1) Thân thế và sự nghiệp:

Nguyễn Du là tác giả của “Truyện Kiều” và nhà văn người Đức Johann Wolfgang von Goethe là tác giả kịch thơ “Faust”. Nguyễn Du được người Việt kính trọng tôn xưng là “Đại thi hào” và được UNESCO vinh danh là “Danh nhân văn hóa thế giới” vào năm 2013 cùng 107 danh nhân khác. Nếu người Việt tự hào về Nguyễn Du thì người Đức cũng rất tự hào về nhà văn lớn của họ là Goethe. Theo Viện Nghiên cứu xã hội và phân tích thống kê Đức (Forsa), Geothe được xếp đứng hàng đầu trong danh sách “Những người Đức vĩ đại nhất mọi thời đại“ [1]. Sau đó mới đến vị thủ tướng đầu tiên của Cộng Hòa Liên Bang Đức là Konrad Adenauer (1876-1967) đứng hạng nhì và đứng hạng thứ ba lại là nhà khoa học gia Albert Einstein (1879-1955), cha đẻ của Thuyết tương đối.

Nguyễn Du

Tượng đại thi hào Nguyễn Du ở thị trấn Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh quê hương của ông

Nguyễn Du sinh năm 1765 tại làng Tiên Điền tỉnh Hà Tĩnh và mất năm 1820, thọ được 55 tuổi. Ông sinh trưởng trong một gia đình danh gia vọng tộc. Cha ông là Nguyễn Nghiễm đậu Nhị giáp tiến sĩ, làm quan đến chức Đại Tư đồ (Tể tướng), tước Xuân Quận công thời hậu Lê. Thời thơ ấu của ông không được suôn sẻ có thể nói là lận đận lao đao, khi mới 13 tuổi ông mất cả cha lẫn mẹ, phải về ở với người anh cả cùng cha khác mẹ là Nguyễn Khản. Sau khi Nguyễn Khản bị quản thúc vì vướng trọng tội. Ông phải về ở đậu nhà người bạn của cha mình để được nuôi ăn học. Năm 18 tuổi, ông đậu Tam trường (Sinh đồ). Rồi ra làm quan cho nhà hậu Lê. Lớn lên trong thời tao loạn, Trịnh Nguyễn phân tranh rồi đến khi nhà Tây Sơn nổi lên, ông phải lưu lạc “10 năm gió bụi” nay đây mai đó. Vì muốn trốn vào Nam theo Nguyễn Ánh, ông bị quân Tây Sơn bắt và bị quản thúc một thời gian ở Tiên Điền. Khi nhà Nguyễn thống nhất đất nước năm 1802, ông được vua Gia Long vời ra làm quan. Ông đã từng làm đến chức Cần chánh đại học sĩ, hàng tam phẩm, và được cử đi làm chánh sứ sang nhà Thanh ở Trung Quốc. Tuy làm quan cho nhà Nguyễn, nhưng Nguyễn Du vẫn mang nặng một tấm lòng hoài Lê vì “Trung thần bất sự nhị quân” (Kẻ trung thần không thờ hai vua).

Ông là một người uyên thâm về chữ Hán, giỏi chữ Nôm, tinh thông về thơ phú, âm nhạc, có kiến thức rộng về binh thư, hành chánh và ngoại giao. Ông đã từng được cử làm tri phủ Thường Tín, làm chánh sứ đi qua Trung Quốc. Ông để lại cho hậu thế một số tác phẩm bằng chữ Nôm và cả chữ Hán. Ông là bạn thơ thân tình với nữ sĩ Hồ Xuân Hương.

Có 3 tác phẩm bằng chữ Hán có tính cách tự thuật:

-“Thanh Hiên thi tập”: gồm 78 bài thơ, ông viết về thời kỳ đen tối nhất của mình, thời kỳ “10 năm gió bụi” vì chiến tranh phải lang thang, không nhà, không cửa, lúc đói lúc no, bạn bè không có, tinh thần chao đảo.

-“Nam trung tạp ngâm”: gồm 40 bài thơ, ông viết trong thời gian làm quan ở Huế và Bình Định, nói lên nỗi thất vọng chốn quan trường, nỗi ân hận, day dứt vì theo đuổi công danh mà đánh mất đi chất thanh tao của con người.

-Bắc hành tạp lục: có 131 bài thơ, viết chuyến đi sứ sang Trung Quốc.

Những tác phẩm bằng chữ Nôm gồm có:

-Đoạn Trường Tân Thanh hay còn gọi là Truyện Kiều,

-Văn tế thập loại chúng sinh còn được gọi là Văn chiêu hồn là một ngâm khúc gồm có 184 câu theo thể song thất lục bát,

-Thác lời trai phường nón, 48 câu, được viết bằng thể lục bát,

-Văn tế sống Trường Lưu nhị nữ, 98 câu, viết theo lối văn tế.

Nhưng trên tất cả, “Truyện Kiều” vẫn là một kiệt tác văn học và được lưu truyền rộng rãi nhất trong dân gian, số người “mê Nôm Thúy Kiều” không phải là ít. Nên có câu ca dao ví von:

Mê gì? Mê đánh tổ tôm,

Mê ngựa Hậu bổ, mê Nôm Thúy Kiều.

Johann Wolfgang von Goethe

Johann Wolfgang von Goethe

Johann Wolfgang von Goethe sinh năm 1749 ở Frankfurt am Main và mất năm 1832, thọ 83 tuổi. Như vậy Goethe sống cùng thời với Nguyễn Du. Nguyễn Du sinh sau Goethe 16 năm và mất trước Goethe 12 năm. Goethe sinh trưởng trong một gia đình khá giả, cha là một luật gia và mẹ là con của thị trưởng thành phố Frankfurt. Goethe đã từng học ở đại học Leipzig (Đức), Strassbourg (Pháp) và hành nghề luật sư ở Frankfurt. Cuối năm 1775, ông đến Weimar theo lời mời của công tước Karl August thuộc triều đình Weimar. Goethe được cử làm ủy viên trong hội đồng chính phủ, rồi đến bộ trưởng bộ tài chánh, bộ trưởng bộ chiến tranh. Mặc dù Goethe đã nhìn thấy trước sự sụp đổ của nền quân chủ châu Âu nhưng ông vẫn hợp tác với công tước Karl August cầm quân chống lại quân đội cách mạng Pháp. Goethe không chỉ là một nhà thơ lớn, mà ông còn là một nhà viết kịch, nhà văn thành danh, triết học gia, khoa học gia, chính trị gia tài năng và cũng là một họa sĩ tài hoa của đất nước Đức.

Goethe là một con người đa tài nhưng lại rất đa tình. Ông sống rất mãnh liệt, hưởng thụ hết mình nhưng làm việc cũng hết sức. Goethe đã làm tổng cộng trên 1.600 bài thơ mà phần đông là những bài thơ tình và hình như sau mỗi một cuộc tình đi qua, ông để lại những dấu ấn là những tập thơ tình rất lãng mạn đi từ cảm hứng của cuộc tình yêu say đắm. Trong thời gian học ở Leipzig, ông quen nàng Anna Katharina Schönkopf, được gọi với tên thân mật “Annette“. Để đánh dấu cuộc tình với nàng Annette, Goethe đã cho ra tập “Thơ ca Annette“ (Annette-Lieder) gồm có 19 bài. Rồi đến khi về sống ở Strassburg, ông gặp và yêu cô Friederike Brion, nhân một dịp đi thăm làng Sesenheim. Một tập thơ mang tên “Thơ ca Sesenheim“ (Sesenheimer Liedern) được ra đời, trong đó có những bài thơ nổi tiếng như “Bài ca tháng Năm“ (Mailied) hay “Gặp gỡ và chia ly“ (Willkommen und Abschied). Rồi khi tới Weimar làm việc, ông gặp nàng Christiane Vulpius, một cô gái trẻ đẹp. Tình yêu ập tới và đã làm nguồn cảm hứng cho ông viết tập “Những khúc bi ca La Mã“ (Römische Elegien) gồm 24 bài thơ. Mặc dù sống chung với cô Christiane Vulpius từ năm 1788, có với ông 5 người con, nhưng mãi đến năm 1806 ông mới làm đám cưới với cô.

Goethe là tác giả của 100 tác phẩm từ thi ca, văn xuôi, kịch, phê bình, dịch thuật,… Những tác phấm tiêu biểu nổi tiếng của Goethe như: Kịch “Götz von Berlichingen“ (1773), tiểu thuyết thể thư tín “Nỗi đau của chàng Werther“ (Die Leiden des jungen Werther) (1774), anh hùng ca “Hermann und Dorothea“ (1798), tiểu thuyết “Wilhelm Meisters Lehrjahre“ (1798), kịch thơ “Faust I“ (1808), tiểu thuyết “Die Wahlverwandtschaften“ (1809), kịch thơ “Faust II“ (1832),….. Lúc còn rất trẻ thời gian ở Frankfurt, Goethe viết tác phẩm “Nỗi đau của chàng Werther“, một tiểu thuyết mang tính chất lãng mạng, đã tạo lên một tiếng vang rất lớn ở Đức cũng như ở châu Âu. Geothe cũng là một trong những người tích cực đề xướng và đóng góp cho trào lưu nghệ thuật “Bão táp và xung kích“ (Sturm und Drang) trong thời kỳ “Khai sáng“ (Epoche der Aufklärung) của cuối thế kỷ 18 ở châu Âu. Trào lưu này đưa ra chủ trương xóa bỏ những lý thuyết cứng nhắc, chống lại sự gò ép, giả tạo của xã hội đương thời và đề cao tự do cá nhân, thúc đẩy sự khai phóng và sáng tạo, mở đường cho những cuộc cách mạng văn hóa, xã hội và kỹ thuật. Thời gian ở Weimar, Goethe làm quen được với nhà văn Friedrich Schiller và cùng cộng tác chung một số tác phẩm về thơ văn.

Trong tất cả các tác phẩm của Goethe nổi tiếng nhất vẫn là kịch thơ “Faust”. Chính tác phẩm “Faust” đã đưa Goethe lên đài danh vọng.

2) “Truyện Kiều” và kịch thơ “Faust”:

Nghệ thuật

Truyện Thúy Kiều

Truyện Kiều là tác phẩm bằng chữ Nôm gồm 3.254 câu viết theo thể lục bát. Lục bát là thể thơ độc đáo của văn học Việt Nam rất gần gũi với dân gian, thường dùng để sáng tác thơ ca và làm lời cho các làn điệu dân ca Quan họ. Dựa vào bối cảnh bên Trung Quốc và lấy cảm hứng từ cuốn văn xuôi “Kim Văn Kiều Truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân, một nhà văn Trung Hoa ở thế kỷ 16, Nguyễn Du đã viết ra đại thi phẩm bằng chữ nôm “Đoạn Trường Tân Thanh” còn gọi là “Truyện Kiều”. Bản in khắc đầu tiên vào năm 1871 hiện nay vẫn còn. Có nhiều sử liệu cho rằng Nguyễn Du viết “Truyện Kiều” vào thời gian bị quản thúc ở Tiên Điền. “Đoạn Trường Tân Thanh” có nghĩa là tiếng kêu, tiếng than đứt ruột của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến mà tiêu biểu là Thúy Kiều. Thúy Kiều, nhân vật chính trong truyện, một cô gái tài sắc vẹn toàn ngoài ra còn có một tấm lòng nhân ái. Nhưng cũng vì “Tài mệnh tương đối”, cũng vì “Hồng nhan bạc phận” mà Thúy Kiều phải bán mình để chuộc cha, rồi bị sa vào trong chốn thanh lâu ô nhục, trải qua 15 năm trời lưu lạc.

Kịch thơ Faust

“Faust” là một kịch thơ viết theo thể thơ tự do có một vài đoạn viết theo thể văn suôi, bằng tiếng Đức, tổng cộng 12.111 câu. Goethe đã bỏ ra gần 60 năm trời để hoàn thành tác phẩm “Faust”. Từ một câu chuyện dân gian, Goethe đã viết thành một kiệt tác đậm màu triết lý: triết lý hành động.Theo Goethe chỉ có hành động mới thay đổi được con người, xã hội và thiên nhiên. “Faust” chia làm hai phần. Ông khởi viết phần 1 “Faust I“ khi còn rất trẻ lúc mới 23 tuổi, xuất bản năm 1808, thiên về tình yêu, đi sâu vào nội tâm, phản ảnh tâm hồn nổi loạn, mang tính chất sôi nổi và nhiệt tình của trào lưu “Bão táp và xung kích“ của cuối thế kỷ 18. Còn phần hai “Faust II“ được xuất bản năm 1832 sau khi ông mất. Goethe viết phần hai khi đã lớn tuổi, lúc đã chín chắn, nên thiên về lý trí, xu hướng về hành động.

Nguyễn Du và Goethe đều sử dụng một thứ văn chương dân gian nhưng lại dùng rất nhiều điển tích, điển cố. Nguyễn Du dựa vào kho tàng văn chương Việt Nam và Trung Quốc còn Goethe thì lấy từ kinh Thánh và thần thoại Hy Lạp. Nhờ vậy cả hai tác phẩm trở nên phong phú, đa dạng và độc đáo tạo nên được sức gợi cảm cho người đọc.

Chủ đề

Trong cả hai tác phẩm, Nguyễn Du và Goethe đều xoay quanh chủ đề: con người và số phận, khơi gợi những trăn trở, khát vọng của con người về hạnh phúc, tình yêu, tự do, công bằng cũng như lên tiếng phê phán xã hội phong kiến đầy bất công, thối nát, cảm thông cho số phận của những con người yếu thế, đặc biệt là phụ nữ.

Qua thân phận của Thúy Kiều, người con gái tài sắc vẹn toàn nhưng cuộc đời là một bi kịch, Nguyễn Du muốn đưa ra một quan niệm triết học về “Tài mệnh tương đối”. Quan niệm về “mâu thuẫn giữa tài năng và số mệnh” không chỉ phản ảnh bi kịch của con người tài hoa bạc mệnh trong xã hội thời đó mà còn nói lên một ý nghĩa sâu xa về triết lý sống, đó là lời khuyên răng về đạo đức, là lời cảnh tỉnh cho những ai có tài nhưng cậy tài bởi vì tài năng thường đi liền với tai nạn hay tai ương “Có tài mà cậy chi tài, chữ tài liền với chữ tai một vần”. Nguyễn Du đề cao giá trị của tâm hồn cao thượng như sự hy sinh của Kiều để cứu cha, tính nhân ái của Giác Duyên, lòng vị tha của Từ Hải và cuối cùng là tư tưởng “ở hiền gặp lành”, sau 15 năm lưu lạc Kiều được đoàn tụ với Kim Trọng. Cho nên mặc dù “Truyện Kiều” có tính chất của một “bi kịch” nhưng mà lại có hậu.

Mặc dù cả hai tác giả đều có cùng chung một chủ đề về thân phận con người. Nhưng ở “Faust” thì khác, Goethe luôn luôn thúc giục con người phải hành động, phải nỗ lực vươn lên không ngừng nghỉ, để học hỏi, để khám phá, để chinh phục thiên nhiên và bắt thiên nhiên phục vụ cho con người. “Khởi thủy là hành động“ (Im Anfang war die Tat) là châm ngôn trong “Faust” để đưa con người đi tới dù ngay cả khi tạo ra lỗi lầm. Chỉ có khi nào con người học được từ lỗi lầm của chính mình thì mới có cơ hội vươn lên, như Goethe khẳng định “Chừng nào còn hành động, con người còn lầm lạc“ (Es irrt der Mensch, solang er strebt). Tiến sĩ Faust, nhân vật chính trong truyện đam mê khoa học, thích khám phá, thích tìm tòi đã dám bán mình cho quỷ Mephisto. Faust muốn nhờ sự trợ lực của quỷ Mephisto để đến được cội nguồn của sự hiểu biết. Nhưng cuối cùng chính sự trong sáng, lòng ngay thẳng và không để sa lầy vào dục vọng thấp hèn, Faust đã được cứu rỗi và không bị quỷ Mephisto lấy mất linh hồn. Faust là một con người luôn luôn lạc quan, ngay cả trước khi nhắm mắt Faust còn reo lên “Đẹp quá thời gian ơi, xin dừng lại!“ (Verweile doch, du bist so schön!), xin thời gian ngừng lại để được hưởng những giây phút đẹp đẽ tuyệt vời của cuộc đời. “Faust” là một “bi kịch” nhưng lại mang tính chất lạc quan.

Bối cảnh lịch sử

Tác phẩm “Faust” được Goethe viết trong giai đoạn chuyển tiếp của lịch sử, khi châu Âu đang có những biến chuyển lớn về xã hội, văn hóa và tư tưởng. Trào lưu nghệ thuật “Bão táp và xung kích“ mang một luồng gió mới đến cho nền văn học châu Âu, cuộc cách mạng Pháp (1789 – 1799) bùng nổ đảo lộn hoàn toàn trật tự xã hội và rồi cuộc cách mạng về khoa học kỹ thuật cuối thế kỷ 18 mang đến những thay đổi lớn về đời sống và về tư tưởng, từ phong kiến bước qua tư bản thiên về duy lý. Qua “Faust”, Goethe muốn phản ảnh cái trăn trở, cái khát vọng của con người trong thời đại đó. Tiến sĩ Faust chán nản với cuộc sống, nhàm chán trước hiện tại, bất mãn với sự hiểu biết của mình chỉ là mớ lý thuyết suông và khao khát sự trải nghiệm, khát vọng về bản thân, đam mê về khoa học, thích khám phá, thích tìm tòi và cuối cùng là mong muốn chinh phục thiên nhiên để cải thiện cuộc sống con người.

Nguyễn Du viết “Truyện Kiều” vào đầu thế kỷ thứ 19, đây là lúc lịch sử Việt Nam có nhiều biến động nhất. Nhà hậu Lê bắt đầu suy thoái, Trịnh Nguyễn phân tranh, chiến tranh loạn lạc, nông dân bất mãn, nhà Tây Sơn nổi lên, rồi đến Gia Long thống nhất được đất nước. Những biến động về lịch sử đã ảnh hưởng lớn đến tư tưởng của Nguyễn Du và tác phẩm của ông. Qua hình ảnh cuộc đời thăng trầm của Thúy Kiều, Nguyễn Du muốn vạch trần bộ mặt bất công của chế độ phong kiến thời đó. Cũng chính vì vậy “Truyện Kiều” đã được mệnh danh là “tiếng kêu mới về nỗi đau đứt ruột của con người”. Tuy Nguyễn Du không đưa giải phát cụ thể cho số phận con người, nhưng ông thể hiện niềm tin vào những giá trị phẩm chất cao đẹp của con người và niềm tin vào tương lai tươi sáng.

Goethe và Nguyễn Du, cả hai đều cùng chung một số phận, bất lực trước thời thế. Goethe đã nhìn thấy chế độ quân chủ thời đó ở châu Âu không thể tồn tại, nhưng Goethe vẫn phải hợp tác với triều đình Weimar để chống lại quân đội cách mạng Pháp. Nguyễn Du phải ra làm quan cho nhà Nguyễn mặc dù trong thâm tâm, ông đã nhìn thấy chế độ phong kiến của nhà Nguyễn trong tương lai không có đất đứng.

Trên giường bệnh, câu cuối cùng của Goethe là “Thêm ánh sáng“ (Mehr Licht). Ông muốn một ngày nào đó ánh sáng sẽ chiếu chan hòa trên quê hương để đẩy đi những tăm tối, u mê ra ngoài. Goethe vẫn mong có sự thay đổi và người Đức đã thay đổi để trở nên một đất nước hùng mạnh. Ở Nguyễn Du thì khác, dưới chế độ khắc nghiệt của nhà Nguyễn, ông đành bó tay, bất lực. Người ta kể rằng khi Nguyễn Du lâm bệnh nặng, ông chỉ nói “được”, rồi mất không trăng trối lại một điều gì. Trước đó, Nguyễn Du chỉ để lại câu hỏi:

Bất tri tam bách dư niên hậu

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như

(Ðộc Tiểu Thanh ký, Nguyễn Du)

Ba trăm năm sau, ai là người thương xót ông (tên chữ Tố Như) mà nhỏ lệ? Không phải Nguyễn Du mong 300 năm sau có người nhớ đến ông. Mà là 300 năm sau ai là người hiểu nỗi oan ức của ông và của cả một dân tộc sống trong một thời đại quá nhiều oan trái, nhiễu nhương, không một lối thoát, đã đẩy cả một đất nước vào vòng nô lệ. Ba trăm năm sau, ai là người biết đến điều đó để hiểu cho Nguyễn Du? Chỉ mấy chục năm sau ngày mất của Nguyễn Du (+1820), thành Gia Định thất thủ năm 1859, Pháp chiếm 3 tỉnh miền Đông năm 1862, 3 tỉnh miền Tây năm 1867.

Nhân vật

Faust, nhân vật chính trong kịch thơ “Faust” của Goethe là nhân vật có thật sống vào thế kỷ thứ 16 ở miền nam nước Đức, với tên Johann Georg Faust. Faust làm nhiều nghề khác nhau như bói toán, làm pháp thuật và cả nghề thầy thuốc. Thúy Kiều cũng là nhân vật có thật, tên là Vương Thúy Kiều sống vào thế kỷ thứ 16 đời nhà Minh ở Trung Quốc làm nghề kỹ nữ [2]. Trong “Truyện Kiều”, Thúy Kiều là một người con gái toàn vẹn vừa đẹp người, đẹp nết mà lại tài hoa, giỏi đàn hát “cầm kỳ thi họa đều thông”. Nhưng cũng vì “Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen” nên Thúy Kiều đã phải trải qua 15 năm lưu lạc.

Nếu trong “Truyện Kiều”, Thúy Kiều đại diện cho người phụ nữ bị đầy đọa dưới thời phong kiến thì trong “Faust” có Gretchen: Gretchen là một cô gái xinh đẹp, ngây thơ, trong trắng, ngoan đạo. Với sự giúp đỡ của quỷ Mephisto, Gretchen đã trở thành người yêu của Faust. Gretchen cũng mang thân phận của người đàn bà dưới thời phong kiến, phải trải qua bao nhiêu khổ đau, oan trái. Gretchen có con với Faust dù chưa cưới hỏi, Faust nghe lời Mephisto bỏ ra đi, trong một lúc quẫn trí cô đã giết chết con mình, bị bỏ tù và cuối cùng bị lên đoạn đầu đài. Gretchen cũng là nhân vật có thật, thời gian Goethe làm luật sư ở Frankfurt (1771-1775). Chính ông đã tham dự vụ xử án cô Margaretha Brandt, một vụ án đã gây cho ông nhiều xúc động để rồi sau đó ông xây dựng nhân vật Gretchen trong “Faust”. Margaretha Brandt là một cô gái hầu sống ở Frankfurt. Nhân dịp ghé qua Đức, một thương gia người Hà Lan đã cưỡng hiếp cô có bầu. Cô đem chuyện này kể với chị gái. Chị cô đã công khai tố cáo việc này. Sau khi sinh con, cô đã giết đứa bé, vì quan niệm xã hội hồi đó còn quá nặng nề. Người phụ nữ không chồng mà có con thì đó là nỗi nhục không gì so sánh nổi. Nỗi oan ức của người phụ nữ thời đó được Goethe nêu rất đậm nét trong tác phẩm “Faust”.

Quỷ Mephisto trong “Faust” cũng như Tú bà, Mã Giám Sinh, Sở khanh, Hoạn thư trong “Truyện Kiều” đại diện cho những thế lực xấu xa trong xã hội đều có chung một mục đích hãm hại, lợi dụng người khác để làm lợi riêng cho mình. Như Mephisto muốn lấy linh hồn của tiến sĩ Faust để chứng minh sức mạnh cám dỗ của quỷ và sự yếu đuối của loài người. Hành động của Tú bà, Mã Giám Sinh, Sở khanh, Hoạn thư cũng chỉ vì lòng tham, sự ích kỷ và ghen tuông. Qua những nhân vật phản diện trên Nguyễn Du muốn nói lên cái xã hội độc ác, tham lam, lừa lọc của thời đó. Cũng chính vì thế để tránh bị triều đình nhà Nguyễn bắt tội, Nguyễn Du đã phải dựa vào câu chuyện bên Trung Quốc của Thanh Tâm Tài Nhân mà viết. Từ Hải trong “Truyện Kiều” cũng là một con người của hành động, dám đứng lên chống lại triều đình đại diện cho bất công, nên có thể so sánh với Faust. Faust là một con người hành động quyết liệt sẵn sàng bán linh hồn cho quỷ để đạt được tận cùng của sự hiểu biết. Nhưng Nguyễn Du cũng không dám đi quá xa, ông đã kết thúc cuộc đời của Từ Hải một cách bi thảm: bị tướng của triều đình là Hồ Tôn Hiếu lừa và bị “chết đứng”. Sự cẩn thận của ông cũng có lý do, người ta kể lại, sau khi ông đã mất được mấy năm, vua Tự Đức nhân đọc đến câu viết về Từ Hải “Chọc trời khuấy nước mặc dầu/ Dọc ngang nào biết trên đầu có ai”, đã nói muốn nọc Nguyễn Du ra đánh 100 roi, vì tội khi quân, dám ca tụng kẻ chống lại triều đình như một vị anh hùng.

Truyền bá

Kịch thơ “Faust” của Goethe, một kiệt tác của nền văn học cổ điển Đức, là nguồn cảm hứng vô tận cho rất nhiều văn nghệ sĩ khác để được dựng thành kịch, viết thành sách, đóng thành phim, viết thành nhạc (nhạc giao hưởng):

-Đã được dịch ra trên 50 thứ tiếng,trong đó có tiếng Việt

-Cuốn sách “Doktor Faustus“ năm 1947 do Thomas Mann viết. Thomas Mann được giải Nobel Văn Chương năm 1929.

-Bản nhạc giao hưởng “Faust“ của Richard Wagner, “Flohlied des Mephisto“ của Ludwig van Beethoven,…

-Cuốn Film “Faust“ năm 2011 của đạo diễn người Nga Alexander Sokurow.

-Những câu thơ trong “Faust“ đã trở thành những câu ngạn ngữ, ca dao của Đức.

-Triết lý “hành động” trong “Faust” đã ảnh hưởng sâu đậm đến tư duy của người Đức trong quá khứ và tiếp tục truyền cảm cho họ trong tương lai.

Tác phẩm “Truyện Kiều” của Nguyễn Du:

-đã xuất bản 23 lần bằng chữ Nôm và 72 lần bằng chữ Quốc Ngữ.

-đã được dịch ra 20 ngôn ngữ 75 bản dịch, trong đó có tiếng Đức (“Das Mädchen Kiều” von Irene und Franz Faber), Nguyễn Văn Vĩnh người đầu tiên dịch ra tiếng Pháp 1943.

-Nhạc sĩ Phạm Duy là người đầu tiên đem âm nhạc vào “Truyện Kiều” qua bài “Minh Họa Kiều”, gần đây nhạc sĩ Quác Vĩnh Thiện đã bỏ công sức ra phổ nhạc toàn tập “Kim Vân Kiều” ra gồm 77 bài và 7 CD,…

-Đã được nhà soạn kịch kiêm đạo diễn Burton Wolfe chuyển thể thành một vở ca kịch theo phong cách Broadway dựa theo bản dịch Anh ngữ tác phẩm Kiều “Tale of Kieu“.

-Thơ trong “Truyện Kiều“ có giai điệu du dương, dễ thuộc, dễ nhớ do đó tác phẩm của Nguyễn Du dễ đi vào lòng người đọc, nên được phần đông mọi tầng lớp trong xã hội ưa thích, từ trí thức cho đến bình dân. Người thì thích bình Kiều, vịnh Kiều người thì hay ngâm Kiều, lẩy Kiều, tập Kiều, đố Kiều và nhất là mê bói Kiều vào những ngày tết nhất đầu năm.

Lẩy Kiều cũng là thú vui tao nhã của người Việt. Lẩy Kiều là chọn vài câu trong “Truyện Kiều” để diễn tả theo ý mình trong một tình huống cụ thể. Ba vị tổng thống Mỹ (đảng Dân Chủ) khi qua thăm Việt Nam đều lẩy Kiều. Năm 2000, Tổng thống Bill Clinton đã lẩy Kiều:

Rằng trăm năm cũng từ đây

Của tin gọi một chút này làm ghi

Năm 2016, trong chuyến thăm chính thức Việt Nam, Tổng thống Barack Obama cũng lại lẩy Kiều:

Sen tàn cúc lại nở hoa

Sầu dài ngày ngắn, đông đà sang xuân

Tháng 9 năm 2023 Tổng thống Joe Biden cũng đã lẩy Kiểu:

Trời còn để có hôm nay

Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời

Kết luận:

“Truyện Kiều” đóng khung trong một thời gian dài 15 năm và đã phản ảnh được bối cảnh của xã hội phong kiến Việt Nam thời đó. Về triết lý, Nguyễn Du đưa ra thuyết “Tài mệnh tương đố”, “Hồng nhan bạc phận”. Nó phản ảnh cái triết lý “Trung dung” của Nho Giáo. Có nghĩa là cái kia kém thì cái này hơn, được cái nọ thì hỏng cái kia, không ai được hoàn toàn. Có càng nhiều thì mất cũng càng nhiều. Triết lý này có tính cách khuyên răn, dạy dỗ sống đạo đức, không khoe khoang, hợm hĩnh khi có tài hay có sắc. Nguyễn Du cũng nhấn mạnh thêm quan điểm “ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác” đi từ thuyết nhân quả của đạo Phật, mục đích để đưa con người hướng đến những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống. Mặc dù trải qua quá nhiều cuộc biển dâu, nhưng ông vẫn luôn luôn tin tưởng vào tương lai tươi sáng vì “Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều!”.

“Faust” thì bao quát hơn, đi từ thời Trung cổ đến Hiện đại. Trong kịch, Faust xuất hiện lúc đầu như người Trung cổ và cuối cùng như một nhà tư bản. “Faust” đề cập đến nhiều khía cạnh khác nhau của cuộc sống của con người, từ địa ngục cho đến thiên đàng, từ khoa học cho đến triết học,.. . Goethe muốn đưa ra một mẫu người hành động trong thời đại tư bản không ngừng học hỏi, không ngừng cố gắng nhưng cũng thường hay vấp phải sai lầm. Chính từ học hỏi sai lầm đó con người mới vươn lên được để làm chủ vận mệnh của mình, làm chủ thiên nhiên với mục đích cao đẹp phụng sự cho nhân loại.

“Truyện Kiều” và “Faust” đều có giá trị to lớn về nghệ thuật, văn học và nhân văn. Cả hai tác phẩm ảnh hưởng đến đời sống và sự tư duy của con người và là nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm nghệ thuật như trong văn chương, âm nhạc và hội họa. “Truyện Kiều” dã góp phần đưa con người Việt Nam ý thức đươc những giá trị truyền thống cao đẹp như lòng nhân ái, sự thủy chung, ý thức được tự do và khát vọng hạnh phúc. Còn “Faust” cũng đề cao lòng nhân ái nhưng nhấn mạnh khát vọng về tri thức, sự sáng tạo và đòi hỏi sự dấn thân hành động.

Chú thích:

[1] Rheinischepost: “Laut Umfrage: Goethe ist der größte Deutsche“, 2011

[2] Wikipedia “Vương Thúy Kiều“: Vương Thúy Kiều (1524-1556) là một kỹ nữ sống trong thời Gia Tĩnh triều nhà Minh, nhân vật lịch sử có thật của Trung Quốc.

Tài liệu tham khảo:

-“Thân thế và sự nghiệp, Johann Wolfgang von Goethe“, Lương Nguyên Hiền

-Sách “Goethe erleben“, Freies Deutsches Hochstift

-Sách “Johann Wolgang von Goethe. Faust Der Tragödie ester Teil….verstehen“, Claudia Müller-Völkl, Michael Völkl

-Goethezeitportal, Künstler- und Denkerenzyklopädie, “Chronologie der Werke Goethes”