Đại Tá Ngô Văn Định

TĐ2/TQLC đã có nhiều vị Tiểu Đoàn Trưởng tiền nhiệm, nhưng chỉ mang danh “Trâu Điên” từ thời Thiếu Tá Lê Hằng Minh sau trận An Quý năm 1965, tới Trung Tá Ngô Văn Định, Thiếu Tá Nguyễn Xuân Phúc và cuối cùng là Thiếu Tá Trần Văn Hợp. Trong bốn vị Trâu Điên Trưởng thì nay ba vị đã hy sinh! Tôi hân hạnh được phục vụ dưới quyền cả bốn anh với nhiều điều buồn vui, nay xin nhớ lại như một nén nhang dâng lên các anh đã khuất và tâm tình với anh còn lại: đó là Đồ Sơn Ngô Văn Định. (T.V.C.)

***

Phải nói ngay mà không sợ mang tiếng là nịnh thượng cấp, theo tôi, TQLC Đồ Sơn Ngô Văn Định là một trong những quân nhân có nhiều huy chương nhất với 21 ngành Dương Liễu, Đệ Ngũ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương từ khi còn là Trung Úy Đại Đội Trưởng ĐĐ4 dưới quyền Đại Úy Nguyễn Thành Yên – Tiểu Đoàn Trưởng TĐ2/TQLC – sau trận Đầm Dơi (An Xuyên) năm 1963, Đệ Tứ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương trong trận Phụng Dư, Tam Quan tháng 4/1965 khi là Đại Úy Đại Đội Trưởng ĐĐ4/TĐ2 dưới quyền Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng TĐ2 Hoàng Tích Thông, và Đệ Tam Đẳng Bảo Quốc Huân Chương khi là Đại Tá Lữ Đoàn Trưởng LĐ258/TQLC – là một trong hai Lữ Đoàn Trưởng chỉ huy trận tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị (Lữ Đoàn kia là LĐ147/TQLC dưới quyền chỉ huy của Trung Tá TQLC Bắc Ninh Nguyễn Năng Bảo).

 Tôi không thể biết hết, nói nhiều về những chiến công của ông mà chỉ xin ôn lại những kỷ niệm “buồn, vui” quanh cuộc chiến của một Đại Đội Trưởng dưới quyền Trâu Điên Trưởng Đồ Sơn Ngô Văn Định.

Tôi phục vụ dưới quyền Đồ Sơn từ 1966 – 1969, tính tròn là 3 năm, đây là vị Tiểu Đoàn Trưởng lâu đời nhất của tôi, tôi theo ông liên tục trong mọi cuộc hành quân, trận chiến lớn nhỏ khắp bốn vùng chiến thuật từ khi ông bắt đầu làm Tiểu Đoàn Trưởng (29/6/1966), cho tới khi ông bị trọng thương, không làm TĐT/TĐ2 nữa (06/01/1969). Ngoài tài chỉ huy và lãnh đạo, Đồ Sơn còn là cấp chỉ huy “mát tay”, ít ra là đối với cá nhân tôi, ông đã giúp tôi thoát chết nhiều lần trong gang tấc, trong những trận chiến khốc liệt.

Ngày 13/5/2023, khi chúng tôi đến thăm ông tại San Jose, anh em nhắc lại những kỷ niệm chiến trường xưa, ông đã nói với những người có mặt gồm các TQLC Quách Ngọc Lâm, Vũ Thế Khanh, Trần Văn Khoẻ, Trần Xuân Nhàn, Long, Tiến Việt:

– Khi xưa, mỗi khi gặp nhiệm vụ quan trọng và mục tiêu khó khăn, tôi đều giao cho Đại Đội 1 của C. đi đầu. Công trạng của C. với TĐ2 nhiều lắm đấy!

50 năm sau, nghe Tiểu Đoàn Trưởng nhắc lại chuyện xưa mà thấy ấm lòng. Tôi không nhớ ông đã cho tôi, hoặc tôi có mấy cái huy chương, loại nào, ngoài 5 ngôi sao đỏ. Nhưng kỷ niệm nhớ lâu, đầu tiên với tôi là khi ông vừa về làm Tiểu Đoàn Trưởng TĐ2/TQLC thay thế cố Trung Tá Lê Hằng Minh 6/1966. Khi Tiểu Đoàn Phó là Đại Úy Nguyễn Xuân Phúc giới thiệu các sĩ quan trong Tiểu Đoàn cho tân TĐT Đồ Sơn ở hậu cứ Thủ Đức, Trại Lê Hằng Minh. Anh Phúc giới thiệu tôi với Đồ Sơn và nói:

– Đây là Thiếu Úy Cấp, mới từ TĐ5 đổi về, đánh đấm cũng được lắm.

Chả hiểu Đồ Sơn đã đọc hồ sơ quân bạ của tôi chưa, nhưng khi hai ông vừa bước đi thì tôi nghe Đồ Sơn nói nhỏ với anh Phúc:

– Đánh đấm được thì sao TĐ5 lại thải ra?

Đúng! Ít khi nào đơn vị cũ lại buông ra một quân nhân đánh đấm được, ngược lại, cấp chỉ huy đơn vị mới không vui khi phải nhận “hàng thải” từ đơn vị khác chuyển đến, cũng chính vì cái chuyện “đánh đấm” mà tôi bị đuổi khỏi đơn vị cũ – TĐ5 – để về TĐ2.

Nhưng “thức lâu mới biết đêm dài”, ở lâu ông Đồ Sơn mới biết “hàng thải” của TĐ. cũng không đến nỗi tồi lắm. Chỉ trong vòng một năm, từ trận Kinh Cái Thia, Cai Lậy ngày 31/12/1967 đến trận Mậu Thân 1968 tại Sàigòn, rồi từ ngày 14 đến 17 tháng 9/1968 trận Cầu Khởi và Bời Lời, Đại Đội 1 của tôi đã đụng nặng, góp công cho Trâu Điên, trong 3 trận chiến kể trên, TĐ.2 đã được 3 lần tuyên dương công trạng trước Quân Đội, quân kỳ TĐ2 được thêm 3 nhành Dương Liễu. Đáng nhớ nhất là trong cuộc hành quân vùng Cầu Khởi và Bời Lời, Đại Đội 1 của tôi đã phải thay tới 4 lần cố vấn Mỹ[1].

Ngày 14/9/1968, Đại Đội của tôi nhảy “diều hâu” xuống vùng Cầu Khởi, phía bắc quân Khiêm Hanh (Tây Ninh), vì đi một mình nên có cố vấn Mỹ đi theo. Vừa chạm đất liền bị Tiểu Đoàn 14D/VC bao vây tấn công, chúng tôi trong tình trạng “thập tử nhất sinh”, cố vấn Mỹ bị thương nên được tải thương mà chưa có cố vấn khác thay thế. May mà Đồ Sơn đã kịp thời đổ quân TĐ2 (-) xuống ngay sau lưng địch khiến VC hốt hoảng phải nới vòng vây đại đội tôi để quay ra chống cự với Trâu Điên đang bao vây chúng phía ngoài và cuối cùng chúng đành phải “bỏ xác bạn, chạy lấy người”

Sau trận Cầu Khởi, ngày 17/9, TĐ2 lại đổ bộ trực thăng vào mật khu Hố Bò (Tây Ninh), nhưng mới thả xuống được ĐĐ1 của tôi và ĐĐ3 của Trần Văn Thương thì bị đụng nặng, súng phòng không quá mạnh và địa thế không cho phép Tiểu Đoàn đổ quân tiếp tục, nên ĐĐ1 và ĐĐ3 cầm cự tới ngày hôm sau Tiểu Đoàn (-) mới xuống đầy đủ. Suốt đêm đó, TĐT Đồ Sơn và Ban 3 – Lâm Đồng Đinh Xuân Lãm luân phiên bay C&C đề hướng dẫn “Hoả Long” yểm trợ. Tiếng nói của Đồ Sơn, Lâm Đồng và Hỏa Long đã giúp chúng tôi giữ vững vị trí trước những đợt tấn công dồn dập của VC trong đêm.

Trong cuộc hành quân nhảy vào Hố Bò này, đại đội tôi lại nhảy đầu và có cố vấn Mỹ đi theo, vừa chạm đất là Captain White bị thương. Cố vấn Mỹ mà bị thương thì Mỹ họ phải tải thương ngay và sau đó mới có cố vấn khác thay thế. Đồ Sơn cho lệnh tôi thả khói tím đánh dấu bãi đáp để trực thăng thả cố vấn khác xuống thay thế. Nhưng rất tiếc là súng phòng không VC mạnh quá và VC cũng thả khói màu tím nên phi công trực thăng nhầm L.Z. (landing zone), thả “lộn” cố vấn vào tuyến địch! Tiểu Đoàn Trưởng Đồ Sơn ra lệnh Đại Đội 1 của tôi lãnh nhiệm vụ vô cùng khó khăn là phải đi tìm cố vấn. Lệnh rằng: “Bằng mọi giá, hoả lực tối đa, phải cứu cố vần về, cố tránh ‘Bắc Bình Gay Go’.”

Bắc Bình Gay Go” là hai chữ B và G, tôi hiểu ý ông muốn ám chĩ về trận Bình (B) Giả (G) xảy ra ngày 30/12/1964 khi Quân Đoàn III ra lệnh cho TĐ4/TQLC đi tìm phi công và trực thăng Mỹ bị VC bắn rơi khiến Tiểu Đoàn 4 TQLC mắc nạn, 112 quân nhân tử thương, trong đó có Tiểu Đoàn Trưởng và Tiểu Đoàn Phó, bị thương 120, mất tích 82[2].

Tôi hiểu mật lệnh của Đồ Sơn là dùng tối đa hoả lực súng đạn của Mỹ để cứu cố vấn Mỹ mà hạn chế thiệt hại quân ta. Tôi y lệnh và kết quả thành công.

Tài điều binh của cấp chỉ huy là đây, khả năng lãnh đạo là đây. Cám ơn Đồ Sơn!

Sau nhiều cố gắng với hoả lực tối đa, Đại Đội tôi tìm và mang được cố vấn về. Trung Úy Bergerstocker bị trọng thương ở nách và vai nên lại phải tải thương ông ta ngay. Tiểu Đoàn chưa kịp có cố vấn để bổ sung, nhưng tình hình quá nặng nên buộc lòng Chiến Đoàn Trưởng Saigon Tôn Thất Soạn phải đưa cố vấn khác của Chiến Đoàn xuống cho tôi để họ lo hỏa lực yểm trợ và tải thương. Khi đụng trận, có cố vấn để xin yểm trợ hỏa lực và tải thương thì tuyệt, nhưng các cố vấn cũng “ưa” báo cáo chi tiết mọi việc nên tôi không thích có cố vấn đi theo.

Hôm sau, trong khi đang lục soát, thu dọn chiến trường và chuẩn bị đóng quân đêm thì Tiểu Đoàn được lệnh di chuyển ngay để B52 “trải thảm” vùng này. Đại Đội 1 và Đại Đội 2 của Đệ Đức đi trước, Đại Đội 4 của Vũ Đoàn Dzoan bao chót. Khi Đại Đội 4 của Đại Úy Vũ Đoàn Dzoan chưa rời khỏi vị trí thì hai đại đội đi đầu là tôi và Đệ Đức bị đụng nặng ngay, tiếng B40 và RPD nổ giòn, quân ta đã bị thương và tử thương trong lúc trời đang tối dần, tối dần!

Trong đêm giữa rừng sâu, lệnh thượng cấp bắt di chuyển gấp, trả mục tiêu lại cho B52, nhưng lại bị địch cầm chân! Đây là lúc khó khăn nhất của cấp chỉ huy, Tiểu Đoàn Trưởng Đồ Sơn đã quyết định: “Ta ở lại chiến đấu, không nhường mục tiêu B52,” và Đồ Sơn đã thông báo quyết định này cho hai cố vấn Mỹ biết.

Thực tế chiến trường đang xảy ra trước mắt buộc hai cố vấn của Tiểu Đoàn phải làm việc khẩn cấp với hệ thống cố vấn cao hơn để xin hủy bỏ hay chuyển hướng các phi vụ B52 đang từ Thái Lan hướng về mục tiêu mà TĐ2/TQLC còn đang kẹt tại chỗ. Đây là một việc làm vô cùng khó khăn, thời hạn ấn định TĐ2 rời khỏi mục tiêu đang cạn dần, đêm lạnh mà các cố vấn lau mồ hôi trán liên tục. Cuối cùng, cố vấn tiểu đoàn thở phào nhẹ nhõm báo cho Đồ Sơn biết B52 đã phải “nhường” mục tiêu lại cho TĐ2. Tin loan ra khiến chúng tôi an tâm diệt Cộng, không còn lo hỏa lực của bạn từ trời rơi xuống.

Trong chiến trận, chuyện Không Quân bạn “đánh lầm” quân ta cũng không hiếm, nhưng với B52 thì chưa bao giờ xảy ra.

(Bốn mươi năm sau, khi ôn lại chiến trường xưa, Đồ Sơn tâm sự: “Khi quyết định ở lại chiến đấu mà không di chuyển theo lệnh trên, tôi biết sẽ gặp khó khăn lắm nhưng địch đang bao vây, không thể hy sinh thêm đồng đội vì bất cứ lý do gì. Vả lại kinh nghiệm cho tôi biết B52 sẽ không bao giờ dám trải thảm một khi còn có người Mỹ trong vùng mục tiêu. Lúc đó trong tay mình (TĐ2) còn có hai cố vấn Mỹ mà.”)

Sau 3 năm theo chân Đồ Sơn khắp bốn vùng chiến thuật, bị thương “lai rai” thì có, nhưng đến khi Đồ Sơn bị trọng thương tháng 01/1969, thì tôi cũng bị trọng thương theo, tôi bị loại khỏi vòng chiến và rời TĐ2/TQLC từ đấy (19/6/1969).

Xin gửi lời cám ơn muộn màng đến Đồ Sơn, là Đại Đội Trưởng, đôi khi tôi thường “khắc khẩu” với Tiểu Đoàn Trưởng, nhưng nhờ hợp “mạng” nên Đồ Sơn đã nhiều lần giúp tôi thoát hiểm trong đường tơ.

Kính chúc Đồ Sơn luôn bình an mạnh khỏe, vui vẻ cùng con cháu và các đàn em đến vấn an sức khỏe của Đồ Sơn.

Sau đây tôi xin phổ biến lại bài viết về cuộc hội ngộ giữa Trâu Điên Trưởng Đồ Sơn và cố vấn. Bài viết đã được Đồ Sơn dịch sang tiếng Anh.

***

TRÂU ĐIÊN AND CỐ VẤN REUNION 46 YEARS LATER (1969 – 2015)

Trâu Điên Major Tô Văn Cấp

In 1968-69, General John Sheehan was a U.S. Marine Captain, and served as the Senior U.S. Marine Advisor for the Trau Dien Battalion. The battalion was under the command of Do Son at the time. On January 18, 2015, General John Sheehan sent Do Son an e-mail to let him know that he will be travelling to San Diego to attend the christening of a U.S. Navy Ship. General Sheehan suggested a reunion with Do Son in San Diego. Knowing that Do Son lives in San Jose, and travelling may not be convenient for Don Son, General Sheehan also offered other ways to meet him. Do Son replied to General Sheehan:

“I am now 80 years old, but I always carry with me the gratitude I have for you and other Covans for your service in the long and difficult Vietnam War. I never forget that you had saved my life when I was critically injured on the night of January 06, 1969 in Ca Mau. You, especially, are not only my brother-in-arms, but a true friend. When I think of the battles of Mau Than and Boi Loi, Tay Ninh, in 1968, I think of you because you were the Covan of the famous 2nd Vietnamese Marine Corps Battalion (Trau Dien). Together, we fought these battles valiantly.

“It has been 46 years since we last saw each other. Now I know that you will be in San Diego for the christening of the Navy Ship, I plan to make a trip to San Diego to meet you and your wife.”

 Do Son’s daughter, Theresa Ngo, recently moved to San Diego. Her Department at Lockheed Martin in San Jose relocated in San Diego and she moved with her job. Her husband and children still live in San Jose and would reunite with her at a later time. Do Son told General Sheehan that he planned to stay with his daughter, and would like to invite General Sheehan and his wife for a Vietnamese dinner at his daughter’s house. General Sheehan had originally suggested a get-together at a Vietnamese restaurant but decided to accept Do Son’s offer for a reunion at his daughter’s house.

Before travelling to San Diego, Do Son had asked me (To Van Cap) to join Do Son for a reunion with General Sheehan. I regretted I could not make it due to personal reasons, knowing I may not have a second chance to join them for a reunion like this.

When Covan Sheehan met Do Son, he was in his U.S. Marine combat fatigue. In the same manner, Do Son greeted his Covan in his TQLC combat fatigue. It was 46 years ago that they fought side by side and then went on their separate ways. The reunion was long overdue for them to renew their friendship, and to catch up with soldier’s life and death stories between them during the Vietnam War.

Meeting Do Son’s daughter, Theresa Ngo, General Sheehan told her that he had met her before in Vietnam. Do Son was surprised but remembered that his wife had took Theresa to visit him upon the Battalion return from a combat mission at the Trau Dien Battalion Rear Base Camp in Thu Duc, 1968. Theresa was only seven years old. Not only General Sheehan has a very good memory, but he is a great ice-breaker. He put everyone at ease in joining the conversation.

Do Son recounted some memorable moments with his Covan during the reunion:

“Before dinner time, I asked General Sheehan if my daughter’s family and I could have a picture taken with him and his wife, General Sheehan took out a TQLC beret that he brought with him, and happily wore it for the occasion. He must have kept the same TQLC beret that he wore 46 years ago all these years. The unspoken gestures of the General said it all, an unwavering friendship of a Covan for his South Vietnamese Marines.” Do Son continued:

“General Sheehan also opened an envelope, and took out a combat mission map of Cau Khoi and Boi Loi, Tay Ninh in 1968. The map shows the location where Captain To Van Cap had saved his Covan-Bergerstock when Begerstock’s helicopter mistakenly dropped him off in the enemy’s territory. General Sheehan also showed me a VC handwritten map of Gia Dinh, Thu Duc that the Trau Dien Battalion seized in Mau Than battle. General Sheehan gave these maps to me as a gift. These gifts are priceless to me. I treasure this reunion, and I would not miss it because there may not be another chance for us to get together since I am up in age, and we live some three thousand miles apart.”

Tướng Sheehan lấy cái mũ gắn 4 sao xuống, rồi lấy +cái mũ xanh TQLC/ VN mà ông mang theo đội lên để chụp hình cùng với TQLC Đồ Sơn

The reunion between General Sheehan and the Trau Dien Battalion Commander on February 07, 2015 speaks of an unbroken bond between a South Vietnamese Marine and his Covan. The last time they were together was 46 years ago. Since then, the Covan had risen to the top of his military career to become a four-star General of the United States. With all those 46 years, the General has never forgotten his South Vietnamese Marine whom he served as a Covan, and neither was the South Vietnamese Marine who has always remembered his Covan as his brother-inarms, and also the one who had saved his life.

Sau khi nhận được bài viết “Trâu Điên Hội Ngộ” của Tô Văn Cấp, Ông John Sheehan (LN2) gửi Tiểu Đoàn Trưởng Đồ Sơn và Đại Đội Trưởng Tô Văn Cấp hai điện thư sau đây:

John Sheehan jjsheehan010@gmail.com

To: Trau Dien Col Dinh:

My very dear friend; first, I am happy that you are better. I am also very touched by your article. I will always treasure our professional and personal relationship. I think you underestimate how much you taught me. I became a better officer because of my relationship with you and the other Marines of Trau Dien.

The one thing I have learned over the years is that rank is not as important as friendship. The bond created by being a band of brothers stretches over time and distance.

The kindness shown to Peg and myself by you and your family will always be remembered. Please pass my thanks to Yvonne and warm regards.

Take care of your self my friend

Trau Dien

Jack

John Sheehan jjsheehan010@gmail.com

To: Trau Dien Major To Van Cap

I am deeply touched by your article. Each time I read it, I remember how proud I am to be included as a member of the Trâu Điên family.

 My reunion/visit with Col. Dinh and his family in San Diego was a very special event for myself and my wife. For years my wife had heard stories and seen pictures of the famous Col.Dinh. She was both impressed and touched with the humble manner of this true warrior. We could not have been more welcome in their home.

 That evening, was a memory we will both share because it was so very special.

Major To Van Cap, I was very disappointed that you were not able to attend. The bravery of the Marines of your company to save First Lieutenant Joe Bagerstock was not only an act of bravery but also demonstrated the special relationship between the VNMC and the USMC.

That is a bond that was forged under fire and transcends time and distance.

I have include a copy of a picture of one of your Marines that help save Lt. Bagerstock. (Sorry the picture is not clearer but it is like us over fifty years older)

One brief personal story. Frequently when I attend a USMC event I wear my VNMC tie (a treasured gift) The younger Marines all ask about the VNMC and they are fascinated with its history and battle exploits.

Thank you again for writing of this special reunion. I will always remember the leadership example and bravery of Col. Dinh. I became a better U.S. Marine because of him.

Semper Fi. Trau Dien Jack Sheehan.

Lược dịch:

Thân gửi Trâu Điên Thiêu Tá Tô Văn Cấp.

Tôi hết sức cảm động về bài viết của ông. Mỗi lần đọc, tôi càng cảm thấy hãnh diện tự coi mình vẫn là một thành viên của gia đình Trâu Điên.

Cuộc hội ngộ của tôi với Đại Tá Ngô Văn Định và gia đình của Ông tại San Diego là một dịp họp mặt rất đặc biệt cho vợ chồng tôi.

Đã nhiều năm qua, vợ tôi từng nghe những mẩu chuyện và xem hình ảnh của Đại Tá Ngô Văn Định, một vị Đại Tá can trường, nhưng với đức tính khiêm nhường của một quân nhân nổi tiếng khiến nhà tôi càng cảm phục hơn.

Chúng tôi được tiếp đãi hết sức nồng hậu của gia đình Đại Tá. Buổi hội ngộ hôm ấy thật đặc biệt, chúng tôi đã cùng nhau ôn lại biết bao kỷ niệm năm xưa. Thiếu Tá Tô Văn Cấp,

Điều làm tôi rất tiếc là Ông đã không hiện diện trong buổi hội ngộ này!

Sự dũng cảm phi thường của những quân nhân TQLC thuộc Đại Đội của Ông đã giải cứu được Trung Úy Cố Vấn Joe Bagerstock không chỉ là một hành động can trường mà còn là một nghĩa cử nói lên tình chiến hữu gắn bó giữa những người lính TQLC Việt Nam và TQLC Hoa Kỳ. Sự gắn bó đó có được là do cùng chung đồng lao cộng khổ trong khói lửa chiến tranh qua mọi nơi mọi lúc.

Qua điện thư này, tôi đính kèm theo bản sao tấm ảnh chụp một trong những người lính của Ông đã cứu Trung Úy Bagerstock thoát khỏi tay VC (rất tiếc tấm hình không được rõ lắm, giống như chúng ta già đi sau hơn 50 năm).

Tôi xin kể Ông nghe một câu chuyện nho nhỏ: Tôi thường hay tham dự các buổi lễ TQLC Hoa Kỳ (USMC), những lần đó tôi luôn thắt chiếc ca-vạt của TQLCVN, một món quà tôi rất trân quí. Những người lính trẻ vây quanh tôi để tìm hiểu về TQLCVN. Khi được tôi kể cho nghe về lịch sử và những chiến thắng lẫy lừng của TQLCVN thì họ vô cùng kính phục.

Cám ơn Ông đã cho tôi đọc bài viết về cuộc hội ngộ đặc biệt này. Tôi luôn nhớ đến tài chỉ huy, gương cam đảm, lòng dũng cảm của Đại Tá Ngô Văn Định, nhờ Đại Tá mà tôi trở thành một người lính TQLC Hoa Kỳ đúng nghĩa.

  Semper Fi. Trau Dien Jack Sheehan

***

TĐT Đồ Sơn cùng các ĐĐT và TrĐT chụp hình với cựu cố vấn TĐ2 năm 1966 trong Đại Hội TQLC năm 2008 tại Houston TX.

Trái -> phải: Cương, Phán, Cấp, Tướng Joseph Hoar, Đồ Sơn, Dzoan, Cự

Tình bạn giữa Đại Tá TQLC Việt Nam Và Đại Tướng Hoa Kỳ vẫn mãi bên nhau. (Hình chụp tháng 4/2022)

NGƯỜI LÍNH GIẢ ĐỒ SƠN

Sau bao năm chiến trận và bị thương, rồi bị trọng thương ngày 06/1/1969, những tưởng Trung Tá Ngô Văn Định, TĐT/TĐ2/TQLC giã từ Trâu Điên để an nhàn ở hậu phương, nhưng không, chỉ sau một thời gian ngắn dưỡng thương, ông trở lại chiến trường khốc liệt hơn, là Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 258/TQLC chỉ huy trận tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị, rồi Lữ Đoàn 468/TQLC trong những trận chiến cuối cùng tháng 4/1975. Nay sức khoẻ của Đồ Sơn yếu dần ở tuổi 88 (2023).

Ngày 7/5/2023 Mũ Xanh Trần Xuân Nhàn, người thường xuyên đến thăm ông, đã gửi lên diễn đàn Cọp Biển một điện thư như sau:

Xin trả lại công bằng cho một cấp chỉ huy TQLC thật đáng kính:

Kính gửi đến Quý Đại Bàng, Niên Trưởng, và Quý Ciến Hữu Mũ Xanh

Tôi xin được kính gửi đến quý vị tấm hình mà tôi đã chụp được tại tư gia Đại Bàng Đồ Sơn khi tôi đến thăm Ông.

Người trong tấm hình này là Đại Tướng TQLC Hoa Kỳ Sheehan, cựu Đại Úy Cố Vấn TĐ2/TQLCVN, khi Trung Tá Ngô Văn Định làm Tiểu Đoàn Trưởng. Ông Sheehan từ Virgina qua California thăm ĐB Đồ Sơn, ông đem theo vỏ chuôi đạn B40 đã làm cho ông và Đồ Sơn bị thương. Ông Sheehan đã mang cái đuôi đạn B40 này về Hoa Ky đã cất giữ làm kỷ niệm từ đó. Sau 30/4/1975 khi Đồ Sơn sang tị nạn CS tại Hoa Kỳ thì ông Tưởng Sheehan đã mang chứng tích chiến tranh này tặng lại cho Đồ Sơn.

Riêng Đồ Sơn đã bị trọng thương phải rời TĐ2. Theo như Đồ Sơn thuật lại trong “Buồn Vương Màu Áo Trận”, nếu không kịp tản thương ra tàu bệnh viện Mỹ chắc TQLCVN đã không có một Đại Tá Lữ Đoàn Trưởng 369, 258, 468 và 147 như Ông.

Một điểm rất cảm động và hãnh diện, theo như tôi nhận thấy, khi Đại Tướng TQLC Mỹ Sheehan đến thăm vị chỉ huy cũ của mình, ông đã đội chiếc Mũ Xanh của TQLCVN thay vì mũ gắn 4 ngôi sao. Tình cảm này, như Thẩm Quyền Cần Thơ đã viết:

”Các cố vấn Mỹ, dù sau này họ lên cấp tướng, họ vẫn nể trọng các cấp chỉ huy TQLCVN nói chung, Đồ Sơn nói riêng.”

Thật rất đúng, nếu không phải vì sự cảm phục và nể trọng về tài Lãnh Đạo Chỉ Huy cùng tư cách của ĐB Đồ Sơn thì một Đại Tướng TQLC Mỹ đã không phải lặn lội từ xa đến thăm một cấp chỉ huy ngày xưa của mình. Nhìn thấy sự trân trọng này mà nghĩ đến sự đối xử với Đồ Sơn của một vài người mà một thời từng là thuộc cấp của Ông, trong lúc xế chiều này, thật không có gì buồn hơn.

Những cảm nghĩ này của tôi, xin được lập lại lời của Thẩm Quyền Cần Thơ:

“Nếu ngày xưa tôi ca tụng ông thì nói tôi nâng bi để xin huy chương, thăng cấp, du học. Nhưng không … nay ông đã 88, tôi 82, nếu có nói điều chi ca ngợi ông thì dĩ nhiên không phải để xin ân huệ, mà là để trả lại công bằng cho những cấp chỉ huy TQLCVN thật đáng kính, nói chung và TQLC Đồ Sơn nói riêng.”

Kính,

Ó Biển Trần xuân Nhàn

MX Lê Quang Liễn:

Lien Le <lienql@yahoo.com>

To: DDCBGG, diendanmuxanh

Sun, May 7 at 10:24 AM

Cám ơn MX Trần Xuân Nhàn đã thay mặt cho nhiều người để viết ra những lời lẽ rất chân tình, công bằng về Niên Trưởng Đồ Sơn.

NT Đồ Sơn là một cấp chỉ huy can đảm và tài giỏi của Binh Chủng TQLC, đặc biệt trong năm 1972 đã để lại những chiến tích lừng lẫy, đã bẻ gãy những mũi tấn công mãnh liệt của VC vào LĐ258/TQLC quanh Căn Cứ Ái Tử Tháng 4/1972 (Căn Cứ Phượng Hoàng, cầu Đồng Hà,…).

Ngày 27/7/1972, nhiệm vụ tái chiếm thị xã Quảng Trị và Cổ Thành Đinh Công Tráng (ĐCT) được Sư Đoàn Nhảy Dù bàn giao cho Sư Đoàn TQLC. Lữ Đoàn 258/TQLC của NT Đồ Sơn lại được giao trọng trách này.

Lữ Đoàn 258/TQLC, tính đến đầu tháng 9/1972, hầu như đã dọn sạch quân CSBV trong thị xã Quảng Trị cho đến quanh bờ phía nam của Cổ Thành Đinh Công Tráng. Tới giai đoạn dứt điểm Cổ Thành thì tăng cường thêm Lữ Đoàn 147/TQLC. Giai đoạn dứt điểm từ 9/9/1972 đến 16/9/1972 nhiệm vụ được phân chia như sau:

Cổ Thành Đinh Công Tráng được chia làm hai theo trục Đông-Tây: Từ cửa Tả qua cửa Hữu đến bờ sông Thạch Hãn gồm Dinh Tỉnh Trưởng và Tòa Hành Chánh.

1/ Nửa phía Bắc thuộc LĐ147 gồm các đơn vị: TĐ3, TĐ7, TĐ8TQLC, ĐĐ A/VT/TQLC và TĐ2 PB/TQLC, PDA/155ly/TĐ 44PB.

2/ Nửa phía Nam thuộc LĐ258 gồm các đơn vị: TĐ1, TĐ2, TĐ5, TĐ6, ĐĐ B/VT/TQLC và TĐ 1/PB/TQLC, PĐK/TĐ3/PB/TQLC, PĐB155ly TĐ 44 PB.

Như vậy, Lữ Đoàn 258/TQLC của NT Đồ Sơn đã đương đầu liên tục trong 51 ngày đêm với quân CSBV mà lực lượng của chúng đông hơn ta bốn lần quân số, cộng thêm pháo tầm xa tại khu vực thị xã và Cổ Thành ĐCT.

Nói đúng ra, toàn bộ SĐ/TQLC từ các tiểu đoàn tác chiến, viễn thám, pháo binh và các đơn vị yểm trợ đều đã góp xương máu cho chiến thắng lịch sử này trong nhiều giai đoạn của chiến dịch.

Là một thuộc cấp từng tham chiến trực tiếp chiến dịch tái chiếm thị xã Quảng Trị và Cổ Thành Đinh Công Tráng, nay đã hơn 50 năm sau, tôi xin viết vài hàng ghi lại chiến thắng mà toàn dân, toàn quân cũng như các quốc gia đồng minh đã vô cùng hãnh diện và ngưỡng mộ tinh thần chiến đấu của Thuỷ Quân Lục Chiến Việt Nam, trong đó có Niên Trưởng Mũ Xanh Đồ Sơn Ngô Văn Định. Ông đã thật sự góp nhiều công sức cho niềm vinh dự chung của Binh Chủng TQLC.

MX Lê Quang Liễn

MX Giang Văn Nhân:

Trung tuần tháng 12 năm 1967, 15 thiếu uý Khoá 22A Võ Bị chúng tôi trình diện BLT/LĐ/TQLC. Sau khi chọn tiểu đoàn, tất cả vào Trại Yết Kiêu để được huấn luyện vũ khí mới và những gì liên quan đến TQLC. Thời gian này chúng tôi háo hức đã may bảng tên theo tiểu đoàn đã chọn, riêng ba bạn Huỳnh Vinh Quang, Kiều Công Cự, Lê Văn Lệ chọn Tiểu Đoàn 2 có thêm huy hiệu Trâu Điên bên vai phải. Vài ngày trước khi phần huấn luyện kết thúc, sẵn Tiểu Đoàn 2 Trầu Điên vừa về hậu cứ, một Trung Sĩ mà chúng tôi gặp ở chợ Thủ Đức, dẫn chúng tôi vào thăm hậu cứ Tiểu Đoàn. Vì anh Trung Sĩ thuộc Đại Đội 1, nên đi ngang qua văn phòng, anh chỉ qua cửa một ông có râu mép rậm đen đang ngổi làm việc, anh thỏ thẻ: “Đại đội trưởng của tôi đó.”

Ba bạn chọn Trâu Điên tò mò hỏi tên vị Tiểu Đoàn Trưởng thì được biết đó là Thiếu Tá Ngô Văn Định, riêng tôi chỉ nghe và nhớ loáng thoáng mà thôi, vì tôi sẽ được bổ sung ra Tiểu Đoàn 3 đang hoạt động vùng Dương Liễu, Bình Định.

Tết Mậu Thân, TĐ3/TQLC di chuyển vào Thị Nghè lại gặp Tiểu Đoàn 2 Trâu Điên đang hoạt động vùng Ngã Tư Hàng Xanh.

Tháng 3 theo Chiến Đoàn B về Cần Thơ, cùng Tiểu Đoàn 2 Trâu Điên trực thăng vận xuống Phong Điền, Cầu Nhiếm, cánh quân Tiểu Đoàn 2 chạm địch và tịch thu nhiều vũ khí và hoả tiễn 122ly.

Cuộc tấn công đợt 2 năm 1968 của cộng sản, trong khi TĐ3/TQLC và TĐ4/TQLC bẻ gãy mũi tấn công vào Cần Thơ tại Cái Răng, thì TĐ2/TQLC triệt hạ cộng quân tại Phú Định, Phú Lâm, Sàigòn. Tiểu Đoàn 2 liên tiếp được tuyên dương công trạng trước quân đội.

Sau lễ Noel 1968, Lực Lượng Đặc Nhiệm Thủy Bộ Hoa Kỳ chở TĐ3/TQLC theo kinh Cán Gáo, đổ bộ, lục soát sâu dọc hai bờ kinh từ Kiên An tới Đông Hoà, Tiểu Đoàn 2 trực thăng vận xuống phía nam. Buổi sáng trung đội của tôi lục soát gặp trạm cứu thương, thuốc men, dụng cụ y khoa, và một chục giường cho bệnh nhân, vị trí gần Đông Thái. Tối hôm đó được tin Trung Tá Ngô Văn Định Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 2 bị thương nặng.

Trong suốt thời gian phục vụ Binh Chủng TQLC, tôi chưa được gặp mặt Niên Trưởng Đồ Sơn Ngô Văn Định, vì là một trung đội trưởng, đại đội trưởng chỉ quanh quẩn ở tiểu đoàn, ít có dịp tiếp xúc với các cấp chỉ huy đơn vị khác.

Năm 2004, Niên Trưởng Tango – Tổng Hội Trưởng Tổng Hội TQLC – giao cho tôi trách nhiệm Tổng Thư Ký và phục hồi website Tổng Hội TQLC. Đây là dịp tôi được tiếp xúc nhiều với NT Đồ Sơn Ngô Văn Định. NT đã giúp tôi nhiều tài liệu về Binh Chủng TQLC từ ngày thành lập cùng rất nhiều hình ảnh với đầy đủ chú thích, bên cạnh đó tôi cũng nhận được tài liệu từ NT Tango Nguyễn Thành Trí – Tư Lệnh Phó Sư Đoàn TQLC, NT Sàigòn Tôn Thất Soạn – cựu Lữ Đoàn Trưởng, Tỉnh Trưởng tỉnh Hậu Nghĩa, NT Phu Nhân Nguyễn Văn Phán – Tiểu Đoàn Trưởng, Chị Trần Huy Lễ – Trưởng Phòng Xã Hội Sư Đoàn TQLC, v.v…

Được tiếp xúc với Đồ Sơn, tôi mới thấy ông nhớ nhiều chi tiết quý giá về Binh Chủng TQLC. NT Đồ Sơn cung cấp những bài viết về các vị Chỉ Huy Trưởng tiên khởi, về thời gian, không gian và kết quả những trận chiến của TQLC, đặc biệt nhất là Tiểu Đoàn 2 khi NT là Tiểu Đoàn Trưởng. Vì thế những người viết Chiến Sử, các cây viết cho đặc san Sóng Thần gọi ông là cuốn “Tự Điển TQLC”.

NT Đồ Sơn được các cố vấn TQLC Hoa Kỳ quý trọng trong thời gian tác chiến cho tới sau cuộc chiến. Khi tị nạn tại Hoa Kỳ, các cựu cố vấn Mỹ, nay đã là những cấp tướng mà vẫn liên lạc thường xuyên thăm hỏi Đồ Sơn. NT Đồ Sơn dễ dàng nhờ các cố vấn truy tìm ra các huy chương Hoa Kỳ đã ân thưởng cho Tiểu Đoàn TQLC, cũng như phục hồi huy chương cho Thiếu Tướng Tư Lệnh Sư Đoàn, Trung Tá Lê Bá Bình, Trung Tá Đặng Bá Đạt, Đại Úy Lê Đình Đơn,…

Những bài viết của NT Đồ Sơn mà tôi đưa lên website của Tổng Hội TQLC có thêm hình ảnh, sau đó cài vào một folder gởi tặng NT Đồ Sơn như lời cám ơn tình Binh Chủng TQLC mà NT Đồ Sơn đã trao cho tôi.

Dựa vào bài viết “Buồn Vương Màu Áo Trận” của Đồ Sơn cùng những tài liệu và trân chiến liên quan trực tiếp, tôi và Ó Biển Trần Như Hùng đã thực hiện một video về Niên Trưởng Đồ Sơn, video này đã được phổ biến trên youtube.

MX Quách Ngọc Lâm:

Chúng tôi đã dự tính lên thăm NT Đồ Sơn lâu rồi nhưng chưa thực hiện được, nay khi thấy phổ biến hình chị Huy Lễ – Trưởng Phòng Xã Hội – đến thăm Đồ Sơn thì tôi, Tô Văn Cấp và Kiều Công Cự đi thăm Đồ Sơn.

Chúng tôi đi xe đò Hoàng, tới San Jose thì có MX Nhàn đón và đưa đến thăm Đồ Sơn ngay. Cùng đến thăm Đồ Sơn còn có anh Hội Trưởng TQLC Bắc CA là MX Trần Văn Khoẻ. Hôm sau, trước khi đến thăm Đồ Sơn, chúng tôi đi thăm một số anh em, trong đó có MX Cao Mạnh Cương và MX Lâm Tài Thạnh,

Cùng đến thăm NT Đồ Sơn, ngoài ba người Nam CA, còn có các MX Bắc CA là anh Hội Trưởng Trần Văn Khoẻ, anh chị Vũ Thế Khanh, Nhàn, Việt, Tiến, Long.

Vì ôn dịch Covid Virus China (VC) đã hạn chế hoạt động bên ngoài và vài “biến chủng” quấy rối khác đã khiến sức khoẻ của Đồ Sơn suy giảm. việc đi lại khó khăn, ông phải dùng “walker” 4 chân, nhưng tinh thần vẫn minh mẫn và trí nhớ thì vô cùng sáng suốt, trong khi nói chuyện thì Đồ Sơn nhắc đến tên và hỏi thăm nhiều anh em khác, trong đó có MX Trần Đình Công, Cao Mạnh Cương, v.v… sau đó ông hỏi chúng tôi về các cấp chỉ huy khác. Ông nói:

Các cậu có nhớ là hiện nay TQLC có mấy đại tá còn sống?

Chúng tôi nhanh nhảu trả lời còn 5 ông rồi kể tên từng người, ông nói:

Còn thiếu, còn Đại Tá Đỗ Kỳ Nữa.

Chúng tôi ngơ ngác nhìn nhau lắc đầu. Sức khoẻ suy giảm, nhưng ông vẫn nhớ và hỏi thăm đến các “đồng đội” xưa. Nhưng chưa hết, Đồ Sơn còn hỏi thêm:

Các cậu kể tên các trung tá TQLC còn sống xem còn bao nhiêu?

Chúng tôi lần lượt thay nhau kể tên các trung tá còn sống, khi mọi người nghĩ rằng đã hết rồi thì ông hỏi một khiến chúng tôi thẹn thùng:

Thế Trung Tá Phạm Nhã đâu?

Có tiếng xì xào nho nho nhỏ của ai đó phia sau:

Bây giờ mà Đại Tá hỏi đến các thiếu tá nữa thì tụi em đầu hàng.

Đồ Sơn cười, hình như nhắc đến chiến trường xưa, đồng đội cũ là niềm vui và hãnh phúc của người lính già. Người lính già Đồ Sơn không sợ gì cả, mà chỉ sợ làm phiền đến đồng đội. Bản tính ông là nghiêm nghị, ông nghiêm khắc với chính bản thân ông, nhưng rộng lượng với thuộc cấp. Ông hỏi tiếp:

Ai viết về trận Cửa Việt?

MX Cấp trả lời:

Tiền Giang Phạm Văn Tiền.

Ông nói tiếp:

Đây là trận chiến mà quân ta thiệt hại chiến xa nhiều nhất.

Nhân việc ông nhắc đến chiến xa trong trận đánh Cửa Việt, thì MX Trần Văn Khoẻ bèn thuật lại chi tiết khi anh cùng trung đội chiến đấu sống chết trong trận đánh, Đồ Sơn cười, nói:

Sao Khoẻ không viết diễn tả lại trận đánh này?

Hắc Long Trần Văn Khoẻ cười:

Em sẽ cố gắng.

Cố gắng lên, đem danh dự về cho Binh Chủng, bảo vệ danh dự TQLC.


[1] Xin nói rõ thêm: Một Tiểu Đoàn TQLC đi hành quân luôn có 2 cố vấn Mỹ: cố vấn trưởng đi với TĐT (cánh A), cố vấn phó đi với TĐP (cánh B). Nhưng khi đại đội nào hoạt động biệt lập quan trọng thì được một cố vấn Mỹ đi theo để sẵn sàng yểm trợ hỏa lực và tải thương.

[2] Trích bài của MX Trần Ngọc Toàn tuyển tập “21 Năm Chiến Trận”, trang 75)