Tôi học Petrus Ký từ 1955-1958, tôi học nhảy lớp và đậu Trung Học Đệ I Cấp năm 1958. Sau khi đậu Trung Học Đệ I Cấp với hạng Bình Thứ, tôi có nộp đơn xin vào lớp Đệ Tam ở trường Petrus Ký và trường Trần Lục gần nhà tôi. Cả hai trường đều chấp thuận cho tôi vào học.

Có một anh bạn lớp tôi Trần Văn Thông (Petrus Ký) vừa đậu Đệ I Cấp (1957) đã học nhảy lớp và đậu Tú Tài I (năm 1958). Anh bạn tôi cũng là anh rể tôi sau nầy cùng thi, đang học Đệ Tam Petrus Ký, cũng học thêm ở lớp Toán Lý Hóa của GS Nguyễn Văn Phú và Nguyễn Xuân Nghiên ở Đông Tây Học Đường và cũng đậu Tú Tài I liền năm 1958. Tôi có ý định bắt chước và quyết định học nhảy lớp.

Ban đầu, tôi định học Đệ Tam Petrus Ký, rồi mua sách tự học để đi thi Tú Tài I nhưng không được, là vì muốn thi Tú Tài I, phải có giấy chứng nhận của trường đang học (học lớp Đệ II) và ngoài ra như trường hợp tôi, nếu tôi dự thi Tú Tài I (năm 1959) thì lúc đó tôi chưa tới 16 tuổi, phải xin miễn tuổi và phải có giấy xin của Hiệu trưởng trường mình theo học.

Gia đình tôi nghèo, không có tiền, tôi không biết làm sao đây. Tôi nhớ học phí Đệ II lúc đó rất cao 430$/tháng.

Lúc đầu tôi ghi danh học Đệ II ở trường Cộng Hòa đường Pasteur, mới mở lớp Đệ II và có nhiều giáo sư danh tiếng dạy, như Toán: giáo sư Nguyễn Phúc, giáo sư Đệ I Chu Văn An, Phạm Văn Vận (Lý Hóa), Bàng Bá Lân (Việt văn). Giáo sư Vận biết hoàn cảnh gia đình tôi, nhưng chỉ giảm cho tôi 20%, mỗi tháng tôi phải đóng 350$, cho nên tôi không kham nổi. Sau đó, tôi ghi danh học ở trường Tân Thịnh, đường Đinh Công Tráng lớp ban đêm. Ban Lý Hoá có giáo sư Lý Hóa là giáo sư Trương Đình Tùng cùng ở xóm tôi và bạn thân của dược sĩ Thái Khải Ngôn (anh rể Thọ, bạn tôi). Tôi nhờ anh Ngôn nói chuyện với giáo sư Tùng. Giáo sư Tùng đã xin với giáo sư Phan Ngô cho tôi được học miễn phí. Lúc đầu tôi chưa được học miễn phí.

Thế là tôi may mắn lắm, nhưng cũng rất nhiều trở ngại. Sự thực, tôi có cây dù che là giáo sư Trương Đình Tùng dạy Lý Hóa ở trường Tân Thịnh. Tôi hay bị giám thị hỏi thăm sức khỏe vì việc đóng học phí, tôi nói là giáo sư Trương Đình Tùng đã xin giáo sư Phan Ngô cho tôi được miễn phí, thế là mọi chuyên êm xuôi trôi qua, cuối cùng nhờ sự giúp đỡ của giáo sư Tùng, tôi được học miễn phí. Tôi rất mang ơn giáo sư Tùng.

Trường Tân Thịnh có hai lớp Đệ II A và Đệ II B. Sau nầy, tôi xin đổi sang học lớp Đệ II B ban ngày. Lớp nầy có một thành phần giáo sư hùng hậu, dạy rất hay. Về Việt văn có giáo sư Phan Ngô, Pháp văn có giáo sư Trịnh Chuyết, Toán có giáo sư Nguyễn Khải, Lý Hóa có giáo sư Lương Duyên Trinh, Vạn vật có bác sĩ Nguyễn Nhuận và sau đó là bác sĩ Nguyễn Minh, Sử Địa có giáo sư Thiền Giang và Anh văn có giáo sư Phạm Thái tự Phạm Hồng Giang. Sau nầy giáo sư Phạm Thái làm Tổng Trưởng Thông Tin ở Nội Các Nguyễn Khánh, và Quốc Vụ Khanh ở Nội Các Nguyễn Bá Cẩn.

Ngoài ra ở Tân Thịnh có nhiều người nổi tiếng dạy tại đó như Bà Tùng Long (văn sĩ), Lê Đình Duyên (Việt Nam Quốc Dân Đảng, về sau là dân biểu), Nguyễn Đình Hưng, về sau là thượng nghị sĩ, Vũ Ký, cũng là đảng viên cao cấp của Quốc Dân Đảng.

Về Việt văn, giáo sư Phan Ngô giảng về truyện Kiều rất hay, khi giảng thầy thường làm điệu bộ, hoặc trình diễn một vài điệu bộ ý nhị, khiến học trò chúng tôi rất phục và nhớ mãi. Tôi còn nhớ, khi giảng đến câu “Hai nàng e lệ nấp vào dưới hoa”, giáo sư Ngô chạy tới núp ở dưới bảng đen và mắt liếc liếc nhìn nhìn, khiến chúng tôi cười vui vẻ và nhớ hoài…

Giáo sư Nguyễn Khải dạy Toán rất hay, ông lấy các bài tập ở Lebosé cho chúng tôi làm và luyện cho chúng tôi giải toán, nên các bài Toán về hình học không gian, tôi làm rất khá.

Lý Hóa thì có kỹ sư Lương Duyên Trinh dạy cũng xuất sắc.

Năm 1959, kỳ thi Tú Tài I ra một đề tài Việt văn như sau: Một nhà phê bình đã viết “Sau Thúy Kiều mà Nguyễn Du xem như đồng học đồng thuyền với mình thì Từ Hải là người mà Nguyễn Du mộng tưởng”, anh hay chị nghĩ gì về lời phê bình đó.

Tôi xem như trúng tủ vì giáo sư Phan Ngô dạy rất kỹ về Truyện Kiều, làm tôi mê say. Về Việt văn (hệ số 3) bằng với Toán, cho nên kỳ thi đó, nhờ môn Việt văn, tôi đã đậu hạng Bình Thứ, mà bài Toán là một môn chính, muốn đậu Bình Thứ phải làm trúng từng câu của bài Toán, có 4 câu, tôi chỉ làm được 3 câu. Vào vấn đáp: tôi gặp giáo sư Nguyễn Phương Yêm, giáo sư cho tôi một đề tài về Kiều: tả cảnh và tả tình trong truyện Kiều. Tôi trả lời thao thao bất tuyệt, cho nên tôi được điểm số cao bù vào các môn Sử Địa, Vạn vật, tôi không thuộc mấy.

Kỳ thi Tú Tài I năm đó quả là một kỳ thi gay go, rớt rất nhiều, lớp tôi chỉ có 3 người đậu: đó là tôi, Nguyễn Anh Dũng (Dũng về sau học y khoa ra trường năm 1968 cùng với tôi), Nguyễn Trung Tâm về sau học Dược Khoa (DK66) và là bạn đồng hao với Phạm Long Trung (YK68)

Kỳ đó, chánh chủ khảo là cụ Cư Bướu (Nguyễn Ngọc Cư) và chỉ có một người đậu Bình và là thủ khoa, mà thôi, đó là cô Lê Quỳnh Anh ở trường Gia Long mà cụ Cư từng là nam giới nên sau khi xướng danh đậu, cụ có lời khen ngợi cô Lê Quỳnh Anh. Rất ít người đậu Bình Thứ năm đó. Trong số người đậu Bình Thứ, tôi nhớ có Tạ Văn Năng, Lê Trọng Mưu và Trần Văn Nam.

Một câu chuyện vui: đó là các cô rất mê giáo sư Nguyễn Nhuận dạy Vạn vật ở trường Tân Thịnh, lúc đó gần ra bác sĩ rồi.

Nguyễn Nhuận nói tiếng Huế, nhưng ăn nói nhịp nhàng, cử chỉ cũng khoan thai. Anh Nhuận, còn độc thân có mướn một phòng để ở trong building ở ngã tư Hiền Vương/ Hai Bà Trưng. Anh ít cho ai biết chỗ ở, chỉ cho tôi biết mà thôi. Mấy cô nữ sinh hay tìm đến nhà tôi để xin địa chỉ nhà anh Nhuận.

Bác sĩ Nhuận về sau dạy Vạn vật nổi tiếng ở Saigon, nhiều trường tư nhờ anh dạy Vạn vật. Sau đó anh Nhuận làm việc ở trường Quân Y với BS Trần Minh Tùng. Anh cũng mở phòng mạch cho vui… Dạy Vạn vật ở Chu Văn An có Phạm Tu Chính, Bùi Đồng… nhưng lúc đó, không có ai nổi tiếng bằng Nguyễn Nhuận.

Tôi có học năm cuối ở Chu Văn An niên khóa 1959­-60. Sau khi tôi đậu Tú Tài I hạng Bình Thứ, tôi có nộp đơn xin học lớp Đệ I ở hai trường Petrus Ký và Chu Văn An. Tôi đều được cả 2 trường cho vào học. Vì học nhảy lớp nên tôi không dám trở lại trường Petrus Ký mà tôi theo học lớp Đệ I B2 ở trường Chu Văn An.

Trong lớp Đệ I B2, tôi là người Nam duy nhất vì trường Chu Văn An ở ngoài Bắc vào. Lớp tôi còn có những anh khác từ Nha Trang như Phan Xuân Thuận (con Chuẩn Tướng Phan Xuân Nhuận, Nguyên Ngọc (về sau là Trung Tá Hải Quân, Lê Kim Lộc ở Huế, có Nguyễn Xuân Sơn từ Vĩnh Long lên, có Nguyễn Tường Thiết (con nhà văn Nhất Linh), có Trần Văn Bách (anh ruột Trần Văn Khởi, Tổng Cục Trưởng Dầu Hỏa), có Nguyễn Trọng Cơ (về sau là giáo sư cử nhân Lý Hóa và Trương Thiện Hùng (ĐHSP). Các khoa Lý Hóa dạy trường tư rất nổi tiếng có Tôn Thất Khoát (con cụ Tôn Thất Hội, đại sứ Việt Nam tại Lào) hay cúp cua và phá phách, có Phạm Văn Hai về sau là giáo sư ngôn ngữ ở Đại Học Văn Khoa, Phạm Đức Liên (ĐHSP), có dược sĩ Lưu Tăng Nghĩa (DS66).

Ở trường Chu Văn An lúc đó, tôi thấy có Đặng Vũ Ái (B1), Cai Văn Dung (B3), Đặng Ngọc Đoàn (B4), Cao Xuân An B1, về sau đậu tiến sĩ, Giáo sư Đại Học Paris. Ở Ban C có Lưu Văn Vịnh, Phạm Hữu Giáo.

Trong số những người nam học tại Chu Văn An lúc đó tôi thấy có Bùi Đắc Hàm. Ở ban A tôi thấy có Nguyễn Đăng Khôi, về sau đi Mỹ và cuối cùng là Thứ Trưởng Bộ Kinh Tế.

Ở Ban B tôi được học Toán với Giáo sư Nguyễn Văn Phú (Hình học), Đặng Văn Nhân (cơ học, kỹ sư khí tượng), Nguyễn Bá Cương (kỹ sư khí tượng, thiên văn). Về Lý Hóa có Giáo sư Trần Thế Hiển, cao học Vật lý, giảng nghiệm trưởng Đại Học Khoa Học…

Một người mà tôi nhớ mãi là Nguyễn Anh Vũ, sau khi đậu Tú Tài II, thi vào trường Võ Bị Đà Lạt và đậu thủ khoa khóa 18, và chừng một năm sau, anh đã hy sinh.

Có Tô Tiến Tùng và Hoàng Gia Thụy về sau ra kỹ sư công chánh khóa 1965.

Đại học Sư Phạm có Trịnh Đình Loạt và Nguyễn Ngọc Giao, về sau định cư ở San Jose.

Có Đỗ Mạnh Tuấn về sau ra dược sĩ năm 1967 và đã qua đời.

Còn rất nhiều bạn khác để lại cho tôi nhiều kỷ niệm. Quả thật, trường Chu Văn An đã quy tụ nhiều nhân tài và nhiều giáo sư giỏi. Trường có tổng cộng là 15 lớp Đệ I, 8 lớp Ban B, 6 lớp Ban A và 1 lớp Ban C. Lúc đó, trường tư chỉ có tới lớp Đệ II. Sau nầy có trường Hưng Đạo mở những lớp Đệ I đầu tiên (giáo sư Nguyễn Văn Phú là hiệu trưởng), sau nầy thêm các trường khác cũng mở những lớp Đệ I.

Trước mặt lớp tôi (Đệ I B2) là lớp Đệ I B3, tôi thấy có Cai Văn Dung, Đàm Quang Hiên (về sau là y sĩ Thiếu Tá, TĐ Trưởng, TĐ1 QY), Nguyễn Phương Nhu… Nguyễn Phương Nhu là em ruột của Nguyễn Phương Thiệp, luật sư, tổng thư ký Quốc Hội rất giỏi và đã được giáo sư Vũ Quốc Thúc ca ngợi trong cuốn hồi ký Thời Đại Của Tôi. Anh rể của Nhu là giáo sư Đặng Đăng Định, cử nhân Toán, giáo sư Chu Văn An. 

Năm 1960, có giáo sư Trần Văn Tấn, Tiến sĩ Toán, ở Pháp về làm giám đốc Nha Trung Học, nên năm đó thi cử rất gắt. Giáo sư Tấn kiểm soát các giáo sư, không cho phép các giáo sư được coi điểm dùm cho học sinh của mình như thường thấy ở những năm trước, nên Tú Tài II năm đó rớt rất nhiều.

Năm đó, tôi bị bệnh và yếu lắm, gia đình tôi lúc đó lại cũng hơi lục đục. Tôi làm sai bài toán (hệ số 3), tuy nhiên hai môn kia tôi rất khá. Điểm đậu là 80, tôi được 77.5. Vì năm này hội đồng thi chỉ vớt 2 điểm mà thôi, trái với các kỳ thi trên, có thể vớt 4.5 điểm và Tú Tài II ít có người rớt. Tôi phải thi lại năm sau vì đầu kỳ I năm 1961 đáng lẽ tôi đã đậu Bình Thứ, nhưng vì mấy môn phụ như Vạn Vật, Sử Địa tôi không thuộc bài mấy. Sau đó tôi đã vào Đại Học Khoa Học (PCB niên khóa 1961-62).

Khi học năm cuối trung học, tôi được các bạn ở Tân Định là anh Trần Minh Đức, (cháu của Cha Trần Minh Khang) và anh Trần Văn Thịnh, (em ruột ông Toàn, chủ tiệm may Toàn Thịnh ở đường Hiền Vương) giới thiệu tôi gia nhập Phong Trào Thanh Sinh Công do linh mục Đỗ Long Bộ, làm Tuyên úy và là Cha Bề Trên Dòng Phanxicô ở Đakao (trụ sở ở góc đường Phan Kế Bính và Phan Đình Phùng). Cha Bộ mới ở Pháp về và được Đức Cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền bổ nhiệm làm Tuyên úy. Phong Trào cũng được Bộ Trưởng Nội Vụ Lâm Lễ Trinh ký giấy phép để được hoạt động.

Chủ tịch Phong Trào lúc đó là anh Vũ Minh Trân (anh vừa xong cử nhân luật khoa) và đang tập sự luật sư. Sau nầy, anh trở thành Thượng nghị sĩ của Việt Nam Cộng Hòa trong liên danh với luật sư Nguyễn Văn Huyền.

Phó chủ tịch của anh Trân là anh Vũ Công Định, một người hiền lành, chăm chỉ đọc kinh, lúc đó là giáo sư trường Nguyễn Bá Tòng, chúng tôi thường gọi là ông ‘Thánh Định’ vì ông đọc kinh rất nghiêm chỉnh, còn hơn là các Cha Cố.

Tổng thư ký là anh Trần Văn Thịnh, về sau là bác sĩ. Anh Thịnh học trước tôi 2 lớp, sau rớt lại và ra trường sau tôi 2 lớp (YK70).

Trưởng ban báo chí là anh Phạm Hữu Giáo, đậu Tú Tài I, một lượt với tôi, tôi thi ban B, còn anh ban C. Sau đó, anh học Chu Văn An, rồi Văn khoa và làm báo với Cha Nguyễn Quang Lãm. Anh đã đắc cử dân biểu năm 1967 và là Tổng thư ký Hạ Viện. Nhiệm kỳ 2 anh thất cử, anh được Tổng Thống Thiệu bổ nhiệm làm Tổng thư ký Giám Sát Viện. Sau đó, anh qua Paris được bổ nhiệm làm Sứ Thần Ngoại Giao, Phó Đại Sứ Việt Nam tại Pháp tới năm 1975.

Còn một anh cũng lùn như tôi là anh Dương Minh Kính, cũng hoạt động trong Phong Trào Thanh Sinh Công. Về sau, anh được bổ nhiệm Hiệu Trưởng trường Chu Văn An năm 1965. Năm 1967, anh đắc cử dân biểu Hạ Nghị Viện từ 1967 đến 1975.

Còn một chị lúc đó chưa nổi tiếng, nhưng hát rất hay trong nhà thờ là chị Nguyễn Minh Nguyệt. Chị học chương trình Pháp, nhưng sau đó chị vào học trường Gia Long, ban C và thi đậu Tú Tài cùng một lượt với tôi. Sau nầy qua Mỹ, chị học y khoa và trở thành bác sĩ với tên là Nguyệt Mehlert.

Trong Phong Trào Thanh Sinh Công lại có anh em Nguyễn Hữu Tri và Nguyễn Thị Kim Quy. Tri và Quy là em ruột anh Nguyễn Hữu Chỉnh, lúc đó rất nổi tiếng. Anh Chỉnh từng là Đổng Lý Văn Phòng Bộ Quốc Gia Giáo Dục (Bộ trưởng là giáo sư Trần Hữu Thế) về sau là dân biểu Quốc Hội Đệ I Cộng Hòa của Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Anh Chỉnh còn có người em là giáo sư Nguyễn Tiến Hưng, sau nầy là Tổng trưởng Kế Hoạch trong nội các Trần Thiện Khiêm.

Hai anh em Tri và Quy rất thân với tôi. Trong Phong Trào anh Tri theo đuổi ráo riết chị tôi, nhưng chị tôi không chịu vì Tri có vẻ công tử bột. Cô Kim Quy thì rất đẹp, duyên dáng, rất nhiều anh em Thanh Sinh Công để ý. Riêng tôi thì đứng xa xa. Tôi thường hay đến nhà Tri, Quy và thấy rất đông các bạn đến để “gò” cô Kim Quy.

Chị Nguyệt lúc đó chưa nổi tiếng, năm 1961, chị kết hôn với anh Vũ Ngữ cũng trong Thanh Sinh Công. Chị có dạy ở trường Regina Pacis, nổi tiếng hát hay và là một trong ba thành viên trong ban Tam Ca Đông Phương. Sau nầy, chị học ở Đại Học Y Khoa Minh Đức năm 1970, và sau năm 1975, chị định cư tại Mỹ, tốt nghiệp bác sĩ tại Hoa Kỳ và có tên là bác sĩ Nguyệt Mehlert như vừa nói trên

Một anh khác là Trần Khánh Liêm, đậu Tú Tài II năm 1959, học Văn Khoa, đỗ cử nhân, bị động viên vào khóa 13, sau là Thiếu Tá Hải Quân trong ban Tâm Lý Chiến.

Trong Thanh Sinh Công, cũng có nhiều anh khác nữa như anh Đinh Văn Cân về sau là (Trung Tá Cảnh Sát, Chánh Sở Nhân Viên Tổng Nha Cảnh Sát), anh Phạm Kim Anh (CVA58), sau là giáo sư, Nguyễn Văn Hảo sau cũng trở thành giáo sư.

Trong Thanh Sinh Công có một chị nổi tiếng nữa là chị Phạm Thị Kim Anh, con của giáo sư Phạm Văn Nhu, nguyên Hiệu Trưởng Quốc Học Huế.

Phong Trào nầy rất hay, giúp chúng tôi học hỏi, sinh hoạt, để chuẩn bị vào đời. Lúc đó, chúng tôi tuổi từ đôi tám đến đôi mươi, hăng say và lý tưởng…

Sau nầy, một số anh em Thanh Sinh Công có tập họp lại và ra dạy học ở trường Regina Pacis, trong đó có chị Nguyệt Mehlert, Phạm Kim Anh, Nguyễn Văn Hảo… và toàn thể cột trụ của Thanh Sinh Công trừ tôi mà thôi vì lúc đó tôi bận học.

Sau nầy, lên đại học thì tôi gia nhập vào Liên Đoàn Sinh Viên Công Giáo và Phong Trào Thanh Sinh Công Đại Học.

Về phía các bạn cùng học với tôi ở Petrus Ký, cùng học nhảy lớp là Vương Bình Dương (YK67), Tô Ngọc Ẩn (YK67), Tô Văn Thình (YK69) và Phạm Văn Ngọ (DK67).

Vào học ở Chu Văn An, tôi được dịp gặp lại giáo sư Nguyễn Phúc, một người rất hiền lành, hay giúp đỡ các học sinh. Tôi thường lên nhà ông chơi ở cư xá Phú Nhuận, gần Tổng Y Viện Cộng Hòa. Ông kết hôn với chị Nguyễn Thị Xuân Nhạn (em bác sĩ Nguyễn Xuân Ba). Ông dạy học rất thành công. Về sau, ông có một biệt thự ở đường Yên Đổ (trước là nhà của bác sĩ Trần Quang Diệu, cựu giám đốc Nha Quân Y) và chị Xuân Nhạn có mở Thái Vân Công Ty (nhập cảnh thuốc tây) rất thành công. Giáo sư Đặng Văn Nhân về sau nầy cũng mở trường thành công, viết sách về Toán và có lúc lên làm Đổng Lý Văn Phòng Bộ Văn Hóa Giáo Dục (Tổng Ủy Viên là bác sĩ Trần Ngọc Ninh).

Tôi mang ơn giáo sư Phúc rất nhiều. Giáo sư Phúc và giáo sư Trương Đình Ngữ (em giáo sư Trương Đình Tùng) có mở lại dạy Toán Lý Hóa, luyện thi Tú Tài II tại trường Phước Truyền rất thành công. Về sau có giáo sư Nguyễn Văn Kỷ Cương, người Nam, có làm giám học Chu Văn An cùng dạy Toán và mở trường với giáo sư Nguyễn Xuân Nghiên rất thành công. Khi bước vào đại học năm 1961, tôi lại gặp nhiều giáo sư tài giỏi giảng dạy chúng tôi như giáo sư Phạm Hoàng Hộ dạy môn Sinh Lý Thú Vật P.C.B. Ông đã chuyển ngữ để dạy chúng tôi lần đầu tiên bằng Việt ngữ. Chúng tôi cũng được học với giáo sư Nguyễn Vĩnh Niên, Sinh Lý Động Vật, đậu Tiến sĩ khoa học bên Pháp về và các giáo sư khác như Nguyễn Đình Hưng (Đổng Lý Bộ Giáo Dục), giáo sư Đỗ Bá Khê (dạy Vật lý), giáo sư Nguyễn Thanh Khuyến… Tôi có dịp tiếp xúc với giáo sư Trần Văn Tấn, kỹ sư Tiến sĩ Trần An Nhàn, nói tiếng Tây lưu loát…

Sau năm 1975, tôi rất thân với giáo sư Trần Văn Tấn. Giáo sư Tấn có qua Mỹ, mỗi lần đều có đến gặp tôi.

Thật là nhiều kỷ niệm…

Hồi tưởng lại, lúc thiếu thời, cũng như ở tuổi thanh niên, tôi cũng may mắn, và mặc dầu gia đình nghèo, nhưng khi đi học, tôi được các thầy thương mến giúp đỡ cho nên tôi vượt qua được những khó khăn về tài chánh và vào được đại học để có một tương lai xán lạn. Công ơn của ba tôi và các thầy giáo tôi không bao giờ quên.