Trường Petrus Ký trong cơn khói lửa cuối tháng tư 1955

Võ Phi Hùng (PK 1967-1974)

Học sinh Petrus Ký có lẽ hầu như đều biết đến má lúm đống tiền trên pho tượng bán thân ông Trương Vĩnh Ký, nhưng chắc ít người biết được nguyên do từ một viên đạn lạc gây nên trong cuộc chiến giữa Quân đội Quốc Gia dưới quyền thủ tướng Ngô Đình Diệm, khi dẹp loạn quân Bình Xuyên vào hai ngày 28 và 29 tháng tư năm 1955 tại sân trường.  Cuộc giao tranh khốc liệt này gây nên nhiều sự tàn phá khắp nơi từ khu Nancy đến Xóm Cũi, Khánh Hội, …   Những sự hư hại đến trường ốc đã được tu sửa lại nên các thế hệ học sinh sau này không được biết đến.

Để biết sơ lược nguyên do cơn binh đao này, tôi xin trích lại:

  • Một phần bài viết của anh LâmVĩnh Thế  “Nhớ về trường Petrus Ký những năm đầu của thập niên 1950” có liên quan đến biến cố này.[1]  Anh Thế với trí nhớ phi thường và tư cách chứng nhân đã ghi lại những diễn tiến xảy ra trong lớp học ngày bị nạn.

  • Các sự kiện trung thực do anh Thế ghi lại đã được phối kiểm với thầy Dương Ngọc Sum [2], và

  • Gần đây đối chứng qua các số báo Tin Điển phát hành ở Sài Gòn vào tháng 5-1955 mới tìm được.   Ta có thêm chi tiết về các thiệt hại không may đã xảy đến cho trường ốc, và sự thiệt hại đến sinh mạng cùng tài sản của nhiều đổng bào vô tội.  Tôi xin đánh máy lại bài báo “Quân đội Quốc gia đã rút khỏi trường học Petrus Ký” đã được đăng trên số báo Tin Điển ngày 11-5-1955 để mọi người cùng đọc.  Bài viết này cùng với các số báo Tin Điển khác cho ta nhiều tư liệu quý hiếm, dù có vài sự sai lầm nhỏ trong việc dùng lẫn lộn danh xưng chức vụ của thầy Hiệu trưởng Phạm Văn Còn, với quyền Gíam đốc Nha Học chánh Nam phần, cũng như khi đề cập đến chức vụ phó Hiệu trưởng và Quản lý, mà danh xưng đúng ra là Giám học và Hội kế viên, và tên đúng thầy Hội kế viên là Phạm Văn Giỹ, không phải Di, theo như thầy Sum cho biết.

I. Nhớ về trường Petrus Ký những năm đầu của thập niên 1950

…“Trong thời gian hai năm này, tình hình chính trị tại Miền Nam rất sôi động. Chính phủ Ngô Đình Diệm, một mặt phải giải quyết bao nhiêu vấn đề khó khăn trong việc định cư cho gần một triệu đồng bào Miền Bắc di cư vào, mặt khác phải đương đầu với các áp lực chính trị và quân sự của các chính đảng và giáo phái chống đối lúc nào cũng lăm le lật đổ chính phủ. Một trong các nhóm chống đối này là lực lượng Bình Xuyên của Thiếu Tướng Lê Văn Viễn (thường được gọi là Bảy Viễn). Chuyện có liên quan đến Trường Petrus Ký là chuyện phe Bình Xuyên chọn cơ sở giáo dục này làm nơi đóng quân cho một đơn vị Công An Xung Phong của họ (lúc đó, Tổng Nha Cảnh Sát Công An, do Lai Văn Sang, cố vấn quân sự của Bảy Viễn, giữ chức Tổng Giám Đốc, thuộc quyền kiểm soát của Bình Xuyên). Tôi vẫn còn nhớ trong thời gian đó, mỗi ngày lúc dẫn xe đạp vào Trường, bọn tôi đều phải đi ngang qua các trạm phòng thủ của đơn vị Công An Xung Phong này. Họ đặt một trạm canh ngay ngoài cổng với 3 hay 4 người lính và một khẩu súng đại liên. Một trạm canh thứ hai đặt ở hành lang chắn ngang ở cuối con đường trải đá ong. Đường dây điện thoại liên lạc giữa hai trạm canh trải dài theo con đường này. Thỉnh thoảng bọn tôi thấy có một chiếc xe Jeep mui trần từ trong khu vực phía sau Trường chạy ra cổng, trên xe, ngồi cạnh tài xế ở phía trước, có một người có vẻ là cấp chỉ huy, có đeo bên hông một khẩu súng Colt 45 (kiểu súng cao bồi) cán bạc, trông rất oai vệ. Bọn tôi ai cũng tin rằng đó chính là Đại Úy Lê Paul, con trai của Tướng Bảy Viễn, chỉ huy trưởng của lực lượng Công An Xung Phong. Lâu lâu lại có báo động, lính Bình Xuyên, từ khu vực bên trong, với đầy đủ khí giới, chân mang giầy đinh, chạy rầm rầm ra ứng chiến và tăng cường cho các trạm canh. Đó là những khi có các đoàn quân xa chở binh sĩ của Quân Đội Quốc Gia, vẫn còn trung thành với Chính phủ Ngô Đình Diệm, chạy ngang qua khu vực đường Nancy. Chúng tôi đã học hành hai năm trong không khí chiến tranh căng thẳng như vậy. Và, dĩ nhiên, chuyện sẽ đến phải đến. Một buổi trưa cuối tháng 4-1955, tôi còn nhớ đang học giờ Pháp văn với Thầy Phạm Văn Sửu, trong một phòng học trên dãy lầu mà cửa sổ trông xuống con đường trải đá ong từ cổng vào. Bổng nhiên, từ trong lớp, chúng tôi nghe nhiều tiếng la hét, tiếng giày đinh chạy rầm rầm bên dưới đường. Không đầy năm phút sau thì có tiếng súng nổ vang dội, càng lúc càng nhiều. Biết lần này là đánh nhau thật rồi, Thầy Sửu bình tỉnh ra lệnh cho các học sinh ngồi các bàn sát cửa sổ đóng kín các cửa sổ lại, và tất cả học sinh chui xuống ngồi ở dưới các bàn học. Riêng Thầy Sửu thì đi ra ngoài đóng lại cửa chính của lớp học mở ra hành lang trông xuống Sân Danh Dự, rồi trở lại ngồi ngay tại bàn của thầy. (Xin mở dấu ngoặc nhỏ ở đây để nói thêm một ít về Thầy Phạm Văn Sửu. Xuất thân là một Huấn Luyện Viên Thể Dục, Thầy chịu khó học thêm và đậu bằng Tú Tài nên được chuyển sang làm Giáo sư môn Pháp văn cho các lớp Đệ Nhứt Cấp. Trong thời gian này, Thầy lại chịu khó tiếp tục học Đại học Luật Khoa và đậu bằng Cử Nhân Luật, và chuyển sang làm việc trong ngành Tư pháp. Năm 1963, tôi tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Sài Gòn, và được bổ nhiệm về làm Giáo sư môn Sử Địa tại Trường Trung Hoc Công Lập Kiến Hòa. Lúc đó Thầy Sửu là đương kim Chánh Án Toà Án tỉnh Kiến Hòa. Tôi có đến thăm Thầy mấy lần tại ngôi biệt thự lớn nằm gần Hồ Chung Thủy dành cho vị Chánh Án của tỉnh. Thầy rất mừng cho việc đổ đạt của tôi. Tuy không nói ra, nhưng trong lòng tôi thầm nghĩ: “Chính nhờ Thầy dạy dỗ và nêu gương sáng hiếu học mà nay con mới nên người.” Xin đóng dấu ngoặc lại ở đây). Thầy trò chúng tôi chịu trận như vậy có lẽ đến khoảng 20 hay 30 phút cho đến khi tiếng súng ngưng hẳn. Vài phút sau, mặc dù chưa đến 1 giờ trưa, nhà trường cho lệnh học sinh ra về hết. Khi dẫn xe đạp ra cổng, bọn tôi vẫn còn ngửi thấy mùi khói súng khét lẹt, và, dĩ nhiên cũng trông thấy bộ dạng căng thẳng của những người lính Công An Xung Phong Bình Xuyên đang còn nằm dài suốt con đường trải đá ong cũng như tại trạm canh ngoài cổng. Sau này mới biết đó là cuộc chạm súng giữa đơn vị Công An Xung Phong đóng tại Trường Petrus Ký với một đơn vị nhảy dù của Quân Đội Quốc Gia gồm phần lớn là người Nùng từ Miền Bắc di cư vào. Sau ngày hôm đó coi như bãi trường luôn và chúng tôi chỉ trở lại trường vào đầu niên khóa sau. Ngày đầu tiên trở lại Trường, chúng tôi vui mừng vô cùng vì được gặp lại Thầy Cô và bạn bè. Nhưng đó cũng là một ngày rất buồn vì trông thấy những chứng tích của trận đánh vẫn còn in hằn lên những cơ sở của Trường: vết đạn còn đầy khắp nơi, trên các cửa sổ, các bức tường; bàn ghế trong các lớp học cũng bị hư hại, nếu tôi nhớ không lầm thi hình như bức tượng bán thân bằng đồng đen của Nhà Bác Học Petrus Ký cũng bị trúng một viên đạn.

II. Hai xe jeep bỏ trong sân Trường

“Đúng như em nghĩ, sau khi bị đánh bật ra khỏi trường Petrus Ký mà họ chiếm đóng làm cứ điểm phòng thủ, chống lại lực lượng quốc gia của Thủ tướng Ngô Đình Diệm, các lực lượng Bình Xuyên bỏ lại 2 chiếc xe nầy, nhà cầm quyền chưa kịp kéo đi. 

 Ngược dòng lịch sử, khi Nhà Chí sĩ Ngô Đình Diệm được Quốc Trưởng Bảo Đại ủy thác nhiệm vụ về nước làm Thù tướng, thành lập Chánh phủ, ổn định tình hình chính trị, vào năm 1954, thì cả một tình trạng “bát nháo”, đủ thứ lực lượng hùng cứ các địa phương: lực lượng Việt Minh do Trần Văn Giàu chỉ huy hoạt động tại thôn quê và phá hoại tại các đô thị, lực lượng Hoà Hảo do tướng Trần Văn Soái chiếm đóng Miền Tây, lực lượng Cao Đài do tướng Trịnh Minh Thế hoạt động ở Miền Đông, còn lực lượng Bình Xuyên do Bảy Viễn cầm đầu chiếm đóng Sài Gòn, Chợ Lớn với  lực lượng hùng hậu, nắm cả Công An và Cảnh sát,, công khai mở sòng bài Đại Thế Giới và khu ăn chơi Bình Khang để thu thuế và khi Thủ Tướng Diệm quyết định hợp nhất Quân đội, dẹp bỏ các tệ nạn xã hội thì họ chống đối, mượn Khu Nội trú của Trường để làm căn cứ phòng thủ (lúc bấy giờ không còn qui chế Nội trú nữa). Quân đội tấn công từ mặt tiền (đường Cộng Hòa) và bên hông đường Nguyễn Hoàng  vào buổi sáng, bên trong chống cự quyết liệt, tượng Ông Petrus Ký bị trúng đạn, gia đình ông Hội Kế Viên (Econome  Phạm Văn Giỹ bị kẹt trên lầu, nhưng may mắn không sao và nhất là còn giữ được tiền lương để phát cho Thây Cô và nhân viên (Hoan hô) Đến chiều tối thì lực lượng Bình Xuyên rút lui về hướng Trân Bình Trọng, qua Cầu Chữ Y về Rừng Sát. Phe quân đội có tướng Trịnh Minh Thế (thuộc lực lượng Cao Đài hợp tác) bị tử thương tại Cầu Chữ Y ( không biết trúng đạn hay bị ám sát).

Dãy lầu 2 tầng cạnh sân vận động trong biến động vừa rồi đã “bị” Lực lượng Bình Xuyên chiếm đóng thuộc khu Nội trú (Dortoir/ Dormitory), như em thấy có hành lang có mái che dẫn lên các Lớp học, tan học thì cũng theo hành lang nầy mà trở về đortoir. Số học sinh Nội Trú có giới hạn. Vì Thầy ở Tỉnh Biên Hoà xa trường 40 km, nên khi Thầy thi đậu, mẹ Thầy có xin cho Thầy vô Nội trú, nhưng bị từ chối, với lý do là “hết chỗ”Như vậy tổng quát có 3 nhóm học sinh: Nội trú có học bổng không phải trả tiền (Interne Boursier), Nội trú trả tiền (Interne Payant) và Ngoại trú (Externe).Về sau, qui chế Nội trú không còn, và khi các trường Đại học được dời từ Bắc vào Nam, thì đất đai và nhà cửa của Trường bị cắt xén nhiều: trường ĐHSP, trường ĐHKH, Trung Tâm Thính Thị, Trường Quốc Gia Sư Phạm (sau đổi thành trường Sư Phạm Sài Gòn), trường Trung Thu, trường Sư Phạm Thực Hành, Trung tâm Học Liệu,

Khu Nội trú gồm nhiều dãy nhà vì ngoài Nhà ngủ (Chambre à coucher/Dortoir), còn có phòng Học và Đọc sách (Salle d’Etude et de Lecture/ Study & Reading room), Nhà bếp để Nấu ăn (Cuising/Kitchen, Phòng Ăn ( Salle à manger/ Dining room), Nhà tắm (Salle de bain/ Bath-room), Nhà giặt ủi (Blanchisserie/ Laundry), Nhà Vệ sinh ( Cabinet d’aisance/Toilet)…Sau nầy, khi không còn Nội trú, thì chia nhau sửa sang lại để ở (gặp lúc nhà cửa khan hiếm).”

III. Quân đội Quốc gia đã rút khỏi trường học Petrus Ký[3]

“Saigon –  Quân đội Quốc gia đóng tại trường Trung học Petrus Ký từ hôm 28-4-55, đã tuân lịnh Bộ Quốc Phòng rút đi khỏi hồi sáng hôm nay để trả lại nhà trường cho các học sinh.

QUANG CẢNH NHÀ TRƯỜNG TỪ HÔM 28-4

Trường Trung học chỉ cách đồn cũ Petrus Ký của Bình Xuyên chừng 50 thước.   Hôm 28-4, trong khi lớp học buổi sáng chưa tan thì nhả trường bị chìm trong lửa đạn của hai bên địch thủ: Quân đội Quốc gia và bọn phiến loạn Bình Xuyên, các giáo sư và học sinh đều bị hãm trong trường tới hồi 2 giờ chiều.  Lúc đó, tiếng súng tạm yên, nhà trường mới mở cửa cho các giáo sư và học sinh thoát ra ngoài.

Đến hai giờ rưỡi nhơn viên văn phòng cùa nhà trường lại tiếp tục đến làm việc.

Ông Phạm Văn Di, Quản lý,bắt đầu trả lương tháng Tư.  Nhưng đến 4 giờ, nhà trường lại phải đóng cửa vì đạn lại bay tới như mưa và mái nhà trường bị trúng 3 trái moóc chiê.

Ông Hiệu trưởng, ông Phó Hiệu trưởng và ông Tổng Giám thị cùng với gia đình cư trú trong các căn nhà phụ thuộc không làm sao chạy qua được sân trường để thoát ra ngoài nên đành phải ở lại trong trường cho đến sáng hôm sau.

Ngay sau khi đột nhập được vào trường, các binh sĩ trong Quân đội Quốc gia liền đưa ngay những người tụ tâp trong phòng viên Quản lý ra công trường Khải định.  Lúc ấy vào khoảng 7 giờ tối.

Ông Tổng giám thị Nguyễn văn Trọng nói với chúng tôi: “Mấy đứa con tôi đều bị gần nghẹt thở vì khói nhưng tôi đều phải giả vờ chết.  Có thể nói được rằng căn nhà tôi ở được chọn làm mục tiêu cho các loại súng, mặc dầu nó khác biệt hẳn các căn nhà thuộc đồn Bình Xuyên”.

Một đứa con của ông Trọng, học sinh lớp đệ Nhị trường Trung học Chassloup Laubat bị một vết thương nơi sau gáy.

Đến sáng, các binh sĩ giúp cho gia đình ông thoát ra được khỏi trường nhưng không mang theo được gì hết.

NHỮNG CƠ SỞ TẠM THỜI

Ông Phạm văn Còn, Giám đốc trưởng Trung học Petrus Ký đã cho triệu tập ngay các nhân viên ở Nha Học chánh Nam Việt – ông giữ cả chức vụ quyền Giám đốc Nha Học chánh Nam Việt – và người ta đã quyết định những biện pháp để cho các lớp tiếp tục hoạt động.

Những lớp sắp thi đã mượn những lớp của trường Trung học Chasseloup Laubat và đã bắt đầu từ tuần lễ trước, còn những lớp khác vẫn phải nghỉ.

Ngày 5-5, quân đội gác ở trường Trung học có cho phép vào thăm trường nhưng vì thời gian quá ngắn ngũi nên cũng không mang đi được mấy ngoài những thứ cần thiết như cái tủ sắt và nhiều chồng hồ sơ.

SAU KHI QUÂN ĐỘI RÚT ĐI

Được tin báo trước, ông Giám đốc và các cộng tác viên đã tới trường hồi sáng nay trong khi quân đội bắt đầu rút đi.  Ở ngoài cửa trường, có một số học sinh cũng muốn tới thăm các lớp học.  Cảnh tượng thật là thãm đạm, ở ngoài sân chiếc xe VN964 chỉ còn có một bánh; văn phòng của ông Giám đôc, của ông phó Giám đốc, của ông Tổng Giám thị, phòng Quản lý, tất cả đều đổ nát.  Sách vỡ, hồ sơ của các học sinh tất cả đều mất, những chiếc tủ bị mở tung ra và không còn gì nữa; mặt đất thì đầy những giấy má và rác rưới.  Ngoài ra ở khắp mọi nơi khác trong nhà trường cũng vậy: từ những vật nhỏ ở trong phòng thí nghiệm, những dụng cụ thể thao, máy chiếu phim, cho đến những toà nhà của ông Giám đốc, ông Phó Giám đốc và ông Tổng Giám thị, v.v… tất cả đều hoang tàn.

THÔNG CÁO GỞI SINH VIÊN TRƯỜNG PETRUS KÝ

Ông Hiệu trưởng trường Trung học Petrus Ký có lời mời sinh viên trường này, sáng thứ ba 10-5-55 đến trường để giúp nhơn viên văn phòng của trường chỉnh đốn lại các lớp học.”

IV. Lời Kết

Theo kết quả điều tra chính thức của uỷ ban Cứu Tế Trung Ương loan báo ngày 23-5-1955 và ghi lại trong quyển “Việc từng ngày” của ông Đoàn Thêm [4] , trang 177, thì sự thiệt hại trong biến cố này là 7826 nhà cháy, 88 thường dân thiệt mạng và 592 bị thương.  Ngay trong khi chiến trận còn diễn ra, đồng bào nạn nhân đã được chính quyền cùng các đoàn thể trong đó có học sinh Petrus Ký hăng hái trợ giúp và sẽ được ghi lại trong bài tiếp theo:

Sinh hoạt xã hội trường Petrus Ký

Kỳ II:  Cứu tế nạn nhân bị nhà cháy trong vụ dep loạn Bình Xuyên năm 1955

Võ Phi Hùng (PK 1967-1974)

14-10-2022

Chú thích:

[1] LâmVĩnh Thế , Nhớ về trường Petrus Ký những năm đầu của thập niên 1950

https://petruskyaus.net/nho-ve-truong-petrus-ky-nhung-nam-dau-cua-thap-nien-1950/

[2] Email thầy Dương NgọcSum ngày 9-3-2020 “Hai xe Jeep bỏ trong sân Trường”

[3] Báo Tin Điển, Saigon, số ra ngày 11-5-55, trang 4

[4] Đoàn Thêm, Hai Mươi Năm Qua, Việc Từng Ngày: 1945-1964, Saigon: Nam Việt Tùng Thư, 1966