Trường Trung Học Petrus Trương Vĩnh Ký, trong thời Pháp thuộc mang tên là Lycée Petrus Ký, thường được viết tắt là LPK, là ngôi trường trung học dành cho nam sinh lớn nhứt của đất Nam Kỳ Lục Tỉnh, và cũng nổi tiếng nhứt trong việc đào tạo nhân tài cho đất nước.  Bài viết này cố gắng ghi lại những thành tựu và sự nghiệp của cả Thầy và trò đã từng giảng dạy và học tập tại ngôi trường nổi tiếng này trong thập niên 1950.

Tổng Quan

Rất may mắn, tôi đã đậu kỳ thi tuyển vào Lớp Đệ Thất đầu tiên của Chương Trình Việt tại Trường Trung Học Petrus Trương Vĩnh Ký vào Hè 1953.  Trước đó một năm, Anh Tư tôi, anh Lâm Vĩnh Tế (1939-2000), cũng đã thi đậu vào lớp Première Année của Chương Trình Pháp cuối cùng của Trường.

Trong thời gian 7 năm (1953-1960) theo học tại LPK, tôi là đồng môn của khoảng trên 500 học sinh vì năm 1953 đó Trường LPK tuyển vào tất cả 10 lớp Đệ Thất, mỗi lớp trên 50 học sinh.  Năm 1957, sau kỳ thi lấy Bằng Trung Hoc Đệ Nhứt Cấp, mà phần lớn học sinh các lớp Đệ Tứ (niên khóa 1956-1957) đều đậu, Trường tổ chức được 7 lớp Đệ Tam, 1 Lớp Đệ Tam A, 5 Lớp Đệ Tam B, và 1 Lớp Đệ Tam C.  Tôi học Lớp Đệ Tam A.  Hai năm sau, Hè 1959, một số khá lớn Lớp Đệ Nhị A của bọn tôi đậu Bằng Tú Tài I: [1]

Tựu trường niên khóa 1959-1960, Trường LPK lấy vào thêm một số học sinh từ các trường trung học công lập ở các tỉnh và từ các trường trung học tư thục ở Sài Gòn đã đậu Bằng Tú Tài I từ hạng Bình Thứ trở lên, và nhờ vậy Trường mở được 2 lớp Đệ Nhứt A1 và A2.   Tôi được xếp vào Lớp Đệ Nhứt A1 và rất vui mừng được gặp lại một số bạn học cũ ở Trường Tiểu Học Nam Đa Kao, trong đó có một người bạn thân là anh Võ Anh Tuấn (sẽ nói thêm về Tuấn ở phần sau).  Rất tiếc tôi không tìm được cuốn Kỷ Yếu của Trường niên Khóa 1959-1960 nên không nắm được tổng số anh em hai Lớp Đệ Nhứt A1 và A2 đã đậu Bằng Tú Tài 2 Hè 1960 nhưng tôi tin chắc là cũng phải khá đông, trong đó có Tuấn và tôi.

Thành Tựu và Sự Nghiệp của Các Thầy

Một số khá đông các Thầy dạy bọn tôi tại Trường, ở cả hai bậc Đệ Nhứt và Đệ Nhị Cấp, đã chịu khó học thêm và thành công lấy được các văn bằng đại học, trong đó có một vài Thầy đã đậu cả các bằng Cao Học và Tiến Sĩ, và sau đó đã rời Trường đi nhận những chức vụ cao hơn, quan trọng hơn trong chính phủ cũng như giảng dạy tại các trường đại học.

Bảng liệt kê sau đây được xếp theo thứ tự mẫu tự tên gọi của các Thầy.

Thầy Trần Văn Binh

Thầy Trần Văn Binh dạy bọn tôi môn Toán ở Lớp Đệ Nhứt A1 (niên khóa 1959-1960).  Thầy là một người rất hiền lành, không bao giờ lớn tiếng với học sinh, ăn mặc thì thật là giản dị.  Nhìn bề ngoài khó mà nghĩ rằng Thầy là một Giáo Sư, mà lại là một trong những người đầu tiên lấy được Bằng Cử Nhân Toán của Trường Đại Học Khoa Học Sài Gòn.  Về sau Thầy được Chính phủ bổ nhiệm vào chức vụ Phó Viện Trưởng Học Viện Quốc Gia Hành Chánh là ngôi trường đào tạo các công chức cao cấp cho chính phủ. 

Thầy Trương Văn Cao

Thầy Trương Văn Cao dạy bọn tôi môn Pháp Văn ở Lớp Đệ Nhị A (niên khóa 1958-1959); về sau có thời gian Thầy đảm nhận các chức vụ Tổng Giám Thị và Giám Học của Trường Petrus Ký.

Thầy Bùi Trọng Chương

Thầy Bùi Trọng Chương tốt nghiệp Trường Cao Đẳng Sư Phạm Hà Nội năm 1953 và được bổ nhiệm vào Nam dạy môn Công Dân Giáo Dục tại Trường Petrus Ký, cùng với 4 vị nữa là các Thầy Lê Xuân Khoa (dạy Việt Văn), Thầy Vũ Ngọc Khôi (dạy Lý-Hóa và Vạn Vật), Thầy Đinh Xuân Thọ (dạy Anh Văn), và Thầy Nguyễn Hữu Kế (dạy Toán).  Sau nầy, các học sinh Trường Petrus Ký của thập niên 1950 đã đặt một cái tên chung cho tất cả năm Thầy là “Ngũ Hổ Tướng Petrus Ký.” 

Hình “Ngũ Hổ Tướng Petrus Ký” chụp tại “downtown” Sài Gòn năm 1953

Tôi được học với Thầy Chương môn Công Dân Giáo Dục ngay năm 1953.  Lúc đó tôi còn kém Pháp Văn nên tôi đã đến học thêm môn này tại nhà Thầy trong một hẻm nhỏ của đường Phạm Ngũ Lão, kế bên rạp chiếu bóng Thanh Bình.  Sau đó tôi cứ lẽo đẽo theo Thầy lên lớp, học Thầy hai môn Quốc Văn và Công Dân Giáo Dục, từ lớp Đệ Lục cho tới lớp Đệ Nhị, chỉ có năm lớp Đệ Nhứt là tôi không có học với Thầy mà thôi.  Trong thời gian này, Thầy đã cố gắng đi học thêm và cuối cùng Thầy đã lấy được Bằng Cử Nhân Luật, nhưng khác với Thầy Sửu, Thầy không chuyển qua ngành Tư Pháp, mà vẫn tiếp tục dạy học tại Trường Petrus Ký.  Sau này khi đã định cư tại Hoa kỳ, tuy đã bước vào tuổi 60, Thầy vẫn đi học trở lại và lấy được bằng Cử Nhân Văn Khoa (Bachelor of Arts = BA). 

Thầy Phạm Mạnh Cương

 Thầy Phạm Mạnh Cương dạy bọn tôi môn Triết ở Lớp Đệ Nhứt A1 (niên khóa 1959-1960), lúc đó Thầy đã có Bằng Cử Nhân Văn Chương của Trường Đại Học Văn Khoa Sài Gòn.  Sự nghiệp của Thầy thì chắc chắn mọi người đều biết rõ:  Thầy là một Nhạc Sĩ nổi tiếng của Miền Nam trước năm 1975.

Thầy Huỳnh Văn Hai

Thầy Huỳnh Văn Hai dạy bọn tôi môn Pháp Văn ở Lớp Đệ Nhứt A1 (niên khóa 1959-1960); trước đó, Thầy có ra ứng cử và đắc cử Dân Biểu tỉnh Gò Công thời Đệ Nhứt Cộng Hòa; về sau Thầy được mời làm Giáo Sư Thỉnh Giảng cho Trường Đại Học Sư Phạm Sài Gòn về môn Thực Hành, và tôi lại được học với Thầy lần thứ hai (1960-1963), và được Thầy hướng dẫn đi dạy tập sự tại các trường trung học công lập tại Sài Gòn.

Thầy Dương Dạn Hòa

Thầy Dương Dạn Hòa (chữ lót Dạn trong tên Thầy chắc là do Chánh Lục Bộ đã viết sai chính tả, lẽ ra phải là chữ Vạn, khi làm Giấy Khai Sinh cho Thầy) dạy bọn tôi môn Toán ở Lớp Đệ Thất (niên khóa 1953-1954) và về sau ở Lớp Đệ Tứ (niên khóa 1956-1957).  Nghe nói Thầy là công tử con nhà giàu, lúc còn nhỏ được gia đình cho sang Pháp học.  Trong thời gian dạy học tại Trường LPK, lúc nào Thầy cũng bận nguyên bộ veston với cà vạt đàng hoàng.  Thầy dạy học rất nghiêm và đặt ra nhiều luật lệ khó khăn làm bọn tôi theo muốn hụt hợi.  Giấy làm bài tập nộp cho Thầy thì tên họ phải đóng khung lại, tay nào làm biếng dùng 2 cạnh của tờ giấy để làm khung đều bị trừ điểm, làm toán mà không có phép thử bên cạnh cũng sẽ bị trừ điểm, làm bài trong lớp thì chỉ có 5 đứa đầu tiên được cho đủ điểm, sau đó cứ lần lượt mỗi nhóm 5 đứa kế tiếp bị trừ 1 điểm.  Lúc đầu bọn tôi mệt đứ đừ với Thấy nhưng sau dần dần nhận ra phương pháp của Thầy quá hay vì giúp bọn tôi làm toàn vừa nhanh mà lại vừa đúng.  Năm Lớp Đệ Tứ chuẩn bị đi thi bằng Trung Học Đệ Nhứt Cấp, bọn tôi có học thêm Toán với Thầy tại nhà Thầy nằm trên đường Palanca là một con đường rất nhỏ và rất ngắn, phía ngoài nhập vào đường Luro, là một con đường rất lớn, chạy dài ngang qua trước Công Xưởng Hải Quân (Ba Son) ra tới Bến Bạch Đằng, sau năm 1954 đổi tên thành đường Cường Để, bây giờ là đường Tôn Đức Thắng.   Về sau Thầy ra ứng cử ở quê của Thầy là quận Năm Căn, tỉnh An Xuyên (Cà Mau) và đắc cử Dân Biểu Quốc Hội của thời Đệ Nhứt Cộng Hòa. 

Thầy Trần Huệ

Thầy Trần Huệ dạy bọn tôi môn Vạn Vật ở Lớp Đệ Tam A (niên khóa 1957-1958).  Thầy là một người rất hiếu học, tự học không ngừng, và thành công rực rỡ nhứt trong số các Thầy trong việc tự học này.  Xuất thân là một Giáo Học Bổ Túc, tốt nghiệp Trường Quốc Gia Sư Phạm, hệ 3 năm, Thầy cố gắng học thêm và đậu Bằng Tú Tài 2, và xin chuyển sang ngạch Giáo Sư Đệ Nhứt Cấp.  Sau đó Thầy lại tiếp tục học thêm và đậu bằng Cử Nhân Vạn Vật và được cải sang ngạch Giáo Sư Đệ Nhị Cấp.   Thầy lại tiếp tục học lên nữa và lấy được Bằng Cao Học về Vạn Vật và trở thành một Giảng Sư của Trường Đại Học Sư Phạm Sài Gòn.  Sau cùng Thầy nhận được học bổng đi du học Hoa Kỳ tai Trường Đại Học Nam California ở Los Angeles (University of Southern California, Los Angeles = USC) và tốt nghiệp Tiến Sĩ về Giáo Dục (Ph.D. in Education = Ed. D.).  Về nước, Thầy tiếp tục giảng dạy, nhưng lần này Thầy là một Giáo Sư cơ hữu, tại Trường Đại Học Sư Phạm Sài Gòn cho đến ngày 30-4-1975. 

Thầy Nguyễn Huy Hùng

Thầy Nguyễn Huy Hùng dạy bọn tôi môn Vạn Vật ở Lớp Đệ Nhứt A1 (niên khóa 1959-1960) lúc đó Thầy đang là sinh viên năm thứ 5 tại Đại Học Y Khoa Sài Gòn; về sau Thầy là Trưởng Ty Y Tế tỉnh Vĩnh Bình (Trà Vinh); sau năm 1975, trong thời gian bị học tập cải tạo, Thầy đã cố gắng học chữ Hán và Thầy đã thành công; sau này, khi đã định cư tại Hoa Kỳ, Thầy đã xuất bản khá nhiều sách về chữ Hán, đáng kể nhứt là các tác phẩm sau đây:

• Bộ Đường Thi Tinh Hoa (5 tập)

• Bộ Phương pháp đơn giản nhất để tự học chữ Nho (2 tập)

• Cuốn Tự điển chữ Hán Nôm (15.000 chữ)

• Cuốn Tự điển 3000 chữ Nho thường hay gặp trong thơ Đường  

Thầy Lê Xuân Khoa

Thầy Lê Xuân Khoa là người đẹp trai nhứt trong “Ngũ Hổ Tướng Petrus Ký.”  Tôi được học môn Việt Văn với Thầy năm Đệ Thất (1953-1954).  Thầy làm bọn tôi say mê môn học này, với những bài giảng của Thầy về các đoạn văn tả cảnh, tả tình thật hay trong tác phẩm của các tác giả Tô Hoài, Nam Cao, Thạch Lam, vv.  Thầy Khoa chỉ dạy học tại Trường Petrus Ký một thời gian rất ngắn.  Thầy rời Trường, chuyển sang làm việc cho Bộ Giáo Dục và sau cùng Thầy đảm nhiệm chức vụ Đổng Lý Văn Phòng của Bộ Giáo Dục.  Sau đó Thầy đi du học về Triết Học Đông Phương và Phật Giáo tại Ấn Độ.  Về nước Thầy giảng dạy Triết Học Đông Phương tai Đại Học Văn Khoa Sài Gòn,và Đại Học Vạn Hạnh.  Chức vụ sau cùng của Thầy, trước ngày 30-4-1975, là Phó Viện Trưởng Viện Đại Học Sài Gòn.    Sau năm 1975, Thầy định cư tại Hoa Kỳ và chuyên lo giúp đỡ người tỵ nạn trong chức vụ Chủ Tịch Cơ quan SEARAC (Southeast Asia Resource Action Center = Trung Tâm Tác Vụ Đông Nam Á).  Trước khi nghỉ hưu, Thầy cũng là Giáo Sư Thỉnh Giảng của Viện Nghiên Cứu Chính Sách Ngoại Giao của Viện Đại Học Johns Hopkins (Foreign Policy Institute, Johns Hopkins University).   Thầy cũng là tác giả của cuốn sách “best seller” Việt Nam 1945-1995: chiến tranh, tị nạn và bài học lịch sử.  Tập 1: Tị nạn 1954 và bài học bốn cuộc chiến (1945-1979) do Nhà xuất bản Tiên Rồng xuất bản năm 2004, dày 568 trang.

Thầy Vũ Ngọc Khôi            

Thầy Vũ Ngọc Khôi là người to lớn, trông khỏe mạnh nhứt trong “Ngũ Hổ Tướng Petrus Ký.”  Tôi được học với Thầy Khôi các môn Vạn Vật và Lý-Hóa ở cả 2 lớp Đệ Lục F (niên khóa 1954-1955) và Đệ Tứ F (niên khóa 1956-1957).  Nhờ Thầy Khôi dạy Lý-Hóa rất kỷ và cho làm bài tập thật nhiều ở Lớp Đệ Tứ F, cuối năm đó bọn tôi đã thi đậu Bằng Trung Học Đệ Nhứt Cấp rất dễ dàng và gần hết cả lớp.  Cũng như Thầy Chương, Thầy Khôi cũng chịu khó học thêm và cũng đậu Bằng Cử Nhân Luật.  Nhưng khác với Thầy Chương, Thầy Khôi tiếp tục học lên nữa, Thầy đậu cả hai Chứng Chỉ Cao Học Luật, và sau đó Thầy đã trình và bảo vệ thành công luận án Tiến Sĩ Luật.  Sau năm 1975, Thầy được người con trai bảo lãnh sang Pháp và chẳng bao lâu thì Thầy mất vì bệnh tim.

Thầy Phạm Văn Sửu:

Thầy Phạm Văn Sửu là Giáo sư môn Pháp Văn của bọn tôi suốt 4 năm ở bậc Đệ Nhứt Cấp (1953-1957).  Vốn xuất thân là một huấn luyện viên thể dục, vợ thầy lại không có đi làm, và con đông, thầy cố gắng tự học thêm và thi đậu được cả 2 bằng Tú Tài 1 và 2 của Chương Trình Pháp, và nhờ vậy Thầy được chuyển sang ngạch Giáo Sư Đệ Nhứt Cấp.  Trong thời gian này, vì còn kém Pháp văn, tôi đã học thêm lớp Pháp văn Thầy mở tại nhà trong khu Bàn Cờ để có thêm thu nhập cho gia đình.  Nhiều hôm trời nóng quá, Thầy cho phép bọn tôi cởi trần hết và chính Thầy cũng chỉ mặc áo thung ba lổ.  Trong thời gian này, Thầy đã chịu khó học thêm và sau cùng Thầy đã lấy được Bằng Cử Nhân Luật và rời Trường chuyển sang ngành Tư Pháp.  Gần 10 năm sau, hai Thầy trò tôi đã gặp lại nhau.  Năm 1963, tôi tốt nghiệp Khóa 3, Ban Sử Địa, Trường Đại Học Sư Phạm Sài Gòn và được bổ nhiệm về làm Giáo sư Sử Địa cho,các lớp Đệ Nhị Cấp tại Trường Trung Học Công Lập Kiến Hòa.  Lúc đó Thầy Sửu đã là đương kim Chánh Án của Tòa Sơ Thẩm tỉnh Kiến Hòa.  Tôi thường đến thăm Thầy tại ngôi biệt thư rất lớn nằm bên cạnh Hồ Chung Thủy, rất gần Trường.  Tôi nhắc lại những buổi học ở trần tại nhà Thầy thì Thầy cười vui và nói “cái thằng nhớ dai dữ.”  Thầy rất mừng cho sựđỗ đạt của tôi, và, tuy không nói ra, tôi vẫn thầm nghĩ “nhờ Thầy nêu gương hiếu học mà ngày nay con mới nên người.”  

Thầy Phạm Văn Thuật

Thầy Phạm Văn Thuật dạy bọn tôi môn Anh Văn hai năm liên tiếp, ở Lớp Đệ Nhị A (niên khóa 1958-1959) và Lớp Đệ Nhứt A1 (niên khóa 1959-1960).  Thầy là giáo sư môn Anh Văn đầu tiên của Trường Petrus Ký tốt nghiệp đại học từ bên Anh về nước.  Bọn tôi mê mẩn luôn mỗi khi nghe Thầy nói tiếng Anh với giọng Ăng Lê chuẩn chính hiệu.  Thầy sử dụng sách Anglais Vivant, nhưng không phải loại mầu xanh mà bọn tôi đã quen từ trước, mà là loại mầu Beige làm bọn tôi theo muốn hụt hơi.  Về sau, Thầy Thuật về làm việc tại Bộ Giáo Dục và đã đảm nhận chức vụ Tổng Giám Đốc Tổng Nha Trung Tiểu Học và Bình Dân Giáo Dục là Tổng Nha lớn nhứt của Bộ.  Sau đó Thầy về làm Giáo Sư cơ hữu cho Ban Anh Văn của Trường Đại Học Sư Phạm Sài Gòn cho đến ngày 30-4-1975.

Thầy Trần Văn Thử

Thầy Trần Văn Thử dạy bọn tôi môn Toán ở Lớp Đệ Nhị A (niên khóa 1958-1959); về sau có thời gian Thầy giữ chức vụ Hiệu Trưởng của Trường Petrus Ký (1966-1969).

Thầy Trương Đình Ý

Thầy Trương Đình Ý dạy bọn tôi môn Hội Họa ở Lớp Đệ Ngũ F (niên khóa 1955-1956); về sau, Thầy là một điêu khắc gia nổi tiếng của VNCH, tác giả bức tượng Phật Nằm khổng lồ trên đĩnh núi Tà Cú, tại huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, đã được chính thức công nhận là một “Kỷ Lục của Châu Á.” [2]  

Thành Tựu và Sự Nghiệp của Các Học Sinh

Tôi không thể nắm được hoàn toàn thông tin về sự thành tựu cũng như về sự nghiệp của hơn 500 bạn đồng khóa đó.  Tôi chỉ xin liệt kê ra đây thành tựu và sự nghiệp của các đồng môn thuộc hai nhóm mà tôi được biết rõ sau đây mà thôi:

• Nhóm bạn thân 9 người học chung Lớp Đệ Tứ F (niên khóa 1956-1957) ở bậc Đệ Nhứt Cấp

• Nhóm bạn học Lớp Đệ Tam A (niên khóa 1957-1958) ở bậc Đệ Nhị Cấp

Các Bạn Lớp Đệ Tứ F (niên khóa 1956-1957)

Lúc học Lớp Đệ Tứ F (niên khóa 1956-1957), tôi thuộc một nhóm bạn thân gồm 9 người sau đây: Dương Xã Tắt, Nguyễn Thanh Hải, Nguyễn Trung Hiếu, Đinh Xuân Lãm, Võ Văn Minh, Trần Phục, Phan Văn Quang, Huỳnh Hữu Thế, và tôi, Lâm Vĩnh-Thế. Sau đây là thông tin mà tôi nắm được về một số trong 9 người đó:

Nguyễn Thanh Hải [3]

Sau khi đậu Bằng Tú Tài 2 vào năm 1961, Nguyễn Thanh Hải đã tình nguyện vào Không Quân, Khóa 62C và được gởi sang Mỹ học lái máy bay trực thăng.  Về nước, Hải phục vụ tại Phi Đoàn Trực Thăng 217 Thần Điểu, thuộc Không Đoàn 64 Chiến Thuật, Sư Đoàn 4 Không Quân tại Cần Thơ.  Năm 1970, lúc đó đang mang quân hàm Đại Úy, Hải đã tham gia phi vụ trực thăng võ trang đầu tiên của Không Lực VNCH trong trận đánh sang Kampuchia. [4] Sau đó, Hải đảm nhận chức vụ Phi Đoàn Phó của Phi Đoàn 217.  Năm 1971 Hải thăng cấp lên Thiếu Tá và làm Sĩ Quan Liên Lạc, hướng dẫn một đoàn Sinh Viên Sĩ Quan Phi Công học lái trực thăng tại tiểu bang Georgia, Hoa Kỳ.  Cấp bậc và chức vụ cuối cùng của Hải vào ngày 30-4-1975 là Trung Tá, phụ trách An Phi của Bộ Tư Lệnh Không Quân ở Tân Sơn Nhứt.  Trung Tá Không Quân Nguyễn Thanh Hải đã cất cánh bay phi vụ cuối cùng vào sáng sớm ngày 22-9-2023.

Đinh Xuân Lãm [5]

Sau khi đậu Bằng Tú Tài 2 vào năm 1960, Đinh Xuân Lãm tình nguyện vào Trường Võ Bị Đà Lạt, Khóa 17, tức là Khóa Lê Lai, khai giảng vào ngày 11-11-1960 và tốt nghiệp vào ngày 30-3-1963.   Ra trường, Lãm tình nguyện về phục vụ Binh chủng Thủy Quân Lục Chiến (TQLC) tại Tiểu Đoàn 2, và đánh trận đầu tiên là Trận Đầm Dơi ở An Xuyên (Cà Mau), một chiến thắng lớn của TQLC vào tháng 9-1963.  Cấp bậc và chức vụ cuối cùng của Lãm vào ngày 30-4-1975 là Thiếu Tá, Tiểu Đoàn Trưởng, Tiểu Đoàn 16, Lữ Đoàn 468, dưới quyền Lữ Đoàn Trưởng là Trung Tá Nguyễn Đằng Tống (thay thế Đại Tá Ngô Văn Định về nắm Lữ Đoàn 147).  Thiếu Tá TQLC Đinh Xuân Lãm đã mãn phần tại Hoa Kỳ vào ngày 21-6-2011.

Nhóm Bạn Học Lớp Đệ Tam A (niên khóa 1957-1958) [6]

Các Bạn Được Học Bổng Colombo

Hè 1960, ngay sau khi đậu Bằng Tú Tài 2, có 3 bạn của Lớp Đệ Nhứt A1 đã nhận được học bổng của Kế Hoạch Colombo (Colombo Plan) đi du học ngoại quốc: bạn Võ Anh Tuấn đi Canada, bạn Nguyễn Khắc Thuần đi Úc (học xong, không về nước), và bạn Huỳnh Hữu Hân đi Tân Tây Lan.   Một năm trước đó, Hè 1959, anh Nguyễn Hoàng Sang, một học sinh của Lớp Đệ Tam A, vì học nhảy lớp, đã đậu Tú Tài 1 năm 1958, và Tú Tài 2 năm 1959, đã được học bổng Colombo đi du học tại Úc.

Nguyễn Hoàng Sang

Nguyễn Hoàng Sang nhận học bổng Colombo đi du học ở Úc năm 1959, theo học Trường University of Western Australia tại Thành phố Perth, tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí năm 1963.  Về nước, Sang giảng dạy tại Trường Kỹ Sư Công Nghệ, Trung Tâm Kỹ Thuật Phú Thọ, Sài Gòn.

Võ Anh Tuấn

Võ Anh Tuấn nhận học bổng Colombo đi du học ở Canada năm 1960, theo học Trường Đại Học Montréal (Université de Montréal) tại tỉnh bang Québec (nói tiếng Pháp), tốt nghiệp Kỹ Sư Hóa Học vào năm 1964.  Về nước, Tuấn làm việc tại Bộ Kinh Tế, và chức vụ sau cùng, vào ngày 30-4-1975, là Tổng Cục Phó, Tổng Cục Dầu Hỏa của VNCH.

Huỳnh Hữu Hân

Huỳnh Hữu Hân nhận học bổng đi du học ở Tân Tây Lan năm 1960, theo học Trường Victoria University of Wellington, tốt nghiệp Kỹ Sư Thực Phẩm năm 1964.  Về nước, Hân làm việc tại Bộ Kinh Tế, có lúc giữ chức vụ Chánh Văn Phòng Thứ Trưởng.

Các Bạn Tốt Nghiệp Trong Nước

Con số các bạn tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, hay chuyên môn trong nước rất lớn, và thuộc đủ ngành nghề:

Ngành Y-Dược

 Đó là các bạn:

• Tô Ngọc Ẩn, tốt nghiệp năm 1967, phục vụ tại Bệnh Viện Dã Chiến 3 ở Mỹ Tho; sau 1975, di tản sang Mỹ, lấy lại bằng bác sĩ và hành nghề tại Thành phố San Jose, Bắc California; có một thời gian là Phó Chủ Tịch Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Petrus Ký Bắc California.

• Lê Hữu Chí, tốt nghiệp năm 1967, hè năm 1972 là Đại Úy, Trưởng Ty Y Tế tỉnh Bình Long, có mặt trong suốt trận An Lộc; sau đó thăng cấp lên Thiếu Tá, và làm Chỉ Huy Trưởng Quân Y Viện Tây Ninh.

• Trương Văn Đắt, tốt nghiệp năm 1966; sau 1975, di tản sang Mỹ, lấy lại bằng bác sĩ và hành nghề tại Los Angeles, Nam California cho đến khi qua đời cách đây nhiều năm.

• Đào Hoàng Đức, tốt nghiệp năm 1967, không có thông tin

• Lâm Kỳ Hiệp, tốt nghiệp năm 1967; sau 1975, di tản sang Mỹ, lấy lại được bằng bác sĩ và hành nghề tai Los Angeles cho đến khi qua đời cách đây nhiều năm

• Bùi Tường Lên, tốt nghiệp năm 1967, sau 1975, làm việc tại Bệnh Viện Quận Thủ Đức

• Nguyễn Đình Dũng, tốt nghiệp Dược Sĩ năm 1963, không có thông tin

Ngành Hành Chánh

Đó là các bạn:

• Bạch Công An: tốt nghiệp Khóa 8 (1960-1963) Học Viện Quốc Gia Hành Chánh; chức vụ sau cùng là Giám Đốc Trường Công Tác Xã Hội thuộc Bộ Xã Hội.

• Nguyễn Phụ Phụng: tốt nghiệp Khóa 2 Cao Học của Học Viện Quốc Gia Hành Chánh; chức vụ cuối cùng là Thanh Tra của Giám Sát Viện.

• Phan Thanh Xuân: Tốt nghiệp cùng Khóa 8 Học Viện Quốc Gia Hành Chánh với Bạch Công An; giữ chức Phó Quận Trưởng tại nhiều tỉnh ở Miền Trung.

Ngành Viễn Thông

Chỉ có một bạn duy nhứt là Nguyễn Tấn Phước, tốt nghiệp Khóa Cao Đẳng Viễn Thông của Trung Tâm Kỹ Thuật Phú Thọ và làm việc tại Tổng Nha Bưu Điện Sài Gòn.

Ngành Cảnh Sát

 Đó là 2 bạn:

• Phùng Vĩnh Tước, có Bằng Tú Tài 2, vào ngạch Biên Tập Viên, có một thời gian làm Trưởng Chi Cảnh Sát Quận Thủ Đức

• Đào Tuấn Kiệt, vì có Bằng Cử Nhân Luật, vào ngạch Quận Trưởng (là ngạch cao nhứt trong ngành Cảnh Sát gồm có 4 ngạch: Cảnh Sát Viên, Thẩm Sát Viên, Biên Tập Viên, và Quận Trưởng), giảng dạy tại Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia ở Thủ Đức.

Ngành Giáo Dục

Có tất cả 4 người:

• Nguyễn Tôn Bá: Giáo Sư môn Sử Địa tại Trường Petrus Ký.

• Nguyễn Bình Tưởng: tốt nghiệp Trường Đại Học Sư Phạm Sài Gòn, Ban Sử Địa, Khóa 4 (1964); có một thời gian làm Hiệu Trưởng Trường Trung Học Công Lập Vĩnh Bình (Trà Vinh); sau đó thuyên chuyển về Sài Gòn và làm Giám Học Trường Trung Học Tổng Hợp Nguyễn An Ninh; đã mãn phần tại Toronto, Canada vào năm 2015.

• Lê Ngọc Thanh Quang: tốt nghiệp Cử Nhân và Cao Học của Trường Đại Học Khoa Học Sài Gòn; giảng dạy tại Trường Đại Học Khoa Học Sài Gòn.

• Lâm Vĩnh-Thế: tốt nghiệp Trường Đại Học Sư Phạm Sài Gòn, Ban Sử Địa, Khóa 3 (1963); giáo sư Trường Trung Học Công Lập Kiến Hòa (1963-1966) và Trường Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức (1966-1971); du học Hoa Kỳ hai năm (1971-1973) tại Trường Đại Học Syracuse, tiểu bang New York, tốt nghiệp với Bằng Cao Học về Thư Viện Học (Master of Library Science – MLS) vào tháng 5-1973; về nước, ứng cử và đắc cử chức vụ Chủ Tịch Hội Thư Viện Việt Nam hai nhiệm kỳ 1974 và 1975; được các hội đoàn văn hóa tư bầu vào Hội Đồng Văn Hóa Giáo Dục, Nhiệm Kỳ 2; được Đại Học Vạn Hạnh cử nhiệm làm Giáo Sư Trưởng Ban, Ban Thư Viện Học, thuộc Phân Khoa Văn Học và Khoa Học Nhân Văn (1974-1975); di dân sang Canada vào tháng 9-1981, làm việc tại các thư viện của các chính phủ liên bang và tỉnh bang Ontario của Canada (1982-1996), trong thời gian này, giảng dạy ngành Thư Viện Học, Bô Môn Biên Mục Mô Tả (Descriptive Cataloging) tại 2 Trường Đại Học Cộng Đồng của tỉnh bang Ontario: Algonquin College, tại Ottawa, 1982-1984 và Mohawk College, tại Hamilton, 1985-1995; tháng 9-1997 về làm việc cho Thư Viện của Trường Đại Học Saskatchewan trong Vùng Đại Bình Nguyên của Canada, lúc đầu với chức vụ Trưởng Ban Biên Mục (Head, Cataloging Deparment, 1997-2000), và sau đó thăng cấp làm Trưởng Khối Dịch Vụ Kỹ Thuật (Head, Technical Services Division, 2000-2003), nghĩ hưu từ ngày 1-7-2006 và được Đại Học Saskatchewan ban cho Danh Hiệu Librarian Emeritus.

Thay Lời Kết

Cũng giống như các thế hệ Thầy trò của Trường Petrus Ký trong suốt thời gian từ khi Trường thành lập vào năm 1927, Thầy trò của ngôi Trường danh tiếng này trong thập niên 1950 đã tiếp tục truyền thống “Thầy dạy hay, trò học giỏi” làm rạng danh ngôi trường lớn nhứt và nổi tiếng nhứt của Miền Nam.  Một điểm son hết sức đặc biệt và độc đáo của giai đoạn này là các Thầy không những dạy dỗ mà còn nêu gương cho học trò bằng chính việc tự mình cố gắng học thêm và đạt được những học vị cao hơn để sau cùng có đủ khả năng để đảm nhận những chức vụ cao hơn, với những trách nhiệm lớn hơn trong lãnh vực giáo dục.  Tác giả bài viết này không những mang ơn sâu đậm đối với công ơn dạy dỗ của các Thầy, mà còn vô cùng hãnh diện được noi gương hiếu học phi thường của các Thầy.

GHI CHÚ:

1. Trường Trung-Học Petrus Trương-Vĩnh-Ký.  Lễ Phát Thưởng Long Trọng đặt dưới quyền chủ-tọa của Ông BỘ-TRƯỞNG QUỐC-GIA GIÁO-DỤC.  Sài Gòn: Ngày 27 tháng 3 năm 1960, tr. 33-34.  Tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây:  le phat thuong 1960 LVH.pdf – Google Drive

2. Hồng Hiếu. Tượng Phật nằm trên đĩnh núi Tà Cú nhận kỷ lục châu Á, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây:  Tượng Phật nằm trên đỉnh núi Tà Cú nhận kỷ lục châu Á | baotintuc.vn

3. Lâm Vĩnh-Thế.  Tình bạn giữa Hải và tôi, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây:  Tuyển tập Vĩnh Nhơn Lâm Vĩnh Thế: Tình Bạn Giữa Hải và Tôi (tuyen-tap-vinh-nhon-lam-vinh-the.blogspot.com)

4. Trương Thành Tâm.  Phi vụ trực thăng võ trang đầu tiên của Không Lực VNCH, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: Phi vụ trực thăng võ trang đầu tiên của Không Lực VNCH – Nguoi Viet Online (nguoi-viet.com)  (Tác giả Trương Thành Tâm lúc đó là Thiếu Tá, Phi Đoàn Trưởng, Phi Đoàn 217, gốc là sĩ quan tốt nghiệp Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, Khóa 16, về sau thăng cấp lên Trung Tá, và là Không Đoàn Trưởng, Không Đoàn 64 Chiến Thuật.  Trung Tá Không Quân Trương Thành Tâm đã cất cánh bay phi vụ cuối cùng tại Hoa Kỳ vào ngày 6-9-2016.

5. Lâm Vĩnh-Thế.  Bạn tôi: Thiếu Tá Thủy Quân Lục Chiến Đinh Xuân Lãm, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: Tuyển tập Vĩnh Nhơn Lâm Vĩnh Thế: Bạn Tôi: Thiếu Tá Thủy Quân Lục Chiến Đinh Xuân Lãm (tuyen-tap-vinh-nhon-lam-vinh-the.blogspot.com) 

6. Lâm Vĩnh-Thế.  Điểm danh lại các bạn Đệ Nhị Cấp (từ 1957 đến 1960) tại Trường Trung Học Petrus Trương Vĩnh Ký, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây:  Tuyển tập Vĩnh Nhơn Lâm Vĩnh Thế: Ðiểm Danh Lại Các Bạn Ðệ Nhị Cấp (từ 1957 đến 1960) Tại Trường Trung Học Petrus Trương Vĩnh Ký (tuyen-tap-vinh-nhon-lam-vinh-the.blogspot.com)