Đại Tá Tôn Thất Soạn

“Cùng nhau đi tới Sàigòn, cùng nhau đi tới Sàigòn…”

Đã từ lâu lắm rồi, nhạc sĩ Văn Phụng mời gọi mọi người đến thăm Sàigòn, hòn ngọc Viễn Ðông và đồng thời cũng là thủ đô yêu dấu của nước Việt Nam Tự Do. Lời kêu gọi ấy ngày nay ở hải ngoại càng có ý nghĩa thiết tha hơn đối với các cựu quân nhân QLVNCH nói chung và anh em TQLC nói riêng, vì thế trong những dịp họp mặt, các niên trưởng trong Binh Chủng thường nhắc nhở chúng tôi, dù đã buông súng nhưng đừng buông xuôi, vẫn phải đoàn kết, giữ vững tinh thần, duy trì sức khỏe để một ngày mai không xa “cùng nhau đi tới Sàigòn”, cùng nhau tập họp tại Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn để hát Quốc Ca, chào Quốc Kỳ VNCH. Trong khi chờ đợi ngày vui ấy thì một số anh em TQLC chúng tôi cùng nhau đi tới thăm “Sàigòn”, một trong những cấp chỉ huy cần được nhắc đến.

Là một trong hai Binh Chủng Tổng Trừ Bị của QLVNCH nên từ lính tới quan, quanh năm suốt tháng chỉ luẩn quẩn với núi cao, rừng sâu, sáng tinh mơ còn lội ở Ðầm Dơi, Cà Mâu, chiều mờ tối đã “đi kích” ở đồi Cồn Tiên, Ðông Hà vùng địa đầu giới tuyến, súng nổ trên Cao Nguyên lại cấp tốc leo dốc lên Tân Cảnh, Dakto.

Khắp bốn Vùng Chiến Thuật, nơi đâu có giặc là nơi đó có mặt anh em lính chiến Mũ Xanh, địa danh nào cũng nhớ, thành phố nào cũng thấy thương. Ðó là lý do mà hầu hết các cấp chỉ huy của chúng tôi đều dùng tên các thành phố thân yêu để làm danh hiệu truyền tin, thí dụ như: Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Ninh, Phúc Yên, Hà Nội, Nha Trang, Ðà Lạt, Lâm Ðồng, Tây Ðô, v.v… và Sàigòn.

“Sàigòn” là danh xưng của Đại Tá Tôn Thất Soạn. Ông sinh năm 1933 tại Ðà Lạt, theo học Khóa 4 Trường Võ Khoa Thủ Ðức, chiến đấu trong Binh Chủng TQLC từ cấp Trung Đội Trưởng cho đến cấp Lữ Đoàn Trưởng và sau cùng là Tiểu Khu Trưởng TK Hậu Nghĩa. Hiện ông và gia đình định cư tại tiểu bang IOWA (USA) theo diện H.O. sau 13 năm khổ sai trong ngục tù CS.

***

SÀIGÒN VỚI BINH CHỦNG TQLC

Chiến Đoàn A/TQLC hành quân dẹp Fulrro năm 1965 tại Banmêthuột.
Trái -> phải: Thiếu Tá Lê Hằng Minh – TMT/CĐA/TQLC (do Trung Tá Nguyễn Thành Yên làm CĐT) và Thiếu Tá Tôn Thất Soạn – TĐT/TĐ1/TQLC

Ông tham gia liên tục tất cả các cuộc hành quân lớn nhỏ khắp bốn Vùng Chiến Thuật và ngoại biên, binh nghiệp khởi đi từ Thiếu Úy non trẻ tiến tới Đại Tá già dặn kinh nghiệm và gió sương. Những ngôi sao Chiến Thương Bội Tinh, Anh Dũng Bội Tinh, ngành Dương Liễu cho tới Đệ Tam Đẳng Bảo Quốc Huân Chương mà Ông mang trên ngực là kết quả của những chiến công mà chính Ông cùng đồng đội tạo dựng bằng máu.

Huy chương nào cũng đáng quý, cũng có cái giá đích thực của nó, không có huy chương nào gọi là huy chương “ăn giỗ” mà chỉ có loại người đi “ăn giỗ” huy chương. Một ông quan Bộ Binh mà mang Phi Dũng cánh chim vàng của KQ hay Hải Dũng mỏ neo vàng của HQ thì là “quan kiểng”, đó mới là quan “ăn giỗ”.

Người lính chiến Bộ Binh (nói chung) rất hãnh diện được mang trên ngực những Chiến Thương, Anh Dũng, Bảo Quốc, v.v… nhưng còn một điều khác nữa cũng rất đáng trân quý, đó là tình đồng đội, là sự tương kính giữa cấp chỉ huy và thuộc cấp mà tôi xin tạm gọi là “Huynh Ðệ Bội Tinh”.

Huy chương “Huynh Đệ Bội Tinh” càng trở nên rõ ràng hơn khi “bị lột trần, ai cũng như ai”. Sau khi gãy súng, cấp chỉ huy không còn quyền hành đối với thuộc cấp cũ, họ được kính trọng nhiều hay ít là tùy thuộc vào quá khứ, lúc đương quyền cư xử với thuộc cấp ra sao? Giấy phép, giấy phạt, cái nào ký nhiều hơn?

Ngày xưa chỉ huy một đơn vị, mọi quyết định đều ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi và mạng sống của thuộc cấp. Có vị không vì huy chương, không vì thăng cấp, đôi khi còn chấp nhận kỷ luật vì bất tuân “thượng lệnh” để cứu bao mạng sống thuộc cấp, thực tế đã chứng minh điều đó trên mặt trận Lam Sơn 719 Hạ Lào, một mặt trận có nhiều bí ẩn? Cấp cao “quảng cáo” trước cho địch biết rằng ta sẽ đổ quân vào! Rồi quân ta đã đổ bao xương máu chỉ vì mất yếu tố bí mật, bất ngờ! “Tối cao” tối mắt nhưng người trực tiếp chỉ huy tại mặt trận đã sáng suốt tiết kiệm mạng sống thuộc cấp. Ðó là những hành động cao cả của cấp chỉ huy đáng cho thuộc cấp kính trọng, ngả mũ chào.

Ngược lại, nếu vì quyền lợi riêng tư, coi thường mạng sống của lính, thì nay có nhận những cái nhìn lạnh lùng của thuộc cấp cũng là lẽ thường. Chuyện không bình thường là những người ngày xưa được ưu đãi thì nay quay lại “móc” cấp chỉ huy cũ! Tệ hơn nữa là vẽ chuyện ra để nói, lẫn lộn giữa có và không!

Riêng đối với Sàigòn, Ông có bao nhiêu “Huynh Đệ Bội Tinh” đồng đội cũ gắn cho Ông, ánh mắt nào đồng bào Hậu Nghĩa dành cho Ông? Muốn biết thì phải đi hỏi những anh em Mũ Xanh đã từng trực tiếp hay gián tiếp làm việc với Sàigòn. “Ði hỏi già, về nhà hỏi trẻ”, người trẻ đầu tiên là Nguyễn Kha Lạt kể cho tôi nghe một kỷ niệm với Sàigòn.

Năm 2004 đi tham dự Đại HHội TQLC tại Houston TX, Lạt và tôi đứng ngoài hành lang nhà hàng nói chuyện vãn để chờ dạ tiệc, khi thấy Sàigòn đi tới, chúng tôi chưa kịp đứng nghiêm đưa tay chào thì ông đưa tay ra bắt và hỏi thăm “Khỏe không?”. Khi ông đi rồi, Kha Lạt gốc TÐ7 tâm sự:

“Thấy anh em mình mặc quân phục rằn ri thì Ông bắt tay chứ chưa hẳn ổng đã nhớ mình là ai, nhưng tôi nhớ mãi một kỷ niệm bị ông phạt. Hôm đó Tiểu Đoàn 7 cấm trại, nhưng tôi trốn ra phố đi tìm tình yêu, bất ngờ lại đụng một thằng bạn khác đã ở đó rồi, thế là cãi lộn, xô xát. Sàigòn đi ngang qua thấy vậy ngừng xe lại, cho lệnh chúng tôi tiếp tục cãi nhưng phải đứng ép sát lưng vào nhau! Cãi mà lại bắt ‘chung lưng đấu cật’ thì làm sao phun nước miếng vào mặt nhau được? Không cãi được thì đành phải cười. Ông thấy thương bèn thưởng cho hai thằng tôi một ngàn để đi uống café, xem ciné.”

Khi thượng cấp mà bắt gặp những trường hợp vi phạm kỷ luật như vậy, thông thường thì không gọi Quân Cảnh đến “xúc” thì cũng gọi đơn vị trưởng để “mắng vốn”. Chuyện Lạt kể có vẻ hay hay, thật hư chưa rõ thì 3 năm sau mới có dịp kiểm chứng. Tháng 9/2007, nhân dịp Hội TQLC Nam CA tổ chức họp mặt để kỷ niệm ngày thành lập Binh Chủng, tôi gặp anh Chu Trọng Ngư xin anh kể cho nghe vài kỷ niệm với Sàigòn, Quan Tư Pháo Binh mỉm cười:

“Tôi là sĩ quan phối hợp hỏa lực của Lữ Ðoàn nên luôn ở bên cạnh Lữ Đoàn Trưởng: Đi bay quan sát điều binh có tôi, ngồi trung tâm hành quân theo dõi tình hình tôi phải ngồi kế bên, thậm chí đi kiểm soát vòng ngoài tôi cũng được Ông gọi đi theo, vì thế có rất nhiều kỷ niệm. Một kỷ niệm khó quên – mỗi khi nhớ lại là tôi mỉm cười một mình – đó là khi thấy hai TQLC cãi nhau ngoài phố, ông phạt họ bằng cách bắt hai anh chàng này đứng dựa lưng sát vào nhau, thế là hết cãi.”

Hai người ở hai nơi khác nhau, thời gian cách biệt lại kể về một kỷ niệm với cùng một nội dung, cùng một biện pháp sửa sai lính của Sàigòn, dù vô tình trùng hợp hay hai chuyện khác nhau đều giúp cho người xung quanh có một cái nhìn khả tín về lòng khoan dung của Sàigòn đối với thuộc cấp. Thức lâu mới biết đêm dài, ở lâu mới biết lòng người có nhân, tôi xin ghi lại cảm tưởng của những quân nhân đã từng trực tiếp dưới quyền chỉ huy của Sàigòn:

Sàigòn là một cấp chỉ huy đáng kính, ông có cái dũng lược của người chỉ huy và lòng nhân hậu của bậc hiền nhân.”

Ðó là lời mở đầu lá thư của Thiếu Tá Lê Quang Liễn gửi cho tôi ngày 13/7/2007, thư kể nhiều kỷ niệm về những cuộc hành quân cùng Tiểu Ðoàn 1/TQLC dưới quyền Tiểu Ðoàn Trưởng Tôn Thất Soạn. Lê Quang Liễn viết tiếp:

“Ðầu năm 1966, tôi bị thương tại Quế Sơn, Quảng Ngãi được đưa về Căn Cứ Chu Lai (Hoa Kỳ) để giải phẫu và nằm điều trị tại đó, nhưng tôi lại xin về Tiểu Ðoàn. Găp tôi Sàigòn hỏi thăm tình trạng vết thương xong Ông nói: ‘Lịnh của tôi cho chú nghỉ để điều trị và dưỡng thương tới khi nào bình phục hẳn.’

“Tôi nhớ nhiều và nhớ kỹ về Sàigòn, có lẽ ngoài khả năng chỉ huy còn do tài lãnh đạo, cách cư xử của Ông khiến tôi khâm phục và mãi mãi nghĩ tốt về Ông.

“Sàigòn tuyệt nhiên không bao giờ nói tiếng ‘Ðức’, nếu thuộc cấp phạm phải lỗi lầm, dù nặng nhẹ ông cũng chỉ mắng ‘con khị’ xong rồi thôi chứ không ‘đì’ ai, chẳng để tâm trù dập người nào cả. Hình ảnh đẹp và hào hùng trước tiếng súng địch, cách cư xử với thuộc cấp của ông ghi đậm trong ký ức của tôi, ảnh hưởng đến cách điều quân trong suốt đời binh nghiệp của tôi” (L.Q.L.)

Lê Quang Liễn kể chuyện Đại Tướng 4 sao TQLC/HK chào Đại Tá TQLCVN:

“Trong Đại Hội TQLC năm 2004 tại Houston có hai đại tướng 4 sao TQLC/HK đến tham dự là Đại Tướng Walter E. Boomer và Đại Tướng John J. Sheehan1 (Supreme Allied Commander Atlantic). Ðại Tướng Sheehan hỏi tôi rằng Đại Tá Soạn có tới dự đại hội không? Tôi trả lời có, nên ông ta nhờ tôi hướng dẫn đến chào Đại Tá Soạn.

“Khi tới đúng khoảng cách ấn định, Đại Tướng Sheehan đứng nghiêm, đưa tay lên chào Sàigòn theo quân phong quân kỷ trước khi tiến tới siết tay Sàigòn. Giây phút ấy thật cảm động, một hình ảnh đẹp và khiêm tốn của một vị tướng 4 sao Hoa Kỳ. Thì ra Đại Bàng Sàigòn đã từng được bạn đồng minh nể phục.”

Ðúng như lời nhận xét của MX Lê quang Liễn, mỗi hành động hữu lý hay vô lý của cấp chỉ huy sẽ ảnh hưởng sâu đậm và lâu dài đến cuộc đời binh nghiệp của thuộc cấp. Kinh nghiệm cho thấy một sự khắt khe, muốn chứng tỏ quyền uy của cấp chỉ huy chỉ biết nặng tay phạt sẽ gây ra tàn mạt cuộc đời binh nghiệp của một sĩ quan tuổi trẻ hăng say nhưng hay háo thắng. Xin nghe Đại Úy Lê Văn Châm tâm sự:

“Trong lúc TĐ1 biệt phái cho Biệt Khu Thủ Ðô, tôi (Chuẩn Úy Châm) đem theo hai người lính với một trái lựu đạn, trong đêm lén Quân Cảnh, xuất Trại Lê Văn Duyệt đến xóm Cầu Kiệu Ðakao để giải thoát cho Trung Úy ÐÐP Lê Phước Thanh đang bị du đãng hành hung. Khi trở ra thì bị xe Q.C.202/TQLC bắt đem về nhốt tại BTL và chờ trình diện Trung Tá TMT. Tôi nắm chắc trong tay 7 ngày hay 14 ngày trọng cấm, coi như tàn đời, nhưng Tiểu Đoàn đã cho xe đến đón về và Sàigòn tha với lời khuyên: ‘Lần sau không nên hành động như vậy nữa.’”

Thật hú hồn, “niềm vui nhớ lâu, điều đau nhớ đời”. Ðó là chuyện kể về tuổi trẻ háo thắng của Chuẩm Úy Châm (1964 – 1966), sau đó trong lá thư dài hơn 4 trang giấy, Đại Úy Lê Văn Châm viết tiếp về vị Tiểu Đoàn Trưởng TÐ1/ TQLC của mình:

“Trong trận đánh ở thung lũng An Lão, quận Hoài Nhơn, Bình Ðịnh năm 1966, suốt một ngày quần thảo với địch, hai bên chỉ cách nhau một sườn đồi nhưng Sàigòn lúc nào cũng bình tĩnh ngay trên tuyến đầu. Một phóng viên người Nhật thấy Sàigòn can đảm như vậy anh ta cũng liều mình nằm sát bên cạnh để quay những đoạn phim sống thực và phim đã được chiếu trong phần thời sự quốc tế với lời thán phục TÐ1/TQLC và Sàigòn.”

Bình tĩnh, can đảm, kỷ luật trong chiến đấu, nhưng không quên quyền lợi thiết thực của thuộc cấp. Cựu Thiếu Tá Phan Công Tôn kể về kỷ niệm này:

“Tôi đi với Sàigòn qua nhiều cuộc hành quân, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào ông đều trầm tĩnh theo dõi sát tình hình, chỉ ra lệnh khi cần thiết, không hối thúc hay la hét khiến thuộc cấp bối rối đưa đến những hy sinh vô ích. Trái lại ông thường dành cho thuộc cấp linh động áp dụng sáng kiến và phản ứng cấp thời. Lòng tin của ông vào khả năng của các trung đội, đại đội trưởng khiến thuộc cấp quý mến và gọi ông là …’Ông Thầy’.

“Trong trận Ba-Gia cuối năm 1965, Chiến Ðoàn B do Sàigòn chỉ huy gồm có TÐ1/TQLC và TÐ5/ND của Thiếu Tá Nguyễn Khoa Nam. TÐ1 đã thắng lớn nên Sàigòn đề nghị thăng cấp Đại Úy cho ba đại đội trưởng là Trần Văn Hiển, Trần Văn Bi và Phan Công Tôn nhưng trưởng phòng TQT/LÐ xác nhận những sĩ quan này chưa đủ điều kiện.

“Trong buổi lễ khao quân mừng chiến thắng tại sân vận động Quảng Ngãi, đại diện TTM chủ tọa buổi lễ là Trung Tướng Tôn Thất Ðính. Khi biết ND có ba người được thăng cấp đại úy còn TQLC thì không (!) nên Sàigòn đã trình bày sự việc lên Tướng Ðính và sau đó tướng Ðính đã quyết định cho ba TQLC lên đại úy luôn. Thật bất ngờ vào giờ thứ 25, vì Bi giận không đi dự lễ nên Vũ Văn Vương phải đóng vai Bi để nhận lon đại úy. Sau đó Sàigòn vui, tâm sự: ‘Ba anh vui được thăng cấp nhưng tôi vui hơn vì đỡ phải lấn cấn trong lòng.’”

Hơn 40 năm sau, Thiếu Tá Phan Công Tôn còn nhớ kỷ niệm được “Ông Thầy” can thiệp cho thăng cấp cũng là chuyện bình thường, đó là kỷ niệm đáng nhớ suốt đời. Ðối với một quân nhân, sẽ nhớ suốt đời tới thượng cấp về việc “khen thưởng và trừng phạt”, nhất là một giấy phạt vì cá nhân của “sếp”! Nhưng chỉ cần một thái độ niềm nở, săn sóc của cấp chỉ huy cũng là một kỷ niệm đẹp đối với tân sĩ quan vừa trình diện đơn vị mà 45 năm sau vẫn còn nằm sâu trong ký ức. Thiếu Tá Trần Ngọc Toàn TÐT/TÐ4 kể:

“Tháng 1/1963, chúng tôi gồm Tùng, Toàn, Tống những tân Thiếu Úy về trình diện TÐ4/TQLC đang hành quân ở Cà Mau, gặp Đại Úy TĐP Tôn Thất Soạn, cao lớn đẹp trai làm chúng tôi khớp, nhưng cử chỉ điềm đạm, hướng dẫn chúng tôi nơi ăn chốn ngủ và căn dặn những điều cần thiết để sáng hôm sau đổ bộ vào rạch Ông Năm khiến tôi cảm mến và nhớ mãi cho tới nay. (Lá thư anh Toàn viết tháng 9/2007)

Tôi còn nhận được những lá thư của MX Trần Văn Viễn (San Diego), Ðỗ Phú Ngọc (Detroit), Vũ Ðình Kích (Canada) và NT Nguyễn Minh Châu (San José), v.v… Tất cả cùng có một nội dung dành cho Sàigòn những kỷ niệm đẹp. Lời của niên trưởng MX Nguyễn Minh Châu, cựu quận trưởng quận Dĩ An (Thủ Ðức):

“Sàigòn là một cấp chỉ huy mà tôi luôn kính nể, một sĩ quan có tư cách, tính tình điềm đạm với mọi người. Không kiêu căng, không kiêu binh, không rắc rối và khó chịu đối với thuộc cấp. Khi chỉ huy tại mặt trận thì luôn bình tĩnh và rất can đảm. Trong thời gian làm Tỉnh Trưởng tỉnh Hậu Nghĩa, ông được quân dân cán chính mến phục.”

Những ý kiến kể trên, dù được trực tiếp hay gián tiếp gửi đến người viết, đã tạm đủ để nói về Sàigòn Tôn Thất Soạn đối với Binh Chủng TQLC, nhưng không thể thiếu ý kiến của Ðồ Sơn Ngô Văn Ðịnh, Đại Tá Lữ Ðoàn Trưởng LÐ258/TQLC, người kế nhiệm Sàigòn, đồng thời cũng là một cấp chỉ huy tài ba của TQLC. Ðồ Sơn đã viết trong bài “Những Chiến Tích Nổi Danh Chiến Sử TQLC” như sau:

“Chiến Đoàn B của Trung Tá Soạn đã lập rất nhiều chiến công từ năm 1965 đến năm 1970. Trận Ba Gia – Quảng Ngãi, trận An Lão – Bồng Sơn, trận Giáo Ðức – Ðịnh Tường, trận Khiêm Hanh và Bời Lời – Tây Ninh và nhiều trận khác nữa.

“Ðại Tá Tôn Thất Soạn đã góp công đáng kể về hành quân cho Sư Ðoàn TQLC. Ðại Tá Soạn cũng được ân thưởng nhiều huy chương: Bảo Quốc Ðệ Tứ Ðẳng kỳ Mậu Thân 1968 và Ðệ Tam Ðẳng Bảo Quốc Huân Chương thường niên năm 1972. Nếu Ðại Tá Soạn được bổ nhiệm giữ chức vụ Tư Lệnh Phó Sư Ðoàn TQLC, hoặc BTL/SÐ đề nghị ông đi làm Tư Lệnh một Sư Ðoàn Bộ Binh nào đó năm 1972 thì hợp tình và hữu lý hơn vì công trạng của ông trong Binh Chủng.

“Tôi đã được tiếp đón Tổng Thống Thiệu ba lần khi ông đến thăm đơn vị tại Thủ Ðức năm 68, Căm Bốt năm 70 và Vùng 1 năm 72, nếu được hỏi hoặc thuận tiện, tôi không ngần ngại mà nói lên đề nghị đó với Tổng Thống”. (Trích nguyên văn)

Trong cuộc hành quân vượt biên sang Kampuchia (5/70), Sàigòn là Lữ Đoàn Trưởng LÐ258/TQLC kiêm Tư Lệnh Phó Lực Lượng Ðặc Nhiệm Thủy Bộ, ông được thăng cấp Ðại Tá thực thụ tại chiến trường Prey Veng.

Sau hành quân Kampuchia, Sàigòn “được” cho đi học CHTM tại Ðà Lạt, sau khi mãn khóa, Ông được giao trọng trách chức vụ Tổng Thanh Tra SÐ/TQLC. Khi cuộc hành quân Lam Sơn 719 Hạ Lào bắt đầu ở Giai Đoạn I thì ông lại được đề cử làm Chỉ Huy Phó kiêm TMT/HQ/SÐ/TQLC. Vào cuối Giai Đoạn I, Ông rời chiến trường để trở về nhiệm vụ chính là Tổng Thanh Tra SÐ/TQLC!

Sàigòn là cấp chỉ huy chiến trường xuất sắc của Sư Ðoàn TQLC như lời nhận xét trên đây của Ðồ Sơn, vậy mà trong giai đoạn dầu sôi lửa bỏng từ mặt trận Hạ Lào tiếp theo mặt trận Trị Thiên đi vào giai đoạn khốc liệt, từ Tư Lệnh đến Binh Nhì đều cầm súng tại chiến trường thì Ông lại “giã từ vũ khí” để “cầm bút nghiên” đi thanh tra ở hậu phương!

Mọi người đều biết là từ thượng tầng Bộ TTM cho đến cấp thấp nhất thì các quan tổng thanh tra, thanh tra chỉ là những người ngồi đọc báo (cáo)! Nói cho vui thì quý quan này “hành hạ” những tờ báo, báo nào, tạp chí nào từ phòng thanh tra đi ra thì không còn một chữ để người khác đọc!

Một sự phí phạm nhân lực tài lực, một sự thiệt hại chung cho Quân Đội chớ chẳng riêng ai! Nhưng “niềm riêng” của ai thì không ai biết và chẳng nên viết về những điều mình không biết, chỉ biết nhắc lại lời Niên Trưởng Đồ Sơn: “Nếu Sài Gòn được đi làm Tư Lệnh một SÐ/BB thì hợp tình và hữu lý hơn.”

SÀIGÒN VỚI TIỂU KHU HẬU NGHĨA

Trong một lần được gặp Sàigòn tại nhà MX Trần Trung ở Nam CA, tôi hỏi:

– Sàigòn được đi làm tỉnh trưởng trong trường hợp nào? Vào thời gian nào?

Ông im lặng như không muốn nhắc lại chuyện xưa, nhưng rồi chậm rãi:

“Là cấp chỉ huy một đơn vị tác chiến, thời gian được đi phép để gần gũi với gia đình rất đáng quý nhưng lại quá hiếm hoi, dù cho đó là quyền lợi của người quân nhân, nhưng thường bị cắt xén. Thiếu gì trường hợp vợ sanh, con ốm, cha mẹ đau, tay chưa được cầm tờ giấy phép thì bản thân mình đã ‘xanh cỏ’ chỉ vì lý do ‘công vụ’! Tôi nhờ ngồi phòng thanh tra mà được gần gũi cùng gia đình khá lâu nên khi Trung Tướng Thuần TL/QÐ3 đề nghị tôi về tỉnh Hậu Nghĩa thì tôi nhận lời, nhận làm tỉnh trưởng vì nhu cầu công vụ thì không có vần đề ‘chi’, mà đã không ‘chi’ thì không bao giờ có ‘thu’. Tôi nhận chức Tỉnh Trưởng Hậu Nghĩa từ đầu năm 1973 cho tới 30/4/1975.”

Theo lời Trung Tá Bùi Văn Ngô, Quận Trưởng Trảng Bàng thì tỉnh Hậu Nghĩa không nặng về hành chánh và kinh tế mà là điểm chiến lược quân sự, là yết hầu chặn sự xâm nhập của VC từ Cao Miên, mật khu Ba Thu, Lý Văn Mạnh, Hội Đồng Sầm, Rau Răm, Bà Vụ, v.v… dọc theo hai bên sông Vàm Cỏ Ðông để vào mật khu Hố Bò, Bời Lời.

Tỉnh đường nằm trong ấp Bầu Trai, phố chính dài 1km chỉ với những tiệm hủ tíu và café “bí tất”. Tài nguyên nghèo nàn, đất úng phèn nên chỉ hợp với mía và thơm, nhưng những năm về sau mía chết, thơm cũng chết chỉ vì một loại “thổ sản” mới xuất hiện. Ông Quận Ngô tả oán:

“Ðây là loại ‘thổ sản’ nhiều mảnh và mạnh nhất mới xuất hiện trên lãnh thổ tỉnh Hậu Nghĩa. Ðó là … mãng cầu, không phải mãng cầu dai, mà cũng không phải mãng cầu gai, mà là mãng cầu ‘gài’[1]. Loại mãng cầu này trông đẹp xinh, nhưng mình không ăn được nó mà nó ‘ăn’ ngược lại mình!”

Qua lời diễn tả của Ông Quận Trảng Bàng giúp người ngoài cuộc hiểu thêm về thực trạng của tỉnh Hậu Nghĩa, nhất là loại thổ sản nguy hiểm rình rập người dân Hậu Nghĩa từng bước đi. Hậu Nghĩa, một tỉnh nghèo nhất và nguy hiểm nhất của lãnh thổ Vùng 3 VNCH.

Những gì Sàigòn làm thay đổi bộ mặt tỉnh Hậu Nghĩa thì chỉ có người dân sống ngay tại địa phương mới đủ thẩm quyền phê bình Ông Tỉnh. Người viết xin tóm lược một số ý kiến của quý vị thân hào nhân sĩ, quân cán chính cùng cộng tác với Sàigòn.

Cụ LÊ VĂN TIẾT, 86 tuổi, đại diện ban cố vấn gia đình Hậu Nghĩa:

“Kính gửi quý vị cựu quân nhân các cấp và hành chánh tỉnh Hậu Nghĩa.

“Thấm thoát đã ngoài 30 năm làm thân ti nạn CS, nhưng toàn thể anh em chúng ta vẫn tiếp tục tranh đấu về mặt chính trị để mong một ngày trở lại quê hương VN… Chúng ta vẫn nhớ đến những vị có trách nhiệm với tỉnh nhà, không mệt mỏi để lo cho dân, điều hòa sự sinh sống của mọi người dân đươc ổn định, no cơm ấm áo, bảo vệ toàn vẹn nhà thờ, chùa, miếu, đình, thánh thất,.. Đó là các vị Đại Tá Tôn Thất Soạn, trách nhiệm tỉnh Hậu Nghĩa và Trung Tá Bùi Văn Ngô, quận trưởng Trảng Bàng.”

Lá thư khác của một người dân quận Trảng Bàng tỉnh Hậu Nghĩa:

“Tôi sinh ra và lớn lên tại Trảng Bàng nên đã chứng kiến cảnh chiến tranh hãi hùng trên xứ sở tôi. Nay nghĩ lại thấy giật mình với nhiều vui buồn. Buồn thì quên đi nhưng vui thì nhớ mãi, vui và hãnh diện của đồng bào Hậu Nghĩa chúng tôi đối với vị Tỉnh Trưởng ở lại với chúng tôi tới giờ phút cuối cùng ngày 30/4/1975.

“Ông là vị Tỉnh Trưởng khuôn thước, đức độ, văn võ trọn vẹn và đặc biệt là không hề tham nhũng, cụ thể là tôi biết có một số thương gia buôn bán thuốc tây mang quà biếu Ông Tỉnh nhưng đều bị dứt khoát từ chối. Suốt thời gian làm Tỉnh Trưởng, Ông đã giúp kinh tế Hậu Nghĩa phát triển, an ninh vãn hồi, người dân có cuộc sống yên ổn… Nay ở hải ngoại, dù tuổi cao, không ngại xa xôi, ông vẫn thường xuyên dến các nơi thăm viếng và chia sẻ buồn vui với chúng tôi. Xin cám ơn Đại Tá TQLC Tôn Thất Soạn.” (Trích thư người dân ký tên Phan Lê từ Kent, WA ngày 27/9/2007)

Cô giáo Tân Mỹ đã thấy những đổi thay qua các trào tỉnh trưởng, nhưng vị tỉnh trưởng cuối cùng đã để lại nhiều tình cảm thương mến cho người dân, cô ghi lại:

“Xuất thân từ Binh Chủng TQLC nên ông có thừa kinh nghiệm về quân sự ở một tỉnh lẻ như Hậu Nghĩa. Chỉ sau một thời gian ngắn Ông nhậm chức, các vụ đắp mô, gài mìn, pháo kích bừa bãi vào dân chúng không còn nữa. Ông luôn đi đến các xã, ấp xa xôi để sinh hoạt và giải quyết những oan ức và nhu cầu cấp bách của dân chúng. Trong Tiểu Khu, Ông là tấm gương sáng cho tình ‘Huynh Đệ Chi Binh’. Tôi tin rằng bà con nào khi tiếp xúc với Ông, đều dành cho Ông một sự kính trọng và thương mến. Ðề nghị anh chị em Gia Đình Hậu Nghĩa dành cho Niên Trưởng Tôn Thất Soạn ‘một bông hồng.’”

Những thân hào nhân sĩ, những người dân như cụ Tiết, Phan Lê, Tân Mỹ tặng Ông Tỉnh một bông hồng, nhưng tôi nghĩ Đại Tá TQLC Tôn Thất Soạn lại có thêm một huy chương cao quý khác: “Dân Sự, Dân Vận” bội tinh. Cao quý ở chỗ người dân tự động gắn cho ông chứ không do từ thượng cấp ban thưởng.

 Ngoài những cảm tình mà những người dân Hậu Nghĩa đã dành cho Sàigòn, anh Ðặng Bá Huy một quân nhân của Tiểu Khu Hậu Nghĩa đã viết:

“Anh Soạn không còn chỉ huy chúng tôi về quân sự và hành chánh nữa, nhưng hiện nay anh là linh hồn của Gia Đình Hậu Nghĩa, anh vẫn luôn luôn là Anh Cả trong hơn 800 gia đình Hậu Nghĩa Hải ngoại chúng tôi.”

Vì nhiệm vụ, anh Huy tiếp xúc với các Chi Khu Trưởng và có nhiều liên hệ với dân chúng Hậu Nghĩa, nhưng anh chưa hề ghi nhận sự than phiền nào của quân dân Hậu Nghĩa đối với Ông Tỉnh Tôn Thất Soạn. Anh Huy kể lại một kỷ niệm:

“Ðơn vị tôi chận đánh được một toán kinh tài VC và thu 75 ngàn đồng. Tôi xin Ông cho em út trong đơn vị liên hoan, thế là tiếng đồn khắp tỉnh là tôi thu được 75 triệu đồng. Sau một buổi họp ở TTHQ ra, ông cười và nói rất lớn: ‘Ông Huy bắt được số tiền lớn thì phải khao đi chứ!’ Ông cố nói to cho mọi người cùng nghe để biết VC tung tin đồn sai để gây chia rẽ nội bộ Tiểu Khu, chúng đã làm và từng thành công về âm mưu này. Vì kinh nghiệm với tấm lòng trong sáng của Ông, tôi có thể kết luận như thế này: Chỉ huy để cấp dưới sợ thì quá dễ, từ SỢ tới KÍNH PHỤC mới khó, từ kính phục tới Quý Mến càng khó hơn, nhưng Niên Trưởng Sàigòn đã làm được diều đó.” (Trích thư của anh Ðặng Bá Huy gửi ngày 24/7/2007)

Còn nhiều ý kiến của người dân Hậu Nghĩa dành cho Ông Tỉnh những cảm tình quý mến, tôi xin tóm tắt lại bằng lời nhận xét của ông cựu Quận Trưởng Quận Trảng Bàng, Hậu Nghĩa, Trung Tá Bùi Văn Ngô:

“11 năm là lính hoạt động trong lãnh thổ Hậu Nghĩa rồi tới 5 năm sau là Quận, trải qua nhiều đời tỉnh trưởng, mỗi vị đều có những ưu và khuyết điểm khác nhau nhưng với tôi, ông Sàigòn thì ‘parfait’, rất giỏi. Bởi không riêng về phương diện nào mà tất cả đều được giải quyết một cách hợp tình hợp lý. Khi giao công tác, ông luôn theo dõi sát, khi thấy có điều không vừa ý thì ông không rầy la mà chỉ hỏi khéo ‘Cần gì không?’

“Tỉnh Hậu Nghĩa là tỉnh quá nghèo tài nguyên và mất an ninh nhất, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn mà Sàigòn đã làm thay đổi toàn thể bộ mặt kinh tế và an ninh. Dĩ nhiên không phải ông có đôi dũa thần mà chính vì tư cách làm việc, đi sát với dân, đức tính liêm khiết đã thu phục nhân tâm, quân dân cán chính cùng hợp tác làm việc mới đạt được. Nếu như Ông Tỉnh nào cũng làm việc và cư xử như Sàigòn thì Quốc Gia không tệ.”

Trong buổi “phỏng vấn” anh Ngô, có một chi tiết khá tế nhị mà anh yêu cầu tôi “nghe qua rồi bỏ”, nhưng xét ra đó là một việc công rất hay, cần được nói đến, tôi xin phép ông Quận Ngô tiết lộ. Ông Quận nói:

“Ðịa bàn tỉnh Hậu Nghĩa quá nhiều VC, ban ngày, các xã ấp là của ta, đêm về là của địch, vì thế khi còn là Tiểu Ðoàn Trưởng, tôi đã phân tán tiểu đoàn tới cấp trung đội, đến tối cho đi nằm chung với các viên chức xã ấp, tuy sai nguyên tắc nhưng kết quả tốt nên khi làm Quận tôi vẫn tiếp tục đưa các sĩ quan tham mưu chi khu xuống ‘ngủ’ tại xã ấp. Khi Ông Tỉnh Soạn về, tôi trình Ông kế hoạch này, Ông chấp thuận ngay và cho lệnh tôi tiếp tục nghiên cứu ưu khuyết điểm. Khi hoàn tất tôi trình lên Sàigòn, ông Tiểu Khu Trưởng trình lên Tư Lệnh Quân Ðoàn 3. Tướng Toàn chấp thuận kế hoạch này và gọi là Phân Chi Khu.”

Trước kia, về quân sự thì tỉnh gọi là “tiểu khu”, quận là “chi khu”, như vậy có thể nói “phân chi khu” ra đời từ tỉnh Hậu Nghĩa dưới thời Tiểu Khu Trưởng Tôn Thất Soạn và Chi Khu Trưởng Bùi Văn Ngô và được tướng Tư Lệnh Quân Khu 3 Nguyễn Văn Toàn cho thành lập các phân chi khu ở các nơi khác. Phân chi khu của các quận trong thành phố được gọi là “phường”. Nhờ tiết lộ của anh Ngô tôi mới biết Phường (Phân Chi Khu) từ đâu mà có, chuyện đơn giản vậy có chi mà phải giấu? Tôi xin lỗi ông quận Ngô đã nói ra điều ông không muốn nói.

 SÀIGÒN BẤT KHUẤT TRONG NGỤC TÙ CS

Trong thư kể chuyện buồn vui với Sàigòn, Thiếy Tá Phan Công Tôn kết luận:

“Sàigòn đẹp giai rất ư là Hoàng tộc, nhưng năm 1984, gặp lại Ông ở trại B Xuân Lộc thấy ông xuống sắc như mọi người, dĩ nhiên, nhưng sao cái mắt bên phải của ông ‘lé xẹ’ khiến tôi thấy buồn trong lòng như mất một cái gì trân quý.”

Thời gian tù đày, tôi cũng được gặp Sàigòn, Tư lệnh Phó Tango Nguyễn thành Trí và một số đông các niên trưởng Mũ Xanh khác trong các trại tù CS từ Bắc tới Nam, tôi không thấy buồn như Facoto mà trái lại, lại thấy “zui”! Vui khi thấy các đàn anh vẫn sống đàng hoàng như “cây tùng trước bão”, vẫn xứng đáng là cấp chỉ huy nên dù chỉ một lời nhắc khéo chúng tôi vẫn coi như một lệnh, Sàigòn là một người như thế.

Trong tù, không còn quyền hành hay cấp bậc, không còn kỷ luật Quân Ðội để đối xử với nhau mà chỉ căn cứ vào tư cách mà còn tình nghĩa anh em. Không hiếm những nỗi buồn khi thấy một đàn anh thiếu tư cách, khúm núm trước cai tù, miếng ăn làm mờ mắt, không còn thấy “Anh Dũng” với “Bảo Quốc” mà chỉ còn mẩu sắn, lát khoai miếng cháy, v.v… khiến lớp đàn em coi thường, đôi khi hỗn hào. Tôi mừng là không bị gặp những đồng đội, những niên trưởng như thế, vui khi chưa gặp trường hợp “dậu đổ bìm leo”.

SÀIGÒN VÀ GIA ĐÌNH

Sàigòn có người em ruột là Thiếu Tá Tôn Thất Trân, Khóa 20 trường VBQGVN, tình nguyện về chiến đấu trong Binh Chủng Tổng Trừ Bị TQLC, rồi sau này phục vụ lực lượng Địa Phương Quân tỉnh Hậu Nghĩa. Dù ở đâu với cương vị nào, Tôn Thất Trân vẫn sống và chiến đấu với đôi tay và khối óc của chính mình. Không phải suy đoán mà vì đã có thời gian làm việc với Trân, xuất thân cùng một quân trường nên tôi hiểu và cảm phục lối làm việc của Trân và bào huynh của anh.

Viêc quân thì Trân cứ theo đúng quân kỷ mà thi hành. Sống, chiến đấu rồi hy sinh! Thiếu Tá Tôn Thất Trân đã chiến đấu tới viên đạn cuối cùng, không còn viên đạn dành cho riêng mình nên đã bị sa vào tay giặc, giặc đã không dám công khai giết Trân tại chiến trường mà lén lút dẫn anh đi vào một xó rừng rồi xuống tay hạ sát, khiến 32 năm sau, thân nhân mới tìm lại được xác người Anh Hùng Vị Quốc Vong Thân. Người dân Hậu Nghĩa – cô Tân Mỹ – ghi lại:

“Một chiến công hiển hách là Đại Tá Tôn Thất Soạn có bào đệ là Thiếu Tá Tôn Thất Trân, Tiểu Đoàn Trưởng Ðịa Phương Quân tỉnh HN đã anh dũng đền nợ nước trong biến cố 30/4/1975 khiến đồng bào Hậu Nghĩa vô cùng thương tiếc.”

Người anh Hậu Nghĩa, người chị Bầu Trai đã khóc em:

“Tràng AK dòn dã nổ xa xa
Người gục xuống như bầu trời sụp đổ.
Không trận đánh nhưng chiến trường dành chỗ
Ðể vùi chôn một chiến sĩ mà thôi
Tôi thương tiếc người anh hùng Tôn Thất.”

Cựu Đại Úy Lê Văn Châm P2/SÐ, người bạn cùng đại đội với Tôn Thất Trân, thương nhớ bạn và đã kể nhiều kỷ niệm về Trân, trong đó có một đoạn khiến tôi – một đứa con hay cãi lời mẹ – thấy đáng suy nghĩ và xin ghi lại thay cho lời kết bài này:

Trân và tôi cùng đại đội nên có lần Trân rủ về nhà chơi và tôi được giới thiệu với thân mẫu. Thật đúng là một bậc hiền mẫu, lời nói nhẹ nhàng thanh thoát rất đáng kính, bà cụ ‘mời’ tôi ngồi rồi gọi người nhà mang nước tiếp khách, tôi nghe hai tiếng ‘Dạ vâng’ rất lễ phép.

“Thật bất ngờ, người mang nước ra mời khách (Châm) lại chính là Sàigòn, vị Tiểu Đoàn Trưởng của mình khiến tôi bối rối vô cùng! Nhưng trước mặt hiền mẫu, Sàigòn không còn là một Tiểu Đoàn Trưởng TQLC uy nghi mà chỉ còn là một người con hiếu thảo.”

HAPPY BIRTHDAY TO SÀIGÒN


1 1968 – 1969: Sàigòn là Chiến Đoàn Trưởng, Sheehan là Thiếu Tá cố vấn TÐ2

2 Ðó là lựu đạn gài