Trong bài dưới đây, tôi xin trình bày về một số nguyên tắc, mà chúng ta thường gọi là quy chế hành nghề y khoa và các luật lệ hành nghề, các nguyên tắc đạo đức mà các bác sĩ hay các cá nhân hành nghề trong các ngành liên hệ với y khoa phải tuân theo.

Qua cách thức đào tạo và quy chế hành nghề chặt chẽ, người ta mới biết những người theo ngành học y khoa, nhất là các bậc đàn anh, đàn chị, đã phải vất vả như thế nào nên khi ra hải ngoại, hầu hết các vị đó đã thi tương đương và hành nghề rất thành công rực rỡ và gây tiếng tốt cho người Việt Nam tại hải ngoại.

Trước năm 1975, miền Nam Việt Nam tức Việt Nam Cộng Hòa với dân số gần 20 triệu người, mà chỉ có gần 2500 bác sĩ mà thôi, đa số lại bị động viên vì chiến tranh (trưng tập), phục vụ trong các đơn vị quân đội, chỉ có một số ít được phục vụ tại các bệnh viện thuộc Bộ YTế hay mở phòng mạch tư toàn thời gian sau khi giải ngũ hay hưu trí (tỉ lệ là 1bs/10.000 dân).

Có nhiều người thắc mắc về các danh xưng của các bác sĩ, lúc thì là y sĩ, lúc là bác sĩ, lại thêm dân y, quân y, trưng tập… vì họ không hiểu rõ về hệ thống tổ chức của ngành y khoa, nhất là do hệ thống quân y lại song hành với ngành dân y, thế nào là y sĩ, thế nào là quân y sĩ (y sĩ chuẩn tướng, y sĩ đại tá, y sĩ trung úy…) họ không phải là bác sĩ sao? Bài viết nầy xin được phân tích và trả lời các vấn đề trên.

Thực sự, trong quân đội và dân sự chỉ có chuyên nghiệp y sĩ là người điều trị bệnh nhân (medecin, hệ thống Pháp; physician, hệ thống Mỹ). Còn danh xưng bác sĩ chỉ là tước vị của các người tốt nghiệp y sĩ sau khi trình luận án và được cấp bằng tiến sĩ y khoa (docteur en medecine, doctor of medicine, MD). Khi hành nghề trị bệnh, những vị nầy vẫn là y sĩ (nghiệp vụ) và tước vị tiến sĩ của họ là tiến sĩ y khoa (mà Việt Nam gọi là bác sĩ), vậy chữ bác sĩ chỉ có nghĩa là tiến sĩ y khoa. Tóm lại, với Việt Nam Cộng Hòa, các người hành nghề chữa bệnh của y khoa, của dân y hay quân y đều gọi là y sĩ, trong đó có những người đã trình luận án và được cấp bằng Tiến Sĩ Y Khoa Quốc Gia (National Doctor of Medecine).

Cũng xin phân biệt rõ là miền Nam (Việt Nam Cộng Hòa) trước 1975 không hề có những y sĩ xuất thân từ y tá với trình độ rất thấp như trong chế độ cộng sản. Trái lại, tại miền Nam chỉ có ngành trợ y để huấn luyện cấp tốc một số sĩ quan làm nhiệm vụ tải thương trên chiến trường, vì không đủ y sĩ, bác sĩ để đảm nhiệm công tác nầy

Chương Trình Đào Tạo Các Bác Sĩ Ở Miền Nam

Trước nhất, xin nói sơ qua về trình độ các bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ và nữ hộ sinh quốc gia miền Nam trước năm 1975. Khi thành lập trường Y Khoa Đông Dương thời Pháp, mặc dù đa số dân Việt Nam còn trình độ học vấn thấp nhưng chánh phủ Pháp đã tuyển chọn các sinh viên theo học Đại Học Y Dược phải có trình độ văn hóa cao (tú tài).

Figure 1

Figure 2

Trường Đại Học Y Khoa ở ngoài Bắc nầy, sau năm 1954, đã di chuyển vào miền Nam và đặt trụ sở trên đường Trần Quí Cáp Saigon và đa số giáo sư và giảng sư đều di cư vào Nam như các giáo sư Phạm Biểu Tâm, Trần Anh, Ngô Gia Hy, Nguyễn Huy Can, Nguyễn Hữu… và tiếp tục đào tạo các bác sĩ cho dân y và quân y miền Nam. Các sinh viên quân y vẫn học tại Đại Học Y Khoa Saigon, chứ không học tại trường quân y như nhiều người dân thường lầm, nhưng họ tình nguyện gia nhập quân y và khi ra trường sẽ phục vụ cho quân đội như là các quân y sĩ, và những bác sĩ quân y hiện dịch nầy thường đảm nhận những chức vụ chỉ huy cao cấp trong hệ thống Quân Y Việt Nam Cộng Hòa. Vì ảnh hưởng Pháp, nên trước năm 1960, Đại Học Y Khoa Saigon vẫn theo chương trình giảng huấn của Pháp. Sau năm 1960, Mỹ tăng viện cho Việt Nam Cộng Hòa, đặc biệt là sách vở và các dụng cụ y khoa nên chương trình huấn luyện y khoa bị ảnh hưởng mạnh. Cùng thời gian đó, năm 1957, LM Cao Văn Luận được Tổng Thống Ngô Đình Diệm bổ làm Viện Trưởng Viện Đại Học Huế và Ngài đã đi các nước vận động thành lập trường Đại Học Y Khoa Huế (mà khóa đầu tiên ở đây năm 1960) cũng theo khuynh hướng Đức và Mỹ, ra trường năm 1967. Đến năm 1970, Đại Học Y Khoa tư Minh Đức (do Giáo Hội Công Giáo khởi xướng) được thành lập tại Saigon. Sau năm 1975, Đại Học Y Khoa Minh Đức bị giải tán, sinh viên sáp nhập vào trường Y Khoa Saigon.

Trước năm 1962, muốn học Đại Học Y Khoa Saigon, phải theo học một năm dự bị tại Đại Học Khoa Học Saigon. Do thiếu cơ sở trường phải mượn cơ sở của trường Trung Học Petrus Ký tổ chức lớp PCB (physique, chimie, biologie, Lý- Hóa- Sinh). Sau khi đỗ chứng chỉ Lý- Hóa- Sinh mới được vào năm thứ nhất Y Khoa. Sau năm 1962, có thay đổi, Đại Học Y Khoa nhờ Đại Học Khoa Học mở dùm một lớp Dự Bị Y Khoa (APM) với chứng chỉ Lý Hóa Nhiên (SPCN) chú trọng nhiều về sinh vật học (biologie). Số sinh viên được tuyển là 200, rơi rớt dọc đường còn độ 150 – 180 ra trường bác sĩ Việt Nam. Khóa đầu tiên theo chương trình mới APM nầy năm 1962, ra trường năm 1969.

Chương trình huấn luyện y khoa gồm sáu năm, không kể năm dự bị: gồm hai năm đầu học về các môn học căn bản y khoa (cơ thể học, sinh lý học, sinh hóa học); hai năm sau (năm thứ ba, năm thứ tư ) học về bệnh lý (nội khoa, ngoại khoa, nhi khoa, sản khoa) được đi thực tập tại bệnh viện; hai năm chót (năm thứ năm, năm thứ sáu) học về trị liệu và thực tập tại các khu chuyên khoa tại các bệnh viện (nội trú và ngoại trú). Riêng năm thứ năm, khi tôi theo học có thêm các môn Y khoa phòng ngừa, Pháp y, Nghĩa Vụ Luận, Pharmacology (dược lý học), toxicology (độc dược học). Năm thứ sáu tiếp tục thực tập về trị liệu tại các khu chuyên môn và phải sửa soạn thi tốt nghiệp, gồm bốn môn bệnh lý nội khoa, ngoại khoa, sản khoa và nhi khoa. Sau khi đậu các kỳ thi bệnh lý sẽ được cấp chứng chỉ tốt nghiệp và hai tháng sau được quyền trình luận án. Sau khi các giáo sư chánh chủ khảo và các giám khảo chất vấn, nếu luận án được chấp nhận, sinh viên sẽ được cấp chứng chỉ tốt nghiệp văn bằng Bác sĩ Tiến Sĩ Y Khoa Quốc Gia (Docteur en Medecine Diplome d’État) và được xin gia nhập Y sĩ đoàn và xin mở phòng mạch tư.

Một thời gian sau khi được Bộ Quốc Gia Giáo Dục phê duyệt, sinh viên mới được nhận văn bằng Tiến Sĩ Y Khoa Quốc Gia (Bác Sĩ).

Đến đây còn phải qua giai đoạn xin hành nghề thông qua y sĩ đoàn (để mở phòng mạch) và phải nộp đơn ghi tên vào danh sách y sĩ đoàn và y sĩ đoàn sẽ cấp cho giấy phép hành nghề.

Những Phương Cách Hành Nghề Trong Quân Y Và Dân Y

Với bất cứ chánh phủ nào cũng có hai ngành hành nghề y khoa: Quân y và Dân y. Dân y thì sau khi tốt nghiệp các bác sĩ có quyền mở phòng mạch tư, làm việc cho các bệnh viện tư hay các cơ sở, công ty tư, hay với Bộ Y tế (các bệnh viện, chẩn y viện…), với các trường y khoa (đại học y khoa, Nữ Hộ sinh Quốc gia, điều dưỡng, y tá, y tá gây mê). Trước năm 1975, các bác sĩ, dược sĩ, nha sĩ khi mới ra trường phải phục vụ trong Bộ Y Tế một thời gian là hai năm, và sau đó, có quyền ra mở phòng mạch tư. Nhưng sau nầy, vì chiến tranh, các bác sĩ dân y cũng bị trưng tập động viên vào quân đội để phục vụ quân đội. Còn bác sĩ quân y hiện dịch thì dĩ nhiên phải làm việc cho quân đội theo đúng khế ước (một năm học thì hai năm phục vụ cho quân đội) nhưng vì tình hình chiến tranh liên tục, nhu cầu bác sĩ cần cho quân đội luôn luôn cao nên ít có bác sĩ được giải ngũ.

Theo chế độ quân y Pháp thì khi ra trường (quân y hay dân y bị trưng tập) các bác sĩ, nha sĩ hay dược sĩ được đeo lon trung úy và hưởng lương với cấp bậc tương ứng và sẽ được thăng cấp tùy thâm niên quân vụ hay tùy nhu cầu cấp số. Trái lại, theo chế độ quân y Mỹ, các bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ quân y ra trường được đeo lon Thiếu tá; còn các bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ đi quân dịch chỉ hưởng cấp bậc binh nhì trong thời gian tập luyện quân sự cơ bản; còn bị trưng tập động viên trong thời chiến tranh thì được đeo lon Thiếu tá và sẽ được thăng cấp tùy thâm niên quân vụ hay tùy nhu cầu cấp bậc đòi hỏi.

Sau khi di cư vào Nam năm 1954 thì đến năm 1955 Đại Học Y Khoa Việt Nam (Saigon) mở lại khóa đầu tiên, tốt nghiệp năm 1960. Vì Quân Y Việt Nam ảnh hưởng ngành quân y của Pháp nên khi ra trường, các bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ cũng được hưởng cấp bậc sơ khởi là Trung úy. Việc cho hưởng cấp bậc cao chỉ nhằm hai mục đích là khuyến khích các sinh viên Y khoa gia nhập quân đội và tạo quyền thế cho các bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ. Theo chế độ quân y của Pháp các sinh viên y khoa xin gia nhập quân đội (quân y) thì được hưởng cấp bậc sinh viên quân y và mang cấp bậc tùy theo năm lớp và hưởng lương tương xứng: thượng sĩ, năm thứ 1; chuẩn úy, năm thứ 2, thứ 3; thiếu úy, năm thứ 4, thứ 5; trung úy, năm thứ 6.

Bác Sĩ Ra Trường Sớm

Trường Đại học Y khoa di cư vào Nam gồm các năm thứ nhất đến thứ sáu đã được tiếp tục học tại Đại Học Y Khoa Saigon. Các bác sĩ ra trường sớm, được phục vụ với tư cách y sĩ trung úy, sau đó mới trở lại trường để thi bệnh lý (của năm thứ sáu) và sau đó trình luận án. Sau năm 1961 (sau khi di cư vào Nam), chiến tranh tạm hòa hoãn vì hiệp định đình chiến chia đôi đất nước, năm 1954 hai miền Nam Bắc còn bận lo củng cố chính quyền tại miền Nam, các khóa bác sĩ quân y được học hết năm thứ sáu, được thi bệnh lý rồi mới được điều động ra đơn vị. Vì chiến tranh lan rộng, nhu cầu cần nhiều bác sĩ cho các đơn vị quân đội nên có khóa sinh viên quân y hiện dịch mới chỉ học hết năm thứ 5 đã được lệnh ra đơn vị sớm. Còn anh em bác sĩ dân y thì cũng vì nhu cầu phục vụ nên họ cũng bị trưng tập vào quân đội. Còn nếu được hoãn dịch thì phải đi phục vụ tại các bệnh viện dân sự 2 năm rồi mới được cho phép mở phòng mạch hay làm việc tại các cơ sở y tế, hay ứng tuyển làm nhân viên giảng huấn Đại Học Y Khoa Saigon hay các trường y khoa trung cấp (điều dưỡng, y tá….) Về lương bổng, các bác sĩ chưa trình luận án thì chỉ số lương bổng chỉ được 510, nếu đã trình luận án thì chỉ số lương là 690.

Trước năm 1967, các bác sĩ dân y khi bị trưng tập vào quân đội thì được hưởng lương trung úy và khi thăng lên đại úy, hưởng lương đại úy và một số tiền phụ cấp quân y. Khi tôi bị động viên vào khóa 12 trưng tập lúc đó do nghị định của Chủ Tịch Hành Pháp Trung Ương ký, thì các dân y sĩ bị trưng dụng vào quân đội sẽ được hưởng lương như sau:

– Y sĩ trung úy bậc 5 (chỉ số 590) nếu chưa trình luận án.

Y sĩ trung úy bậc 7 (chỉ số 690) nếu đã trình luận án. Tôi được hưởng chỉ số 690 vì đã trình luận án rồi. Khoảng tháng 3, 1972 tôi được lên đại úy và được hưởng lương y sĩ đại úy bậc 6, chỉ số 720. Đơn vị tôi chỉ có tôi và đại tá tư lệnh lãnh lương cao nhất. Sau nầy, Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm lại ký nghị định mới ấn định các y sĩ quân đội chỉ được hưởng lương cấp bậc như các sĩ quan khác (ngoài quân y), nhưng các bác sĩ được hưởng phụ cấp quân y mỗi tháng 8.000$. Vào đầu năm 1975, tôi được hưởng lương khoảng 40.000$/ tháng. Được biết các nha sĩ, dược sĩ ở dân sự có chỉ số lương là 550, còn các người tốt nghiệp cao học hành chánh thì lương chỉ số 510. Được biết, lương của một phó quận trưởng (gốc đốc sự hành chánh) có chỉ số 430, cùng với phụ cấp, được lãnh khoảng 33.000$/tháng trong khi quận trưởng (gốc sĩ quan quân đội, thời chiến tranh cần các sĩ quan quân đội đảm nhiệm các nhiệm vụ hành chánh để đáp ứng tình hình chánh trị và quân sự) và các sĩ quan thường phải qua một khóa huấn luyện gọi là quân chính với số lương khoảng 40.000$… Còn với công chức cao cấp từ giám đốc đến tổng giám đốc và quân đội, cấp đại tá, với chức vụ chỉ huy, kể cả phụ cấp khoảng độ 50.000$. Các quân y sĩ (bác sĩ quân y), hiện dịch hay trừ bị (trưng tập) phải có giấy phép của Bộ Tổng Tham Mưu (do Đại Tướng Cao Văn Viên ký) mới được xin mở phòng mạch tư (thường là gần đơn vị phục vụ). Các quân y sĩ (hiện dịch, không phải y sĩ dân y trưng tập) nguyên là những sinh viên tình nguyện gia nhập quân đội thì vì có ký khế ước cứ một năm học hưởng lương quân y thì phải phục vụ quân đội 2 năm, trước năm 1963, thì không được mở phòng mạch, nhưng sau nầy, vì thiếu bác sĩ, dân chúng cần bác sĩ săn sóc, nên Bộ Tổng Tham Mưu cũng cho phép mở phòng mạch tư ngoài giờ làm việc, nhất là ở vùng ngoại ô hay các tỉnh, huyện nhỏ. Trước năm 1975, vì thiếu y sĩ nên các bác sĩ chưa thi xong bệnh lý hay chưa kịp trình luận án, mới ra trường đã có job rồi, và sau nầy, khi có hoàn cảnh mới trình luận án sau.

Ngay đến ở Saigon, vì thiếu y sĩ (vì bị trưng dụng vào quân đội, nên mỗi năm Tòa Đô Chính cũng phải tuyển dụng một số sinh viên y khoa năm thứ 6 (khoảng 20-30 người) để phục vụ tại các chẩn y viện, đặc biệt là những phiên trực gác với chức vụ y sĩ… Mỗi ngày, những “bác sĩ” nầy làm việc (bán thời gian), khám bệnh 2-3 giờ vào buổi sáng (từ 7 đến 9 giờ) trước khi đến bệnh viện thực tập tiếp về bệnh lý và phải trực cấp cứu mỗi tuần một lần, lương trả khoán mỗi tháng khoảng 4.000$. Lúc đó tôi có làm tại Chẩn y viện Chánh Hưng với bác sĩ trưởng là bác sĩ Lưu Đức Thụ và trực tại Chẩn y viện Phú Lâm (với bác sĩ trưởng là bác sĩ Nguyễn Hữu Thư) từ đầu năm 1968 đến đầu năm 1969. Các bác sĩ Thụ và Thư là y sĩ trung tá quân đội biệt phái, sau cuộc tấn công Tết Mậu Thân của Việt Cộng.

Trình Luận Án Chậm Vì Kéo Dài Thời Gian Làm Nội Trú Tại Bệnh Viện

Có nhiều bác sĩ kể cả các giáo sư vì thời cuộc chiến tranh, vì nhu cầu đảm nhận chức vụ nội trú ở các bệnh viện:

– GS Phạm Biểu Tâm (cựu nội trú bệnh viện tại Hà Nội). Đúng ra GS đã trình luận án vào đầu năm 1941 nhưng vì nhu cầu, phải làm nội trú thêm 4, 5 năm nên sau nầy GS mới trình luận án vào năm 1947 (tổng cộng thời gian nội trú 8 năm).

– BS Bùi Mộng Hùng (YK59) trình luận án năm 1963 (tổng cộng thời gian nội trú 6 năm).

– BS Trần Xuân Ninh (YK63) trình luận án năm 1967 (tổng cộng thời gian nội trú 6 năm).

Trình Luận Án Chậm Vì Công Vụ

BS Văn Văn Của (YK55): Ông học năm thứ 6 vào năm 1955 và đầu năm 1956 bị trưng tập vào quân đội với cấp bậc Y sĩ trung úy trừ bị, gia nhập binh chủng Nhảy dù, giữ chức Y sĩ trưởng Nhảy dù; cuối cùng được bổ nhiệm làm Đô trưởng Saigon, thời Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ làm Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương (1965-1968). Sau đó, ô n g trình luận án đầu năm 1969 rồi làm Viện Trưởng Viện Quốc Gia Y Tế Công Cộng Saigon. Sau năm 1975, ông bị tù cải tạo. Sau khi được thả về năm 1979, ông làm việc tại Bệnh Viện Da Liễu chung với tôi. Sau đó ông được bảo lãnh qua Pháp để đoàn tụ gia đình. Sau nầy, ông có đến thăm gia đình và bạn bè tại Mỹ. Ông đã mất tại Pháp cách đây trên 10 năm.

– BS Bùi Thế Cầu (YK60): Trình luận án năm 1970, cũng gia nhập binh chủng Nhảy dù, sau giữ chức vụ Tỉnh trưởng Gia Định.

– BS Bùi Hoành (YK59): Trình luận án năm 1964, vì công vụ, nguyên tỉnh trưởng Quảng Ngãi.

Không Trình Luận Án Và Không Hành Nghề Y Khoa

Có một số bác sĩ đã tốt nghiệp y khoa nhưng không trình luận án và không ghi tên gia nhập y sĩ đoàn, không hành nghề y khoa. Đó là trường hợp các bác sĩ Trần Kim Tuyến và Trương Khuê Quan.

– BS Trần Kim Tuyến: thuộc Quân Y khóa 1, tốt nghiệp năm 1955, ra đơn vị phục vụ chừng một năm rồi được điều về Phủ Tổng Thống (Ngô Đình Diệm) đặc trách Sở Nghiên Cứu Xã Hội Chánh Trị phủ Tổng Thống và từng trực tiếp làm việc với Tổng Thống Ngô Đình Diệm và Cố Vấn Ngô Đình Nhu. Tuy chức vụ bề ngoài chỉ là một giám đốc một sở Nghiên Cứu Xã Hội Chánh Trị nhưng vai trò của ông trong ngành tình báo của chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa rất quan trọng. Trước cuộc đảo chánh năm 1963, ông được cử đi làm Tổng Lãnh Sự Việt Nam tại Ai Cập… Sau năm 1975, ông kịp thoát thân ra hải ngoại và định cư tại Luân Đốn, Anh Quốc.

– BS Trương Khuê Quan (YK57): y sĩ đại tá Trương Khuê Quan ra trường năm 1957, bị trưng tập với cấp bậc trung úy y sĩ, phục vụ tại miền Trung, đóng tại Ban Mê Thuột, ngoài việc hành nghề y khoa, ông còn chú trọng về nghề chăn nuôi: lập trại chăn nuôi và nuôi cá để giúp lính tráng có thực phẩm tươi. Khi Tổng Thống Diệm ra kinh lý tại Ban Mê Thuột (năm 1958), thấy ông phục vụ tốt và có sáng kiến kinh tế, xã hội (giúp binh sĩ và gia đình). Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã thăng cấp từ trung úy lên trung tá (trung uý y sĩ, đại úy thực thụ rồi lên trung tá giả định) cho ông làm Cục Trưởng Cục Xã Hội. Vì chức vụ cục trưởng là cấp chỉ huy cần cấp bậc cao nên Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã thăng cấp (giả định) cho Bác sĩ Trương Khuê Quan như vậy. Bác sĩ Quan sau nầy đã vận động thành lập trường Quốc Gia Nghĩa Tử tại Saigon, trên đường Nguyễn Văn Thoại nối dài (giữa Lê Văn Duyệt và Lăng Cha Cả, Tân Sơn Nhứt) thu nhận các con cái của các chiến sĩ hy sinh vì tổ quốc. Trường nầy đã do công sức và đóng góp của một số người hảo tâm và tặng lại cho Bộ Quốc Phòng. Sau Bác sĩ Trương Khuê Quan được thăng y sĩ đại tá thực thụ và được bổ nhiệm làm Viện Trưởng Quốc Gia Nghĩa Tử và chức vụ y sĩ đại tá là chức vụ ông mang lâu nhất trong các bác sĩ Việt Nam Cộng Hòa, nhưng thực tế, sau khi tham gia công tác xã hội như vậy, ông không còn thì giờ hành nghề bác sĩ y khoa. Các học sinh Quốc Gia Nghĩa Tử đều mang ơn và cám ơn ông. Nhạc sĩ Trần Quảng Nam ở San Jose chính là một cựu học sinh Quốc Gia Nghĩa Tử, là một trong những học sinh luôn nhớ công ơn ông.

Đôi Nét Về Hành Nghề Sau 1975 (Cộng Sản)

Y khoa sau năm 1975 chỉ học 6 năm (không có dự bị) Ra trường được cấp chứng chỉ tạm thời, phải phục vụ tại các tỉnh 2 năm với số lương 75% lương khởi đầu. Hai năm sau mới được phát văn bằng bác sĩ y khoa, nếu không đi làm 2 năm đầu nầy thì không được cấp bằng bác sĩ.

Không có y sĩ đoàn “quản lý”. Nếu muốn mở phòng mạch tư phải làm đơn xin và được Sở Y Tế cấp phép. Thực ra lúc đầu không có hành nghề tư vì chế độ cộng sản chỉ có công vụ mà không có tư hữu, mãi sau nầy, thấy không thể thực hiện chế độ công xã (vì các bác sĩ và mọi ngành nghề đều làm việc lấy lệ) nên nhà nước phải cho mở phòng mạch tư và cho buôn bán tư hữu “theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, lúc đó mới có chuyện cho mở phòng mạch bác sĩ.

Tóm lại, với sự chăm lo giảng dạy của các thầy (giáo sư, giảng sư…) các sinh viên được khuyến khích học hành giỏi giang nên các bác sĩ xuất thân trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa đều có trình độ cao. Sau nầy, vì hoàn cảnh đất nước thay đổi, các bác sĩ phải xuất ngoại (vượt biên) ra nước ngoài, đa số có hoàn cảnh và có đủ khả năng học lại các bằng tương đưng (Mỹ, Pháp, Úc…, hành nghề lại hải ngoại, làm rạng danh ngành y khoa Việt Nam Cộng Hòa, làm cho tập thể người Việt tị nạn được thơm lây.