Quê cũ!

 đoàn xuân thu

Thưa Nam Bộ là vùng đất mới!..Là con út cưng của dòng sông Cửu Long hùng vĩ.

cau-ho-van-tien-1Gọi là con út cưng vì bao nhiêu phù sa mà dòng sông nầy ky cỏm mang theo từ thượng nguồn, tuốt bên Tây Tạng, năm dài chày tháng đều cho con Út cưng hết ráo! Bằng cách bồi đắp vùng hạ lưu nầy.

Được vổ béo nên Nam Bộ trở nên màu mỡ, cứ lớn dần ra, cứ từ từ mỗi năm một chút, lấn ra phía biển Đông.

Nói vùng đất mới nhưng Nam Bộ đã trọng tuổi, so với vùng đất khác là trẻ nhưng cũng khoảng 5.000 năm rồi đó.

Mùa nước nổi,nước dâng lên, tràn mênh mông. Mùa nước kiệt, nước rút đi, cạn quéo. Chỉ còn phù sa, con tôm, con cá ở lại trong những ao, bàu, rạch, xẻo, lung để dâng hiến cho người.

(Xắn quần em lội qua lung. Quần em tuột xuống anh hun chỗ nào?) Quá đã!

Thưa! Con người bao giờ cũng đi sau thiên nhiên một bước!

Trước khi ông bà mình ngoài Bắc, ngoài Trung vào đây lập nghiệp thành chòm, thành xóm; chưa có chánh quyền gì ráo thì: “Mắm trước, đước sau, tràm theo sát. Sau hàng dừa nước mái nhà ai”.

Cây mắm giữ vai trò tiên phong trong việc lấn biển. Mắm, đước và tràm mọc ngay khi trái rụng xuống nước và bám vào đất, giữ đất, giúp đất được bồi đắp lấn từ từ ra biển Đông.

Ngoài mắm, đước, tràm, còn biết bao cây hoang dại khác đã gắn bó lâu đời với người dân quê lam lũ, như: bần, quao, dừa nước, đủng đỉnh, mù u…

Có ‘hàng dừa nước’ dọc theo hai bờ sông, rạch để bà con mình có lá lợp nhà để ở, bước đầu định cư, định canh mới được. An cư; lạc nghiệp!

con-rach-nho-2Để người viết có thời thơ dại, ôm bập dừa tập lội, quậy nước đùng đùng trong con rạch sau nhà ngoại.

Để ông ngoại nổi dóa lên, vác cây roi đánh ngựa, rượt mấy thằng cháu ngoại trai khỉ khọn, chạy té khói luôn trong tiếng la rầy ỏm tỏi vọng theo sau: “Tao đố tụi bây đó nhe!” He he!

Ông bà mình thoạt kỳ thủy lưu lạc vào đây, đất mênh mông bạt ngàn nên làm ruộng, làm rẫy! Một công rẫy bảy công ruộng! Làm rẫy cực gấp bảy lần làm ruộng! Cực quá nên ông bà mình mới lên liếp, lập vườn cây ăn trái cho nó ‘phẻ’!

Làm vườn là ngon rồi đó nhe! Bỡi: “Mẹ mong gả thiếp về vườn. Ăn bông bí luộc dưa hường nấu canh!”

Vậy mà cách đây gần nửa thế kỷ, đi Sài Gòn học, mới xáp xáp vô ‘ve’ mấy tiểu thơ khuê các của cái đất Sài Thành; hỏng em nào chịu tui hết ráo. Còn xì xầm sau lưng, gọi tui là dân vưỡn tức dân miệt vườn.

Tui cự lại: “Ê miệt vườn có gì tệ đâu em?” Nó còn có cái văn minh miệt vườn đó nhe! Hỏng nghe nhà văn Sơn Nam ổng ca tụng quê tui lên tới chín tầng mây sao?

Dẫu vậy hỏng có em nào chịu nghe tui thuyết phục hết ráo… để tui đưa nàng về vườn mới chết!

Thưa! Rồi đêm nay xa quê đã chừng ấy năm, đêm nằm không ngủ được, cứ trằn trọc riết! Quê người lưu lạc mà cuối năm lại không về, tui nhớ cái quê xưa, quê cũ của mình quá đỗi.

Tui nhớ cái đất Mỹ Tho! Có những điều mà hồi xưa tui thấy tự nhiên như cơm mình ăn, nước mình uống… giờ gẫm lại…mới thấy lạ!

Chẳng hạn như: Cái đất Mỹ Tho của tui sao có quá nhiều làng, xã có tên bắt đầu bằng chữ Tân, nghĩa là mới!

Như: Tân An, Tân Hương, Tân Lý Đông, Tân Lý Tây, Tân Hòa Đông, Tân Hòa Tây, Tân Hội Đông, Tân Hội Tây,  Tân Đức Đông, Tân Đức Tây, Tân Phú Đông, Tân Phú Tây… và biết bao là Tân nữa.

Tại sao ông bà mình xưa khoái cái Tân quá vậy chớ?

Nghĩ ra rồi! Ông bà mình khoái đặt tên vùng đất mới là ‘Tân’ vì trong tận cùng thâm tâm của nhũng người lưu lạc, vì thời cuộc hay vì chén cơm manh áo, phải bỏ quê cha đất tổ mà đi nhưng trong lòng bao giờ cũng dàu dàu nhớ thương về quê cũ.

Thưa! Người Mỹ hay Úc cũng vậy thôi! Cũng khoái chữ Tân mà tiếng Anh gọi là ‘New’! Như một tiểu bang của Úc đây, có thành phố lớn nhứt là Sydney, cũng có tên là New South Wales…

Láng giềng, cách biển, của Úc là: New Zealand.

Rồi lang mang qua tới tận Huê Kỳ có New York, New England, New Orleans, New Hampshire…

Thưa! Bà con ta từ ngoải vào, cứ xuôi theo hai nhánh sông Tiền và sông Hậu mà lập xóm, lập làng. Rồi lập phố bán để bán buôn hàng nông sản.

Mỗi phố chợ nầy cách nhau trên dưới 60 cây số, là một ngày đi độ đường sông.

Lịch sử đã ghi lại rằng: Năm 1679, những người Tàu, phản Thanh phục Minh thất bại bèn đùm túm nhau xuống tàu vượt biển xuôi Nam. Và tên Ba Tàu, có người nói, là bắt đầu từ đó chăng?

Chúa Nguyễn đã cho khoảng ba ngàn người Minh Hương, mà Dương Ngạn Địch cầm đầu, về định cư vùng đất mới Mỹ Tho, cùng với những lưu dân người Việt từ miền ngoài vào khẩn hoang, lập nên ‘Mỹ Tho đại phố’, trở thành một trong hai trung tâm thương mại sầm uất Nam Bộ lúc bấy giờ (trung tâm còn lại là Cù lao Phố, Biên Hòa).

Khi ‘Mỹ Tho đại phố’ ì xèo thì Bến Nghé chỉ mới là một khu chợ nhỏ, còn Cần Thơ hầu như chưa có gì.

Mà vùng đất nào giàu, trù phú là thường hay bị ăn cướp. Mỹ Tho đại phố đã hai lần chịu cảnh tang thương như thế!

Lần đầu vào năm 1785, quân Xiêm theo Nguyễn Ánh tràn sang. Phố xá bị tàn phá, của cải bị cướp bóc nên Mỹ Tho đại phố trở nên tiêu điều.

Anh hùng áo vải Tây Sơn, Nguyễn Huệ  đã đánh cho bọn xâm lược một trận nên thân tại khúc sông Rạch Gầm-Xoài Mút vào đêm 19 rạng 20 tháng 1 năm 1785 làm chúng phải kinh hồn táng đởm, hồn phi phách tán, bỏ thuyền dông lên bờ,  chạy tuốt về nước Xiêm La.

Dẫu vậy, nhưng do bị quân Xiêm cướp bóc tàn phá, Mỹ Tho đại phố chỉ còn lại một đống tro tàn. Thương nhân ở đây hầu hết đều chuyển lên làm ăn ở Sài Gòn – Bến Nghé…

Lần thứ hai vào năm 1968, Mỹ Tho đại phố lại bị tàn phá là Tết Mậu Thân.

chiec-roi-3Đã gần 50 năm rồi mà tưởng chừng như mới hôm qua.

Năm ấy, trường Trung học Nguyễn Đình Chiểu cuối năm trước khi học trò về nghỉ ăn Tết, mấy Thầy có cho chút đỉnh tiền còm để mấy ‘trò’ viết Giai Phẩm Xuân cho trường mua thèo lèo cứt chuột và xá xị con cọp BGI để liên hoan.

Tui có góp một bài…Viết về cái gì lâu quá nên quên mất tiêu rồi.

Chiều liên hoan, có mấy ’em’ bên trường Nữ Lê Ngọc Hân qua tham dự. Ôi! Con gái 17 bẻ gãy sừng trâu; huống hồ gì trái tim của một chàng trai mới vừa bể tiếng, râu măng lún phún vài cọng trên cằm chớ!

Ngồi kế một em mặc áo dài trắng, tay raglan, vải tetron mỏng dính như cánh con chuồn chuồn mà tim mình đập thùng thình như cái trống đình hôm lễ cúng kỳ yên…

(Ôi người em muôn năm cũ! Giờ em phiêu bạt đến phương nào?)

Chỉ mười ngày sau buổi liên hoan đó là tui phải chui vào hầm trốn; vì VC dùng cối 82 của Trung Cộng pháo kích vào trung tâm Mỹ Tho đại phố để bắt đầu trận đánh Tết Mâu Thân, dù đã hứa hẹn sẽ 7 ngày hưu chiến.

Từ Cầu Vĩ hoặc Hóc Đùn, chỉ cách trung tâm Mỹ Tho, chừng hai cây số đường chim bay, đạn súng cối 82 ly, sau tiếng ‘đề pa’ cái bụp, là bay vo vo vào!

Trước khi tiếp đất, kêu xè xè, rồi nổ ùng oàng, phang miểng bay rào rào trên mái ngói.

Cả nhà co rúm lại trong hầm ba lớp cát, chìm sâu dưới mặt đất mà cầu Trời khẩn Phật cho pháo không rớt ngay hầm…

Tối mùng Một, Tết Mậu Thân, cả ba tiểu đoàn VC đã áp sáp vào xã Mỹ Phong và Đạo Thạnh, hai xã vùng ven của Mỹ Tho.

Thiết đoàn 6 Kỵ binh Thiết giáp, có xe lội nước M113, trấn giữ ở đầu Giếng Nước. Tiểu đoàn 32 Biệt Động Quân trấn giữ phía bên kia Cầu Đài Chiến Sĩ, cuối đại lộ Hùng Vương, để bảo vệ an ninh cho Tổng thống Nguyễn văn Thiệu về quê vợ ăn Tết… Nên Mỹ Tho còn sống sót!

Dẫu vậy cả Bến xe mới và dọc hai bờ Giếng nước đều tan hoang hết. Nhà dân cháy hơn 3000 cái trong điêu tàn.

Mãi tới Mồng 7 Tết, sau khi lính Sư Đoàn 7 vào giải tỏa, người dân chạy loạn ra dầy đặc ở Vườn hoa Lạc Hồng mới được trở về nhà cũ coi còn sót lại gì không?

Xác người dân, già, trẻ vẫn còn nằm chết còng queo theo hai bên lộ, trong những vũng nước, đã sình lên mùi tử khí hòa trong khói vẫn còn nghi ngút cháy!

Không phải chỉ riêng Mỹ Tho bị tàn phá mà cả miền Nam… Từ Huế, Sài Gòn, Bến Tre… đều chịu cùng chung thảm nạn.

Thưa cứ 12 năm, chúng ta lại có một năm Thân. Năm rồi là Bính Thân và phải chờ tới 12 năm nữa, mới lại tới năm Mậu Thân, sau 60 năm; nhưng trong đầu người viết đêm cuối năm, quê người viễn xứ, lại hiện lên những hình ảnh bi thảm năm nào mà nhạc sĩ Hoài Linh đã viết “Tám nẻo đường thành” để khóc cho Sài Gòn trong cơn đổ nát. Mỹ Tho đại phố cũng vậy thôi!

“Bé thơ ơi! Bé thơ ơi! Nín đi đừng khóc/ Xót xa nhiều trào thêm nước mắt/

Chiến tranh nào mà không tan nát.

Khói lên cao trắng tay mau dân nghèo lơ láo/ Mẹ bồng con giờ về đâu/ Nhìn vành tang, con quấn ngang đầu!”

Melbourne cuối năm, quê người, nhớ lại thời quê cũ! Nhớ Tết Mậu Thân!

Nhớ Mỹ Tho, quê mình, vẫn đứng vững trước AK 47 và B40  nhưng bi thảm thay chỉ 7 năm sau đó: Mất nước!

que-cu-1Nên có thơ rằng: “Nguyễn Đình Chiểu của thời áo trắng/ Mỹ Tho mình- sớm nắng, chiều mưa/ Súp lê xa bến phà Rạch Miễu/ Chung thủy Mỹ Tho, em vẫn chờ.

Lạc Hồng, cây đa đà trốc gốc/ Trôi rồi ra biển tuổi xuân anh/ Cái thời tuổi trẻ anh yêu dấu/ Đã chết lâu rồi bởi chiến tranh!

Ôi! Tết Mậu Thân! Tết Mậu Thân/ Bót Số Tám qua mùa xuân loạn/

Xác ai đây? Xác của ai đây?/ Chết còng queo, chết chẳng toàn thây/

Bến Xe, Giếng Nước, tan hoang cháy!/ Trường ta, xao xác lá me bay!

 72 hè! 72 rực cháy!/ Đạn thù bay! đất nước bời bời!/ Trùng trùng, điệp điệp, dân chạy giặc/ Trường xưa, lớp cũ, anh đành thôi/ Ba năm lính trận, anh vẫn nhớ/ Trưng Trắc: Mỹ Tho, em vẫn chờ…/

Thưa xa quê đã quá xá là lâu nhưng lòng tôi vẫn mong một ngày trở lại.

Đêm nay đốt lò hương cũ, ly rượu buồn của kẻ tha hương nhìn về phía bên kia biển, người viết vẫn còn hy vọng đất nước mình ngày nào đó sẽ có tự do: “Mỹ Tho! Em đón anh về/ Trăm thương, ngàn nhớ tư bề Mỹ Tho!”

đoàn xuân thu.

melbourne