Những năm gần đây thỉnh thoảng tôi hay thay BS Nam đi dự các buổi tiệc thân hữu của các hội đoàn bạn. Một vài lần tôi đã gặp cùng một câu hỏi rằng tôi quen với BS Nam hồi nào và trong trường hợp nào. Có lẽ người hỏi nghĩ tôi là người rất thân cận với anh. Thật ra tôi đi thay đơn giản chỉ vì thời gian của tôi uyển chuyển được, trong khi gặp lúc các thành viên khác trong Hội có nhiều việc bận rộn.

Mỗi lần như vậy làm tôi nhớ lại lần đầu tôi quen anh, khoảng 34 năm trước, lúc anh mới từ Hawaii dời qua định cư và làm việc ở San Francisco. Xin kể tóm tắt như sau:

Một chị bạn của một người anh vợ tôi có cô con gái sắp thành hôn với một bạn cùng lớp. Cô cậu vừa tốt nghiệp Cao học tại ĐH Stanford và đám cưới sẽ tổ chức thân mật ở một câu lạc bộ trong trường. Quan khách gồm cả Việt lẫn Mỹ, trong đó có các giáo sư và bạn cùng lớp với cô cậu nên cần hai người MC cho hai ngôn ngữ. Có lẽ một phần vì gia đình cô dâu đơn chiếc, lại có anh vợ tôi giới thiệu, phần khác có lẽ vì trong công việc cũ tôi đã có chút ít quen thuộc với ĐH này nên tôi được nhờ giúp làm một trong hai MC nói trên. Người MC kia là BS Nam.

Một thời gian sau, không còn nhớ bao lâu, chúng tôi gặp lại nhau trong các buổi họp mặt của Hội Cựu Học Sinh Petrus Ký Bắc CA . Lúc đó tôi mới biết anh Nam học Petrus Ký trên tôi vài lớp .

Năm 1999, khi đắc cử Hội trưởng, anh ngỏ ý nhờ tôi giúp làm Hội Phó cho anh. Qua vài lần nói chuyện thấy anh có nhiều suy nghĩ tương đồng nên tôi nhận lời. Có hai dự tính chính mà Hội muốn thực hiện trong sinh hoạt lúc đó: một là sinh hoạt đúng giờ giấc để tránh phải nghe câu người VN thường tự chế giễu thời đó (và cả đến bây giờ?) “Không ăn đậu không phải Mễ. Không….! ”. Thứ hai là cố gắng để trong các buổi họp mặt, ngoài các mục thông thường sẽ có thêm phần nói chuyện cô đọng dưới 1 giờ, về các đề tài thiết thực cho đời sống. Thuyết trình viên là những chuyên gia uy tín trong các lãnh vực văn hóa, xã hội, kỹ thuật, gần gũi thực tế nhứt là trong lãnh vực y khoa. Và trong suốt nhiều năm Hội đều thực hiện được trong mỗi lần họp mặt. Đây là điểm đặc thù mà ít thấy các hội đoàn khác trong vùng thực hiện được.

Cũng nhờ khéo giao thiệp và uy tín của anh Nam cùng một vài anh khác của Hội mà trong các lần họp mặt, Hội đã được các mạnh thường quân sốt sắng ủng hộ. Đặc biệt còn có sự tham dự của các nhân vật được biết đến khá nhiều trong lịch sử nửa thế kỷ qua. Có thể kể như các cựu Thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn, Tướng Lâm quang Thi, Đề đốc Trần Văn Chơn, Thẩm phán Tối Cao Pháp Viện Trần Khương Trinh và Mai văn An, GS Nguyễn Xuân Vinh, Tướng Nguyễn Khắc Bình, Viện trưởng ĐH Bách Khoa Thủ Đức Đỗ Bá Khê,.. và gần đây, trước dịch Covid 19 còn có Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm, Tổng Trưởng Tài Chánh Nguyễn Đức Cường, v.v… Có lần sau phần thuyết trình Thủ Tướng Cẩn và Viện trưởng Đỗ Bá Khê đã đến trò chuyện, bắt tay khen đề tài thuyết trình rất hữu ích và khuyến khích Hội nên tiếp tục. Một số trong nhiều vị nói trên từng là học sinh Petrus Ký, chưa kể còn có các cựu hiệu trưởng và nhiều đàn anh thế hệ trước của Petrus Ký, nhiều người tuy ở xa cũng đến dự.

Trong vai trò Hội trưởng, anh quan tâm rất nhiều đến uy tín của Hội. Vài năm trước có lần một vài cựu học sinh ở Petrus Ký Âu Châu và ở Hoa Kỳ đột nhiên phát động gây quỹ ở cả Nam lẫn Bắc Cali để chi trả vài chục ngàn dol­lars cho dự tính an vị bức tượng học giả Petrus Ký đã tạc xong từ trước. Tượng này dự tính đặt nơi sân sau, trong khu đậu xe (!) của một Nữ Tu Viện ở San Jose, Bắc CA. Hội Petrus Ký Bắc CA bất ngờ đối diện với câu hỏi là Hội có nên tham gia vận động cuộc gây quỹ đó và có tán đồng đặt bức tượng ở vi trí như nói trên hay không. Anh Nam đã hỏi ý kiến các thành viên trong Hội rất nhiều lần để đi đến quyết đinh chung là không tham dự. Mấy ngày sau đó anh vẫn còn do dự, gọi tôi hai lần để cùng nghĩ lại coi đó có phải là quyết định đúng hay không, vì đây là vấn đề “quan trên ngó xuống người ta trông vào” của Hội.

Sau những năm sinh hoạt chung, tuy không nói ra nhưng tôi nghĩ các thành viên trong Ban Chấp Hành cũng như Ban Cố Vấn đều thấy anh là người làm việc chu đáo, lời lẽ luôn hòa nhã dù anh có lối nói chuyện rất mạnh mẽ, sôi nổi.

Trong hầu hết các lần họp Ban Chấp Hành, anh đều đến trước giờ họp. Trong khi chờ mọi người đến đông đủ anh thường kể cho nghe những tin tức cộng đồng mới nhứt mà anh biết được qua các tiếp xúc rộng rãi. Đôi khi anh lại kể chuyện cũ thời còn đi học và làm việc ở VN. Anh kể chuyện rất hào hứng, có những chuyện làm ai cũng cười ồ nhưng anh thì không cười. Chuyện còn nhớ nhứt anh kể là vào một hai năm cuối Y Khoa, như một số SV khác, anh xin và được Bộ Giáo Dục cho phép dạy giờ ở bậc trung học. Anh cầm tờ giới thiệu của Bộ đến trường cũ Petrus Ký của anh để xin dạy. Vô cùng bất ngờ, anh bị từ chối. Ông hiệu trưởng cho biết hồ sơ anh rất đáng khen nhưng e ngại chính của ông là anh còn trẻ lại ốm yếu nhỏ con quá, sợ không “trị” nổi các học sinh Đệ Nhứt, Đệ Nhị vô cùng tinh nghịch. Vả lại các học sinh đó không nhỏ tuổi hơn anh bao nhiêu! Rồi cười cười anh nói tiếp: “Không phải chỉ bị một lần mà năm sau tôi trở lại xin nữa, cũng bị từ chối, cũng lý do như vậy!” Chuyện này cho người ta thấy ít nhiều sự độc lập và phần nào tính cách tự trị trong hệ thống giáo dục thời đó. Đây đúng là trên bảo mà dưới không nghe!

Anh Nam có trí nhớ ít người có. Mỗi lần họp mặt Petrus Ký, theo thông lệ anh mở đầu với lời chào mừng và kế đó là phần báo cáo các sinh hoạt của Hội. Nếu để ý sẽ thấy anh trình bày chi tiết từng mục với ngày tháng và các con số rõ ràng mà trong tay không hề có một tờ giấy gì để tham chiếu. Có lẽ nhờ có trí nhớ đặc biệt như vậy mà thời trung học anh đã học nhảy lớp tới 2 lần. Anh xong chương trình trung học chỉ 5 năm thay vì 7 năm, sau đó học Dự bị Y Khoa rồi thi đậu vô Y khoa. Ai cũng biết Y khoa là một trong số ít các trường có tỷ lệ thu nhận rất thấp. Một chi tiết lý thú khác mà chị Hiền- vợ anh- cho biết là hầu hết các số điện thoại anh thường liên lạc anh đều nhớ trong đầu mà không ghi xuống ở đâu cả. Vì vậy khi anh ra đi chị vô cùng lúng túng khi cần báo tin buồn về anh cho mọi người. Với trí nhớ đặc biệt đó nếu không theo ngành y khoa biết đâu nếu muốn, anh có thể là một điệp viên có hạng!

Như nhiều người khác, anh cũng yêu hát hò. Nhớ thường mỗi lần tập dợt tại nhà BS Châu để chuẩn bị văn nghệ họp mặt Petrus Ký, anh hay tạt qua để xem (xét ?). Một lần nọ cao hứng anh xin ban nhạc cho hát thử một bài. Hát xong anh hỏi nhỏ BS Châu và tôi: “Hai ông thấy sao ? Nghe được hông?”. Bản ruột của anh là bài “Không” của Nguyễn Ánh 9 mà sau này thấy anh trình diễn rất tới. Anh hát rất có hồn, nắm tay đưa lên cao biểu lộ sự quyết tâm theo những tiếng “không”, “không” trong câu hát, nhìn sôi động hơn cả Elvis Phương khi hát bài này trên các video!

Năm 2018 sau khi xuống Nam Cali họp mặt Petrus Ký toàn cầu về, tôi gọi hỏi thăm về chuyến đi, nhân tiện hỏi Petrus Ký Bắc CA có đóng góp mục văn nghệ nào không. Anh vui vẻ trả lời:

-“ Ông Châu không đi , ông không đi, đâu còn ai nên tôi xung phong làm luôn !
-Anh hát bài gì ?
-Thì bài “Không” ! Bà con vỗ tay quá trời !

Gần đây, sau mười mấy năm là Hội Trưởng nhiều lần anh muốn tổ chức bầu lại để có một Hội Trưởng khác, đặc biệt mong có một người thuộc thế hệ trẻ hơn để mang lại không khí mới và để tránh sợ có người dị nghị là anh “độc diễn”. Ý định này chưa thực hiện được vì anh em nào được đề cử cũng đều không dám nhận vì nghĩ chắc không chu toàn công việc được như anh. Các cựu học sinh Petrus Ký thuộc lớp trẻ hơn thì có vẻ chú tâm nhiều với những sinh hoạt riêng tư khác nên vấn đề này vẫn còn đang dở dang. Bây giờ thì anh không còn phải ưu tư vì chuyện này nữa!

Kỷ niệm qua trên 23 năm sinh hoạt với anh còn nhiều, phải cần có thì giờ nhớ lại và sắp xếp mạch lạc nếu muốn kể thêm, nhưng thôi, bài cũng đã dài.

BS Nam ra đi chắc chắn đang để lại trong lòng những người từng quen biết anh nhiều xúc động và thương tiếc lâu dài.

Đinh Văn Hùng Sơn, Tháng 6/2023