MỘT SỐ NGÔI TRƯỜNG KỲ CỰU Ở NAM KỲ

Trần Thượng Thủ (cựu GS Petrus Ký)

Lời giới thiệu của tác giả:

Trước hết, tác giả xin được trình với quý vị rằng bài viết dưới đây được hình thành chỉ bằng trí nhớ của người niên kỷ tám bó có dư, bị thúc đẩy bởi ý niệm “ôn cố tri tân”. Nhớ đến đâu thì viết ra đến đó về một số ngôi trường thuộc nền giáo dục phổ thông tại một thuộc địa Pháp trong khoảng thời gian giữa hai trận thể chiến của thể kỷ XX, còn mang danh xưng Nam Kỳ (chưa có tên gọi như Nam bộ, Nam phần Viêt Nam…)

1- Trường Chasseloup Laubat:

mot so ngoi truong 01

Danh xưng lần lượt thay đổi là Jean Jacques Rousseau từ năm học 1951-52 và sau cùng là Trung Tâm Giáo Dục Lê Quý Đôn(?), tọa lạc trên khu đất giới hạn bởi 4 con lộ mang tên thời đó là Chasseloup Laubat (nam), Barbé (tây), Testard (bắc) và Mac Mahon (đông). Có nội trú, cửa sau trổ ra đường Testard còn cửa hông thông ra Barbé.

mot so ngoi truong 02

Từ năm 1928, một số học sinh được đưa sang học trường Pétrus Trương Vĩnh Ký. Dạy đến cấp Tú tài Pháp để thi bằng Brevet de Capacité Correspondant au Baccalauréat Metropolitain, quen gọi tắt là Bachot.

2- Trường Collège de Mytho (còn gọi là Collège Lemyre de Viller):

mot so ngoi truong 03

Khánh thành vào trước Thế chiến thứ nhất, tọa lạc tại châu thành tỉnh Mỹ Tho (Tiền Giang). Dạy hết cấp Cao tiểu, học sinh thi tốt nghiệp với mành bằng Diplôme rồi vào đời hoặc học tiếp ớ trường Pétrus Ky (đầu thập niên 30). Đón nhận học sinh ớ các tỉnh giữa hai sông Tiền và sông Bassac (tiếng gọi sông Hậu ở Campuchia)

3- Trường Collège de Cantho:

mot so ngoi truong 04.jpg

Trường Collège de Cantho dạy hết cấp cao tiểu EPS như trường Collège de Mytho. Đón nhận học sinh các tỉnh thuộc hữu ngạn sông Bassac.

4- Trường Collège des Jeunes Filles de la Cochinchine:

mot so ngoi truong 05

Nữ học đường (trường nữ) quen gọi là Trường áo tím (từ 1944 gọi là trường Gia Long, để đối xứng với trường Trưng Vương ở Hà Nội ?), khánh thành vào năm 1914-1915.

Trong mấy năm đầu các lớp học cấp tiểu học (3 lớp: nhì năm thứ nhất, nhì năm thứ hai và lớp nhứt, cours supérieur nói trại trào lộng là lớp “xúp sọ dừa”). Cô Năm Của là bà giáo kỳ cựu của trường từ lúc khánh thành. Hông trường phía tây đối diện chùa Xá Lợi.

5- Trường Sư phạm Nam kỳ (École Normale d’Instituteurs de la Cochinchine):

Cổng trường mang số 7 đường Docteur Angier (sau đổi thành Nguyễn Bĩnh Khiêm) chạy dọc theo cạnh bắc của Sở thú mà cổng chính trổ ra đại lộ Norodom.

Trường mở khóa đầu tiên vào năm học 1922-1923 để đào tạo thầy cô giáo sơ học (nếu không đậu bằng diplôme) và tiểu học. Trường gồm 3 dãy lầu gồm 2 tầng, tạo hình chữ U. Có amphithéâtre (giảng đường có bậc thang, có phòng chiếu phim với tấm bảng đen có hệ thống dây xích kéo lên cao hoặc hạ xuống thấp).

Sau cuộc di cư 1954, cơ sở trường bị chia thành 3: dãy trung ương, đáy chữ U dành cho Nha Trung Học, cánh hữu (phía tây) làm trường Trưng Vương (từ Hà Nội đưa vào) mà hiệu trưởng là bà Tăng Xuân An, còn cánh tả (phía đông) là trường Võ Trường Toản. Có 2 sân nền bê-tông: 1 sân dùng làm sân bóng chuyền hay vũ cầu (phía Võ Trường Toản) còn sân kia (phía Trưng Vương) dùng làm sân bóng rổ, nên có thời gian trường Petrus Ký “ở đậu Nọt-manh” 9/1941-3/1945.

6- Trường Pétrus Trương Vĩnh Ký (Lycée Pétrus Trương Vĩnh Ký):

mot so ngoi truong 06

Khánh thành cho năm học 1928-1929, tọa lạc trên khu đất rộng, giới hạn bởi 4 con đường: đường Nancy (sau này là Cộng Hòa) (đông), đường Nguyễn Hoàng (bắc) cạnh đường sắt Saigon-Mỹ Tho, đường Thành Thái (nam) và đường Trần Bình Trọng (tây).

mot so ngoi truong 07

Ngoài 3 dãy nhà 2 tầng hình chữ U dành cho trường Pétrus Ký (từ 1975 gọi là Lê Hồng Phong), còn có 1 dãy làm nơi ăn ở cho nam sinh (đến tháng 8-1941, quân Nhật đến chiếm đóng nên trường phải đời đến “ở đậu” với trường Sư Phạm Nam kỳ ở đường Docteur Angier) thì từ năm 1954 làm trụ sở cho trường Đại Học Khoa Học Saigon.

4 ngôi nhà 2 tầng dùng làm tư thất cho Ban giám hiệu trường thời Pháp thuộc: ngôi nhà ở góc Nancy/Nguyễn Hoàng dành cho Hiệu trưởng (proviseur), ngôi nhà ở cạnh cổng nhỏ vào Đại Học Khoa Học dành cho Giám học (censeur), ngôi nhà ở góc Nancy/Thành Thái dành cho Tổng giám thị (surveillant général) và ngôi nhà ở gần đường Nguyễn Hoàng (cạnh hồ nước) dành cho Hội kế viên (économe).

Phía đường Thành Thái, sau 1954, mọc lên cơ sở trường Sư Phạm Nam Việt, trường Trung Thu… còn dãy lầu 2 tầng làm Trung Tâm Học Liệu. Rồi cảnh xô bồ, xô bộn các nhà thoạt tiên dựng lên cho nhu cầu của nhân viên và vài giáo sư dạy tại trường ở phía dọc theo đường Nguyễn Hoàng… Sau 75 loại nhà nầy được luân phiên thay đổi chủ lại còn kèm thêm các nhà phụ (dépendance). Nay so sánh ngôi trường Gia Long với quang cảnh khu đất thoạt tiên dành cho trường Pétrus Ký, người viết không khỏi ngậm ngùi trước cảnh “học đường hoài cổ” mở đầu bằng câu “thế sự xui chi thế đoạn trường. Non sông oằn oại cảnh thê lương…”

7- Trường Huỳnh Khương Ninh (Institution Huynh Khuong Ninh):

Thường được xem như là một tư thục vào hạng lâu đời nhứt ở Đất Hộ (Dakao), nằm cách nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi bằng con đường ngắn Phan Liêm. Kiến trúc chánh là khu nhà lầu 2 tầng với 2 cầu thang gạch ở hai đầu, lót bằng gạch tàu. Song song với khu lầu là dãy trệt cũng là lớp học phụ, văn phòng… Có mái lớp tole che để xe đạp. Tư thục này thọ hơn tất cả tư thục mở ra tại Saiogn – Chợ Lớn (sẽ được giới thiệu ở đoạn tiếp). Hiện nay, trường vẫn còn hoạt động như thường. Trên bảng danh sách giáo sư có đứng lớp tại trường, thấy có tên Tạ Thu Thâu, Minh Hương Lê Võ Đài, Bùi Thị Nga…Tên trường là tên người sáng lập vừa là vị hiệu trưởng của trường, khai giảng ngay từ đầu thập niên 30 (1922) của thế kỷ trước. Trường có mở lớp đệ nhị từ năm học 1969-1970.

8- Trường Chấn Thanh (Institution Chan Thanh):

Tư thục tọa lạc ở vùng Cầu Ông Lãnh, hoạt động từ niên khóa 1933-1934 (?). Cơ sở là vài căn liên tiếp của dãy lầu 2 tầng, nằm ở khu chợ Cầu Muối nên thiếu yên tịnh, do đó trường vĩnh viễn ngưng hoạt động vào năm thế chiến II bùng nổ. Tôi được biết một cậu học sinh trường này, về sau có làm trưởng ty Thanh Niên ở tỉnh Bà Rịa, nay đạt cửu tuần và sống tại Houston.

9- Trường Lycéum Paul Doumer :

Trường này là tư thục, nghe đâu vẫn tọa lạc tại vùng Cầu Ông Lãnh. Chủ trường là một người Pháp lai có vợ Việt, chọn lầm tên trường là tên một chánh khách lẫy lừng Paul Doumer đã làm Toàn quyền Đông Pháp rồi tổng thống Pháp. Khi thấy tên có từ lycéum quá lạ tai nên vào trường, bậm gan tôi đến khoanh tay hỏi thầy giáo thì thầy bảo: đây là từ chỉ loại tư thục dạy từ lớp chót (Lớp Năm, cours Enfantin) lên đến cấp tú tài (cycle secondaire). Yên chí “nhớn”, tôi học thêm được một chữ ít thông dụng.

10- Trường Lycéum Nguyễn Văn Khuê:

Trương bảng tại cơ sở trường Chấn Thanh mới ngưng hoạt động. Lại nghe đâu ông “đít xăng xê ếch lết” – dân quê Bà Rịa- Long Điền nói trại cụm từ Pháp lycencée es-lettres, có nghĩa là cử nhân văn chương – nay về nước giữa tình hình thế giới đang sôi bỏng do Hitler xua quân chiếm liên tiếp miền Rhéanie (tiếng Pháp, còn tiếng Đức là Rheinland: vùng đất Đức trên sông Rhin, chạy dài dọc sông Rhin từ biên giới Pháp đến biên giới Hà Lan), Áo (Autriche và miền Sudètes (1938), rồi miền Bohême-Moravie (1939).

Trường gởi thí sinh dự thi các bằng diplôme, brevet và tú tài với kết quả cũng khả quan… cho đến ngày “nớp mạc ca-răng-xanh” (9 tháng 3 năm 1945), Nhựt đảo chánh Pháp. Sau nầy trường mang nhãn hiệu Trường Bồ Đề Saigon mà hiệu trưởng là Thượng tọa Thích Quảng Liên (1964). Thế là sự giải thích từ lycéum của thầy giáo Hồ Văn Nhãn (dạy tôi ở lớp nhì, trúng ngay chóc!

Hiện nay trường này mang tên trường Trung học cơ sờ Đồng Khởi tọa lạc tại số 11 Phan Văn Trường, Cầu Ông Lãnh, Quận 1, Saigon.

11- Trường Lê Bá Cang (Institution Lê Bá Cang):

Tọa lạc tại dãy phố lầu bên số chẵn, đối diện bên số lẻ là dãy phố có cửa hàng, tòa soạn báo La Lutte của nhóm Đệ tứ Quốc tế (Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Trần Văn Thạch…) và bên kia đường Philippini là khám lớn Saigon với bảng số 169 Lagrandière.

Chủ trường sáng lập là Lê Bá Cang, một trong nhóm 18 sinh viên Việt Nam bị trục xuất từ Paris vì cuộc biểu tình chống vụ thực dân Pháp xử án chém 13 nhà cách mạng của Việt Nam Quốc Dân Đảng ở Yên Bái và cho máy bay dội bom bình địa Cổ Am. Về Saigon, ông cùng các bạn là Hồ Văn Ngà, Trương Văn Huấn, Lê Chí Thiệp… lập ra tư thục Lê Bá Cang, khai giảng vào năm học 1934-1935. Đến thập niên 60, thầy ngồi ở ghế Viện trưởng viện Quốc Gia Giáo Dục trông ra hồ Con rùa.

Ông Đỗ Bá Khê – 1 nhà nghiên cứu về mô hình Viện đại học trước 75 là một cựu học sinh của trường Lê Bá Cang ở lứa 1936-1940, rồi ở trường Pétrus Ký (1940-1943). Về phần Ban giảng huấn của trường Lê Bá Cang, có giáo sư Lê Chí Thiệp (sau 1945 vào dạy ở trường Pétrus Ký) -người viết quyển Triết Học Bergson. Còn cử nhân vạn vật là giáo sư Trương Văn Huấn đứng bục giảng ở Đại học Saigon, ngụ ở nhà lầu đầu ngõ vào trường ở phía ngoài Đại học Khoa Học Saigon.

12- Trường Đồng Nai (Institution Đong Nai):

Dạy từ lớp 1 đến lớp 11, Hiệu trưởng là ông cử nhân văn chương Kiều Công Gia. Thời VNCH, tác giả có gặp ông đôi lần và trường Đồng Nai dời về gần nhà ương cây bên hông vườn Tao Đàn. Ông vẫn tiếp tục nghề “gõ đầu… thanh niên” với giọng nói vẫn rổn rảng như thuở nào, thân mình vẫn quắc thước, có dạy riêng trong một số giờ cho 5-7 môn đệ.

13- Trường Bassac (Instutition Bassac):

Qua tên gọi, người viết có thể đón mò mà chẳng sai: trường nầy tọa lạc ở “miệt dưới”, tức là các tỉnh nằm về hữu ngạn sông Bassac (sông Hậu) như: Bạc Liêu, Cần Thơ, Long Xuyên, Sóc Trăng… hay rõ ràng hơn là ở vùng Tây đô (địa danh chi châu thành Cần Thơ).

14- Trường Nam Hưng (Institution Nam Hưng):

Trường tư thục “đèn lái” (sau chót) tọa lạc trong châu thành Cần Thơ thuộc danh sách của 14 ngôi trường kỳ cựu.

Đến đây, thiết tưởng thầy giáo quá ngưỡng bát tuần như tôi có thể chấm ”oong boong phi nanh” (un point final) có ký hiệu (./.). “Đắc co”? (D’accord?), quý vị có chấp thuận không?

Xin ghi thêm câu tếu dùng kết thúc bài viết này, bằng cách ghép các con chữ đầu của danh xưng 4 ngôi trường kỳ cựu trên đây để bài viết được khoác nét vui tươi hơn. Câu 8 chữ nầy như sau: ỉa bậy (Instutition Bassac), chó cò (Collège de Cần Thơ), chó mực (Collège de Mỹ Tho), ních hết (Instituion Nam Hưng).

Trần Thượng Thủ

(nguồn: FB Nguyễn Thục Đoan)