LỜI MỞ ĐẦU

 Theo quan niệm dịch lý của người Đông phương thì chu kỳ đời sống của con người là 60 năm (Lục thập hoa giáp). Sống trên 60 tuổi là phúc đức trời ban. Người xưa, ông bà ta có câu: “Nhân sinh thất thập cổ lai hy”.  Có nghĩa là con người sống đến 70 tuổi thì xưa nay rất hiếm hoi. Khi ông bà ta sống đến quá 60 tuổi là con cháu rất hãnh diện, mừng rỡ làm lễ  Khánh Thọ Đáo Tuế: Hạ thọ khi được quá 60 tuổi, Trung thọ khi qua 70 tuổi,và Đại thọ khi bước qua 80.

Cho nên theo câu này thì chu kỳ của trời đất và con người là 60 năm. Đối với người Đông Phương là đúng nếu tính ở những thế kỷ trước.

 Nhan nhản trong lịch sử cũng đã có những người sống rất trường thọ như:

 – Bà Từ Dũ hay Từ Dụ (Tên thật là Phạm Thị Hằng người Gò Công) là Hoàng Thái Hậu. Bà là mẹ vua Tự Đức, bà thọ 92 tuổi (1810-1902).

– Vua Càn Long đời nhà Thanh thọ 89 tuổi (1711-1799) .

 – Matthew Beard người Mỹ, thọ 114 tuổi (1870-1985).

– Cụ bà Trịnh Thị Khương năm nay 117 tuổi (1907..2024…) còn sống tại TP Long Khánh, Đồng Nai (VN)

– Jeanne Calment người Pháp, thọ 122 tuổi (1875-1997)

– Tane Ikai người Nhật thọ 116 tuổi (1879-1995) .

– Tống Mỹ Linh vợ Tưởng Giới Thạch thọ 106 tuổi (1897-2003) .v.v….

Đó là những trường hợp cá biệt hiếm hoi, những người may mắn sống rất thọ.

Nhưng  nhìn chung thì tuổi thọ trung bình của nhân loại nói chung thấp hơn nhiều .

Nghiên cứu tuổi thọ của con người qua lịch sử các thời đại, dựa trên các khảo cỗ từ các bộ xương tìm thấy ở các mộ nghĩa trang cũ hay trong các động đá cho thấy tuổi thọ con người của các nền văn minh cổ theo dòng năm tháng của con người như sau: 

  – nền văn minh Ai Cập 5000 năm trước tuổi thọ khoảng 20-30 tuổi ,

 – nền văn minh Hy Lạp 4000 năm trước, hay nền văn minh La Mã, nền văn minh Trung Hoa 3000 năm trước cho thấy con người hiếm khi thọ quá 40 tuổi .

 – Những nghĩa trang cổ tại Anh Quốc từ thời Trung cổ (năm 1000-1600) còn tồn tại cho đến ngày nay cho thấy tử xuất trên mộ bia không có người nào quá 45 tuổi.

Mãi đến thế kỷ thứ 17-18  khi “Khoa Học Thực Nghiệm”(Experimental Science) phát triển rần rộ khắp Âu Châu, rồi từ đó Khoa Học được áp dụng vào mọi mặt xã hội để phục vụ đời sống con người thì từ đó tuổi thọ tăng dần theo thời gian.

Trên phương diện Y khoa; khi trụ sinh, kháng sinh, chủng ngừa … ra đời thì hầu hết các bịnh truyền nhiễm do vi trùng, siêu vi … gây ra đang bị chế ngự dần dần. Khoa học thực Nghiệm đem áp dụng  vào việc chẩn bệnh và trị bệnh đã giúp chữa trị bệnh xác đáng hơn và khoa giải phẫu càng ngày càng chính xác và an toàn hơn đã giúp con người sống lâu hơn.

Đồng thời tiến bộ xã hội trên nhiều mặt nhất là cải thiện an sinh và môi trường nên cuộc sống được tốt hơn và con người ngày nay sống thọ hơn. Chúng ta ngày nay  65 tuổi mới là tuổi về hưu.  

Những dữ liệu mới cho biết tuổi thọ trung bình của dân Úc hiện nay là 84 tuổi đối với nữ và 81 tuổi đối với nam.

 Như vậy ngày nay chúng ta có thêm 20 năm năng động, 20 năm hạnh phúc hưởng tuổi già.  

Dù nam hay nữ quý vị cao niên vẫn còn đi du lịch, vẫn còn năng động di chuyển đó đây, hay tiếp tay một phần giúp con cái, hay làm trò vui đi tới lui đùa giỡn với các cháu nhỏ nội ngoại của mình. Rất nhiều người vẫn tiếp tục lái xe đi shopping mua sắm, đi đưa đón các cháu nhỏ,  hay hối hả cho kịp giờ nhảy lên xe bus hay xe lửa sợ trễ cuộc hẹn với bạn mình trong các sinh hoạt xã hội hằng ngày.

Ở nhà thì tự đảm đang việc nhà của mình, sửa chữa lặt vặt trong nhà, hay vui thú hoa cỏ ngoài vườn vân vân và vân vân.. nghĩa là các vị lão niên của chúng ta dù ở tuổi nào vẫn tiếp tục bận rộn trong cuộc sống đầy ý nghĩa cho chính mình và gia đình.

Nhưng theo quy luật thiên nhiên thì mọi vật đều chuyển đổi theo thời gian. Và cơ thể con người vẫn không thoát khỏi quy luật nầy. Cơ thể con người cũng từ từ lảo hóa theo thời gian. Bởi vì sự chuyển hóa sinh học (metabolism) của cơ thể sẽ chậm dần theo tuổi tác: các kích thích tố (hormones), các chất xúc tác (enzymes), và các chất dịch nhờn (fluids) trong cơ thể đều theo thời gian bài tiết ít đi. Nếu ta không lưu ý mà cải thiện sức khỏe thì kết quả là cơ bắp thịt của người cao niên bị teo nhỏ dần, các sợi gân, các dây chằng tự nó co rút ngắn lại từ từ và các khớp xương bị cứng dần và khô dần, bộ xương bị loãng và xốp dần cũng như thị lực mắt kém đi, đưa đến hậu quả là người cao niên theo năm tháng càng ngày càng yếu sức hơn, phản ứng bị chậm và kém chính xác hơn và nhất là thế thăng bằng đi đứng bị mất dần. Từ đó nguy cơ vấp ngã và trợt té xảy ra rất nhiều và rất thường ở quý vị cao niên.

Thống kê nước Úc cho thấy: người cao niên trên 60 tuổi hằng năm cứ 3 người thì có 1 người bị tai nạn té ngã và càng cao tuổi thì tai nạn càng xảy ra thường hơn. Hậu quả là bị gãy xương tay, xương chân, xương  sườn… và đặc biệt là gãy xương khớp hông. Khớp hông là đầu trên của xương đùi ăn khớp với xương chậu nằm sâu bên trong mông. Gẫy xương khớp hông là điều đáng ngại và nguy hiểm nhất: 5 trường hợp người cao niên bị té ngã và gảy xương hông thì có 1 trường hợp bị tữ vong.

Điều may mắn và kỳ diệu tự nhiên là cơ thể con người ở bất cứ tuổi tác nào dù 70 tuổi hay 90 tuổi đều có khả năng phục hồi.

Nếu mình ăn uống hợp với tuổi tác, dùng thuốc men một cách sáng suốt, sống năng động, tập thể dục đúng cách và thường xuyên thì các điểm yếu của sức khỏe sẽ phục hồi, sức mạnh của các cơ bắp thịt sẽ được cải thiện hay phục hồi.

Mỗi người sinh ra đời đã có sẵn 1 thể chất khác nhau: Có người cao hơn, có người thấp hơn, có người sinh ra đã có sẵn tiềm ẩn dễ nhiễm các bịnh như: Bịnh đái tháo đường, bịnh cao máu , bịnh tim, bịnh cao mỡ, bịnh thấp khớp .v.v. . Có người có tiềm ẩn chứng ung thư vú, ung thư ruột v v… Thể chất của mỗi cá nhân chúng ta đều khác nhau vì chúng ta nhận huyết thống từ tổ tiên ta mà khoa học gọi là “gene” (gen, phổ hệ, gia hệ). Huyết thống chi phối thể chất mỗi cá nhân. Vì vậy tuổi thọ ‘ thiên nhiên ‘ có khác nhau theo từng cá nhân. Nhưng ngày nay nhờ khoa học ứng dụng vào mọi lãnh vực xã hội đang giúp chúng ta duy trì cuộc sống khỏe và thọ hơn. X ray đã khám phá và chữa trị bịnh ung thư vú sớm, soi ruột đã khám phá và giải phẫu kịp thời đã chặn bịnh ung thư ruột sớm, áp dụng cách ăn uống và dùng thuốc men khôn ngoan đã đẩy các bịnh đái đường, cao máu, thấp khớp .v.v…xa dần khỏi yểu tử.

 Thế giới của chúng ta và cuộc sống của chúng ta đều là hữu hạn.

Đối với quý vị cao niên của chúng ta sau khi về hưu thì hữu hạn là bao lâu? -10 năm? -20 năm? -30 năm?

Không ai có thể giải đáp chính xác câu hỏi nầy. Nhưng có 1 điều chắc chắn là:

   – khoa học tiến bộ đang giúp phương tiện cho ta

  – an sinh xã hội đang có sẵn bên ta

  -và nhất là thiên nhiên tuy có làm lão hóa nhưng đồng thời cũng có tiềm năng tái tạo và phục hồi.

Hiểu được điều này là quý vị cao niên đã giải đáp được cho câu hỏi trên: Dùng những kiến thức khoa học vừa khám phá để ăn uống hợp cách, dùng thuốc sáng suốt, ngừa tránh bịnh tật, giữ cho cuộc sống luôn năng động, năng tập thể dục là giải đáp cho năm tháng kéo dài tuổi thọ.

Nguyễn Du có câu: “Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều  …” như vậy ta phải giúp ta đễ Trời giúp ta phải không quý vị?.

Đối nghịch với tuổi thọ là sự ù lỳ, thụ động và tư tưởng bi quan. Nên nhớ là khi ta đang bước vào tuổi “già” thì ta cũng đã từng trải qua tuổi trẻ rồi thì có gì để mà bi quan hay buồn vẩn vơ ?. Trẻ tuổi có cái hiếu động của tuổi trẻ thì già có cái năng động của tuổi già. Biết như vậy thì ” trăm năm trong cõi người ta”  là con đường trước mặt mà quý vị cao niên đi tới đó .

Dựa trên những nghiên cứu được cập nhật, dựa trên hiểu biết của người thầy thuốc, và trên kinh nghiệm, chúng tôi sẽ trình bày những kiến thức và những ứng dụng thực tiễn để giúp quý vị cao niên mỗi người dù có khác nhau về thể chất, về tuổi tác đều có thể áp dụng để tránh bịnh tật, đễ cải thiện, tăng cường sức khỏe thể chất và khả năng trí não.

Đó là con đường để mọi người chúng ta cùng đi đến tuổi thọ ngày nay.

Bây giờ chúng ta hãy cùng nhau duyệt qua các chương kế tiếp…

 Bs Trần Thanh Tâm ( 1.2024)