Rạp ‘Văn Hoa Sài Gòn’
Vưu Văn Tâm
** mến tặng anh Lành (NSW) và BHAH **
Rạp chiếu bóng Việt Long, số 19 Cao Thắng, nằm ở ngã ba đường Cao Thắng và Trần Quý Cáp, được người chủ mới sang lại và đổi tên thành rạp ‘Văn Hoa Saigon’ để dễ dàng phân biệt với rạp ‘Văn Hoa Dakao’ trên đường Trần Quang Khải, Tân-Định. Rạp được sửa sang mới mẻ từ hình dáng bên ngoài cho đến bên trong, khán phòng lộng lẫy với ghế nệm bọc nhung và trang bị hệ thống máy lạnh tân kỳ hòng thu hút được đông đảo lớp khán giả trung lưu vùng Bàn Cờ, chợ Vườn Chuối cùng những khu dân cư lân cận.
Ngày đó, thằng Tám mủm mỉm còn chưa biết mặt chữ, lần đầu tiên được bước chân vào khoảng không gian thơm tho, lạnh ngắt và tối đen như mực. Tám líu ríu bước đi và níu chặt bàn tay của anh Ba Hoàng mà đôi mắt không hề rời khỏi cái màn ảnh đại vĩ tuyến (widescreen). Tám mê mẩn, say sưa theo dõi từng đường kiếm của hiệp sĩ mù Vương Vũ giữa những âm thanh gió cát bay vùn vụt cùng những cú phi thân tuyệt luân xuyên qua cành cây, kẽ lá.
Cũng như nhiều rạp ‘ciné’ đương thời, phim ở rạp được chiếu thường trực mỗi ngày (permanant), nghĩa là khán giả ra vào lúc nào cũng được chứ không theo từng xuất. Có khi đến nơi khán giả được xem phần cuối của cuốn phim và sau giờ giải lao nhất định, phim được chiếu lại từ đầu. Nếu có thời gian, mọi người có thể ở lại rạp và tiếp tục xem thêm nhiều lần nữa cho đến xuất chiếu sau cùng trong ngày hay đến khi rạp đóng cửa.
Ngày nào cũng vậy, sau giờ tan học, Tám thường rủ rê các bạn cùng lớp hay mấy đứa lối xóm trang lứa, thằng Huy, thằng Đạt, con Hồng mon men đến rạp để ngắm nghía những tấm ‘paneau’ lộng lẫy treo ở mặt tiền rạp hay những tấm ‘poster’ cỡ lớn được lồng trong khung kính trong suốt nơi đại sảnh. Hình ảnh sống động của những cuốn phim đang và sắp chiếu với các tài tử danh tiếng khiến cho thằng Tám say mê như được lạc vào một cõi khác. Mấy đứa nhóc tì còn bày ra trò chơi trượt ‘patin’ với những đôi dép nhựa rẻ tiền trên mền gạch ‘granit’ trơn láng. Mấy cô, mấy chú soát vé thỉnh thoảng la rầy và xua đuổi nhưng khó mà cấm cản được cái đám ‘nhất quỷ’ này. Hễ bị rầy la phía bên này rạp thì tụi nó tấp qua bên kia lẹ làng như cái bông vụ. Mấy đứa nhỏ còn hạnh phúc hơn nữa khi cầm được trên tay tấm chương trình (flyer) giới thiệu cuốn phim đang chiếu với hình ảnh các tài tử được in ấn đẹp đẽ và bắt mắt.
Năm 1974, sau cái Tết Nguyên Đán Giáp Dần, ông chủ rạp đã cho đập nát ngôi rạp cũ để xây dựng rạp mới bề thế hơn. Công trình xây cất kéo dài nhiều tháng trời và được long trọng khai trương vào mùa xuân Ất Mão, năm 1975, với cái tên rất tây phương, ‘Cinema Capitol’. Cuốn phim “Con vịt đẻ trứng vàng”, nhập cảng từ Pháp quốc, được lựa chọn để trình chiếu trong mùa ra mắt rạp hát hạng sang bậc nhất này. Ngày đó, rạp Rex, Eden, Đại Nam ở trung tâm Sài-Gòn được xếp hạng là những rạp tiện nghi đệ nhất. Để có thể ‘bằng chị, bằng em’, một rạp chiếu bóng nho nhỏ được xây thêm trên nền đất cũ, bên cạnh rạp Capitol, mang tên ‘Mini Capitol’ có cấu trúc lạ mắt như chiếc phi thuyền với lối đi là chiếc cầu thang xoắn ốc rất ngoạn mục. Rạp Mini thường chiếu những cuốn phim đặc biệt dành cho người lớn, phim kinh dị (phim ma, phim Hitcock) hay những phim Ấn Độ có nội dung quái dị và kinh hoàng như “Tình cô gái rắn”, “Vợ người chồng rắn”, v.v.. Hai rạp hát tân tiến này là niềm hãnh diện vô biên của gia đình ông chủ rạp và cũng đánh dấu sự thành tựu lớn lao kể từ ngày xa rời đất Bắc thân yêu, di cư vào miền Nam chan hòa nắng ấm.
Niềm hân hoan của ngày khai trương chỉ được vài tháng thì chiến cuộc tràn lan, họa phước khôn lường. Người người di tản trên những chiếc trực thăng cuối cùng hay giành giật từng chỗ ngồi trên những con tàu buôn neo trên bến cảng. Cái cảnh chia ly, trốn chạy đầy nước mắt đó cho đến bây giờ vẫn còn thấy lại được qua những thước phim tài liệu hiếm quý trên mạng ‘internet’ và trên hệ thống ‘youtube’.
Sài-Gòn thay chủ mới, rạp Capitol cũng bị đổi tên thành ‘rạp chiếu bóng Thăng Long’ và hiện diện từng ngày theo nhịp sống chật vật, lạc hậu. Dù vậy, rạp Thăng Long cùng với rạp Bến Thành (rạp Rex cũ) vẫn là hai rạp chiếu phim lớn nhất và hiện đại nhất sau ngày đất trời nổi cơn bụi và thủ đô Sài-Gòn bị đổi ngôi.
Theo dòng phát triển của xã hội, điều kiện sống chung quanh cũng thay đổi ít nhiều. Nhiều loại hình nghệ thuật giải trí khác được ra đời và thiên hạ đã bớt ‘mặn mà’ đến rạp. Rạp hát cải lương, rạp chiếu phim co cụm lại và biến mất dần theo ngày tháng. Những năm gần đây, rạp Thăng Long chịu chung số phận với các rạp hát nơi đô thành và trở thành cao ốc Saigon Mall với các rạp nhỏ của hệ thống Mega GS. Ở Tân-Định, rạp Văn Hoa Dakao cũng bị biến thành cao ốc thương mại, bên trong có chùm rạp CGV.
Nếu cuộc sống này được ví như một giòng sông thì những đợt sóng nổi, chìm tạo ra những bãi bồi, bến lỡ cũng giống như sự tồn tại, mất còn của các rạp hát, rạp ‘ciné’ với bao niềm thương, nỗi nhớ. Người ở lại hay người đi xa dẫu có già nua theo thời gian nhưng những kỷ niệm ngày thơ không thể nào phai phôi cũng như hình ảnh Sài-Gòn sẽ theo nhau cho đến ngày chia tay cuộc đời này và đi về một cõi khác.
TV, 02.01.2023