Ông Bạn Hàng Xóm

John Thụy

Một buổi chiều cuối tuần đầy nắng ấm và mây hồng, tôi đẩy máy cắt cỏ ra sân trước và sửa soạn bắt đầu công việc. Bỗng có một người khách ghé lại chơi và lên tiếng:

–   Có khỏe không anh bạn trẻ?

–   Chào ông, tôi khỏe như thời tiết bữa nay vậy, còn ông thế nào?

–  Cũng được lắm. Cám ơn. Mà bạn chờ tôi một chút, tôi cũng lấy máy ra đây cắt cỏ. Để xem ai xong trước nhe.

Đó là ông Tim, hàng xóm kế bên nhà của tôi. Ông lớn hơn tôi 20 tuổi nhưng có một tâm hồn rất trẻ trung. Ông thường hay tranh đua với nhiều việc mà tôi làm. Cả ông lẫn tôi đều là Kỹ Sư Điện làm trong ngành Phân Phối Điện Lực ở Melbourne, Victoria. Ông đã về hưu nhiều năm.

Đàm thoại giữa ông ta và tôi thường nằm trong những vấn đề Điện Lực, các đổi mới trong đời sống và làm vườn. Một lần ông bảo tôi:

–   Một đứa cháu nội của tôi tính vào quân đội nhưng tôi không thích cho lắm.

Tôi an ủi. ”Ôi! nó lớn rồi. Thôi để anh ta tự quyết định tương lai cho mình.”

–   Có phải “anh ta” đâu, “chị ta” đấy. Thế mới chết chứ. Không thể hiểu nổi lũ trẻ ngày nay.

–   Đúng là quan niệm sống đã thay đổi nhưng thôi kệ. Tôi nghĩ các nữ quân nhân thời nay cũng được trông nom đầy đủ trong quân đội hiện đại.

Khi chúng tôi đập nhà xuống xây lại, có cái cửa nhà xe tự động còn khá tốt, tôi dạm ý tặng ông vì không muốn thấy ông mỗi ngày đẩy lên đẩy xuống bằng tay. Ông mừng rỡ và bảo:

–   Để tôi đo xem có vừa không nhé , Còn phải lo kiếm thợ tháo và gắn nữa.

Sau khi đo đạc đàng hoàng, thật vừa vặn, tôi kêu thợ lại cho ông.

Lúc hai anh thợ Việt Nam lại làm việc, ông tỏ ra rất ngạc nhiên vì họ không lực lưỡng cho lắm. Tôi bảo:

–   Họ nhỏ con, thiếu sức mạnh nhưng có mánh, xuống tấn vào thế rất vững. Ông đừng lo.

Quả thật như thế. Mọi việc xong xuôi ổn thỏa và ông hãnh diện bấm nút đưa cửa lên rồi đưa xuống. Tôi mừng cho ông. Tình bạn thêm thấm thiết. Ông bảo:

–   Trong vườn nhà tôi, bạn muốn lấy cây trái gì thì cứ bảo.

–   Chắc tôi xin mấy trái tắc để pha nước uống.

–   Cứ tự nhiên nhe bạn trẻ.

Tuần rồi, tôi và ông vừa mới lo xong một phần hàng rào giữa hai nhà. Đây là ngày mà ông phải vào sinh hoạt trong một Viện Dưỡng Lão gần đó nhưng ông lại muốn đi với tôi ra Ngân Hàng lấy tiền. Ông ưỡn ngực:

–   Tôi chả biết ai ở Ngân Hàng nhưng các nhân viên ở đấy đều biết tôi.

Khi ra khỏi nhà, ông đóng sầm cửa mà lại không cầm chìa khóa. Thế là xong, hết vào lại. Cũng vì lý do này mà khi lấy tiền ở Ngân Hàng xong, tôi quyết định chở ông vào Viện Dưỡng Lão thay vì chở về nhà. Ông hỏi:

–   Anh có biết ai ở Viện Dưỡng Lão đó không?

–   Không biết ai nhưng mình sẽ tìm ra

Ông cười:

–   Trời! Nếu anh chở tôi lại đó thì anh phải biết người nào để gặp chứ.

Tôi chưa bao giờ tới Viện Dưỡng Lão này nhưng lại muốn nói theo ý của ông.

–   Xin lỗi ông, trí nhớ của tôi dạo này hơi yếu nên không nhớ ai.

–   Ừa, anh không phải là người duy nhất quanh đây đâu. Tôi bây giờ cũng đang nổi tiếng về cái vụ hay quên hay lãng này.

Khi tới văn phòng Viện Dưỡng Lão, chúng tôi tìm được ông Giám Đốc điều hành. Ông ta bảo:

–   Cảm ơn ông đã đưa ông ấy tới đây. Không có vấn đề gì. Chúng tôi sẽ đưa ổng về nhà chiều nay.

Sau ngày hôm nay chừng một năm thì ông phải vào bệnh viện và dọn vào nhà dưỡng lão vĩnh viễn. Chừng sáu tháng sau đó thì ông bị ngã hai lần và ra đi vĩnh viễn.

Bệnh Lú Lẫn đã cướp đi một người bạn lớn tuổi và dễ mến của tôi. Mong linh hồn ông sớm về cõi vĩnh hằng. Chào tạm biệt.

Tôi không bao giờ quên ông. Ít ra cũng 20 năm nữa. Hy vọng thế.