Có nhiều bài viết về Đại Học Y Khoa Saigon, chúng tôi muốn ghi lại nơi đây những nét chính về ngôi trường thân thương của chúng tôi và những kỷ niệm về ngôi trường cũ mà hơn 50 năm trước, chúng tôi đã may mắn tốt nghiệp từ trường này.

I. TRỤ SỞ:

Lúc đầu trụ sở của trường ở số 28 đường Testard thuộc Quận 3 Saigon, sau năm 1955, tên đường được đổi thành Trần Quý Cáp, tên một vị chí sĩ từng góp công tranh đấu chống Pháp trong Phong Trào Cần Vương. Trụ sở này là một biệt thự của gia đình BS Henriette Bùi, nữ bác sĩ y khoa đầu tiên. Bà là con gái của ông Bùi Quang Chiêu, Nghị viên Hội Đồng Quản Hạt Nam Kỳ. Gia đình bà đã hiến tặng biệt thự này để làm trụ sở ban đầu cho Trường Đại học Y Khoa Saigon. Trường là một biệt thự hai tầng: tầng trên làm văn phòng Khoa Trưởng, phòng Hội Đồng Giáo sư và cũng là nơi các sinh viên trình luận án-tầng dưới dành cho văn phòng hành chánh, phòng hội và thư viện. Lúc đầu trường chỉ gồm có khu nhà chính, sau này mới xây thêm các dẫy nhà sau nơi khu vườn rất rộng và các cấu trúc này được sắp xếp theo hình chữ U, gồm phòng ghi danh cho sinh viên, phòng hành chánh, hai giảng đường lớn và một giảng đường nhỏ…

Chúng tôi được học lý thuyết nơi đây vào buổi sáng, từ 7-9 giờ sáng rồi sau đó đi thực tập lâm sàng tại các bệnh viện từ 9:30-12 giờ trưa. Phần thực tập các môn căn bản thì chúng tôi phải chạy đến các địa điểm khác như sau: Sinh Hóa học ở phòng thí nghiệm bệnh viện Đô Thành (nay là bệnh viện Sài Gòn); Vật lý ở Viện Ung thư Quốc gia; Sinh lý học, Ký sinh trùng, Mô học ở phòng thí nghiệm đường Trần Hoàng Quân; Vi trùng học ở viện Pasteur; cuối cùng là Cơ thể học (ở viện Cơ Thể đường Trần Hoàng Quân).

Sau này, năm 1966, trụ sở trường được dời về Trung Tâm Giáo Dục Y Khoa với hai phân khoa là Đại Học Y Khoa và Đại Học Nha Khoa Saigon tại số 217 Đại Lộ Hồng Bàng, bên kia là Đại Lộ Hùng Vương, nơi có Bảo Sanh Viện Hùng Vương và Trường Trung Học Chu Văn An, ngay trước cửa nhà thờ Ngã Sáu Chợ Lớn.

Trung Tâm Giáo Dục Y Khoa Saigon ngày đó gồm ba phần: Building 1, ở ngay mặt trước Đại Lộ Hồng Bàng gồm có Phòng Khoa Trưởng, Văn Phòng Hành Chánh và một Giảng Đường nhỏ (Giảng Đường A); trên lầu 2 là Phòng thực tập mổ xác (Cơ Thể học) của GS Nguyễn Hữu và GS Trần Anh; lầu 3 có phòng thí nghiệm Sinh Lý Học của GS Trần Vỹ; lầu 4 có các phòng thí nghiệm như Dược Liệu,… Building 2 gồm có Đại Giảng Đường, Thư viện và Quán cơm Sinh viên. Building 3 có cổng ra đường Nguyễn Trãi, gồm bốn lầu: Lầu 1 là trụ sở Đại Học Nha Khoa; lầu 2 là Khu Cơ Thể Bệnh Lý và Mô Học; lầu 3 là Khu Vi Trùng Học và Ký Sinh Trùng Học, lầu 4 là Khu Sinh Hóa của BS Bùi Duy Tâm và Văn Phòng Hội Y khoa Hoa Kỳ (American Medical Association, AMA) của các bác sĩ Hoover, Ira Singer,…

Đội ngũ nhân viên giảng huấn được sắp xếp theo 5 cấp:

-Giáo Sư Thực Thụ (Professeur tiltulaire)

-Giáo Sư Diễn Giảng (Professeur délégué)

-Giáo Sư Ủy Nhiệm (Professeur fonctionnel)

-Giảng Sư (Chargée de Cours)

-Giảng Nghiệm Trưởng (Assistant chef)

-Giảng Nghiệm Viên (Assistant)

Những người tốt nghiệp đại học có thời gian học dưới 7 năm (Dược Sĩ, Cử Nhân, Kỹ Sư,…) thi đậu kỳ thi tuyển giảng viên của nhà trường, sẽ được bổ nhiệm Giảng Viên.

Những người tốt nghiệp đại học có thời gian học 7 năm (Bác Sĩ), thi đậu kỳ thi tuyển giảng viên của nhà trường, được bổ nhiệm Giảng Nghiệm Trưởng.

Những người tốt nghiệp Tiến Sĩ, thi đậu kỳ thi tuyển giảng viên của nhà trường, hoặc những Giảng Nghiệm Trưởng có công trình nghiên cứu khoa học và thâm niên giảng dạy, được bổ nhiệm Giảng Sư.

Những Giảng Sư có công trình nghiên cứu khoa học và thâm niên giảng dạy sẽ được bổ nhiệm Giáo Sư Ủy Nhiệm.

Những Giáo Sư Ủy Nhiệm có công trình nghiên cứu khoa học và thâm niên giảng dạy sẽ được bổ nhiệm Giáo Sư Diễn Giảng.

Những Giáo Sư Diễn Giảng có công trình nghiên cứu khoa học và thâm niên giảng dạy sẽ được bổ nhiệm Giáo Sư Thực Thụ.

Từ Giảng Sư trở lên có quyền hướng dẫn Luận Án và tham gia Hội Đồng chấm Luận Án do Trưởng Khoa bổ nhiệm.

Đến niên khóa 1967-1968, Y Khoa Đại Học Đường Saigon có 16 GS thực thụ, 7 GS diễn giảng, 27 giảng sư và 41 giảng nghiệm trưởng-giảng nghiệm viên.

Về hệ thống trợ giảng, có các Nghiệm chế viên (préparateur) cho các bộ môn y học cơ sở. Các nghiệm chế viên này được tuyển hàng năm để trợ giảng cho đội ngũ giảng viên. Ứng viên là các sinh viên y khoa năm thứ 4-6, phải qua một kỳ thi. Nếu được tuyển dụng và chính thức bổ nhiệm, người này sẽ được hưởng một mức lương tương đương 50% lương một bác sĩ mới ra trường. Công việc chính là chuẩn bị và giảng thực tập cho sinh viên, phụ Giáo Sư tiến hành nghiên cứu khoa học (kết hợp làm Luận Án).

Về Nội trú các bệnh viện (Interne des hopitaux): tại các bộ môn lâm sàng có nhu cầu, nhà trường tổ chức thi tuyển nội trú. Ứng viên là các sinh viên y khoa năm thứ 5, thứ 6, phải qua một kỳ thi. Nếu trúng tuyển, ứng viên sẽ chính thức bổ nhiệm và ưu tiên chọn Bộ Môn/Bệnh Viện theo kết quả xếp hạng. Các nội trú vẫn tiếp tục học như các bạn khác trong lớp, phần lớn thời gian của họ là ở bệnh viện để phụ giúp các GS trong giảng dạy lâm sàng và nghiên cứu khoa học (kết hợp làm Luận Án). Khi ra trường, ngoài tước vị Bác sĩ Y Khoa, họ còn có quyền sử dụng tước vị “Cựu Nội Trú Các Bệnh Viện” trong khi hành nghề.

Ngoài ra, còn có các Nội trú Ủy nhiệm (Interne fonctionnel): sinh viên năm thứ 6, nếu có nhu cầu làm việc như Nội trú, có thể xin Giáo sư Trưởng khoa, nếu được chấp thuận, Giám Đốc Bệnh Viện nơi Bộ Môn hợp tác có thể ký quyết định bổ nhiệm, kỳ hạn sáu tháng, có thể gia hạn. Khi ra trường, ngoài tước vị Bác sĩ Y Khoa, họ không được quyền sử dụng tước vị “Cựu Nội Trú Các Bệnh Viện” trong khi hành nghề.

Tóm lại, lúc này Đại Học Y Khoa mới có trường sở rộng rãi, có đủ phòng ốc cho các môn khoa học căn bản như Cơ Thể Học, Sinh Lý Học, Sinh Hóa Học, Mô Học và Cơ Thể Bệnh Lý, Vi Trùng Học, Ký Sinh Trùng Học…

II. CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC Y KHOA:

Chương trình học một năm đầu tiên tại Đại Học Khoa Học và 6 năm y khoa. Từ 1954 đến 1962 muốn vào y khoa phải có chứng chỉ PCB (Physique-Chimie-Biologie) rồi ghi danh vào học; từ 1963 đến 1969, nhà trường tuyển sinh từ Tú Tài 2, sau đó gởi sang Đại Học Khoa Học lấy chứng chỉ APM (Année Pré-Medicine, Dự Bị Y Khoa); từ 1970 đến 1975 đổi từ APM sang SPCN (Science naturelle-Physique-Chimie. Các lớp Khoa Học Y Khoa Căn Bản (năm 1, 2), các lớp Bệnh Lý Y Khoa (năm 3, 4) và các lớp chú trọng về Trị Liệu, sửa soạn cho người bác sĩ ra trường hành nghề, trở thành một bác sĩ thực thụ (năm 5, 6). Các lớp khác (paramedicale) thì học kèm theo tùy hoàn cảnh. Sau đây là các bộ môn và các giáo sư phụ trách:

A.-Năm thứ nhất, năm thứ hai:

Giai đoạn này các sinh viên y khoa được dạy về các môn căn bản y khoa sau đây:

1. Cơ Thể Học: GS Nguyễn Hữu, GS Trần Anh  

2. Sinh Lý Học: GS Trần Vỹ

3. Mô Học: GS Linh Mục Lichtenberger (người Bỉ, Dòng Tên)  

4. Hóa Học: GS Nguyễn Bính Tiên (Tiến Sĩ), GS Lê Xuân Chất (thay thế GS Trương Văn Chôm, nguyên khoa trưởng Dược Khoa)

5. Vật Lý: GS Nguyễn Đình Hoằng (Quang Tuyến)

6. Môn Triệu Chứng Học (sémiologie): Nhiều giáo sư giảng dậy.

Dĩ nhiên cuối năm các sinh viên phải thi lý thuyết và thực hành các môn trên, nhưng không được phép thi rớt ở lại lớp hai năm liền trong suốt sáu năm học.

B.-Năm thứ ba, năm thứ tư: Đây là giai đoạn các sinh viên y khoa được học về các môn nguyên nhân gây bệnh và học những bước hướng dẫn sơ khởi của hành nghề y khoa:

1. Vi Trùng Học: GS Nguyễn Văn Ái, sau này từ năm 1965 có thêm GS. Vũ Quí Đài.  

2. Ký Sinh Trùng Học: BS Lê Văn Hòa (BS Thú Y), và sau này từ năm 1965 có thêm BS Đỗ Thị Nhuận.  

3. Y Khoa Thực Nghiệm (Médicine Expérimentaire): GS Trần Vỹ  

4. Cơ Thể Bệnh Lý: GS Nguyễn Huy Can, GS Đào Hữu Anh…

5. Bệnh Lý Ngoại Khoa: GS Đặng Văn Chiếu, GS Nguyễn Hữu…

6. Bệnh Lý Nội Khoa: Các GS Lê Xuân Chất, Nguyễn Văn Út, Bùi Quốc Hương, Nguyễn Ngọc Huy…  

7. Y Khoa Giải Phẫu (Médecine Opératoire): GS Nguyễn Hữu, GS Trần Anh.  

8. Sản Phụ Khoa: Các GS Nguyễn Văn Hồng, Hoàng Ngọc Minh, Vũ Thiện Phương  

9. Bệnh Lý Tổng Quát: GS Pièrre Caubet Ở năm thứ 3, các sinh viên phải thi lý thuyết và thực tập các môn Vi Trùng Học, Ký Sinh Trùng Học, Cơ Thể Bệnh Lý và Y Khoa Thực Nghiệm. Còn năm thứ 4, phải thi Bệnh Lý Nội Khoa, Bệnh Lý Ngoại Khoa, Bệnh Lý Tổng Quát, Sản Phụ Khoa, Nhi Khoa và thực tập (môn Y Khoa Giải Phẫu – Médecine opératoire)

C.Năm thứ năm:

1. Trị liệu học: Nhiều giáo sư dạy (lúc trước do GS Rivoalen phụ trách)

2. Dược Liệu Học (pharmacology): do BS kiêm DS Nghiêm Xuân Huỳnh phụ trách.

3. Y Khoa Phòng Ngừa (Médecine Préventive): BS Phan Quang Đán

4. Déontology: GS Nguyễn Đình Cát.

5. Y Khoa Pháp Lý (Médecine Légale): BS Đỗ Thanh Mai.

Từ năm thứ 5 đến năm thứ 6, sinh viên nếu giỏi và muốn trở thành giáo sư y khoa, các sinh viên có thể xin thi tuyển vào làm nội trú các bệnh viện, có phòng riêng ở trong bệnh viện và “có lương căn bản” nên không phải lo lắng về vấn đề tài chánh sinh sống, suốt ngày “lăn lóc trong bệnh viện”, yên tâm học hành và phục vụ bệnh nhân.

Dĩ nhiên, cuối các năm thứ 5 và thứ 6 cũng có các kỳ thi lý thuyết và thực hành các môn học và năm thứ sáu có kỳ thi viết và vấn đáp về bệnh lý nội thương, ngoại thương và sản phụ khoa và sửa soạn luận án để trình cho Hội Đồng Giám Khảo để lấy Bằng Tiến Sĩ Y Khoa (tiến sĩ quốc gia) sau khi hoàn tất năm học thứ 6.

D.-Năm thứ sáu: Là năm chót, coi như sinh viên y khoa lúc này đã “trưởng thành” với đầy đủ kiến thức y khoa, chỉ còn học thêm về điều trị học và kinh nghiệm xử trí của các thầy và các bác sĩ đàn anh, đàn chị. Sau khi trình luận án, các sinh viên y khoa đã trở thành Tiến Sĩ Y Khoa Quốc Gia, có quyền mở phòng mạch tư hay bệnh viện tư. Vì nhu cầu chiến tranh, các bác sĩ hiện dịch (của Trường Quân Y) và các bác sĩ dân sự trưng tập (nhập ngũ) (chỉ vài người được hoãn dịch vì lý do gia cảnh (con trai một) hay lý do “nhu cầu” đặc biệt), nên các bác sĩ chưa trình luận án cũng được quyền hành nghề y khoa và đảm nhiệm nhiều chức vụ đặc biệt trong ngành y khoa (quân y và dân y).

III. SAU ĐÂY LÀ CÁC CƠ CẤU TỔ CHỨC VÀ CÁC GS, BS LÃNH ĐẠO (TRƯỞNG KHU):

1. Khoa Trưởng: GS Phạm Biểu Tâm

2. Trưởng Khu Giải Phẫu A: GS Trần Quang Đệ, kế đến là GS Đặng Văn Chiếu.  

3. Trưởng Khu Giải Phẫu B: GS Phạm Biểu Tâm

 4. Giám Đốc Cơ Thể Học Viện: GS Nguyễn Hữu (đi sang Pháp) và GS Trần Anh thay thế

5. Trưởng Khu Nhãn Khoa: GS Nguyễn Đình Cát, Nguyễn Ngọc Kính (GS Diễn giảng) 

6. Trưởng Khu Ung Thư: GS Đào Đức Hoành

7. Trưởng Khu Cơ Thể Bệnh Lý: GS Nguyễn Huy Can, GS Đào Hữu Anh (GS Diễn Giảng)

8. Trưởng Khu Nhi Khoa: Các GS Phan Đình Tuân, Phạm Gia Cẩn, Vũ Thị Thoa, Trương Thị Bạch  

9. Trưởng Khu Tim Mạch: GS Nguyễn Ngọc Huy

10. Trưởng Khu Ngoài Da, Hoa Liễu: GS Nguyễn Văn Út  

11. Trưởng Khu Nội Khoa A: GS Nguyễn Ngọc Huy  

12. Trưởng Khu Nội Khoa B: GS Trần Lữ Y (Louis)  

13. Trưởng Khu Sản Khoa: GS Nguyễn Văn Hồng  

14. Trưởng Khu Niệu Khoa: GS Ngô Gia Hy  

15. Trưởng Khu Tai Mũi Họng: GS Trương Minh Ký (GS Diễn giảng)

16. Trưởng Khu Quang Tuyến: GS. Nguyễn Đình Hoằng, GS Liễu Thanh Tâm, GS Trần Thế Nghiệp (GS Diễn giảng)  

17. Trưởng Khu Phế Khoa: GS Pierre Hautier, GS Lê Quốc Hanh (GS Diễn giảng)

IV. CÁC KHOATRƯỞNG VÀ CÁC BIẾN ĐỘNG CHÍNH TRỊ:

Trong thời gian tôi học, các vị sau đây đã lần lượt làm khoa trưởng:

1. GS Phạm Biểu Tâm (1954-1967): BS chuyên về giải phẫu, GS là học trò giỏi của GS Huard từ Đại Học Y Khoa Hà Nội. Ông sinh năm 1913 tại Huế, là con của cụ Tiến Sĩ Phạm Hữu Văn, gốc tỉnh Bến Tre, được triều đình bổ làm Án Sát tỉnh Nghệ An. GS Phạm Biểu Tâm theo học Y Khoa Hà Nội từ năm 1933 tới năm 1940, nội trú các bệnh viện từ năm 1939 tới năm 1947 và đỗ Thạc Sĩ Y Khoa (Agrégé) năm 1948. GS Phạm Biểu Tâm còn là một cựu hướng đạo sinh gương mẫu, tháo vát; trong ngành y khoa, ông là một bác sĩ giải phẫu rất giỏi và là một giáo sư tận tâm, gương mẫu, luôn tận tâm săn sóc các bệnh nhân và hướng dẫn dạy dỗ sinh viên hết lòng. GS Tâm rất có lòng với học trò, các sinh viên hiếu học và nghèo. Chính GS Tâm đề nghị cho tôi được học bổng Bộ Giáo Dục và phần thưởng của Hội Rotary Club (1965), nhưng oái oăm thay ông đã bị bãi nhiệm vào ngày 30-1-1967 sau gần 13 năm làm Khoa Trưởng. Sau đó, GS Phạm Biểu Tâm vẫn phục vụ tại trường Y Khoa với tư cách là GS Giải Phẫu, Trưởng Khu Giải Phẫu B. Sau năm 1975, GS Phạm Biểu Tâm vẫn tiếp tục giảng dậy và được kính nể vì tài năng và nhân cách. GS Phạm Biểu Tâm về hưu năm 1984, sau đó sang định cư tại Mỹ. GS Phạm Biểu Tâm mất năm 1999, hưởng thọ 86 tuổi tại Nam California.

2. Ngũ Đầu Chế Y Khoa (1967-1968)

Sau khi GS Phạm Biểu Tâm bị bãi nhiệm bởi Thủ Tướng Nguyễn Cao Kỳ năm 1967, một Ủy Ban 5 Người (ngày ấy được gọi là Ngũ Đầu Chế) Hội Đồng Khoa Trưởng được chỉ định điều hành thay thế GS Phạm Biểu Tâm theo nghị định của Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương, (Thủ tướng) Nguyễn Cao Kỳ ký. Năm người trong Ngũ Đầu Chế gồm GS Trần Anh, GS Ngô Gia Hy, GS Nguyễn Ngọc Huy, BS Nguyễn Thế Minh và BS Lê Minh Trí. Đến tháng 5, 1967 GS Ngô Gia Hy được bầu lên thay là vị Khoa Trưởng thứ 3….

3. GS Ngô Gia Hy (1967-1969): Đến tháng 5, 1967 GS được bầu lên làm Khoa Trưởng. GS Ngô Gia Hy sinh năm 1914 tại Hà Nội, tốt nghiệp, trình luận án năm 1948 và đỗ Thạc Sĩ Y Khoa năm 1962 và là Giáo sư thực thụ, làm trưởng khu Khu Niệu Khoa Đại Học Y Khoa và Trưởng Khu Bệnh Lý Niệu Khoa Bệnh Viện Bình Dân. GS Ngô Gia Hy là một nhân vật ôn hòa và có uy tín nên khi nền Đệ Nhị Cộng Hòa được thành lập, ông được mời tham gia Thượng Hội Đồng Quốc Gia của cụ Phan Khắc Sửu vào năm 1965. Vì thế GS Hy đã giao toàn quyền Khoa trưởng cho GS Vũ thị Thoa. GS Ngô Gia Hy là một vị bác sĩ tài giỏi, tận tâm, lãnh đạo khu Niệu Khoa tại bệnh viện Bình Dân cho tới 30-4-1975. GS Ngô Gia Hy mất năm 2004 tại Saigon.

4. BS Phạm Tấn Tước (1969-1970): BS Phạm Tấn Tước, người miền Nam, nguyên là Y Sĩ Thiếu Tá thuộc binh chủng Hải Quân. BS Phạm Tấn Tước tốt nghiệp bác sĩ Đại Học Y Khoa Saigon 1948, nguyên Y Sĩ Trưởng, Trưởng Khối Quân Y Hải Quân 1956-1958. Nguyên Bác Sĩ điều trị bệnh viện Chợ Rẫy, chuyên khoa về Gan và Bộ Tiêu Hóa, GS Ủy Nhiệm. 

BS Tước được bầu vào chức vụ Khoa Trưởng Đại Học Y Khoa vào ngày 12/11/1968 dưới thời Bộ Trưởng BS Lê Minh Trí. Thông thường chức vụ khoa trưởng phải là một giáo sư thực thụ, lâu năm, trong khi BS Tước mới chỉ là Giảng Sư và mới được nâng ngạch lên Giáo Sư Ủy Nhiệm (Professeur Délégué).

GS Phạm Tấn Tước nhậm chức thì tình hình yên ổn. Ông rất vui mừng và hoạt động hăng say, nhưng chỉ độ năm tháng sau thì tình hình xẩy ra tại Đại Học Y Khoa rất xáo trộn, nhiều khủng hoảng… Ngày thi cuối năm niên khóa 1969- 1970 phải hoãn mấy lần.

Lúc đó xẩy ra vụ sinh viên năm thứ 6 niên khóa 1968- 1969 phản đối không chịu thi môn Nhi Khoa ở năm chót, kỳ thi phải dời lại nhiều lần. Rồi GS Khoa trưởng Tước bị phản đối và tố cáo nhiều chuyện, đòi Giáo sư Tước từ chức. Chính quyền không can thiệp vào trường y khoa vì nguyên tắc các trường Đại Học có quy chế tự trị từ thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm nên cuộc tranh đấu đòi GS Tước từ chức cũng chẳng đi đến đâu. Sau GS Tước được bổ nhiệm về Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát đảm nhiệm chức vụ Phụ Tá đặc trách y tế. Vì nhu cầu chiến tranh, ngành Cảnh Sát tăng nhân số lên rất nhiều, trên 100 ngàn người. Lúc đó, GS Tước từ chức khoa trưởng vào cuối năm 1970 để qua ngành Cảnh Sát.

Tôi không thường gặp GS Phạm Tấn Tước nhưng biết ông là người hiền lành, không có thủ đoạn nhưng ông bị nhiều “oan trái”. Sau 30-4-1975, ông di tản sang Hoa Kỳ và sau này mất tại Hoa Kỳ.

5. GS Đào Hữu Anh (1970-1971)

Khi GS Phạm Tấn Tước làm khoa trưởng thì có hai Phó Khoa Trưởng là GS Đào Hữu Anh và GS Nguyễn Phước Đại. Cho đến tháng 12/ 1970 thì GS Phạm Tấn Tước từ nhiệm, sang phục vụ tại Khối Y Tế của Lực Lượng Cảnh Sát, GS Đào Hữu Anh lên làm quyền Khoa Trưởng cho đến khi bầu được vị khoa trưởng khác lên thay là GS Đặng Văn Chiếu. Trong thời gian GS Đào Hữu Anh làm quyền Khoa Trưởng, trường Đại học Y Khoa có vẻ “yên bình” không có gì xáo trộn.

GS Đào Hữu Anh sinh năm 1933, cùng tuổi, cùng lớp với GS Vũ Quí Đài, học Đại Học Y Khoa Hà Nội và Saigon (1952-1959), Quân Y Hiện Dịch Khóa 5 (1959). Năm 1965, BS Đào Hữu Anh tốt nghiệp American Board of Pathology của Mỹ. Về nước năm 1965 làm Phó Khu Cơ Thể Bệnh Lý dưới quyền GS Nguyễn Huy Can và lên chức Trưởng khu từ năm 1972-1975. Di tản sang Mỹ từ tháng 4/1975 và làm GS diễn giảng về Cơ Thể Bệnh Lý ở Đại Học Y Khoa Vanderbilt, tiểu bang Tennessee cho tới ngày về hưu…

Tôi có được làm việc dưới quyền BS Đào Hữu Anh tại Trường Đại Học Y Khoa Saigon. Ông là một người hiền lành, dễ mến. Chính GS Anh đã giới thiệu tôi với GS Nguyễn Huy Can, trưởng khu Cơ Thể Bệnh Lý, để tôi được làm việc nơi đây với GS Nguyễn Huy Can.

6. GS Đặng Văn Chiếu (1971-1974) Sau GS quyền Khoa trưởng Đào Hữu Anh thì Hội Đồng Khoa đã bầu GS Đặng văn Chiếu lên làm Khoa trưởng vào cuối năm 1971. GS Đặng Văn Chiếu sinh năm 1919 tại Cần Thơ, cựu học sinh Petrus Ký, tốt nghiệp Đại Học Y Khoa Saigon năm 1949, ông là đệ tử ruột của GS Trần Quang Đệ, rất giỏi về giải phẫu mặc dầu ông không có đi tu nghiệp hay thi bằng Thạc Sĩ nhưng nổi danh là một bác sĩ giải phẫu lỗi lạc, đức độ nên được mọi người kính mến. Ông là chuyên gia về thần kinh sọ não, và làm Giám Đốc Bệnh Viện Vì Dân từ năm 1974 (do bà Nguyễn Văn Thiệu vận động xây dựng). Ông có nhiều con trai gái, dâu rể là bác sĩ và ba con gái tốt nghiệp nha sĩ. Khi VC tấn chiếm Saigon, GS Đặng Văn Chiếu đã đem gia đình sang Mỹ và là BS chuyên Giải phẫu thần kinh ở Fresno, California. GS từng ký chứng nhận cho các bác sĩ đàn em và học trò để thi Educational Commision Foreign Medical Graduates (ECFMG), bằng tương đương bác sĩ của Mỹ.

Trong nhiệm kỳ khoa trưởng của ông, mọi chuyện yên bình, ổn thỏa vì ông là người hiền lành, nhã nhặn, được lòng Hội Đồng Khoa, Ban Giảng Huấn và sinh viên.

GS Đặng văn Chiếu qua đời năm 2004 tại California.

7. GS Vũ Quí Đài (1974-1975)

GS Vũ Quí Đài coi như khởi đầu của các bác sĩ ảnh hưởng của y khoa Mỹ, dù rằng trước kia ông cũng là những bác sĩ tốt nghiệp ngành y khoa ảnh hưởng Pháp. Sau khi GS Vũ Quí Đài được Hội Đồng Khoa bầu vào chức vụ Khoa Trưởng vào tháng 12/1974. Nhiệm kỳ chính thức của ông là 1974-1977.

Bác sĩ Vũ Quí Đài sinh năm 1933, học Đại Học Y Khoa Hà Nội và Saigon (1952-1959), nguyên nội trú các bệnh viện, trình luận án năm 1960. Quân Y Hiện Dịch Khóa 5, du học Mỹ tốt nghiệp Ph.D năm 1964, về nước năm 1965, ông làm Giảng Sư Đại Học Y Khoa rồi Giáo Sư Thực Thụ, Trưởng Khu Môn Vi Trùng Học từ 1965 tới 1975.

Sau ngày 30-4-1975, GS Vũ Quí Đài bị đi tù cải tạo vì là Y Sĩ Trung Úy Hiện Dịch, được biệt phái về dậy tại trường Đại học Y Khoa. Sau khi tù cải tạo về, ông được trở lại trường cũ và tiếp tục dậy học (chuyên môn) cho đến năm 1982 thì được con bảo lãnh sang Mỹ theo diện Đoàn Tụ Gia Đình (ODP).

V. MỘT VÀI KỶ NIỆM VỚI CÁC GS TẠI ĐẠI HỌC Y KHOA

Ngoài hai giáo sư Nguyễn Văn Út và Vũ Thiện Phương mà tôi có dịp cận kề làm việc, tôi còn có dịp làm việc với các giáo sư và có một số kỷ niệm với các giáo sư sau đây:

1. GS Nguyễn Hữu: Những ai học Đại Học Y Khoa từ lúc trường di cư vào Nam tại Saigon cho đến năm 1968, không ai là không biết GS Nguyễn Hữu. Ông là một giáo sư về Cơ thể học và tận tụy với nghề, luôn giảng dậy kỹ càng và tận tâm chỉ dẫn thêm cho các sinh viên học trò. Tiếng ông giảng lớn mạnh, ai cũng nghe được và sau này theo gương ông trong tinh thần phục vụ bệnh nhân và học trò. Ông lợi dụng dịp đi dự Hội Nghị ở Luân Đôn, Anh, ông xin tị nạn chính trị ở Pháp rồi trở thành GS Đại Học Y Khoa Brest. Ông mất tháng 10 năm 2008. Ông có trí nhớ rất dai và rất tài. Ông thuộc lòng cuốn Anatomie Humaine (Tête Et Cou) Rouvière và Delmas. Khi gặp ai rồi, ông nhớ tên các người đó rất rõ, ngay cả nickname của tôi. Khi tôi gặp thầy vào năm 1995 tại San Jose sau bao năm xa cách. Tôi chào thầy, thầy nhớ ra ngay, hỏi: “Phải Nam S. không?” Và tôi trả lời: “Thưa  thầy phải.” và thầy cười xòa. Khi thầy mất, chúng tôi có xin một một lễ cầu siêu cho thầy tại San Jose.  

2. GS Trần Anh: GS Trần Anh sinh năm 1921. Phải nói rằng ai đã học ngành y khoa đều phải biết GS Trần Anh vì GS là một trong các bác sĩ được đào tại từ trường Đại Học Y Khoa Hà Nội, theo kháng chiến đến năm 1950 mới về Hà Nội, trình luận án (1950) và từng giữ chức vụ Chỉ Huy Trưởng Trường Quân Y Việt Nam Cộng Hòa. Ông đậu Thạc Sĩ Y Khoa Pháp, Giáo sư thực thụ Đại Học Y Khoa về môn Cơ Thể Học. GS từng nghiên cứu thêm về Nhân chủng học cho nên ông dậy lớp Nhân Chủng Học tại Đại Học Văn Khoa Saigon. Khi BS Lê Minh Trí làm Tổng Trưởng Giáo Dục, GS Trần Anh được đề cử làm Quyền Viện Trưởng Viện Đại Học Saigon (thay thế GS Trần Quang Đệ) với GS Vũ Quí Đài làm phụ tá Viện Trưởng.

Là một giáo sư tận tụy với nền giáo dục y khoa, luôn quan tâm đến học trò và tận tụy dậy dỗ học trò, làm việc chăm chỉ, thân mật lo lắng cho sinh viên, han hỏi sinh viên. Khi dậy học thì ông đã đụng vào ổ kiến lửa là các sinh viên cộng sản, nhóm Dương Văn Đầy, nên bị ám sát một cách oan uổng. Tôi còn nhớ vào cuối tháng 1/1969, tôi đem cuốn luận án tôi đã viết xong để ông ký, ông là Chánh Chủ Khảo kỳ trình luận án vào tháng 3/1969. Ông thấy tôi liền ngoắc tôi vào phòng và ký ngay cho tôi. Khi tôi hỏi thăm, ông khuyên tôi một đôi điều. Khi tôi ra về, ông còn “tâm sự” với tôi là ông “đã tận tụy với nghề nghiệp với học trò mà vẫn có kẻ hăm dọa sẽ giết ông”. Ông khuyên tôi nên cẩn thận và nếu có gì cần thì cũng không nên gặp ông nữa. Sau đó hai, ba tuần ông bị ám sát. Cuộc đời của ông cũng chịu nhiều “oan trái”.

3. BS Lê Minh Trí: BS Lê Minh Trí được thủ tướng Trần Văn Hương bổ nhiệm làm Tổng Trưởng Bộ Văn Hóa-Giáo Dục. BS Lê Minh Trí khi nhậm chức Tổng Trưởng Giáo Dục muốn trong sạch hóa vấn đề du học nên cương quyết ngăn chặn không cho các sinh viên con nhà giầu muốn mượn cớ du học để trốn quân dịch. BS Lê Minh Trí đã xé bỏ nhiều nghị định cho phép du học của các bộ trưởng tiền nhiệm, ông gọi các sinh viên xin du học là “con ông cháu cha” và ký nghị định thay thế “chú trọng đến giới con nhà nghèo”. Ông cũng hay đến thanh tra các trường trung học, đại học một cách bất thường, không báo trước. Khi ông đến nơi, ông để ý quan sát cách làm việc của các trường và gặp các vị Khoa trưởng, Hiệu trưởng… Vị nào không có mặt thì ông ký nghị định cách chức vì cho là thiếu tinh thần trách nhiệm. Tội nghiệp GS Trần Văn Thứ, Hiệu trưởng Petrus Ký (bố của BS Trần Minh Yến (YK68), là một GS được nhiều người mến mộ, bị đau nặng, không trình diện ông được. GS Thứ bị cách chức hiệu trưởng Petrus Ký một cách oan uổng. Vì quá thẳng thắn, bộc trực nên BS Lê Minh Trí bị nhiều phe phái ghét…, và sau nầy bị ám sát.

4. GS Trần Vỹ: GS Trần Vỹ là người Huế, sinh năm 1920. Ra Bắc học Y Khoa Hà Nội khóa 1939-1946, cùng khóa với GS Nguyễn Hữu, BS Nguyễn Lưu Viên. Ông thuộc gia đình danh giá, thân phụ là cụ Trần Kinh, Đốc Học Quảng Bình, nhạc phụ là Tổng Đốc Quảng Ngãi. Ông rất hiền lành, không hách dịch, dù ở chức vụ Bộ trưởng. Tôi có dịp làm việc với thầy khi thầy là chủ tịch Hội Bác sĩ Công giáo Việt Nam. Tham gia kháng chiến từ 1945-1950, bỏ vào Miền Nam năm 1951, đi du học Pháp, đậu Thạc Sĩ Y Khoa và Tiến Sĩ Khoa Học năm 1955. Khi về nước, ông được TT Ngô Đình Diệm bổ nhiệm làm Bộ Trưởng Y Tế (1956­1961) thay thế GS Vũ Quốc Thông. Sau này, ông được cử làm Tổng Giám Đốc Trung Tâm Khảo Cứu Quốc Gia (1961-1965) và là Giáo Sư Thực Thụ trường đại học Y khoa đến 30-4-1975. GS Trần Vỹ có một người con trai tên Trần Tự cũng là bác sĩ, học cùng lớp với BS Nguyễn Xuân Ngãi (YK 74).

GS Trần Vỹ có tham gia chính quyền Việt Nam Cộng Hòa nên cũng bị đi “tù cải tạo” từ năm 1975-1979. Ông từng là chủ tịch Lực Lượng Nhân Dân Kiến Quốc thời Việt Nam Cộng Hòa. Khi mãn tù, ông không được trở lại dạy tại Đại Học Y Khoa, vợ ông là BS Nguyễn Thị Vinh và con là BS Trần Tự mở chung phòng mạch để có phương tiện sinh sống. Nhà cửa của ông bị VC tịch thu mất cả. Năm 1989, gia đình ông được định cư tại Pháp, thoát khỏi cảnh khó khăn dưới chế độ cộng sản. Ông đã xuất bản hai cuốn sách Prisionier Politique au Viet Nam (Tù Nhân Chính Trị tại Việt Nam) bằng tiếng Pháp và cuốn Saigon- Đời Sống Dưới Chế Độ Cộng Sản (1979­1989) bằng tiếng Pháp, được dịch ra tiếng Việt. Tôi đã giúp thầy tổ chức lễ ra mắt tại San Jose năm 1993. Ông mất năm 1994 tại Pháp, hưởng thọ 74 tuổi.

Trong số các giáo sư Đại Học Y Khoa, ông là người may mắn và thành công nhất trong lãnh vực y khoa và chánh trị nhưng sau năm 1975, ông bị kẹt lại và sống dưới chế độ cộng sản trong sự buồn chán và ông đã dịch sách Thánh Vịnh Công Giáo sang thơ song thất lục bát.

Nhân dịp kỷ niệm sau 50 năm ra trường, tôi xin ghi lại đôi nét về Trường Đại Học Y Khoa Saigon với vài biến động và những kỷ niệm ngày xưa khi theo học, và cũng là một vài tưởng nhớ đến các thầy, các bạn hầu sau này, các thế hệ con cháu biết về ngôi trường và công lao các vị thầy của cha mẹ, ông bà… ngày xưa đã đóng góp như thế nào cho Đại Học Y Khoa Saigon.

Hình các Thầy trong ban Giảng Huấn

Ghi chú: 50 năm qua, nhiều Thầy trong Ban Giảng Huấn đã về cõi vĩnh hằng. Xin được ghi lại một vài hình ảnh của các vị Thầy đáng kính.

Giáo sư PHẠM BIỂU TÂM Khoa trưởng Đại học Y Khoa Saigon (1954- 1967)

Giáo sư NGUYỄN HỮU

Giáo sư Rivoalen – Giáo sư Đào Đức Hoành

Giáo sư Hoàng Tiến Bảo – Giáo sư Phan Đình Tuân

Gíáo sư Nguyễn Hữu, Ông bà Giáo sư Nguyễn Huy Can và Giáo sư Nguyễn văn Ái

Các Giáo sư: Trịnh văn Tuất, Phạm Biểu Tâm, Nguyễn Hữu, Trần Ngọc Ninh và ??

Các Giáo Sư Phạm Biễu Tâm, Nguyễn Đình Cát, ??, Nguyễn Hữu và Trịnh văn Tuất

Giáo sư Đặng văn Chiếu ( khoa trưởng Y Giáo sư Ngô Gia Hy ( Khoa trưởng Y Khoa Khoa (1971-1974) (1967-1968)

Giáo sư Vũ Thị Thoa ( quyền Khoa Trưởng Y Khoa 1967-68)

Giáo sư Đào Hữu Anh ( Khoa trưởng Y Khoa 1970-1971)

Giáo sư Vũ Quí Đài ( Khoa trưởng Y Khoa 1974-1975)

Hình Các Bệnh Viện Thực Tập

Một vài hình ảnh các bệnh viện năm xưa ở Saigon mà khóa YK68 chúng ta đã hằng ngày đi thực tập. Tiếc rằng không tìm thấy hình bệnh viện Nhi Đồng và Nguyễn văn Học.

Bệnh viện Bình Dân Saigon đã được xây cất lại sau khi khóa YKSG68 đã tốt nghiệp

Bệnh viện Hồng Bàng