Vụ Trực Thăng Mỹ Bắn Lầm Tại Trường Phước Ðức, Chợ Lớn Chiều Ngày 2-6-1968

Lâm Vĩnh Thế

2-6-68.- Lúc 18 giờ hơn, một trực thăng Mỹ bắn lầm vào bộ chỉ-huy hành-quân tại đường Khổng Tử Chợ Lớn, 6 sĩ-quan VNCH tử thương: Các Trung-tá Nguyễn Văn Luận, Lê Ngọc Trụ, Phó Quốc Chụ, Ðào Bá Phước, các Thiếu-tá Nguyễn Bảo Thùy và Nguyễn Ngọc Sinh.  Ðại-tá Văn Văn Của, Ðô-trưởng Sài-Gòn, cùng Trung-tá Trần Văn Phấn cũng bị thương.

(Trích: Ðoàn Thêm.  1968: việc từng ngày.  Tựa của Lãng-Nhân.

Sài Gòn: Cơ-sở xuất-bản Phạm Quang Khai, 1969.  Los Alamitos, Calif.: Nhà xuất bản Xuân Thu tái bản, 1989.  Tr. 195)

Trên Bậc Thềm Trường Phước Ðức Ngay Sau Vụ Trực Thăng Mỹ Bắn Lầm

(Xuất xứ của ảnh: từ bài viết trên Internet ở địa chỉ sau đây: https://www.flickr.com/photos/13476480@N07/24486690482/in/photostream/ )

Sau đây là bản tin đăng trên trang 1 của nhật báo Chính Luận, số 1268, ra ngày Thứ Ba, 4-6-1968 (tức ngày Mùng 9 Tháng 5 Năm Mậu Thân) về vụ trực thăng Mỹ bắn lầm này:

Việc trực thăng Mỹ bắn lầm này đã gây chấn động lớn tại Sài Gòn, tạo ra một nghi án về chính trị tại VNCH trong một thời gian khá dài và đến nay, gần 50 năm sau, vẫn còn là một dấu hỏi lớn trong lịch sử hết sức ngắn ngủi (1967-1975) của nền Ðệ Nhị Cộng Hòa.  Bài viết này cố gắng đặt vụ việc trở lại khung thời gian của nó và tìm hiểu nguyên nhân, diễn biến và hậu quả của nó.

Bối Cảnh Của Vụ Việc

Không Gian

            Việc trực thăng Mỹ bắn lầm này xảy ra ngay tại một trường trung học của người Hoa trong Chợ Lớn (Quận 5, Sài Gòn), Trường Phước Ðức, nằm trên đường Khổng Tử, cách phía sau nhà hàng nổi tiếng của Chợ Lớn là Soái Kình Lâm độ chừng trên 50 m đường chim bay, như trong không ảnh sau đây:

Không Ảnh Vùng Chợ Lớn: Trường Phước Ðức và Nhà hàng Soái Kình Lâm Trong Vòng Tròn

(Xuất xứ của ảnh: lấy từ Internet tại địa chỉ sau đây:

https://www.flickr.com/photos/13476480@N07/25199326986/in/album-72157663358987650/ )

Bản Ðồ Khu Vực Nhà hàng Soái Kình Lâm và Trường Phước Ðức

(Xuất xứ của bản đồ: lấy từ Internet tại địa chỉ sau đây:

https://www.flickr.com/photos/13476480@N07/25199326986/in/photostream/ )

Nhà hàng Soái Kình Lâm vào thời điểm này đã bị một lực lượng Việt Cộng chiếm đóng và cố thủ.  Liên Ðoàn 5 (LÐ 5) Biệt Ðộng Quân (BÐQ), gồm 3 Tiểu Ðoàn 30, 33 và 38 BÐQ,  đang hành quân giải tỏa khu vực này.  Bộ Chỉ Huy (BCH) lưu động của LÐ 5, đặt tại Trường Phước Ðức, đang lên kế hoạch tấn công đánh chiếm lại tòa nhà có nhà hàng Soái Kình Lâm, và vì vậy đã gọi về Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn III để xin trực thăng võ trang (gunship) của Mỹ đến oanh kích yểm trợ.

Thời Gian

Vào đầu tháng 6-1968, đợt 2 của cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân của phe Cộng sản tại Sài Gòn đang diễn ra ác liệt.  Một lực lượng khá lớn của Việt Cộng đã chiếm đóng một khu phố quan trọng của vùng Chợ Lớn, bao gồm các con phố chánh là Ðồng Khánh, Tổng Ðốc Phương và Khổng Tử.  Ngày 2-6-1968, LÐ 5 BÐQ đã giải tỏa được phần lớn khu phố nhưng đơn vị Việt Cộng đang chiếm đóng Nhà hàng Soái Kình Lâm vẫn cố thủ.  Các tiểu đoàn của LÐ 5 BÐQ không tiến lên được.  Vào lúc 6 giờ chiều, BCH của LÐ 5 BÐQ, đặt tại Trường Phước Ðức trên đường Khổng Tử, ngay phía sau nhà hàng Soái Kình Lâm, bắt buộc phải kêu trực thăng võ trang của Mỹ đến oanh kích yểm trợ.  Một gunship Mỹ được phái đến, đã bắn lầm một rocket vào ngay Trường Phước Ðức (thay vì bắn vào nhà hàng Soái Kình Lâm), gây tử thương cho 6 sĩ quan cao cấp của QLVNCH:

  • Trung Tá Ðào Bá Phước, Chỉ Huy Trường LÐ 5 BÐQ
  • Trung Tá Nguyễn Văn Luận, Giám Ðốc Cảnh Sát Ðô Thành
  • Trung Tá Lê Ngọc Trụ, Trưởng Ty Cảnh Sát Quận 5, Sài Gòn
  • Trung Tá Phó Quốc Chụ, Giám Ðốc Nha Thương Cảng Sài Gòn
  • Thiếu Tá Nguyễn Ngọc Sinh, Phụ Tá Giám Ðốc Cảnh Sát Ðô Thành
  • Thiếu Tá Nguyễn Bảo Thùy, Chánh Sở An Ninh Quân Ðội Ðô Thành (em ruột của Trung Tướng Nguyễn Bảo Trị)

và làm bị thương 2 sĩ quan cao cấp sau đây:

  • Ðại Tá Văn Văn Của, Ðô Trưởng Sài Gòn
  • Trung Tá Trần Văn Phấn, Phụ Tá Tổng Giám Ðốc Cảnh Sát Quốc Gia     

Những Câu Hỏi Không Có Câu Trả Lời

Ðây có phải là một vụ thanh toán chính trị?

Khi vụ việc xảy ra, lập tức có ngay một luồng dư luận cho rằng đây là một vụ thanh toán mang tính chính trị, nói rõ hơn là “Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu thanh toán phe Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ.”  Tại sao lại có dư luận này? 

Trước hết là vì một sự thật không thể chối cải được là tất cả những người chết đều là người thuộc phe của ông Kỳ.  Thứ hai là vị việc này xảy ra ngay vào đúng giai đoạn ông Thiệu bắt đầu ra mặt đối phó và tìm mọi cách tiêu diệt vây cánh của ông Kỳ.  Từ tháng 3-1968, sau vụ Tổng Tấn Công Tết Mậu Thân của Việt Cộng, qua một nhân viên CIA (Central Intelligence Agency = Cơ Quan Trung Ương Tình Báo của Hoa Kỳ), ông đã gián tiếp báo cho người Mỹ biết là ông sẽ không để cho phe ông Kỳ tiếp tục đe dọa và phá hoại uy quyền tổng thống hiến định của ông nữa.  Ṓng nhứt quyết loại bỏ dần người của ông Kỳ và thay bằng người của ông.  Việc đầu tiên ông thực hiện là thay một loạt 14 tỉnh trưởng qua chương trình cải tổ hành chánh trong tháng 3-1968.  Ngày 7-5-1968, Chuẩn Tướng Nguyễn Ngọc Loan, cánh tay mặt của ông Kỳ, người đang giữ  cùng một lúc cả 3 chức vụ trọng yếu về an ninh là Ðặc Ủy Trưởng Phủ Ðặc Ủy Trung Ương Tình Báo, Tổng Giám Ðốc Cảnh Sát Quốc Gia và Giám Ðốc Nha An Ninh Quân Ðội, đã bị bắn trọng thương tại khu Tự Ðức.  Trong cùng ngày 7-5-1968, Ðại Tá Ðàm Văn Quí, Phụ Tá Tổng Giám Ðốc Cảnh Sát Quốc Gia, cánh tay mặt của Tướng Loan, cũng bị tử thương trong một cuộc lục soát trên đường Lục Tỉnh.  Kế tiếp, lấy lý do chính phủ đã bất lực để xảy ra vụ Việt Cộng tấn công vào thủ đô Sài Gòn lần thứ hai (thường được báo chí gọi là vụ Mậu Thân đợt 2) vào đầu tháng 5-1968, ông giải nhiệm Chính phủ Nguyễn Văn Lộc và đề cử ông Trần Văn Hương thành lập chính phủ mới vào ngày 25-5-1968. Trong vụ trực thăng Mỹ bắn lầm này, một lần nữa, có khá nhiều người chết hay bị thương thuộc lực lượng cảnh sát, tức là tay chân của Tướng Loan.  Ngoài ra, ngay sau vụ trực thăng Mỹ bắn lầm này, ông bổ nhiệm liên tiếp người của ông vào 2 chức vụ quan trọng sau đây: 1) Ngày 4-6-1968, Thiếu Tướng Nguyễn Văn Minh, nguyên Tư Lệnh Sư Ðoàn 21 Bộ Binh, được bổ nhiệm vào chức vụ Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Ðô thay cho Ðại Tá Nguyễn Văn Giám; và 2) Ngày 7-6-1968, Ðại Tá Ðỗ Kiến Nhiểu được bổ nhiệm Ðô Trưởng thay cho Ðại Tá Văn Văn Của, và Ðại Tá Trần Văn Hai được cử thay Tướng Loan trong chức vụ Tổng Giám Ðốc Cảnh Sát Quốc Gia.  Hai tháng sau, ngày 5-8-1968, Trung Tướng Ðỗ Cao Trí được cử thay Trung Tướng Lê Nguyên Khanh làm Tư Lệnh Quân Ðoàn III.1    

Tại sao người của Ṓng Kỳ có mặt tại Trường Phước Ðức vào ngày hôm đó ?

Trong số các sĩ quan cao cấp của VNCH chết và bị thương trong vụ trực thăng Mỹ bắn lầm này, ngoài Ðại Tá Giám, Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Ðô, và Trung Tá Phước, Liên Ðoàn Trưởng Liên Ðoàn 5 BÐQ, sự hiện diện của các vị sĩ quan còn lại tại bộ chỉ huy của cuộc hành quân này của BÐQ thật rất khó giải thích.  Phần lớn các vị này đều thuộc ngành Cảnh Sát và hoàn toàn không có vai trò gì hết trong cuộc hành quân này, vậy họ đến đây để làm gì?  Chắn chắn đây không phải là một buổi họp mặt bạn bè để vui chơi, ăn nhậu với nhau vì đây là một địa điểm đang có giao tranh ác liệt giữa các tiểu đoàn của Liên Ðoàn 5 BÐQ với các lực lượng đang cố thủ của VC.  Nhưng đây cũng dứt khoát không thể là một cuộc gặp gở nhau tình cờ, mà nhất định phải do có hẹn với nhau trước.  Vậy ai là người đã đứng ra tổ chức cuộc hẹn này, và hẹn gặp nhau có mục đích gì? 

Chúng ta hảy nghe lời kể lại của một sĩ quan BÐQ, cựu Thiếu Tá Hà Kỳ Danh, Trưởng Ban 3 (hành quân) của Liên Ðoàn 5 BÐQ, có mặt tại Trường Phước Ðức hôm đó và may mắn sống sót.  Lời tường thuật của Thiếu Tá Danh được ghi lại trong một cuộc phỏng vấn dành cho Tập San BÐQ như sau:

“Nhưng có điều nầy tôi nghĩ cũng nên nói cho các anh nghe, khi BCH/HQ/LĐ5 vừa đến trường Phước Đức thì có một phái đoàn ký giả và phóng viên chiến trường quốc tế đủ mọi thứ Anh, Mỹ, Pháp v.v.. kéo đến.  Có lẽ họ biết BCH/LĐ5 đến trường Phước Đức vì Tr/tá Phước gọi về BKTĐ xin pháo binh bắn vào Soái kình Lâm nhưng vì đã có lệnh từ trước là không dùng phi pháo vì sợ thiệt hại cho dân chúng.  Có lẽ đám ký giả nầy đang ở BTL/BKTĐ nên họ biết và kéo đến đây lấy tin, họ nói chuyện với Tr/TáPhước một lúc rồi kéo nhau đi.  Khi đám ký giả đi rồi thì các ông Lê ngọc Trụ Trưởng ty Cảnh Sát quận 5 đến và sau đó là Th/Tá Phó quốc Chụ giám đốc thương cảng Sàigòn, Đại tá Phấn, ông Luận thuộc Tổng nha cảnh Sát và Nha cảnh Sát Đô Thành, Th/tá Xinh CSQG, Th/tá Nguyễn bảo Thùy Phân Khu Đô Thành, Th/tá Tô, Biệt đội trưởng CSDC và có cả Đại tá Văn văn Của Đô trưởng Sàigòn. Sau đó tôi được biết Đại tá Giám, Tư lệnh BKTĐ sẽ đến BCH/LĐ5 để thị sát tình hình và cho chỉ thị.  Khi Đại tá Giám đến thì tất cả các vị nói trên đều có đủ mặt.” 2

Qua lời kể bên trên của Thiếu Tá Danh, chúng ta được biết hai chi tiết quan trọng sau đây:

  • Các vị sĩ quan bị thương vong trong vụ này rõ ràng là có hẹn nhau từ trước, rõ nhứt là trường hợp của Ðại Tá Giám, Tư Lệnh BKTÐ, vì ngay từ lúc ông chưa đến thì Thiếu Tá Danh đã biết là ông sẽ đến; nhưng ai nói cho ông Danh biết thì ông Danh không có nói ra.
  • Trước khi các vị sĩ quan này đến hiện trường thì có một phái đoàn ký giả và phóng viên chiến trường quốc tế đến rồi sau đó bỏ đi trước khi các vị sĩ quan này đến.  Tại sao họ bỏ đi ?  Chắc chắn là do yêu cầu của Trung Tá Phước.  Tại sao Trung Tá Phước yêu cầu họ rời đi?  Có thể vì Trung Tá Phước không muốn cho họ gặp các vị sĩ quan đó chăng ?

Trong lời tường thuật của Thiếu Tá Danh trong cuộc phỏng vấn nói trên còn có thêm một số chi tiết khá đặc biệt, rất đáng quan tâm về Ðại Tá Nguyễn Văn Giám, Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Ðô như sau:

  • “…Sau khi Đại tá Giám đến nơi và biết rõ tình hình thì đích thân ông gọi máy lên QĐIII xin cho gunship yểm trợ .”
  • “…sau khi chuẩn bị xong xuôi hết rồi thì cũng là lúc đại tá Giám nói với tôi: ” Anh Danh à, anh vẽ cho tôi cái sơ đồ khu vực hành quân của các anh lên bản đồ của tôi để tôi đem về theo dõi.” Tôi đang ngồi tại hành lang trường học cùng các ông ấy, khi nghe vậy, tôi đứng lên và cầm bản đồ của ông bước vào trong để vẽ thì cũng là lúc gunship chuẩn bị bắn.  Trong lúc tôi đang lui cui vẽ khoảng 2 phút sau thì đại tá Giám bước vào đến bên cạnh tôi và hỏi: ”Anh Danh vẽ xong chưa, đưa cho tôi để tôi còn về BTL/BKTĐ.”  Tôi trả lời: ” Khoan chút đã đại tá, để vẽ thêm mấy chi tiết nữa và ghi chú đàng hoàng rồi đại tá hãy lấy.”  Bỗng nhiên ngay lúc đó nghe một tiếng nổ rầm thật lớn và tiếp theo là tiếng súng đại liên.”
  • “…Ngoài ra tôi cũng còn nhớ là lúc tôi chạy ra khỏi phòng thì đại tá Giám cũng đã vọt ra trước và lên xe chạy về BKTĐ rồi.”

Như vậy, Ðại Tá Giám chính là người đã gọi về Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn III để xin trực thăng đến oanh kích yểm trợ.  Ông đã rời bậc thềm Trường Phước Ðức và vào bên phòng trong để xem Thiếu Tá Danh vẻ bản đồ nên không bị thương vong.  Và một điều bất ngờ, tương đối kỳ lạ và khó giải thích là ngay sau đó ông vội vàng lên xe bỏ chạy về BKTÐ ngay, bỏ mặc các chiến hữu của ông đang bị thương vong tại hiện trường.  Có lẽ vì thế về sau đã có những dư luận nghi ngờ không tốt dành cho ông. 

Nguyên nhân của tin đồn về “ông Thiệu thanh toán phe ông Kỳ,như trên đã nói, là do sự kiện các sĩ quan bị thương vong nầy đều là người của ông Kỳ.  Từ đó có thêm nhiều chuyện thêu dệt để tăng thêm sự khả tín của tin đồn: nào là Ðại Tá Trần Văn Hai, lúc đó là Tư Lệnh BÐQ và sau đó được cử làm Tổng Giám Ðốc Cảnh Sát Quốc Gia thay cho Tướng Loan, có mặt trên chiếc trực thăng đã bắn lầm đó; nào là Tướng Khang, Tướng Viên, và cả Tướng Kỳ củng đang trên đường đến Trường Phước Ðức khi biến cố xảy ra. 

Một cựu sĩ quan BÐQ, Trung Tá Ðặng Kim Thu, lúc đó là sĩ quan tùy viên của Tướng Viên, tự nhận mình là một nhân chứng trong biến cố đó, đã tường thuật vụ việc như sau:

“Một buổi sáng nọ, cuối tháng 5/68, hai thầy trò tôi vừa tới văn phòng chừng 15 phút thì Trung Tướng Lê Nguyên Khang, Tư Lệnh Quân Đoàn III, tới rủ Đại Tướng đi thăm Liên Đoàn 5/ BĐQ đang chiến đấu ở Chợ Lớn. Cả hai ông cùng ra đi trên hai chiếc xe Jeep, chạy tới góc đường Đồng Khánh và Tổng Đốc Phương thì dừng lại. Hai vị tướng xuống xe đứng bên lề đường. Đại Úy Lương Xuân Đương, tùy viên của Tướng Khang và tôi cùng đứng cạnh hai ông thầy, lúc đó tôi nghe Tướng Khang nói với Đại Tướng Viên:

– “Tôi điều động thêm TĐ35/BĐQ từ Nhà Bè về đây tăng cường cho LĐ5/BĐQ. Chờ tiểu đoàn tới nơi, tôi chỉ thị cho tiểu đoàn trưởng xong rồi mình sẽ tới LĐ5/BĐQ, đang ở trường tiểu học Phước Đức gần đây thôi. Lực lượng bên ngoài là TĐ30/BĐQ đang dánh nhau với VC”.

Sau đó vài phút, Hồ Văn Hòa, TĐT/TĐ35 BĐQ tới, xuống xe chào Tướng Khang:

– Trình Trung Tướng, TĐ35 BĐQ về tới, đang ở khu BV chợ Rẫy, chờ lệnh Trung Tướng.

Trung Tướng Khang bảo Hồ Văn Hòa cho bố trí quân tại chỗ, đừng cho lính đi lang thang phá phách dân chúng, ứng chiến 100% chờ lệnh. Hồ Văn Hòa tuân lệnh và vừa quay ra đi thì Đại Tá Trần Văn Hai đến. Tướng Khang bảo Đ/Úy Lương Xuân Đương liên lạc xem Tướng Kỳ gần tới chưa, rồi quay sang nói với Tướng Viên:

– Mình ở đây chờ anh Kỳ tới rồi cùng vào Liên Đoàn 5 luôn.

Đại Tướng Viên hỏi lại:

– Phó tổng thống tới làm gì chỗ người ta đang đánh giặc?

Tướng Khang đáp:

– Chẳng biết nữa?

Liền sau đó anh Đương báo cáo với Tướng Khang:

– Trình trung tướng, Phó Tổng thống vừa rời khỏi nhà, đang trên đường tới đây.

Ngay lúc đó, bỗng thấy một trực thăng võ trang lượn vòng vòng trên vùng trời nơi chúng tôi đang đứng rồi bất ngờ phóng hỏa tiễn xuống về phía BCH/LĐ5 BĐQ, nơi mà PTT Kỳ cùng hai Tướng Viên Khang chuẩn vị tới, chúng tôi tưởng là trực thăng bắn vào mục tiêu VC, yểm trợ hỏa lực cho BĐQ đang hành quân phía dưới, nhưng liền sau đó thì Đại úy Đương báo cho Tướng Khang biết tin một đại họa vừa xẩy ra. Trực thăng đã bắn “lầm” vào trường Phước Đức, nơi BCH/LĐ5 BĐQ đang họp, gây một số thương vong.

Sự việc xẩy ra quá bất ngờ, Đại Tá Hai và Tướng Khang cùng vội vã xin phép ra đi xem xét tình hình, còn Đại Tướng thì quay gấp về văn phòng. Khi Trung Tâm Hành Quân Bộ TTM báo cáo cho Đại Tướng biết số người chết và bị thương trong tai nạn “bắn lầm” này thì Đại Tướng ngạc nhiên rồi giận dữ trách rằng:

– Ai kêu mấy ông ấy tới đó để làm gì?” 3

Tài liệu này có khá nhiều điểm không chính xác nên mức độ khả tín rất thấp.  Thứ nhứt, tác giả sai hoàn toàn về ngày giờ của biến cố khi tác giả cho biết:  “Một buổi sáng nọ, cuối tháng 5/68, …”  Biến cố này xảy ra vào buổi chiếu, sau 6 giờ, và ngày là ngày Chúa Nhựt 2-6-1969.  Thứ hai, tác giả nói là Tướng Viên cùng đi với với Tướng Khang đến khu vực đó.  Bức ảnh sau đây, chụp vào buổi sáng ngày hôm đó, cho thấy Tướng Khang chỉ có một mình, không có Tướng Viên bên cạnh:

Tấm ảnh trên báo Chính Luận được phóng lớn

Lời ghi chú bên dưới tấm ảnh như sau: “Ðây ảnh hai trong số các vị bị tử nạn.  Từ phải qua Trung Tá Lê Ngọc Trụ và Trung Tá Nguyễn Văn Luận.  Hình chụp hồi sáng cùng ngày [tức là ngày 2-6-1968; ghi chú của tác giả bài viết này] khi hai ông cùng Trung Tướng Lê Nguyên Khang (người mang kính) đi thị sát trận đánh. (LV)”

Như vậy, rõ ràng là lời tường thuật của Trung Tá Thu bên trên cần phải được xem xét và đánh giá lại, không thể tin được 100%.  Rất có thể, sau một thời gian quá lâu (ít nhứt cũng phải là trên 30 năm rồi), tác giả không còn nhớ rõ và có thể đã lẫn lộn chuyện này qua chuyện khác.

Kết Quả Cuộc Ðiều Tra Về Biến Cố Này

Vài ngày sau khi biến cố xảy ra, một cuộc điều tra hỗn hợp Việt-Mỹ đã được tổ chức để tìm hiểu nguyên nhân đưa đến việc bắn lầm này.  Sau khi cuộc điều tra kết thúc, phái bộ Mỹ hoàn toàn nhận trách nhiệm trong vụ này và chính thức xin lổi Chính phủ VNCH:

Bản tin trên trang 1 nhựt báo Chính Luận, số 1270, ngày Thứ Năm, 6-8-1968

Người viết xin ghi lại sau đây nội dung của bản tin trên của nhật báo Chính Luận:

“Hôm nay, mồng 4 tháng sáu, phái bộ HK tại Saigon thông cáo rằng: Sau khi điều tra thêm về tai nạn xảy ra hôm Chủ nhật, 2-6 tại Cholon làm cho một số sĩ quan cảnh sát và quân lực Việt Nam Cộng Hòa bị tử thương và bị thương, giới quân sự HK xác nhận lời tuyên bố về tai nạn này của phái bộ HK hôm thứ Hai 3-6 vừa qua nói rằng hỏa tiển bị trục trặc máy móc do 1 trực thăng của HK bắn đi đã rơi nhầm vào chổ sĩ quan cảnh sát và quân lực VNCH nói trên.  Cuộc điều tra nói trên căn cứ vào lời khai của phi hành đoàn và những nhân viên ở dưới đất, cùng việc giảo nghiệm những mảnh đạn thu lượm được nơi xảy ra tai nạn.  Nhân danh đại sứ HK E. Bunker và Thống tướng Westmoreland đương bận công vụ vắng mặt, và nhân danh toàn thể phái đoàn HK tại VN, Ðại sứ Samuel Burger và Ðại tướng Abrams trân trọng tỏ bày sự hối tiếc của chính phủ HK với TT VNCH Nguyễn Văn Thiệu, PTT Nguyễn Cao Kỳ về tai nạn đã xảy ra làm cho VNCH phải mất một số sĩ quan và nhân viên cao cấp ưu tú.”

Thiếu Tá Hà Kỳ Danh, trong bài phỏng vấn nói trên, cũng có cung cấp một số thông tin liên quan đến cuộc điều tra hỗn hợp Việt-Mỹ này như sau:

“HKD: Mấy ngày sau đó khi đã trở về lại trường đua Phú Thọ thì có phái đoàn của BTTM (hỗn hợp Việt Mỹ) đến điều tra, họ gọi Tống viết Lạc lên để hỏi.  Cũng có tôi ở đó nữa nhưng lạ một điều là không ai hỏi tôi một câu nào cả, mà chỉ chú trọng vào hỏi Tống viết Lạc mà thôi.  Sau đó tôi gặp riêng Tống viết Lạc và hỏi: ”Theo tôi biết, gunship bắn rất chính xác và độ chính xác của nó lên đến độ 5 đến 10 thước, vậy tại sao trường Phước Đức cách nhà hàng Soái kình Lâm đến 50 thước mà gunship lại bắn nhầm.”

Tống viết Lạc trả lời: ”Không phải là bắn nhầm, pilot cho biết là khi anh ta bắn trái rocket thứ nhất thì bị trở ngại kỷ thuật và anh đã bắn trái thứ nhì và không hiểu vì trở ngại gì đó trái thứ nhì đã bị ngắn tầm và đi trật mục tiêu, khi biết đã bắn trật mục tiêu tôi đã cho ngưng tác xạ ngay cho nên chỉ bắn duy nhất có một trái mà thôi.”  Tất cả những giải thích của phi công Mỹ cũng chỉ được biết có bấy nhiêu thôi.

BBT: Anh Danh, xin hỏi anh câu nầy : ” Tại sao anh Tống viết Lạc lại để cho gunship bắn qua đầu quân bạn.”

HKD: Vì muốn bắn vào cửa sổ tầng trên của nhà hàng Soái kình Lâm nơi VC đặt súng – nhà hàng có rất nhiều cửa sổ nhưng các cửa sổ khác đều bị vướng các cao ốc chung quanh không có hướng tác xạ – Tống viết Lạc đã chọn cái cửa sổ nằm hướng sau lưng trường Phước Đức là hướng duy nhất có thể tác xạ được và chỉ cần một trái rocket bắn lọt vào trong là tiêu diệt trọn ổ VC đang cố thủ ở đó.  Đó là lý do tại sao lại bắn qua đầu quân bạn.”

(Ghi chú: Người mang tên Tống Viết Lạc nói trên là Ðại Úy Trưởng Ban 3 (Hành quân) của Tiểu Ðoàn 30 BÐQ đang có nhiệm vụ tấn công lực lượng Việt công đang cố thủ trong cao ốc có Nhà hàng Soái Kình Lâm.  Sau khi Ðại Tá Giám gọi về Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn III xin trực thăng yểm trợ, phía Hoa Kỳ đã cho 2 chiếc gunship đến.  Một chiếc đã đáp xuống đường Tổng Ðốc Phương để bốc Ðại Úy Lạc.  Sau đó đích thân Trung Tá Phước đã gọi cho Ðại Úy Lạc để cho tọa độ tác xạ.)   

Mặc dù Phái Bộ Hoa Kỳ, sau cuộc điều tra hỗn hợp nói trên, đã nhận hoàn toàn trách nhiệm trong vụ oanh kích lầm này, dư luận tại Sài Gòn về cái gọi là “thanh toán chính trị” vẫn tiếp tục lan truyền vì một chuyện tương đối khó hiểu: viên phi công lái chiếc trực thăng đã gây tai nạn thảm khốc đó được lệnh rời khỏi Việt Nam ngay lập tức. 

Một ngày sau khi Phái bộ Hoa Kỳ đã nhận trách nhiệm và chính thức xin lỗi Chính phủ VNCH, nhật báo Công Chúng, số 529, ra ngày Thứ Sáu, 7-6-1968, vẫn tiếp tục nghi ngờ, và đưa tin ở trang 1 như sau:

Tại sao nhật báo Công Chúng đưa tin như thế và tờ báo có lập trường chính trị như thế nào?  Tờ nhật báo này là của phe Tướng Kỳ và Tướng Loan.  Do đó họ tránh né không đề cập đến chuyện “thanh toán chính trị” vì nếu họ đề cập đến vụ này họ sẽ gặp một khó khăn lớn là làm sao giải thích sự hiện diện của người của Tướng Kỳ và Tướng Loan tại hiện trường trong khi những người này không có một nhiệm vụ gì cả trong cuộc hành quân đó.  Do đó tờ báo đã quyết định chuyển dư luận sang nghi ngờ người Mỹ vì lúc đó mối quan hệ Việt-Mỹ đang khá căng thẳng do việc Hoa Kỳ tiến hành đàm phán với phe Cộng sản mà không có sự tham dự của VNCH.  Người Mỹ cũng hiểu rất rõ chuyện này.  Ngay hôm sau, ngày Thứ Bảy, 8-6-1968, tờ Washington Post đã đăng ngay một bài bình luận như sau:

Một điều cần lưu ý là bài báo này do một cộng tác viên người Việt, Nguyễn Ngọc Rao, cho thấy đây là một ký giả rất am tường tình hình chính trị của VNCH. 

Dĩ nhiên, cả 2 chính phủ Hoa Kỳ và VNCH đều tránh, không đề cập gì nữa hết đến vụ trực thăng Mỹ bắn lầm này, xem như một vụ oanh kích lầm giống như bao nhiêu vụ khác đã từng xảy ra trong cuộc chiến từ nhiều năm nay.  Với thời gian trôi qua, đặc biệt là với năm 1968 đầy biến cố quan trọng này (bầu cử Tổng Thống Mỹ, Thượng Nghị Sĩ Robert Kennedy bị ám sát ngày 6-6-1968, Hòa Ðàm Paris với đột biến ngày 30-10-1968 khi Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu từ chối không chịu kỳ Thông Cáo Chung với Tổng Thống Hoa Kỳ Lyndon Johnson và quyết định không cử phái đoàn VNCH tham dự Hòa Ðàm Paris, vv), biến cố này đã hoàn toàn bị lãng quên.     

Thay Lời Kết

Nguyên nhân vụ trực thăng bắn lầm này đã được biết khá rõ ràng qua cuộc điều tra hỗn hợp Việt-Mỹ: bộ phận điều khiển bắn hỏa tiển của chiếc gunship đã bị hư hỏng máy móc và gây ra tai nạn chết người này.  Ðiều này được xác nhận bởi vị sĩ quan QLVNCH có mặt trên chiếc trực thăng đó.  Sự hiện diện của chiếc gunship tại địa điểm hành quân cũng hoàn toàn không phải do một thế lực chính trị nào hay do chính người Mỹ dàn xếp trước.  Chiếc gunship có mặt tại địa điểm hành quân này là do chính Ðại Tá Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Ðô, là người chỉ huy toàn bộ mặt trận tại Thủ Ðô, sau khi đến duyệt xét tình hình tại Bộ Chỉ Huy của Liên Ðoàn 5 BÐQ tại Trường Phước Ðức, đã gọi điện thoại về Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn III yêu cầu.  Ngoài ra, cũng chính Ðại Úy Trưởng Ban 3 (phụ trách về hành quân) của Tiểu Ðoàn 30 BÐQ đang hành quân trong khu vực giao tranh và có mặt trên gunship cung cấp tọa độ tác xạ cho phi công của gunship.  Và tọa độ này thì do chính vị Liên Ðoàn Trưởng Liên Ðoàn 5 BÐQ báo cho biết.  Và chính vị Liên Ðoàn Trưởng này cũng đã tử thương trong vụ bắn lầm.  Như vậy, cả 2 giả thuyết về “thanh toán chính trị” và “nghi ngờ có âm mưu của người Mỹ” đều không có cơ sở vững chắc.  Chúng ta có thể tin đây thật ra chỉ là một vụ oanh kích lầm.  Sở dĩ có dư luận về một cuộc thanh toán chánh trị là vì 3 lý do sau đây: 1) Biến cố xảy ra đúng vào giai đoạn Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu bắt đầu tìm cách nắm lại quyền hành bằng cách thay người của ông Kỳ bằng người của ông; 2) Những vị sĩ quan bị tử nạn và bị thương đều là người thân cận với Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ; và 3) Sự có mặt của nhiều người trong số họ tại hiện trường trong thời điểm đó không thể giải thích được.            

Ghi Chú:

  1. Lâm Vĩnh Thế, “Công điện mật của CIA ngày 06-03-1968,” trong Bạch hóa tài liệu mật của Hoa Kỳ về Việt Nam Cộng Hòa.  Hamilton, Ont.: Hoài Việt xuất bản, 2008. Tr. 77-93.
  2. 29 năm … nhìn lại II: sự kiện Trường Trung học Phước Ðức, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây:  http://www.bietdongquan.com/baochi/munau/so12/haichinnam.html
  3. Ðặng Kim Thu, SĨ quan tùy viên của một đại tướng, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: http://www.bietdongquan.com/baochi/munau/so36/syquantuyvien.htm