Điếu Văn Tiễn Đưa Giáo Sư Bùi Trọng Chương

Bui Trong Chuong

Kính thưa quý quan khách
Kính thưa quý ông bà
Các cháu trong gia đình giáo sư Bùi Trọng Chương

Tôi là Nguyễn Thanh Liêm, cựu Thứ Trưởng Bộ Văn Hoá Giáo Dục và Thanh Niên Việt Nam Cộng Hoà, là một trong những người bạn, và đồng nghiệp thân cận của giáo sư Bùi Trọng Chương. Tôi cũng là cựu giáo sư và cựu Hiệu Trưởng của trường Trung Học Petrus Trương Vĩnh Ký, nơi giáo sư Bùi Trọng Chương phục vụ trong ba mươi năm. Hôm nay trước mặt toàn thể quý vị đây, và với sự có mặt của đông đủ anh chị em giáo sư và các bạn cựu học sinh trường Petrus Trương Vĩnh Ký, tôi thật hết sức đau buồn nói lời tiễn đưa giáo sư Chương về cõi vĩnh hằng. Tôi xin phép được nhắc lại cuộc sống riêng tư tốt đẹp, những đức tính thanh cao và những thành tích đáng ghi mà giáo sư đã đạt được trong thời gian giáo sư sinh sống và làm việc ở Việt Nam.

Tôi được hân hạnh gặp gỡ và làm việc chung với giáo sư Chương vào khoảng gần cuối thập niên 1950, khi tôi vừa tốt nghiệp Cao Đẳng Sư Phạm Sài Gòn và nhận lãnh sự vụ lệnh về phục vụ tại trường Petrus Ký. Lúc này giáo sư Chương về dạy ở đây đã được năm năm. Giáo sư Chương tốt nghiệp Cao Đẳng Sư Phạm Hà Nội năm 1953, và được bổ nhiệm về dạy tại trường Petrus Ký cùng lúc với các giáo sư Lê Xuân Khoa, Vũ Ngọc Khôi, Nguyễn Hữu Kế, và Đinh Xuân Thọ. Trong số nhiều giáo sư thâm niên ở trường Petrus Ký lúc này, giáo sư Chương là người rất dễ tiếp cận. Với thân hình hơi mảnh mai, ăn mặc thật chỉnh tề, giáo sư có bề ngoài đạo mạo, nghiêm trang. Nhưng với bề ngoài nghiêm trang, đạo mạo đó, ông có tâm hồn cởi mở, vui vẻ hoà nhả với mọi người. Vì thế nên lúc mới về phục vụ ở Petrus Ký, tôi đã sớm làm quen với giáo sư Chương. Chúng tôi gần gũi nhau hơn khi biết rằng chúng tôi ở cùng một xóm. Nhà tôi và nhà giáo sư Chương ở gần gốc đường Phan Thanh Giản, Nguyễn Thiện Thuật, chỉ cách nhau có một con đường. Tôi thường ghé nhà giáo sư trên đường đi dạy học hay đi chấm thi. Chúng tôi cũng thường trao đổi nhau về những kinh nghiệm dạy học, về công việc ở các hội đồng thi, v v . . . Tôi học được rất nhiều ở bậc đàn anh này từ nề nếp kỹ luật đến cách đối xử với ban giám đốc, các đồng nghiệp và với học sinh trong không khí hết sức trang nghiêm của ngôi trường nổi tiếng này. Hầu hết những học sinh của tôi có học với giáo sư Chương đều nói là Thầy Chương rất hiền từ, và dạy rất hay. Thầy phụ trách môn Công Dân, học trò của Thầy rất phục Thầy với những ý tưởng sâu sắc, giảng dạy dễ hiểu, và cách trình bày thật lôi cuốn, thao thao bất tuyệt. Tuy cho rằng Thầy rất hiền từ nhưng không vì thế mà học sinh có thể coi thường môn học, làm mất trật tự trong lớp, hay thiếu kính trọng đối với Thầy. Trái lại học sinh rất thích học môn công dân của Thầy, và rất thương mến Thầy.

Suốt ba mươi năm phục vụ nền giáo dục VNCH, giáo sư chỉ ở một nhiệm sở, giáo sư luôn luôn là giáo sư của trường Petrus Ký. Giáo sư là người khiêm tốn, ngay thẳng, làm việc tận tuỵ, dạy giỏi, rất tốt đối với đồng nghiệp cũng như đối với học sinh. Ông là một giáo sư rất có uy tín của trường, là một giáo sư gương mẫu, mà phẩm cách nhà giáo đã khiến mọi người phải kính nể. Giáo sư Chương được bạn bè, đồng nghiệp, và rất nhiều học sinh thương mến.

Đến đây tôi xin phép được có đôi lời với người quá cố.
Anh Chương ơi.
Ngày tôi rời trường Petrus Ký về phục vụ ở Nha Tổng Giám Đốc Trung Tiểu Học và Bộ Giáo Dục, mình ít có cơ hội gặp nhau. Rồi sau này khi sang Mỹ, anh ở Oregon, tôi ở Bắc Cali, mình cũng không có dịp gặp. Mãi sau này khi tôi về hưu, xuống sống ở Nam Cali mới có cơ hội gặp anh mỗi lần anh từ Oregon xuống. Thật là vui, thật là mừng khi được gặp lại nhau. Gần đây cháu Lân thường đưa anh đến những buổi họp của anh em Petrus Ký, mình gặp nhau thường hơn. Tôi rất mừng khi thấy anh, tuy lớn tuổi, đầu bạc phơ, nhưng vẫn khoẻ, vẫn sáng suốt, vẫn luôn vui vẽ với anh em, tôi thật rất mừng cho anh. Rồi bổng nhiên nghe anh đau phải vào nhà thương, tôi rất muốn đi thăm anh, nhưng tôi cũng đau nhiều, không thể đi thăm anh được. Tôi xin lỗi anh. Tôi rất hối tiếc và rất buồn. Hôm nay tôi phải tiễn anh ra đi, vĩnh viễn. Kể từ hôm nay mình không còn bao giờ thấy nhau nữa. Biết rằng con người sinh ra đời chỉ để sống một thời gian rồi chết; lịch sử loài người từ xưa đến giờ là thế, nhưng điều quan trọng là phải sống thế nào? Tôi nghĩ anh đã sống một đời đáng sống, một đời sống có ý nghĩa đối với vợ con anh, đối với bạn bè, đòng nghiệp, đối với các môn sinh, và rộng hơn nữa đối với quốc gia dân tộc và nhân loại. Anh đã hoàn thành trách nhiệm của con người với đầy đủ phẩm cách của con người trong nền văn hoá nhân bản, tự do, của thế giới ngày nay.

Kính thưa quý vị,

Ở hải ngoại, một số giáo sư lớn tưổi và nhiều uy tín của trường Petrus Ký đã lần lượt ra đi để lại nhiều thương tiếc cho anh chị em giáo sư cũng như học sinh của trường. Trước hết là giáo sư Trương Hữu Tước, rồi đến giáo sư Phạm Văn Thuật, giáo sư Vũ Ký, và hôm nay đến lượt giáo sư Bùi Trọng Chương. Hai người trước là bậc Thầy của tôi, hai người sau là bạn và là bậc đàn anh của tôi. Dù là Thầy hay là bạn, mỗi sư ra đi là một mất mát lơn lao đối với cá nhân tôi, một cựu học sinh, cựu giáo sư, cựu hiệu trưởng của trường Petrus Ký. Tôi nghĩ đó cũng là sự mất mát lớn lao cho trường Petrus Ký, cho hội Ái Hữu Petrus Ký, cho anh chị em giáo sư và học sinh Petrus Ký. Tôi xin phép được đại diện cho quý vị giáo sư, nhân viên, và các anh chị em học sinh Petrus Ký nói lên lời vô cùng thương tiếc của chúng tôi trước sự ra đi của giáo sư Bùi Trọng Chương. Chúng tôi xin thánh tâm chia buồn cùng các cháu trong gia đình giáo sư Chương và kính cẩn nguyện cầu cho giáo sư sớm an vui nơi cỏi vĩnh hằng.

Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm