Hàng năm vào ngày 6/12, sinh nhật của Petrus Trương Vĩnh Ký, nhiều thế hệ đồng môn của ngôi trường  mang tên Cụ ở Sài Gòn, thường đến kính lễ tại nhà thờ và nhà mộ của Cụ. Lần nào cũng thế, không chỉ ôn chuyện người xưa và trường xưa, các đồng môn khóa trước hay khóa sau đều hỏi nhau về một tượng đài không còn nữa. 

Những năm gần đây, một số nhóm sinh viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, cùng Đại học Fulbright khi làm khóa luận về vai trò Petrus Ký trong lịch sử báo chí và lịch sử chữ Quốc ngữ, cũng đã hỏi chúng tôi: Tượng đài ấy trước đây ở đâu? Ai dựng tượng đài? Bây giờ còn không?

Niềm vui thuở trước : Tượng đài xây dựng từ lòng dân

Đó là tượng đài Petrus Ký từng hiện diện ở công viên trước Dinh Độc Lập (thời Pháp là Dinh Toàn Quyền) ,trông ra hướng Nhà thờ Đức Bà. Hơn 50 năm trước, ngày còn thiếu niên, lúc đi xe qua đây, hay đi vào công viên, bản thân tôi nhiều lần đã thấy tượng đài sừng sững giữa khung cảnh cây cao hùng vĩ. Tượng đài bao gồm bức tượng lớn bằng đồng, ngả màu rêu xanh, đặt trên một khối bệ cao vuông vắn, bằng đá hoa cương, màu ca cao nhạt. 

Bức tượng không thể hiện hình ảnh của thiên thần hay thần thánh nào cả. Càng không phải là tượng danh tướng mà là tượng toàn thân một ông cụ có dáng hình thanh nhã, mặc áo dài-khăn đóng, rất Việt Nam. Gương mặt ông cụ trông hồn hậu, thông minh nhưng đôi mắt dường như buồn buồn. Dưới chân tượng, chiếc bệ bốn mặt- cũng là bia có khắc nhiều hàng chữ Pháp. Trên mặt chính, có một hàng chữ quen thuộc với chúng tôi: Petrus Trương Vĩnh Ký , Professeur (Giáo sư)

Vâng, đấy là “Cụ Giáo” của trường chúng tôi. Cho đến giờ, tôi không quên ngày 6/12/1973, là ngày nhà trường tổ chức lễ kỷ niệm lớn để vinh danh tên tuổi Petrus Ký. Hôm ấy, học sinh được nghe học giả Vương Hồng Sển và giáo sư Vũ Ký nói chuyện về thân thế của Cụ. Một cách rất trân trọng, học giả Vương Hồng Sển gọi Petrus Ký là bậc “hiền nhơn quân tử”! Còn giáo sư Vũ Ký thì nhận định Cụ là “một kẻ sĩ Việt Nam” và là “một nhà giáo dục”, “một nhà sư phạm”[1]

Nhà trường còn tổ chức một phòng trưng bày khá nhiều hình ảnh, sách vở và hiện vật về Cụ, tập hợp từ nhiều nguồn. Trong đấy, có một số bản thảo viết tay và vật dụng làm việc của Petrus Ký do con cháu Cụ còn giữ được. 

Đây là lần đầu tiên, chúng tôi được “mắt thấy, tai nghe”, tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp của một nhân vật văn hóa nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam mà còn đi ra với thế giới. Khi mang phù hiệu trường Petrus Trương Vĩnh Ký đi học, chúng tôi càng thêm tự hào về “Cụ Giáo” của trường mình.

Sau này, khi tiếp tục tìm hiểu về cuộc đời và các tác phẩm của Petrus Ký, chúng tôi càng nhận ra gia sản lớn lao mà “Cụ Giáo” đóng góp cho nước nhà. Vũ Ngọc Phan, từ Hà Nội trong tác phẩm khảo cứu Nhà văn hiện đại, đã gọi Petrus Ký là “một nhà bác học có óc tổ chức và có phương pháp, chứ không còn phải là một nhà văn như những nhà văn khác”[2]

Các trí thức và đông đảo người dân trên cả nước, nhất là ở miền Nam, từ lâu rồi, rất mến mộ Petrus Ký. Trong đấy, chính câu chuyện xây dựng tượng đài Petrus Ký ở Sài Gòn đã thể hiện rõ lòng dân bày tỏ sự tri ân với Cụ như thế nào. Thật vậy, qua khảo sát báo Lục Tĩnh Tân Văn, giáo sư Nguyễn Văn Trung tìm được nhiều thông tin minh chứng việc dựng tượng Cụ xuất phát từ công chúng, chứ không phải từ chính quyền[3]

Vào năm 1908, các nhà báo Gilbert Trần Chánh Chiếu và Lương Khắc Ninh – những người khởi xướng hoạt động “Minh Tân”, công khai kêu gọi quyên góp để “dựng hình ông Đốc Ký”. Lập tức, nhiều người dân “Lục Châu” – tức Nam Kỳ Lục Tĩnh, kể cả điền chủ, công chức và trí thức nhanh chóng hưởng ứng, “hỉ cúng” dồi dào cho việc “nhơn nghĩa”. 

Ngay cả khi nhà báo Trần Chánh Chiếu bị thực dân bắt giam vì biết ông có liên hệ với nhà cách mạng Phan Bội Châu, việc quyên tiền để dựng tượng Petrus Ký vẫn được các báo Nông Cổ Mín ĐàmNam Kỳ Địa Phận tiếp taycổ động. Thêm nữa, công chúng đã buộc chính quyền phải công nhận và chuẩn y đề nghị dựng tượng. Đồng thời, chính quyền còn phải cho phép dân chúng thành lập hội điều hành việc quyên góp này.

Ông Đặng Thúc Liêng, một trong những người làm báo Lục Tĩnh Tân Văn cho biết lúc đầu hội dự kiến làm tượng bán thân Petrus Ký và đã đặt hàng bên Pháp chế tạo. Song người dân và báo giới không đồng ý mà yêu cầu phải làm tượng toàn thân, do vậy, cuộc đấu tranh dựng tượng đã kéo dài. 

Sau gần 20 năm khởi xướng, mãi đến năm 1927, tượng đài toàn thân Petrus Ký mới được hoàn thành, đúng dịp kỷ niệm 90 năm ngày sinh của Cụ. Tượng đài Petrus Ký được khánh thành ở khu vực quan trọng nhất thành phố, xứng đáng là thành quả ý nguyện kiên trì của người dân biết ơn “bậc anh kiệt”.  Một điều lý thú khác, hầu như tượng đài Petrus Ký là tượng đài duy nhất của một danh nhân văn hóa người Việt được dựng trên đất Sài Gòn trong thế kỷ 20.

Nỗi buồn hiện tại: Tượng một nơi, đài một nơi

Theo Tạp chí Xưa và Nay, năm 2022, bên lề hội thảo “Trương Vĩnh Ký với văn hóa”, GS Trần Văn Giàu, nguyên Bí thư Xứ Ủy Nam Kỳ đã cho biết : CÁCH MẠNG THÁNG TÁM THÀNH CÔNG, TÔI LỆNH CHO ANH EM HẠ TƯỢNG CÁC TÊN THỰC DÂN XUỐNG SÔNG SÀI GÒN, RIÊNG TƯỢNG TRƯƠNG VĨNH KÝ THÌ HÃY ĐỂ LẠI.

Nhờ vậy, cho đến tháng 4 năm 1975, tượng đài Petrus Ký ở công viên trước Dinh Độc lập đã tồn tại 48 năm, thực sự là một biểu tượng khắc sâu vào tâm khảm nhiều thế hệ dân chúng và học trò. 

Vậy mà, thật đáng tiếc và không rõ vì sao, ngay trong năm thống nhất đất nước đầu tiên, tượng đài Petrus Ký, bị di dời, thay bằng một tấm bia kỷ niệm Cách Mạng Tháng Tám.  Việc này diển ra cùng lúc với việc xóa tên đường Petrus Ký và tên trường Petrus Ký, cả hai đổi thành tên Lê Hồng Phong.

Tượng đài Petrus Ký tuy không bị “hóa kiếp” thành tro bụi nhưng gần 50 năm qua vẫn trong tình trạng tản mác, tượng một nơi, đài một nơi. 

Khi tòa nhà “Chú Hỏa”- 97 Phó Đức Chính, quận Một được sử dụng làm Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM (1987) thì bức tượng được đưa ra trưng bày bên trong tòa nhà, chính thức tái xuất hiện trong công chúng. 

Tuy nhiên, cũng không rõ vì sao, tượng chỉ được giới thiệu như một tác phẩm điêu khắc của họa sĩ Pháp chứ không kèm theo bất cứ lời thuyết minh về thân thế và sự nghiệp của người được dựng tượng. 

Và rồi, một thời gian sau, thật là lạ, tượng Petrus Ký bị di dời ra một “xó kẹt” tại mặt hậu của tòa nhà chính. Hiện tại, khách đến thăm vẫn thấy tượng đặt bên vách tòa nhà, cách vài bước là khu vệ sinh. 

Phía trước tượng là khoảng sân được sử dụng cho trẻ em đến tập vẻ, tô hình vào cuối tuần. Ngay từ ngoài cổng, cũng như trong brochure và website của Bảo tàng Mỹ thuật đều không có thông tin nào về vị trí đặt tượng và đôi dòng tiểu sử của nhân vật Petrus Ký.

Trong khi đó, bệ và là bia của tượng Petrus Ký lại được tách rời và cất giữ ở Bảo tàng TPHCM (Dinh Gia Long cũ). Nhiều năm trước, thật trớ trêu, chiếc bệ đá hoa cương của tượng đài nằm chơ vơ bên cạnh một tháp pháo phòng không, ở khu vực trưng bày các phương tiện chiến tranh. Vài năm gần đây, bệ tượng “bỗng dưng” được chuyển vào phía sau tòa nhà, giấu trong một lùm cây, gần cầu thang lên xuống. 

Mới đây, ngày 30/12/2023, chúng tôi đến khảo sát trở lại thì thấy bệ tượng vẫn còn nguyên trong lùm cây, nay đã trở nên rậm rạp hơn trước. Các cành lá không chỉ che khuất bệ tượng mà còn cọ quẹt vào các hàng chữ khắc, có thể làm cho chúng hư hại.

Quả thật, không thể không buồn giận trước cách ứng xử phi văn hóa với những hiện vật lịch sử của tiền nhân nói trên. Thêm nữa, càng đau lòng thêm khi việc đó lại xảy ra ở hai bảo tàng công lập tiêu biểu của thành phố.

Đi tìm giải pháp “Châu về Hiệp Phố”

Sau hòa bình, giới Sử học và chính quyền các cấp có thêm thời gian và tư liệu để nhìn lại nhiều nhân vật từng được coi là có “vấn đề này, vấn đề kia” phức tạp. Riêng với Petrus Trương Vĩnh Ký, vào năm 2002, Tạp chí Xưa và Nay – Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cùng Sở Văn hóa-Thông tin TPHCM đã tổ chức hội thảo, quy tụ nhiều ý kiến đánh giá cao đóng góp của Cụ. Trong lá thư gởi tới hội thảo, nguyên Thủ Tướng Võ Văn Kiệt đã phát biểu : Nếu chỉ xét đơn thuần trên lĩnh vực văn hóa thì đây cũng là một nhà văn hóa lỗi lạc của thời kỳ đó và cho cả hôm nay, không chỉ của Việt Nam mà còn là của thế giới.[4]

Tại TPHCM, khoảng đầu thập niên 2000, tên Trương Vĩnh Ký được đặt cho một con đường nhỏ ở quận Tân Bình. Ngược lại, tại Bến Tre, quê hương của Cụ, trong khoảng 10 năm trở lại đây, con đường mang tên Trương Vĩnh Ký là đại lộ mới mở nằm ngay ở vòng xoay lớn, dẩn vào trung tâm tĩnh. 

Ngoài ra, chính quyền tỉnh đã tôn tạo bia kỷ niệm Trương Vĩnh Ký (1937) tại xã Cái Mơn, huyện Chợ Lách nơi Cụ sinh ra. Năm 2003, thực hiện theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh Bến Tre, trường PTTH Chợ Lách được đổi tên là trường PTTH TRƯƠNG VĨNH KÝ.

Nhân dịp này, chương trình ” Mỗi người một giọt đồng đúc tượng dành nhân” đó tạp chí Xưa và Nay chủ trương đã tặng tượng đồng TRƯƠNG VĨNH KÝ cho ngôi trường mang tên ông. Từ nhiều năm nay, tĩnh Bến Tre còn tổ chức chương trình học bổng TRƯƠNG VĨNH KÝ.

Tại TPHCM và Bình Dương, hiện đã có hai trường tư thục mang tên Cụ. Năm 2020, Bảo tàng Báo chí Việt Nam ở Hà Nội đã đặt tượng bán thân Petrus Ký trong đại sảnh cùng một gian giới thiệu Gia Định Báo mà Cụ là “Chánh Tổng tài” (Tổng biên tập). 

Những nghĩa cử dù nhỏ hay lớn nêu trên cho thấy, phần nào đó, giá trị và danh dự của Petrus Ký đang được hồi phục và tôn vinh. 

Gần đây, có ý kiến của một số người mến mộ Cụ đề nghị đưa bức tượng ấy về đặt ở nhà bia tại Chợ Lách-Bến Tre hoặc về nhà mộ Petrus Ký ở quận Năm TPHCM. Chúng tôi thấy đó là một đề nghị thể hiện tình cảm yêu quý với Cụ, hơn nữa còn là dự kiến một giải pháp để thay thế cho một hành vi phi văn hóa trước đấy. 

Tuy vậy, theo chúng tôi, xem ra đề nghị này chưa ổn thỏa vì đây không phải là tượng đài riêng – tài sản của gia đình Cụ, hay một tĩnh thành nào. Tượng đài Petrus Ký là do người dân Nam Bộ quyên góp xây dựng và đặt ở trung tâm Sài Gòn cho công chúng thập phương chiêm bái.

Thiết nghĩ, nên có giải pháp tốt nhất- “Châu về Hợp phố”, khi nào có thể, chính quyền sẽ hoàn trả và tái an vị cả tượng và bệ tượng Petrus Ký về công viên trước Dinh Độc Lập. 

Có lẽ năm 2027, dịp kỷ niệm 190 năm sinh nhật của cụ Petrus chính là cơ hội tốt để dựng lại tượng đài, sửa lỗi và trân trọng thêm nữa đối với danh nhân văn hóa Trương Vĩnh Ký, cũng như công sức của đồng bào quyên góp dựng tượng từ thế kỷ trước.

Chúng ta không thể quên, TPHCM đã có kinh nghiệm xử lý việc tương tự. Ngay trong lúc đại dịch Covid chưa lắng xuống, vào năm 2021, chính quyền quyết định tái an vị lư hương và tôn tạo tượng đài Trần Hưng Đạo. Sự kiện này rất được xã hội hoan nghênh, giờ đây hàng ngày nhiều người dân đã đến tượng đài để thắp hương, dâng hoa tưởng nhớ Đức Thánh Trần. 

Ngày Xuân thường là lúc hoài niệm tưởng nhớ và tri ân tổ tiên, mong rằng chúng ta sẽ có thêm ý tưởng và giải Pháp để giải quyết êm đẹp câu chuyện một tượng đài trong lòng dân và trong thực tế, bị di dời và tản mác sao cho hợp với đạo lý uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây của dân tộc. Đó cũng là hành động và bài học nhân nghĩa bền vững cho con cháu vững tin và tiếp nối!


[1] Cả hai bài nói được in trong một tập sách nhỏ. Năm 2019, chị Christine Trương Vĩnh Tống (cháu nội của người con út Trương Vĩnh Ký) có tặng cho người viết và Thư viện tĩnh Bến Tre một bản sao.

[2] Xem sách “Nhà văn hiện đại”, NXB Thăng Long,1960, trang 37

[3] Xem sách “Trương Vĩnh Ký- Nhà văn hóa”, NXB Hội Nhà Văn, 1993, trang 34-66

[4] Xem Thế kỷ 21 nhìn về Trương Vĩnh Ký, NXB Văn hóa Sài Gòn, 2006, trang 9-10