Pulau Galang

Lê Minh Tân (PK 1974-81)

(Nguồn: Kỷ Yếu PKLHP 1974-81 Kỷ Niệm 40 Năm 1981-2021)

Trong ngôn ngữ Malay(dùng ở Malaysia và Indonesia) thì Pulau có nghĩa là đảo. Có lẽ cũng từ chữ “pulau” đã đưa đến chữ “cù lao” trong tiếng Việt (ở miền Nam).

Pulau Galang là một cái tên khá quen thuộc với những người Việt đã từng ra đi bằng đường vượt biển. Hòn đảo này nằm ở phía Nam Singapore nên hầu như ít thuyền tị nạn nào chạy được đến đây trực tiếp. Hồi đó, đa số các thuyền tị nạn, nếu không tấp vào được đất liền ở Mã Lai hay Thái Lan, thì đều đâm vào vô số các hải đảo rải rác trên biển Đông của Indonesia. Có thuyền may mắn vào được đảo có cư dân, được dân làng Indo cho đồ ăn, nước uống và giúp xây trại ở tạm (như được Đỗ Quang Trình kể trong cuốn Saigon To San Diego). Nhiều thuyền khác tấp vào các đảo hoang, nhiều khi thuyền nhân phải tự vào rừng đốn cây về dựng trại và lo tìm đồ ăn nước uống.

Trong hoàn cảnh đó, Cao Ủy Tị Nạn LHQ đã dựng nên một trại tị nạn “có tổ chức” trên đảo Galang (lúc đó còn là đảo hoang). Thỉnh thoảng, LHQ và các Hội Thiện Nguyện đem tàu đi rước người tị nạn đang ở rải rác trên các đảo về tập trung lại nơi đây. Sau này, trại Galang còn nhận luôn người tị nạn từ các trại Songkla và trại đường bộ Sikhew bên Thái Lan chuyển qua bớt.

Mình đến Galang vào tháng 10 năm 1980, sau khi được chuyển từ đảo Kuku qua. Cho đến giờ mình vẫn chưa xác định được đảo Kuku nằm ở chỗ nào trên biển Đông. Chỉ biết là đi tàu bệnh viện của hội World Vision từ Kuku qua Galang mất gần một ngày.

Trại tị-nạn Galang giống như một thị trấn, thậm chí có thể còn lớn hơn vài quận lỵ ở Việt Nam. Con đường huyết mạch từ cầu tàu chạy vào trại Galang 1 (và Galang 2 sau này) được tráng nhựa đàng hoàng. Xe cộ đều chạy bên tay trái theo kiểu Anh. Đa số xe là xe tải của các công nhân Indo đến đây làm các công tác xây cất, tiếp liệu. Thỉnh thoảng là xe của các phái đoàn ngoại quốc.

Từ cầu tàu vào đến trại cũng khá xa (phải đi xe). Vừa đến trại là sẽ thấy chùa Quan Âm Tự của người tị nạn xây, đứng trên một đỉnh đồi. Chùa này tuy đơn sơ nhưng có hình dáng một ngôi chùa đàng hoàng. Trong chính điện có đầy đủ hình Phật. Từ sân chùa có thể nhìn thấy toàn cảnh trại bên dưới và nhũng ngọn đồi xanh vây quanh. Kế đó qua Zone 7, Zone 8 là khu “barrack” của người tị nạn bên Thái Lan chuyển qua, sơn màu cam và xanh dương. Khu trung tâm trại có một bệnh viện nhỏ, khá tiện nghi. Bên cạnh đó là chợ có nhà lồng hẳn hoi.

Đa số người bán là người Indo gốc Hoa từ các đảo khác qua và bán những thứ nhu yếu như thịt cá, rau quả, gia vị, quần áo, túi xách, và đồ dùng hàng ngày. Bên cạnh là Văn Phòng Ban Đại Diện người Việt của trại. Nơi đây cũng là Phòng Thông Tin để đọc các tin tức, thông cáo hàng ngày trên loa phóng thanh. Có thể nói đây là phương tiện thông tin duy nhất của trại. Khi cần gọi ai lên cho phái đoàn phỏng vấn hay sửa soạn đi định cư cũng đều phải đọc trên loa phóng thanh.

Phía sau bệnh viện là Khu Văn Hóa và Huấn Nghệ (CVC). Đây là những dãy nhà xây bằng gỗ, sàn đất 100% được dùng làm lớp học, thư viện, Hội Trường. Gần đó là Văn Phòng Cảnh Sát Indonesia. Nhờ trung tâm CVC này mà mình đã tạo được một mớ vốn tiếng Anh trong thời gian 5 tháng. Từ chỗ biết rất ít English lúc ra đi đến chỗ không cần học ESL khi đến Mỹ. Ngoài ra, cũng có các lớp ôn tập toán, lý, hóa, văn do các thầy cô giáo vượt biên phụ trách. Các cô nàng học sinh đi học đều mặc đồ bộ nên khá distracting khi ngồi học trong lớp. Điểm đặc biệt là ở đây mỗi tối thứ bảy đều có nhạc sống với micro, đàn điện, trống hẳn hòi. Ca nhạc sĩ dĩ nhiên là từ những người tị nạn trong trại. Ông Cảnh Sát Trưởng Indo lúc đó cũng là tay mê văn nghệ. Lâu lâu là ông ta lại qua hát mấy bài chacha của Indo với người Việt.

Các zone còn lại, từ 1 đến 6, đều là những dãy nhà dài, bằng gỗ, sơn trắng, nền xi-măng, được gọi là “barrack”. Trong mỗi barrack, dọc hai bên tường là mấy tấm gỗ được đóng thành tấm phản dài từ đầu này đế đầu kia. Mỗi gia đình được chia một diện tích sinh hoạt trên tấm phản. Ăn uống ngủ nghỉ gì cũng trên đó. Mỗi barrack có 2 cửa chính 2 đầu và nhiều cửa sổ dọc 2 bên hông. Tuy nhiên bà con thường ra vào bằng ngã cửa sổ vì nhanh hơn, do bệ cửa sổ rất gần mặt phản, và nền đường bên ngoài cao hơn nền barrack. Bên ngoài các “cửa sổ” này, bà con thường kê các thùng phuy để hứng nước mưa từ máng xối chảy xuống.

Nhà vệ sinh được xây tương đối tươm tất cho mỗi barrack. Tuy nhiên, nước thì thiếu. Mỗi ngày, mỗi người được phát một can nước (bằng chừng thùng can đựng xăng). Vì vậy, nếu muốn có nước xài đủ thì phải hứng nước mưa. Còn tắm rửa hay giặt giũ thì… ra suối. Hồi đó chiều chiều thì mình lại cầm khăn cầm xô ra suối tắm. Nước suối màu cam nhưng sao tắm xong vẫn thấy mát mẻ sạch sẽ. Các bà các cô cũng tắm ở đây, chỉ tội nghiệp là đi tắm mà vẫn phải mặc nguyên bộ quần áo thì có lẽ hơi khó chịu. Và đi về với nguyên bộ đồ ướt trên người thì thật là… sexy.

Ban đêm, chỉ có các khu công cộng là có điện. Còn trong barrack phải đốt đèn cầy hay đèn dầu. Mỗi khu đều có TV công cộng. Hồi đó lần đầu tiên nhìn thấy TV màu quả là một điều thích thú. Bà con thường xem các phim series Mỹ như Incredible Hulk, Charlie’s Angels hay phim bộ Tàu (lúc nào cũng có một ông người Hoa làm thuyết minh tình nguyện cho bà con)

Ở bìa bên kia của trại là nhà thờ Công giáo và Tin Lành. Nhà thờ Công giáo được xây trên đỉnh đồi và cũng rất trang trọng. Đêm Noel, các giáo dân đốt hai hàng đuốc dọc trên đường lên đồi, tạo ra một cảnh rất ấn tượng. Nhà thờ Tin Lành thì nằm xa hơn. Cả Linh Mục Dominici và Mục Sư Flemming lúc đó đều nói tiếng Việt rất sành sõi. Dưới chân ngọn đồi này là văn phòng Cao Ủy để các phái đoàn Cao Ủy và các nước đến phỏng vấn người tị nạn.

Trong trại, nhiều người tìm cách có thêm thu nhập bằng cách mở  “quán cà phê”. Ban Đại Diện trại còn có cả một ao rau muống để thỉnh thoảng cung cấp “chất xanh” cho đồng bào vì khẩu phần lương thực của LHQ toàn là đồ hộp. Muốn có rau cải tươi thì phải trồng hay mua của dân Indo gốc Hoa.

Cuối tuần có thể ra tắm biển. Đi bộ theo đường mòn chừng 30 phút thì ra tới bãi biển. Bãi biển Galang cát rất trắng và mịn. Biển rất êm, hầu như không có sóng, có lẽ nhờ những hòn đảo xa xa cản gió. Rừng mọc ra đến sát bãi nên bãi nhìn rất hoang vu. Gần đây, nghe nói Indonesia đã xây cầu nối liền các đảo quanh Galang. Người ta có thể đi xe thẳng đến Galang nên bãi biển Galang xinh đẹp ngày xưa bây giờ đầy rác. Thật đáng buồn.

Khi mình sắp đi định cư vào tháng 3/81 thì trại Galang 2 đã xây xong. Các ngôi nhà trong trại mới có vẻ tươm tất hơn. Nhà 2 tầng giống như nhà sàn, trên để ăn ngủ, dưới để nấu nướng. Nghe nói là mỗi nhà cũng có điện…