Cống có hình trụ làm bằng xi măng có trộn sỏi, đúc cho chắc, đặt âm dưới mặt đường lộ. Cống dẫn nước từ Kinh Bảo Định vô đồng, dẫn thủy nhập điền cho ông bà mình làm ruộng. Qua cầu sắt xã Lương Hòa Lạc, quận Bến Tranh, khỏi luôn chợ Phú Kiết, hồi xưa, VC đặt mìn dưới cái cống nầy giết chết Trung tá Trần Hoàng Quân, Tỉnh trưởng tỉnh Định Tường. Được truy thăng lên đại tá, Trần Hoàng Quân là tên đường dọc theo Giếng nước, bắt đầu từ đường Nguyễn Tri Phương chạy tới đường Ngô Tùng Châu gần cầu bắc Bến Tre. Sau VC vô đổi thành đường Tết Mậu Thân để tưởng nhớ cả đống VC chết trên con đường nầy khi chúng đụng độ với Thiết đoàn 6 Kỵ binh Thiết giáp và lính Sư đoàn 7 vào Tết Mậu Thân.

Miệt Lộ Dừa còn gọi là Lộ Vòng Lớn. Đầu lộ phía cầu sắt Trung An có cái chợ quê chỉ họp buổi sáng. Chợ gần cái cống nên bà con mình gọi là Chợ Cầu Cống. Lộ Dừa là con đường năm 1960, lúc Ba làm Trưởng ty Bưu điện, Má từ Rạch Giá dắt con về chịu tang bà Ngoại lúc con còn thơ ấu!

Ngoài ra, cống làm bằng thiếc có tay cầm, là dụng cụ đo lường mà chú Ba, thiếm Xẩm tiệm hàng xén trong xóm dùng để đong rượu, giấm, nước mắm, dầu hôi. Cái cống còn làm khuôn để chiên bánh cống ngập trong chảo nóng đầy nước mỡ heo.

Ca dao miệt Sóc Trăng cũng có câu: “Hỏi anh có nhớ Bãi Xàu. Bánh xầy chiên mỡ, bánh bao thịt bằm” Thuộc quận Mỹ Xuyên, tỉnh Ba Xuyên (Sóc Trăng), Bãi Xàu có bánh pía, mè láo, lạp xưởng, bún nước lèo. Người Tiều ở Sóc Trăng kêu bánh xầy nó chính là bánh cống.

Học giả Vương Hồng Sển trong “Sài Gòn tạp pín lù”

“…Bánh nhưn đậu xanh, chiên mỡ heo, trên mặt có kèm một con tép vàng cháy ngọt bùi, tép nhỏ thì mỗi bánh có hai con tép.”

Bánh cống Sóc Trăng – nguồn wordpress.com

Qua Châu Đốc, Tri Tôn, gọi “bánh xà cón”. Khi lên Chợ Lớn, Sài Gòn thì gọi bánh “giá”, nhân giá đậu xanh, hoặc “bánh tôm khô chiên” Ông Vương Hồng Sển nói vậy không hợp lý. Miệt Hoà Đồng, Gò Công cho thêm vài nhúm giá vô bánh, thế là có tên bánh giá (?!) ư? Giá đâu phải là cái chánh trong nhưn bánh đâu mà gọi là bánh giá? Đóng vai phụ mà tên nguyên bảng hiệu nghe sao lọt cái lỗ tai? Giống như bánh cống chiên bằng cống; gọi bánh vá vì nó chiên bằng cái vá để múc canh, múc cháo.

Theo ông Vương Hồng Sển, bánh xầy bán tại chợ làng Đại Tâm (Xoài-Cả-Nả), là ngon nhứt hạng không nơi nào bằng. Bánh xầy ngon, khi cắn, miếng bánh trong miệng, nhai vừa giòn khướu vừa thơm thơm mùi tép và thơm mùi mỡ mới. Khi nuốt khỏi cần cổ, bánh còn để lại một dư vị mặn mặn cay cay của chén nước mắm ớt rẻ tiền. Bánh đã nuốt vô tới bụng tới bao tử mà chưa thấy no và còn muốn ăn nữa vì dư vị kia thật là thần sầu quỷ khốc”.

Đọc bài bánh cống của tui, một người đẹp ‘post comments’ lên như vầy: “Dạ ngày xưa ở Ngã tư quốc tế Sài Gòn, giấc chừng 3, 4 giờ chiều có bán bánh cống ăn với rau sống, rau thơm chấm nước mắm chua ngọt. Ngon tới nỗi nhớ mấy chục năm rồi em còn nhớ”.

Lời em nói làm tui nhớ ca từ của nhạc sĩ Hoài Linh có câu: “Cầu Chữ Y, Lộ Hàng Xanh, lửa bạo thiêu tám nẻo đường thành” lúc VC tổng công kích Tết Mậu Thân. Tui bèn trả lời người đẹp là quê mình có nhiều ‘Ngã tư quốc tế’ lắm. Như ở Mỹ Tho, chạy xe qua cầu nhớ lời thề năm cũ: “Chừng nào cầu quay nọ thôi quay. Thì qua với bậu mới đứt dây cang thường” một khúc trên đường Đinh Bộ Lĩnh qua khỏi nhà Đông y sĩ Hồ Duy Thiệt.

Ngã tư Quốc Tế Sài Gòn xưa – nguồn Flickr

Còn Ngã tư quốc tế ở Sài Gòn mà người em sầu mộng nầy nói, vốn dĩ không có tên trên bản đồ. Nó gồm 4 con đường: Bùi Viện (tên xưa là Bảo Hộ Thoại). Đề Thám (Dixmude). Trần Hưng Đạo (Galliéni). Đỗ Quang Đẩu sau rạp hát Nguyễn Văn Hảo.

Đào kép cải lương trước giờ tập tuồng thường ra đây cà phê, sau khi vãn hát rồi thì nhậu nhẹt bánh cống, cóc, ổi khô mực. Đời nghệ sĩ lăn lóc gió sương. Ba ngày đêm nổi lên sình chương (sình trương) là vậy đó.

Góc Đề Thám – Bùi Viện có một quán cà phê, trước cửa chủ quán treo tấm bảng viết hai câu thơ lục bát: “Uống đâu cũng phải trả tiền. Uống đây giúp đỡ bạn hiền – cám ơn”

Còn Ngã tư quốc tế trên đường Bùi Viện sau này? Tui chỉ nhớ năm 1987, có nhà may âu phục Sỹ Tân. Là người Bắc 54, ông chủ gọi là nhà may chớ không phải là tiệm may. Ông tên Sỹ Tân. Sỹ viết ‘y’ dài chớ không viết ‘I’ ngắn như dân Nam Kỳ. Tui nhớ tiệm may Sỹ Tân là vì lúc đó CS cho quảng cáo trên đài phát thanh giống chương trình thương mại quảng cáo trên Đài phát thanh Sài Gòn trước 1975. Đối với CSBV đổi mới là lẳng lặng ‘cóp’ lại cái cũ của thời VNCH tư bản. Im lặng, nín khe ‘cóp’; vì nói ra sợ quê. Cóp còn làm chẳng nên thân, làm dở hơn xưa?!

Còn bây giờ, phố Tây Bùi Viện, còn gọi là Phố đi bộ Bùi Viện hoặc Ngã tư quốc tế nơi tập trung của nhiều du khách từ khắp nơi trên thế giới, đa phần đều là Tây ba lô.

Ngày từ mẫu năm nay rơi vào Chủ Nhựt, tuần thứ hai của tháng Năm, tui lại nhớ về đất mẹ, tui nhớ Sài Gòn. Tui cũng nhớ đất Cần Thơ của tui thời lưu lạc khi CSBV cướp được đất Sài Gòn.

Vượt biển ra đi; trong cái chết tìm ra cái sống tự do, tui trở thành con người quốc tế. Tui nhớ Ngã tư quốc tế Sài Gòn, nhớ bánh cống cuốn với cải xà lách, rau thơm chấm nước mắm ớt.

Tui nhớ đèn Ba Ngọn, ngã ba Ngô Quyền Hai Bà Trưng, Bến Ninh Kiều, Cần Thơ. Ngày ấy, 11 giờ khuya, em Nguyễn Hoàng Dũng còn nghĩ tình nghĩa thầy trò; dù tui đã ‘mất dạy’ lâu rồi, nên xách xe Honda 67 chở tui ra để hai thầy trò ngồi cuốn bánh cống, uống rượu nếp than.

Xa quê đã 30 năm, Footscray quê người, tui không còn dịp nào ăn bánh cống nữa. Đêm mơ, tui lần mò về quê cũ! Em yêu bán bánh cống ơi!