Thi sĩ Viên Linh 

1.

Thi ca đối với tôi là một chuyện đáng sợ, một chuyện phải cực kỳ thận trọng. Đúng ra làm thơ là phải như chơi, thanh thản và dễ dãi, song tôi không thấy được như thế. Chạm đến thơ, tôi thường vứt bỏ mọi thứ khác để nhẹ bớt người đi mà leo qua cây cầu rất mong manh này .. Tôi nghĩ rằng không phải lúc nào những cái mình viết ra cũng là văn chương. Có khi nó là đá quí, có khi nó là gạch ngói. Phải chi tôi có thể ngông cuồng được, hay giả khùng được, tôi sẽ làm thơ như gió. Huy Cận nói làm xong một bài thơ, mệt như ngủ với đàn bà. Ngủ với đàn bà xong, mình ngủ nhưng làm xong một bài thơ, mình sẽ thức. Sẽ tỉnh táo hơn nữa. Sẽ vô cùng tỉnh táo. Huy Cận nói không đúng đâu.

(Viên Linh, 1972)

2.

Thi sĩ Viên Linh (1938-2024) tên thật là Nguyễn Nam, quê quán ở Đồng-Văn, Phủ-Lý, sinh ra ở Hà-Nam và trưởng thành tại Sài-Gòn. Vì yêu chuộng thơ, văn nên ông dấn thân vào chữ nghĩa từ rất sớm. Viên Linh giữ chân thư ký tòa soạn nhật báo Tiền Tuyến của Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị và tuần báo Khởi Hành của Hội văn nghệ sĩ quân đội trong thời gian phục vụ QLVNCH. Sau khi giải ngũ năm 1972, ông là tổng thư ký tòa soạn nhiều tạp chí, tuần báo văn học nghệ thuật như Kịch Ảnh, Nghệ Thuật, Thời Tập, v.v..

Trước năm 1975, Viên Linh là tác giả của hơn hai mươi tác phẩm văn, thơ và nhận được giải nhất văn chương toàn quốc của chính phủ VNCH năm 1974 với bản thảo tác phẩm “Gió thấp” (được đăng tải trọn vẹn trên nhật báo Sóng Thần). Ông định cư tại Hoa-Kỳ từ tháng 8 năm 1975. Nơi xứ người, Viên Linh tiếp tục làm báo, sáng tác thơ, văn và là chủ nhiệm nguyệt san Khởi Hành, chủ tịch Văn bút hải ngoại trong nhiều năm.

3.

Ngồi trong quán cà-phê ấm cúng và ngó ra con đường Bolsa ngập nắng, biết bao câu chuyện xa lơ xa lắc, không đầu không đuôi của hai đứa bạn cũ lâu ngày mới được gặp nhau, từ học đường tới ngoài xã hội, từ lịch sử cho đến văn chương. Dũng cất tiếng hỏi:

– Tâm có biết nhà thơ Viên Linh không? Ngày xưa ông cũng ở đây.

– Tâm chỉ biết được một số bài thơ của ông chứ ở mảng văn xuôi thì chưa có dịp đọc. Thơ của ông hay lắm. Hình như ông đã bắt đầu làm thơ từ tuổi thiếu niên thì phải!

Rồi Dũng tiếp nối câu chuyện:

– Hồi mới qua, Dũng học chung lớp ESL (English for second language) với Viên Linh. Dũng hay gọi là “anh Nam”. Anh Nam tánh tình hiền lành, ít nói và hay tư lự lắm!

4.

Đầu thập niên 50 do ảnh hưởng những vần thơ từ thời tiền chiến, thuở đất nước chưa bị cắt chia và từ những tiếng thơ của Đinh Hùng, Thanh Tâm Tuyền, v.v.. Viên Linh chọn cho mình một lối đi riêng rẽ, bắt đầu cho một cuộc sống lang bạt kỳ hồ. Ông ngó thấy cuộc đời đen tối và điểm sáng thình lình là những cõi hư vô. Ông làm thơ và phiêu lưu vào cuộc đời thi sĩ như một định mệnh ..

Y sinh ra đời vào năm

Một kẻ hoài nghi nhân loại

Lọt lòng

Lớn lên làm tên vô chính phủ

Một đời không phụng thờ ai (*)

Ông yêu thơ như con người cần hơi thở. Thơ không ở đâu xa, thơ ở quanh mình. Thơ ở góc làng hay nơi cuối phố, lãng đãng ngoài khung cửa sổ, dừng lại ở một dung nhan, bên ly rượu cay nồng hay trên môi hồng trẻ thơ. Nhưng khi làm bạn với thơ văn giữa một cõi “hỗn mang” không phải là chuyện dễ dàng như nhiều người vẫn nghĩ ..

Hoàng hôn chết rồi còn một cánh tay

Một sợi dây đen móc vào bóng tối

Tôi rơi bổng trong vòng va chạm hãi hùng

Một mình xoay suốt cuộc tang thương (*)

Bước qua được những thử thách ban đầu, thơ của ông mang lại những cảm giác nhẹ nhàng như bước vào cuộc yêu đương. Con tim chợt trẻ dại như chồi non lộc biếc, ông bồi hồi yêu lá, yêu hoa, yêu tha thiết cuộc sống này với cảnh vật đủ sắc màu và muôn chiều âm thanh ..

Nhớ em đêm tựa lầu chuông

Rung con tim nhỏ nghìn đường âm thanh

Em yêu lá ở trên cành

Yêu chim trong gió, yêu thành vắng quân (*)

Tháng tư máu chảy một trời sương tan. Đất nước chao đảo, ông bỏ quê rồi bỏ nước, mấy mươi năm trước di cư, mấy mươi năm sau di tản và cũng giống như ông, bao người lênh đênh trên những con thuyền bé nhỏ, bất chấp hiểm nguy tiếp tục đi tìm đất hứa. Ông bùi ngùi xót thương cho thân phận nhỏ nhoi của đồng bào mình giữa mênh mông trời nước, sóng to gió lớn, thập tử nhất sanh ..

Thấp thoáng trần gian

Mịt mù bóng đảo

Trôi về tây về bắc về đông

Trôi về đâu bốn bề thủy thảo

Về đâu kiếp đắm với thân trầm

Và chiếc thuyền đó không may mắn đến được bến bờ mà bị vùi thân trong lòng đại dương bát ngát. Giấc mơ tự do còn trôi mê mải ngoài khơi. Sóng gió ba đào hình như cũng vô tình giữa biển trời rưng rức nỗi thương đau ..

Trên huyết hải thuyền trôi về một chiếc

Chiều bầm đen trời rực rỡ đau thương

Thân chìm xuống băng tuyền giờ tận biệt

Sóng bạc đầu hối hả phủ trùng dương (*)

Đường đi không đến, giấc mơ hồi hương còn ở một nơi rất xa và chim Việt không thể về đậu lại cành Nam. “Thủy mộ quan” của Viên Linh khóc cho những linh hồn lạc, trôi là đà trên biển Đông và sống chưa tròn kiếp.

Thi tập “Thủy mộ quan”, 1982

5.

Thi sĩ Viên Linh sống một đời với chữ nghĩa, sách vở, báo chí và thơ văn. Cõi thơ Viên Linh gồm thơ lục bát, thơ 5 chữ, thư 7 chữ, thơ tự do, v.v.. và là chỗ trú ngụ cho những tâm hồn mẫn cảm, thích phiêu bạt giang hồ. Viên Linh là một trong những viên gạch hình thành nền móng văn nghệ miền Nam Việt-Nam thập niên 50 và 60. Thi sĩ Viên Linh đã xa lìa cõi tạm, vào lúc 11 giờ sáng, ngày 28 Tháng Ba, tại Virginia, Hoa-Kỳ, hưởng thọ 86 tuổi.

TV, 01.04.2024 (Easter Monday 2024)

(*) trích thơ Viên Linh