Đại Tá Phạm Văn Chung

Trái -> phải: Đồ Sơn, Cao Bằng*, Long Mỹ*, Bắc Ninh* (* Đã khuất núi)

Cao Bằng Đại Tá Phạm Văn Chung sinh ngày 01/9/1931 tại Hà Nội. Ông theo học Khoá 4 Cương Quyết, tốt nghiệp Thiếu Úy năm 1954, tình nguyện về Binh Chủng Nhảy Dù, đến tháng 01/1956, ông xin thuyên chuyển về Binh Chủng TQLC.

Cao Bằng đã tham dự tất cả các cuộc hành quân với các chức vụ Đại Đội Trưởng, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 6/ TQLC do ông thành lập năm 1966, Trung Tá LĐT/LĐ.369.

Tháng 4/1972: Đại Tá Tham Mưu Trưởng Hành Quân Sư Đoàn.

Tháng 3/1973 – 4/1975: Đại Tá Tỉnh Trưởng tỉnh Quảng Nam.

Chúng tôi xin ghi lại những cảm tưởng của các Mũ Xanh nói về Cao Bẳng

Saigon Tôn Thất Soạn:

Đại Tá Phạm Văn Chung là một sĩ quan ưu tú của Binh Chủng TQLCVN và QLVNCH, ông từng đóng góp công trạng trong các chiến tích lẫy lừng của Binh Chủng. Ông luôn gắn bó với Binh Chủng, Ông là một trong những Tổng Hội Trưởng TH/TQLCVN đầu tiên tại hải ngoại sau 30-41975. Ông đã tham gia vào việc ấn hành 3 tuyển tập TQLC. Ông đã xuất bản tác phẩm “Trái Tin Viết Chữ” và các hồi ký và sáng tác nhiều truyện ngắn khác với bút hiệu Chu Vũ.

Pháo Binh MX Chu Trọng Ngư:

Tôi được làm việc với Cao Bằng ở Chiến Đoàn B do Sàigòn Tôn Thất Soạn chỉ huy hành quân lần đầu, lúc đó Cao Băng làm Tham Mưu Trưởng Chiến Đoàn, tôi lo Pháo Binh cho Chiến Đoàn. Sống gần nhau, làm việc cùng nhau, tôi thấy Cao Bàng là người rất giỏi về tham mưu, ông làm việc rất hăng say và rất thương cấp dưới.

Thời gian trận chiến Quảng Trị năm 1972, Cao Bằng là Tham Mưu Trưởng Hành Quân Sư Đoàn và tôi coi Trung Tâm Hỏa Lực Sư Đoàn. Cao Bằng thường xuống nói chuyện với tôi vì các sĩ quan trẻ thường né cấp trên. Đây là một trong những đức tính hiếm có của cấp chỉ huy. Khi trận chiến xẩy ra khốc liệt thì ông là người liên lạc trực tiếp với Tướng Tư Lệnh Quân Đoàn và Tư Lệnh Sư Đoàn, có nhiều đêm thức trắng cho tới khi ngoài mặt trận êm tiếng súng…

Sau này, khi tị nạn tại Hoa Kỳ, vì cùng ở Nam Cali nên tôi gần gũi ông nhiều hơn. Năm 2003, ông giao cho tôi trình bày cuốn đặc san Sóng Thần. Sau một thời gian ông đã giao cuốn “Trái Tim Viết Chữ” tuyển tập Văn, Thơ, Họa, Ảnh cùng ông Nguyễn Đức Cung cho tôi trình bầy. Các ông và độc giả rất hài lòng với công việc tôi đã làm.

Thân với ông là thế, nhưng một điều làm tôi ân hận là khi ông ra đi, tôi đã không được tiễn chân ông lần chót vì đang mùa dịch Covid.

MX Nguyễn Trung Việt:

Tôi là thuộc cấp của Ông gần 3 năm 1968 – 1971.

Trước Tết Mậu Thân 1968, tôi không hể biết Đại Bàng Cao Bằng.

Tháng 3/1968, tôi thuyên chuyển về Khối Bổ Sung Trung Tâm Huấn Luyện (TTHL) TQLC. Hình ảnh đầu tiên khi đến trình diện Ông còn in đậm trong tâm trí tôi. Quân phục chỉnh tề, tôi đứng nghiêm chào và xưng danh:

Thiếu Úy Nguyên Trung Việt trình diện Trung Tá.

Ông quắc mắt:

Cậu sĩ quan Đà Lạt mà chào vậy hả?

Mắt ông sáng và rất có thần, tôi nghĩ ai thấy cũng nể sợ. Tôi chưa kịp trả lời thì Ông đã dịu lại rồi ôn tồn hỏi:

Cậu bị thương ở tay, vậy còn có thể viết lách được không?

Thưa Trung Tá, bây giờ tôi viết bằng tay trái.

Ông nói tiếp:

Vậy thì tốt, cố gắng lên, tạm thời cậu sang bên Quân Huấn trình diện Đại Úy Lương Hoàng Vân để học hỏi về huấn luyện viên (HLV).

Sau nửa năm học làm huấn luyện viên, tôi đậu “thủ khoa” khoá HLV, lúc đó tôi mới được thuyên chuyển vào Trung Tâm Huần Luyện. Tôi đến trình diện Chỉ Huy Trưởng, Ông chỉ dặn dò:

Bây giờ cậu chính thức là huấn luyện viên của TTHL, cố gắng hơn nữa mà làm việc, đừng có mang ý nghĩ là tạm thời ở Khồi Bổ Sung rồi chờ ngày ra tác chiến nữa.

Khi là huấn luyện viên, tôi thấy Ông thường xuyên đến các bãi tập, bất kể giờ giấc, thời tiết nắng mưa, bởi thế không có HLV nào dám sao nhãng nhiệm vụ.

Tôi được làm Trưởng Ban 5/TTHL sau khi tốt nghiệp khóa Đại Đội Phó CTCT, thay thế Trung Úy Nguyến Đình Định thuyên chuyển. Khi tôi vào trình diện, Ông nói:

Học thì phải hành, những gì họ dạy thì phải áp dụng, đừng để uổng công đi học, uổng công người dạy.

Thời gian làm Ban 5, tôi sợ nhất là những buổi chào cờ sáng thứ Hai hàng tuần, những buổi lễ mà Sư Đoàn giao cho TTHL tổ chức. Ban 5 lo phần âm thanh, biểu ngữ, cờ quạt, v.v… Mọi trục trặc là Ban 5 lãnh đủ. Ông đang nói mà âm thanh trục trặc, thì ôi thôi, vì Ông quẳng micro đi ngay, bởi thế tôi luôn luôn thủ hai bộ ampli và 3, 4 cái micro.

 Cái đáng nói quý nhất về Ông là: CÔNG KHAI TÀI CHÁNH.

TTHL có 4 ủy viên tài chánh, sinh hoạt hàng tháng để báo cáo thu nhập gồm:

Ban 4: Chuẩn Uy Thảo, Ban 5: Trung Úy Việt, Ban Quân Lương: Chuẩn Úy Ngọ, Ban Tổng Vụ: Thiếu Úy Thêm.

Ban đêm hầu như ông thường xuyên có mặt tại Trung Tâm. Tôi thường thấy Ông vẽ tranh, và nghe Ông thổi saxso.

Ông nâng đỡ thuộc cấp hết mình khi đã tin tưởng, nhưng cũng thẳng thắn với những ai vi phạm kỷ luật, Ông là tấm gương sáng cho tất cả thuộc cấp học tập làm việc theo ông, huấn luyện cho các tân binh nhanh chóng trở thành một Chiến Sĩ Mũ Xanh.

MX Võ Thanh Sang:

Đại Tá Phạm Văn Chung và tôi đều ở trong Trại Nguyễn Văn Nho, Thị Nghè, nhưng tôi chưa bao giờ có dịp diện kiến ông, mà chỉ nghe danh, nhất là vào giai đoạn 4/1972, khi ông là Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 369/TQLC, dưới quyền ông là các TĐ2, TĐ5 và TĐ9 đã lập phòng tuyến Mỹ Chánh vững chắc, đẩy lui mọi cuộc tấn công của VC để rồi từ đó TQLC phản công tái chiếm Quảng Trị vào ngày 01/5/1972.

Trong giai đoạn tái chiếm Quảng Trị, Đại Tá Chung là Tham Mưu Trưởng Sư Đoàn Hành Quân, là tham mưu trực tiếp với hai vị Tư Lệnh Sư Đoàn và Quân Đoàn trong chiến thắng lịch sử. Khi tỉnh Quảng Nam cần một người lãnh đạo thao lược thì ông được thượng cấp giao trách nhiệm giữ vững và phát tiển tỉnh Quảng Nam.

Nhưng rồi cũng có lúc tôi hân hạnh được gặp ông thì lại là lúc “giã từ vũ khí”

Trưa 30/4/1975, trước sân căn nhà lầu trong Trại Nguyễn Văn Nho, Đại Tá Tỉnh Trưởng Quảng Nam Phạm Văn Chung đứng cùng chúng tôi gồm các TQLC Thiếu Tá Đường, Đại Úy Thuộc. Đại Úy Khánh, Trung Úy Lập và tôi – Võ Văn Sang, ông cho chúng tôi biết tình hình khá bi đát, Đại Tá Tư Lệnh Phó Tango và các tiểu đoàn tác chiến TQLC đã rút về Căn Cứ Sóng Thần và đang phòng thủ trong đó, chứ không có ý định rút về Bộ Tư Lệnh 15 Lê Thánh Tôn và Trại Nguyễn Văn Nho như dự trù nữa, do đó không còn hy vọng nhập chung với lực lượng của Tango, riêng Trại Nguyễn Văn Nho không còn đủ quân số để phòng thủ, vậy nếu anh em nào muốn cùng đi với ông thì có tàu Hải Quân đón.

Gặp thời thế, thế thời phải thế, không còn lựa chọn nào khác, Đại Tá Phạm Văn Chung đã ở cùng với chúng tôi tới giờ phút cuối cùng, đó là lúc mỗi người phải quyết định cho riêng mình, tôi cám ơn ông, đứng nghiêm chào ông rồi về với gia đình…

Khi tị nạn tại hải ngoại, tôi lại được hân hạnh sinh hoạt cùng ông trong Hội TQLC Nam CA, đây là lúc tôi mới nhận biết rõ nghệ thuật lãnh đạo của ông. Với tấm lòng rộng lượng và lời khuyên bảo nhẹ nhàng của người anh cả làm mọi hội viên đều là anh em đoàn kết một nhà. Tôi nhớ rõ một lần trong buổi sinh hoạt hội, có một hội viên lớn tiếng với anh em và cả với ông, nhưng ông chỉ mỉm cười bao dung và tha thứ của một người anh.

Ông đã đi xa, tôi xin ghi lại đôi dòng như một nén hương lòng nhớ đến Cao Bằng.

MX Tô Văn Cấp:

Cao Bằng và anh cả của tôi vốn là chỗ quen biết, khi Cao Bằng vào Quân Đội thì anh tôi vào ngành Cảnh Sát, rồi di cư và mội người một địa phương, nhiệm vụ khác nhau nên mất liên lạc. Tháng 11/1964, Khi Cao Bằng lên trường Võ Bị Đà Lạt tuyển chọn 30 thiếu uý Khoá 19 Võ Bị về Binh Chủng TQLC thì tôi may mắn được chọn. Suốt thời gian ở TQLC, tôi chưa có hân hạnh được phục vụ dưới quyền ông, nhưng khi tị nạn tại Nam CA thì tôi được làm việc với ông nhiều năm về tờ đặc san Sóng Thần TQLC. Khi ông làm Tổng Hội Trưởng thì bảo tôi làm phó và giao luôn cho tôi cái chức chủ bút Sóng Thần. Ông nói:

– Đặc san Sóng Thần TQLC là tiếng nói của Binh Chủng, do đó, cần chú trọng về nội dung. Khi một bài gửi cho Sóng Thần, thì chủ bút có bổn phận phải đọc kỹ, không đăng những bài có nội dung trái với đường lối chống Cộng của Tổng Hội, không đăng những bài chỉ trích đời tư cá nhân, gây mất tình đoàn kết Binh Chủng, nhưng ưu tiên những bài nêu cao tình đồng đội, những tấm gương chiến đấu và hy sinh.

Lời dặn của ông như một kim chỉ nam cho bất cứ chủ bút nào để săn sóc tờ đặc san Sóng Thần luôn là tiếng nói của của Binh Chủng TQLC.

Cao Bằng là một trong những cấp chỉ huy giỏi và bao dung của TQLC chúng tôi.

MX Quách Ngọc Lâm, Phan Văn Đuông, Minh Đức, Phan Diệu[1]:

Phan Diệu1, Minh Đức, Thái Hiếu, Trọng Oánh, Bửu Ngọc, Ngọc Lâm

Xưa: TQLC Cao Bằng Phạm Văn Chung là cấp chỉ huy lý tưởng ngoài chiến trường.

Nay: Tha phương tị nạn CS, Cao Bằng là người Anh Cả rộng lượng, là chỗ dựa vững chắc cho Hội TQLC Nam CA của chúng tôi. Ông thương các đàn em, chúng tôi tất cả đều mến mộ kính phục Ông.

Buồn thay, sức khoẻ ông yếu dần rồi ông ra đi đúng vào thời gian có đại dịch Covid. Lệnh của tiểu bang California cấm tụ tập đông người, ngay cả nghi thức tôn giáo tiễn đưa người quá cố cũng không được phép tổ chức!

Khi sống Cao Bằng thương người nên khi chết được Trời thương, mặc đầu có lệnh cấm của tiểu bang, nhưng theo lời yêu cầu của chúng tôi, Nhà Quàn Peek Family đồng ý cho chúng tôi tổ chức nghi thức phủ Quốc Kỳ cho Cao Bằng với điều kiện tổ chức ngoài trời, hạn chế tối đa người tham dự. Do đó không có một quân nhân TQLC nào được tham dự ngoại trừ 6 người toán phủ Quốc Kỳ.

Buổi lễ diễn ra vào 3 giờ chiều thứ Sáu 30/4/2020, đúng 45 năm sau ngày “Tháng Tư Đen” 30/4/1975.


[1] Nay Phan Diệu đã “đi theo” Cao Bằng