Chương Trình Tơ Lòng Trên Phím Nhạc # 084 – PHẠM MẠNH CƯƠNG 2
1- Như một khúc nhạc buồn – Don Hồ
2- Loài hoa không vỡ – Như Quỳnh
3- Tóc em chưa úa nắng hè – Duy Quang & Kim Anh
4- Rồi tình qua mau – Ngọc Lan
5- Suối lệ xanh – Duy Quang
6- Thung lũng hồng – Ý Lan
7- Mắt lệ cho người tình – Sĩ Phú
8- Nhạc khúc mừng xuân – Quang Minh

Nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương chào đời tại Huế năm 1933. Sinh trưởng trong một gia đình rất đông con tới 9 anh em, và thân phụ ông là một người yêu thích cổ nhạc cũng như sử dụng đàn, sáo thành thạo. Từ thuở nhỏ, Phạm Mạnh Cương đã rất say mê âm nhạc, và ngưỡng mộ dòng nhạc Đoàn Chuẩn – Từ Linh.

Năm 1953, Phạm Mạnh Cương thi đậu tú tài ở Huế. Sau đó ông ra Hà Nội và học Cao Đẳng sư phạm. Khi trở về Huế, ông hợp tác trong đài phát thanh, phụ trách chương trình “Văn nghệ học sinh” trong vai trò là một thành viên ban nhạc.

Nằm 1954, ông vào sinh sống ở miền Nam. Ông là giáo sư trường Nguyễn Đình Chiểu tại Mỹ Tho.

Từ năm 1958 đến năm 1975, ông chuyển về sinh sống tại Sài Gòn và phụ trách giảng dạy tại trường Petrus Ký. Phạm Mạnh Cương bắt đầu sáng tác khi còn rất trẻ. Nhạc phẩm “Mái trường xưa” được ông viết năm 1951, khi mới 18 tuổi. Tuy nhạc phẩm này được khá nhiều người ở Huế biết đến, nhưng tên tuổi Phạm Mạnh Cương chỉ thực sự đến với giới yêu nhạc khi ông sáng tác “Thu ca” tại Hà Nội vào năm 1953.

Năm 1961, Phạm Mạnh Cương gặp gỡ một người con gái tên Như Hảo trong một dịp ông ra Huế làm giám khảo kỳ thi tú tài 2. Để tặng cho Như Hảo, ông sáng tác “Mơ bến Hàn Giang”. Ca khúc này lần đầu tiên đến với công chúng trong tiếng hát đã rất nổi tiếng là Thái Thanh.

Năm 1962, Phạm Mạnh Cương thành hôn với Như Hảo tại Đà Nẵng. Hai vợ chồng ông cùng hợp tác trong công việc tại đài truyền hình cũng như các đài phát thanh, phụ trách những chương trình ca nhạc có chủ đề do nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương đề xướng.

Phạm Mạnh Cương tâm sự về khuynh hướng sáng tác của ông như sau: “Với tôi, dạy học vẫn làm tròn bổn phận của một nhà giáo, còn nghệ sĩ thì hoạt động hoàn toàn là một nhạc sĩ. Có lẽ tôi mang một tính chất nhà giáo để qua hoạt động bên văn nghệ. Tôi quan niệm, lời ca phải làm cho người ta cảm, chứ đừng viết một cách cao xa quá. Hình ảnh trong âm nhạc phải cụ thể, nhưng không phải cụ thể một cách tầm thường, nhưng là một cụ thể có thi vị…”

Phạm Mạnh Cương là một trong những nhạc sĩ đầu tiên bước vào con đường kinh doanh trong lĩnh vực thực hiện các băng nhạc, với cái tên Tú Quỳnh. Trong phương diện này, ông rất thành công. Trung tâm Tú Quỳnh phát hành trên dưới hơn 20 băng nhạc với hầu hết những tiếng hát nổi tiếng thời ấy như Thái Thanh, Lệ Thu, Khánh Ly, Duy Trác, Sĩ Phú, Thanh Tuyền, Phương Dung, Phương Hồng Hạnh, Julie Quang, Carol Kim, Thanh Lan…

Năm 1966, Phạm Mạnh Cương được đạo diễn Lê Hoàng Hoa mời thực hiện một chương trình ca nhạc đầu tiên cho đài truyền hình Việt Nam. Sau đó một năm thì được chính thức có tên là “Chương trình Phạm Mạnh Cương” với nhạc hiệu là nhạc phẩm “Thu ca” , truyền hình hàng tuần vào tối thứ Bảy từ 9 đến 10 giờ và kéo dài hoạt động cho đến khi miền Nam lọt vào tay Cộng Sản năm 1975. Ngoài ra, Phạm Mạnh Cương còn thực hiện rất nhiều chương trình nhạc chủ đề trên các làn sóng phát thanh radio.

Sau biến cố năm 1975, ông kẹt lại ở Việt Nam.

Năm 1980, ông và hai con vượt biên tại Cà Mau, sau đó được định cư tại Montreal, Canada .

Năm 1983, vợ và hai con gái được sang Canada theo diện đoàn tụ, do ông bảo lãnh. Nhưng tiếc là không lâu sau đó thì cuộc hôn nhân của vợ chồng ông đổ vỡ.

Tại Canada, Phạm Mạnh Cương vẫn tiếp tục con đường sinh hoạt nghệ thuật. Ông thành lập ban nhạc Phạm Mạnh Cương, kinh doanh ngành mở vũ trường.

Phạm Mạnh Cương là một nhạc sĩ tài hoa. Trong lĩnh vực sáng tác, ông cống hiến cho kho tàng âm nhạc trên dưới cả trăm ca khúc, mà trong đó có khá nhiều nhạc phẩm giá trị. Những ca khúc của ông đã một thời đến với lòng người mến mộ qua các giọng hát thành danh. Trong lĩnh vực thương mại, ông cũng đưa nghệ thuật đến với quần chúng một cách dễ dàng, phong phú hơn qua các trung tâm phát hành băng nhạc do ông điều khiển.

Có lẽ thất bại duy nhất trong đời ông, là cuộc hôn nhân gãy đổ với người vợ sau nhiều năm dài chung sống. Tuy thế, ông vẫn tìm được nguồn cảm hứng để tiếp tục phổ nhạc những bài thơ của những người quen.

Phạm Mạnh Cương và giòng nhạc trữ tình của ông một thời đã như một làn gió mát, thổi vào tâm hồn tuổi trẻ Việt Nam đang khô cằn vì bom đạn chiến tranh. Giòng nhạc Phạm Mạnh Cương với giai điệu trữ tình, tha thiết cùng từ ngữ đầy chất thơ mộng, lãng mạn… đã và sẽ còn mãi tồn đọng trong tâm hồn những người yêu nhạc.