Chiến Tranh Việt Nam kéo dài khoảng hơn 20 năm (1954-1975).  Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) tức Miền Nam vĩ tuyến 17 là quốc gia bị xâm lược, ở vào thế bắt buộc phải tự vệ, đã xây dựng một quân đội mang tên là Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (QLVNCH) để chống trả lại các cuộc tấn công của các lực lượng vũ trang của Miền Bắc Cộng sản.    Trong trận chiến này, QLVNCH đã có một số tướng lãnh trong sạch, thanh liêm, thương yêu binh sĩ, và trọn cả binh nghiệp luôn luôn chỉ huy các đơn vị tác chiến.  Bài viết này cố gắng tóm lược sự nghiệp của 3 vị gốc Nhảy Dù trong số các tướng lãnh xứng đáng được vinh danh đó.  

Chuẩn Tướng Trương Quang Ân (1932-1968)

Chuẩn Tướng Trương Quang Ân, Tư Lênh Sư Đoàn 23 Bộ Binh

 Chuẩn Tướng Trương Quang Ân [1, 2]sinh ngày 23-12-1932 tại Gia Định, gốc là một Thiếu Sinh Quân, tình nguyện nhập ngũ năm 1952, theo học Khóa 7, Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt, là Khóa Ngô Quyền, từ ngày 16/5/1952 đến ngày 1/2/1953, và tốt nghiệp Thủ Khoa với cấp bậc Thiếu Úy.    Sau khi ra trường, ông được chọn về binh chủng Nhảy Dù, và lần lượt thăng cấp và giữ những chức vụ như sau:

• Từ tháng 2/1953 đến tháng 10/1955: chỉ huy một Trung Đội của Tiểu Đoàn 5

• Cuối tháng 10/1955, ông thăng cấp lên Trung Úy và làm Đại Đội Trưởng, Đại Đội 1 của Tiểu Đoàn 5. 

• Năm 1959 ông thăng cấp lên Đại Úy, và làm Trưởng Ban 3 (phụ trách hành quân) của Tiểu Đoàn 5 lúc đó Tiểu Đoàn Trưởng là Thiếu Tá Ngô Xuân Soạn. 

• Ngày 1-11-1959, ông được bổ nhiệm làm Tiểu Đoàn Trưởng đầu tiên của Tiểu Đoàn 8 Nhảy Dù vừa mới được thành lập

• Ngày 1-1-1960 ông thăng cấp lên Thiếu Tá, tiếp tục chỉ huy Tiểu Đoàn 8 tân lập

• Cuối năm 1961, ông bàn giao Tiểu Đoàn 8 cho Đại Úy Trần Văn Hai (Đại Úy Hai về sau là Chuẩn Tướng Tư Lệnh Sư Đoàn 7, và tuẫn tiết vào ngày 30-4-1975), và đầu năm 1962 được bổ nhiệm làm Tham Mưu Trưởng Lữ Đoàn Nhảy Dù   

• Tháng 12/1962, ông được bổ nhiệm làm Chiến Đoàn Trưởng, Chiến Đoàn 1 Nhảy Dù thay thế cho Trung Tá Dư Quốc Đống (Trung Tá Đống về sau, năm 1964, là Chuẩn Tướng Tư Lệnh Sư Đoàn Nhảy Dù, và năm 1974 là Trung Tướng Tư Lệnh Quân Đoàn 3) được chuyển về làm Tư Lệnh Phó, Lữ Đoàn Nhảy Dù

• Ngày 3-11-1963, ông được thăng cấp Trung Tá nhiệm chức

• Đầu năm 1965, ông bàn giao Chiến Đoàn 1 Nhảy Dù cho Thiếu Tá Bùi Kim Kha, và đi Hoa Kỳ dự Khóa Chỉ Huy và Tham Mưu Cao Cấp tại Trường Chỉ Huy và Tham Mưu Fort Leavenworth, tiểu bang Kansas, và cũng đã tốt nghiệp Thủ Khoa của Khóa này

• Ngày 19-6-1965 ông thăng cấp Trung Tá thực thụ

• Đầu năm 1966, ông được bổ nhiệm làm Tỉnh Trưởng tỉnh Gia Định thay thế Đại Tá Nhan Minh Trang.

• Ngày 1-11-1966, ông thăng cấp Đại Tá nhiệm chức

• Ngày 24-11-1966, ông được bổ nhiệm làm Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh thay thế Thiếu Tướng Nguyễn Văn Mạnh đi nhậm chức Tư Lệnh Vùng IV

• Ngày 19-6-1968, ông vinh thăng lên cấp Chuẩn Tướng.

• Ngày 8-9-1968, ông cùng phu nhân là Bà Dương Thị Kim Thanh (người Nữ Quân Nhân đầu tiên có bằng Dù) tử nạn vì công vụ khi chiếc trực thăng H-34 chở hai ông bà đi ủy lạo binh sĩ thuộc các đơn vị của Sư Đoàn đang hành quân bị rơi tại quận Đức Lập, tỉnh Quảng Đức.  Ông mới được 36 tuổi.

• Ông được Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu truy thăng lên cấp Thiếu Tướng, và truy tặng Đệ Tam Đẳng Bảo Quốc Huân Chương kèm Anh Dũng Bội Tinh với Nhành Dương Liễu.  Phu Nhân của ông cũng được truy tặng Đệ Ngũ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương

 Tướng Ân và Phu Nhân

Tang Lễ Tướng Ân và Phu Nhân

Thiếu Tướng Trương Quang Ân là một trong số các vị Tướng lãnh của QLVNCH nổi tiếng thanh liêm.  Khi ông và phu nhân tử nạn, Trong buổi phát tang nhị liệt vị, sĩ quan nghi lễ kê khai phần tài sản để lại gồm: 53,000 đồng, tiền lương tháng cuối cùng của Tướng quân, và 8 chiếc áo dài nội hóa của phu nhân.” [3] Ông cũng là một vị tướng đã từng chỉ huy các đơn vị tác chiến từ cấp Trung Đội lên đến Sư Đoàn.  Và, ông cũng là một Tướng lãnh thật sự đúng là “Sinh Vi Tướng, Tử Vi Thần.”   Sau khi ông mất, đã có khá nhiều câu chuyện được chính binh sĩ và sĩ quan của Sư Đoàn 23 Bộ Binh kể lại về sự hiển linh của ông trên vùng cao nguyên.

Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam (1927-1975)

Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam, Tư Lệnh Quân Đoàn 4

Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam < [4, 5] sinh ngày 23-9-1927 tại Đà Nẵng.  Năm 1953, ông bị động viên, theo học Khóa 3, Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, tức Khóa Đống Đa, từ tháng 4 đến tháng 12-1953, và tốt nghiệp với cấp bậc Thiếu Úy.  Ông được chọn về phục vụ binh chủng Nhảy Dù, chỉ huy một Trung Đội, thuộc  Đại Đội 1, Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù.   Ông lần lượt thăng cấp và giữ các chức vụ như sau:

• Năm 1954, Đội Đội Trưởng, Đại Đội 3, Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù

• Năm 1955, du học Pháp, lớp Huấn Luyện Viên Nhảy Dù tại Pau

• Năm 1959, Trưởng Ban 3 (Hành quân), Tiểu Đoàn 3 Nhảy Dù

• Năm 1961, ngày 1-1, thăng Đại Úy

• Năm 1962, Tiểu Đoàn Phó, Tiểu Đoàn 3 Nhảy Dù

• Năm 1963, du học Mỹ, Khóa Bộ Binh Cao Cấp, tại Fort Bragg, North Carolina

• Năm 1964, tháng 1, Trưởng Phòng 4 Lữ Đoàn Nhảy Dù do Đại Tá Cao Văn Viên làm Tư Lệnh

• Năm 1965, tháng 7, Tham Mưu Trưởng, Chiến Đoàn 1 Nhảy Dù; tháng 9, Tiểu Đoàn Trưởng, Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù; ngày 1-11 thăng Thiếu Tá nhiệm chức

• Năm 1966, tháng 5, được ân thưởng Đệ Tứ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương kèm Anh Dũng Bội Tinh với Nhành Dương Liễu; cuối tháng 6, Phụ Tá Đại Tá Ngô Quang Trưởng, Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh; ngày 1-11, thăng Trung Tá nhiệm chức; ngày 1-12, Chiến Đoàn Trưởng, Chiến Đoàn 3 Nhảy Dù tân lập

• Năm 1967, được ân thưởng Đệ Tam Đẳng Bảo Quốc Huân Chương kèm Anh Dũng Bội Tinh với Nhành Dương Liễu

• Năm 1968, ngày 1-1, Lữ Đoàn Trưởng, Lữ Đoàn 3 Nhảy Dù

• Năm 1969, ngày 1-1, thăng Đại Tá nhiệm chức

• Năm 1970, ngày 16-1, Tư Lệnh Sư Đoàn 7 Bộ Binh; ngày 19-6, vinh thăng Chuẩn Tướng nhiệm chức

• Năm 1971, ngày 1-11, vinh thăng Thiếu Tướng nhiệm chức

• Năm 1974, ngày 1-3, vinh thăng Thiếu Tướng thực thụ; ngày 1-11, Tư Lệnh Quân Đoàn 4

• Ngày 1-5-1975, tuẫn tiết bằng cách dùng súng lục bắn vào màng tang

Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam là một Phật tử thuần thành và ăn chay trường.  Trước khi tuẫn tiết, ông đã vào Bệnh Viện Phan Thanh Giản ở Cần Thơ thăm hỏi và an ủi các thương bệnh binh đang nằm điều trị tại đó.  Năm 1984, các người cháu gái của ông đã bốc mộ, hỏa táng hài cốt, và đã rải phân nửa số tro xuống hai con sông Tiền Giang và Hậu Giang thuộc lãnh thổ của Quân Đoàn 4 mà Thiếu Tướng đã từng là Tư Lệnh.

Trung Tướng Ngô Quang Trưởng (1929-2007)

Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư Lệnh Quân Đoàn 1

Trung Tướng Ngô Quang Trưởng [6, 7] sinh ngày 13-12-1929 tại Bến Tre.  Năm 1953, ông bị động viên và theo học Khóa 4, Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, tức Khóa Cương Quyết, khai giảng ngày 7-11-1953, mãn khóa ngày 1-6-1954, tốt nghiệp với cấp bậc Thiếu Úy và tình nguyện về binh chủng Nhảy Dù.  Ông lần lượt thăng cấp và giữ các chức vụ như sau:

• Năm 1954, tháng 7, chỉ huy một Trung Đội của Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù

• Năm 1955, đầu năm, Đại Đội Trưởng, Đại Đội 1, Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù; ngày 1-12, thăng Trung Úy

• Năm 1961, thăng Đại Úy, Tiểu Đoàn Trưởng, Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù

• Năm 1964, thăng Thiếu Tá

• Năm 1965, tháng 4, thăng Trung Tá, Tham Mưu Trưởng, Lữ Đoàn Nhảy Dù

• Năm 1966, Tư Lệnh Phó, Lữ Đoàn Nhảy Dù; ngày 19-6, thăng Đại Tá nhiệm chức, Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh, thay Chuẩn Tướng Phan Xuân Nhuận bị ra Tòa Án Quân Sự vì tham gia vào vụ Biến Động Miền Trung

• Năm 1967, ngày 4-2, vinh thăng Chuẩn Tướng nhiệm chức

• Năm 1968, ngày 3-6, vinh thăng Thiếu Tướng nhiệm chức

• Năm 1970, ngày 27-8, Tư Lệnh Quân Đoàn 4

• Ngày 1-11-1971, thăng Trung Tướng nhiệm chức [8]

• Năm 1972, ngày 3-5, Tư Lệnh Quân Đoàn 1 thay Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm sau khi mất Quảng Trị với nhiệm vụ khẩn cấp là tái chiếm Quảng Trị; tháng 9, ông đã hoàn thành được nhiệm vụ giao phó: chiến thắng chiếm lại được Quảng Trị

• Năm 1975, tháng 3, di tản khỏi Đà Nẵng, về đến Sài Gòn ngày 31-3, phải vào Tổng Y Viện Cộng Hòa để dưỡng bệnh; ngày 29-4, di tản ra khỏi Sài Gòn trên trực thăng của Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ, đáp xuống Hàng Không Mẫu Hạm Midway của Hải Quân Hoa Kỳ; sau ngày 30-4, định cư tại thành phố Springfield, tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ.

• Năm 2007, ngày 22-1, từ trần, hưởng thọ 76 tuổi.

 Khả năng lãnh đạo và điều quân ở cấp đại đơn vị của Tướng Trưởng không phải chỉ nổi tiếng trong hàng tướng lãnh của QLVNCH mà nay cả các cấp tướng lãnh của quân đội Hoa Kỳ đã từng tham chiến tại VNCH cũng đều khâm phục. Lời phẩm bình sau đây của một tác giả Mỹ đã mô tả một cách ngắn gọn nhưng vô cùng chính xác về con người và tài năng quân sự của Tướng Trưởng: [9]

“He was considered one of the most honest and capable generals of the South Vietnamese army during the long war in Southeast Asia. General Bruce Palmer described him in his book The 25-Year War as a “tough, seasoned, fighting leader” and “probably the best field commander in South Vietnam.”

(Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Ông được xem như là một trong những vị tướng lãnh lương thiện nhứt và có khả năng nhứt của quân đội Nam Việt Nam trong cuộc chiến dài tại Ðông Nam Á.  Trong tác phẩm “Cuộc chiến tranh 25 năm” của ông, Tướng Bruce Palmer [là Trung Tướng Phó Tư Lệnh MACV dưới quyền tư lệnh của Ðại Tướng Westmoreland] mô tả Tướng Trưởng như là một nhà lãnh đạo cứng cỏi, dày kinh nghiệm, và, có lẻ là vị tướng cầm quân giỏi nhứt của Nam Việt Nam.”).  

Không những nổi danh là một tướng giỏi, Trung Tướng Ngô Quang Trưởng còn là một vị tướng thật sự hết lòng thương yêu binh sĩ của mình.  

“Trung Tướng Ngô Quang Trưởng đã luôn luôn nghĩ đến hàng vạn binh sĩ dưới quyền ông đã ngã xuống, hy sinh mạng sống của họ.  Khi ông mất tại hải ngoại, gia đình ông cũng như công đồng người Việt tại Hoa Kỳ dư thừa khả năng để giúp ông có được một khu lăng mộ xứng đáng đối với công lao đóng góp cho Miền Nam của ông.  Nhưng ông đã không chọn giải pháp vinh quang đó cho cá nhân ông.  Ông đã để lại di chúc, yêu cầu gia đình hỏa táng thi hài của ông, và mang tro hài cốt của ông về rải trên Đèo Hải Vân, để ông được trở về cùng với binh sĩ dưới quyền ông đã nằm xuống trong vùng đất linh thiêng đó của Tổ Quốc.” [10]

Nhà thơ Nhất Tuấn đã cảm khái trước ý nguyện này của ông và đã làm ra bài thơ song thất lục bát bi hùng như sau: [11]

“Lệnh sáng giữ, lệnh chiều bỏ Huế,
Bao chiến công cũng thế mà thôi.
Hải Vân, tro rải bốn trởi,
Hạt tro nào lạc vào nơi Cổ Thành.”

Thay Lời Kết:

Ba vị tướng lãnh gốc binh chủng Nhảy Dù của QLVNCH mà bài viết này vừa giới thiệu với độc giả hoàn toàn xứng đáng nhận được sự thương yêu và tôn kính của toàn thể người dân Miền Nam.  Ba vị không những là những hổ tướng, dũng tướng mà còn là những vị tướng thật lòng yêu thương binh sĩ dưới quyền, luôn suy nghĩ, tìm phương cách giảm thiểu sự hy sinh cho binh sĩ của mình, và trên hết, cho đến khi chính họ hy sinh hay tuẫn tiết, họ đã không bao giờ bỏ rơi binh sĩ của mình.  Chuẩn Tướng Trương Quang Ân hy sinh khi cùng phu nhân của ông đi thăm viếng, ủy lạo thương bệnh binh của mình.  Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam tuẫn tiết sau khi đi thăm viếng và ủy lạo binh sĩ của mình lần cuối cùng trong đời ông.  Và Trung Tướng Ngô Quang Trưởng đã để lại di chúc yêu cầu gia đình không được làm lăng mộ cho ông, mà hỏa táng và đem tro hài cốt của ông về rải trên Đèo Hải Vân để ông được vĩnh viễn nằm lại cùng với binh sĩ dưới quyền ông đã hy sinh tại vùng đất linh thiêng đó của Tổ Quốc.  Tác giả bài viết này thật lòng tin rằng ba vị tướng lãnh gốc Nhảy Dù này của QLVNCH đã hoàn thành thiên nhiệm “Sinh Vi Tướng, Tử Vi Thần.”  

GHI CHÚ:

1. Trương Quang Ân, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tai địa chỉ Internet sau đây: Trương Quang Ân – Wikipedia tiếng Việt

2. Trần Ngọc Thống, Hồ Đắc Huân, Lê Đình Thụy. Lược sử Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.  California: Hương Quê, 2011.  Tr. 251-252.

3. Phan Nhật Nam, Cố Thiếu Tướng Trương Quang Ân – Tư lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: Cố Thiếu Tướng Trương Quang Ân – Tư lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh – CHÍNH NGHĨA VIỆT NAM CỘNG HÒA (chinhnghiavietnamconghoa.com)

4. Nguyễn Khoa Nam, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tai địa chỉ Internet sau đây: Nguyễn Khoa Nam – Wikipedia tiếng Việt

5. Trần Ngọc Thống, Hồ Đắc Huân, Lê Đình Thụy. Lược sử Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, sđd, tr. 306-308.

6. Trần Ngọc Thống, Hồ Đắc Huân, Lê Đình Thụy. Lược sử Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, sđd, tr. 235-237.

7. Lâm Vĩnh-Thế, “Nhứt Thắng, nhì Chinh, tam Thanh, tứ Trưởng,” tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tai địa chỉ Internet sau đây: Tuyển tập Vĩnh Nhơn Lâm Vĩnh Thế: “Nhứt Thắng, nhì Chinh, tam Thanh, tứ Trưởng” (tuyen-tap-vinh-nhon-lam-vinh-the.blogspot.com)

8. Ngô Quang Trưởng, , tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tai địa chỉ Internet sau đây: Ngô Quang Trưởng – Wikipedia tiếng Việt

9. James H. Willbanks, “The most brilliant commander: Ngo Quang Truong”, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: http://www.historynet.com/the-most-brilliant-commander-ngo-quang-truong.htm

10. Lâm Vĩnh-Thế.  Nhất tướng công thành vạn cốt khô, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: Tuyển tập Vĩnh Nhơn Lâm Vĩnh Thế: Nhất Tướng Công Thành Vạn Cốt Khô (tuyen-tap-vinh-nhon-lam-vinh-the.blogspot.com)

11. Nguyễn Tường Thiết.  Rải tro theo gió, video đọc bài viết Rải tro theo gió, có thể nghe tại địa chỉ Internet sau đây: Viết về cố Trung tướng Ngô Quang Trưởng – Rải tro theo gió – Nguyễn Tường Thiết – YouTube