Ngôi trường Petrus Ký cổ kính và cuộc đời tôi

Lê Văn Hưng

Tôi thực sự chỉ là một đứa “con ghẻ” của ngôi trường cổ kính đó.

Con ghẻ vì tôi chỉ có thi vào đệ thất trường Petrus Ký một lần và lần đó tôi … rớt tuốt !

Nhà tôi ở góc đường Trần Bình Trọng và đường Hùng Vương, cách cửa sân vận động Lam Sơn không xa, từ nhà tôi chỉ băng qua cái ngã tư Trấn Bình Trọng – Nguyễn Hoàng là bắt đầu vào dãy nhà của các thầy cô dạy ở Petrus Ký, ngày còn nhỏ tôi vẫn đi vào con hẻm nhỏ này để vào cửa sau sân Lam Sơn, vào sân Lam Sơn chẳng phải để tập thể dục hay đá banh mà chỉ để kiếm những con nòng nọc ở những vũng nước mưa đem về nuôi hay kiếm trứng nước đem về nuôi cá thia thia, cá xiêm.

Học tiểu học thì trường tôi học cũng ở trong khu này, trường Sư Phạm Thực Hành, cạnh sở học liệu trên đường Trần Bình Trọng.

Trường Sư Phạm Thực Hành được dùng để các thầy cô tương lai (đây là những sinh viên đang học đại học Sư Phạm ngay ở phía sau trường Sư Phạm Thực Hành) đem lũ học trò tụi tôi ra làm vật thí nghiệm cho các bài thực tập hoặc chúng tôi học với cô giáo nhưng có đầy những “giáo sinh”, những thầy cô giáo tương lai ngồi bên dưới quan sát học nghề làm thầy giáo, cô giáo.

Có lẽ vì chỉ là vật thí nghiệm nên năm lớp nhất tụi tôi không bị bắt học gạo để chuẩn bị thi vào đệ thất như ở những trường tiểu học tư thục khác, hoặc đúng hơn có lẽ là là vì tôi học lười hoặc là vì tôi không bị đi học các lớp huấn luyện thi nên vốn liếng chẳng có bao nhiêu để thi vào đệ thất.

Vì Petrus Ký gần nhà nên ba má tôi ghi cho tôi thi vào đệ thất Petrus Ký để được đi học gần nhà !

Tôi hoàn toàn không biết rằng Petrus Ký là một trong những trường giỏi nhất ở Saigon và vì vậy thi đậu vào đệ thất Petrus Ký là cả một kỳ công. Và dĩ nhiên là lần đó tôi … rớt tuốt !

Không đậu được vào đệ thất Petrus Ký, Ba Má tôi đành ghi tên cho tôi vào học trường trung học tư thục Nguyễn Bá Tòng, một trường tư thục do các cha công giáo mở, trường nằm ở đường Bùi Thị Xuân, từ nhà tôi đi xe đạp đến trường cũng mất đến 20 phút, mỗi sáng tôi phải đi bộ hoặc có hôm được Ba tôi chở xe đạp đến trường.

Năm mươi năm sau tôi vẫn còn nhớ ngồi sau xe đạp nhìn thấy lưng ba tôi mướt mồ hôi vì nắng nóng và mệt khi đạp xe chở tôi đến trường.

Học ở Nguyễn Bá Tòng, một trường tư thục không đến nỗi dở ở Sàigòn nhưng lớp đệ thất có đến gần 80 hay 100 học trò, ngồi những dẫy bàn đầu thì còn nghe thầy giảng bài còn những đứa ngồi bàn gần cuối lớp thì có nhìn được mặt thầy cô bao giờ mà học với hành.

Tôi ngồi bàn gần cuối chỉ nghe bạn bè chung quanh nói chuyện ồn ào có nghe được thầy cô giảng bài là thế nào đâu, mỗi năm được gọi lên trả bài cho có điểm thì điểm gần với hai trứng vịt hơn là gần hai mươi !

Đi học về tôi vẫn kể chuyện đi học với má tôi, nhưng chỉ kể những chuyện đánh lộn nhau ở cửa trường hay những chuyện vớ vẫn chẳng liên quan gì đến việc học, đến nỗi một hôm má tôi phải bảo “Sao con đi học mà chỉ nghe kể chuyện đánh lộn không vậy con ?”

Tôi tiếp tục học lớp đệ lục ở trường Nguyễn Bá Tòng nhưng học càng ngày càng tệ vì không có căn bản và không học hành gì được vì tôi tiếp tục ngồi bàn gần cuối lớp. Cuối năm đệ lục tôi bị ở lại lớp.

Ba tôi phải vào gặp ban giám học của trường để xin và hứa hẹn là tôi sẽ cố gắng học nếu được cho lên lớp, cuối cùng tôi được lên lớp đệ ngũ với số điểm thật là “mất mặt” nhưng hú hồn hú vía vì qua được một nạn.

Trong nhà chúng tôi có tất cả sáu anh chị em, ba trai ba gái, tôi là con trai ở giữa, trên tôi có hai bà chị và một ông anh. Ông anh tôi được ba má tôi đặt nhiều hy vọng và đặc biệt đầu tư vào ông anh này.

Từ nhỏ Anh Ba, anh tôi thứ ba, đã được ba má tôi cho đi học tiếng Pháp, gia đình nghèo ở Sàigòn. Ba tôi chỉ là một thứ ký kế toán ở khách sạn Continental, lương bỗng có bao nhiêu vậy mà Anh Ba vẫn được đi học tiếng Pháp từ tiểu học và anh được nhận vào học trường Jean-Jacques Rousseau (ngày nay là trường Lê Quí Đôn).

Jean-Jacques Rousseau là trường tư dạy tiếng Pháp, học ở trường này Anh Ba luôn cố học cho có hạng để được học bổng của trường chứ Ba Má tôi nhà 6 đứa con, tiền ăn học, chị tiêu chỉ nhờ vào lương thư ký kế toán của Ba tôi thì làm sao đủ.

Hơn 50 năm đã qua, Ba Má tôi đã khuất núi, nhìn lại mới thấy rằng, người Việt nghèo thì nghèo nhưng vẫn muốn, vẫn lo cho con cái học hành.

Năm 1969 hình ảnh những cuộc động viên, đi quân dịch, chiến tranh và chết chóc đã hiện rõ sau những cuộc tấn công Tết Mậu Thân 1968.

Năm tôi lên đệ ngũ cũng là năm anh ba tôi thi đậu tú tài, Việt và Pháp, hè năm 1969 sau khi thi đậu tú tài và trước thảm họa của việc học của tôi, tình cờ Anh Ba tôi đi ngang qua cổng trường và biết được trường Petrus Ký mở thêm lớp đêm bán công, để cho các thầy cô dạy thêm, để có thêm một phần lợi tức.

Anh tôi đem hồ sơ điểm “sáng chói” của hai năm đệ thất và đệ lục của tôi nộp đơn xin vào lớp đêm ở Petrus Ký. Có lẽ một phần cũng là để tôi được đi học gần nhà ! và đỡ tốn tiền học phí hàng tháng !!!

Trong cuộc đời một người có những khúc ngoặc mà mình không thể ngờ trước và cũng không đoán trước được hậu quả, đôi khi cuộc đời của một người tuỳ thuộc vào sự chuyển hướng của những khúc ngoặc nầy.

Khúc ngoặc của đời tôi là năm 1969 trước thành tích, đúng hơn là thảm họa, của việc học của tôi ở trường Nguyễn Bá Tòng, tôi và cả nhà đều nhận ra rằng nếu tiếp tục thì đúng là con đường cùng không lối thoát.

Một đều không ngờ, một phép lạ, xảy ra với tôi khi hồ sơ của tôi được nhận vào lớp đêm, có lẽ vì đây là lần đầu tiên mở thêm lớp đêm bán công nên không có nhiều học sinh biết để nộp đơn xin vào học lớp đêm vì vậy tất cả các hồ sơ đều được nhận.

Các năm sau, lớp đêm ở các trường công lập bắt đầu được biết nhiều hơn nên sự chọn lọc trở nên rất khó khăn, phần lớn các trường công lập có tiếng như Petrus Ký hay Gia Long đều xếp hạng các thí sinh thi tuyển vào đệ thất để chọn vào lớp công lập và lớp đêm bán công.

Từ một đứa học sinh lười dốt tôi trở thành một học sinh gương mẫu ! Vì đã ở trong bóng tối nên mới biết trân quí ánh sáng, vì đã suýt chết vào năm đệ lục và nhất là phần lớn học sinh, sinh viên thời đó đi học để khỏi phải đi quân dịch nên tôi trở nên một học sinh cần mẫn.

Việc thay đổi đầu tiên là tôi luôn luôn ngồi bàn đầu tiên trong lớp, vì ngồi ngay dưới mắt của thầy cô nên không thể làm gì khác hơn là chăm chỉ nghe và học !

Chăm chỉ học thật ra chỉ là kết quả của một ý tưởng khác, quan trọng hơn và có hậu quả lâu dài hơn :

Tôi hãnh diện vì được học trong một ngôi trường nổi tiếng vào bậc nhất trong các trường việt ở Sàigòn.

Sự hãnh diện này làm tôi trở thành một học sinh chăm chỉ, học lớp đêm nên cả ngày tôi có thì giờ đi học thêm Pháp văn, ở “Centre Culturel français à Sàigòn” đường Đồn Đất gần nhà thương Grall, tôi có thì giờ đi học thêm toán, học thêm anh ngữ…

Học 5 năm ở lớp đêm Petrus Ký, từ đệ ngũ đến đệ nhất, từ 1969 đến 1974, chẳng bao giờ tôi rời khỏi dãy bàn nhất ! Nỗi lo sợ khi học ở Nguyễn Bá Tòng, lo sợ bị đi quân dịch làm tôi có nhiều động lực để học.

Năm lên lớp đệ tam, 1972, sau mùa hè đỏ lửa ở Quảng Trị, một vài đứa bạn trong lớp bị gọi đi quân dịch, những đứa học trễ không kịp làm hồ sơ giả để nhảy lớp. Sáu tháng sau một trong những đứa bạn tôi tử trận, bạn trong lớp đến đi đám ma thằng bạn, trong số đó có tôi. Đây là một trong những kỷ niệm ghi sâu vào trong đầu tôi, một đứa trẻ 15 tuổi lần đầu tiên nhìn tận mắt thế nào là cái chết vì chiến tranh.

Từ năm đệ tam, trong lớp có một số bạn mới được tuyển vào thay thế số bị đi quân dịch hay số không được lên lớp vì điểm quá xấu. Một số những thằng bạn mới vào học là đám học lớp ngày, học trễ vì thi lại hai năm vào đệ thất, những thằng bạn mới này làm hồ sơ giả để nhảy lớp và vì đã học lớp ngày nên tụi nó vẫn giữ liên lạc với những đứa tiếp tục học lớp ngày. Những thằng mới vào này làm các lớp đêm và lớp ngày gần nhau hơn, tụi nó đem theo cái tinh thần học của Petrus Ký.

Có một đều hơi khó tin và hơi vô lý là :

Thầy cô ở Pétrus Ký không giỏi nổi tiếng nhưng học trò Petrus Ký lại giỏi !

Rất giỏi vì phải luôn luôn cố học thêm, học nhiều hơn học trò các trường khác. Học trò Petrus Ký học để giữ cái tiếng học sinh giỏi, học để giữ cái danh dự là học sinh của một trường giỏi nhất nhì ở Sàigòn, học vì hãnh diện là học sinh Petrus Ký và cuối cùng là học để khỏi đi quân dịch !

Các trường tư thục có những giáo sư nổi tiếng, vì có giáo sư nổi tiếng nên học trò dựa vào thầy nhiều hơn trong khi học trò Petrus Ký thì phải tự tìm tòi học thêm vì vậy thầy cô không nổi tiếng mà học trò lại giỏi.

Cái truyền thống học này học sinh vào đệ thất đã được huấn luyện như vậy. Những thằng bạn mới đến từ lớp ngày mang vào lớp tôi cái tinh thần tự học, học thêm, học chung, học nhóm. Trong ba năm học chung với nhau nhờ vậy mà tôi có thể đậu tú tài hai không khó khăn lắm.

Một phép lạ thứ nhì đến với tôi, năm 1973 số thí sinh thi tú tài một quá đông nên bộ giáo dục bỏ tú tài một và chỉ giữ lại tú tài hai ở cuối năm đệ nhất.

Năm 1974 với số thí sinh thi tú tài hai nếu tiếp tục thi như những năm trước thì thầy cô chấm thi có lẽ phải mất đến 3 hay 6 tháng mới chấm xong các bài thi tú tài năm đó. Không còn giải pháp nào hơn, một phép lạ thứ ba đến với tôi, “Tú Tài IBM”, thi trắc nghiệm và chấm thi bằng máy tính IBM !

Lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng trong lịch sử thi cử ở VN : thi tú tài bằng phương pháp trắc nghiệm “QCM” và chấm bài thi bằng máy tính… IBM !

Dĩ nhiên là học sinh đệ nhất Petrus Ký đậu nhiều vô số, gần 100% và số đậu Tối Ưu và Ưu (mention Excellent và Très Bien) nhiều hơn Thứ (sans mention).

Nhờ quen học nhóm với những thằng bạn học giỏi đến từ lớp ngày, thằng Quyền, Ngô Quang Quyền (cháu ông Ngô Quang Trưởng tư lệnh quân khu 1) là một trong những thằng bạn học giỏi mà tôi nhờ vào nó để học thi đậu tú tài IBM với hạng Bình.

Với cái bằng tú tài hạng Bình tôi nộp đơn xin đi theo chân anh Ba tôi, đi du học ở Pháp. Anh Ba tôi đi du học với học bổng của Pháp cho, còn tôi với bằng tú tài hạng Bình tôi có thể xin đi du học tự túc ở Pháp.

Gần 50 năm sau tôi vẫn cứ đinh ninh là “Thầy cô ở Petrus Ký không giỏi”

Sau hơn 20 năm làm về điện toán và mạng Internet trong những hãng tư nhân trong đủ mọi ngành nghề cho đến năm 48 tuổi, đường đời đưa đẩy tôi vào con đường bụi phấn, tưởng chừng như đã quên cái bảng, cục phấn nhưng khi cầm lại cục phấn đứng trước cái bảng bắt đầu giảng bài cho học trò ở nơi quê người thì bao nhiêu kỷ niệm của những ngày mài dũa đũng quần trên băng gỗ ở trường Petrus Ký lại tràn về.

Sau 15 năm trên con đường bụi phấn và khi tình cờ đọc câu nói của Benjamin Franklin :

“Tell me and I forget, teach me and I may remember, involve me and I learn.”

Thì tôi mới vỡ lẽ ra rằng, thầy cô tôi ở Petrus Ký đã thấu đạt được điều này nên thầy cô không chỉ dạy cho học trò kiến thức mà họ còn làm cho học trò tìm thấy hứng thú trong việc học, một phương pháp rất khó thực hiện nhưng khi thành công thì mang lại kết quả rất thực tiễn trên phương diện giảng dạy (pédagogie).

Riêng phần tôi ngày nay tôi không còn sử dụng mớ kiến thức đã học ở trường Petrus Ký, nhưng vì học ở Petrus Ký mà trong những lúc khó khăn cùng cực trong đời, tôi vẫn giữ được một niềm tin sắc đá vào khả năng của tôi, tôi vẫn giữ được niềm tự hào của một người học trò Petrus Ký, chính sự hãnh diện này đã giúp cho tôi thêm năng lượng, là động lực để tôi vượt qua những giờ phút khó khăn.

Tôi rời trường Petrus Ký từ tháng 6 năm 1974, đến bây giờ tôi mới nhận ra rằng cái mà tôi học được ở trường không phải chỉ là một mớ kiến thức mà cái quan trọng nhất là thầy cô ở trường đã cho tôi những tấm gương sống, đã trang bị cho tôi đầy đủ hành trang để tôi trở thành một người có ích cho xã hội.

Thầy cô Petrus Ký dạy cho tôi thế nào là tự trọng, thế nào là nhẫn nại, chịu khó, chăm chỉ, thế nào là hiếu học, cái vui khi học được một điều mới, một điều lạ.

Khi bị cô Thiên Lôi …oups Thiên Hương “chưởi” te tua, (viết đến đây tai tôi lại nghe văng vẳng lúc cô nỗi giận, tiếng cô “the thé” mắng), đến đứa học trò lì phá nhất lớp cũng im khe không dám ngó cô, tôi nhớ như in mấy đứa ăn vụng trong giờ học lúc cô giảng bài sử địa bị cô mắng nát nước, cả lớp im re không dám hó hé một tiếng.

Hay trong một lần thầy Tạ Ký đang say sưa giảng bài, mấy đứa ngồi dưới phá nhau, đá dép nhau, đá thế nào văng dép ra trước mặt thầy, từ cửa sổ lầu một, thầy Tạ Ký vất dép của mấy đứa học trò (phá như quỷ), ra cửa sổ, viết đến đây trong đầu tôi lại hiện ra hình ảnh thầy Tạ Ký đùng đùng mắng cả lớp rồi thầy nhặt mấy chiếc dép quẳng ra cửa sổ vèo vèo như người ta chơi frisbee ! Sau giờ tan học ban đêm, khoảng 10g30 trời tối đen chuông reo là mấy đứa học trò trong lớp mau mau chạy xuống nhà xe lò mò đi kiếm dép giữa những chiếc xe đạp ngay dưới cửa sổ lớp học của tôi !

Những “bài học nhớ đời” này chẳng liên quan gì đến kiến thức nhưng lại là những bài học dạy tôi làm người, dạy tôi nên người.

Thầy cô dù khắc khe đến đâu thì cũng chỉ là những tấm gương của một người thầy tận tụy hết lòng với công việc, không hề xem nhẹ việc giáo dục của những đứa học trò, dù đó là một đứa học trò phá phách hay lười biếng.

Thức đêm mới biết đêm dài, có đứng trên bục giảng bài mới biết được lòng thầy cô ngày ở Petrus Ký.

Ngày hôm nay mỗi lần vào lớp, lên bảng giảng bài tôi luôn nghĩ đến những người thầy cô ngày đó, như Cô Thiên Hương, Cô Dung (dạy Việt văn), thầy Minh, thầy Lễ, thầy Thái, thầy Chương, thầy Vĩnh (dạy Việt văn ?), thầy Nhựt (dạy sử địa)…

Những gì tôi học được, những tấm gương của thầy cô ở trường Petrus Ký đủ cho tôi dùng trong cả cuộc đời cho đến ngày nay khi viết những giòng này !

Con xin chân thành cảm ơn những người “Thầy cô không giỏi ở Petrus Ký “

Lê văn Hưng PK “đêm” 1969 – 1974