Theo tôi được biết, và theo lời GS Đào Đức Hoành, bệnh viện Bình Dân được xây dựng xong vào khoảng năm 1954, lúc đầu được dùng làm chỗ tiếp đón đồng bào Bắc di cư vào Nam, sau đó mới được trao trả cho Trường Đại Học YKhoa Saigon làm nơi thực tập cho sinh viên y khoa. GS Phạm Biểu Tâm lúc đó thật vất vả để tổ chức lại trường Y Khoa Hà Nội mới di tản vào Nam (sau nầy thành trường Đại Học Y Khoa Saigon) và tổ chức Bệnh Viện Bình Dân là bệnh viện trực thuộc trường Y Khoa. Bệnh viện nầy lúc đó thì nhỏ nhưng sau nầy được phát triển thêm và có nhiều khoa: Giải Phẫu Tổng Quát (surgery) với GS Phạm Biểu Tâm và GS Nguyễn Hữu; Giải Phẫu Chỉnh Hình (orthopedic surgery) với GS Trần Ngọc Ninh; Ngoài Da (dermatology) với GS Nguyễn Văn Út; Khu Tai Mũi Họng (Ear-Nose- Throat=ENT) với GS Trương Minh Ký/ Lê Minh Trí); khu Ung Thư với GS Đào Đức Hoành; Khu Tiết Niệu với GS Ngô Gia Hy; Khu Nhãn Khoa (ophthalmology) với GS Nguyễn Đình Cát và Khu Nha Khoa, trực thuộc Đại Học Nha Khoa.

Nhiều giáo sư Đại Học Y Khoa đã làm giám đốc Bệnh viện nầy như GS Phạm Biểu Tâm, GS Ngô Gia Hy, GS Đào Đức Hoành. Bệnh viện Bình Dân như trên đã biết, có thể nói là một bệnh viện chuyên khoa giải phẫu, nhưng lại có một Khu Ngoài Da. Khu Ngoài Da lúc đầu chiếm một dãy nhà ở sau Khu Nha Khoa là dãy nhà thứ hai của Bệnh viện Bình Dân, nếu đi cổng phụ, phía đường Phan Thanh Giản (gần đường Vườn Chuối và Pharmacie Bình Dân). Sau khi Đại Học Nha Khoa có cơ sở riêng ở Trung Tâm Giáo Dục Y Khoa (đường Hồng Bàng), Khu Nha Khoa dời về đây, thì Khu Ngoài Da được thêm dãy nhà nầy để làm nơi điều trị cho bệnh nhân. Khu Ngoài Da chỉ có độ 20-30 giường, phần đông là những bệnh kinh niên mà GS Nguyễn Văn Út muốn giữ lại để giảng dạy cho sinh viên.

Tôi muốn ghi lại nơi đây một số kỷ niệm khi học với GS Út và Khu Ngoài Da ở Bệnh Viện Bình Dân.

Tôi còn nhớ vào năm thứ nhất (1962-1963), các sinh viên y khoa được đi thực tập mỗi nơi độ hai hoặc ba tuần lễ, tôi có dịp đến Bệnh Viện Bình Dân, Khu Ngoài Da, gặp anh Nguyễn Phong, nội trú tại đây. Anh đang học năm cuối, sắp ra trường, sau nầy được thầy cho vào Ban Giảng Huấn và gởi đi du học tại Pháp. Anh Phong sau khi học xong đã ở lại luôn bên Pháp. Một người nữa là anh Nguyễn Thứ, cũng sắp học xong. Anh Nguyễn Thứ, nguyên là dược sĩ tốt nghiệp năm 1955, có mở pharmacie. Sau đó, anh thấy ngành y khoa thích hợp với anh hơn nên anh lại sang y khoa học, đáng lẽ anh ra trường vào năm 1962, nhưng ở lại học thêm với thầy đến năm 1964 ra trình luận án do thầy bảo trợ. Sau đó, anh được làm bác sĩ điều trị tại Trung Tâm Bài Trừ Hoa Liễu (Bệnh Viện Bạc Hà), rồi lên làm giám đốc trung tâm nầy cho đến năm 1975.

Tôi cũng được gặp thầy Út, nhưng lúc đó tôi chưa có ý định theo đuổi ngành nầy, vì thấy thầy Út hơi khó tính, lúc giảng dạy luôn luôn nói tiếng Pháp, ít khi nói tiếng Việt và bệnh nhân khu nầy thường bôi thuốc có màu xanh hoặc màu tím trên thân thể khiến tôi cũng hơi ngán.

Lúc đầu Khu Ngoài Da chỉ là một dãy nhà thôi, sau đó được thêm một dãy của Khu Nha Khoa, do khu nầy được dọn về trường Đại Học Nha Khoa tại Trung Tâm Giáo Dục Y Khoa trên đường Hồng Bàng, Quận 5, Khu Chợ Lớn, trước Bệnh Viện Hùng Vương, nên Khu Ngoài Da có thêm chỗ cho bệnh nhân nằm điều trị, một phòng tiểu giải phẫu và một phòng đốt điện riêng biệt. Sau đó, Khu Ngoài Da lại có thêm một phòng để làm Phòng Thí Nghiệm Cơ Thể Bệnh Lý do GS Đào Hữu Anh, mới từ Mỹ về, đảm trách (1965), lúc đầu đọc các mẫu xét nghiệm cho bệnh nhân Khu Ngoài Da, sau được nới rộng đọc các mẫu xét nghiệm của các khu bệnh lý khác.

Tôi có duyên với khu Da Liễu của GS Nguyễn Văn Út và cuộc đời tôi sau khi học chuyên môn nầy đã được thành công khi ra hành nghề sau nầy.

Một Số Kỷ Niệm Tại Bệnh Viện Bình Dân

Tôi may mắn được học với GS Nguyễn Văn Út và trở thành bác sĩ chuyên khoa Da Liễu. Nhờ thế mà sau khi tù cải tạo về, tôi được làm việc ngay tại trạm Da Liễu Thành Phố (góc đường Ngô Thời Nhiệm/Nguyễn Thông) chung với Bệnh Viện Thanh Quan cũ (được gọi là Phòng Khám Bệnh Công Nhân Viên). Sau nầy, phòng khám bệnh công nhân viên dọn đi nên bệnh viện Da Liễu chiếm toàn thể các khu nầy và các khu Trung Tâm Bài Trừ Hoa Liễu.

Tôi may mắn được gặp GS Đào Hữu Anh tại đây và về sau GS Anh đã giới thiệu tôi với GS Nguyễn Huy Can, và tôi được làm việc thêm buổi chiều tại Khu Cơ Thể Bệnh Lý với tư cách nghiệm chế viên có được hưởng lương và sau nầy được giữ lại ở trường để học hậu đại học về Cơ thể bệnh lý và Ngoài da.

Tôi có cơ hội làm việc chung và học hỏi với các bạn trên lớp như BS Tôn Thất Chiểu (tôi có phụ mổ với anh một hai lần), BS Lê Văn Tập, các BS cùng lớp như Nguyễn Gia Khánh, Hồ Tấn Phước, Nghiêm Đạo Đại, Trần Ngọc Quang, Lê Ánh, Trần Bình Chi, Võ Thành Phụng, Lê Văn Tuấn… và có nhiều kỷ niệm êm đẹp với các anh.

Một Số Kỷ Niệm Tại Khu Ngoài Da

Khi tôi về làm nội trú ủy nhiệm tại Khu Ngoài Da của GS Nguyễn Văn Út thì chị nội trú ở đây là Lưu Thị Trà Mi được thầy “cưng nhất”, không bao giờ bị thầy rầy la như chúng tôi thường bị. Chị chuẩn bị ra trường nên tôi ít có dịp gặp, và nhờ vậy, thầy cho tôi được theo thầy để phụ giúp cho thầy. Sau nầy, chị Trà Mi được ở lại và được thầy cho vào Ban Giảng huấn.

Lúc đó, có BS Bùi Đồng ở quân đội được biệt phái về. BS Bùi Đồng rất ít nói, không gây phiền hà cho ai, được thầy cho làm việc tại đây. Sau nầy, anh cũng được thầy cho vào Ban Giảng huấn.

Giữa anh Bùi Đồng và chị Trà Mi, thầy thích chị Trà Mi và cho chị lên chức giảng sư (assistant professor) và đề nghị đi du học ngoại quốc, còn anh Bùi Đồng vẫn còn ở ngạch trật giảng nghiệm viên. Còn một chị nữa là BS Tôn Thị Yên, cũng ít nói, cũng thường bị thầy la rầy, nhưng chị thường “tỉnh bơ”… Thầy cũng thường la anh Bùi Đồng, nhưng anh “phớt tỉnh Ăng lê”. Tôi rất quý mến anh Bùi Đồng ở điểm đó.

Học sau tôi một lớp, có hai nội trú thực thụ cũng được thầy thương là Ngô Thanh Hiền, đi du học trước 1975, ở lại Mỹ, nay đã qua đời và BS Vũ Khắc Thảo. BS Thảo tu nghiệp tại Mỹ năm 1973. Năm 1975 trở về Việt Nam, sau đó làm với thầy và vượt biên năm 1980 và không may bị chết trên biển cả. Còn các bạn Dương Duy Sử (nội trú ủy nhiệm), Nguyễn Thanh Thế (nội trú ủy nhiệm) cũng có thực tập tại đây và cũng được thầy yêu thích. Hai bác sĩ Thế và Sử sau năm 1975 có làm chung với tôi tại bệnh viện da liễu trước khi vượt biên năm 1979.

Ngoài ra, những người khác cũng làm việc với thầy Út tại Khu Ngoài Da Bệnh Viện Bình Dân có những nhân vật mà không ai có thể quên được là:

-Anh y tá Nguyễn Văn Sen: anh làm việc với thầy Út lâu năm nên biết cách chẩn đoán của thầy (giống như anh Nguyễn, khu mắt của GS Nguyễn Đình Cát). Anh nầy trước khi dẫn bệnh nhân cho thầy khám thì anh đã nói luôn chứng bệnh trước khi thầy chẩn đoán. Anh cũng vui vẻ, nhưng thầy không ưa. Sau nầy, anh thôi không làm tại Khu Ngoài Da nữa và ra ngoài, làm tư.

-Anh thư ký tên Dương Kỳ Trân (tự Ký Mập) mà thầy thường gọi là anh Ký. Tuy là thư ký nhưng anh làm việc rất sát với thầy, giống như ông Đỗ Văn Cầu với thầy Nguyễn Văn Hồng bên Từ Dũ. Anh cũng biết rõ các chẩn đoán của thầy, nhưng anh ít nói, nhẹ nhàng nên thầy rất thích. Chúng tôi, mỗi khi bị “bí” chẩn đoán, hay muốn “xin xỏ” thầy điều gì đều phải nhờ anh Ký. Anh Ký không làm mất lòng ai.

-Phòng đốt điện có anh Ý, cũng ít nói, nhưng có tính “nguyên tắc”.

-Các chị y tá và các nhân viên khác thì không có gì nổi bật, tuy nhiên, có một chị y tá người bắc, làm ở phòng lấy máu và làm biopsie, không hề sợ thầy, thường hay cãi với thầy…Tại phòng thí nghiệm, có một chị rất dễ thương, dễ mến là chị Nguyễn Thị Ba và một chị nữa, lớn tuổi, là Trần Thị Én hơi khó tính. Còn tất cả các sinh viên, nội trú, bác sĩ chúng tôi đi thực tập hay làm việc tại Khu Ngoài Da đều “ngán” thầy Út, ít ai được thầy chuyện trò thân mật. Riêng tôi, có tiếp xúc nhiều với thầy, tôi thấy thầy là một người hiền lành, rất tốt, nhưng cách xã giao bên ngoài hơi nguyên tắc dễ làm mất lòng nhiều người. Khi tôi có gì cần thiết xin thầy, thầy đều giúp đỡ và đề nghị cho tôi được ở lại Khu Ngoài Da để làm y sĩ thường trú. Khi tôi bị động viên, thầy đã cấp cho tôi một giấy chứng nhận thật tốt. Tôi cũng được học hỏi nhiều về chuyên môn với thầy, nhất là về chẩn đoán bệnh.

Một số bệnh nhân của thầy có bệnh mạn tính: Pian, Pemphigus, Scléroderma thường được thầy cho nằm lại để thầy giảng dạy, khảo cứu và cho làm luận án. Nếu ai đi tập sự ở khu nầy những năm 1966- 1967 đều biết một bệnh nhân mạn tính bị syphilis aortique phải nằm bệnh viện rất lâu, thầy cho anh Nguyễn Thế Lạc làm luận án “Sur un cas d’Aortique Syphilitique avec Hémiplégie chez une Eczémateuse” (1967) hay anh Bùi Văn Rậu, lớp tôi, được thầy cho làm luận án về maladie de Buerger.

Một số bệnh nhân nằm ở đây thường được bôi thuốc xanh, tím… nên ai cũng đùa cho là thầy đủ màu sắc.

Một việc đáng tiếc đã xảy ra không hay cho thầy là BS Hà Thúc Nhơn đã có “phản ứng” và gây thương tích cho thầy.

Anh Hà Thúc Nhơn làm nội trú cho thầy và làm luận án với thầy. Lần đó từ Nha Trang về, anh Nhơn đã đến gặp thầy để hỏi về luận án của anh đã được thầy duyệt xong chưa. Đáng lẽ, thầy cũng thông cảm cho anh ở xa, ít có dịp về Saigon, mà “châm chước” một vài thiếu sót về cách trình bày, nhưng thầy hay quen la rầy các sinh viên nội trú, kể cả bác sĩ chúng tôi nên có nói vài câu làm “nghịch ý” anh Nhơn, cho nên anh nổi nóng mà “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với thầy. Thầy bị bầm ở mắt và sưng ở chân…

Tôi có đến thăm và thầy cũng trách anh Nhơn hiểu lầm vàđã bỏ qua, không có thưa kiện hay có biện pháp kỷ luật gì với anh Nhơn dù thầy rất thân với BS Phó Thủ tướng Nguyễn Lưu Viên, BS Khoa Trưởng Phạm Tấn Tước và nhiều sĩ quan cao cấp trong quân đội. Sau nầy, anh Nhơn nổi loạn ở Quân Y viện Nguyễn Huệ, Nha Trang (về chuyện tham nhũng và lem nhem ở đó) và đã bị bắn chết.

Khu Bệnh Ngoài Da Bệnh Viện Bình Dân, sau năm 1975, vẫn còn ở Bệnh Viện Bình Dân, cho đến đầu năm 1980 thì Khu Ngoài Da của thầy Út phải sáp nhập vào Bênh Viện Da Liễu của thành phố nhưng vẫn trực thuộc trường Đại Học Y Khoa. Khi “bị học tập cải tạo” về, tôi có đến gặp GS Út. Thầy cũng vui vẻ nhận tôi vào làm việc chung với thầy, nhưng lúc nầy vì việc giấy tờ rất khó khăn, vì vậy tôi đành gấp rút nộp đơn tại Sở YTế và được nhận vào làm việc ngay tại Trạm Da Liễu thành phố (sau đó trở thành Bệnh Viện Da Liễu).

Khi Bộ môn Da liễu sáp nhập chung với Bệnh Viện Da Liễu, tôi cũng thường gặp thầy và BS Vũ Khắc Thảo. Bệnh Viện Da Liễu chiếm tất cả các khu của Bệnh Viện Thanh Quan và Trung Tâm Bài Trừ Hoa Liễu (mặt trước ở đường Ngô Thời Nhiệm, mặt sau ở đường Hồ Xuân Hương và bên hông là đường Nguyễn Thông). Sau nầy Bệnh Viện Da Liễu Thành Phố sửa lại rất khang trang và mặt chính ở đường Nguyễn Thông. Thầy cũng có nhiều lần thuyết giảng cho Ban Giảng Huấn Đại Học Y Khoa và các bác sĩ như chúng tôi. Con gái thầy là BS Nguyễn Thị Huê, cùng chuyên khoa da liễu, làm việc tại đây và nghe nói hiện nay giữ chức Trưởng bộ môn nầy. Theo tôi được biết, thầy còn sống tại Việt Nam, đã 95 tuổi, tại một biệt thự rộng lớn ở đường Pasteur. Bốn giáo sư còn lại của trường Đại Học Y Khoa là giáo sư Nguyễn Văn Út (đã qua đời năm 2014, hưởng thọ 98 tuổi), giáo sư Nguyễn Huy Can (đã qua đời năm 2014, hưởng thọ 92 tuổi), giáo sư Nguyễn Văn Ái 91 tuổi, giáo sư Trần Ngọc Ninh 100 tuổi (hiện đang sống tại Nam California).

Có một câu chuyện vui, xin kể hầu các bạn: Hồi đó, tôi cùng với thầy đi khám bệnh, một bệnh nhân lớn tuổi, có lẽ là một chức sắc ở tỉnh đến xin thầy khám bệnh vì thầy nổi tiếng lắm. Cũng như mọi lần, thầy khám bệnh và nói chẩn đoán cho tôi nghe và biên toa thuốc. Thầy nói bằng tiếng Pháp “C’est la gale, la gale infectée” (Đây là bệnh ghẻ, bệnh ghẻ nhiễm trùng). Nghe câu nầy, bệnh nhân tưởng thầy nói mình bị bệnh gan. Anh nhảy lên và nói lớn: “Bác sĩ hay quá, đúng là tôi có bệnh gan, mà mấy bác sĩ khác khám không ra, chữa tôi không hết.” Chúng tôi đều cười to, vì “gale” bệnh nhân nghe lộn phát âm mà tưởng là bệnh gan!

Bệnh Viện Bình Dân là nơi thực tập và là lò đào tạo nhiều bác sĩ tài giỏi cho miền Nam Việt Nam và nhiều bác sĩ ở bệnh viện nầy ra đã nổi tiếng tại ngoại quốc như BS Nghiêm Đạo Đại, BS Nguyễn Gia Khánh, BS Hồ Tấn Phước (Phước Tóc Đỏ)…

Tôi viết lại nơi đây những kỷ niệm về Bệnh Viện Bình Dân, với một đóng góp nhỏ nhoi với các bạn mà tôi đã được học hỏi với các thầy, với các bạn và giúp tôi ra đời với những kiến thức để phục vụ xã hội và cộng đồng.