Viên kẹo đường, ngậm hoài chẳng tan

Vưu Văn Tâm

Nhân buổi họp mặt kỷ niệm ngày thành lập con tàu Cap Anamur và ủy ban cứu giúp người vượt biển, Tám còn đang say sưa ngắm nghía những tấm ảnh triễn lãm thuyền nhân dán trên một mảng tường lớn thì nghe được từ phía sau lưng một giọng nói ấm áp :

– Em ơi, em có phải đi tàu 95/695 không ?

Quay lại hướng có âm thanh vừa phát ra, Tám nhìn thấy một người đàn ông ăn mặc lịch sự với gương mặt khá quen thuộc ẩn sau đôi kính trắng thật dày. Chỉ trong thoáng giây, Tám đã gọi tên anh, nhớ luôn cả họ và chữ lót .. Từ miền bắc California xa xôi, anh có chút công việc ở các nước Tây Âu và nán lại tham dự ngày họp mặt. Hai anh em mừng rỡ ôm chầm lấy nhau và câu chuyện của hai mươi ba năm về trước cứ tuôn ra như những mạch nước ngầm, như những dòng sông đang rủ nhau hội tụ về biển lớn.

Chất giọng Huế ấm áp và chân tình của anh đã đưa Tám đi ngược dòng thời gian và những chập chùng kỷ niệm của một thời quá khứ xa xôi như chợt bừng sống lại. Một chuyến ra khơi, rủi may đều được định đoạt trên số phận của mỗi con người. Anh xin Tám cái địa chỉ và hứa sẽ gửi cho Tám tấm hình chụp chiếc ghe vượt biển năm xưa. Trước phút chia tay, anh cũng dúi vào tay Tám cái đĩa hình ảnh (DVD) tư liệu về con tàu Cap Anamur làm kỷ niệm.

Vài tuần lễ sau đó, như anh đã hẹn, Tám nhận được một bì thư khổ lớn gửi từ thung lũng hoa vàng. Tấm hình màu được in rõ nét với những khuôn mặt khốn khổ chợt vui mừng như vừa được thoát xác. Tin vui chợt đến giữa phút giây tuyệt vọng đối diện với tử thần. Những câu chuyện ngỡ đã đi vào quên lãng chợt sống lại như chỉ mới hôm qua, dù bụi thời gian đã phủ lên cuộc đời của Tám một màu tro lạnh.

**

Con bé gái chừng năm, sáu tuổi nằm suỗi chân tay trong khoan ghe chật hẹp, nóng hầm. Mồ hôi ướt đẫm trên má, trên môi và se mái tóc dài ngang lưng thành những chùm dính kết, rối nùi. Gương mặt bé xanh xao như tàu lá vì say sóng. Chiếc ghe vẫn căng buồm theo hướng gió và lướt đi chầm chậm giữa một vùng biển lớn, mênh mông. Con bé quay đầu qua một bên và hình như không còn sức để la khóc. Nó ọe lênh láng lên người Tám giữa khi con sóng biển có ngọn trắng xóa và cao hơn mấy cái đầu người đang hung hăng, dũng mãnh ngoài kia. Người mẹ với gương mặt đầy dao kéo thẩm mỹ ngước lên nhìn Tám ngại ngùng và nói lời xin lỗi. Cơn đói, khát và say sóng khiến cho Tám cũng không phản ứng hay nói được lời nào. Chị nhanh tay lấy từ trong cái giỏ xách nhỏ xíu móc ra một viên kẹo bé xíu như đầu ngón tay út và dúi vào tay Tám. Chị cười gượng gạo và nói nhỏ :

– Em ăn đi !

Lên trại tị nạn, thỉnh thoảng hai chị em có dịp gặp lại nhau, lúc đi nhận thư hay ở lớp học ESL, Tám cứ nhắc hoài viên kẹo ngày đó. Với giọng nói dịu dàng như lần trên ghe vượt biển, chị ân cần :

– Trời đất, có cục kẹo nhỏ xíu mà em cứ nhắc hoài !

Sau này, Tám mới biết được, chị là phu nhân của tướng Lê Văn Hưng. Chị thuộc diện được cứu xét “ưu tiên” nên chỉ lưu trú ở trại tị nạn trong thời gian khá ngắn ngủi rồi được chuyển sang trại khác để sớm lên đường đi định cư.

Ở đời này, hình như niềm vui luôn song hành với nỗi buồn. Nhớ về những ngày tháng xa xưa, lắm khi Tám buồn rơi tuôn nước mắt nhưng cũng có những niềm vui như những viên kẹo đường, ngậm hoài chẳng tan và giúp mình bước đi tiếp tục giữa cuộc sống lưng chừng, sấp ngửa.

04.07.2021