Ông Bà chúng ta ngày xưa thường khuyên con cháu bằng câu: “Tận Nhân Lực, Tri Thiên Mạng, có nghĩa là “cố gắng làm hết sức mình đi rồi sẽ biết số mạng của mình như thế nào.”  Trong suốt hơn 70 năm qua, kể từ khi biết suy nghĩ, tác giả bài viết này, hiện đã ở vào tuổi “bát tuần,” đã luôn luôn hết sức cố gắng trong bất cứ công việc gì đang làm, để đáp ứng điều kiện cần là “Tận Nhân Lực,” và nhờ vậy, trong một số trường hợp, đã phần nào đạt được hệ quả “Tri Thiên Mạng.”  Bài viết này cố gắng ghi lại một vài trải nghiệm của bản thân người viết về chân lý ngàn đời đó.

Thời Gian Học Trung Học và Đại Học (1953-1963)

Tôi đã học trọn 7 năm (1953-1960) của chương trình bậc trung học tại Trường Trung Học Petrus Trương Vĩnh Ký và 3 năm (1960-1963) của bậc đại học tại Trường Đại Học Sư Phạm Sài Gòn (ĐHSPSG), Khóa 3, Ban Sử Địa.

Trong thời gian “Mười Năm Đèn Sách” sách đó, tôi đã luôn luôn hết sức cố gắng phấn đấu để học cho thật tốt phần lớn các môn học trong chương trình, và kết quả mà tôi đã đạt được có thể xem như là rất khả quan, với thành tích như sau:

• Bậc trung học: Phần Thưởng Ưu Hạng của Lớp Đệ Nhứt A1 (niên khóa 1959-1960) [1]

• Bậc đại học: Tốt nghiệp Khóa 3 (năm 1963), Ban Sử Địa, Trường ĐHSPSG, với Hạng Bình Thứ

Bảng Điểm Thi Đệ Nhị Bán Niên Lớp Đệ Nhứt A1 (niên khóa 1959-1960)

Phần Thưởng Ưu Hạng Lớp Đệ Nhứt A1 (niên khóa 1959-1960)

Phần Thưởng Ưu Hạng do Ông Bộ Trưởng Ngoại Giao tặng

Trong thời gian ba năm học tại Trường ĐHSPSG, tôi và tuyệt đại đa số các bạn đồng khóa vì bản thân là học sinh trung học chương trình Việt trong khi một số khá đông các Giáo Sư Ban Sử Địa tại ĐHSPSG lại là người Pháp và giảng dạy bằng tiếng Pháp, thí dụ như:

• Giáo Sư Bouriot: môn Lịch Sử Âu Châu

• Giáo Sư Teulières: môn Địa Lý Nhân Văn

• Giáo Sư Normand: môn Địa Lý Thiên Nhiên

• Giáo Sư Rescoussié: môn Khí Hậu Học

Khóa 3 Ban Sử Địa ĐHSPSG với Giáo Sư Tiến Sĩ Roger Teulières (phụ trách môn Géographie Humaine = Địa Lý Nhân Văn) – Tác giả bài viết này là người sinh viên mặc áo ca-rô.

nên bọn tôi phải cố gắng rất nhiều mới theo kịp các bài giảng của các giáo sư người Pháp nói trên, và, cũng như ở bậc trung học, lần này, tôi cũng đã đạt được kết quả rất khả quan là tốt nghiệp Khóa 3 (năm 1963), Ban Sử Địa, Trường ĐHSPSG với Hạng Bình Thứ:

Chứng Chỉ Tốt Nghiệp ĐHSPSG do GS Khoa Trưởng Bùi Xuân Bào ký với con dấu nổi

Thời Gian Du Học Tại Hoa Kỳ (1971-1973)

Sau khi tốt nghiệp ĐHSPSG tôi được bổ nhiệm về dạy học tại Trường Trung Học Công Lập Kiến Hòa (Bến Tre) trong 3 năm (1963-1966); sau đó tôi được thuyên chuyển về Trường Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức và dạy học tại đây trong 5 năm (1966-1971).  Tháng 8-1971, tôi được USAID (United States Agency for International Development) cấp một học bổng du học hai năm tại Trường Thư Viện Học, Viện Đại Học Syracuse (School of Library Science, Syracuse University), tiểu bang New York, Hoa Kỳ.

Trong thời gian hai năm này, tôi cũng đã hết sức cố gắng học cho thật tốt tất cả các môn học và kết quả là tôi cũng đã tốt nghiệp Bằng Cao Học về Thư Viện Học (Master of Library Science – MLS) với thành tích cũng rất khả quan như sau: [2]

• Giáo Trình Anh Ngữ: ENG 207 đạt điểm A

• 12 Giáo Trình Thư Viện Học:

     ° 3 Giáo Trình đạt điểm B:

        – LSC 451
        – LSC 452
        – LSC 611

     ° 9 Giáo Trình đạt điểm A:

        – LSC 502
        – LSC 503
        – LSC 506
        – LSC 605
        – LSC 608
        – LSC 624
        – LSC 630
        – LSC 651
        – LSC 998

Bảng Điểm Chính Thức (Transcript) do Phòng Học Vụ (Registrar), Đại Học Syracuse cung cấp.

Thời Gian Công Tác Cho Hội Thư Viện Việt Nam (1974-1975)

Sau khi tốt nghiệp vào tháng 5-1973, tôi về nước, ra ứng cử chức vụ Chủ Tịch, Hội Thư Viện Việt Nam [3] (HTVVN) và đắc cử với số phiếu như sau:

Thông tin trích ra từ Bản Tin (HTVVN), số 1 (Tháng 3-1974), tr. 4.

Trong phần mở đầu của tờ Bản Tin đầu tiên này của HTVVN, số 1 (Tháng 3-1974), nhân danh Ban Chấp Hành HTVVN, tôi đã nêu rõ đường lối phát triển cho Hội, và kêu gọi sự tiếp tay, đóng góp của tất cả Hội viên như sau:

Là Thư Chủ Tịch – Bản Tin (HTVVN), số 1 (Tháng 3-1974), tr. 1

Ngay trong phiên họp đầu tiên tại trụ sở mới của HTVVN đặt trong khuôn viên của Viện Đại Học Vạn Hạnh, với tư cách Chủ Tịch của Ban Chấp Hành, tôi đã đề ra một chương trình làm việc rất tích cực gồm các dự án như sau:[4]

• Xuất bản TVTS [Thư Viện Tập San]như một quý san, ba tháng ra một số, một năm đủ 4 số; đồng thời cũng xuất bản tờ BT [Bản Tin], mỗi tháng ra một số, giữa các số của TVTS

• Tổ chức 2 Khóa Huấn Luyện Căn Bản Thư Viện Học dành cho hội viên

• Tổ chức một Đại Hội Hè để thảo luận một số vấn đề chuyên môn và nội bộ của Hội

• Chấn chỉnh và kiện toàn tình trạng hội viên của Hội

• Ấn hành một số tài liệu chuyên môn

Trong nhiệm kỳ 1974, Ban Chấp Hành của HTVVN đã thực hiện được tất cả các dự án đã đề ra, nhưng việc tổ chức thành công mỹ mãn Đại Hội Hè là thành tích làm tôi hãnh diện và tự hào nhứt vì đó là một trải nghiệm rất tích cực của chân lý “Tận Nhân Lực.”  Ban Chấp Hành đã làm hết tất cả những việc có thể làm được trong việc tổ chức thành công Đại Hội Hè đầu tiên và duy nhứt trong suốt lịch sử trên 15 năm của HTVVN, với những thành quả thật tốt đẹp như sau:

• Đại Hội được chuẩn bị thật kỹ: 4 Ủy Ban Chuyên Môn được thành lập và họp hàng tuần trong 2 tháng 4 và 5-1974; đề nghị của 4 Ủy Ban được gởi đến tất cả Hội viên 1 tháng trước Đại Hội

• Tất cả Hội viên về tham dự Đại Hội đều được cấp Lộ Trình Thư và Phụ Cấp Vãng Phản, cả vé máy bay (nếu ở các tỉnh xa)

• Tổng số Hội viên về dự Đại Hội là gần 300 (trước kia, mỗi lần họp Đại Hội Thường Niên để bầu Ban Chấp Hành, số Hội viên tham dự chưa bao giờ hơn 100)

• Tất cả các vấn đề được đưa ra thảo luận tại Đại Hội đều được giải quyết thỏa đáng, trong đó quan trọng nhứt là một Quy Chế Quản Thủ Thư Viện Học Đường đã được thông qua và trình lên cho Bộ Giáo Dục để ban hành. 

Thành quả cuối cùng nhưng quan trọng và rực rỡ nhứt của Ban Chấp Hành HTVVN nhiệm kỳ 1974 là việc thành lập được Ban Thư Viện Học (đầu tiên của Việt Nam Cộng Hòa) tại Phân Khoa Văn Học và Khoa Học Nhân Văn của Viện Đại Học Vạn Hạnh với bản thân tác giả bài viết này được cử nhiệm làm Giáo Sư Trưởng Ban đầu tiên.[5]

Thời Gian Làm Việc Tại Canada (1981-2006)

Ngày 23-9-1981, tôi mang gia đình rời Việt Nam đi định cư tại Canada do Anh Tư của tôi bảo lãnh.  Tôi đã làm việc liên tục tại đất nước hiền hòa này trong một phần tư thế kỷ (1981-2006), và chính thức nghỉ hưu từ ngày 1-7-2006 ở tuổi 65.

Trong suốt thời gian 25 năm này, tôi đã trải qua khá nhiều thăng trầm trong cuộc sống cá nhân cũng như trong công việc làm, nhưng lúc nào tôi cũng không ngừng cố gắng phấn đấu, không bao giờ bỏ cuộc, luôn luôn lấy chân lý “Tận Nhân Lực, Tri Thiên Mạng” làm kim chỉ nam.

Tôi chỉ xin kể ra đây một chuyện thôi, một chuyện thật tiêu biểu, thật đau lòng, mà tôi không thể nào quên được.  Chuyện xảy ra vào năm 1992.  Lúc đó tôi đang làm việc cho một cơ quan của Chính phủ Liên bang Canada tại Thành phố Hamilton, thuộc tỉnh bang Ontario, có tên là Canadian Centre for Occupational Health and Safety (CCOHS), phụ trách thông tin về An Toàn Lao Động, với chức vụ Manager, Database Development Department, với nhiệm vụ đóng góp trực tiếp vào việc sản xuất các CD-ROM mang tên là CCINFOdisc, bán ra khắp thế giới (vào năm 1990, đã có trên 40 nước mua CCINFOdisc này), mỗi năm đã có thu nhập vào khoảng 5 triệu đô la Canada.  Cơ quan CCOHS do Chính phủ của Đảng Tự Do thành lập.  Bây giờ Chính phủ mới của Đảng Bảo Thủ coi CCOHS như cái gai trong mắt nên đã tìm mọi cách gây khó khăn.  Họ cách chức Tiến Sĩ Gordon Atherley, Chủ Tịch (President) của CCOHS, một chuyên gia hàng đầu về An Toàn Lao Động được cả thế giới kính nể, và cử một ông Trung Tướng Lục Quân hồi hưu thay thế.   Ông này hoàn toàn không có một chút kiến thức gì hết về An Toàn Lao Động mà cũng chưa bao giờ có kinh nghiệm về quản lý kinh tế.  Có lẽ nhận được mật lệnh thế nào đó ông ra tay loại bỏ tất cả các vị Giám Đốc (Directors) và Trưởng Ban (Managers) của CCOHS.  Tôi bị cho nghỉ việc vào ngày 30-9-1992 cùng với 3 vị Trưởng Ban khác, sau hơn 8 năm hết sức cố gắng làm việc thật tốt tại CCOHS, với thành tích là luôn luôn được đánh giá hàng năm với Excellent Performance, và mỗi năm đều được lên lương hai bậc.  Tôi thật sự đau đớn và cay đắng vì cách đối xử hoàn toàn bất công này.  Sau đó là 5 năm trời lận đận với các công việc hợp đồng ngắn hạn.  Tuy nhiên, tôi vẫn tin tưởng vào chân lý “Tận Nhân Lực” và tiếp tục kiên trì phấn đấu để vượt qua cơn bĩ cực đó, và sau cùng tôi đã được đền bù một cách thật xứng đáng: ngày 2-9-1997 tôi chính thức bắt đầu nhận công tác tại Thư Viện của Viện Đại Học Saskatchewan (University of Saskatchewan Library) với chức vụ Trưởng Ban Biên Mục (Head, Cataloging Department), mang cấp bậc Librarian III; 3 năm sau, năm 2000, tôi vào biên chế chính thức, và thăng cấp lên Librarian IV (cấp bậc cao nhứt của Librarian tại Đại Học), và sau 9 năm, tôi nghỉ hưu, vào ngày 1-7-2006, với cấp bậc Librarian Emeritus do Hội Đồng Quản Trị của Đại Học Saskatchewan ban cho.[6]

Thay Lời Kết

Ở tuổi “bát tuần” này với hơn 40 năm làm việc trong nước và tại Canada, bản thân tôi đã trải qua rất nhiều thăng trầm trong cuộc sống cũng như trong công việc làm.  Có lúc tôi cũng có bị mất tinh thần, nhưng, nói chung, tôi đều đã vượt qua được những giai đoạn đầy khó khăn, chướng ngại đó.  Đằng sau những cố gắng phấn đấu không ngừng nghỉ đó của bản thân tôi chính là niềm tin sắt đá vào chân lý “Tận Nhận Lực, Tri Thiên Mạng.”   

GHI CHÚ:

1. Trường Trung Học Petrus Trương Vĩnh Ký.  Lễ phát thưởng long trọng đặt dưới quyển chủ-tọa của Ông Bộ-Trưởng Bộ Quốc-Gia Giáo-Dục.  Sài Gòn: Ngày 27 tháng 3 năm 1960, tr. 60.

2. Lâm Vĩnh-Thế.  Duyên lành của tôi với tiếng Anh, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: https://petruskyaus.net/duyen-lanh-cua-toi-voi-tieng-anh-lam-vinh-the/

3. Nguyễn-Hùng-Cường.  “Hội Thư-Viện Việt-Nam đã được 15 tuổi,” Thư Viện Tập San (Bộ mới), số 19 đặc biệt, năm 1973, tr. 1-4.

4. Lâm Vĩnh-Thế.  Tròn nhiệm vụ: hồi ký của một quản thủ thư viện Canada gốc Việt.  Westminster, Calif.: Nhân Ảnh, 2021, tr. 52.

5. Lâm Vĩnh-Thế.  Phát triển thư viện tại Miền Nam trước 1975, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: Phát triển thư viện tại Miền Nam trước 1975 | Tập San Việt Học (viethocjournal.com)

6. Lâm Vĩnh-Thế.  Duyên lành của tôi với Đại Học Saskatchewan, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: Hội Ái Hữu Petrus Trương Vĩnh Ký Úc Châu (petruskyaus.net)