Ngày 30 tháng 4 năm 1975, lúc 11 giờ tôi chạy về nhà ba tôi ở đường Hiền Vương (Võ Thị Sáu) sau khi nghe Đại Tướng Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Ba tôi và em gái tôi vừa mừng vừa lo, mừng vì được gặp lại tôi, vì tưởng tôi đã ra đi rồi, nhưng cũng ngậm ngùi, không biết số phận tôi sẽ ra sao.

Tôi chạy về nhà phía bên vợ tôi, tôi thấy nhà đóng cửa, tôi phân vân không biết thế nào nên đã ra chỗ làm của ông già vợ thì biết ông, bà và các con tôi đang tạm trú ngụ tại đây. Tôi gặp lại các con tôi, tôi rất vui mừng, nhưng em bà xã tôi rất ái ngại cho tôi, không biết số phận tôi sẽ ra sao, và khuyên tôi nếu được lo thoát thân một mình, còn các con tôi và mọi việc khác ở nhà có bên vợ tôi lo liệu. Nhưng tôi còn biết đi đâu được nữa. Quân đội cộng sản đã treo cờ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam ở dinh Độc Lập rồi! Tôi về nhà riêng ở đường Hoàng Đạo thì thấy một số nhà đã treo cờ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Nhà tôi ở sát nhà văn Vũ Hạnh thì nhà ông là nhà đã treo cờ sớm nhất. Tôi băn khoăn, bàng hoàng và thiếp đi. Sau khi tỉnh giấc ngủ trưa, tôi đem các bộ quân phục, mấy bộ lon Hải Quân và các giấy tờ đốt hết, tôi thấy giữ những giấy tờ nầy không có lợi cho tôi.

Ngày hôm sau, tôi đến Bộ Tư Lệnh Hải Quân ở bến Bạch Đằng để trình diện, tôi có vào Bệnh viện Hải Quân đã do quân giải phóng tiếp thu rồi để trình diện. Anh thủ trưởng bộ đội tiếp thu có nói chuyện với tôi vì trước đây vào năm 1945, khi đi theo kháng chiến, anh có phục vụ dưới quyền của hai giáo sư bác sĩ Trần Vỹ và Phan Đình Tuân, nên có hỏi thăm tôi về hai vị giáo sư trên. Sau đó, cho tôi về và cho phép tôi được vào bệnh viện tạm thời làm việc trở lại.

Ngày 2/5, tôi đã theo lệnh của Ủy Ban Quân Quản ra trình diện ở trường Gia Long.

Tôi đến đây thật sớm, khoảng 5-6 giờ sáng thì thấy rất nhiều sĩ quan chế độ cũ sốt sắng trình diện, hưởng ứng nồng nhiệt lời kêu gọi của Ủy Ban Quân Quản. Tôi thấy có cả bác sĩ Vũ Quí Đài, cựu khoa trưởng Y khoa (cựu bác sĩ quân y biệt phái) cũng đi trình diện và không chen lấn được để vào bên trong. Tôi đã vào trong và lấy được một bản tự khai dùng để khai, tôi lấy thêm một bản nữa và tôi đi ra ngoài đưa cho ông để ông tự khai và nộp lại cho các cán bộ phụ trách.

Về nhà tôi phải kiếm một chiếc xe đạp để đi, may quá, có một người quen còn một chiếc xe tốt (loại xe đàn bà) nhường lại cho tôi.

Sau khi trình diện hai ngày, tôi vào bệnh viện Hải Quân cũ và làm việc vài ngày. Sau vài ngày, họ cho tôi một số tiền lương và lương thực, kêu tôi về nhà chờ lệnh của Ủy Ban Quân Quản. Tôi chờ lệnh và ở nhà, sống, ăn uống rất dè dặt.

Khi trở lại làm việc tại bệnh viện Hải Quân (cũ), tôi được biết bác sĩ Nguyễn Thanh Trước, nguyên y sĩ trưởng Bệnh Viện Hải Quân, rời bệnh việc về nhà chiều ngày 30/4, thì ngày 1/5/75, ông đã trở lại bàn giao đầy đủ cho bộ đội giải phóng. Trên đài phát thanh đã nêu tên bác sĩ Trước đã có công bàn giao đầy đủ và rất được tín nhiệm với chánh quyền mới.

Tôi cũng được biết trong bệnh viện Hải Quân có một y tá mà tôi rất thân là người nằm vùng của cộng sản, họ đã báo cáo các bác sĩ cũ cho bộ đội, nhưng may cho tôi, khi tôi làm việc ở bệnh viện Hải Quân cũ, tôi đã làm việc tận tình, rất tốt, nên được y tá nầy báo cáo tốt lên thủ trưởng mới. Vị thủ trưởng nầy vì muốn sử dụng những máy móc, dụng cụ mà bệnh viện Hải Quân có mà các anh không biết dùng, nên đã định cho tôi đi làm việc và học tập tại chỗ.

Theo lệnh của Ủy Ban Quân Quản, các sĩ quan cấp úy phải trình diện để đi học tập và phải đem đầy đủ lương thực dùng trong 10 ngày.

Ngày 23/6/75, tôi đã đi trình diện, nhưng tối hôm đó, công an phường đã đến nhà tôi để kiểm tra xem tôi đã trình diện chưa, thì sáng ngày 24/6/75, có xe jeep của bộ đội Hải Quân đến nhà tôi nói có lệnh chở tôi vào Hải Quân Công Xưởng để tôi được học tập tại chỗ, nhưng tôi đã vào trình diện tại trường Trưng Vương.

Đầu tháng 6/75, chúng tôi, tất cả sĩ quan của chế độ Saigon đã phải đi trình diện để theo học lớp “tập trung cải tạo”, cấp úy thì phải đem lương thực đủ dùng trong 10 ngày. Tôi và một bạn cùng xóm, đã trình diện tại trường Trưng Vương ngày 23/6/75 (có 2 ngày 23/6 và 24/6 để trình diện). Chúng tôi được ăn ngủ, nghỉ một đêm tại trường nầy và ngày 24/6, lúc nửa đêm, chúng tôi được gọi ra để làm thủ tục lên đường. Sau khi giảng thuyết về chính sách “khoan hồng của cách mạng”, chúng tôi được đưa lên xe molotova bít bùng và thấy có các anh bộ đội lên cò súng kêu răng rắc thì chúng tôi đã hiểu rõ những chuyện gì sẽ xảy ra cho chúng tôi.

Xe chạy trong thành phố và chạy nhiều vòng, nhiều khi chạy trở lại gần như vị trí cũ và đưa chúng tôi đến một địa điểm gọi là Long Giao thuộc tỉnh Long Khánh.

Các anh bộ đội không cho chúng tôi biết địa điểm, nhưng trong số anh em sĩ quan trình diện, đã từng ở Sư Đoàn 18 Bộ Binh, nên biết rõ địa điểm nầy (Long Giao, thuộc tỉnh Long Khánh). Trước đây, Sư Đoàn 18 Bộ Binh đã đóng ở căn cứ nầy. Tôi đã trải qua 3 trại Long Giao (từ 25/6/75- tháng 6/78), trại Katum (Tây Ninh, gần biên giới Miên), trại Trảng Lớn (căn cứ cũ của Sư đoàn 25 Bộ Binh).

Nhiều tác giả đã viết về trại tù cải tạo, tôi không muốn lặp lại những điều đã cũ mà chỉ muốn ghi lại một số đặc điểm của trại tôi đã trải qua, và những sự kiện lịch sử.

Đa số các trại cải tạo do bộ đội cộng sản quản lý, hình thức cũng giống nhau cách tổ chức, chỉ thị, điều động và cách sinh hoạt cũng giống nhau. Chính tôi muốn ghi ra một số nét đặc biệt nơi các trại mà chúng tôi trải qua mà thôi.

Trại đầu tiên là trại Long Giao, như tôi viết ở trên, đó là doanh trại của Sư Đoàn 18 Bộ Binh của VNCH. Nơi tôi đến là một dãy nhà lợp tôn, vách tôn, dài khoảng 25m, ngang 10m. Mỗi nhà mà các anh bộ độ gọi là lán. Lán tôi là lán 10 và địa chỉ là Hòm Thư L2T1. Mỗi lán chứa 70 người trong một căn nhà chia làm hai dãy và chỗ giữa là một con đường đi qua lại độ 2m, cho nên mỗi người được khoảng rộng 8 tấc để xoay trở. Thật là chật hẹp. Trại của chúng tôi gồm 12 lán (12 căn).

Lúc đầu trại chúng tôi chỉ ở cách trại của các sĩ quan cấp tá một hàng rào, bên cạnh một giếng nước. Ở nơi đây, tôi đã gặp lại bác sĩ Nguyễn Thanh Trước, y sĩ Trung Tá, chỉ huy trưởng bệnh viện Hải Quân, bác sĩ Nguyễn Văn Hoàng, y sĩ Trung Tá, trưởng khu X-Ray Tổng Y Viện Cộng Hòa và các linh mục giám đốc Nha Tuyên Úy Công Giáo QL/VNCH.

Một lán được tổ chức như sau: một lán trưởng, một lán phó và 4 tổ học tập, mỗi tổ có một tổ trưởng và một tổ phó.

Mỗi chiều, lán trưởng lên nhận lệnh từ ban chỉ huy Trung Đoàn và về truyền lại cho các tổ viên và phân chia công tác.

L2T1 gồm 12 lán chứa khoảng 700-800 người, mà có đến hơn 25 bác sĩ, 8 dược sĩ, 3 nha sĩ, 2 linh mục tuyên úy Công giáo, 3-4 đại đức Phật giáo.

Lán tôi gồm 5 bác sĩ: Nguyễn Minh Khiêm, (YK66, hiện dịch 13), Đặng Nha Khánh (YK66, Trưng tập 9), Hà Hiển Thắng (YK67, Trưng tập 10), Nguyễn Thanh Hà (YK68, hiện dịch 15) và tôi Trần Văn Nam (YK68, Trưng tập 12).

Ngoài ra lán khác còn có các bác sĩ như Nguyễn Sơ Đông, Lê Xuân Lộc, Hoàng Xuân Tài, Hoàng Bá Ước Gioanh, Vương Bình Dzương, Nguyễn Văn Dõng, Đào Bá Ngọc, Lại Ngọc Hoàn, Trần Vinh Hoa, Nguyễn Cẩm Thạch, Nghiêm Xuân Sơn, Trần Văn Mân… Ngoài ra còn độ 10 bác sĩ thuộc Y Khoa Huế, Y Khoa Saigon, các khóa đàn em…

Có một chuyện vui là có một bác sĩ giả (không phải bác sĩ thiệt, mà chỉ là hạ sĩ quan Không Quân) khai là bác sĩ để đi học tập (vì lỡ khoe với bạn gái là bác sĩ, nên phải cắn răng đi học tập, anh còn khoe là có giấy về làm giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy, mặc dầu tuổi chưa tới 30. Trong trại có danh thủ bóng bàn Lê Văn Tiết (vô địch Pháp quốc 1959), bên cạnh lán tôi còn có nhà thơ Thanh Tâm Tuyển (đại úy Dzư Văn Chất).

Sau khi ổn định chỗ ăn ở như phải làm nhà cầu, phải đào giếng…. thì chúng tôi phải làm tờ khai lý lịch. Phần nầy xong rồi thì chúng tôi phải chuẩn bị học tập và đóng những ghế nhỏ dùng để ngồi học tập (10 bài) và đi lao động.

Khai lý lịch.

Quan trọng nhất là khai lý lịch. Mỗi người được phát 10 trang giấy để khai lý lịch. Phải khai lý lịch ba đời, về quê quán, trình độ học vấn, có tham gia cách mạng hay tham gia chế độ Mỹ ngụy… và quan trọng là tại sao các anh trở thành sĩ quan tay sai Mỹ ngụy và phải khai báo tội của các anh đối với cách mạng. Khó khai nhất là phần nầy, phải khai báo thành khẩn mới mong được “khoan hồng của cách mạng”.

Nhiều người như các cha Tuyên úy, Thượng Tọa Phật giáo cũng phải khai tội của mình, nhiều người không biết khai tội như thế nào cũng bịa ra tội để khai.

Riêng tôi, tôi cũng phải khai đại khái như sau: Gia đình tôi nghèo, nên thời niên thiếu, tôi cố gắng học hành để mai sau có việc làm tốt nuôi gia đình. Tôi may mắn học giỏi và đã được vào học đại học y khoa Saigon. Khi tốt nghiệp, tôi đã bị động viên vào quân đội VNCH rồi trở thành sĩ quan. Tôi được mang cấp bậc trung úy rồi đại úy. Tuy tôi không cầm súng để chống lại cách mạng, nhưng tôi đã tận tâm chữa bệnh cho sĩ quan, binh lính ngụy mau lành bệnh để họ cầm súng chống lại cách mạng, vì thế tôi đã có tội đối với nhân dân và cách mạng”.

Nhưng trong số sĩ quan học tập có một số cương quyết không nhận tội là bác sĩ Nguyễn Văn Dõng, và 1, 2 bác sĩ khác. Anh Dõng can đảm nhất, nhất quyết không nhận tội. Mấy anh nầy bị chúng ghi vào sổ bìa đen và phải học tập lâu hơn các bạn khác.

Khai xong rồi phải nộp cho quản giáo. Độ vài ngày sau quản giáo xuống các trại và tuyên bố: các anh làm chưa đạt và phải khai báo lại. Như vậy, chúng tôi phải khai lại nhiều lần. Anh em chúng tôi đều phải ghi chép vào một trang giấy trong một cuốn sổ nhỏ để mỗi lần phải khai đúng như lần đầu không thời bị các anh đó kêu lên làm việc lại.

Về ăn uống:

6 người thành một nhóm. Tôi nhớ tới hôm nay là bữa cơm gồm 6 người chia nhau một quả trứng, một chén canh (gồm rau muống và muối mặn). Gần một năm tôi ở Long Giao, ngày nào cũng có canh rau muống, một miếng thịt (bằng một đốt của ngón tay) hoặc một miếng cá nhỏ. Vào ngày lễ lớn, chúng tôi được bồi dưỡng và được ăn thịt gà. Lán chúng tôi gồm 70 người và được ăn một con gà, mỗi người được một miếng thịt gà nhỏ xíu, ăn cho đỡ thèm.

Việc nấu ăn giao cho cải tạo viên, các lán, các tổ thay phiên nhau dùng dụng cụ gồm một chảo lớn để nấu cơm, một chảo để nấu canh, một chảo để nấu món ăn mặn…

Gạo lúc đầu, còn ăn được gạo cũ, nhưng sau là gạo của Trung Cộng, bị mốc rất nhiều nên phải sạn lọc đi lấy gạo tốt mà ăn và loại bỏ gạo bị mốc. Khẩu phần gạo rất ít chỉ độ 300 gram mỗi ngày, ai cũng bị đói, do đó chuột là loại anh em được để “cải thiện”, rồi rau gì cũng ăn, kể cả rau sam… Người nào có tiền có thể nhờ quản giáo ra chợ để mua đồ “cải thiện”. Sau nầy có vấn đề gởi quà thì ai nấy cũng tạm đỡ.

Riêng tôi, tôi không được tiếp tế nhiều, cho nên rất ốm. Sau đó được tiếp tế, tôi phục hồi lại, mặt mày hóp xuống rồi phồng lên trở lại, tất cả là ba lần.

Cũng vì có sự giao lưu giữa cải tạo viên và quản giáo, cho nên cũng có nhiều quản giáo hiền lành, tốt bị đổi đi xa.

“Miếng khi đói, bằng gói khi no”. Vì đói quá, nhiều anh đã ra lấy trộm khoai mì, do cải tạo viên trồng trọt và thu hoạch sau nầy… và nhiều người gồm đủ thành phần trong xã hội phải kiểm điểm trước tổ và trước lán…

Để trồng rau cho tươi tốt vì không có phân, cho nên chúng tôi phải dùng phân người làm phân bón cho rau cải. Đội thường cắt khoảng 2 đến 4 người để gánh những thùng (thùng fuy) chứa phân và dùng một đòn gánh để gánh, hai người phải gánh một thùng phân. Tôi nhớ một lần, tôi phải gánh một thùng phân với người bạn, khi đi, tôi nói với anh là phải đi rất chậm để phân khỏi bắn ra ngoài. Anh nầy không nghe lời tôi, đi mau đế bớt mùi hôi thúi thì phân bắn vào thân anh và có một con giòi bò ngay sát miệng anh. Anh thấy nhột nhột, lấy lưỡi liếm môi, ngờ đâu trúng con giòi. Anh nầy cũng là một sĩ quan Hải Quân cũ.

Còn tôi, vì thiếu dinh dưỡng nên bị phù, mỗi ngày tôi phải xin nước gạo nấu để uống cho bớt sưng và có lần bị phù thũng nặng, nên đã phải ăn cám heo…

Tại Long Giao, sau nầy tại các nơi khác nữa, tôi thấy có phong trào làm lược chải đầu cho vợ, cho người yêu cải tạo viên. Các anh em dùng những mảnh nhôm của M113, mảnh các máy bay và tự đục, đẽo, biến nó thành những lược và vòng đeo tay…rất đẹp.

Tại Katum, thì lại có làm những xách tay mà chúng tôi thường gọi đó là samsonite, giống một cái xách tay làm việc của các giám đốc xí nghiệp hoặc văn phòng. Quản giáo đi tìm một tấm tôn rồi giao cho một cải tạo viên, buổi chiều là có ngay một samsonite cũng giống như samsonite thiệt. Không có búa, kềm, đinh… các dụng cụ do các anh em tự chế lấy, thế mà cũng hoàn thành một cái xách tay đẹp mắt. Trong lán ai cũng biết có bác sĩ Nguyễn Sơ Đông (YK65) làm hay lắm. Có anh khác như bác sĩ Đoàn Minh Quang (YK66) lại có tài đan những phên, mái nhà bằng tranh rất nhanh. Anh Đông đã leo lên mái nhà để ráp thành mái phên rất đẹp.

Rồi vào Trảng Lớn, anh em lại làm những dụng cụ âm nhạc như trống, đàn guitar bằng những miếng tôn và những dây điện. Khi đàn hay khi đánh trống, cũng phát ra âm thanh không thua gì mấy cây đàn thiệt. Thường thường trong buổi tối, tiếng đàn réo rắt khiến lòng chúng tôi cũng tan nát.

Trong thời gian trên, ở các trại, các bác sĩ không được hành nghề hay làm việc tại bệnh xá. Mọi công tác y tế, chữa bệnh đều do các y sĩ bộ đội phụ trách. Các bác sĩ phải lao động và làm việc như các cải tạo viên khác.

Ở Long Giao có một trường hợp bất khả kháng, các bộ đội đã cho phép tôi chữa bệnh một cải tạo viên. Có lần trong trại có cho anh em ăn một con cá mà chúng tôi không biết gọi là loại cá gì chỉ biết rằng con cá có nhiều râu dài, và bề dài con cá hơn một thước. Có một anh ăn cá bị dị ứng mạnh, ngứa ngáy, toàn thân bị đỏ và chảy nước vàng với mùi hôi thối do nước vàng chảy ra. Bác sĩ bộ đội đã chữa và chích thuốc péniciline mà không khỏi. Anh em trong trại chịu không nổi mùi hôi, nghi là bệnh cùi hoặc bệnh da liễu nên báo cáo cho quản giáo để tống xuất anh ra khỏi lán, hoặc phải đi nhập bệnh viện. Anh bệnh nhân nầy là sĩ quan Hải Quân biết tôi là bác sĩ chuyên khoa Da Liễu, nên đề nghị bộ đội kêu tôi ra để xem ý kiến chữa trị của tôi. Tôi được mời lên tiểu đoàn và các bộ đội cho phép tôi chữa bệnh. Lúc đầu, tôi từ chối vì tôi là một cải tạo viên như các anh em khác. Nhưng cuối cùng, các anh đồng ý cho tôi chữa bệnh. Những thuốc chữa ngoài da lúc đó ở phòng khám đã không có, tôi đề nghị cho tìm mua thêm thuốc ở pharmacy bên ngoài để chữa. Các anh cũng đồng ý cho tôi chữa bệnh cho bệnh nhân nầy (lúc đó còn cho mở pharmacy cũng còn một số nhà bán thuốc). Để không mất mặt các bộ đội, tôi cũng dùng các thuốc do bộ đội dùng và thêm một số thuốc khác như thuốc trị dị ứng, rồi rửa thuốc tím…. Còn péniciline dư trong chai rắc vào chỗ chảy nước cho mau khô… và phước chủ may thầy anh ấy đã lành lặn lại như thường. … anh cảm ơn tôi và sau nầy anh đi trồng rau và thỉnh thoảng cho tôi một chén canh rau ăn cho đỡ đói.

Một anh khác thuộc Công Binh bị bệnh ghẻ do ký sinh trùng. Bệnh nầy ngứa ngáy và lây lan dữ lắm. Anh nầy cũng nhờ tôi chữa bệnh và tôi dùng DDT (thuốc trừ sâu diệt chuột còn sót lại trong trại) pha loãng, chấm vô chỗ ngứa. Anh nầy sau khi đã lành, đã đóng cho tôi một thùng chứa nước tôi dùng để hứng nước mưa và tắm mỗi ngày nên không bị ghẻ ngứa.

Qua các trại khác, tôi cũng được các các bạn chiếu cố nhờ tôi chữa một số bệnh như mụn cóc, mổ áp xe. Tôi dùng dao cạo râu để mổ. Tôi lau chùi, hơ lửa, chấm một chút alcohol rồi rạch và nặn mủ. Tôi có mổ cho giáo sư Lâm Thanh Liêm, giáo sư đại học Văn Khoa, ông nầy tưởng đi học có 10 ngày, nên xách theo một samsonite thứ thiệt rất xịn khi đi học.

Về tinh thần:

Ngày 30/4/75 tôi đã lỡ chuyến đò sang Mỹ vì tin tưởng sẽ có chính phủ 3 thành phần do Đại Tướng Dương Văn Minh lãnh đạo và cũng nghĩ rằng chắc mình là bác sĩ cấp bậc Đại Úy quèn, nên cộng sản vào thì chắc mình cũng không đến nỗi nào. Sau nầy, tôi mới thấy mình “ngu” và không biết gì về tình hình chính trị. Lúc đó, tàu bè trước mặt, chỉ cần đi bộ vài trăm thước và lên tàu rồi đi thôi. Tôi đã biết rõ giờ đi, do Đại Tá Tư Lệnh Hạm Đội Hải Quân cho tôi hay và tôi quen hết các hạm trưởng Hải Quân, tôi muốn lên tàu nào cũng được vì trên tàu cũng cần có bác sĩ để lo sức khỏe của mấy ngàn người. Tôi bị kẹt lại, âu cũng là số phận không may của tôi.

Bởi vậy, trong trại tù cải tạo, tôi cũng cố gắng vui vẻ học tập “vui là vui gượng kẻo mà” vì vợ tôi lúc đó ở Hawaii. Vợ tôi là dược sĩ, giảng nghiệm trưởng môn vi trùng học ở khu Vi Trùng Học của Giáo sư Vũ Quí Đài. Chính bác sĩ Đài đã gởi vợ tôi đi tu nghiệp tại Hoa Kỳ trong vòng một năm, cuối năm 1975 mới về. Tôi có 3 con lúc đó 5 tuổi, 3 tuổi và 1 tuổi, phải gởi các cháu bên ngoại. Đêm nào cũng nhớ đến ba tôi, vợ, 3 con…

Mỗi lần, tôi nhận được thơ nhà do quản giáo trao lại của ba tôi, tôi đã khóc thầm và tôi phải che mặt, không cho ai thấy. May cho tôi là trong phòng tôi có một cha tuyên úy tên là Nguyễn Quốc Túy cũng mang cấp bậc đại úy, Tuyên úy của Hải Quân Vùng 4 Sông Ngòi, nên mỗi chủ nhật hoặc ngày lễ tôi được xem lễ chui vào 3 giờ sáng, làm lễ trong mùng. Nếu không được dự lễ thì tôi cũng được rước lễ. Tôi nói: xin anh cho tôi một viên thuốc cảm là cha Túy… hiểu ý ngay. Và trong năm 1975 vào dịp lễ Giáng Sinh chúng tôi được dự lễ nửa đêm do cha Túy cử hành và sau đó đã bị kiểm điểm, cha không được làm lễ nữa.

Thỉnh thoảng cha cũng giải tội chui cho chúng tôi. Tôi nhớ có một lần, sau khi được giải tội, được rước lễ chui, tôi ngồi một mình ở cái lều bên cạnh lán (dùng để ăn và ngồi học tập) thì trên trời mây đen nghịt rồi mưa gió, sau đó hết mưa. Lúc đó tôi ngồi cầu nguyện, tôi khóc lên vì tủi thân mình, nhớ vợ, con, cha già… bỗng tôi nghe có tiếng nói gì đó ở trên đầu tôi, tôi không nhớ rõ lắm… tôi ngất đi trong mấy giây rồi trời lại quang đãng, tâm hồn tôi, đầu óc tôi trở nên sáng suốt, thấy ấm áp lại, tôi thấy có sự bình an trong tâm hồn. Tiếng đó là tiếng Chúa phán và Chúa đã hiện ra và tôi đã được gặp Chúa lần đầu tiên trong đời tôi. Nếu có ai hỏi tôi, có gặp Chúa lần nào không? Tôi nói “có” ở trong trại cải tạo.

Về ăn uống, có người hỏi tôi: có bữa ăn nào là bữa ăn ngon nhất của đời tôi? Tôi nói rằng: bữa ăn đó là bữa ăn bên trong trại tù cải tạo.

Số là sau gần một năm, các cải tạo viên được nhận quà do gia đình gởi, trước đó tôi phải gởi thơ về nhà xin tiếp tế. Tôi không dám xin nhiều và ba tôi cũng sợ, nếu gởi nhiều thì quản giáo để ý và sẽ ảnh hưởng đến việc “học tập”. Tôi được một lon guigoz trong đó có thịt chà bông, mấy con khô, một số lạp xưởng… Vào trại chúng tôi lấy lạp xưởng làm cơm chiên mà chúng tôi gọi là cơm chiên Dương Châu. Tôi ăn cùng các bạn như Liêu Mỹ Tuấn, Trần Văn Mân là hai bác sĩ Hải Quân cùng cải tạo. Vì đói lâu ngày nên mỗi khi tôi nhai một miếng lạp xưởng thì nó ngon làm sao không thế nào tả nổi. Tôi thấy mát ruột mát gan vô cùng.

Ba tôi cũng có gởi cho tôi một cuốn sách về bệnh ngoài da và một cuốn Thánh Kinh thế mà cũng có ăng ten báo cáo. Một hôm, quản giáo gọi tôi ra hỏi “anh có đọc sách nước ngoài phải không? và hỏi tôi về cuốn Thánh Kinh. Tôi phải nói rằng tôi đọc sách thuốc để chữa bệnh mà thôi. Tôi cũng có đem theo một xâu chuỗi và do đó mỗi ngày tôi đều đọc kinh chui vào nửa đêm.

Về Katum thì chúng tôi phải đốn cây để làm nhà cho tổ chúng tôi và cho quản giáo. Cây ở rừng nhiều, to lắm, đường kính cũng phải 3, 4 tấc và dài khoảng 15, 20 thước. Phải có 10 người mới khiêng nổi đem về trại và những người khiêng phải có chiều cao gần bằng nhau mới khiêng được. Tôi hơi lùn nên bị mấy anh loại tôi ra không cho khiêng và cho tôi làm nhà bếp. Nơi đó, tôi cũng đỡ khổ vì tránh được những lao động nặng.

Tại Katum có cho thăm nuôi, chúng tôi phải làm một số lều để làm nơi tiếp đón và một số phòng để vợ chồng có thể tâm sự. Một số gia đình được ở lại ban đêm, sáng ra, gặp chúng tôi, chúng tôi hỏi: “Đêm qua làm ăn ra sao?” Có anh nói: “tôi làm ăn 3 quả, anh thì 4 quả…” và cười nói vui vẻ lắm.

Về sau, có anh đi tù cải tạo về, thì chị vợ đã bồng con, lối xóm chửi thậm tệ chị đó, nhưng anh lại cười vì biết tác giả là ai rồi… Đó là kết quả của “học tập cải tạo” (thăm nuôi).

Một chuyện khác xảy ra: bộ đội cộng sản không phân biệt đâu là kính mát và kính cận. Đầu tiên, chúng tôi đi trình diện ở trường Trưng Vương, tôi đi cùng một anh bạn cũng cận thị như tôi và đeo kiếng. Anh đến ghi danh trước tôi, còn tôi lẽo đẽo theo sau. Anh bộ đội phán cho chúng tôi một câu xanh rờn: “Hai anh kia sao bất lịch sự quá, khi nói chuyện với chúng tôi, anh phải bỏ kiếng mát ra”. Chúng tôi phải đính chánh là chúng tôi đeo kính cận thị, chớ không phải bất lịch sự. Hai chúng tôi bị cận thị nặng nên phải đeo kiếng mới nhìn rõ được.

Một lần nữa, trong trại cải tạo ở Katum, tôi và bác sĩ Đặng Nha Khánh phải lên ban chỉ huy Trung Đoàn làm tạp dịch. Chúng tôi được phân công đi chăn trâu. Tôi và Khánh bị bộ đội chê trách: “Các anh đi chăn trâu mà lại đeo kính mát”. Tôi và Khánh nói: Hai chúng tôi bị cận thị, nếu không đeo kính, không thấy đường và không làm việc được.

Đó là những câu chuyện vui mà chúng tôi nhớ đời.

Ở trại Long Giao có một sự kiện mà tất cả cải tạo viên không bao giờ quên: Một anh bị xử tử vì có “hành động chống phá cách mạng, tư tưởng phản động mặc dầu đã được cách mạng khoan hồng”. Đó là anh Lê Đức Thịnh, thuộc trường Bộ Binh Thủ Đức. Số là ở Long Giao, một số cải tạo viên được điều động ra ngoài đi khiêng những khúc gỗ về trại để làm củi. Thông thường, các anh ra ngoài, có tiếp xúc với dân làng, lợi dụng cơ hội để nhờ gửi thư về nhà. Anh Thịnh có nhờ một anh bạn gởi thư về nhà. Chẳng may anh nầy không biết lính quính ra sao, làm rớt thư và quản giáo bắt được. Anh nầy bị giam vào conex còn anh Thịnh bị đưa ra tòa xử. Thơ của anh Thịnh gởi về cho vợ có lời chửi bới chế độ cộng sản, thề không đội trời chung và khuyên vợ con vượt biên sang Thái Lan liên lạc với đồng đội cũ của anh.

Hôm xử án, tôi được lệnh của quản giáo lên Trung Đoàn để xem xử án. Các tổ được đề cử một người và phải ăn mặc chỉnh tề. Khi đi tôi cũng hơi lo âu vì không biết lên trên đó “làm việc” với cán bộ có nguy hiểm gì không hay là sắp được cho về. Trên đường đi, tôi thấy có một quan tài mới làm xong, thì tôi cũng hiểu rằng sắp có chuyện gì xảy ra.

Khi ngồi nghe xử án, tôi ngồi im thin thít, cũng có quan tòa buộc tội, có sĩ quan làm luật sư bào chữa, và cuối cùng tòa tuyên án tử hình. Rời khỏi hội trường chừng 5 phút, tôi nghe nhiều phát súng nổ rền, tôi hiểu là đã xảy ra chuyện gì rồi: anh Thịnh bị bịt miệng và đem ra bắn liền.

Khi về trại, hồn vía tôi còn lên mây nên tôi chỉ nói vắn tắt cho các bạn biết sự kiện xảy ra mà thôi. Nhưng tối hôm đó, lại xảy ra hai anh trốn trại, một anh ở an ninh phủ Tổng Thống và một anh là Đại Đức Tuyên úy Phật giáo.

Cả hai anh đã đi thoát và về sau, chúng tôi không nghe nói gì cả. Hôm sau, các trại, các tổ có một màn khám xét và họp lán để kiểm điểm.

Việc tử hình các cải tạo viên, việc vượt thoát của anh em, tôi nghe thấy các trại khác đều có xảy ra, nhưng có anh bị bắt lại và chịu nhiều cực hình.

Chuyện ở tù cải tạo đã có nhiều người viết, viết rất rõ ràng và văn chương rất hay. Theo tôi cuốn sách hay nhất là cuốn Mảnh Da Vàng của Chu Lynh vừa mới xuất bản.

Ở Katum có sự việc xảy ra làm các anh em bác sĩ rất đau lòng. Số là ở Katum, có nhiều hố bom và có một loại bom chưa nổ là bom Pi. Thông thường, có một số dân bên ngoài lặng lẽ vào trại đi tìm bom Pi và bán ra bên ngoài, nghe nói rất được giá.

Hôm đó bác sĩ Nguyễn Phúc Hải 40 tuổi chưa vợ con, rất hiền lành, cùng học lớp tôi, được phân công ở nhà. Nhưng hôm đó có một anh được phân công đi lao động, bị bệnh, nên quản giáo cử anh Hải đi thế. Anh Hải được phân công đến một gốc cây, để đốn cây về cho trại. Anh được phân công một cây bên trái, nhưng không biết vì lý do gì anh lại xin đổi qua cây bên phải, cách nhau độ 10 thước. Khi anh giơ cuốc đào cây nầy lên anh cuốc đúng vào quả bom Pi và quả bom phát nổ, anh chết tại chỗ. Âu cũng là số phận. Anh bạn đổi chỗ cho anh thoát chết và anh bạn ở nhà cũng thoát chết.

Quả thật có ăng ten trong các lán, các tổ, nhưng không ai biết được. Tổ tôi có một anh bạn là bác sĩ, anh bị quản giáo để ý, bị chê là lao động yếu và khi làm bài kiểm điểm, anh cũng bị cho là không đạt yêu cầu. Anh sợ quá, sợ phải đi học tập lâu, anh gặp riêng quản giáo để phân trần, nhưng không may cho anh, có 1, 2 anh thấy được và nghi anh là ăng ten và các anh ấy định tổ chức “bề hội đồng bằng cách trùm mền”. May thay, tôi có biết chuyện đó và khẳng định anh không phải là ăng ten nên mọi việc đều êm đẹp.

Trại tù, có anh Lê Văn Tiết, danh thủ bóng bàn, vô địch Á Vận Hội 1958, được quản giáo kêu lên đi phụ giúp và chỉ dẫn về bóng bàn, anh cũng thỉnh thoảng được quản giáo cho vài tin tức, khi về anh truyền lại cho chúng tôi. Chúng tôi cũng hơi phấn khởi một chút rồi thôi. Mọi việc đâu vào đó. Thỉnh thoảng chúng tôi có tin là có tù cải tạo sắp được thả ra, “Mỹ đã có giao kèo rồi, sẽ cho tất cả sĩ quan học tập đi Thái Lan, rồi sang Mỹ, được lãnh tiền rappel”, lúc đó anh em mừng lắm. Nhưng sau đó mới biết tin nầy là cái bánh vẽ để anh em hy vọng một chút mà thôi.

Khi đi học tập, một số anh em có hỏi là bao giờ chúng tôi được về thì các anh cho biết, là khi các bạn học tập tốt, thì trên sẽ chiếu cố và thả ra. Nhưng đâu cũng vào đó, chẳng có tin tức gì cả.

Đợt về đầu tiên là ngày 2-9-1975 là lễ Quốc Khánh của cộng sản. Được ra trại lần nầy thuộc thành phần gia đình cách mạng và có công với cách mạng như: bác sĩ Nguyễn Văn Hoàng (y sĩ Trung Tá, Trưởng Phòng Quang Tuyến X – Tổng YViện Cộng Hòa, là con rể luật sư Trịnh Đình Thảo), bác sĩ Nguyễn Thế Lạc (y sĩ Thiếu tá, em rể Cao Đăng Chiếm, Trưởng Ban An Ninh Nội Chính, Ủy Ban Quân Quản)… và các bác sĩ nằm vùng như bác sĩ Trương Thìn (y sĩ Đại Úy, Thủy Quân Lục Chiến), bác sĩ Trang Vĩnh Thuận (y sĩ Đại Úy Nhảy Dù), rồi đến Noel, Tết Tây cũng có một số khác được về: bác sĩ Nguyễn Thanh Trước (y sĩ Trung Tá, CHT Bệnh Viện Hải Quân, Từ Văn Tư (Đại Úy, em bác sĩ Trần Thị Mỹ), Nguyễn Thúc Cường (y sĩ Đại Úy)…

Mỗi năm, vào ngày 2 tháng 9 là ngày lễ Quốc Khánh, lễ Độc Lập, thì nhà nước cộng sản sẽ cho khoan hồng một số phạm nhân như đã có ăn năn, hối cải trong thời gian ở tù, cho nên các cải tạo viên của chế độ cũ cũng không ra khỏi trường hợp đó. Khoảng hai tuần lễ đầu của tháng 8, một số anh em được gọi để chuyển trại (chuẩn bị về), tôi nhớ có anh Nguyễn Sơ Đông và 1, 2 anh em khác. Anh Đông và các bạn đã may mắn được gọi và đã về Trại Sóng Thần để cùng một số anh em ở trại khác được tha và chánh quyền cộng sản có làm lễ rầm rộ để quảng cáo cho “chánh sách khoan hồng của cách mạng”.

Vài hôm sau, tôi cũng được gọi để chuyển trại, kỳ nầy cũng không khác kỳ trước, khoảng 10 người và ngày 19/8, chúng tôi được xe molotova chở đến một địa điểm tập trung tối đen. Tôi thấy cũng có một số anh em ở các hộp thư khác, tổng số khoảng 100 người và sau đó chuyển chúng tôi về Trảng Lớn, bản doanh của Sư Đoàn 25 Bộ Binh. Về tới đây, chúng tôi vô cùng phấn khởi, và được lăn tay… Tại đây, chúng tôi cũng gặp lại một số anh em lúc trước ở các trại khác được chuyển về đây. Rồi anh em chúng tôi được biên chế trở lại thành lán, tổ. Trại chúng tôi được tổ chức thành 1B. B trưởng là bác sĩ Võ Thành Thời. Tôi cũng được chọn làm tổ trưởng một tổ và tôi thấy có nhiều bác sĩ như Lê Long Ngân, Huỳnh Kim Chung, Nguyễn Huỳnh Anh, Lê Quan Tín, Nguyễn Phong Nghi, Nguyễn Phan Khuê…

Đáng lẽ vào ngày 2/9, chúng tôi được tha về. Nhưng vì tình hình bên ngoài có thay đổi: Chu Ân Lai băng hà, có đảo chánh ở Thái Lan, bên Trung Cộng có thay đổi… nên chúng tôi bị giữ lại, chỉ cho ra về từng đợt mà thôi.

Ngày 2/9/76 chỉ có nha sĩ Nguyễn Tư Cảo và một vài anh khác được về mà thôi, và đa phần phải ở lại. Thỉnh thoảng cứ 2, 3 tuần mới có một đợt về với khoảng 5, 10 người.

Những người được thả ra đa phần là thuộc gia đình cách mạng, có công với cách mạng và có bảo lãnh. Riêng trường hợp tôi, là ba tôi đã theo lệnh của chánh quyền địa phương xin cho tôi về vùng kinh tế mới sau khi cải tạo nên tôi được tha về.

Cuối cùng ngày 5/1/77, khoảng 20 người được kêu lên ban chỉ huy trại để làm lễ mãn khóa có đông đủ bộ chỉ huy trại và đông thân nhân các cải tạo viên.

Sau những lời huấn từ, khuyên bảo chúng tôi về cố gắng làm tốt, lao động tốt để trở thành công dân của Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa, chúng tôi được phát một giấy ra trại do ông xếp trại phát. Chúng tôi cũng được cấp một số tiền nhỏ để đón xe về với gia đình.

Mọi người rất vui và ra về với thân nhân, còn tôi ra về có một mình, vì gia đình tôi không nhận được thơ mời, xem lại giấy ra trại có ghi tôi phải về huyện Long Phước, Long Thành (vùng kinh tế mới). Tôi rất vui nhưng khóc trong lòng. Ngồi xe từ Tây Ninh về Saigon, tôi đã che mặt khóc. Không biết tương lai thế nào, vì tôi không biết sinh sống ra sao tại vùng kinh tế mới, đó cũng là một hình thức lao động khổ sai. Một số người ngồi gần, không hiểu vì sao tôi khóc.

Sau khi về gặp gia đình tôi và các con, hôm sau tôi ra công an phường để trình diện. Công an phường đã cho tôi tạm trú qua Tết mới đi kinh tế mới. Vài hôm sau, tôi không đi, nhưng người nhà tôi đến vùng kinh tế mới để thăm hỏi và có cầm một bản sao giấy ra trại của tôi. Nhưng ở đây, ủy ban xã không muốn cho sĩ quan chế độ cũ về sinh sống và quản lý các sĩ quan chế độ cũ. Thế là tôi rất mừng để khỏi phải đi kinh tế mới nữa.

Sau đó, tôi đã nộp đơn ở sở y tế để làm việc.

Cũng rất gian nan, vì có hộ khẩu thì mới đi làm việc được, và mới mua thực phẩm được. Tôi cũng làm tạm và sau đó, nộp đơn xin ở lại thành phố vì lý do thuộc diện Khoa Học Kỹ Thuật. Sau một thời gian, tôi được giấy phép của Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố cho phép được ở lại thành phố. Tôi thấy cùng nhận giấy phép với tôi có nhiều anh là kỹ sư công chánh, kỹ sư cầu cống, tiến sĩ và giáo sư đại học.

Với giấy nầy tôi xin được hộ khẩu để thường trú ở Saigon.

Bắt đầu từ năm 1977, chánh quyền cộng sản cho thả ra từ từ các tù cải tạo, mỗi lần độ 50 tới 100 người, đa số là có bảo lãnh và có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Sau khi được thả ra, mỗi tuần phải trình diện công an phường và hứa là sẽ đi vùng kinh tế mới. Nếu xin được việc làm thì khỏi phải đi vùng kinh tế mới và mới xin lại được hộ khẩu.

Tuy có việc làm, nhưng thỉnh thoảng tôi cũng phải lên công an trình diện và tôi thấy rất nhiều sĩ quan cựu tù cải tạo, gồm cả bác sĩ, dược sĩ. Công an phường thúc giục mọi người phải đi vùng kinh tế mới. “Đi kinh tế mới” là một cụm từ mà anh em sĩ quan tù cải tạo về rất sợ, đó là một hình thức đày đọa khổ sai. Chính vì thế nên có phong trào vượt biên rất nhiều. Nhiều sĩ quan tù cải tạo mới về nhà thì gia đình đã chuẩn bị sẵn sàng để vượt biên. Gia đình đã xin phép phường đi vùng kinh tế mới và lúc đi đã rẽ qua đường khác để vượt biên.

Theo như công ước quốc tế, trong chiến tranh, dù có bị bắt tại mặt trận thì phe thắng trận cũng không được hành hạ, làm nhục các bác sĩ. Chúng tôi, các bác sĩ chỉ lo chữa bệnh cho bệnh nhân, không phân biệt phe nào. Chúng tôi, các bác sĩ cải tạo nên khi đi cải tạo, cũng làm việc, lao động như các bạn khác. Một bạn mới của tôi, Chu Lynh đã viết cuốn Mảnh Da Vàng với máu và nước mắt. Tôi không phải là văn sĩ, văn chương chữ nghĩa cũng không hay ho gì, nhưng những ngày tháng trong tù cải tạo là những ngày tháng không quên với nước mắt của tôi.