Trung-Tướng Dương Văn Minh sau đảo chánh ngày 1-11-1963

Vào khoảng 10:30 giờ sáng ngày Thứ Tư, 30-4-1975, Tổng Thống Dương Văn Minh, vị Tổng Thống cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), không do dân chúng bầu ra, mà do Quốc Hội, trong phiên họp lưỡng viện đêm 27-4-1975, đồng ý cho tân Tổng Thống hiến định Trần Văn Hương trao quyền Tổng Thống lại cho.  Ngay hôm sau, 28-4-1975, vào lúc 5:30 chiều, Tướng Minh tuyên thệ nhậm chức Tổng Thống VNCH. Và, sáng ngày 30-4-1975, với tư cách Tổng Tư Lệnh, Tướng Minh đã ra lệnh cho toàn thể Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (QLVNCH) buông súng, ở yên tại chỗ, và chuẩn bị bàn giao chính quyền cho các lực lượng của Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam, nghĩa là, trên thực tế, là chấp nhận đầu hàng.  Trong một thời gian khá dài, dân chúng Miền Nam vẫn nghĩ và tin rằng Tướng Minh, vì không còn có thể cứu được nước nữa, nên đành phải chọn chuyện còn có thể làm được là đầu hàng để cứu dân.  Bài viết này cố gắng tìm hiểu diễn tiến và nhận định lại hậu quả của quyết định vô cùng quan trọng này trong lịch sử của VNCH.

Sơ Lược Tiểu Sử Tướng Dương Văn Minh

• Thiếu Úy: năm 1946

• Trung Úy: năm 1948

• Đại Úy: năm 1950

• Thiếu Tá: năm 1951

• Trung Tá: không rõ thời gian

• Đại Tá: ngày 5-5-1955

• Thiếu Tướng: ngày 1-11-1955

• Trung Tướng: ngày 8-12-1956

• Đại Tướng: ngày 24-11-1964

Tướng Minh đã có 3 lần đảm nhận chức vụ Quốc Trưởng của VNCH:

• Lần thứ nhứt: khi ông là Chủ Tịch Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng (HĐQNCM) lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm vào ngày 1-11-1963

• Lần thứ hai: khi ông được “bầu làm Chủ-Tịch Ban Lãnh-Đạo Lâm-Thời Quốc-Gia và Quân-Lực (Quyết định số 2-LĐQGQL)”  [2]

• Lần thứ ba: khi ông được tân Tổng Thống hiến định Trần Văn Hương, thi hành quyết định của Lưỡng viện Quốc Hội đêm 27-4-1975, trao quyền Tổng Thống cho ông vào chiều ngày 28-4-1975

Cá Tính Của Tướng Dương Văn Minh

Nói chung, trước năm 1963, ông được sự kính trọng và mến mộ của tất cả các cấp trong quân đội.  Chính vì điểm này mà khi tổ chức cuộc đảo chánh ngày 1-11-1963 để lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm, các tướng lãnh đều đồng ý mời ông đứng đầu, lãnh đạo cuộc đảo chánh, mặc dù lúc đó, với chức vụ chính thức là Cố Vấn Quân Sự Phủ Tổng Thống, một chức vụ ngồi chơi xơi nước, ông hoàn toàn không còn binh quyền trong tay nữa.

Sau cuộc đảo chánh ngày 1-11-1963, với tư cách là Chủ Tịch HĐQNCM, ông đương nhiên phải đảm nhận vai trò Quốc Trưởng của VNCH, mà, trong thâm tâm, có thể ông không thích làm.  Phó Giám Đốc cơ quan USOM (tên tắt của United States Operations Mission, bộ phận phụ trách về viện trợ của Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại VNCH trong đầu thập niên 1960), ông Rufus Phillips, đã có nhận định như sau về Tướng Minh:

“The man has the necessary elements of a popular leader in his character but he will have to be pushed into assuming this role because he is essentially a humble man.” [3]

(tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Cá tính của người này có những yếu tố cần thiết của một lãnh tụ được lòng dân nhưng ông ta cần phải được thúc đẩy để đảm nhận vai trò này vì, về cơ bản, ông là một con người khiêm tốn.”

Nhận xét trên đây rất đúng về con người của Tướng Dương Văn Minh.  Ông là một người điềm đạm, ít khi lớn tiếng với ai, dễ gây cảm tình với mọi người.  Ông lại là người khiêm tốn, không thích khoe khoang, cũng như không thích xuất hiện nhiều trước đám đông.  Chính vì vậy,

“… trong cuộc họp của phái đoàn McNamara với các vị lãnh đạo của HÐQNCM vào ngày 20-12-1964 tại Bộ Tổng Tham Mưu.  Cả Tổng Trưởng Quốc Phòng Robert S. McNamara và Giám Ðốc Cơ quan CIA John McCone đều gợi ý Tướng Minh nên tìm cách nói chuyện thẳng với dân chúng Miền Nam qua các diễn văn hay các cuộc thăm viếng để tạo cho dân chúng niềm tin và hy vọng vào tương lai.3 Tướng Minh đã có nhiều cố gắng thực hiện lời khuyên này của các giới chức Hoa Kỳ.  Ông đã xuất hiện nhiều lần trước công chúng, thăm viếng các cơ sở của Phật Giáo, họp báo, khai mạc Hội Ðồng Nhân Sĩ, vv.” [4]

Những việc làm đó cho thấy rõ Tướng Minh có nghe theo các lời khuyên của các viên chức cao cấp của Chính phủ Mỹ và có cố gắng đóng vai trò lãnh đạo của mình.  Tìm hiểu thêm về đường lối, chủ trương của HĐQNCM, dưới sự lãnh đạo của Tướng Minh, trong thời gian này, sẽ giúp thấy rõ hơn về khả năng chính trị của ông.

Khả Năng Chính Trị Của Tướng Dương Văn Minh

Như phần trên của bài viết đã cho thấy rất rõ cá tính của Tướng Minh là một người hiền lành, điềm đạm, ít nói và khiêm tốn, có thể là một nhà lãnh đạo được lòng dân, được dân yêu mến.  Tuy nhiên điều quan trọng nhứt cần có của một nhà lãnh đạo giỏi không phải là các cá tính đó, mà phải là có một khả năng chính trị cao, có chiều sâu, và biết nhìn xa trông rộng.  Chúng ta sẽ cố gắng phân tích và đánh giá các hành động chính trị của Tướng Minh xem ông có được khả năng này hay không. 

Quyết định chính trị quan trọng đầu tiên của Tướng Minh, ngay sau cuộc đảo chánh ngày 1-11-1963 lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm, là bổ nhiệm ông Nguyễn Ngọc Thơ, một người bạn của ông làm Thủ Tướng, mặc dù ông Thơ là Phó Tổng Thống của Chính phủ Ngô Đình Diệm mà ông vừa lật đổ.  Hành động này cho thấy khá rõ khả năng chính trị rất là giới hạn, thiếu chiều sâu, không suy nghĩ thật kỹ cho tới nơi tới chốn, không nhìn xa trông rộng của Tướng Minh, khiến cho ông có khuynh hướng chọn một quyết định dễ dãi, hoàn toàn không nghĩ đến những hậu quả tai hại về sau mà quyết định đó có thể đem đến.

Sau gần 10 năm bị chèn ép, đàn áp nặng nề dưới chế độ độc tài gia đình trị của Ngô Đình Diệm, các chính đảng, đặc biệt là Đảng Đại Việt, đều nhìn thấy ở cuộc đảo chánh ngày 1-11-1963 một cơ hội để có thể trở lại chính trường.  Họ đều mong muốn được mời tham chính.   Vì vậy, việc lựa chọn ông Thơ làm Thủ Tướng lập tức gây bất mãn trong giới chính trị tại Miền Nam.  Ông Bùi Diễm (1923-2021), một chính trị gia thuộc Đảng Đại Việt, rất thân cận với Bác sĩ Phan Huy Quát, lãnh tụ của Đảng Đại Việt (hệ phái Miền Bắc), về sau là Bộ Trưởng Phủ Thủ Tướng trong Nội Các của Thủ Tướng Phan Huy Quát (từ 16-2-1965 đến 5-6-1965), và Đại Sứ tại Hoa Kỳ của VNCH (1967-1972), ghi lại trong cuốn hồi ký, Gọng kìm lịch sử, phản ứng của ông như sau:[5]

“Tôi hỏi tướng Kim là Hội Đồng Quân Nhân đã có chủ ý mời ai đứng ra làm Thủ Tướng? Tướng Kim trả lời tôi một cách ngắn gọn: “Ông Thơ!” (Vào lúc đảo chánh, ông Nguyễn Ngọc Thơ vẫn còn là đương kim Phó Tổng Thống).  Thật là một gáo nước lạnh giội lên đầu tôi, làm tôi bật ngửa người.  Tôi hỏi rõ lại xem có nghe nhầm không?  Rồi không giữ được bình tỉnh, tôi nói luôn: “Chúng ta đang có một cơ hội lịch sử và cần những bộ mặt mới, tại sao các anh lại có thể nghĩ đến ông Thơ được?”  Tường Kim trả lời ngay, đó là quyết định của tướng Minh (tướng Dương văn Minh, thường được các báo chí ngoại quốc gọi là Big Minh, là chủ tịch Hội Đồng Quân Nhân) và thêm rằng: “Đối với tướng Minh thì đây là một vấn đề không cần phải bàn cải.” (câu nói bằng tiếng Pháp của tướng Kim, tôi còn nhớ rõ là: “Pour Big Minh, c’est un postulat.”).  Tới đây thì tôi không còn nhịn được nữa, và bắt đầu to tiếng: “Các anh làm cách mạng để đưa bạn hữu lên cầm quyền thì cách mạng còn có ý nghĩa gì nữa!”

Sự bất mãn của các chính đảng càng tăng thêm khi Thủ Tướng Nguyễn Ngọc Thơ trình diện nội các của ông gồm toàn các chuyên viên, không có một đại diện nào của các chính đảng.  Chỉ một thời gian ngắn sau đó, chuyện ông Thơ dính líu vào việc chế độ Ngô Đình Diệm đã giết Trung Tướng Lê Quang Vinh (tức Ba Cụt) của Hòa Hảo được báo chí phanh phui ra và ông Thơ đã phải họp báo để bào chữa cho hành động của ông trong vụ án Ba Cụt.[6]

Bản chất hời hợt về chính trị này của Tướng Minh cũng chính là nguyên nhân đưa đến việc, vào đầu tháng 1-1964, ông thăng cấp Thiếu Tướng cho Đại Tá Nguyễn Văn Quan, một người bạn của ông, và bổ nhiệm ông Quan vào chức vụ Giám Đốc Nha An Ninh Quân Đội.  Việc bổ nhiệm này, diễn ra chỉ mới có 2 tháng sau cuộc đảo chánh chế độ Ngô Đình Diệm, trong lúc chế độ mới chưa được vững chắc, và công tác tình báo, an ninh chính trị cần phải được đặc biệt lưu tâm, rõ ràng là một hành động rất sơ xuất về an ninh chính trị vì Tướng Quan hoàn toàn không có kinh nghiệm gì về an ninh tình báo cả, và thực tế đã cho thấy là Tướng Quan hoàn toàn không nắm được tình hình an ninh nội bộ trong quân đội như chức vụ của ông đòi hỏi, với kết quả là ông không biết gì hết về những chuẩn bị của Trung Tướng Nguyễn Khánh cho cuộc đảo chánh sẽ diễn ra vào ngày 30-1-1964.  Nên nhớ là Tướng Khánh lúc đó là Tư Lệnh Quân Đoàn I, ở rất xa và hoàn toàn không có binh quyền gì cả trong vùng phụ cận thủ đô Sài Gòn.  Chính những cấp chỉ huy quân đội tại Sài Gòn (Đại Tá Cao Văn Viên, Tư Lệnh Lữ Đoàn Nhảy Dù), và chung quanh Sài Gòn (Trung Tướng Trần Thiện Khiêm, Tư Lệnh Quân Đoàn 3, Thiếu Tướng Nguyễn Văn Thiệu, Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh tại Biên Hòa) đã giúp cho Tướng Khánh tổ chức thành công cuộc đảo chánh này.  Thiếu Tướng Quan chỉ giữ chức vụ này đúng một tháng, và bị thay thế bởi Trung Tá Nguyễn Văn Phước vào ngày 31-1-1964,[7] ngay sau cuộc đảo chánh hoàn toàn không đổ máucủa Trung Tướng Nguyễn Khánh vào ngày 30-1-1964 mà ông gọi là một cuộc “Chỉnh Lý.”  

Trong khoảng thời gian hai năm kế tiếp sau vụ “Chỉnh Lý” (1964-1965), Tướng Minh chỉ là một con cờ của Tướng Khánh, và sau cùng bị Tướng Khánh đẩy ra khỏi nước.   Tiếp theo đó là một thời gian tương đối khá dài, từ ngày 7-11-1964 cho đến ngày 5-8-1968,[8] Tướng Minh phải chịu cảnh sống lưu vong tại Thái Lan.

Ngày 5-8-1968, ông được Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cho phép hồi hương.  Kể từ đó, ông được các lực lượng chính trị thuộc phong trào được giới báo chí gọi là “thành phần thứ ba” chọn làm người lãnh đạo cho phong trào.  Phong trào này, trên thực chất, không đáng được gọi là “thành phần thứ ba” vì chỉ chống chính quyền VNCH, mà không bao giờ phê bình, chỉ trích phe Cộng Sản.  (Sau ngày 30-4-1975, tất cả các nhân vật của phong trào đều lộ mặt ra hết: nếu không phải là cán bộ của Mặt Trận Giải Phóng, tức là Việt Cộng, thì cũng là cảm tình viên của phe Cộng Sản, thí dụ: nhà báo Hồ Ngọc Nhuận, ký giả Lý Quí Chung, dân biểu Nguyễn Văn Binh, vv.).  Hành động chính trị nửa vời duy nhứt của Tướng Minh là ứng cử Tổng Thống VNCH vào đầu tháng 6-1971, với Bác sĩ Hồ Văn Minh là Phó Tổng Thống trong liên danh, nhưng sau đó đã rút lui vào ngày 20-8-1971.  Sau đó, cho đến ngày 30-4-1975, Tướng Minh không có một đóng góp chính trị gì quan trọng trên chính trường của VNCH.   Có thể nói là Tướng Minh luôn luôn chọn những quyết định dễ dãi, và không chịu suy nghĩ đến những hậu quả lâu dài và quan trọng của quyết định của mình.  Quyết định rút lui của Tướng Minh trong cuộc bầu cử Tổng Thống VNCH vào tháng 8-1971 đưa đến một hậu quả vô cùng nghiêm trọng cho nền Đệ Nhị Cộng Hòa: đó là cuộc bầu cử độc diễn của Tướng Thiệu (mà báo chí Mỹ đã gọi một cách mỉa mai là “one-man show”) đưa đến việc làm suy giảm rất nhiều uy tín của VNCH trên trường quốc tế cũng như sự ủng hộ của dân chúng và Quốc Hội Hoa Kỳ giữa lúc mà VNCH tuyệt đối rất cần có được các sự ủng hộ đó.

Đánh Giá Quyết Định Đầu Hàng Của Tướng Minh

Tổng Thống Dương Văn Minh Ngày Đầu Hàng Tại Dinh Độc Lập

Quyết định đầu hàng của Tướng Minh vào ngày 30-4-975 cũng là một quyết định thuộc loại dễ dãi và thiếu suy nghĩ này của Tướng Minh.  Có thật đúng đó là khả năng duy nhứt, và tốt nhứt mà Tướng Minh có thể làm vào ngày 30-4-1975 đó không?  Chúng ta hãy tìm hiểu cho thật đúng tầm quan trọng của quyết định hết sức tai hại này.

Những Khả Năng Khác Hơn Là Đầu Hàng

Trước hết ta hãy phân tích thật đầy đủ tình hình chính trị và quân sự của VNCH tại thời điểm 30-4-1975.

Tình Hình Chính Trị: 

Quốc Nội: Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, người đã bị phần lớn các lực lượng chính trị trong nước chống đối, đã phải từ chức và đã ra khỏi nước.  Theo đúng Hiến Pháp Năm 1967 của VNCH, Phó Tổng Thống Trần Văn Hương đã tuyên thệ nhậm chức Tổng Thống.  Trước áp lực của các lực lượng, đảng phái chính trị đề nghị ông trao quyền cho Tướng Minh, Tổng Thống hiến định Trần Văn Hương đã yêu cầu triệu tập một phiên họp lưỡng viện của Quốc Hội để thảo luận và biểu quyết về đề nghị này.  Quốc Hội VNCH đã có phiên họp lưỡng viện vào tối ngày Chúa Nhựt 27-4-1975.  Tại phiên họp đó, Cựu Trung Tướng Trần Văn Đôn, Xử Lý Thường Vụ Bộ Quốc Phòng, đã thuyết trình về tình hình rất bi đát của VNCH, nhấn mạnh là chỉ trong vòng vài ngày, hay chỉ vài giờ, pháo 130 ly của Cộng Quân có thể sẽ san bằng Sài Gòn, việc thương thuyết cần phải làm ngay để có ngưng bắn càng sớm càng tốt.  Do đó, vào lúc 8:45 tối ngày Chúa Nhựt, 27-4-1975, Quốc Hội VNCH đã quyết định trao quyền Tổng Thống cho Tướng Minh bằng một đa số tuyệt đối: 136/138 Nghị Sĩ và Dân Biểu hiện diện đã bỏ phiếu đồng ý cho phép Tổng Thống hiến định Trần Văn Hương giao quyền Tổng Thống cho cựu Đại Tướng Dương Văn Minh (hai vị không bỏ phiếu, theo đúng thủ tục của Quốc Hội, là Chủ Tịch Thượng Viện Trần Văn Lắm, và Chủ Tịch Hạ Viện Phạm Văn Út).[9]  Điều này có nghĩa là Tướng Minh đã có được sứ mệnh (mandate) tiến hành thương thuyết với phe Cộng sản để sớm có ngưng bắn, chớ không phải để “đầu hàng vô điều kiện.”   

Quốc Tế: chuyện Mỹ đã dứt khoát buông tay là đã rõ, không thể đảo ngược lại được nữa.  Tổng Thống Gerald Ford, lên kế vị sau khi Tổng-Thống Richard Nixon phải từ chức vì vụ Watergate, vào ngày 23-4-1975, đã tuyên bố như sau tại Trường Đại Học Tulane, thành phố New Orleans, tiểu bang Louisiana: “… the Vietnam War is finished as far as America is concerned.” [10] (xin tạm dịch sang Việt ngữ: “Đối với Hoa Kỳ, Chiến Tranh Việt Nam đã kết thúc.”).   Viện trợ của Hoa Kỳ về mọi mặt, đặc biệt là về quân sự, đã bị cắt giảm nhiều lần trước đó, và, vào năm 1974, ngân khoản viện trợ cho VNCH, cho tài khóa 74-75 (từ 1-7-1974 đến 30-6-1975), đã được Tổng-Thống Nixon (Đảng Cộng Hòa) đề nghị là 1, 45 tỷ USD đã bị Quốc Hội (do đa số Đảng Dân Chủ nắm giữ: Thượng Viện: 56-42; và Hạ Viện: 241-192) cắt phân nửa chỉ còn 700 triệu USD.  Ngày 8-8-1974, Tổng Thống Nixon từ chức và Phó Tổng Thống Ford lên thay.  Sau đó Tổng Thống Ford đã yêu cầu Quốc Hội cấp thêm 300 triệu USD nhưng cũng đã bị Quốc Hội bác bỏ.[11] Trước tình hình như vậy, Pháp và Trung Cộng, xuyên qua Ông Nguyễn Xuân Phong [12] đã tìm cách tiếp cận Tổng Thống hiến định Trần Văn Hương để thay chân Mỹ.[13]    Kế hoạch của Pháp – Trung Quốc là như sau:

“Ông Nguyễn Xuân Phong cho biết vào những ngày cuối của cuộc chiến, cả phía Bắc Việt và Trung Quốc đã liên lạc với ông.  Phía Bắc Việt bắn tin cho ông, cho đại diện của Pháp (tướng Paul Vanuxem,) và một số nhân vật khác, rằng nếu ông Dương Văn Minh không được đưa lên nắm quyền trước ngày 26/4/1975, họ sẽ san bằng Sài Gòn bằng hai mươi ngàn viên đạn pháo.  Còn phía Trung Quốc cũng cho người đến gặp ông để đưa ra một kế hoạch can thiệp quân sự nhằm ngăn chặn Bắc Việt chiếm Miền Nam Việt Nam. Mục đích của Trung Quốc là ngăn chặn một Việt Nam thống nhất.  Kế hoạch của Trung Quốc, theo lời kể của ông Phong, là trước hết xây dựng một liên minh giữa chính quyền VNCH và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam (CMLTCHMNVN).   Sau khi có liên minh này, Tổng thống Dương Văn Minh sẽ đưa ra lời thỉnh cầu quốc tế giúp đỡ.   Nhân cơ hội đó, Pháp sẽ hồi đáp bằng cách đưa vào Miền Nam Việt Nam một “lực lượng quốc tế” với danh nghĩa bảo vệ chính phủ mới, nhưng trong cái gọi là “lực lượng quốc tế” này sẽ có “hai Sư đoàn lính Dù của Trung Cộng.” Hai sư đoàn Dù này sẽ được thả xuống Biên Hòa.  Sau khi nhận tin từ phía Bắc Việt, ông Phong đã trở về Sài Gòn gặp Tổng thống Trần Văn Hương, người kế nhiệm sau khi ông Nguyễn Văn Thiệu từ chức ngày 21/4/1975, để cố gắng ngăn chặn một cuộc chiến có khả năng diễn ra ngay tại Sài Gòn.”[14]

Tình Hình Quân Sự:

Tại thời điểm này, VNCH đã mất phân nửa lãnh thổ (Vùng I và Vùng II), nhưng Sư Đoàn 18 Bộ Binh tại mặt trận Xuân Lộc (Vùng III) đã cho thấy rõ khả năng và tinh thần chiến đấu của QLVNCH vẫn còn rất đáng kể. 

Năm Sư Đoàn Bộ Binh của Vùng I (số 1, 2, và 3) và Vùng II (số 22 và số 23) đã bị xóa sổ, nhưng QLVNCH vẫn còn các đại đơn vị sau đây:

• 6 Sư Đoàn Bộ Binh:

     ° Vùng III: 3 Sư Đoàn 5, 18, và 25

     ° Vùng IV: 3 Sư Đoàn 7, 9, và 21

• 8 Liên Đoàn Biệt Động Quân (với dự kiến sẽ chuyển thành 2 Sư Đoàn là Sư Đoàn 101/BĐQ và Sư Đoàn 106/BĐQ)

     ° Liên Đoàn 4, 6, và 7 (từ Vùng II)

     ° Liên Đoàn 8, 9, 31, 32, và 33 (cho Vùng III, và Vùng IV)

• 2 Sư Đoàn Tổng Trừ Bị rất thiện chiến:

     ° Sư Doàn Dù

     ° Sư Đoàn TQLC

• Về Không Quân: vẫn còn đầy đủ các đơn vị sau đây:

     ° Phần lớn tất cả các Phi Đoàn (Khu Trục kể cả Phản Lực, Trực Thăng và Vận Tải) của Vùng I và Vùng II đều đã được di chuyển về các căn cứ ở Vùng III và Vùng IV

     ° Sư Đoàn 3 tại Biên Hòa

     ° Sư Đoàn 4 tại Cần Thơ

     ° Sư Đoàn 5 tại Tân Sơn Nhứt

     ° Sư Đoàn 6 (tại Pleiku, Vùng II) đã di chuyển về Phan Rang

• Về Hải Quân: vẫn còn đầy đủ các đơn vị của:

     ° Vùng III tại Sài Gòn nơi có Bộ Tư Lệnh

     ° Đặc biệt là Vùng IV tại Cần Thơ

Viện Trợ Cho VNCH:

 Sau khi Hoa Kỳ cắt giảm viện trợ cho VNCH, Ngoại-Trưởng Vương Văn Bắc đã tích cực vận động với Chính phủ Saudi Arabia, và đã thành công, được Quốc-Vương Faisal của Saudi Arabia chấp thuận viện trợ cho VNCH bằng cách cho vay không lãi, và chỉ hoàn trả sau khi VNCH đã sản xuất được dầu hỏa.  Chẳng may, ngày 25-3-1975, Quốc-Vương Faisal đã bị một người cháu ám sát chết.[15] Nội bộ chính trị của Saudi Arabia trở nên bất ổn và việc viện trợ cho VNCH đã không được thực hiện kịp thời trước ngày 30-4-1975.  

Khám Phá Dầu Hỏa Tại Thềm Lục Địa Của VNCH

“Trong vòng 8 tháng trước Tháng Tư Bảy Mươi Lăm, sáu giếng tìm dầu đã được khoan ở thềm lục địa miền Nam: kết quả là ba giếng khô, ba giếng tìm thấy dầu khí ở ba mỏ đặt tên là Dừa, Đại Hùng và Bạch Hổ.”[16]

Việc khám phá dầu hỏa tại thềm lục địạ của VNCH cho thấy triển vọng rất lớn, trong một tương lai rất gần, giúp VNCH có thể tự túc, không cần viện trợ quân sự của Hoa Kỳ nữa.

Khả Năng Tránh Cho Sài Gòn Bị Tàn Phá

 Việc Bắc Việt đe dọa “sẽ san bằng Sài Gòn bằng hai mươi ngàn viên đạn pháo”thật sự có khả năng diễn ra hay không?  Theo sự đánh giá của người viết, khả năng đó hoàn toàn không thể có được; đó chỉ là một lời đe dọa có tính cách chiến tranh chính trị mà thôi. 

Về phía Cộng Sản thì do các yếu tố như sau:

• Khả năng pháo kích vào Sài Gòn thì chắc chắn 100% là sẽ có vì đó là cách đánh “tiền pháo hậu xung” điển hình của phe Cộng Sản trong suốt cuộc chiến 20 năm. 

• Phe Cộng Sản tin chắc, với 5 quân đoàn của họ hoàn toàn bao vây Sài Gòn,[17] họ sẽ chiếm được Sài Gòn dễ dàng thì cần gì phải làm như vậy.

• Ngoài ra không có một đạo quân chiến thắng nào lai ngu dại tới mức muốn vào chiếm một thành phố đã bị chính mình “san bằng” cả (trừ các trường hợp địch quân ngoan cố tử thủ, như trong trận Stalingrad bên Nga trong Thế Chiến II, hay trận Quảng Trị tại Việt Nam Hè năm 1972)    

Về phía VCH thì như sau:

• Nếu quả thật không thể giữ nổi Sài Gòn, QLVNCH có thể rút về Miền Tây, và Chính phủ VNCH sẽ tuyên bố bỏ ngỏ Sài Gòn; phe Cộng Sản sẽ không có lý do gì phải “san bằng” thành phố đã nằm trong tay họ.

Có Tuyệt Đối Cần Phải Đầu Hàng Vô Điều Kiện Không?

Qua các phân tích về mọi khía cạnh, cả chính trị lẫn quân sự, vừa nêu trên, chúng ta thấy rõ là hoàn toàn không có cái gọi là “nhu cầu phải cứu dân.”   Thứ hai, tình hình quân sự chưa phải là hoàn toàn tuyệt vọng; các đại đơn vị của QLVNCH, trong đó có khá nhiều những đơn vị thiện chiến, như Sư Đoàn Dù, Sư Đoàn TQLC, các Liên Đoàn Biệt Động Quân, vẫn còn đầy đủ quân số và trang thiết bị.  Hai Vùng Chiến Thuật còn lại (Vùng III và Vùng IV), vẫn còn được phòng thủ vững chắc, nhứt là tại Vùng IV toàn bộ lực lượng, trong đó có 3 Sư Đoàn Bộ Binh rất thiện chiến là các Sư Đoàn 7, 9, và 21, và dưới quyền chỉ huy của một vị Tướng gốc Nhảy Dù có tài cầm quân và kinh nghiệm chiến trường và được toàn thể binh sĩ và sĩ quan các cấp kính trọng và tin tưởng: Thiếu-Tướng Nguyễn Khoa Nam [18] (Tướng Nam về sau đã tuẫn tiết vào ngày 30-4-1975, một hậu quả bi thảm do lệnh đầu hàng của Tướng Minh).  Trong trường hợp tối cần thiết, Chính phủ VNCH vẫn còn có thể di chuyển về Miền Tây, tức là Vùng IV, để tiếp tục chiến đấu, sau khi phá sập hai chiếc cầu chiến lược trên Quốc Lộ 4 là cầu Bến Lức và cầu Long An để làm chậm lại việc tiến về Miền Tây của các sư đoàn quân Bắc Việt..  Vì vậy, việc đầu hàng vô điều kiện của Tướng Minh hoàn toàn không phải là một điều tuyệt đối cần phải làm, và quyết định đó của Tướng Minh phản ánh thật đúng cái thói quen chọn một quyết định dễ dãi và thiếu suy nghĩ của ông về những hậu quả lớn lao và lâu dài có thể xảy ra.

Những Hậu Quả Lớn Lao Và Lâu Dài Của Quyết Định Đầu Hàng

Những sự việc đã xảy ra sau quyết định đầu hàng của Tướng Minh đã cho thấy rất rõ ràng là hoàn toàn trái ngược lại với sự tin tưởng “sẽ cứu được dân” của Tướng Minh.  Tướng Minh không những đã không cứu được dân, mà ngược lại, đã hại chết, trực tiếp hay gián tiếp, không biết bao nhiêu quân dân cán chính của Miền Nam.

Học Tập Cải Tạo

Do quyết định đầu hàng vô điều kiện của Tướng Minh vào ngày 30-4-1975, tất cả dân chúng Miền Nam, đặc biệt là các cựu quân nhân và công chức, đã rơi vào tình trạng như bị giam lỏng, hoàn toàn nằm trong sự sinh sát của chính quyền Cộng sản.  Chỉ một thời gian ngắn sau đó, chính quyền Cộng sản đã ra lệnh cho tất cả các cựu quân nhân và công chức của Chính phủ VNCH phải trình diện học tập cải tạo tập trung.  (Tất cả thường dân thì phải tham gia học tập chính trị hàng đêm tại các phường khóm dưới sự giám sát của Công An khu vực). 

Con số quân nhân công chức của Chính phủ VNCH bị giam giữ trong các trại cải tạosau ngày 30-4-1975 không thể biết được một cách chính xác.  Con số ước lượng có thể tin được là vào khoảng từ 200.000 đến 300.000 người.[19] Số người đã chết trong các trại cải tạo đó thì hoàn toàn không tìm được trong bất cứ tài liệu thống kê nào, nhưng đa số các nhà nghiên cứu tin rằng có thể lên đến hàng chục ngàn người.  Ngoài ra, một số khá đông các gia đình của các quân nhân công chức này còn được lệnh phải “đi kinh tế mới. Số người đã bỏ mạng trên các vùng kinh tế mới này cũng không thể nào biết được một cách chính xác.  Chính sách học tập cải tạo này đã làm cho hàng chục ngàn gia đình cựu quân nhân viên chức của Miền Nam, với tổng số người lên đến hàng trăm ngàn, phải lâm vào cảnh nhà tan cửa nát, đói khát bệnh tật và ngay cả bỏ mạng trên các vùng kinh tế mới, và con cái họ đã bị đối xử phân biệt trong mọi việc học hành thi cử.

Liều Chết Vượt Biên

Sau mấy năm sống dưới chế độ Cộng sản, từ 1979 trở đi, người dân Miền Nam thấy rõ không thể sống nổi trong chế độ mới, và quyết định liều chết bỏ nước ra đi, tuyệt đại đa số bằng đường biển với ghe thuyền mong manh, tạo nên phong trào “boat people = thuyền nhân” gây chấn động dư luận và lương tâm của cả thế giới.   Theo thống kê của Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc, đã có trong khoảng từ 200.000 đến 400.000 người đã chết ngoài biển trong các chuyến vượt biên quá sức nguy hiểm đó.[20] Một số khá đông những “thuyền nhân” này cũng đã phải trải qua những thảm cảnh bị hải tặc Thái Lan cướp bóc và hảm hiếp.

Thay Lời Kết:

Đại Tướng Dương Văn Minh, Tổng Thống cuối cùng của VNCH, do thói quen chọn những quyết định dễ dãi, thiếu suy nghĩ sâu xa về những hậu quả lớn lao và lâu dài, đã quyết định đầu hàng phe Cộng sản vào ngày 30-4-1975 trong khi tình thế, cả chính trị lẫn quân sự, chưa phải là hoàn toàn tuyệt vọng.  Quyết định này, mà Tướng Minh đã tin là để cứu dân, trên thực tế, đã không những không cứu được dân mà còn, trực tiếp hay gián tiếp, gây ra cái chết oan ức cho hàng trăm ngàn quân dân của Miền Nam.  Lịch sử sẽ phán xét quyết định đầu hàng quá dễ dãi và hoàn toàn thiếu suy nghĩ tai hại này của Đại Tướng Dương Văn Minh. 

GHI CHÚ:

1. Trần Ngọc Thống, Hồ Đắc Huân, Lê Đình Thụy.  Lược sử Quân Lực Việt Nam Cộng HòaSan Jose, Calif.: Hương Quê, 2011.  Đại Tướng Dương Văn Minh: Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa, tr. 108-112. 

2. Đoàn Thêm.  Hai mươi năm qua: việc từng ngày (1945-1964); tựa của Lãng Nhân.  Los Alamitos. Calif.: Xuân Thu, [1989?], tr. 405.

3. “Conversation between Vietnamese General Duong Van Minh and Rufus Phillips, Assistant Director of U.S. Operations Mission,” Declassified Documents Reference System (DDRS), công điện mật của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, đề ngày 2-12-1963, giải mật ngày 26-4-1984.

4. Lâm Vĩnh-Thế.  Việt Nam Cộng Hòa, 1963-1967: những năm xáo trộn.  Hamilton, Ont.: Hoài Việt, 2010, tr. 17.

5. Bùi Diễm.  Gọng kìm lịch sử.  Paris: Cơ sở xuất bản Phạm Quang Khai, 2000.  Tr. 180.

6. Lâm Vĩnh Thế, sđd, tr. 22-23.

7. Trần Ngọc Thống, Hồ Đắc Huân, Lê Đình Thụy.  Lược sử Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, sđd, tr. 318.

8. Trần Ngọc Thống, Hồ Đắc Huân, Lê Đình Thụy.  Lược sử Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, sđd, tr. 110.

9. Trần Đông Phong, Chủ Nhật 27-4-1975: lưỡng viện Quốc Hội đồng ý “trao quyền,tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: Trí Nhân Media: CHỦ NHẬT 27-4-1975: LƯỠNG VIỆN QUỐC HỘI ĐỒNG Ý “TRAO QUYỀN” (trinhanmedia.com)

10. President Ford says that war is finished for America, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: President Ford says that war is finished for America (history.com)

11. Hughes, Ken, The Myth that Congress cut off funding for South Vietnam, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: The Myth That Congress Cut Off Funding for South Vietnam | History News Network

12. Ông Nguyễn Xuân Phong (1936-2017) đã từng là Úy Viên (tức là Tổng Trưởng) Lao Động trong Nội Các Chiến Tranh của Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ (1965-1967); vào cuối tháng 4-1975, Ông Phong là Trưởng Đoàn VNCH tại Paris của Ủy Ban Bốn Bên Thi Hành Hiệp Định Paris (đã ký ngày 27-1-1973).  Ông đã bay về Sài Gòn vào cuối tháng 4-1975 với mục đích trình bày cho Tổng Thống Trần Văn Hương về thông điệp của Pháp và Trung Quốc.  

13. Veith, George J., China and the fall of South Vietnam: the last great secret of the Vietnam War, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: China and the Fall of South Vietnam: The Last Great Secret of the Vietnam War | Wilson Center

14. Bí mật lịch sử tháng 4 năm 1975: Trung Quốc định tung lính Dù nhảy xuống Biên Hòa chặn Bắc Việt, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: Bí mật lịch sử tháng 4 năm 1975: Trung Quốc định tung lính Dù nhảy xuống Biên Hòa chặn Bắc Việt? — Tiếng Việt (rfa.org)

15. Kim Phụng.  25/03/1975: Quốc Vương Faisal của Ả Rập Saudi bị ám sát, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: 25/03/1975: Vua Faisal của Ả Rập Saudi bị ám sát (nghiencuuquocte.org)

16. Trần Văn Khởi, Tháng tám 47 năm trước (1973): những hợp đồng tìm dầu đầu tiên ở Việt Nam,  tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: Những hợp đồng tìm dầu đầu tiên ở Việt Nam | Tập San Việt Học (viethocjournal.com).  Tác giả Trần Văn Khởi đã từng giữ chức vụ Tổng Cuộc Trưởng, Tổng Cuộc Dầu Hỏa của VNCH.

17. Lâm Vĩnh-Thế, Di Tản Khỏi Sài Gòn Cuối Tháng 4 Năm 1975: Chiến Dịch Frequent Wind, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: Tuyển tập Vĩnh Nhơn Lâm Vĩnh Thế: Di Tản Khỏi Sài Gòn Cuối Tháng 4 Năm 1975: Chiến Dịch Frequent Wind (tuyen-tap-vinh-nhon-lam-vinh-the.blogspot.com)  Tác giả ghi rõ: “Chiến dịch Hồ Chí Minh, với mục tiêu là tiến chiếm Sài Gòn, bắt đầu vào ngày 26-4-1975, bằng 5 cánh quân gồm tất cả 14 sư đoàn bao vây Sài Gòn, dưới quyền Tư Lệnh của Đại Tướng Văn Tiến Dũng, và 3 Phó Tư Lệnh là Thượng Tướng Trần Văn Trà, và hai Trung Tướng Lê Đức Anh và Lê Trọng Tấn.”

18. Trần Ngọc Thống, Hồ Đắc Huân, Lê Đình Thụy.  Lược sử Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, sđd, tr. 306-308.

19. Re-education camp (Vietnam), tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: Re-education camp (Vietnam) – Wikipedia.  Tài liệu này ghi rõ như sau: “The actual number of reeducation camp internees, according to both official communist sources and former officials of the regime who later fled to the West, was between 200,000 and 300,000.” (Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Con số thật sự của những người bị giam giữ trong các trại học tập cải tạo, theo các nguồn tin của cả những viên chức cộng sản lẫn những cựu viên chức về sau đã bỏ chạy theo Tây phương, là trong khoảng 200.000 và 300.000.”)

20. Vietnamese boat people,tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: Vietnamese boat people – Wikipedia.  Tài liệu này ghi rõ như sau: “According to the United Nations High Commission for Refugees, between 200,000 and 400,000 boat people died at sea.” (Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Theo Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc, khoảng từ 200.000 đến 400.000 thuyền nhân đã chết ngoài biển.”)