Lội phố, gà uống bia như gà mở cửa mả, không dám bàn nơi đây. Chuyện cách mệnh, chuyện đại sự, ai mần thì người đó biết. Cháy nhà ráng chịu, đừng trách trời cao, why? Pourquoi? Warum? Perché?

Trở lại với Mười Tám Thôn Vườn Trầu

Con chim chìa vôi bay ngang đám thuốc
Con cá bãi trầu lội tuốt nương cau
Cau không buồng, cau đực
Trai không vợ cực lắm anh ơi!

Hốc Môn, theo Huỳnh Minh (Gia Định Xưa, NXB Thanh Niên, 2001), ngày xưa là một vùng đất hoang vu, nhiều cây môn nước mọc, nên có tên là Hốc Môn. Nổi tiếng nhứt ở vùng đất nầy là Bà Điểm với nghề trồng trầu cau:

Trái cau nho nhỏ
Cái vỏ xanh xanh
Anh theo em bán chợ Bến Thành
Đến nay bầy con đông đúc,
Anh đành leo xe ngựa dìa Hốc Môn!

Hốc Môn có 18 thôn, gọi là thập bát phù viên. Nơi đây, ghi danh sử sách cuộc khởi nghĩa chống Pháp “18 thôn Vườn Trầu“.

Hốc Môn, theo dòng lịch sử tranh đấu cho độc lập của dân tộc trong màn đêm mất nước, đã sản sinh Nguyễn An Ninh. Một thần tượng của thanh niên theo tân học, canh tân, cách mạng lúc bấy giờ.

Ông là con của cụ Nguyễn An Khương, một nhà nho mang trong lòng tình yêu nước nồng nàn. Ngọn lửa đó cháy rực ý chí người thanh niên Nguyễn An Ninh du học tại Pháp. Nơi đây, Ông giao du với các chính khách ngoại quốc hay Việt Nam như Phan Châu Trinh, Phan văn Trường, Nguyễn Thế Truyền.

Khi về nước, Ông chủ trương tờ báo “La Cloche Fêlée« (Tiếng Chuông Rè), trình bày và đánh động ý thức của dân chúng trước hiện tình đất nước.

ca ke nho nguoi yeu nuoc 01

Thực dân đàn áp, uy hiếp tinh thần Ông bằng mọi thủ đoạn. Để giữ trọn tiết tháo của người yêu nước, Ông phải học và làm dầu cù là, rong ruổi bán khắp nơi làm kế sinh nhai, và đồng thời truyền bá, kích thích lòng dân bị trị.

Con gà Hốc Môn Bà Điểm nhanh nhẹn, nhỏ con, gan lì, thà chết không chạy. Miếng trầu mười tám thôn tươi đỏ, trung trinh như tấm lòng yêu nước nồng nàn Nguyễn An Ninh. Nhắc lại, thiết tưởng, không phải là vô ích trước nguy cơ mất nước. Hiểm họa da vàng.

Lâm Thụy Phong
(PK 1964 -1971)